Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

bài đọc thêm (4) : " VĂN QUANG [ 1933- 2022 ] -- trích: Phan Nguyên Blog ( Paris) -- Saturday, 21 May 2016.

 





Văn Quang (1933 - 2022)











Văn Quang
tên thật: Nguyễn Quang Tuyến
(1933 - 2022) Thái Bình



Nhà văn





















Tiểu sử






Trước năm 1975, nhà văn Văn Quang không phải là một cái tên xa lạ. Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình.


Năm 1953, động viên gia nhập Quân Đội Quốc Gia, phục vụ trong nhiều đơn vị tác chiến tại miền Bắc trước hiệp định Geneve năm 1954.

Từ năm 1957, chuyển sang ngành Tâm Lý Chiến với nhiệm vụ Trưởng Phòng Báo Chí Quân Dội thuộc Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH và là Trưởng Ban Biên Tập của các tờ báo Quân Đội VNCH thời đó.

Từ năm 1969 cho đến 30/4/1075, là Quản Đốc đài Phát Thanh Quân Đội, cấp bậc Trung Tá. Tác phẩm đầu tay của Văn Quang là “Tiếng Tơ Lòng” được đăng trên nhật báo Than Dân, Hà Nội cuối năm 1953 và tác phẩm thứ nhì là tập truyện ngắn Thùy Dương Trang do Lạc Việt xuất bản tại Sài Gòn năm 1957.

Từ đó cho đến 30/4/1975, Văn Quang cộng tác thường xuyên với nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí tại Sài Gòn như Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tiếng Vang, Kịch Ảnh, Truyện Phim, Điện Ảnh, Văn Nghệ, Tiền Phong, Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Tuần San…

Trong khoảng thời gian này, Văn Quang hoàn thành hơn 50 tác phẩm in trên các báo và đã có 28 tác phẩm được xuất bản. Các tác phẩm của ông hầu hết là truyện dài, trong số có những tác phẩm từng gây sôi nổi một thời trong giới độc giả trẻ như “Nét Môi Cuồng Vọng”, “Nguyệt Áo Đỏ”, “Người yêu Của Lính”… và đặc biệt đã có 4 tác phẩm được chuyển thành phim từ 1962 đến 1972 là “Ngàn Năm Mây Bay”, “Chân Trời Tím”, “Đời Chưa Trang Điểm”, “Tiếng Hát Học Trò”.

Các tác phẩm của Văn Quang có thể phân thành 4 nhóm đề tài: mô tả cuộc sống tuổi trẻ, phản ảnh đời sống quân ngũ, phản ảnh thực đời sống thời chiến và những châm biếm những lề lói thời thượng lố lăng thuộc nhiều lãnh vực sinh hoạt, đặc biệt là các giới làm nghệ thuật.

Sau 30/4/1975, cũng như mọi sĩ quan quân lực VNCH khác, Văn Quang bị đưa qua nhiều trại tù từ miền Nam tới miền Bắc trong thời gian dài hơn 12 năm.
Tháng 9 năm 1987, được thả ra khỏi trại tù, Văn Quang trở về Sài Gòn và từ chối ra đi theo diện HO, quyết định tiếp tục ở lại Việt Nam.

Năm 1990, Văn Quang bắt đầu trở lại với việc sáng tác văn nghệ và “Ngã Tư Hoàng Hôn” là tác phẩm đầu tiên được hoàn thành sau nhiều năm bị “treo bút”. Tác phẩm này, đã được một số thân hữu của nhà văn Văn Quang tổ chức ra mắt tại Thung Lũng Hoa Vàng vào ngày 21/10/2001 vừa qua. (Trích phần giới thiệu về tác giả trong “Ngã Tư Hoàng Hôn”)

Từ năm 1992 tới nay Văn Quang là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại như báo Chiêu Dương tại Australia, báo Người Việt, Thời Luận của nhà văn Đỗ Tiến Đức tại Nam California và Tiếng Vang, tại Sacramento… 

Ong qua doi ngay 15/3/2022 tai Sai Gon. Huong tho 89 tuoi.





















Tác phẩm tiêu biểu











1
Tiếng Tơ Lòng
(1953)




2
Hoàng Hoa Thám: Bài Học Xương Máu Của 25 Năm Đấu Tranh 
(1957)




3
Thùy Dương Trang
(Tiểu thuyết 1957)




4
Những Lá Thư Màu Xanh
(Tiểu thuyết 1963)




5
Tiếng Hát Học Trò
(Tiểu thuyết 1963)




6
Nghìn Năm Mây Bay
(Tiểu thuyết 1963)




7
Tâm Sự Người Yêu
(Tiểu thuyết 1963)




8
Ngàn năm mây bay
(1963); thâu thành phim 1963




9
Đời Chưa Trang Điểm
(Tiểu thuyết 1964)




10
Từ Biệt Bóng Đêm
(Tiểu thuyết 1964)




11
Nét Môi Cuồng Vọng
(Tiểu thuyết 1964)




12
Chân trời tím 
(1964); thâu thành phim 1970;
đoạt giải vàng Văn học Nghệ thuật




13
Những Tâm Hồn Nổi Loạn
(Tiểu thuyết 1964)




14
Những Người Con Gái Đáng Yêu
(Tiểu thuyết 1964)




15
Tâm Sự Người Yêu
(Tiểu thuyết 1964)




16
Vì Sao Cô Độc
(Tiểu thuyết 1965)




17
Những Kẻ Ngoại Tình
(Tiểu thuyết 1965)




18
Người Yêu Của Lính
(Tiểu thuyết 1965)




19
Đường Vào Bến Mê
(Tiểu thuyết 1966)




