Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

nhà báo, nhà văn VŨ HẠNH [ i.e. Nguyễn Đức Dũng 1926- 2021 ] -- trích : Phan Nguyên Blog

 


Tuesday, 3 August 2021

Vũ Hạnh (1926 - 2021)

 







Vũ Hạnh

(1926 - 2021)
Tên thật Nguyễn Đức Dũng
bút danh khác: Cô Phương Thảo, Hoàng Thành Kỳ, Nguyên Phủ, Minh Hữu.

Hưởng thọ 96 tuổi.













Tiểu sử

Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình, từ tháng 3-1945, học ban tú tài phần II.
Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An.

Vũ Hạnh là cán bộ văn hoá Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn. Viết sách báo công khai dưới chế độ VNCH.

Sau năm 1975, ông làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên ban chấp hành Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh."[1]




















Tác phẩm


Các tập truyện:




1
Vượt thác
(1963)


2
Mùa xuân trên đỉnh non cao
(1964)





3
Chất ngọc
(1964)

MỤC LỤC







4
Ngôi trường đi xuống
(1966)







5
Bút máu
(1971)

MỤC LỤC







6
Con chó hào hùng
(1974)









7
Cô gái Xà Niêng
(1974)







8
Ăn Tết với một người điên
(1985)







9
Sông nước mênh mông
(1995)









Tiểu thuyết


10
Lửa rừng
(1972)








Hồi ký


11
Cái tết khó quên
(1990)


12
Một chặng đường bút mực
(2000)








Tiểu luận

13
Người Việt Cao Quý
(1965)
ký bút hiệu một người Ý là A. Pazzi






14
Đọc lại Truyện Kiều
(1966)






15
Tìm hiểu văn nghệ
(1970)







16
kịch bản

Người chủ tiệm

Một giấc chiêm bao

Thưa biết rồi









Giải thưởng

Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007.





Quan điểm

Về tự do: "Bao giờ tôi cũng nghĩ rằng nhà văn phải có quyền được tự do viết nhưng mà tự do như thế nào? Bởi vì xưa nay khái niệm về tự do cần phải coi lại đã. Có nhiều người, như rõ ràng qua phát biểu của Bùi Minh Quốc hay Trần Mạnh Hảo không phải là tự do xây dựng đất nước mà nhằm chủ ý phá hoại chống đối."[1]




Tham khảo









VƯỢT THÁC 
Vũ Hạnh


Khi tiếng nước réo sôi trong chiếc ấm đồng dịu dần cùng với ngọn lửa lụi tàn, ông Tư Mễ lại nghe thêm rõ tiếng thác ào ào dội xuống lòng sông. Ông ngước nhìn gã con trai đang nằm chèo queo trên chiếc bè tre cắm ở ven bờ và hướng về quãng sông tỏa khói mờ mịt, thấp thoáng ẩn hiện những ghềnh đá lớn nhấp nhô.

Ánh sáng đổi dần từ màu tái nhạt sang màu vàng tươi, ngọn cây trên các đỉnh núi quanh vùng như cháy rực lên trong buổi hừng đông chỗi dậy vội vàng. Cảnh sống âm thầm của khoảng rừng núi bao la nhường bước cho sự nhộn nhịp khi ngày trở lại. Ông Tư Mễ im lặng ngồi nghe tiếng chim quen thuộc vọng đến từ các bờ cây, hốc đá, từ tiếng bìm bịp đột ngột trở canh, đến tiếng chèo bẻo sắc sảo chào đón mặt trời, những tiếng bù chao, chắc hoạch rộn ràng trong những bụi lùm. Những tiếng chim ấy lần lượt tiếp nhau theo một thứ tự thời gian gần như cố định của chốn sinh hoạt hoang vu, khiến ông Tư Mễ thoáng có cảm tưởng rằng bao năm tháng trôi qua trên quãng đời mình không có chút gì thay đổi.

Ông giở nắp ấm, đặt vội xuống mớ lá khô dồn lại xế chiều ngày qua ở trên bờ sông, và cúi mái đầu bạc xuống để nhờ hơi nước từ trong lòng ấm bốc lên xông cho sáng tỏ đôi mắt già nua. Ông ngửi thấy mùi nồng chát của vị chè tươi và tìm lại sự xúc động khoan khoái quen thuộc hằng ngày.

Ông rót chè ra chiếc bát sành lớn, tay nâng ấm nước cao lên cho chè sủi bọt ở trong lòng bát. Qua vòi nước tuôn dài, ông Tư nghĩ đến những dòng thác lớn, cao vọi đã từng vượt qua, một nỗi kiêu hãnh pha lẫn ít nhiều xót xa làm cho bàn tay của ông run rẩy nhẹ nhàng suýt làm bắn tung chè ra vành bát.

Đặt chiếc ấm xuống hai tảng đá nhỏ kê làm bếp nấu, ông Tư xòe hai bàn tay gầy gò hằn những đường gân to lờn, hong trên miệng bát, ngồi chờ nước nguội.

Người con trai của ông Tư vẫn chưa chịu dậy. Bây giờ gã đã quay đầu về phía bờ sông để tránh ánh nắng sáng lóa giữa dòng chiếu hắt ngược lên. Gã nằm nghiêng, hai chân co lại kẹp lấy đôi tay, đầu hơi ngước về phía sau khiến cho cổ gã dài ra và vẻ mặt gã càng thêm thiểu não. Cái mền đã cũ bị gã đạp dồn xuống dưới chót cùng của tấm chiếu lát sờn mòn, một chéo tung ra thành bè chực rơi xuống nước.

Ông Tư nhiều lần muốn gọi con dậy nhưng nhìn cặp mắt nhắm nghiền và hơi thở nhẹ phì phò đều đặn qua hai manh áo vải nâu che trên lồng ngực ốm o, ông lại cố nán chờ đợi. Tự nhiên, ông Tư cảm thấy một nỗi cô độc lạ lùng bao phủ lấy mình. Hầu như núi rừng, chim muông, dòng sông lờ đờ trước mặt, tiếng thác rì rào đằng xa, và người con lớn của ông đang nằm im lìm mê mệt, tất cả đều thuộc về một cõi khác mỗi lúc rời xa hẳn ông, không còn quan hệ với ông như trước. Ông đưa hai tay vuốt lấy mặt mình, da tay chai đá cọ sát vào những nếp nhăn như chạm vào một thân cây cằn cỗi. Ông cất tiếng gọi:

“Cả Hộ!”

Người con trai nghếch đầu, vẻ mặt đột nhiên tỉnh táo như vừa bừng dậy sau cơn suy tưởng, cặp mắt mở nhìn chòng chọc về phía bếp lửa đã tàn.

“Dậy con! Trưa hung rồi đó. Uống một bát nước chè nóng rồi cha con mình xuôi thôi. Qua khỏi ngọn thác, ta sẽ thổi cơm ở ngõ Suối Dài.”

Ông Tư tránh nhìn vào mặt con mình, vừa nói vừa cúi rót phần chè tươi còn lại trong ấm vào chiếc bát sành. Cả Hộ chậm rãi ngồi dậy, thừ người một lát để nhìn bóng mình chiếu dài xuống nước với mớ tóc bù, rồi uể oải bò lại chỗ sợi mây neo bè vào một gốc cây, ì ạch kéo mạnh cho bè đậu sát bờ sông. Những người đi bè trong lúc về đêm phải ngủ xa bờ để tránh thú dữ và chỉ có những trường hợp hết sức đặc biệt mới gặp những con hổ đói phiêu lưu dám lội xuống nước tìm mồi. gã đứng lên, loạng choạng ở trên mạn bè chòng chành đùa nước bì bọp ven bờ, rồi nhảy một bước nặng nề lên bãi.

*

Ông Tư đợi con uống từng ngụm cho cạn bát chè tươi, mới cất giọng nói khàn khàn cố gắng cho được ngọt ngào:

“Cả à, tuổi tao năm nay là sáu mươi hai rồi đó. Sáu mươi hai tuổi cũng chưa phải già nhưng hồi trẻ tao cực khổ quá đỗi, phải đi phụ bè từ lúc mười lăm cho đến năm ba mươi tuổi mới đủ số vốn buôn riêng một mình. Từ ấy đến nay lên thác xuống ghềnh trang trải bao nhiêu nợ nần của ông nội mày, rồi còn mua đất, mua vườn, dựng nhà, dựng cửa, nuôi cho chúng mày khôn lớn, làm sao mà không suy mòn cho được? Bây giờ tao biết mình yếu lắm rồi. Chống bè qua vài ngọn thác đã thấy bai hoải chân tay. Ngồi suốt cả ngày dưới nắng, tối đến là không ngủ được. Nhưng tre tàn thì măng mọc, tao còn trông cậy ở mày. Đôi khi tao muốn nghỉ hẳn nghề này để mày ăn học rồi theo nghề khác nhưng mà tính thế không xong. Em mày thì đông, mẹ mày thì già, khó lòng để mày ngồi yên trên ghế nhà trường. Chỉ có con cái những nhà có của mới tính đến việc ăn học lâu dài. Nhà nghèo mà học như mày tao tưởng cũng nhiều rồi đó. Với lại cái nghề đã nuôi gần trọn đời tao, đã gây dựng nên gia nghiệp của mình, bỏ đi sao được? Mình mua tận gốc, mình bán tận ngọn, sống cảnh trên trời, dưới nước, chẳng ai ràng buộc được mình. Kể chi nỗi khổ dọc đường qua mấy thác ghềnh. Mày xem, có cái nghề gì mà không khổ sở gian nan? Nghề gì rồi cũng có thác, có ghềnh, Cả à. Đừng có sợ khó mà hư con người. Tao thấy cái cảnh ăn không ngồi rồi là hại một đời, đó Cả.

