bài đọc thêm (2) : " tưởng niệm nhà văn VĂN QUANG [ i.e. Nguyễn Quang Tuyến 1933- 2022/ Sài Gòn ] / Phan tấn hải ( Mỹ ) -- trích: https://chinhnghiavietnamconghoa.com> -- March 19, 200 by TamAn >
TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN VĂN QUANG (1933-2022)(Phan Tấn Hải)
TÁC GIẢ “CHÂN TRỜI TÍM” QUA ĐỜI Ở SÀI GÒN, TUỔI 89
Tin từ gia đình cho hay, nhà văn Văn Quang, tác giả nhiều truyện ngắn và kịch bản phim nổi tiếng trước 1975, đã qua đời vào lúc 10g20 (giờ Việt Nam) sáng ngày 15 Tháng Ba, 2022 tại nhà riêng ở Cư xá Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, Sài Gòn, hưởng thọ 89 tuổi.
TIỂU SỬ NHÀ VĂN VĂN QUANG
Văn Quang qua nét vẽ Đinh Cường
Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh ngày 22.09 – năm 1933,
tại Thái Bình.
Năm 1953, động viên gia nhập Quân Đội Quốc Gia, phục vụ trong nhiều đơn vị tác chiến tại miền Bắc trước hiệp định Geneve năm 1954.
Từ năm 1957, chuyển sang ngành Tâm Lý Chiến với nhiệm vụ Trưởng Phòng Báo Chí Quân Đội thuộc Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH và là Trưởng Ban Biên Tập của các tờ báo Quân Đội VNCH thời đó.
Từ năm 1969 cho đến 30/4/1075, là Quản Đốc đài Phát Thanh Quân Đội, cấp bậc Trung Tá. Tác phẩm đầu tay của Văn Quang là Tiếng Tơ Lòng được đăng trên nhật báo Than Dân, Hà Nội cuối năm 1953 và tác phẩm thứ nhì là tập truyện ngắn Thùy Dương Trang do Lạc Việt xuất bản tại Sài Gòn năm 1957.
Từ đó cho đến 30/4/1975, Văn Quang cộng tác thường xuyên với nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí tại Sài Gòn như Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tiếng Vang, Kịch Ảnh, Truyện Phim, Điện Ảnh, Văn Nghệ, Tiền Phong, Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Tuần San..
Trong khoảng thời gian này, Văn Quang hoàn thành hơn 50 tác phẩm in trên các báo và đã có 28 tác phẩm được xuất bản. Các tác phẩm của ông hầu hết là truyện dài, trong số có những tác phẩm từng gây sôi nổi một thời trong giới độc giả trẻ như Nét Môi Cuồng Vọng, Nguyệt Áo Đỏ, Người yêu Của Lính… và đặc biệt đã có 4 tác phẩm được chuyển thành phim từ 1962 đến 1972 là Ngàn Năm Mây Bay, Chân Trời Tím, Đời Chưa Trang Điểm, Tiếng Hát Học Trò.
Các tác phẩm của Văn Quang có thể phân thành 4 nhóm đề tài: mô tả cuộc sống tuổi trẻ, phản ảnh đời sống quân ngũ, phản ảnh thực đời sống thời chiến và những châm biếm những lề lói thời thượng lố lăng thuộc nhiều lãnh vực sinh hoạt, đặc biệt là các giới làm nghệ thuật.
Sau 30/4/1975, cũng như mọi sĩ quan quân lực VNCH khác, Văn Quang bị đưa qua nhiều trại tù từ miền Nam tới miền Bắc trong thời gian dài hơn 12 năm, ở K 5 Vĩnh Phú và K 2 thuộc Z 30 tại Hàm Tân.
Tháng 9 năm 1987, được thả ra khỏi trại tù, Văn Quang trở về Sài Gòn và từ chối ra đi theo diện HO, quyết định tiếp tục ở lại Việt Nam.
Năm 1990, Văn Quang bắt đầu trở lại với việc sáng tác văn nghệ và Ngã Tư Hoàng Hôn
là tác phẩm đầu tiên được hoàn thành sau nhiều năm bị „treo bút“.
Từ năm 1992 đến nay Văn Quang là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại như báo Chiêu Dương tại Autralia, báo Người Việt, Thời Luận tại Nam California và Tiếng Vang tại Sacramento…
Năm 2002, ông rời bỏ Sài Gòn và dọn lên Lộc Ninh sinh sống.