20
Những Bước Đi Hoang
(Tiểu thuyết 1966)




21
Tiếng Cười Thiếu Phụ
(Tiểu thuyết 1966)




22
Tiếng Gọi Của Đêm Tối
(Tiểu thuyết 1966)




23
Người Lính Hào Hoa
(Tiểu thuyết 1966)




24
Quê Hương Rã Rời
(Tập Truyện 1969)




25
Những Ngày Hoa Mộng
(Phóng sự tiểu thuyết 1970)




26
Sài Gòn Tốc
(Phóng sự tiểu thuyết 1970)




27
Trong Cơn Mê Này
(Tiểu thuyết 1970)




28
Soi Bóng Cuộc Tình
(Tiểu thuyết 1992)




29
Một Người Đàn Bà Những Người Đàn Ông
(Tiểu thuyết 1998)




30
Sài Gòn Cali 25 Năm Gặp Lại
(Ký sự 2000)




31
Ngã Tư Hoàng Hôn
(Phóng sự tiểu thuyết 2001)




32
Lên Đời Tập 1
(Phóng sự tiểu thuyết 2001)




33
Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự
(Ký sự 2002)




34
Lên Đời Tập 2
(Phóng sự tiểu thuyết 2005)






















Phỏng vấn Văn Quang








nhà văn Văn Quang qua nét vẽ của hoạ sĩ Đinh Cường





Gió O 

phỏng vấn

nhà văn Văn Quang







Nhà văn Văn Quang sinh năm 1933 tại Thái Bình.



Tốt nghiệp Khóa 4 Sĩ Quan trừ bị Thủ Đức, sau đó phục vụ trong ngành Tâm Lý Chiến. Đã một thời làm Quản Đốc Đài phát thanh Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà. Cấp bậc Trung Tá.


Tác phẩm đã xuất bản: Ngàn Năm Mây Bay, Những Tâm Hồn Nổi Loạn, Nét Môi Cuồng Vọng, Đời Chưa Trang Điểm, Tiếng Gọi Của Đêm Tối, Tiếng Hát Học Trò, Vì Sao Cô Độc, Người Yêu Của Lính... Các phẩm Nguyệṭ Áo Đỏ (1963). Chân Trời Tím (1964) được Liên Ảnh quay thành phim, tạo nên tên tuổi nhà văn ở Miền Nam thời bấy giờ.

Sau tháng 4 năm 1975, ông trải qua nhiều năm tù ở K 5 Vĩnh Phú và K 2 thuộc Z 30 tại Hàm Tân. Ra khỏi tù Văn Quang không tị nạn sang Hoa Kỳ theo diện HO như hầu hết các tù nhân chính trị khác. Năm 2002, ông rời bỏ Sài Gòn và dọn lên Lộc Ninh sinh sống. Ở đấy hàng tuần, Văn Quang cho ra loạt ký sự "Lẩm Cẩm Saigòn Thiên Hạ Sự", và chỉ gửi ra cho các báo Việt Nam ở hải ngoại. Loạt bài này rất được độc giả hải ngoại ưu ái đón nhận.



Lê Thị Huệ: Ông có thể mô tả cho độc giả gio-o nghe về nơi chốn ông đang làm việc. Có máy computer, có internet, có cây xanh đất đỏ mùi quê, cảm xúc cô độc và không cô độc ?

Văn Quang: Trước khi quyết định chọn một nơi nào đó làm chỗ sinh sống, chắc chắn người nào cũng phải cân nhắc xem nơi đó có những điều kiện gì, có thích hợp với cuộc sống và công việc của mình không. Tôi cũng phải làm như thế. Khi tôi đến Lộc Ninh, được dẫn vào một khu nhà vườn cách thị trấn 3 cây số, ở đây đã có điện, nước, có đường truyền internet rồi. Đó là 3 điều kiện đáp ứng được nhu cầu của tôi. Thứ đến là điều kiện an ninh như thế nào. Sau cùng là khung cảnh yên tĩnh, bởi nơi này một nửa là thôn ấp, một nửa là vùng đồi núi. Song, tất cả lại phải tùy thuộc vào giá cả. Vậy nên nó trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Tôi đã đi xem đất ở một số thị trấn như Long Khánh, Chơn Thành… cuối cùng kết luận là không nơi nào có giá đất vườn rẻ hơn Lộc Ninh. 

Ở ngay thị trấn LN, giá đất khá cao, tôi lui vào xã Lộc Thái, một nơi “nhà không số, phố không tên”. Tuy nhiên đã có sẵn con đường làng, trải nhựa, dẫn vào tận nhà, có đèn đường, có điện, xài nước giếng khoan. Đường truyền internet hồi đó là dial up chạy tành tạch, chậm, nhưng vẫn có thể làm việc được. Cách đây một năm mới có đường dây ADSL khá nhanh, nhưng có lẽ chỉ mắc đến xã của tôi ở là xa nhất so với khu trung tâm thị trấn. 

Căn nhà vườn này của người chủ cũ, trồng tiêu lâu ngày, nay con cái lớn nên muốn về Sài Gòn cho con đi học. Vả lại trồng tiêu cũng không còn có lời như xưa nữa nên họ bán lại toàn bộ diện tích nhà vườn với 5.400m2. Trong đó có sẵn một số cây ăn trái, một cái nhà gỗ, dụng cụ làm vườn, bơm nước… Nếu mua có thể ở và khai thác ngay. Giá cả lại rất rẻ. Tất cả 165 triệu đồng VN (10 ngàn USD). 

Đến nay, giá đất ở thôn xã này cũng không đắt hơn bao nhiêu. Nhưng theo tôi biết, giá đất vườn ở đây rẻ hơn tất cả những nơi khác. Nếu Gio-O muốn mua, hoặc bất cứ độc giả nào muốn mua, tôi xin tìm giùm, cam đoan không biết làm “cò”, không mất hoa hồng, tôi chỉ muốn thông báo tin này và muốn có thêm hàng xóm cũng như mình. Tuy nhiên cũng cần nói thêm là nơi này chỉ thích hợp cho những vị muốn “dưỡng già”, muốn tìm một chỗ yên tĩnh, an ninh, thảnh thơi. Hầu như không thể làm ăn buôn bán gì được. Nhưng nhà vườn thì không bao giờ chết đói và cũng chẳng bao giờ giàu được. Cuộc sống thanh đạm, yên bình. 

