Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

" văn chương để làm gì ? "/ Vĩnh Anh -- trích : http://vanchuongviet.org.inde... (tphcm) -

 


Văn chương để làm gì?
Vinh Anh

 

Đọc trên mạng, thấy nhà báo Lê Phú Khải xin ra khỏi Văn đoàn độc lập, nghĩ ngay về cái sự bất đồng khi ông lên tiếng phê phán về việc trao giải thơ của Văn đoàn. Những bài thơ, mà tôi nghĩ, những người lứa tuổi tôi, đọc không vào. Tôi ngầm đồng ý với lý lẽ của Lê Phú Khải nhưng nghĩ khác ông, cái mà ta gọi là thơ hôm nay nó rộng lắm, rộng đến cỡ nào, tôi không biết và chắc cũng khối nhà thơ Việt Nam, cũng chẳng biết. Nhưng không nghĩ mâu thuẫn lại lớn vậy, lớn đến nỗi đã khác hẳn nhau về tư tưởng, cái tư tưởng không có điểm chung, nghĩa là đường lối, quan niệm, cách hiểu và cả cách làm đã khác nhau. Khác nhau đến nỗi không thể cùng sống chung với nhau được, vậy là phải chia ly. Tôi chẳng thích cái sự chia ly đó. Chẳng thích sự chia ly ở những con người với những đức tính đặc biệt đó, những con người mà tôi ngưỡng mộ. Dẫu sao ở đây, ở ngay cái Văn đoàn độc lập ấy, chứng tỏ có sự khác biệt xảy ra ở nước ta, đó là sự tranh luận tự do của những người tham gia cuộc chơi. Có lẽ ở diễn đàn đó, họ được nói hết những gì mình nghĩ. “Chắc trên đời chẳng có gì dân chủ bằng văn chương. Đọc hay không thèm đọc, thích hay không, chả ai cấm hay bắt buộc được ai. Và ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình, thậm chí tranh luận quyết liệt “Nguyên Ngọc”. Điều đó thể hiện trong mọi phương diện, luôn có sự bất đồng. Có bất đồng là tất yếu có mâu thuẫn. Có mâu thuẫn nên có tranh luận, phản biện, mà theo tôi đọc và hiểu, cái sự phản biện này nó còn lớn hơn cả “phản biện” nữa cơ.

 

Về phần tôi, tôi đọc những bài thơ được tặng thưởng, quả thật tôi không thấy hay. Nó không hợp cái giọng điệu (cái gu) của tôi từ xưa đến nay, nên tôi không thích. Nhưng để phản đối nó, tôi do dự, vì tôi có biết các trường phái thơ là thế nào đâu. Cái cũ kỹ trong tôi nó vẫn là… cũ kỹ. Tôi sợ những cách tân là của đi vay, đi mượn, để có nhiều khi, chính mình là người Việt, đọc thơ Việt nhưng lại phải nhờ đến Đỗ Hoàng dịch lại để cho thông tỏ.

Cái muốn nói ở đây là cái mới tiếp thụ được. Cũng lại phải bàn về người tiếp thụ sản phẩm đó nữa. Ôi chao, đã không ưa, không thích thì nó sinh ra lắm chuyện. Tôi cũng sợ những loại thơ, văn mà các nhà cách tân hoặc học đòi cách tân sản xuất ra. Tôi đọc những câu thơ bậc thang của Mai-a-cốp-ski từ năm 10 tuổi và cũng khoảng thời gian đó, 1954-1955, tôi đọc thơ bậc thang của Trần Dần. Trong cái đầu non nớt ngày đó, tôi cho là ông Trần Dần cóp lại của ông Mai-a. Hoặc như sau này có đọc cuốn sách của Y Ban, chị ấy viết liền tù tì mấy trăm trang và không xuống dòng. Thú thật, sau này đọc lại, cũng không thích. Đấy là cá nhân tôi, đấy là cái “gu” của tôi (Tôi dùng chữ “học đòi” là vì cũng võ vẽ biết, nó không phải là phát minh ở nước mình, không có bằng sáng chế mang nhãn hiệu nước mình. Cũng may, trên văn đàn nước nhà hiện nay, những loại thơ, văn đó không nhiều. Tôi cũng không đồng ý với kiểu phê phán những người đọc không hiểu là thuộc dạng “dị ứng với cái mới” hoặc nặng nề hơn, bom tấn hơn, là thuộc loại ngu dốt. Nhưng tôi rất đồng ý với In-sa-ra “Không phải hễ có học, nhiều chữ nghĩa, hay mang danh trí thức là rành văn chương”.