Ở đấy hàng tuần, Văn Quang tiếp tục sáng tác với loạt phóng sự „Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ Sự“
và „Lên đời“ được phát hành trên báo chí và Radio tiếng Việt ở Hải ngoại. Loạt bài này rất được độc giả ưu ái đón nhận.
Năm 2009 ông được tạp chí Khởi Hành ở California trao tặng
„Giải Văn chương Toàn Sự nghiệp Khởi Hành 2009″.
Cho đến nay, dù tuổi đã cao ( 82 tuổi) nhưng cách tuần ông đều có đều đặn bài viết phóng sự về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
TÁC PHẨM:
Tiếng Tơ Lòng (1953)
Hoàng Hoa Thám: Bài Học Xương Máu Của 25 Năm Đấu Tranh (1957)
Thùy Dương Trang (Tiểu thuyết 1957)
Những Lá Thư Màu Xanh (Tiểu thuyết 1963)
Tiếng Hát Học Trò (Tiểu thuyết 1963)
Nghìn Năm Mây Bay (Tiểu thuyết 1963)
Tâm Sự Người Yêu (Tiểu thuyết 1963)
Ngàn năm mây bay (1963); thâu thành phim 1963
Đời Chưa Trang Điểm (Tiểu thuyết 1964)
Từ Biệt Bóng Đêm (Tiểu thuyết 1964)
Nét Môi Cuồng Vọng (Tiểu thuyết 1964)
Chân trời tím (1964); thâu thành phim 1970;
đoạt giải vàng Văn học Nghệ thuật
Những Tâm Hồn Nổi Loạn (Tiểu thuyết 1964)
Những Người Con Gái Đáng Yêu (Tiểu thuyết 1964)
Tâm Sự Người Yêu (Tiểu thuyết 1964)
Vì Sao Cô Độc (Tiểu thuyết 1965)
Những Kẻ Ngoại Tình (Tiểu thuyết 1965)
Người Yêu Của Lính (Tiểu thuyết 1965)
Đường Vào Bến Mê (Tiểu thuyết 1966)
Những Bước Đi Hoang (Tiểu thuyết 1966)
Tiếng Cười Thiếu Phụ (Tiểu thuyết 1966)
Tiếng Gọi Của Đêm Tối (Tiểu thuyết 1966)
Người Lính Hào Hoa (Tiểu thuyết 1966)
Quê Hương Rã Rời (Tập Truyện 1969)
Những Ngày Hoa Mộng (Phóng sự tiểu thuyết 1970)
Sài Gòn Tốc (Phóng sự tiểu thuyết 1970)
Trong Cơn Mê Này (Tiểu thuyết 1970)
Soi Bóng Cuộc Tình (Tiểu thuyết 1992)
Một Người Đàn Bà Những Người Đàn Ông (Tiểu thuyết 1998)
Sài Gòn Cali 25 Năm Gặp Lại (Ký sự 2000)
Ngã Tư Hoàng Hôn (Phóng sự tiểu thuyết 2001)
Lên Đời Tập 1 (Phóng sự tiểu thuyết 2001)
Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự (Ký sự 2002)
Lên Đời Tập 2 (Phóng sự tiểu thuyết 2005)
Trong số những tiểu thuyết của Văn Quang, có bốn tác phẩm được thâu thành phim.
Chân trời tím được Quốc Phong chủ hãng Liên Ảnh chọn quay. Hùng Cường và Kim Vui thủ diễn hai vai chính trong phim Chân trời tím với bài „Nửa hồn thương đau“ của Phạm Đình Chương do Thái Thanh hát. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lấy nguồn cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết này để sáng tác nhạc phẩm „Chân trời tím“ cùng tên.
Ngàn năm mây bay do Thái Lai phim thực hiện với Hoàng Anh Tuấn làm đạo diễn và sĩ quan quân đội Phạm Huấn thủ diễn.
Phim thứ ba là Đời chưa trang điểm của hãng phim Giao Chỉ do ông Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn.
Cuối cùng là phim Tiếng hát học trò do Thái Thúc Nha của hãng Alpha thực hiện, Thanh Lan diễn vai chính.
TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN VĂN QUANG (1933-2022)
Phan Tấn Hải
Nếu có ai hỏi tôi về một mùi hương Sài Gòn, nơi tôi đã ra đời và sống hơn ba thập niên trước khi ra đi, hẳn là tôi chỉ nhớ tới mùi cà phê. Cũng lạ, khắp thế giới, nơi nào mà chẳng có mùi cà phê? Nhưng mùi hương cà phê Sài Gòn với tôi rất khác, đó là kỷ niệm với tiếng cười của những tình bạn một thời Văn Khoa, với các góc phố ẩn khuất những ngày trốn học để làm thơ, với những gốc cây me lề đường nơi gió thổi thẹn thùng các tà áo trắng … Nhiều năm sau khi rời quê nhà, được đọc một bài viết của nhà văn Văn Quang về cà phê Sài Gòn, tôi nghĩ rằng phải chi có ai đóng gói được mùi hương cà phê Sài Gòn cho người phương xa.
Một phần mùi hương đó đã bay đi hôm nay: Nhà văn Văn Quang đã từ trần lúc 10:20 sáng thứ Ba 15/3/2022 vì tuổi già sức kiệt, tại nhà riêng ở Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, Sài Gòn, theo tin từ nhà thơ Nguyễn Quốc Thái. Tang lễ là ngày Thứ Năm 17/3/2022 lúc 9 giờ sáng sẽ động quan và hỏa táng tại Bình Hưng Hoà.
Nhà văn Văn Quang tên là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình, được biết đến qua một số tiểu thuyết cùng những tác phẩm văn học khác. Nhà văn Văn Quang giữ chức Trung Tá trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, làm việc cho Cục Tâm lý chiến, từng làm Giám đốc Đài Phát thanh Quân đội VNCH và Chủ biên tờ báo Quân đội, sau đổi tên báo thành Chiến sĩ Cộng hòa.
Đóng góp lớn nhất của ông là các tác phẩm văn chương. Trong số những tiểu thuyết của Văn Quang, có bốn tác phẩm được quay thành phim. Chân Trời Tím được Quốc Phong chủ hãng Liên Ảnh chọn quay. Hùng Cường và Kim Vui thủ diễn hai vai chính trong phim Chân Trời Tím với bài “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương do Thái Thanh hát. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lấy nguồn cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết này để sáng tác nhạc phẩm “Chân Trời Tím” cùng tên. Ngàn Năm Mây Bay thì do Thái Lai phim thực hiện với Hoàng Anh Tuấn làm đạo diễn và sĩ quan quân đội Phạm Huấn thủ diễn. Phim thứ ba là Đời Chưa Trang Điểm của hãng phim Giao Chỉ do ông Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn. Cuối cùng là phim Tiếng Hát Học Trò do Thái Thúc Nha của hãng Alpha thực hiện, Thanh Lan diễn vai chính.
Sau năm 1975 ông bị bắt giam hơn 12 năm tù cải tạo trước khi được thả. Ra khỏi tù Văn Quang không tị nạn sang Hoa Kỳ theo diện HO như hầu hết các tù nhân chính trị khác. Tuy không cầm bút như trước năm 1975 ông vẫn tiếp tục sáng tác với loạt phóng sự “Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ Sự” và “Lên đời” được phát hành trên báo chí và radio tiếng Việt ở hải ngoại. Năm 2009 ông được tạp chí Khởi Hành ở California trao tặng “Giải Văn chương Toàn Sự nghiệp Khởi Hành 2009”.
.
Tại sao nhà văn Văn Quang không rời bỏ Việt Nam sau nhiều năm tù? Qua bài phỏng vấn “Trò Chuyện Với Nhà Văn Văn Quang (Kỳ 1)” trên trang DuTuLe.com nhà văn Văn Quang trả lời độc giả John Trần như sau:
“Bạn nói đúng, tôi biết cuộc sống ở nước ngoài, cụ thể như ở Mỹ, đầy đủ hơn ở VN. Thí dụ, ở Mỹ, bạn thất nghiệp hoặc già yếu sẽ được nhà nước hỗ trợ hàng tháng, còn ở VN thì không có chuyện đó. Sau hơn 12 năm đi “học tập cải tạo”, tôi cũng đã làm thủ tục để đi theo diện H.O.. Không những thế, tôi còn được đôn từ H.O. 22 lên H.O. 18. Nói cho rõ hơn là được đi trước những anh em khác chừng 5-7 tháng hay 1 năm gì đó. Lý do là tôi có thêm người bảo lãnh. Nhưng cũng chính vì sự bảo lãnh này mà nẩy sinh chuyện phức tạp. Vì thế nên khi ra phỏng vấn, tôi quyết định không đi nữa, tôi không muốn phải mang ơn bất kỳ một cá nhân nào. Thà chẳng ai bảo lãnh, tôi đi như những anh em khác, hầu hết họ có cần ai bảo lãnh đâu. Chuyện này hoàn toàn trong phạm vi chuyện riêng của gia đình. Tôi không muốn nhắc lại chứ không phải muốn tìm lối đoạn trường đâu bạn ơi. Có ai dại thế bao giờ. Phần khác có lẽ lại là do số mệnh chăng?” (ngưng trích)