“Giờ chỉ có mày là lớn, rán mà chèo chống nuôi lũ em mày. Có tao chỉ dẫn cho mày đường đi nước bước, một năm hai năm là thành thạo rồi. Chứng đó tao có chết đi thì cũng yên lòng. Nếu trời cho tao còn sống thì cũng vui vẻ cảnh già với lũ cháu con. Vậy mà qua thác Kha-Li rồi thác Bà-Chầu mày cứ đòi băng ngõ núi không chịu cùng tao ngồi bè vượt thác là cớ làm sao? Đâu có vậy được. Đi bè phải giữ lấy bè, chết sống với bè mới được. Nhưng nghĩ mà coi có gì là khó lắm đâu? Mười lăm tuổi đầu tao đã vượt thác rồi đó. Nay đã già rồi, cũng chẳng kể gì nữa đó. Tuổi Tỵ của mày năm nay là hai mươi mốt, à, hai mươi hai, chớ có ít ỏi gì đâu! Thôi đi, Cả à, mày cứ chịu khó là xong hết cả, vượt được một thác thì bao nhiêu thác cũng coi là thường. Ra đến giữa dòng mày chỉ bám chặt xuống bè, khi bè lao theo ngọn thác thì mày cố nín hơi thở, cứ nhắm mắt lại, bè chìm xuống lòng hố sâu rồi theo dòng nước đẩy luôn mà trồi lên giữa mặt sông. Chỉ trong chốc lát, thế là thoát rồi.”

Cả Hộ vẫn ngồi chăm chăm nhìn ra mặt sông, không nói năng gì. Ông Tư đứng lên gài cái khuy áo ở trên lồng ngực, kéo hai ống quần xếch lên cho gọn, rồi bảo:

“Đi con, cha chỉ có con là lớn, phải biết nghe lời. Vượt thác đôi lần rồi con lại thèm, lại nhớ cho coi. Đi trên con sông bằng phẳng nó buồn chán lắm, mình không thấy được tài sức của mình. Thác ghềnh nguy hiểm bao nhiêu con người cũng vượt như chơi. Cha nghĩ, cái gì rồi cũng chống chỏi được hết. Bây giờ chỉ còn có mỗi một cái thác này là gần như xong con đường rồi đó. Thác Mang-Mang này chảy mạnh hơn thác Bà-Chầu, hơn thác Kha-Li, nhưng chảy càng mạnh thì qua càng mau, thoáng chốc là vượt xong rồi. Ở trong gian nguy, không phải chỉ toàn có những cái khổ hành hạ con người. Chận được cái nguy, cái nguy đó đẩy mình lên, vui lắm đó Cả. Vượt một cái thác chẳng qua như uống bát nước chè nóng vậy thôi. Thế mà bỏ thác leo quanh bờ núi có khi mất nửa ngày trời. Đứng lên, con à, gói chặt đồ đạc cột kỹ vào bè, rồi cha con mình xuôi sớm. Có ướt bao nhiêu chẳng sợ. Tới ngõ Suối-Dài đem ra phơi phóng ngoài bãi, chốc lát là ráo khô rồi. Đi với cha đây, không có việc gì phải ngại.”

Ông Tư úp cái bát sành lên trên nắp ấm rồi đem xuống bè. Cả Hộ quay người nhìn quãng núi rừng trùng điệp ở sau lưng mình rồi chống hai tay lên gối đứng dậy. Gã bước nhè nhẹ lại phía bờ sông, liếc nhìn rất nhanh ra phía ghềnh đá lô nhô giữa dòng, lưỡng lự giây lát trước khi bước xuống. Gã đứng chập choạng giữ lấy thăng bằng trên những cây tre chao đảo rồi ngồi phịch xuống quờ tay gói những chăn chiếu bỏ vào một cái bầu nhỏ trát chai kỹ lưỡng. Ông Tư cầm chiếc sào dài đứng ở cuối bè nhìn về quãng sông trước mặt nhưng vẫn chú ý theo dõi cử chỉ của con. Giây phút im lặng kéo dài và tiếng thác nước tưởng như vang dội mãnh liệt khác với ngày thường.

“Cả à, ta đi trên quãng sông này gần năm mươi năm rồi đó. Ta quen thuộc nó hơn quen nhà cửa của mình. Mỗi một cái ghềnh, mỗi một bờ đá ta nhớ như in, như khắc trong đầu. Ta rõ lòng sông hiểm trở hơn rõ lòng người nhiều lắm. Con chưa thấy khi nước lụt tràn về, dòng sông lên cao ngập cả ngọn tre ven bờ kia lận. Nhìn về phía trước ở bên tay trái mà xem. Có thấy rều rác bám trên những ngọn là-ngà đó không? Đã ba bốn tháng qua rồi mà dấu mực nước vẫn còn, bây giờ mình đi trong con nước dịu, thiệt là dễ dàng không biết chừng nào. Lòng sông, nó còn hiền lành hơn cả lòng dạ nhiều người ở chốn phố phường nữa đó. Nó nuôi sống mình, nhưng cũng như loài thú dữ chỉ hóa hung ác khi mình sợ chúng mà thôi. Đừng sợ, Cả à, ta đã già rồi, yếu rồi, chỉ còn trông cậy ở mỗi mình con. Mở cái dây neo rồi con lấy cây sào chống. Ra đến giữa dòng trên thác thì con cứ ngồi cho vững, để đó mặc ta.”

Cả Hộ tháo sợi mây cột bè và ném xuống nước. Gã nghe lời cha một cách lạnh lùng, vẻ mặt lầm lì như mải đăm chiêu theo một ý nghĩ bận rộn bên trong. Ngồi ở mạn bè quờ tay rút cây sào chống, gã thong thả đưa xuống nước và cứ ngồi thế đẩy bè lui ra. Mảng bè to lớn chòng chành giây lát rồi lừ lừ tiến ra giữa lòng sông rọi nắng chói chang. Cả Hộ rút vội cây sào gài vào thân bè và lết vào giữa, hai tay dang ra chống xuống thân tre nêm chặt, bó từng lớp dày. Gã không dám ngó trước mặt, chỉ nghếch đôi mắt nhìn nghiêng về phía bên trái, ngắm nghía mấy lớp rác rều còn đọng trên ngọn tre cao.

Ông Tư cúi khom trên cây sào chống cố giữ cho bè từ từ trôi nhẹ vào giữa lòng thác Mang-Mang. Mái tóc bạc trắng của ông phản chiếu ánh nắng phất phơ theo ngọn gió sớm man mát thổi về từ các đỉnh non xa vời. Những ngón chân ông bám chặt mặt bè như bám vào mảnh đất sống lênh đênh quen thuộc lâu đời, đủ sức chuyển tiếp cho ông sức mạnh của lòng tự tin vững chãi.

Mảng bè cứ thế trôi đi, yên lặng, lừ lừ tiến vào giữa dòng. Bỗng nó trành hẳn một phía khiến cho Cả Hộ suýt nhào khuỵu xuống, rồi lại giữ lấy thăng bằng như cũ.

“Ở đây có vạt đá ngầm rộng lắm. Sắp vào lòng thác, đó Cả.”

Bất giác, gã trai trẻ nhìn phía trước mặt và thấy một khoảng nước rộng cuộn tròn lăn mình xuống một vực xa. Những tiếng ầm ầm vang động mỗi lúc một gần như trút tất cả ồn ào khủng khiếp của chốn rừng núi hoang vu để xoáy sâu vào địa phủ. Các ghềnh đá nhô lên, nhọn hoắt, lởm chởm như loài quái vật chĩa nanh giơ vuốt trong những thế đứng hết sức dị kỳ. Bọt trắng tung tóe tỏa mờ từ xa như lớp sương dày che cả núi rừng phía trước. Dần dần gã cảm thấy bè trôi nhanh như vâng theo một sức hút phi thường cuốn ra giữa thác. Hốt hoảng, gã quay nhìn về cuối bè. Ông Tư Mễ cầm ngang cây sào đứng yên như pho tượng đồng, dôi mắt không chớp nhìn về trước mặt, uy nghi như một viên tướng dũng mãnh bắt đầu lâm trận.