Lộc Ninh là một thị trấn bị bao vây bởi những lô cao sư từ xa xưa, hiện nay chưa phát triển được hoặc không thể phát triển được, nên cũng rất ít tệ nạn xã hội. Không thể nói không có trộm cắp, nhưng rất ít và cũng không có những vụ thanh toán ly kỳ. Hơn 2 năm nay, tôi chưa hề thấy một vụ “trấn lột” giữa đường nào như ở các thị trấn phát triển ồ ạt khác. Cứ 7 giờ tối là con đường trước mặt nhà tôi không còn ai qua lại, không một tiếng xe, không một tiếng người. Khoảng 9 giờ tối là thôn xóm vắng ngắt, mọi nhà tắt đèn ngủ sớm, cứ như khuya khoắt lắm rồi, chỉ có những ngọn đèn đường còn thức với những vườn cây, ao cá um tùm ngút ngàn.

Nghe thì có vẻ như xa lắm, nhưng thật ra Lộc Ninh cách Sài Gòn 123 cây số - vừa bằng đường ra Vũng Tàu. Nếu đường sửa xong, đi xe hơi chỉ mất khoảng 2 giờ. Hiện nay, Quốc lộ 13 đang sửa nên từ Sài Gòn đi, khoảng 3 tiếng là đến nơi. 

Có 2 lý do chính tôi chọn Lộc Ninh 

Thứ nhất: Ngoài yếu tố tất nhiên là giá đất rất rẻ như tôi đã nói ở trên. Với số tuổi của tôi, không còn thích hợp với đời sống ở thành phố nữa. Cái chung cư tôi ở Sài Gòn, như cái tổ chim, suốt ngày ồn ào, ngột ngạt, ô nhiễm năng nề. Làm việc chừng vài tiếng đã thấy mỏi mệt, rã rời, đầu nhức, mắt hoa. Thuốc nhức đầu, cảm cúm như cơm bữa đối với tôi. Do đó tôi quyết định phải chọn một vùng quê yên tĩnh cho cuối đời. Cái khúc quanh này trong cuộc sống quả là có khó khăn, quyết định thực hiện được với mỗi người không dễ dàng. Song tôi vẫn phải cố gắng vượt qua nó như đã từng vượt qua những khó khăn hơn thế. Lần này thì dễ dàng hơn vì nhà chỉ có 2 người, bàn bạc với nhau là xong. Tôi cũng xin nói thêm là nhờ bạn bè giúp đỡ khá nhiều, con cháu tôi cũng góp phần cho tôi có đủ điều kiện thực hiện ước muốn. “Rách” như ông Hoàng Ngọc Liên hồi đó cũng “khuyến khích” tôi bằng 1000 USD, bố con ông Tạ Quang Khôi, Vũ Đức Vinh, Hà Túc Đạo, Nhất Giang, Vi Túy, Hồ Ông, Lê Thị Kim, Bạch Quyên, Hồng Oanh cũng góp phần không nhỏ cho tôi “về nhà mới”. Hầu như tất cả những tiện nghi trong nhà tôi ở đây đều do bạn bè tặng. 

Thứ hai: Tôi vẫn nghĩ: một nhà văn, nhà báo, phải biết “làm mới mình”. Ở thành phố mãi, đề tài quen thuộc sẽ cùn dần. Quay đi quay lại “nó vẫn thế”. Về nhà quê, có lẽ là cách tốt nhất để “làm mới” mình. Nơi này từ năm1972, người dân Lộc Ninh đã sống trong vùng được gọi là “giải phóng”, nói thẳng ra là họ sống trong vùng của miền Bắc kiểm soát nhiều hơn, dưới cái tên “Mặt trận Giải Phóng miền Nam”. Bên cạnh đó là chiến trường đẫm máu An Lộc, Bình Long năm 75 và những vùng nghèo khó, giáp ranh biên giới Campuchia… Tôi có thể tìm hiểu được thực chất đời sống cùng tâm tư của họ. Người dân quê đã mất gì, được gì, từ năm 1975 đến nay? Đích thực họ nghĩ gì, làm gì, hy vọng gì? Những biến chuyển sâu sắc nhất trong từng gia đình như thế nào? Từ đó so sánh với cuộc sống ở những thành phố, từ đó tìm biết được những mảnh đời khác với những gì tôi đã biết. Từ đó cho tôi một cái nhìn sâu hơn, xa hơn, thật hơn, về toàn bộ những gì dân tộc mình qua những triều đại mà tôi đã sống. 

Còn nói về sự cô đơn: Phải thú nhận rằng đôi khi cũng cảm thấy thiếu trò giải trí chứ chưa hẳn là cô đơn. Ở đây không có một thú vui nào, không có một phòng trà ca nhạc, không có một tiệm karaoke và cũng chẳng có một quán cà phê có nhiều “bóng hồng chiều chuộng”. Hàng xóm toàn là những ông già, chất phác, chân thật, năm thì mười họa mới sang nhà nhau một lần. Đôi khi gặp nhau trong một đám hiếu hỷ, chuyện trò rôm rả, nhưng toàn là thứ chuyện mình mù tịt. Ngồi im mà học cách họ chăm bón cây ăn trái, mỗi cây có một cách chăm sóc riêng. Muốn có một cây đu đủ đực thì phải làm thế nào. Muốn dừa ngọt thì phải làm gì… Đại khái như thế. 

