đọc thêm (2) : " Gs Hoàng Như Mai một trí thức lớn có tâm hồn nghệ sĩ "/ Nguyễn Tý ( tphcm) -- trích: plo.vn>
VĂN HÓA
GS Hoàng Như Mai một trí thức lớn có tâm hồn nghệ sĩ
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai là nhà nghiên cứu văn học, nhà hoạt động văn hóa, nhà thơ, kịch tác gia và là nhà giáo của nhiều thế hệ sinh viên. Thầy hoạt động không ngơi nghỉ cho đến phút cuối cuộc đời. Thầy qua đời ngày 27-9-2013, hưởng thọ 95 tuổi.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai - ảnh tư liệu
Tưởng nhớ đến Thầy những lần gặp gỡ hiếm hoi với những kỷ niệm và bài học khó quên.
Chọn nghề báo nếu có 'kiếp sau'
Những năm còn học ở trường Nhân văn, tuy không trực tiếp được học Thầy nhưng những tiết có Thầy giảng ở các lớp khác tôi đều lén ngồi nghe say mê. Giọng Thầy sang sảng, ấm trầm khi Thầy bình thơ Bác nhất là Thầy giảng về Truyện Kiều. Rồi có cơ duyên tôi được trực tiếp trò chuyện, phỏng vấn Thầy.
Thầy viết khỏe và là cây bút chủ lực của nhiều tờ báo lớn. Một lần vào năm 2002, gặp Thầy trò chuyện, chúng tôi hỏi: “Ngẫu nhiên thầy đến với nghề dạy học. Thưa thầy nếu có “kiếp sau”, thầy chọn nghề nào?”.
Thầy cười giản dị: “Là nhà báo. Thú thật từ nghề biên kịch, diễn viên, nhà giáo đều đến với tôi hết sức ngẫu nhiên. Tôi rất thích làm báo. Tôi từng cộng tác thường xuyên với nhiều nhà xuất bản, nhiều báo, đài phát thanh, truyền hình. Nhà báo ngày xưa oai lắm. Tôi làm báo không cần nhiều giấy bút đâu. Và gần hết hạn nộp bài tôi mới viết… Hiện tôi vẫn tiếp tục viết báo. Có điều, tôi thường nói hay hơn viết nên người ta liên tục mời tôi đi nói chuyện. Tôi cũng không bao giờ chuẩn bị trước cho cuộc nói chuyện nào cả, vì tôi nói những điều mà tôi đã suy nghĩ từ lâu”.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai- ảnh: T.KHANH
Sau khi báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đăng bài "Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai - Một đời vì sự nghiệp "trồng người", thầy Nguyễn Hữu Ái, giảng viên trường Nhân văn gọi trách nhẹ tôi: "Sao em lại viết sai Thầy Mai chọn nghề báo?". Tôi thưa lại: "Dạ, em được gặp trò chuyện, Thầy Mai tâm sự vậy. Viết xong, em có gởi Thầy xem lại. Nên xin thưa thầy, em không viết sai". Thầy Ái cười: "Vậy à, Thầy tưởng em viết nhầm. Vậy nhé".
Những lần gặp Thầy giảng Truyện Kiều đêm thơ Nguyên tiêu, hay bình thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu... Thầy vẫn nhận ra tôi. Thầy ân cần hỏi thăm, động viên và khuyên tôi đọc nhiều, viết kỹ và nếu có thể nên đi nhiều để thu thập kiến thức vùng miền... Tôi nhớ Thầy với những lời căn dặn nhẹ nhàng nhưng hết sức sâu sắc, bổ ích cho nghề báo.
Người Thầy có tâm hồn nghệ sĩ
Ngoài giảng dạy, Thầy còn viết kịch, làm thơ. Thầy lao động miệt mài nhưng trước khi đến nghề dạy học Thầy từng học Y, học Luật. Thầy tâm sự: "Tôi sinh năm Kỷ Mùi, giấy khai sinh theo ngày Tây là ngày 6-8-1920, tại tỉnh Hà Đông sau đó đổi là Hà Sơn Bình, nay quê sinh của tôi thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông già tôi làm quan tuần phủ tỉnh Bắc Giang, bây giờ là Hà Bắc, nên lúc đầu tôi học Trung học ở Trường Bưởi, Hà Nội. Thi tú tài, tôi vào học trường Y, được một năm tôi bỏ trường Y sang học trường Luật, vì thích làm chính trị. Tôi học Luật được ba năm, đến kỳ thi cuối cùng, thì lại bỏ, lên Quảng Ninh để xem anh em công nhân mỏ sống và làm việc như thế nào nhưng bị bọn chủ mỏ theo dõi, nghi ngờ, nên tôi trở về. Về Hà Nội, tôi không học nữa, mà xin vào trường Viễn Đông bác cổ đọc sách, để có vốn kiến thức đi làm chính trị. Tôi còn sang đọc sách ở Thư viện quốc gia nữa.
