75 năm thành lập Đội TNTP HCM75 năm thành lập Đội TNTP HCM

Hoàng Tố Nguyên – Nhà thơ nổi tiếng ở xứ Gò

NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

Hoàng Tố Nguyên, tên thật là Lê Hoằng Mưu, sinh năm 1929, tại Gò Me, làng Bình Ân, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

 

Sau khi hoàn tất bậc tiểu học ở Gò Công và bậc trung học ở Trường Collège de Mitho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho), ông lên Sài Gòn học Trường Mỹ thuật Gia Định. Ngày 23/9/1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam bộ bùng nổ. Theo tiếng gọi của non sông, ông gia nhập lực lượng vũ trang chiến đấu ở nội thành Sài gòn, rồi hoạt động văn nghệ và tuyên truyền. Từ năm 1947 - 1949, ông ra vùng kháng chiến, làm Chủ tịch Hội Học sinh Mỹ thuật kháng chiến Gia Định. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng trong thời gian này, ông đã có thơ đăng trên các báo. 


Nhận xét về thơ của ông, nhà phê bình văn học Thế Phong, trong quyển Lược sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến, viết như sau:

"Về bình diện thi ca miền Nam 1945 - 1950 chỉ có hai nhà thơ điển hình nhất là Vũ Anh Khanh và Hoàng Tố Nguyên. Họ bao trùm các nhà thơ khác, như Ái Lan, Tố Phong, Trúc Khanh, Khổng Dương vv… Ái Lan, một nữ thi sĩ có nhiều triển vọng loại thơ tranh đấu như Thu bất hủ; cũng như Trúc Khanh có trong loại thơ tâm tình lành mạnh.

Hoàng Tố Nguyên trội hơn hết, sau Vũ Anh Khanh. Tác giả của nhiều bài thơ đăng rải rác trên báo, mặc dầu chưa in một tác phẩm nào… Những bài như: Vọng hướng sao rơiXuân về say ý nhạc (1)… đăng trong tuyển tập thi ca Mùa giải phóng (5/1949).

Thơ Hoàng Tố Nguyên đi vào thực tiễn cách mạng, kỹ thuật cao, truyền cảm người đọc như Tha la của Vũ Anh Khanh. Giống như Vũ Anh Khanh, Hoàng Tố Nguyên nổi tiếng vì thơ có hình tượng sống mới, tiết tấu âm thanh mới, không dùng sáo ngữ, hoặc điển cố, như bài thơ Sa cơ của Thẩm Thệ Hà hoặc Hoàng Tấn với Giang san khói lửa mù bay

Xuân về say ý nhạc là bài thơ của một đồng đội chiến đấu chống xâm lăng Tây thuộc lần thứ hai; mà tác giả là Hoàng Tố Nguyên, một nhà thơ xuất sắc.

Về bình diện văn nghệ Nam bộ 1945 - 1950, hẳn không thể quên văn Lý Văn Sâm, thơ Vũ Anh Khanh, thơ Hoàng Tố Nguyên... là những người góp vào nền văn học cực thịnh của Nam Bộ".


Từ năm 1950 - 1952, ông là Trưởng ban Tuyên truyền Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), Ủy viên Ban Chấp hành phân hội văn nghệ liên tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một - Biên Hòa). Từ năm 1952 – 1954, ông là cán bộ Sở Thông tin Nam Bộ, biên tập viên báo Cứu Quốc Nam bộ rồi báo Vì Chúa, vì Tổ quốc của lực lượng Công giáo kháng chiến Nam Bộ.


Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm Biên tập viên báo Văn Nghệ. Năm 1956, ông là Ủy viên thường trực Ban đại diện Văn nghệ Nam bộ ở miền Bắc. Năm 1957, ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và công tác tại Trung ương Hội Nhà văn. Năm 1959, ông trở lại với nghề báo, làm Biên tập viên báo Độc Lập. Năm 1969, theo sự phân công của Ủy ban Trung ương các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, ông nhận nhiệm vụ xây dựng phong trào văn nghệ ở tỉnh Hà Tây; và sau đó là tỉnh Thái Bình vào năm 1974.

 Thời gian này, sống trong cảnh "ngày Bắc đêm Nam", ngoài việc tích cực gầy dựng hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương, ông đã lao vào sáng tác một cách miệt mài và bền bỉ. Các truyện thơ và tập thơ của ông liên tiếp được ra đời, như Đổi đời (truyện thơ, 1955), Cô gái bần nông sông Hồng (truyện thơ, 1956), Đất nước (tập thơ, 1956), Gò Me (tập thơ, 1957), Từ nhớ đến thương (tập thơ, 1960), Quê chung (tập thơ, 1962), Gởi chiến trường chống Mỹ (1966).