Văn Quang ở lại Sài Gòn là một hy sinh lớn, vì môi trường sau 1975 không còn thích nghi cho ngòi bút tự do. Văn Quang đã ghi nhận trong “Sài Gòn – Cali 25 năm gặp lại“ (được nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh ttrích lại trong bài “Văn Quang với ‘Những Người Muôn Năm Cũ'”) hình ảnh Sài Gòn:
“… Có lẽ tình hình ấy cũng giống như ở Sài Gòn thôi. Chỉ khác là ở Sài Gòn lóp người hoạt động văn nghệ trước năm 1975 hầu hết đã yên lặng thậm chí có một số nhiều, độc giả ở đây không còn biết đến tên tuổi họ nhưng ở nước ngoài thì lại có nhiều người biết đến tên tuổi họ. Đó là một sự thật. Nhưng có những tên tuổi vẫn còn sống được giữa hai thời kỳ, đó là những người vì lẽ này hay lẽ khác vẫn còn đất dụng võ, dù là sống vất vưởng chứ cũng chẳng làm nên trò trống gì. Hay nói cách khác là những người cần kiếm cơm ăn áo mặc hàng ngày. Còn những vị sống được giữa hai thời kỳ mà vẫn cơm no rượu say thì có thể đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng với những anh em đã từ xưa cùng sống với nhau ở Sài Gòn thì với người ở nước ngoài về, tinh thần vẫn còn đó, sự gần gũi vẫn như xưa nếu không muốn nói là hơn xưa. Hồi đó có những người chưa từng gặp nhau chỉ biết tên nhau nhưng bây giờ trở về người ta đi tìm nhau, đôi khi là sự tương trợ rất đầm thắm. Đó là sự thông cảm ngày càng sâu sắc càng thấy thương nhau yêu quý nhau hơn. Anh Thái Tuấn hỏi về tình hình những anh em còn ở lại đây. Tôi kể:
– Không nhiều lắm nhưng cũng đủ để vui chơi những lúc nhàn rỗi. Bây giờ có tuổi cả rồi nên nhiều lúc ngại di chuyển.Thỉnh thoảng có dịp nào đó gặp nhau, cái đám ma như đám ma Trần Lê Nguyễn thì đông đủ cả, đám giỗ như giỗ anh Chu Tử thì cũng vài ba chục người do gia chủ Chu Vị Thủy và Đằng Giao chọn lựa, tiễn người ra đi như tiễn Uyên Thao, Thanh Thương Hoàng có đến trên 40 người. Lâu lâu có một ông về chơi như ông Phan Diên thì lại cơm gà ngồi túm tụm trong một căn phòng nhỏ. Sinh hoạt chẳng có nơi chốn nào nhất định và làm thế nào có nơi chốn nhất định được ! tuy nhiên những hoạt động của anh em ở hải ngoại thường được anh em ở đây rất chú ý. Nhưng báo chí sách vở thì khó lòng về được đến nơi. Đến ngay mấy số báo Kịch Ảnh vô thưởng vô phạt gửi qua bưu điện năm lần đều mất tăm cả năm. Vài anh em có computer, chơi e-mail nói chuyện cà kê dê ngỗng với nhau hàng ngày nên hầu như những sinh hoạt lặt vặt thì chuyện gì cũng biết ngoại trừ những chuyện mà anh em ở bên đó cho rằng có hại cho những người ở đây thì họ không gửi. Tuy vậy đôi khi cũng lạc lõng một vài cái e-mail lạ hoắc vừa đọc vừa lo chẳng biết có chuyện gì xảy ra hay không..” (hết trích)
.Nhà văn Lê Thị Huệ qua bài “Gió O phỏng vấn nhà văn Văn Quang” trong đoạn vấn đáp ghi lời của nhà văn Văn Quang như sau:
“Lẩm cẩm” là một lối viết có tính thời sự. Bởi tính cách “đặc thù” của thời hiện tại nơi tôi đang sống, nên buộc phải viết theo một cách nào đó để không bị gây phiền lụy. Tôi “xông” vào những đề tài xã hội “nóng” nhất, có tính điển hình nhất mà người dân đang chú ý. Một nhu cầu khác nữa là hướng đến độc giả hải ngoại, đang quan tâm tới điều gì? Nói cho rõ hơn, Việt kiều của chúng ta đang muốn biết điều gì đang xảy ra tại quê hương mình. Chắc ai cũng muốn có những thông tin chính xác, không bị vo tròn bóp méo bởi bất cứ lý do nào, đôi khi chỉ là sự “tam sao thất bản” nên thông tin thiếu độ trung thực. Tôi chọn lọc những sự kiện ấy, tìm kiếm thông tin chi tiết và làm thế nào càng chính xác được càng tốt. Nó không phải là một bản tin thuần túy mà đưa vào những nhận định, quan điểm của riêng mình như một lời bàn bạc, nói chuyện với độc giả một cách bình thường chứ không là lý luận. Từ đó bạn đọc có thể hiểu rõ vấn đề hơn và có thể suy luận, nhận định riêng. Do đó, người ở xa quê hương, vẫn có thể biết rõ những sự việc xảy ra tại quê nhà.