Gã bỗng kêu lên:

- Sắp vượt thác chưa?

Tiếng nói ông già vang lên trong sự trút đổ vang ầm mỗi lúc càng thêm dữ dội:

- Chưa đâu. Lòng thác còn dài.

Gã cố chồm lên và vội thụp xuống khi thấy lườn nước như một sức cuốn phũ phàng nhào đi trước mặt. Bỗng gã rú lên:

- Thôi đi! Thôi đi!

Ông già hét lên:

- Đừng sợ!

Gã nhào ra ở mạn bè:

- Cho con lên bờ! Không dám vượt thác… Con nhảy xuống nước!

Ông già giận dữ bước đến hươi cây sào lên như muốn giáng xuống đầu con mình, rồi bỗng dừng tay, quát lên hùng hổ khác thường:

- Ngồi yên trên bè, đừng sợ!

Nhưng gã tru tréo kêu lên:

- Không! Không! Con không ngồi được trên bè. Con nhảy xuống nước bây giờ!

- Đồ khốn!

Ông già nhào tới đầu bè, thu hết sức lực chĩa cây sào dài xuống lớp đá ngầm, cố đẩy trệch bè ra khỏi dòng nước cuốn trôi. Đuôi bè lắc lư, vùng vẫy, những muốn quay ngược chiều lại nhưng ông Tư Mễ đã chuyển tất cả gân sức hướng bè tiến về một vùng nước phẳng, nằm trong một khu vực ghềnh lởm chởm gần kề. Những đường gân trên cánh tay ông như những sợi thừng săn chặt đến độ căng thẳng tột cùng trong khi toàn thân quì xuống mạn bè co lại giữa thế chống đối giằng co quyết liệt để giành chủ động trước sức nước đẩy phũ phàng. Miệng ông mím chặt, đôi mắt trợn trừng, sắc máu nhuộm hồng khuôn mặt đổi dần ra màu nâu đậm, rồi màu tím sẫm.

Khi mảng bè vào vùng nước yên tĩnh, mồ hôi đã thấm ướt sũng áo quần của ông Tư Mễ. Suốt quãng thời gian khá lâu chống chỏi với sức nước cuốn, ông lão không nói một lời, không quay nhìn lại đứa con bám chặt mình xuống thân bè, tóc buông rũ dài trong cái dáng điệu vô cùng thiểu não. Đến lúc cho bè đậu vào sát bờ ông lão mới thả cây sào, chống đôi tay run rẩy lên sườn và giương cặp mắt trợn trừng che mờ mồ hôi chảy xuống từ một vầng trán nhăn nheo, quay nhìn chăm chắm Cả Hộ. Ông quát lên trong hơi thở hào hển mệt nhọc khác thường:

“Bước lên! Đồ khốn! Chui vào bờ bụi mà đi cho được bình yên cái mạng của mày. Để mày ăn học nhiều năm ở trường là như vậy đó. Sợ khó, sợ khổ, chỉ muốn chui rúc cho xong cái kiếp tồi tàn. Mày làm khổ tao bao nhiêu, mày có biết không? Tao chết ở trong gan ruột vì mày đây này. Cùng đi một lần mà bao nhiêu bè đã về tận nơi tận chốn còn tao thì cứ lênh đênh trên nước đợi mày bò theo dọc núi mà đi để tránh thác ghềnh. Mạt kiếp cho mày! Nếu không thương hại mẹ mày thì tao đã đạp đầu mày xuống nước từ lúc nãy rồi. Bước gấp lên đi, còn đợi chờ gì, hở thằng khốn nạn lạc nòi kia hở?”

Ông Tư còn nói, còn chửi nhưng giọng ông lạc hẳn đi, đầu váng, tai ù, ông thấy cổ mình nghẹn lại và hai ống chân bủn rủn không sao đứng vững ở trên mặt bè bỗng nhiên như đang quay đảo, chập chờn.

Cả Hộ cúi đầu lủi đi qua những bụi cây chằng chịt, không dám quay đầu nhìn trở lại. Gã có cảm tưởng cặp mắt giận dữ của người cha già như hai mũi nhọn còn đuổi theo sau, đâm mạnh vào nơi ót gã. Gã không dám nghĩ đến việc vừa qua và cố vạch gai chạy theo bờ sông gập ghềnh, um tùm cây lá. Khi lên đến một dốc cao, đã mệt lắm rồi, gã bèn dừng lại để thở, cúi nhìn trở xuống.

Người cha già nua với bộ quần áo vải đen bạc màu và mái đầu trắng xóa ngồi im dưới nắng như một tảng đá lạc loài ven sông. Gã thấy ái ngại trong lòng, không muốn đi nữa, cứ đứng tần ngần nhìn mãi mẩu người bất động lâu lâu mới thấy lắc lư theo mảng bè chao dưới sóng theo cơn gió mạnh từ đâu đột ngột thổi về.

Nhưng rồi cuối cùng người cha già yếu của gã từ từ đứng dậy. Gã muốn kêu lên một tiếng thật to nhưng cổ họng nghẽn lại, khiến gã đứng yên bối rối trong lòng. Chiếc bè từ từ trôi ra giữa sông và hình ảnh ông già lẻ loi trở thành nhỏ bé quá chừng giữa khoảng nước rộng. Lưng ông như khòm hẳn xuống và cái dáng điệu không còn vững mạnh như trước. Đến gần ngọn thác dòng nước phăng phăng cuốn mảng bè trôi. Bỗng chốc gã thấy cha mình như mất thăng bằng, lảo đảo ngã xuống, đánh rơi mất cây sào chống. Nhưng trong một phút, ông lão chồm lên, rồi lại loạng choạng nhào tới. Mảng bè vùn vụt trôi mạnh tiến vào ngọn thác như một mũi tên khổng lồ phóng vào miệng hố sâu thẳm. Thình lình, mảng bè không có người lái, chồm lên, tuôn mạnh vào một thớ ghềnh rồi dội hẳn lại, ông lão bật ngã chới với nhào xuống giữa dòng thác lũ cuốn tràn.

Cả Hộ chớp vội mi mắt, tưởng chừng nhào theo, hốt hoảng bám vào một cành gai bớm bên mình. Gai xóc đầy tay nhưng gã không nghe đau đớn, không nhìn thấy máu rỉ tuôn ở trên da thịt. Gã cứ nhướn người, cố tìm bóng dáng người cha, nhưng thác nước lũ hung hăng đã xoáy sâu vào lòng hố, chỉ có bọt xóa trắng ngầu và ít rều rác thỉnh thoảng hiện lên rồi bị giạt đi. Mảng bè không chủ phóng xuống vực sâu rồi chìm mất dạng. Lát sau, về phía trước xa, ở một mặt nước bình hơn, mảng bè bỗng nhiên hiện lên như rứt ra khỏi nanh vuốt thác ghềnh và theo dòng sông lướt tới.

Cả Hộ chăm chắm nhìn theo cho đến lúc mảng bè tre chỉ còn là một vệt mờ ở trên mặt nước đằng xa. Qua một khúc sông rẽ ngoặt, vệt mờ vụt xóa tan đi. Gã cứ đứng yên, đầu óc tê dại không còn biết nghĩ ngợi gì. Lâu lắm gã mới nghe tiếng lốc cốc của con mõ kiến ở trên một ngọn bương cao.

Gã ngước nhìn lên. Mặt trời đã lách qua khỏi khóm giang, vãi nắng tung tóe lên trên người gã.

Mặt thác lạnh lùng vẫn tuôn tràn về lớp lớp xuống lòng vực sâu xóa bọt trắng ngần vang động tiếng ồn dữ dội.

Tự nhiên, gã cảm thấy nỗi cô độc lạ lùng và khắp núi rừng tỏa lên một sự lạnh lẽo vô cùng khủng khiếp. Rồi mối đe dọa từ đâu vây bọc lấy gã. Tiếng nước réo gầm gào thét ghê hồn, sườn dốc như cao vụt lên, và cây rừng đá núi che giấu bao nhiêu bí mật hãi hùng. Gã kêu thét lên như tiếng rú dài hốt hoảng và nghe từ trong hốc núi âm u, từ dưới vực sâu thăm thẳm nhiều tiếng dội vang quái gở lạ lùng. Gã vụt chồm dây, lao mình về trước, bươn qua gai bụi um tùm, cố tìm lấy một lối thoát.

