đọc thêm (4) : nhớ thầy Hoàng Như Mai "/ Vu Gia [ i.e. Phạm Ngọc Phúc 1952- / tphcm) -- trích: http://nld.com.vn>
Nhớ thầy Hoàng Như Mai
Khi báo Người Lao Động cần bài viết nào liên quan đến lĩnh vực của GS-NGND Hoàng Như Mai, tôi thường nhờ thầy giúp và ông luôn đúng hẹn.
Tin GS - Nhà giáo Nhân dân (NGND) Hoàng Như Mai qua đời không gây ngạc nhiên cho chúng tôi nhưng ai cũng buồn. Sáng 25-9, ngồi ăn sáng với PGS-TS Đặng Ngọc Lệ và TS Hồ Quốc Hùng, chúng tôi cũng xác định thầy sẽ “đi” trong nay mai. Cách đây mấy ngày, dù phải thở bằng oxy nhưng thầy rất tỉnh táo. PGS-TS Đặng Ngọc Lệ hỏi muốn qua Bệnh viện Pháp - Việt không thì thầy lắc đầu. Anh Lệ hiểu ý, kề tai sát miệng thầy và sau đó cho biết thầy nói đã chuẩn bị tinh thần rồi, đừng làm phiền anh em…
Tôi chưa “làm phiền” thầy được
PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, chúc mừng GS-NGND Hoàng Như Mai đại thọ 90 tuổi
Kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của một số cán bộ lãnh đạo cấp cao, tôi đều nhờ thầy viết và sau khi đăng thì ai cũng khen bởi những gì ông viết đều rất đời thường, không có sách vở nào ghi. Sở dĩ tôi biết được những “ngóc ngách” ấy để nhờ thầy viết là do mỗi lần trò chuyện với ông, tôi thường hỏi mấy chuyện… ngày xửa ngày xưa. Do vậy, khi có dịp là tôi nhờ thầy.
Tôi hứa một ngày nào đó đến sẽ “làm phiền” thầy mấy ngày. Song, công việc cứ ào ào kéo đến nên tôi chưa thực hiện được. Bây giờ có tiếc cũng chẳng biết làm sao. Ngẫm lại, tôi thấy mình tệ quá...! Nói vậy là vì mỗi lần viết về nhân vật nào, tôi thường đến gặp thầy gợi chuyện để hiểu thêm không khí của một thời mà tôi là người sinh sau đẻ muộn, làm sao biết được.
Cẩn thận là tốt
Một lần, thầy gợi ý tôi nên tranh thủ viết về Phan Khôi. Thầy nói: “Anh này hay lắm. Mình xem tính khí của Vu Gia có phần giống nên mình tin Vu Gia viết thành công về nhân vật này”. Từ gợi ý ấy, tôi sưu tầm tài liệu về Phan Khôi. Thầy cũng giúp tôi nhiều tài liệu quý, nhất là bộ Giai phẩm mùa Thu.
Thầy kể rất nhiều chuyện về Phan Khôi vì sau Cách mạng Tháng Tám, thầy làm báo cách mạng nên gặp ông thường xuyên trong những lần hội họp. Khi cuốn Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và Thơ mới của tôi đưa nhà xuất bản thì họ cần có sự thẩm định của chuyên gia văn học hiện đại. Thầy ký bản thẩm định ngay với suy nghĩ đơn giản rằng tôi viết về Phan Khôi là… đúng người, đúng việc.
Khi tôi biếu sách, thầy chúc mừng nhưng mấy ngày sau thì gọi lên Trường Trung học tư thục Trương Vĩnh Ký (thầy làm hiệu trưởng) rồi hỏi sao không đưa những chuyện ông kể. Tôi thưa thật là “không có chứng cứ” nên… ngán! Thầy cười, nói cứ ghi rõ thầy kể thì có gì phải ngán ngại nhưng cho rằng tôi cẩn thận thế là tốt, chỉ tiếc thiếu mấy chi tiết ấy thì thiếu phần nào cốt cách xứ Quảng của Phan Khôi.
Trong sách, tôi có trích dẫn đoạn hồi ký của một nhà văn lão thành. Thầy cho biết lứa tuổi của tôi đọc vậy thấy tác giả rất trân trọng Phan Khôi nhưng với lớp người như thầy thì thấy có phần… không thật! Thầy nói: “Vu Gia nhớ rằng năm 1946, Phan Khôi ra Hà Nội, anh Thế Lữ và anh Nguyễn Tuân nghe tin thì vội tìm rước về nhà uống rượu là… sướng lắm! Hồi đó, nhà văn này (tác giả hồi ký được tôi trích dẫn) được Phan Khôi hỏi “nghe nói cậu có viết chuyện con giun, con dế gì đó phải không?” là “oai” lắm rồi, chứ làm sao dám nói giọng ấy”.
Chuyện thơ văn lạ lắm
Khi viết cuốn Thế Lữ - Một khách tình si, tôi cũng được thầy kể nhiều chi tiết khá thú vị. Với thầy, chuyện thơ văn lạ lắm, có khi nghĩ tác giả tưởng tượng song lúc gặp việc thì mới thấy tác giả giỏi hơn mình.
Thầy kể rất thích câu thơ của Thế Lữ: Cây im, sông lắng, đợi xuân về nhưng cây thì có lúc nào “im”, thế mà “im” thật! Ngày đó, vợ chồng thầy tham gia đoàn quân Nam tiến, diễn kịch tuyên truyền kháng chiến cứu nước. Đến Tuy Hòa thì cuộc toàn quốc kháng chiến nổ ra, vợ chồng thầy và anh em quay trở về Bắc. Trên đường, đâu đâu cũng “tiêu khổ kháng chiến” và khi đến Cam Lộ (Quảng Trị) đúng vào giữa trưa mùng 1 Tết. Thầy kinh ngạc, thậm chí kinh hoàng vì trước mắt là cảnh vật cứ như câu thơ của Thế Lữ viết cách đó chục năm: Cây im, sông lắng, đợi xuân về.
Thầy nói: “Sau này, mình có kể lại với anh Thế Lữ chuyện đó. Anh vui lắm và cho biết cái “mạch thơ” trồi lên từ truyện thơ Nôm Bích câu kỳ ngộ, chứ bản thân cũng không nghĩ ra như thế”.
GS-NGND Hoàng Như Mai sinh năm Kỷ Mùi (1919) tại Thanh Trì, Hà Nội. Trước 1945, ông viết báo, dạy học tư. Tháng 8-1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Năm 1946, ông theo đoàn quân Nam tiến vào Nam diễn kịch tuyên truyền cách mạng (Đoàn kịch Độc Lập). Năm 1947, ông là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ cứu quốc tỉnh Hưng Yên, phụ trách Đoàn kịch Văn hóa; tác giả, diễn viên. Từ năm 1949, ông chuyển sang ngành giáo dục đến cuối đời. Ông là Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM. GS-NGND Hoàng Như Mai trút hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ 45 phút ngày 27-9 tại Bệnh viện 175, TP HCM; hưởng thọ 95 tuổi. Lễ viếng bắt đầu lúc 8 giờ ngày 29-9 tại Nhà Tang lễ TP. Lễ truy điệu và động quan lúc 7 giờ 30 phút ngày 1-10, sau đó an táng tại Nghĩa trang TP HCM. |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