Tuy nhiên, đôi khi lại thấy thích thú vì sự cô đơn ấy. Được “tự do” suy nghĩ cả buổi mà không ai thèm nói với mình câu nào. Và để làm dịu bớt cô đơn, nhớ bạn bè hoặc có bạn bè, con cái từ nước ngoài về thăm, tặng quà cho anh em TPB VNCH thì lại lên xe đò về Sài Gòn một vài ngày, hoặc nếu muốn, có thể sáng đi chiều về cũng chẳng sao. Ở đây có loại xe đưa đón tận nhà, giá chỉ có 50 ngàn đồng VN một lượt. Hoặc ngồi buồn, gọi điện thoại qua internet nói chuyện với các ông bạn ở Mỹ, ở Canada, ở Úc… nhanh như điện thoại di động, rõ và rẻ hơn di động. 60 ngàn đồng VN, nói chuyện được 200 phút. Có khi cả tháng tôi chưa dùng hết một card điện thoại internet. Trong hơn 2 năm qua, bạn bè và con cháu tôi từ nước ngoài về VN, lên chơi Lộc Ninh cũng khá nhiều. Như thế thì không còn cô đơn nữa và luôn quyết định được thời gian của mình. 

Tôi nghĩ “quỹ thời gian” của mình cũng chẳng còn nhiều. Một người bạn tôi, anh Nguyễn Đình Toàn, từ Cali về chơi, nói đùa “nhà này chỉ còn thiếu bốn chữ “Văn Quang chi mộ” nữa là hoàn hảo. Tôi nghĩ ngày đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vui vẻ chấp nhận nó với cuộc sống hiện tại.


Lê Thị HuệTại sao ông lại chọn lối viết "Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự" . Qua cách viết này, ông viết rất sung sức, rất khoẻ, rất bén nhạy. Tại sao ông không chọn lối sáng tác tiểu thuyết như trước 1975

Văn Quang: Về câu hỏi thứ hai, tôi chọn lối viết “lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự” bởi mỗi đề tài, tôi chọn một lối viết khác để độc giả dễ dàng chia sẻ những cảm xúc, những ý tưởng của mình. Trước đây tôi cũng thường viết nhiều loại. Tiểu thuyết, tiểu thuyết phóng sự, phóng sự, truyện ngắn. Tiểu thuyết để diễn tả những đề tài về nội tâm, sâu sắc hơn, về tính thời đại chứ không phải thời sự. Tính thời đại có thể nói về những sự việc, những tâm trạng, những hình ảnh cách đó 5- 10 năm. Nhưng thời sự thì chỉ diễn tả những sự kiện xảy ra gần nhất trong tuần hoặc trong tháng. 

“Lẩm cẩm” là một lối viết có tính thời sự. Bởi tính cách “đặc thù” của thời hiện tại nơi tôi đang sống, nên buộc phải viết theo một cách nào đó để không bị gây phiền lụy. Tôi “xông” vào những đề tài xã hội “nóng” nhất, có tính điển hình nhất mà người dân đang chú ý. Một nhu cầu khác nữa là hướng đến độc giả hải ngoại, đang quan tâm tới điều gì? Nói cho rõ hơn, Việt kiều của chúng ta đang muốn biết điều gì đang xảy ra tại quê hương mình. Chắc ai cũng muốn có những thông tin chính xác, không bị vo tròn bóp méo bởi bất cứ lý do nào, đôi khi chỉ là sự “tam sao thất bản” nên thông tin thiếu độ trung thực. Tôi chọn lọc những sự kiện ấy, tìm kiếm thông tin chi tiết và làm thế nào càng chính xác được càng tốt. Nó không phải là một bản tin thuần túy mà đưa vào những nhận định, quan điểm của riêng mình như một lời bàn bạc, nói chuyện với độc giả một cách bình thường chứ không là lý luận. Từ đó bạn đọc có thể hiểu rõ vấn đề hơn và có thể suy luận, nhận định riêng. Do đó, người ở xa quê hương, vẫn có thể biết rõ những sự việc xảy ra tại quê nhà. 

Tuy nhiên như chị đã thấy, “lẩm cẩm Sài Gòn” không chỉ là những chuyện lẩm cẩm. Nó có cả những mặt trái, mặt phải của xã hội, chuyện khôi hài và chuyện đau thương, những bản tường trình thẳng thắn vượt qua mọi áp lực. Miễn là chuyện xảy ra có thật. Cái nhìn xoáy về phía sau những sự việc đã và đang xảy ra chứ không phải chỉ có “bề mặt” sự việc, tôi nghĩ đó mới thực sự cần thiết cho bạn đọc ở nước ngoài vốn không có nhiều thì giờ theo dõi. 

Tóm lại, “lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự”, nếu tổng kết lại, nó sẽ là một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh được trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân “lừa được cả nước” đến một đại gia lương thiện và bất luơng, từ lớp thanh niên đến các quan chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến các cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến những cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều cần nói mà người dân không nói được…

Tất nhiên, trong hoàn cảnh của tôi, có những hạn chế mà ai cũng hiểu được. Cho nên viết và “lách” vẫn là điều phải nghĩ tới. Tôi làm cái gì mà luật không cho phép cũng không cấm. Tôi làm với lương tâm của một người cầm bút. Dù ở đây chẳng ai công nhận, tôi vẫn là người cầm bút. Người làm báo có thẻ làm báo, nhưng tôi chẳng có gì ngoài những tìm tòi của mình, tự mình lựa chọn thông tin. Còn những “rủi ro” bao giờ tới và tới lúc nào, đành chấp nhận như một số phận an bài. Nếu cứ nghĩ tới những thứ đó thì chẳng làm được việc gì đáng làm. Tôi không tham gia bất kỳ tổ chức nào, tôi không thích “làm chính trị” như bản tính tôi từ xưa tới nay. Tôi chỉ biết cầm bút, độc lập và hành xử theo tiếng gọi của lương tri. 