*

Đã mấy hôm rồi, mảng bè cứ trôi theo sức nước đùa, ngần ngừ dừng lại ở các ghềnh đá giữa dòng rồi lại quày quả trôi đi. Có lúc về đêm nó tấp vào một bãi rộng, lừ đừ men theo một bờ sỏi vụn như tìm chỗ để nghỉ ngơi rồi theo sức đẩy bất thần của một luồng nước tràn lên cùng với một cơn gió núi bốc dậy, vội vã hướng về lòng sông lốm đốm sao khuya. Đôi lần trong khi lững lờ, gặp một ngọn suối chảy vội ra sông, mảng bè bị xô rạt về giữa dòng rồi lại lênh đênh để tấp vào một vịnh nhỏ tỏa bóng đen dày từ những cành si cổ quái sà trên mặt nước. Nằm đấy nhiều ngày, mảng bè đóng lớp rêu xanh dày cộm lại bị lá úa tuôn đầy như một nấm mộ bập bềnh, rồi dòng nước lũ đột ngột tràn tới, kéo đi hết sức vội vàng.

Cứ thế, mảng bè vô chủ trôi xuôi, ngày lại qua ngày. Rồi một buổi chiều mảng bè bị đẩy nằm ngang vào hai ghềnh đá giữa dòng sông hẹp. Nước sông bị ngăn đón lại bất ngờ, vọt qua mảng bè, biến thành một cái thác nhỏ. Cách một ngày sau, một cái xác chết chương sình đã bị rỉa rói nhiều chỗ tấp về. Nhiều người xuôi sông, bị nghẽn mất đường, hì hục kéo bè ra khỏi kẹt đá, hốt hoảng khi nhìn thấy xác đã gần rục rã. Vài người căn cứ vào mái tóc bạc, vào bộ áo quần màu nâu và cái vóc dáng kẻ chết, đoán chắc là ông Tư Mễ.

Còn người con trai ông Tư thì không thấy gã trở về. Mẹ gã mỗi ngày vẫn ra ngoài ngõ đón những lái buôn quen thuộc để hỏi thăm chừng. Nhưng không một ai biết gã trôi giạt ngả nào. Họ chỉ nghe nói phong thanh vài người kiếm củi ở gần Rừng Lá dưới thác Mang-Mang có gặp nhiều mảnh vải nâu dính máu khô đen phất phơ trên một nhành gai trong núi và một sọ người da thịt bị gặm nham nhở nằm lăn dưới gốc một bụi chà là còn in móng vuốt cào cấu của cọp. Nhưng họ không chắc đó là Cả Hộ, bởi vì gã phải theo bè cùng với ông Tư, làm sao mà lọt vào trong rừng được?

VŨ HẠNH

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn “Vượt Thác”, nxb Cảo Thơm – 1965)






BÚT MÁU

Lương Sinh người đất Mân châu, con nhà thế phiệt, nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ từ khi tóc để trái đào. Lên tám đã giỏi thơ ca, từ phú, ai cũng ngợi khen là bậc thần đồng. Lên mười, có bài Tơ liễu trong trăng được tán thưởng nhất mấy câu:

"Trăng cũ phô đầu bạc
Liễu tơ chuốt mi dài
Trăng, liễu xa ngàn dặm
Một tối hẹn vườn ai".

Năm lên mười hai, gặp thời loạn ly, cha mẹ đều bị giặc giết, Sinh sầu thảm mấy tháng liền, mất ăn mất ngủ, lại thêm căn tạng yếu đuối nên lâm bệnh nặng, thần kinh hốt hoảng luôn luôn giật mình, nằm mơ thấy toàn máu lửa, sọ xương. May có người cậu đem về săn sóc đêm ngày, sau nhờ đạo sĩ họ Trình ở núi Hoa Dương cho bài Hi-di ninh-thần dùng toàn não tủy một giống bạch hầu trong núi Nga Lâm, uống thuần với nước viễn chí nên được lành bệnh, tâm thái trở lại an tĩnh, điều hòa. Khi lên mười lăm, Sinh được người cậu gởi đến Lã Công, một quan Thủ hiệu bãi chức từ lâu, ở nhà mở trường dạy võ. Sinh học rất chóng, nửa năm làu thông mười hai môn võ bí truyền của nhà họ Lã. Lã Công quý mến, một hôm lấy thanh bảo kiếm của mấy mươi đời họ Lã lập công trao cho luyện tập. Giữa buổi, Sinh đang múa kiếm bỗng dừng phắt lại, đưa kiếm lên ngửi, cau mày kêu lên:

- Máu người tanh quá!

Đoạn đem thanh kiếm nộp trả, cáo từ mà về.

Đến nhà, lạy cậu thưa lên:

- Võ nghệ không phải là con đường cháu nên theo. Máu người chảy trong cơ thể quý báu vô cùng nhưng vẩy ra ngoài lại quá hôi tanh. Kẻ cầm lưỡi đao trọn đời sao cho khỏi đổ máu người! Điều tàn nhẫn ấy, cháu không làm được.

Người cậu giận lắm, bảo rằng:

- Mày thật cạn nghĩ, phụ cả lòng ta trông đợi lâu nay. Đành rằng máu người là quý nhưng để máu ấy chảy trong đầu bọn ác nhân thì càng tác quái cho người, lại càng có tội!

Lương Sinh cúi thưa:

- Ai cũng cho mình là phải, lấy đâu để nói xấu tốt rõ ràng? Làm thiện một cách hăm hở mà không ngờ đấy là gây điều ác, lại càng có tội vì đã lừa mình, lừa người. Trộm nghĩ binh đao là nghề dứt khoát, cháu chưa dứt khoát trong người, tự thấy không dám theo đuổi.

Cậu nói:

- Hoài nghi như thế, e rồi không khéo mày tự mâu thuẫn với mày. Không phân biệt được giả, chân, thiện, ác làm sao có thể tự tin mà sống trên đời? Xã hội chưa đâu có thể là chốn thiên đường, bên cạnh nhà trường còn có nhà ngục, bên cạnh ngòi bút còn có lưỡi đao, không thể chỉ thấy một chiều, chỉ yêu một cạnh. Vị tất nhà trường đã không tội lỗi, ngòi bút đã không oan khiên! Ta không có con, từ lâu kỳ vọng nơi mày, nhân thời tao loạn những mong cho mày múa gươm trận địa hơn là múa bút rừng văn. Bây giờ, thế thôi là hết. Từ nay tùy mày định lấy đời mày, ta không nói nữa.

Từ đấy, Lương Sinh sẵn có nếp nhà phú túc, chuyên nghề thơ văn, tiêu dao ngâm vịnh tháng ngày. Lời thơ càng gấm, ý thơ càng hoa, tiếng đồn lan xa, lan rộng như sóng trên biển chiều nổi gió. Quan lệnh trấn mới đổi đến địa phương vốn người hâm mộ văn chương, cho vời Sinh đến. Thấy Sinh tướng mạo khôi ngô, lòng quan cảm mến, tiếp đãi hết sức trọng hậu. Sau đó, quan lệnh mượn những thi tuyển của Sinh trong một tháng trường, nhiều khi bỏ cả xử kiện để mà bình thơ. Khi quan giao trả, Sinh thấy sau những bài đắc ý nhất của mình đều có bài họa, văn từ tao nhã, ý tứ thâm trầm, nét chữ uyển chuyển, dưới đề: "Tuyết Hồng tiện nữ chuyết họa". Hỏi, biết Tuyết Hồng là gái đầu lòng của quan. Theo lời nha lại tán tụng thì nàng tài sắc vẹn toàn, khiến Sinh đêm ngày tơ tưởng, cứ thấy giai nhân chập chờn trong cơn mộng ảo. Càng ngày Sinh càng tương tư mê mệt tưởng không có nàng thì không thể nào sống được. Nhiều lần lảng vảng sau tư thất quan để nhìn cho được Tuyết Hồng, chỉ thấy hoa sau rèm lá chập chờn, lại càng mê mẩn tâm thần hơn nữa. Dịp đâu may mắn, quan mời Sinh đến uống rượu, ngỏ ý muốn kén Sinh làm giai tế. Sinh mừng run, tưởng có thể đội mái nhà bay lên. Bấy lâu ước ao người đẹp, bây giờ thế là thỏa nguyện.

Trong lễ hôn phối, Sinh mới nhìn rõ Tuyết Hồng: mặt nàng hơi gãy, mũi nàng hơi to, lưng nàng hơi cong. Sinh rất buồn lòng, song nghĩ duyên số tại trời, nhan sắc của nàng tuy kém nhưng tài nàng cao cũng là một điều an ủi. Suốt tuần trăng mật, nhiều lần Sinh ép Tuyết Hồng làm thơ xướng họa, nàng đều chối từ. Hỏi sao hồi xưa thi tứ của nàng dồi dào là thế, mà bây giờ chẳng cho nghe một lời nào, thì nàng cúi đầu, ngập ngừng giây lâu mới đáp:

- Chàng kén thiếp để làm vợ đâu phải là để làm thơ? Đạo vợ lại là đạo lớn, e rằng đem hết trí lực chu toàn chưa chắc đã trọn, đâu dám lấy chuyện thơ văn mà làm chểnh mảng. Dù chàng nài ép bao nhiêu, thiếp cũng cam đành chịu lỗi.

