" phát hành quyển sách cuối đời của cố nhà văn - nhà báo LÊ VĂN NGHĨA [ 1953- 2021] " / Văn Khoa -- trích: https://doanh nhansaigon.vn> - 25/ 08/ 2021 .
Phát hành quyển sách cuối đời của cố nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa
Văn KhoaThứ tư, 25/8/2021 | 07:00 GMT+7“Sài Gòn những mảnh ghép rời của ký ức” gần như là tác phẩm cuối cùng nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa để lại cho đời, cho Sài Gòn mà ông luôn yêu mến và đầy những ký ức.
Sài Gòn những mảnh ghép rời của ký ức do NXB Trẻ ấn hành, gồm hai phần: Tạp bút và Biên khảo.
Nhà văn đã tìm lại những “miếu đền ký ức” trở về tuổi thơ đã mất cùng ít nhiều hình dáng của một Sài Gòn xưa. Những mảnh tuổi nhỏ, những con phố xưa, tiệm chạp phô, miếng kẹo mạch nha buổi trưa hè, câu hát cải lương… Những ký ức tuổi thơ của tác giả như bức tranh về đời sống, nếp sống, vỉa tầng văn hóa, chuyện học hành của một Sài Gòn - Chợ Lớn cách đây gần nửa thế kỷ, dù chỉ là những mảnh rời nhưng vẫn chan chứa hồn Sài Gòn và những bóng dáng yêu thương.
Ở phần biên khảo, nhà văn tìm lại mạch ngầm văn hóa, văn nghệ ở Sài Gòn - vốn đâu thể thiếu những bài viết, giọng ca, lời nhạc, những vở cải lương đầy ánh lửa đam mê một thời.
Và kết luận: “Những dòng nước ngọt văn học nghệ thuật từ mạch ngầm này đã góp phần làm nên một phần bản sắc văn hóa Sài Gòn mà “ta nào quên được những bài vọng cổ, vở cải lương mà chỉ cần ca lên, như Trăng Thu dạ khúc, thì nước mắt lại chảy dài nhớ lại tuổi xưa?”
Đây là những phần mở đầu do chính ông viết, về quyển sách mới này:
Buông lưới tìm ký ức (mở đầu phần Tạp bút)
Ký ức hình thành từ trí nhớ không chọn lọc của tuổi thơ, là những hình ảnh còn đọng lại theo thời gian. Ký ức đẹp, xấu đều qua cái nhìn non nớt. Hình ảnh tươi xanh hay đen tối, rộn ràng hay trầm lắng… đều đọng lại ngẫu nhiên từ thở ban sơ.
Khao khát buông lưới tìm lại những miếu đền ký ức để trở về tuổi thơ đã mất, bất chợt ta tìm lại được ít nhiều hình dáng của một Sài Gòn xưa. Nhưng rốt cuộc ký ức chỉ còn là những mảnh rời rất xa xưa, ta nhặt thời gian ngồi ghép lại những mảnh tuổi nhỏ, để nhớ đến những con phố xưa, tiệm chạp phô, miếng kẹo mạch nha buổi trưa hè… trong dáng hình một thằng bé còn ngơ ngơ nhìn đời bằng câu hát cải lương.
Những ký ức tuổi thơ đã dựng nên trong tôi bức tranh về đời sống, chuyện học hành của một Sài Gòn - Chợ Lớn cách đây gần nửa thế kỷ, dù chỉ là những mảnh rời rạc, chưa ráp nối được để hình thành một tổng thể. Hay là, ngược lại, những nếp sống, vỉa tầng văn hóa đã trở thành một ký ức về Sài Gòn - Chợ Lớn của ngày xưa dù chỉ là từng mảnh rời không trọn vẹn.
Thời gian chậm rãi trôi đi mang theo những bóng dáng yêu thương ngụt trời của ký ức. Hãy tìm một chút mảnh ghép rời của Sài Gòn ngày xưa - để nhớ lại hồn Sài Gòn của một tuổi thơ tôi.