Mặt khác, tôi cũng không quên viết tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết phóng sự. Tiểu thuyết tôi dành cho những đề tài thuộc về tâm tư, tình cảm sâu sắc hơn. Như “chân trời tím” trước những năm 75 và sau khi đi tù cải tạo về, tôi đã hoàn thành “Ngã tư hoàng hôn” vào năm 1990. Đó là một thời kỳ “nửa đóng nửa mở” cánh cửa sắt. Hoặc trước kia, phóng sự tiểu thuyết “những ngày hoa mộng” đăng trên báo Kịch Ảnh, “Sài Gòn tốc” đăng trên nhật báo Chính Luận những năm 60-70. Gần đây nhất là tiểu thuyết phóng sự “Lên đời” về “mặt nổi” những khung cảnh nháo nhác giữa Sài Gòn - Hà Nội của cái cảnh “đổi đời” rất đặc trưng của những nhà “tư sản mới” trong xã hội Việt Nam. Nó được hình thành như thế nào, bắt đầu từ đâu và sự cấu kết “thâm cung bí sử” cùng với cánh giang hồ khét tiếng một thời. Tôi nghĩ đó cũng là hình ảnh sống động nhất của một giai đoạn lịch sử trong xã hội Việt Nam. Đó là “thiên chức” của người cầm bút, chứ không phải viết lia viết lịa, viết “văng tê bạt mạng” mà chẳng nói được điều gì đáng nói.

Có những đề tài trong phạm vi cuộc sống tâm tư, tình cảm của những thành thị cũng như nông thôn, tôi dành để viết tiểu thuyết. Như một cô gái tỉnh lẻ trong thời đại này đã và đang sống như thế nào, ước vọng thầm kín nhất của họ là gì? Tiến tới một “xã hội công bằng giàu đẹp” như khẩu hiệu hay một cái gì khác? Lớp “đại gia” và lớp nông dân khác nhau như thế nào? Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ước chừng bao xa? Nền kinh tế phát triển mang lại lợi ích thiết thực gì cho mọi con người. Cái gì đang phá sản và cái mới đang hình thành trong con người như thế nào? Trước hết phải là trong tận cùng ý thức, nó có tính quyết định cho toàn xã hội. Nếu không mọi sự chỉ là giả tạo. Vấn đề khá tế nhị và sâu sắc nên tôi viết tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết phóng sự là thích hợp. Thật ra đề tài tôi đang hướng tới là sự tiếp nối của “lên đời”, nhưng chú trọng vào chiều sâu. Nhiều độc giả cho tôi biết “lên đời” vẫn còn thiếu một cái gì đó, chưa tròn vai. Nhận xét đó rất đúng. Đó cũng là dụng ý của tôi. Một cuốn truyện đã lên tới 100 kỳ, hơn 1500 trang A4, đã là quá dài. Đề tài sẽ tiếp tục dưới một dạng khác. Có thể ví von như “Lên Đời” chỉ là cái áo mới của cô dâu, cái “mặt nổi” của thời cuộc. Tiểu thuyết tiếp theo sau là những rung động, những biến chuyển tâm lý của sự thay đổi từ đêm tân hôn và trở thành thiếu phụ.. Nhưng quá bận rộn với những công việc khác nên chỉ có thể hoàn thành trong một vài tháng sắp tới. 

Tôi hy vọng trả lời như thế cũng là tạm đầy đủ cho những điều độc giả Gio- O muốn biết về cách viết của tôi. Mỗi đề tài thích hợp với một lối diễn tả. “Lẩm Cẩm” là một tổng hợp về những tin tức thời sự “nóng”, những điều trông thấy và những dư luận cùng quan điểm của người viết. Làm thế nào để người đọc dễ dàng chia sẻ được với những gì mình muốn nói.

Lê Thị Huệ: Hình như trước 1975, ông chuyên viết "phơi tông" cho các báo Sài Gòn. 

Văn Quang: Đúng là những năm trước 1975, tôi thường xuyên viết feuilleton cho các nhật báo và tuần báo ở Sài Gòn như tôi đã trả lời ở phần trên.

Lê Thị Huệ: Những tiểu thuyết của ông ngày trước có những cái tên rất lãng đãng như "Nguyệt Áo Đỏ", "Chân Trời Tím", "Tiếng Hát Học Trò", tại sao ông lại thích đặt những cái tựa như thế

Văn Quang: Những cái tên … lãng đãng như “Chân trời tím”, “Tiếng hát học trò”, “Nguyệt áo đỏ…” như chị hỏi, bởi hồi đó tôi còn trẻ, và bây giờ nhìn lại cũng thấy… hơi ngây thơ, mơ mộng nên nó “lãng đãng” như chính cái tên tiểu thuyết vậy. Mỗi lần đặt tên cho một cuốn tiểu thuyết hoặc bất kỳ một truyện nào của mình cũng không giản gị đâu. Làm sao cho “nó” thể hiện đúng đề tài mà không “khô cứng” như một cuốn lý luận, không sa đà, không gây “sốc”. Tôi chắc nhiều nhà văn cũng gặp tình cảnh này. Có khi nghĩ nát óc cũng chẳng ra, có khi bỗng dưng nó “bật” ra lúc nào không hay. Cũng như lúc này, cuốn tiểu thuyết tôi đang viết cứ “dùng dằng nửa ở nửa về” với những cái tên. Thí dụ “phá sản” thì quá “khô” và cứ như có màu sắc “chính trị chính em”, cái tên “cô gái tỉnh lẻ” lại có vẻ “lãng đãng” như chị nói và không phản ảnh được bao quát vấn đề muốn diễn tả. Tôi muốn lấy hình ảnh về những thăng trầm, biến chuyển của cuộc đời một cô gái tỉnh lẻ đến những hoạt động về nhiều mặt của nhân vật làm tượng trưng cho những vấn đề xã hội “nóng nhất” đang diễn ra công khai hoặc âm thầm. Thật ra những con người đó là đa số trong xã hội bây giờ, là hơi thở của thời đại. Tên truyện chỉ là phụ, song không kém phần quan trọng. Tìm được một cái tên truyện thật khó khăn đối với tôi. Thú thật là có khi phải tạm bằng lòng với cái tên chưa hoàn toàn thích thú.