Đã thế, nhiều lần Sinh đọc thơ cho nàng nghe bảo nàng góp ý, nàng cũng có vẻ hết sức dửng dưng. Sau cùng, Sinh đâm nghi hoặc, nghĩ thầm có lẽ những bài thơ họa ngày xưa không phải của nàng mà chính là của quan lệnh. Nghĩ thầm, chứ không nỡ nói, cũng không dám nói, vì khi giận dữ Tuyết Hồng thường khóa chặt buồng nằm riêng, hai ba đêm liền không tiếp.

Càng ngày Sinh càng chán nản khôn khuây, ảo tưởng vỡ tan, tưởng như tuyệt vọng tình đời. Thiếu thốn hình ảnh giai nhân, cuộc sống tự nhiên cằn cỗi, y như nuốt hoàn thuốc đắng không có mật đường trợ vị. Nhân tết Nguyên đán, Tuyết Hồng về thăm song thân, Sinh bèn thừa dịp xuân nhật, noi gương Tử Trường ngày xưa phiếm du sơn thủy, tiếp lấy sinh lực muôn vẻ thiên nhiên nuôi cho văn khí thêm phần phong phú, siêu dật.

Bước ra khỏi nhà, Sinh chọn con đường hai bên cỏ non phơi phới, quanh co theo một dòng suối trong veo, lơ thơ bắc đôi nhịp cầu nho nhỏ, mơ màng lá đào rơi rắc vào chốn thiên thai. Xuân ý, xuân tình chứa chan ở trong cảnh sắc, màu trời, như theo giác quan dào dạt thấm vào mạch tủy khiến Sinh ngây ngất. Đi đã ba ngày mà không nghĩ đến đường về. Đi được sáu ngày thì sực nhớ đến vợ nhà, nhưng vợ cách xa đến sáu ngày đường cũng không đáng sợ những cơn giận dữ. Đi đến mười ngày, tiền lưng muốn cạn, túi thơ chừng đầy. Chợt đến một miền tiêu điều, dân cư thưa thớt, Sinh chán nản muốn quay về nhưng ruột đói, lưỡi khô bèn đi tìm một tửu quán nghỉ chân. Qua ba dặm đồng trơ trọi vẫn chưa thấy bóng một người để hỏi thăm nơi. Bỗng nghe phảng phất tiếng trống, tiếng chiêng lẫn tiếng reo cười. Dò theo âm thanh vọng lại, lần bước tới nơi thấy đám hội trước chùa, bèn vào quán nhỏ gần đấy ăn uống. Chủ quán cho biết đã mấy năm rồi ở đây mới có một ngày hội lớn vì quan Khâm sai triều đình sắp về địa phương nên quan Tổng trấn họ Lý bày ra trò vui để cho dân chúng thỏa thuê ít bữa. Đang ngồi nhắm rượu lại nghe reo hò rồi thấy đám người trước cửa giạt ra hai bên có vẻ hết sức sợ hãi. Từ xa tiến đến một chiếc kiệu hoa do bốn người khiêng và thêm chừng mười lính hầu áo màu lòe loẹt, tiền hô hậu ủng. Kiệu đến trước quán thì bị nghẹt người, dừng lại. Sinh ngước mắt lên, nhìn thấy khuôn mặt đàn bà tuyệt đẹp. Hỏi kẻ chung quanh, biết đấy là Lý Duyên Hương con quan Tổng trấn vùng này. Người đẹp nhìn thẳng về trước, mặt hơi vênh lên, như không muốn thấy một ai quanh mình. Vẻ kiêu kỳ và nét sắc sảo của khuôn mặt tươi hồng khiến Sinh ngây ngất, tưởng như gặp tiên giáng trần, sửng sốt chiêm ngưỡng, tay cầm ly rượu buông lơi lúc nào không biết. Ly rượu chạm vào mặt bàn vỡ tan, tỏa hơi nồng ra bốn phía. Người ngọc nghiêng đầu liếc xuống, thấy vẻ mặt Sinh ngây nhìn, chợt hiểu, bỗng nhoẻn miệng cười. Nụ cười lộng lẫy như hé sáng một trời tình. Sinh lảo đảo đứng lên, không phải say vì rượu, trả tiền cho chủ quán rồi tiến về phía kiệu hoa. Người xem đã giãn, kiệu vào trong chùa. Sinh vội bước theo, cố quên rằng mình đã có vợ nhà.

Trong chùa chật ních những người. Phần đông quần áo mùa xuân tươm tất nhưng đều mặt mày hốc hác mang nhiều vết hằn đau khổ. Ai cũng cố gắng mà vui, hình như không có dịp nào để vui hơn nữa. Lương Sinh chen vào, nghe mùi mồ hôi xông lên khó thở, gượng nghĩ vẫn còn hương thơm người đẹp đi qua sót lại phần nào. Khổ nhọc rất lâu, bước đến thềm trong thì đã thưa người. Thấy Sinh có vẻ nho nhã, người gác để Sinh đi qua. Vào tận trong xa vẫn chưa gặp được người ngọc. Thoạt nhìn lên một bục cao, hương trầm nghi ngút sực nức mùi thơm, thấy Lý tiểu thơ vẻ mặt thành kính, đang cùng mấy vị tăng già đàm đạo. Lương Sinh hậm hực đứng nhìn, giận mình từ xưa chẳng chịu thế phát qui y.

Một lát, tiểu thơ quay vào bàn lễ, Sinh ngại nàng vội đi về nên bỗng nảy ra một ý. Lại gần biệt phòng bên cạnh sẵn nghiên bút và hoa tiên để khách thập phương đề vịnh, Sinh bèn thảo phóng mấy câu:

"Lá gió sầu xuân, đưa đẩy duyên trời hẹn ước,
Tiên hoa gài mộng, vấn vương đền Phật bâng khuâng.
Động biếc, thoáng cười tiên nữ
Rêu xanh, ngẩn lối Lưu Thần.
Mặt nước hồ im, xao động bốn mùa sóng gió
Bóng đêm hang thẳm, long lanh một vẻ giai nhân."

Rồi bẻ cành hoa kẹp vào. Khi Lý tiểu thơ lễ xong, khoan thai xuống thềm, mọi người sợ hãi giạt ra hai bên thì Sinh vội vã đi theo. Đến lúc nàng vừa lên kiệu, Sinh ném cành hoa lên chỗ nàng ngồi. Lính hầu thoáng thấy, kêu lên:

- Có người ám hại tiểu thơ!

Lập tức, hai, ba, rồi chín, mười lưỡi gươm dài vung lên, lính hầu vây lấy Lương Sinh. Những người xem hội thất sắc lùi lại, dồn dập ép đẩy vào nhau kêu la náo động. Tiểu thư ngồi trên, vén rèm nhìn xuống, không nói một lời, vẻ mặt hết sức kiêu kỳ. Lương Sinh đã toan mở lời chống chế nhưng lính xông vào trói chặt lấy chàng.

Đám đông có tiếng thì thào:

- Anh ta chỉ ném có một cành hoa thôi đấy.

- Bấy nhiêu cũng đủ héo cuộc đời rồi!

- Qua dinh Tổng trấn không lấy nón xuống là đã bay đầu, nói chi xúc phạm tiểu thư vàng ngọc!

Lúc ấy, Lương Sinh sực nhớ đã quên từ lâu mười hai môn võ bí truyền của nhà họ Lã.

Về đến nha môn, lính dẫn Lương Sinh nhốt vào trại giam rồi tâu trình lên Tổng trấn. Nằm trong bốn vách tường đá, Sinh nghĩ cuộc đời bằng phẳng của mình bấy lâu mà lòng rầu rĩ không yên. Chắc là phen này không thể sống thoát, tiếng vang danh sĩ ngày nào bây giờ phải chịu hoen nhục vì không nén được tấm lòng bồng bột phút giây. Đang mơ màng về thế giới bên kia, chợt nghe tiếng người gọi dậy, lập tức được lính dẫn đến công đường. Tổng trấn ngồi giữa, vóc dạng phương phi, hàm én râu hùm, trên tay còn cầm tang vật là mảnh hoa tiên.

Sinh cúi đầu thi lễ, toan tìm lời kêu oan gỡ tội thì quan ra lệnh mở trói. Trước sự kinh ngạc của Sinh, quan bước xuống thềm, dắt Sinh vào trong, kéo ghế bảo ngồi. Sinh từ chối hai ba lần không được. Quan nói:

- Ta thường ước ao được gặp một người tài đức, nay biết ngươi là danh sĩ nên thực hết lòng hâm mộ. Lính hầu sơ suất phạm điều vô lễ vừa rồi, ta sẽ nghiêm trị. Gác Đằng thuận nẻo gió đưa, ngươi hãy ở đây với ta hưởng mấy ngày xuân, vui câu xướng họa, cho thỏa tình ta khao khát lâu nay.