Tóm lại, “lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự”, nếu tổng kết lại, nó sẽ là một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh được trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân “lừa được cả nước” đến một đại gia lương thiện và bất luơng, từ lớp thanh niên đến các quan chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến các cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến những cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều cần nói mà người dân không nói được…
Tôi hy vọng trả lời như thế cũng là tạm đầy đủ cho những điều độc giả Gio-O muốn biết về cách viết của tôi. Mỗi đề tài thích hợp với một lối diễn tả. “Lẩm Cẩm” là một tổng hợp về những tin tức thời sự “nóng”, những điều trông thấy và những dư luận cùng quan điểm của người viết. Làm thế nào để người đọc dễ dàng chia sẻ được với những gì mình muốn nói.” (hết trích)
Nơi rang xay cà phê khét tiếng Café Martin pha tí rượu Rhum trên đường Hai Bà Trưng xưa ai cũng ghé mua, nay không còn nữa. Nhãn hiệu Martin cũng… đã là nhãn hiệu xe đạp. Biết bao đổi dời, mỗi thời một khác. Ngày nay uống cà phê ngon nhưng khó thể chọn được nơi rang xay cà phê ngon. Rang xay cà phê cũng là một nghề chuyên môn có bí quyết riêng chẳng khác “bí kíp võ công thượng thừa”. Ngày nay các “môn phái” rang xay cà phê, chẳng ai chịu ai, mỗi môn phái đều có bí quyết gia truyền và… truyền miệng. Ai cũng tự phụ về ngón nghề của mình. Hết rượu Rhum đến Vodka, hết ruột cau đến vỏ lựu và chưa biết còn những thứ lá quỷ quái gì nữa làm cho cà phê có “màu sắc độc chiêu”. Ngay loại cà phê đóng gói chỉ cần đổ nước sôi vào cũng được quảng cáo om sòm. Nhưng dân “ghiền” và “sành điệu” chẳng ai chấp nhận được cái gu đóng gói, dù cho đóng hộp từ bên Tây bên Ý cũng không thể đưa lên hàng “nghệ thuật pha cà phê”. Muốn có nghệ thuật bắt buộc phải pha, phải chế mới xứng là cà phê thứ thiệt.” (ngưng trích)
.Tôi cảm thấy bản thân mình gần với phong cách nhà văn Văn Quang hơn nhiều người khác. Trong bút pháp của Văn Quang có chất nhà báo, một điều tôi gần như không rời được, kể cả khi tôi viết truyện ngắn. Nghĩa là, nhiều khi, viết cho kịp đưa báo xuống nhà in. Nhìn lại, văn phong nhà báo là không thể nhìn ngó từng chi tiết nhỏ trong đời, không có thì giờ viết kỹ từng chữ như nhà văn Võ Phiến. Trong bút pháp của Văn Quang có chất thời sự, cũng là một thói quen của tôi, hình như mình không thể tách rời ra khỏi cõi này và trong thời này, bất kể là nhiều khi nhin xa hơn để suy nghĩ là, tự nhiên, dòng nước mắt ứa ra vì thương cho dân mình, nước mình. Nơi đó, ẩn tàng trong bút pháp của Văn Quang chính là những mảnh hồn đã tan vỡ, chỉ vì quá yêu thương cuộc đời này — nơi đó, chỉ còn chữ là chiếc bè mong manh để nắm chặt giữa thác lũ của đời.
Trân trọng từ biệt nhà văn Văn Quang .
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