Lê Thị Huệ: Ông bị đi tù một thời gian dài sau 1975. Ông có thể nói gì về điều này ở đây và bây giờ chăng ? 

Văn Quang: Có rất nhiều điều đáng nói về những ngày tháng trong nhà tù. Và cũng đã có rất nhiều những cuốn sách viết về chuyện này rồi. Nhiều chi tiết đã được trình bày cụ thể. Vì thế, lúc này tôi nghĩ ở vào vị trí của tôi, nên chuyên tâm về những vấn đề xã hội hiện tại mà tôi đang có điều kiện tìm hiểu tường tận hơn các bạn khác. Tôi chỉ có thể nói là nhà tù vẫn là nhà tù, không có chuyện cải tạo gì ở đây. Điều này tôi cũng đã viết trong “ngã tư hoàng hôn”. Một lúc nào đó, nếu còn thì giờ, có thể tôi sẽ viết lại toàn bộ những sự thật mà tôi đã được chứng kiến.

Lê Thị Huệ: Ông từng là nhà văn quân đội ở Miền Nam, ông có so sánh nào cho nền văn chương quân đội của hai miền Nam Bắc trong thời chiến?

Văn Quang: Nói về văn chương quân đội giữa hai miền Nam Bắc có lẽ hơi quá tổng quát. Nhưng sự khác biệt căn bản vẫn là mang tính văn học nói chung. Một bên, dù anh là thành phần nào khi hoạt động văn hóa đều phải đi theo một đường lối chung, không thể khác được. Do đó người viết dù ở trong hay ngoài quân đội cũng thế thôi. Họ quan niệm văn hóa là tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân (trong đó có cả quân đội) thực hiện một chủ trương chính sách trong một giai đoạn nào đó. Còn ở miền Nam thì những nhà văn quân đội không bị lệ thuộc bởi bất cứ điều gì. Tôi làm ở Tổng cục chiến tranh chính trị rất lâu, nhưng chưa hề thấy một “chỉ thị” nào cho những quân nhân viết văn. Họ được tự do sáng tác theo cảm hứng của mình về mọi mặt trong đời sống. Những nhà văn xuất thân từ quân đội hay hơn nữa là từ những chiến trường như Nguyễn Đạt Thịnh, Phan Nhật Nam, Huy Phương, Thế Hoài, Phạm Huấn… viết những gì họ đã trải qua. Hoặc như Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng cứ việc làm thơ tình, lãng mạn, không cần Tây Tiến hay Nam Tiến. Cho nên so sánh hai nền văn hóa quân đội giữa hai miền như thế tôi cho là khập khiễng, nên tôi không thể so sánh được.

Lê Thị Huệ: Ông đã từng tiểu thuyết hoá dày cộm những người lính thành phố Sài Gòn trước 1975. Bây giờ nhìn lại ông có thấy là trật búa hay OK ?

Văn Quang: Tiểu thuyết hóa những người lính không phải là “thần thánh hóa” những người lính. Chị đọc lại “Chân trời tím” và “Người yêu của lính” sẽ thấy tôi tiểu thuyết hoá đời thường của họ. Người lính không đi tu, không là “người con trai khác với những người con trai không đi lính”. Ngoài cuộc sống chiến đấu, ngoài tình đồng đội, họ có cuộc sống của mình. Cũng yêu thương, ghen hờn, lãng mạn như những ghệ sĩ chính hiệu. Nói cách khác, tôi diễn tả rõ hơn, tỉ mỉ hơn về cuộc đời quân ngũ. Không phải tất cả đều tình nguyện đi lính, có những người “bị động viên” hoặc được đồng hóa. Nhưng tình đồng đội đã làm họ thay đổi quan niệm, ý chí chiến đấu đã tô đậm lý tưởng yêu nước của họ. Vì thế họ trở thành một khối vững chắc cho đến tận ngày nay. Tại sao tôi lại thấy “trật búa” được? Tôi vẫn cho là tôi đã làm đúng, làm được những gì tôi cần làm. Một điều cần nhấn mạnh, đó là xuất phát từ những rung động chân thành của tôi sau những ngày tháng làm phóng viên thời kỳ chiến tranh ác liệt đầu tiên, qua một số chiến trường thời đó, không vì một chỉ thị nào, một lý do chính trị nào.

Lê Thị Huệ: Nếu cuộc đời biến thành những chương tiểu thuyết. Hãy thử nói về cuộc đời như là những chương tiểu thuyết. Cái chết nào cũng là một cái chết. Cái chết của Miền Nam là một cái chết tức tưởi nhưng nó có cái đẹp tuyệt vời của một cái chết tức tưởi. Ông nghĩ đấy là một bất hạnh hay là một may mắn 

Văn Quang: Cái chết của miền Nam, như chị nói, tôi đã có nhiều thời gian gậm nhấm nó trong tù và ngoài đời, sau khi ở nhà tù ra. Tôi thường nghĩ, chẳng ai muốn tự tử cả. Cái chết bất đắc dĩ được báo trước đó không do miền Nam tạo ra. Người bạn “đồng minh thân thiết” của chúng tôi bỏ bạn, trong khi đối phương có tới 6 nước vẫn trung thành tiếp súng đạn thì “sáu thằng đánh một chẳng chột cũng què”. Và những “panic” từ Huế đến Pleiku, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình thuận vào đến TP. Sài Gòn đều do người bạn đồng minh của chúng tôi tạo ra. Gây hoảng loạn khắp nơi để tẩu thoát như một ván cờ thua. Điều đó rõ như ban ngày. Tôi so sánh với cuộc rút lui của quân đội Pháp sau khi ký hiệp định Geneve, dù sao thì mọi tổ chức cũng chu đáo hơn, có tình có lý hơn, nhân đạo hơn. Nếu người Mỹ vẫn tuyên truyền rằng “cộng sản chiếm được miền Nam thì Sài Gòn sẽ là một biển máu”. Vậy mà họ đã để lại chúng tôi bơi trong cái biển máu ấy, sau khi bí mật bắt tay đối phương. Có thể coi họ là đồng minh được không? 