Đoạn truyền đem rượu ngon, thịt béo thết đãi nồng hậu. Lương Sinh tự thấy tài năng của mình thực đã bảo đảm cái mệnh vô cùng vững chắc, hết sức cởi mở tấm lòng, uống rượu say khướt từ sớm đến chiều, mỗi khi chập chờn thức tỉnh Sinh lại ngâm thơ sang sảng, tưởng như lúc nào sau rèm cũng có người đẹp nép nghe. Tổng trấn có vẻ đặc biệt kính trọng tài năng của Sinh, luôn luôn nhường lời cho Sinh thành ra Sinh phải độc xướng, độc họa, độc ngâm suốt ngày. Đôi lúc Sinh muốn hỏi thăm tiểu thư định trao duyên nơi nào chưa, nhưng thấy Tổng trấn đãi mình như bậc thượng khách nên phải giữ ý làm thinh.

Độ vài hôm sau, quan tổ chức cuộc du xuân đưa Sinh đi xem cảnh trí trong miền. Nơi nào quan cũng cho thấy kỳ công đại lực của quan tạo lập cho dân: kìa là dòng suối quanh co quan đã khai thông để dân lấy nước cấy cày, nọ là đồng ruộng bao la trước kia toàn là rừng rậm hoang vu quan đã tốn công khai phá cho dân trồng trọt.

Ngồi trên kiệu cao, Sinh nhìn theo ngón tay quan trỏ phía xa xa, mơ hồ thấy suối, thấy đồng nhiều vẻ khác màu mà niệng không ngừng tán tụng. Hơi men nồng nàn, lòng Sinh chan chứa nhiệt tình đối với những bậc "dân chi phụ mẫu" mà xưa Sinh thường tỏ ý rẻ khinh.

Đến đâu quan cũng xin Sinh lưu bút để cho khắc vào bia đá, cột đồng. Sinh phóng bút thao thao bất tuyệt, hết lòng ngợi ca tài đức của quan. Mực thơm bút quí, lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Trước khi giã từ, Sinh còn lưu lại bài tán tổng kết công đức của quan để khắc ở chốn công đường và bài minh ký để ghi tạc vào mấy cỗ hồng chung tại các tháp đền quy mô trong hạt. Quan ân cần tiễn Sinh ra khỏi nha môn, đưa tặng một cỗ ngựa bạch và mấy nén vàng nhưng Sinh một mực chối từ để giữ vẹn lòng thanh khiết.

Giữa mùa xuân ấy, Sinh lâm bệnh nặng, nằm liệt suốt một tháng liền. Tuyết Hồng hết sức săn sóc thuốc thang, nhiều đêm không ngủ. Bây giờ Sinh có lòng mừng là nàng không biết làm thơ, nhưng Sinh ngày đêm khắc khoải vì không cầm được cây bút. Một ngày không viết được một câu nào, Sinh có cảm tưởng như mình không còn sống nữa. Ngoài nỗi bệnh tật giày vò, Sinh còn bị nỗi băn khoăn sáng tạo hành hạ. Bệnh cũ như muốn tái phát, thần kinh rạo rực không yên, giấc ngủ chập chờn ác mộng. Mấy lần chống tay ngồi dậy, nhưng lại bủn rủn nằm xuống, hơi thở nóng ran như lửa. Một sớm, đang nằm nghe tiếng chim hoàng anh hót ngoài vườn vụt tắt, thấy một tia nắng lọt qua khe cửa chợt tàn, Sinh bỗng hốt hoảng tưởng chừng mùa xuân bỏ mình mà đi, bèn gượng ngồi lên, xô mạnh cửa sổ. Mấy nụ hoa thắm cười duyên trước thềm, lá xanh tươi màu nhựa mới. Sinh bèn gọi đem nghiên bút và tập hoa tiên. Vừa cầm bút lên, Sinh bỗng kinh ngạc: nghiên mực đỏ tươi sắc máu. Thử chấm bút vào, lăn tròn ngọn bút đưa lên, bỗng thấy nhỏ xuống từng giọt, từng giọt thắm hồng như rỉ chảy từ tim. Khiếp đảm, Sinh ngồi sững sờ, tâm thần thác loạn. Cố viết đôi chữ lên giấy, nét chữ quánh lại, lợn cợn như vệt huyết khô trên cát. Sinh vội buông viết, tưởng chừng bàn tay cũng thấm máu đầy. Đưa lên ngang mũi, mùi tanh khủng khiếp. Quệt tay vào áo, đau nhói trong người. Sinh nằm vật xuống, mê man bất tỉnh. Sau mấy ngày Sinh tỉnh dậy, lòng lại khát khao cầm bút. Nhưng nhớ hình ảnh vừa qua, tự nhiên đâm ra e ngại. Sinh cố tập trung thần lực, men đến án thư, nhưng vừa cầm bút lại thấy lảng vảng sắc máu, không sao có đủ can đảm vạch được nét nào. Sinh ném bút, hất giấy, vô cùng khiếp sợ tưởng như xôn xao chung quanh vô số oan hồn đòi mạng. Từ đó, Sinh gầy rạc hẳn, liệu không sống thoát.

Người cậu của Sinh từ lâu đã vào trong núi Hoa Dương ở với đạo sĩ họ Trình, một hôm tạt về thăm nhà thấy cháu suy nhược, rất là lo lắng. Sau khi nghe Sinh thuật hết những điều quái dị vừa qua, ông suy nghĩ hồi lâu, rồi nói:

- Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác nhưng mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng có giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua tội ác mờ mịt nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi. Làm cho người gái lớn lên băn khoăn sầu muộn, làm cho trai trẻ đang hăng khinh bạc, hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ đến vật dục mà quên ái tình, khêu cho thiên hạ tiếc điều tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đau khổ tha nhân, hát trên bi cảnh đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo? Tội ác văn chương xưa nay, nếu đem phân tích, biết đâu chẳng dồn chất thành ngàn dãy Thiên Sơn? Thần tạng của cháu kinh động thất thường, nhưng mà bản chất huyền diệu có thể cảm ứng với cõi vô hình, chắc cháu làm điều tổn đức khá nặng nên máu oan mới đuổi theo như vậy. Hãy xem có lỡ hứng bút đi lệch đường chăng? Soát lại cho mau, soát lại cho mau, chớ để chầy ngày.

Lương Sinh nghe xong, bồi hồi tấc dạ, trí tuệ xem như minh mẫn hơn nhiều. Cơn bệnh do đó lui được khá xa. Sinh đem mấy tập thi tuyển của mình đọc lại từng câu, dò lại từng chữ, thấy toàn là ý bướm tình hoa, phát triển cảm xúc mà xao nhãng trí tuệ, tán tụng thiên nhiên mà bỏ mất cảnh đời, trốn tránh thực tại, từ chối tương lai, nhưng nghĩ lại chưa tìm được lối máu từ đâu. Bỗng sực nhớ đến những bài phóng bút viết cho Tổng trấn, không ghi lại trong thi tuyển, tâm não trở nên bàng hoàng. Đồng thời bao nhiêu gương mặt hốc hác trong ngày hội chùa lại hiện lên rõ, mấy cánh đồng dài trơ trọi, những tiếng thì thầm hai bên kiệu hoa, vẻ người nhớn nhác sợ hãi, những đòn dây trói, mấy dãy nhà giam, lần lượt sống lại trước mắt. Những cảnh ấy thực trái ngược làm sao với những bài tán, bài minh đã viết. Mồ hôi toát ra như tắm, Sinh đứng lên được, quyết định trở về chốn cũ tìm hiểu sự thực.

Sinh đến chốn cũ vào một buổi chiều nắng vàng thê lương phủ trên cảnh vật tiêu điều, xơ xác. Qua khỏi dòng suối khô cạn, Sinh bước vào một thôn trang vắng vẻ, thưa thớt những mái tranh nghèo, không một bóng người thấp thoáng. Đến một gò cỏ úa héo chợt thấy một người nông phu ủ rũ trước nấm mộ mới, hiu hiu mấy nén hương tàn. Sinh dừng bước, lại gần ngồi xuống một bên, khẽ hỏi:

- Bác khóc thương người thân quyến nào vậy?

Người kia ngước lên không nói, ngắm nhìn lớp bụi đường trường bạc thếch trên quần áo Sinh, dịu đôi mắt xuống:

- Người nằm dưới mồ không phải bà con quyến thuộc của tôi.

Sinh nghĩ: "Chẳng lẽ người này cũng là một kẻ thi nhân khóc thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh nào chăng?". Chưa kịp dò ý, người kia chợt hỏi, ra vẻ hoài nghi:

- Ông từ đâu mà đến đây?