(Mở đầu phần Biên khảo)
Dù đã đi khỏi Sài Gòn, tít mù xa vạn dặm về thời gian lẫn không gian, ai nào quên được những bài vọng cổ, vở cải lương mà chỉ cần ca lên, như Trăng Thu dạ khúc, thì nước mắt lại chảy dài nhớ lại tuổi xưa? Thời gian nào có xóa được khỏi tâm hồn người những con chữ tình yêu, nỗi nhớ và ước vọng đã bay lên từ các truyện ngắn, truyện dài? Đã có biết bao tác giả trút lòng mình lên những trang giấy trắng ẩn tâm hồn, tạo nên những câu thơ tôn thờ Sài Gòn như một tình yêu vĩnh cửu?
Đêm nào đó ngồi giữa Sài Gòn chợt nghe tiếng hát Khánh Ly, Thanh Thúy… vang lên từ chiếc máy Akai. Chợt nhớ những phòng trà vang danh các giọng ca sầu mị, với các tình ca dịu dàng. Những giọng ca đi ra và lớn lên từ phòng trà, sàn gỗ, tạo dựng âm thanh, làm nên những đêm Sài Gòn mang màu trừu tượng…
Mạch ngầm văn hóa Sài Gòn đâu thể thiếu những bài viết, giọng ca, lời nhạc, những vở cải lương đầy ánh lửa đam mê một thời. Những dòng nước ngọt văn học nghệ thuật từ mạch ngầm này đã góp phần làm nên một phần bản sắc văn hóa Sài Gòn.
Một số đầu sách về Sài Gòn của cố nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa |
Những tạp bút, biên khảo của nhà văn Lê Văn Nghĩa đầy ắp tư liệu và thấm đẫm tình. Ông yêu thương mảnh đất này bằng một tình yêu giản dị, mộc mạc mà cũng sâu nặng như đất.
Yêu nhưng không mù quáng, mà hết sức rõ ràng: “Chúng ta cần có sự bình tĩnh, và công tâm; nhìn thấy cái gì bây giờ cũng xấu, còn ngày xưa tốt là không đúng. Cái gì thuộc về ký ức của mình thì mình cứ giữ, những gì liên quan đến một vấn đề xã hội cụ thể thì cần phải nhìn hai mặt, công tâm, bình tĩnh và cần có sự đánh giá khách quan”. (Trích trả lời của nhà văn Lê Văn Nghĩa trên báo Sài Gòn Giải Phóng - 15/3/2020)
Cuốn sách mới của ông cũng có những đoạn viết trong bối cảnh dịch dã thời gian qua, vẫn với giọng văn hài hước nhưng có tiếng thở buồn lẩn khuất trong câu chữ:
“Những ngày xã hội giãn cách để chống lại Covid-19, con hẻm nhỏ nhà tôi im ắng một cách vắng ngắt. Nhà tôi ở gần một trường học, hàng ngày lúc còn nằm trên giường, tôi thường bị đánh thức bởi những tiếng xe chạy thưa thớt lúc đầu, và rồi là một tiếng rao chát chúa, từ cái loa phóng thanh điện. Tôi ghét tiếng rao này nhất. Một tiếng rao của một nữ nhân miền ngoài nào đó không âm điệu, như xuyên vào lỗ tai người nghe: ‘Bánh mì đặc ruột, bánh mì nóng đây’. Vẫn cứ một giọng như thế. Cứ khoảng nửa tiếng là lại có tiếng rao: ‘Bánh mì đặc ruột, bánh mì nóng đây…’
Trong suốt những ngày giãn cách, nhất là ngày đầu, buổi sáng, bỗng dưng tôi thức dậy sớm, không gian như rơi vào cõi thinh không tưởng chừng như thính giác đã hỏng. Không nghe một tiếng động, một tiếng xe từ ngoài đường cái dội vào. Chẳng nghe tiếng xe bán thức ăn cho học sinh lách ca, lách cách đẩy trên đường. Đường hẻm khu phố tôi, vốn đã quen với tiếng động ầm ĩ hàng ngày (không muốn quen cũng không được) bây giờ như đang nằm ngủ. Tất cả đều ngủ. Im. Không một tiếng ngáy. Chưa bao giờ âm thanh lại đi vắng một cách lạnh lùng như thế. Có thể nói là tôi dễ chịu không? Chưa hẳn.