Vậy thì cái chết của miền Nam chỉ có thể coi là bất hạnh. Một kinh nghiệm cho những ai còn nuôi mộng lãnh đạo đất nước này.

Lê Thị Huệ: So sánh đời sống của ông bây giờ với đời sống trước năm 1975, ông phát biểu như thế nào. Tôi hỏi ông câu này với một thái độ rất trân trọng, vì ông là một tác giả hiếm hoi, ông sống sót và sống qua những giai đoạn khốc liệt ấy, mà vẫn viết với cái tên Văn Quang. Một Văn Quang lừng lững không thoả hiệp. Hình như ông là 1 tác giả độc nhất vô nhị viết và viết được trong cái thế sống vô cùng chênh vênh ấy

Văn Quang: Thật ra ngay từ đầu, khi trả lời lá thư của Gio-O tôi đã thành thật thưa rằng “không thích nói về mình”. Nếu cần nói thì có rất nhiều điều phải nói, phải trả lời. Một người cầm bút nên để độc giả phán xét về mình hơn là những gì mình tự nói hoặc bị kẻ thù xuyên tạc. 

Xin cảm ơn về những nhận xét của Gio-O dành cho riêng tôi. Vâng, tôi sống như vậy đấy. Chẳng có gì phải che giấu, chẳng có gì phải khiếp sợ nữa. Còn gì nữa đâu mà khiếp sợ và tôi không làm điếu gì xấu, không “phá hoại”… thì cứ lừng lững mà làm. “Danh chính ngôn thuận” và “đường ta ta cứ đi”. Cái gì có thật thì tôi viết. Không bới móc lung tung, không phao tin đồn nhảm. Quyền phê phán là của người dân. Quyền bất bình cũng là của người dân về những điều có thật đã và đang xảy ra. 

Cũng có một số người viết như tôi đang có mặt ở miền Nam như Nguyễn Thụy Long, Đoàn Dự, Hàm Anh… và một số người không ký tên rõ rệt như người Tân Định, Người Sài Gòn… Và còn cả những người viết không thường xuyên, thỉnh thoảng mới có một vài bài. Những anh em đó cũng là những cây bút hoàn toàn độc lập. Mỗi người có một cách viết, cách lựa chọn đền tài và mức độ khác nhau. Chúng tôi có gặp nhau như những người bạn bình thường, nhưng không thảo luận về những gì mình sẽ viết. Do đó đôi khi có những đề tài trùng hợp, song mỗi người nhìn theo quan điểm của riêng mình. Được độc giả đón nhận như thế nào lại là chuyện khác. Có cố gắng tìm cách “ngoi lên” cũng chẳng được. Cách tốt hơn hết là cứ thành thật với chính mình, cứ thảnh thơi mà làm được việc mình muốn làm. Như tôi đã nói ở trên, sẵn sàng chấp nhận điều “rủi ro” sẽ đến vào bất kỳ lúc nào. Chấp nhận cả đòn hiểm của kẻ thù, của những kẻ đố kỵ, ghen ghét sảng. Cứ lo nghĩ đến nó thì thà xếp quách computer lại hoặc chỉ để ngồi chơi games, chơi “meo” cho xong. Xin tiền con hay đi đánh vi tính, làm lay-out thuê cũng đủ sống. 

Có thể nói tôi đã tập được thói quen, không còn ngồi đó tiếc nuối dĩ vãng. Thời gian không bao giờ trở lại được. Tôi bằng lòng và thích ứng với những gì tôi đang có. Trước kia sống sung sướng hay bây giờ, tôi cũng chẳng biết nữa. Một điều đáng nói là không thể quên những người bạn cũ, dù còn sống ở bên kia hay đã mất. Đôi lúc ngơ ngẩn chỉ vì những thứ đó thôi.

Lê Thị Huệ: Một cách công bằng, ông có nhận xét gì về nền sáng tác Miền Nam 1955-1975. 

Văn Quang: Về những sáng tác từ ở miền Nam từ 55-đến 75, tôi cho đó là thời kỳ sung sức nhất của những sáng tác của văn học Việt Nam từ trước tới nay. Kể cả về số chất lượng cũng như chất lượng, những vị đàn anh lớn tuổi cũng như những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ… mới xuất hiện. Một số tác phẩm văn học khổng lồ đã được trình diện, một số báo chí về mọi mặt từ trình độ cao đến bình dân đua nhau tự do cạnh tranh. Một số ca khúc trở thành “bất tử” dù cho nó đã bị khai tử nhiều lần. Cho đến bây giờ ở Việt Nam, rất nhiều tác phẩm từ thời đó vẫn còn nguyên giá trị, nó xuyên suốt qua mọi thời đại. Độc giả, khán thính giả từ thành thị tới thôn quê vẫn thưởng thức những món ăn tinh thần đó, chẳng cần ai khuyến khích, khuyến mãi. 

Cách công bằng nhất để nhận định thì nhãy nhìn vào thị trường, nhìn vào sự trân trọng của người dân. 