- Tôi từ chốn xa, nhân bước phiêu lưu ghé tạt qua thôi. Buồn thấy miền này có vẻ tiêu điều hơn các nơi khác.

Người nông phu bỗng long lanh đôi mắt như không dằn được tấm lòng dồn nén, bật lên những tiếng căm hờn:

- Nói hết cho muôn ngàn khách qua đường cũng chưa hả được dạ này. Ví dù phải chết ngày nay, thân này chẳng tiếc, miễn sao bộc bạch cho được sự thực uất hận từ lâu. Đã bao năm rồi, sống dưới nanh vuốt của tên Tổng trấn họ Lý, chính sự độc dữ hơn hùm beo, đồng ruộng gầy khô, dân làng đói rách. Đầu xuân này có Khâm sai đi về, cụ thôn trưởng chúng tôi, mặc dù già yếu cũng quyết vì dân làm bản trần tình, cản đầu ngựa, níu bánh xe mà tỏ bày sự thực. Thế nhưng Khâm sai đi khắp mọi nơi, chỗ nào cũng thấy bia đá, cột đồng đầy lời hoa mỹ tán dương công đức Tổng trấn của thằng danh sĩ chết khốn nào đó, nên đã ném bản trần tình, không xét, bảo rằng: "Muôn ngàn lời nói của lũ dân đen vô học, đâu bằng mấy vần từ điệu cao xa của kẻ danh nho. Danh sĩ bao giờ cũng biết tự trọng. Tổng trấn đã được hạng ấy tôn xưng, hẳn không phải bất tài vậy". Thế đã thôi đâu, Khâm sai đi rồi, Tổng trấn phái sai nha về tróc nã những người đã đầu đơn tố cáo nó. Bao người đã chết vì nỗi cực hình thảm khốc, vợ góa, con côi, một trời nước mắt, ruộng đồng từ đây đành để nuôi loài cỏ dại mà thôi.

Sinh chết điếng cả người, giây lâu mới gượng gạo hỏi:

- Chẳng hay bác có biết... danh sĩ ấy tên là gì không?

Người nông phu trợn trừng cặp mắt, gào lên:

- Làm gì mà biết! Mà biết làm gì? Những hạng hiếu lợi, hiếu danh, trốn trong từ chương để tiếp sức cho kẻ ác mà cứ tưởng mình thanh cao, hạng ấy thì đâu chẳng có? Dân làng đây ai cũng nguyền rủa hắn, mà hắn nào có biết đâu! Nghĩ thương cho cụ Trưởng tôi, mấy lần đứng ra chịu nhận hết tội để cứu bao người mà bọn chúng chẳng chịu tha, cứ việc tàn sát thẳng tay, lôi đi lớp này rồi đến lớp khác, nên khi bị dẫn qua đây cụ tự móc họng cho trào máu ra mà chết để khỏi bị người đày đọa. Trước khi nhắm mắt, cụ còn gượng nói: "Được chết trên cánh đồng đã đẫm mồ hôi của ta, của bà con xóm làng ta, thế là quí rồi. Chôn ta ở đây, cho ta được gần gũi với các người". Hơi thở gần tàn, cụ còn nói tiếp: "Tội ác là ở lũ vua quan. Tên danh sĩ kia chỉ là cái cớ để chúng vin vào che lấp sự thực. Đừng oán hờn tên danh sĩ. Đáng thương cho nó, đáng thương cho nó".

Người nông phu dừng lại, nghẹn ngào rồi tiếp:

- Nhưng bao người khổ ở đây, bao kẻ chết nơi kia nghĩ còn đáng thương đáng xót gấp trăm ngàn lần!

Đoạn, gục đầu trước mồ, khóc than thảm thiết. Sinh cũng sụp xuống, hòa tiếng khóc theo. Bóng đêm xóa nhòa, gió lạnh như từ cõi âm thổi về rung động bờ lau bụi cỏ. Sinh tưởng như theo cơn gió oan hồn của người đã khuất hiện về chứng kiến cho những giọt lệ chảy ra từ một tấm lòng hối hận chân thành.