 

Tôi không hiểu câu Rien n’est plus difficile que d’écrire facil mà anh Lê Phú Khải dẫn và Nguyên Ngọc dịch là “Không gì khó bằng viết dễ”, chứ không phải như Lê Phú Khải dịch là“Không gì khó bằng viết (cho) dễ hiểu”. Hai câu chỉ khác nhau một từ nhưng ý thì khác nhau xa đấy! (Nguyên Ngọc). Câu dịch của Lê Phú Khải thấy thuận tai hơn câu dịch của Nguyên Ngọc, nhưng (có phải) lại sai? Cứ cảm như họ chơi chữ với nhau, kẻ ngoại đạo chỉ biết ngồi nghe và nghĩ, thà các ông đừng trích dẫn, loại thứ dân đây không thiết. Nhà em là ngại nhất những trích dẫn. Trích dẫn tức là đã có phần nào đó tôn người ta làm sự phụ.

 Nhưng dông dài mà nói, văn chương để phục vụ số đông nên cần viết dễ hiểu. Văn chương dòng bác học (không hiểu có dòng văn như kiểu nhạc giao hưởng hay không) thì để cho các nhà bác học đọc. Nhà em thuộc về số đông, chỉ đọc và hiểu những thứ dễ, nhưng tôi cũng không phản đối Nguyên Ngọc: dễ hiểu không phải là một tiêu chí của văn học (hay nghệ thuật) nhất là văn học nghệ thuật hay. Chỉ có câu cuối là nhà em không đồng ý: “Nhất là văn học nghệ thuật hay”. Nhà em nghĩ hay mà dễ hiểu thì càng hay chứ sao!

Còn mục đích của văn chương hay như câu hỏi Văn chương để làm gì cũng vậy, tôi nghĩ,
“văn là người” và văn chương có tác dụng “khai dân trí”. Những người viết văn, những người đọc văn có thể tâm hồn mang hơi hướm con người với ý nhân bản nhiều hơn. Ở đây tôi cũng ủng hộ thái độ quyết liệt của Paul Nguyễn Hoàng Đức, khi ông coi đa số các nhà văn hiện nay đều thuộc dạng “quốc doanh, mậu dịch”. Rất nhiều người ca ngợi Nguyễn Minh Châu, khi nói về một thời văn chương minh họa, nhưng rất lạ, họ lại vẫn rất “quốc doanh, mậu dịch”. Nếu không đòi hỏi qua cao và trong tình hình kiểm duyệt văn chương gắt gao như hiện nay, tôi nghĩ Văn đoàn cũng là một hội đoàn văn chương của một nhóm người, có tiếng nói ngược chiều của mình khác với dòng văn chương bao cấp chính thống. Chỉ có điều, sao mãi nó vẫn chỉ là cái “ban vận động”. Phải chăng, cũng như những cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay, các bác trong văn đoàn cũng mệt mỏi. Một khi không phát triển được thì rồi chắc cũng sẽ bị quên lãng với thời gian. Nền văn chương nước nhà rất cần có sự đổi mới ở tất cả các hội đoàn.

Vinh Anh-2/8/19

 

 

 

Thi hào Goethe nói “Sự cấp tiến ở tuổi già là biểu hiện cao nhất của mọi thứ điên rồ”. Người Việt có câu “Trẻ xông pha, già gương mẫu” (Paul NHĐ trích)

Bài của Nguyên Ngọc: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa!”. Làm công cụ, tức minh họa, không thể khác. Trước đây, anh dại dột cắm cúi minh họa cho các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Bây giờ, cũng y như thế, anh lại cắm cúi minh họa cho những chủ trương, hành động chống lại những điều trước đây anh đã cắm đầu cắm cổ ca ngợi, cổ vũ. Chẳng lẽ văn học chỉ có thể hết làm tay sai viết thuê cho “phe” này lại đến làm tay phát ngôn tận tụy cho “phái” khác sao. Tôi nghĩ dù đôi khi làm ra vẻ oai phong, nhưng thường tự trong thâm tâm sâu xa mỗi người cầm bút đều luôn có mặc cảm thầm kín: mình có thật sự đủ tài năng cho sứ mệnh quá to lớn mà mình đã liều mình tự nguyện gánh vác không. Bởi vì quả thật văn học mang sứ mệnh rất to lớn. Với tư cách công dân, lâu nay các thành viên Văn đoàn chưa bao giờ vắng mặt trong các cuộc đấu tranh xã hội cần thiết. Song đồng thời họ biết sứ mệnh to lớn và sâu xa của họ là điều gì đó lâu dài và căn bản hơn nhiều: góp phần cho sự giàu có, trong lành, thanh sạch, cho sự phục hồi nhân cách Việt đã bị bao nhiêu thứ lý thuyết (và cả thực hành) nhiễu loạn tàn phá bao nhiêu năm nay. Đấy chính là điều anh bạn từ xa đến thăm anh chị em chúng tôi vừa rồi đã gọi là chức năng “khai dân trí”.

Chúng tôi đã ra sức vận động cho sự ra đời của một tổ chức văn học theo tôn chỉ Tự do và Nhân bản, cũng chính là vì mục đích tha thiết đó: Khai dân trí, bằng con đường của mình, Văn học, góp phần tích cực nhất cho sự hình thành một nhân cách Việt xứng đáng và đủ sức đứng cùng nhân loại năm châu.

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 25

---------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