Tôi đọc say mê rất nhiều sách. Do học nhiều quá, tôi bị bệnh và phải rời Hà Nội về chữa bệnh ở đồn điền của anh tôi ở Chí Linh. Sau khi khỏi bệnh, bạn bè rủ tôi về dạy học trường tư ở Hải Dương, từ năm 1944 đến đầu 1945, Nhật đảo chính Pháp, trường giải tán nhưng tôi vẫn ở lại Hải Dương để làm công tác thanh niên trong tổ chức Thanh niên Phan Anh. Lúc dạy trường tư, tôi tham gia hoạt động truyền bá quốc ngữ. Tôi bị quân Nhật nghi làm Cộng sản, vì ở trường có mấy thầy giáo làm Cộng sản (như thầy Kha sau này là đại tá Đoàn Phụng).
Thầy Hoàng Như Mai - ảnh tư liệu
Ngoài biên kịch Thầy còn là nhà diễn viên. Thầy cho biết việc làm diễn viên bất đắc dĩ: "Tôi rất thích kịch và quen biết với nhiều nghệ sĩ cải lương. Từ năm 1940, tôi chơi thân với Sĩ Tiến là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Năm 1946, có phong trào “Nam Tiến”, anh rủ tôi vào Nam, thành lập một đoàn kịch tuyên truyền chống thực dân Pháp quay lại đánh chiếm Nam bộ. Vợ chồng tôi khóa cửa lại, gởi nhà cho một anh bạn, rồi lên đường. Đoàn còn có anh Đào Mộng Long, chị Thu Hà…
Chúng tôi đi bằng tàu hỏa, đến Huế thì dừng lại, tập kịch. Lúc sắp ra mắt đồng bào, bỗng có lệnh bắt “Việt gian” Đào Mộng Long. Anh Long tự nộp mình. Đã quảng cáo rồi, không thể thôi được và cũng cần phải diễn để kiếm tiền, nhưng thiếu anh Long, không biết làm cách nào. Ai cũng có vai cả, chỉ còn mình tôi là người lo công tác giao dịch nên không nhận vai diễn. Vậy là tôi liều nhận đóng thay các vai diễn của anh Long, cho đến lúc đó tôi chưa một lần lên sân khấu. Đào Mộng Long bị đưa vào tới Đà Nẵng thì được xác minh là nhầm và được thả. Lúc Đào Mộng Long về đến Huế thì vở kịch đang diễn, anh lấy vé ngồi bên dưới xem chúng tôi diễn. Đêm diễn kết thúc, anh bảo tôi: “Ông đóng hơn mình đấy. Ông đô con, giọng ông lớn, sang sảng, đóng hợp hơn mình”. Rồi anh đề nghị tôi tiếp tục diễn, còn anh thì đóng vai khác. Thế là tự nhiên tôi thành một diễn viên (cười). Tôi lên sân khấu một cách tài tử như thế".
Vở kịch để lại dấu ấn của Giáo sư Hoàng Như Mai là vở Tiếng trống Hà Hồi nói về chiến công của vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Vở kịch được công diễn nhiều lần ở vùng kháng chiến những năm 1950 và kéo dài kể cả sau này. Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhắc đến Tiếng trống Hà Hồi trong phong trào văn hóa yêu nước ở miền Nam trước giải phóng.
Giáo sư Nguyễn Lộc nhìn nhận về giáo sư Hoàng Như Mai: “Mỗi thầy cô đều để lại cho tôi những ấn tượng đẹp nhưng có lẽ người mà tôi cảm phục nhất, muốn noi gương nhất là thầy Hoàng Như Mai”.
Nhà văn-Giáo sư Hoàng Như Mai sinh ngày 6-8-1920 ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tham gia cách mạng từ 19-8-1945. Từ 1945-1949, ông viết báo ở Hà Nội, diễn kịch tuyên truyền ở Nam Trung Bộ, tổng thư ký Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Hưng Yên. Từ 1949-1980, ông hoạt động trong ngành giáo dục ở Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) và Hà Nội. Năm 1980-1990, ông là giáo sư Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Ông từng là hiệu trưởng Trường Tư thục Trương Vĩnh Ký TP.HCM, chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sinh viên ngữ văn nghèo. Các tác phẩm chính: Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu 1968); Trần Hữu Trang soạn giả ca kịch cải lương(nghiên cứu, Nxb TP.HCM, 1982); Thơ một thời (phê bình, NXB Tiền Giang, 1989); Trí thức và nghệ sĩ(chân dung, NXB An Giang, 1989); Trao cho nhau cuộc đời (thơ, khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM và Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học, 1993); Tìm hiểu bản sắc dân tộc trong thơ Hồ Chí Minh (nghiên cứu, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1995); Hồi ức và suy nghĩ về văn hóa giáo dục (tiểu luận, NXB Giáo dục, 1998); Chân dung và tác phẩm(tiểu luận, Nxb Giáo dục, 1999); Tiếng trống Hà Hồ (kịch, NXB Trẻ, 2001). Tuyển tập Hoàng Như Mai.. NGUYỄN TÝ ( báo Pháp luật / tphcm) ================ |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