VŨ HẠNH







VIẾT VỀ MỘT NGƯỜI VỪA NẰM XUỐNG


Trong những trang sách, những bài báo, những status tôi viết trên Facebook, nếu có một cái gì đó tạm gọi là “văn phong” thì cái văn phong ấy bắt nguồn từ hầu hết các tác phẩm của ông mà tôi đã đọc nhiều lần trong thời tuổi trẻ, nay ngồi nhớ lại, vẫn cứ rõ ràng, sắc nét như mới ngày hôm qua. Đó là những Mùa Xuân trên đỉnh non cao, Chất ngọc, Vượt thác, Ngôi trường đi xuống, Đọc lại truyện Kiều ….
Tôi biết ông thật tình cờ, vào những năm cuối thập niên 1950. Biết nhờ vào truyện ngắn ông đăng trên tạp chí Bách Khoa, những số đầu, có nhan đề “Một cái tết trong rừng” (sau in trong Vượt thác). Nhân vật chính trong câu chuyện gọi là “tôi”, một cậu bé mồ côi cha mẹ rất sớm, ở với người bác làm nghề buôn bán đường xa nên thường trèo đèo lội suối theo người bác. Dịp đó, gần Tết âm lịch, cậu bé theo người bác lên mạn ngược, khi trở về nếu theo đường cũ sẽ không kịp đón giao thừa nên người bác quyết định đi tắt theo đường rừng mà ông từng biết qua. Chẳng may, chiều 30 Tết ấy, hai bác cháu lạc trong rừng, không tìm được lối ra.
Đi loanh quanh mãi đến chập tối, hai bác cháu gặp được giữa rừng sâu một nhóm người đang tụ tập, nói cười, được họ cho ở lại ăn bữa tiệc tất niên là thịt con trâu họ vừa bắt được từ dưới miền xuôi. Hỏi ra đó là một nhóm cướp đang sống ngoài vòng pháp luật. Tối hôm đó, hai bác cháu đón giao thừa với đám cướp mà theo cái nhìn của cậu bé, họ không có gì là đáng sợ. Sáng ngày mùng một Tết, viên thủ lãnh nhóm cướp sai một đàn em vác rựa đưa hai bác cháu ra bìa rừng để về xuôi, sau khi căn dặn là về đến nhà thì khôn hồn đừng tiết lộ điều gì.
Lủi thủi đi theo anh cướp trẻ, cậu bé tự hỏi là không biết ăn Tết xa nhà như vậy, anh ta có buồn không. Tới phút chia tay, cậu bé bạo gan hỏi anh ta câu đó, kẻ cướp giật mình, rồi trừng mắt đuổi hai bác cháu đi ngay. Đi được mươi bước, cậu bé quay lại, vẫn nhìn thấy anh cướp chống rựa đứng đó như một pho tượng, chắc là anh ta đang nhớ nhà lắm!
Cách viết tài hoa, dí dỏm, những nhận xét tinh tế của ông trong câu chuyện, đặc biệt cái kết của nó, khuất phục tôi ngay trong một nốt nhạc. Và tôi đã trở thành một “fan cứng” của ông lúc nào không biết.
Trong tập truyện đường rừng có tên “Vượt thác”, ngoài “Một cái tết trong rừng” kể trên, ông còn có nhiều truyện đặc sắc khác như Mối thù của Khoan Ray, Vượt thác, Vàng tháp Hời …, nhất là truyện Vàng tháp Hời có một đoạn kết hết sức bất ngờ và thú vị.
Trong tập Chất Ngọc, Bút Máu là câu chuyện có một ý nghĩa sâu sắc và lan tỏa mãi đến bây giờ. Truyện viết với văn phong cổ, theo kiểu Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh, nhân vật chính là “Sinh”, chữ dùng để nói về người nho sĩ trẻ thời xưa. Lần nọ, trong lúc dạo bước đường xa, tình cờ Sinh nhìn thấy một đám rước rầm rộ, tò mò đến gần mới biết nhân vật chính trong đám rước là cô tiểu thơ xinh đẹp, con quan Tổng đốc trong vùng. Không nhớ là Sinh đã vì say mê sắc đẹp của cô tiểu thơ mà làm điều gì “bất kính” nên bị quân lính áp giải về dinh quan Tổng đốc. Tại đây, thay vì trừng phạt Sinh, qua những trao đổi ban đầu, vị quan đại thần bỗng cảm kích bất ngờ trước tài học của Sinh. Ông đổi giận làm vui, hậu đãi chàng một thời gian rồi sai lính đưa chàng về quê quán.
Ở quê một thời gian khá lâu, chợt nhớ chuyện cũ, Sinh quay lại thăm chốn xưa, ngạc nhiên thấy quang cảnh tiêu điều, người dân đói khổ, kẻ ăn mày đầy đường. Gặp một bác nông dân, Sinh hỏi cớ sự, được trả lời rằng, viên Tổng đốc trong vùng là kẻ bạo ngược, tham tàn, hà hiếp, bóc lột nhân dân, oán khí ngất trời, dân đầu đơn tới triều đình, quan Ngự sử xuống điều tra, được hướng dẫn đi nhiều nơi, nơi nào cũng thấy chạm khắc những câu thơ của một “danh sĩ” ca ngợi tài năng và đạo đức của người cai trị địa phương, người dân trở thành kẻ vu cáo và viên Tổng đốc không bị quy tội, lại được phen trả thù họ. Người “danh sĩ” ấy không ai khác hơn là Sinh ngày xưa.
Trước tình huống đó, chàng thư sinh đâm ra vô cùng hối hận. Từ hối hận, sinh ra mặc cảm tội lỗi, chỉ vì ngòi bút phóng túng, vô trách nhiệm của mình mà người dân phải chịu đựng sự trả thù hèn hạ của quan lại địa phương. Chàng sinh bệnh, mơ hồ nhìn thấy những oan hồn đòi mạng, gượng ngồi dậy lấy bút chấm mực viết, song nét chữ không là mực, mà lại là những giọt máu oán hờn…
Bút Máu là một truyện tuyệt hay của Vũ Hạnh, nó vẫn còn có giá trị đến ngày nay, khi hiện tượng viết lách bưng bô tràn lan trong xã hội, với những tác hại khôn lường đối với đời sống của người dân.
(Những câu chuyện kể trong bài đều dựa theo ký ức nên có thể có những sai sót về tiểu tiết, mong các bạn thông cảm).
Nhà văn VH không chỉ viết truyện ngắn với sự tinh tế và đa dạng của đề tài, ông còn có tài hài hước, với quyển “Ngôi trường đi xuống”, trong đó, một trong những nhân vật tiêu biểu là ông giáo Lê ốc-Phoọc (từ chữ Oxford). Chẳng những thế, ông còn viết về luận thuyết văn chương, với “Đọc lại truyện Kiều”, cũng tài hoa, dí dỏm, tập hợp một số bài viết từ Bách Khoa như “Đứa con của nàng Kiều”, “Từ Hải, hay là sự lỡ tay của thiên tài” ….
Khoảng năm 1968, tạp chí Bách Khoa phát hành số đặc biệt kỷ niệm 10 năm ra đời số báo đầu tiên, một số cây bút chủ lực có bài viết về khoảng thời gian này. Bản tính mình không thích loại hồi ký, vì trong thể loại văn học này, cái tôi thường được thổi phồng, “tốt khoe, xấu che”, song hồi ký “Mười năm cầm bút” đăng mấy kỳ báo của ông thật tài hoa, tinh tế, sâu sắc mà điềm đạm, không cao ngạo như nhiều cây bút khác. Tôi cố học cái phong cách “điềm đạm” ấy trong cách viết của nhà văn, song không biết mình thể hiện được đến đâu.
Khoảng năm 1963, Sài Gòn xuất hiện một tiểu thuyết được cho là “hiện tượng” của làng văn nghệ lúc bấy giờ. Đó là quyển Yêu của nhà văn, nhà báo Chu Tử. Sách in 4-5 ngàn cuốn tiêu thụ một cái vèo hết sạch. Nhiều cây bút có thế giá ca ngợi quyển truyện này, đẩy lên tận mây xanh. Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng viện Đại học Huế, đề xuất các Đại chủng viện lấy làm tài liệu giảng dạy cho các chủng sinh, còn nhà văn nổi tiếng Nguyễn Mạnh Côn thì cho rằng đó là sự tổng hợp của ba thiên tài Dostoievsky + …..+….. (!)
Năm 1964, khi còn là sinh viên, tôi có đăng một truyện ngắn trên nhật báo Tiếng Dội, được tòa soạn trả nhuận bút 250 đồng, tương đương hơn 30 tô hủ tiếu lúc bấy giờ (khi ấy khoảng 7-8 đồng/tô). Trên đường về, tôi ghé lại chợ sách lề đường Lê Lợi, sát hàng rào Bộ Công chánh, thấy quyển Yêu trình bày dễ thương quá, hình gương mặt thiếu nữ với mái tóc xõa, bèn nảy ra ý mua để kỷ niệm về khoản nhuận bút vừa có được.
Tôi về, lấy tác phẩm ra đọc ngay và chỉ sau chưa đầy 20 trang, quyết định không đọc nữa. Phài chăng, cái thẩm mỹ quan hình thành từ những tác phẩm của VH đã khiến tôi “dị ứng” với một tác phẩm từng được tôn xưng ngất trời như vậy. Khá lâu sau, bữa nọ, tạp chí Bách Khoa đăng một bài điểm sách, nhớ đại khái nhan đề là “Yêu, hay cảnh chợ chiều của văn nghệ”, trong đó, tác giả là cô Phương Thảo., một bút danh mà ông VH sử dụng khi viết điểm sách hay phê bình văn nghệ, đã đả kích nặng nề nội dung và hình thức quyển truyện. Bài viết đó mang lại cho tôi sự hả hê, để “trả thù” về khoản tiền 40 đồng bỏ ra để mua về một quyển sách đọc không đến 20 trang. Tất nhiên, đây chỉ là vấn đề về cái “gu” thưởng thức văn học, không ai giống ai.
Song, bài phê bình nặng tay của cô Phương Thảo., tức nhà văn Vũ Hạnh, về tác phẩm Yêu của CT, đã làm nổ tung một scandale văn nghệ. Với một tờ báo trong tay, ông CT đã mở chiến dịch “đấu tố” VH, cho rằng tác giả Bút Máu là một VC nằm vùng, trước 1954 từng bị người dân nọc ra đánh tại quận Thăng Bình (Quàng Nam). Tất nhiên trong vụ lùm xùm này, tự trong thâm tâm, tôi đứng về phía ông VH.
Scandale nổ ra một thời gian, tờ báo Tin Văn thuộc nhóm ông Nguyễn Ngọc Lương (về sau được biết là hoạt động cho phía MTDTGPMNVN), ra một số chuyên đề về vụ lùm xùm giữa hai nhà văn, nhà báo này. Báo đăng lại bài phê bình khởi đầu của cô Ph.T. và nhiều bài “tố khổ” sau đó của nhà báo CT. Cuối tờ báo, ông VH chỉ viết mấy dòng ngắn ngủi, đại ý là chỉ khi nào ông CT “lấy lại lương tâm của người cầm bút” (đại ý như thế) thì ông mới chấp nhận đối thoại với CT. Tôi, và nhiều người khác, khâm phục cách hành xử của VH.
Qua thập niên 1970, quyển “Cô gái Xà niêng” của ông ra đời khoảng năm 1973-1974, theo tôi, là dấu hiệu sự đi xuống trong văn nghiệp của ông. Đọc nó, tôi không còn tìm thấy những sắc thái của một tài năng mà mình ngưỡng mộ nữa.
Dù sao, lúc đó, với chính quyền VNCH, ông là một ”nằm vùng” thực sự, người ta đã giam ông trong trại giam Tân Hiệp một thời gian, và đến khoảng nửa đầu thập niên 1970, với sự can thiệp tích cực của linh mục Thanh Lãng, trong cương vị Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam (Vietnam Pen Club), một chi nhánh của Trung tâm Văn bút Quốc tế, ông được thả ra.
Người làm văn hóa, văn nghệ miền Nam trước 1975 không quan tâm đến nhân thân mỗi văn nghệ sĩ, chỉ quan tâm đến sự cống hiến của họ cho xã hội, vì thế những nhân vật “nằm vùng” như Vũ Hạnh, như Sơn Nam, như Kiên Giang -Hà Huy Hà… mới có cơ hội cho ra đời những tác phẩm hay.
Sau tháng 4.1975, và cho đến ngày mất, ông VH đã rơi vào một thế giới khác với thế giới mà nhiều người mong đợi ở ông. Ông đã “chết” từ lâu trong lòng nhiều người, trong đó có tôi. Song, không nên nhắc lại những điều này khi ông đã nằm xuống. Có điều đáng ngạc nhiên là theo bạn Đinh Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, cho đến năm 95 tuổi, nhà văn VH vẫn còn tự mình đi xe máy được! Thật là một sức khỏe phi thường!
Phần tôi, trước sau gì tôi vẫn là người chịu ơn ông, vì tôi đã học được nhiều điều đáng quí từ các tác phẩm trước năm 1975 của ông, từ văn phong đến cách suy nghĩ, cách viết hồi ức về đời mình.
Mong ông được thanh thản ở một cõi trời khác.

Louisville 16.8.2021


Lê Nguyễn













Lê Thanh Thái, Lê Ngộ Châu, Võ PhiếnNguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh
(Ban biên tập tạp chí Bách Khoa)


















Trở về










MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