Mặt khác, việc xuất bản những tác phẩm văn học nghệ thuật hồi đó hình thành một trật tự hơn bây giờ. Kể cả sách xuất bản ở nước ngoài cũng như ở trong nước. Hầu như bây giờ, một số tác phẩm không còn mang đúng giá trị đúng như văn học định nghĩa. Nó là sách lam nham, ai có tiền thì cứ in. Vàng thau lẫn lộn, trong đó có những cuốn không đáng gọi là sách, có những bài không đáng gọi là bài. Điều này rất có hại cho những người trẻ tuổi, nhất là lớp mới lớn ở nước ngoài. Nếu đọc một cuốn sách lem nhem như thế họ sẽ nghĩ gì về những tác phẩm khác của ông cha, của những người đi trước? 

Vì thế nên tôi vẫn cho rằng 20 năm văn học miền Nam 55-75 có nhiều tác phẩm giá trị hơn, dù cho có những tác phẩm chỉ có giá trị trong từng thời kỳ.


Lê Thị Huệ: Nhà văn Văn Quang, Giám đốc đài phát thanh Quân Đội, viết tiểu thuyết Chân Trời Tím, đi cải tạo mút mùa lệ thủy, không đi Mỹ theo diện HO (mà những người như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên còn không cưỡng lại sự tự do ở chân trời kia), còn Văn Quang không đi. Ở lại Việt Nam. Văn Quang là ai thế?

Văn Quang: Tôi vẫn cho rằng những người bạn tôi đi định cư hầu hết vì lo cho tương lai của con cái, cho cuộc sống gia đình hơn lo cho chính bản thân mình. Họ có lý do chính đáng để ra đi. Còn tôi, hầu như chẳng có lý do gì cả. Khi tôi ở trại tù ra, các con tôi đều đã định cư ở Mỹ, đi theo “diện vượt biên” và đi học ở Mỹ trước năm 75. Chỉ còn lại mình tôi. Đời sống kinh tế cũng lại bắt đầu ổn định, bằng việc học computer rồi ra “hành nghề” đánh vi tính thuê và làm lay-out cho các tiệm sách báo. Những nhà xuất bản tư nhân, những nhà làm quảng cáo chuyên nghiệp và cả những ông làm “báo lẻ” như Thanh Thương Hoàng, Thái Phương cũng đều thuê “công ty gia đình” của tôi làm hết. Hồi đó Sài Gòn chỉ có rất ít computer và người làm được công việc này càng hiếm. Cái may mắn của tôi là ngay khi ở trại tù ra, tôi đã tò mò đi học khóa computer đầu tiên vào những năm1989-90-91. Kể về chuyện đi học computer của tôi chẳng qua cũng là chuyện “bất đắc dĩ” và khá dài dòng, cười ra nước mắt. Tôi sẽ kể lại vào một dịp khác. Sau khi học xong vài khóa, tôi đã được các cháu ở Mỹ yểm trợ cho mấy cái computer và máy in laser để hành nghề. Công việc kiếm ăn khá phát đạt. Vì thế tôi thấy không cần phải đi đâu nữa cả. Hơn thế, bà xã của tôi và các cháu cũng đã “yên bề gia thất” nên tôi không muốn khuấy động cuộc sống của gia đình mình, gây thêm những thắc mắc vướng bận cho những người thân. 

Ở đây cũng còn một số anh em sĩ quan cũ, sau khi ở tù ra rồi, cũng không đi theo diện HO. Dường như vấn đề kinh tế quyết định tất cả. Hầu hết những người ở lại đều có một cuộc sống tương đối ổn định hoặc có những trở ngại về gia đình, như con cái có vợ có chồng rồi không được đi theo… Mỗi người một hoàn cảnh. 

Mặt khác, tôi nghĩ anh em ra đi nhiều rồi, tôi muốn ở lại để chứng kiến cho hết, cho đầy đủ những đổi thay. Đời sống lúc đó ở đây bấp bênh, rồi chao đảo vì Liên Xô tan rã, vì Đông Âu lập lờ… Cuộc sống “lên voi, xuống chó” quay quắt, nếu nhìn như một kẻ ngoài cuộc, nó sinh động hơn một sân khấu với đầy đủ bi hài kịch thú vị. Có quá nhiều đề tài mới lạ cho mình ghi nhận. Làm một nhân chứng sống có lẽ hay hơn. Và cũng vì sự “gậm nhấm” của tôi về “người bạn đồng minh” nên tôi quyết định ở lại. 

Mãi tới sau này, một số không ít những người bạn tôi cho rằng tôi đã lựa chọn đúng. Riêng tôi, cho là một điều may mắn chứ chẳng ai tiên đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng nếu có sai, có bất cứ điều gì xảy ra, tôi không ân hận. Tôi hoàn toàn bằng lòng vì sự lựa chọn của mình. Và, tôi cũng vẫn cứ tiếp tục sống và viết như từ bao năm nay. Sẽ mãi mãi như thế cho đến khi bạn về đây sẽ gặp tên tôi với hai chữ “chi mộ”. 

Xin cảm ơn bạn đọc đã đọc những hàng này. Đây cũng là dịp tôi có cơ hội được tâm sự với bạn đọc. Tôi cũng xin nói thêm là một tờ báo của người bạn tôi, sau khi đã có bài phỏng vấn tôi, đã gửi thêm một số câu hỏi khác đến, nhưng tôi chưa trả lời được. Tôi không viết hồi ký như một số bạn tôi thúc giục, trong một ngày gần đây, tôi sẽ dành cho tờ báo của người bạn tôi những chi tiết khác trong cuộc sống của tôi, thay cho cuốn hồi ký.

Cám ơn nhà văn Văn Quang

Lê Thị Huệ 
© 2007 gio-o

















Nửa hồn thương đau
Nhạc phim Chân trời tím
Nhạc: Phạm Đình Chương

























































Kieu Chinh & Van Quang










Trở về












----------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