Nhưng lúc đó, tôi nghe như cả khu xóm bừng tỉnh, như cuộc sống đã trở lại khi từ xa nghe tiếng rao từ chiếc loa điện ‘Bánh mì nóng đây, bánh mì đặc ruột đây…’.Vẫn cái giọng đó, vẫn tiếng rao qua loa điện đó nhưng sao lại ấm áp, dễ chịu kỳ cục. Không hiểu được!
(…) Nhưng bây giờ, trong mùa cách ly vì Covid-19, bánh mì lại làm ấm không gian đang lạnh, làm đặc lại không gian đang loãng nhờ tiếng rao của chiếc loa điện. Cậu bán bánh mì cho tôi biết mùa này cậu bán được lắm vì người ta ngại đi ra đường ăn quán nên mua bánh mì về chiên hột gà, ăn với đồ nguội, ăn với sữa hộp cho tiện…Vừa ấm lòng, vùa no bụng thôi cũng tốt. Tiếng rao bánh mì là tiếng rao còn sót lại để kết nối, để xác định cuộc sống, sự hiện diện của con người vẫn còn đó trong thành phố hiện đại nhưng đầy im ắng vào những buổi sáng rực rỡ như trong mùa Covid.”
(Trích Bánh mì rao)
Hoặc một cuộc lội ngược dòng thời gian để tìm hiểu về trường học ngày xưa, cũng từ những ngày xã hội im ắng trong nhà để phòng tránh covid:
“Những ngày Covid-19, học sinh toàn quốc đều phải ở nhà để tránh lây nhiễm. Đường phố Sài Gòn vắng chưa từng thấy. Đi ngang trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) không còn thấy cảnh cha mẹ lũ lượt đưa con đi học mỗi buổi sáng, đậu xe trước cổng trường, nhìn cho đến khi con bước qua khỏi cổng hay đút cho con từng muỗng cơm tấm ăn vôi. Vắng đến nỗi nhìn vào phía cổng trường thấy như ngôi trường không còn nữa!
Bỗng dưng lẩn thẩn nghĩ về ngôi trường tiểu học này. Bây giờ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm hoành tránh đang nằm trên khu đất ngày xưa là một ngôi trường nhỏ - ngôi trường được xây dựng dã chiến để góp phần giải tỏa những lớp học buổi trưa vào năm 1965 - 1966. Sài Gòn ngày xưa đã từng có những lớp học buổi trưa sao?”
(Trích Sài Gòn từng có lớp học buổi trưa)
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953, tại TP.HCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông qua đời vào ngày 25/7/2021 vì ung thư tái phát. Chặng đầu vào nghề, Lê Văn Nghĩa hoạt động báo chí, từng là Phó Tổng thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ, phụ trách Chủ biên báo Tuổi Trẻ Cười, với các bút danh nổi tiếng: Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ... Làm báo và viết văn, ông được nhiều đồng nghiệp đánh giá là cây bút trào phúng hàng đầu của nền báo chí và văn học Việt Nam đương đại. Những tập truyện chứa hồi ức thời niên thiếu của ông ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu thập niên 1960 được bạn đọc nhiều thế hệ mến mộ. Sinh thời, nhà văn Lê Văn Nghĩa xem viết sách là cách để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống và cũng để sống lại một thời tuổi thơ tươi đẹp - thời mà đến chiếc radio cũ để nghe còn hiếm hoi, những đứa trẻ kết nối nhau bằng trò chơi và các mối quan hệ. Ông viết nhiều tác phẩm, đều do NXB Trẻ phát hành. Có thể kể đến: Mùa hè năm Petrus (tập truyện, 2012), Chuyện chán phèo (tập truyện trào phúng, 2013), Nếu Adam không có xương sườn (sưu tầm, bình luận, 2015), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (tập truyện, 2015), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (tập truyện, 2016), Nỗi buồn đàn ông (tập truyện trào phúng, 2017). Những năm cuối đời, dù chống chọi bạo bệnh, ông vẫn cần mẫn làm việc và ra mắt các tập sách: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2020), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (2018), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020). Những câu chuyện về Sài Gòn từ sách của ông, qua góc nhìn của một nhà báo, là nguồn tư liệu quý giá cho những ai yêu mến và muốn tìm hiểu sâu về mảnh đất này. ------------- lời bàn thêm: Trong quyển sách cuối đời, Lê Văn Nghĩa ghi chép chuyện ' rất hay đáng đọc" về cố thi sĩ Đinh Hùng [ 1920- 1967/ Saigon] suýt mất " Giải Văn chương Tổng Thống VNCH" : ĐINH BẠCH DÂN ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ SUÝT MẤT GIẢI Không phải được giải nhất một cuộc thi văn chương nào đó, nhất là cuộc thi có tên gọi rất quan trọng, mà nhà thơ (văn) không bị tiếng bấc tiếng chì mà còn có thể lãnh quả tạ dư luận nặng nề hơn nữa. Năm 1961, tập thơ Đường vào tình sử của nhà thơ Đinh Hùng tham dự giải thưởng thơ của cấp nhà nước. Theo nhà văn Thế Phong kể lại thì hai trong ba vị giám khảo bộ môn thơ là Đông Hồ và Thanh Tâm Tuyền đã bỏ phiếu Đường vào tình sử đước giải nhất. Nhưng trước khi giải được chấp thuận thì phải được Tổng thống Ngô Đình Diệm chuẩn y qua Bộ Trưởng Bộ Công Dân Vụ Ngô Trọng Hiếu. Ghê chưa, đâu phải ngon ăn. Nhưng lúc ấy, ông Phạm Đình Tân, chủ soái Tinh Việt văn đoàn, chủ báo Văn đàn, muốn cho con gà của mình là nhà thơ bàng bá Lân đoạt giải, nên đã nhờ ông Trần Kim Tuyến ( Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị - xã hội) chuyển một bản phúc trình lên Tổng Thống rằng nhóm Tinh Việt Văn Đoàn không đồng ý trao giải nhất cho Đường vào tình sử. Vẫn theo Thế Phong cho biết thì sau khi đọc phúc trình, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho gọi ông Lê Văn Thái vào dinh và phán: " ... Sao treo giải cuốqn như ri". ( Công nhận ông Diệm quan tâm đến văn nghệ ghê. Nguyên Sa đã kể trong hồi ký của mình là đã được Tổng thống Ngô Đình Diệm tiếp riêng trong Dinh Độc Lập ). Ông Lê Văn Thái, cánh tay phải của ông Trần Kim Tuyến, chắc chưa đọc nên khất với Tổng thống Diệm là sẽ trả lời sau. Ông thái ra La Pagode để tìm gặp Thế Phong. Khi được hỏi ý, Thế Phong trả lời đại ý là so Bàng Bá Lân với Đinh Hùng thì " Đinh Hùng làm vinh dự cho giải, giải thơ không tạo vinh dự cho Đinh Hùng". Được biết sau đó người nhận giải thơ chính là Đinh Hùng. Cũng có lời ra tiếng vào về việc in ấn tập thơ này. Lúc đó, nhà thơ Đinh Hùng rất nghèo, làm sao có tiền để in tập thơ với kỹ thuật đẹp ở Kim Lai Ấn Quán của thi sĩ Lãng Nhân? Muốn vậy, Đinh Hùng nghĩ cách phải nhờ ông Đoàn Thêm, Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống đề tựa và làm "bình nguyên quân". Vì vậy, có dư luận đồn ầm là nhờ ông Đoàn Thêm viết tựa nên Đường vào tình sử đi vào con đường ẵm giải. (Thế Phong, Chiêu niệm 4 nhà văn Sài Gòn, NXB Đồng Nai, 1999, tr. 27).
LÊ VĂN NGHĨA ( sách đã dẫn - tr. 326-327). --------------- |
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 15:00 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