Nếu như hai tập thơ Đất nướcGò Me là tiếng lòng và nỗi nhớ khôn nguôi của ông về quê hương miền Nam thân thương và anh dũng; thì các truyện thơ Đổi đờiCô gái bần nông sông Hồng và ba tập thơ Từ nhớ đến thươngQuê chungGởi chiến trường chống Mỹ  là lời ca tự hào về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và niềm tin tất thắng của toàn dân tộc trong cuộc trường chinh chống giặc Mỹ xâm lược.


Trong những tập thơ ấy, Gò Me là tập thơ nổi tiếng nhất. Và trong tập thơ Gò Me, bài thơ Gò Me là bài thơ hay nhất; mở đầu bằng những câu thơ:


Quê tôi đó, mặt trông ra bể,

Đóm hải đăng tắt lóe đêm đêm.

Con đê cát đỏ cỏ viền,

Leng keng nhạc ngựa, đường lên chợ Gò.


Qua thơ của ông, Gò Me – Gò công hiện lên vô cùng tươi đẹp, thanh bình, dung dị và chân chất:


Ruộng Gò Công, có bay thẳng cánh,

Ao Gò Me, nước gánh không vơi.

Ruộng vây quanh, bốn mùa gió mát,

Lúa Nàng Keo chói rực mặt trời.

Ao làng trăng tắm mây bơi,

Nước trong như nước mắt người tôi yêu.

Không chỉ thế, trong thơ ông còn có cả những cô gái Gò Me xinh xắn, giỏi giang và yêu đời:

Những chị, những em, má núng đồng tiền,

Nọc cấy tay tròn, nghiêng nón làm duyên.

Véo von điệu hát cổ truyền,

Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe.


Nhìn chung, thơ của ông có thể gom vào ba chủ đề lớn: thứ nhất, thơ viết về Bác Hồ – vị cha già dân tộc; thứ hai, thơ viết về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, về những con người đã sản xuất và chiến đấu vì đồng bào miền Nam ruột thịt; thứ ba, thơ viết về miền Nam, trong đó có quê hương Gò Me biết mấy thân thương  của ông, đang quật khởi vùng lên, chống ách bạo tàn của bọn giặc ngoại xâm vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Trong những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thơ của ông tràn đầy niềm lạc quan trong chiến đấu và gian khổ. Tiêu biểu là bài Tạm biệt Hương Canh:

Tiễn anh đến ga, em tất tả quay về

Nón nguỵ trang lá rám nắng hè

Phía Hà Tây ran từng tràng cao xạ

Đồng chống Mĩ đang mong từng dảnh mạ

Kẻng đội mình sắp sửa vang ngân

Em phải về cho kịp buổi ra quân!

Tàu chuyển bánh … Anh không ngoái lại

Mặc cánh bàng trước sân ga vẫy mãi

Anh nhìn về xanh thẳm rặng tre xa

Nơi con tàu hăm hở sắp đi qua…

Nơi ấy - làng ta trở thành chiến lũy

Lớp mẫu giáo tập bài ca đánh Mĩ

Ngõ ba thôn nối lại một đường hào

Trên hố phòng không nhún nhảy nôi chao

Cháu ta ngủ dưới lùm ổi chín

Bên ngọn súng trường đợi giờ lên tiếng!

Nơi ấy - quê ta đỏ lửa đêm ngày

Mũi giáo búp đa chất cạnh lưỡi cày

Vại loáng màu men, gang hồng khuôn đúc

Bên hũ muối, bì ngô phòng lụt

Chum gạo miền Nam thao thức hương chiêm

Lễ cưới bắt đầu trong cảnh nhá nhem

Sau buổi làm đồng, trước giờ đến lớp

Bà móm mém nhai miếng trầu chưa dập

Chúc cô dâu chóng vững tay cày…

Em ơi!

Đâu riêng chúng mình đưa tiễn chiều nay!

Xin chào nhé, sông Cà Lồ đục mùa cá bột

Cái nắng trung châu thoảng mùi mít mật

Chào Hương Canh chất phác lòng người

Thắm như lạc già tách vỏ giữa sân phơi!

Tàu đi xa… Anh còn ngoái lại

Hỡi chiếc nón trên đồng xa vẫy mãi,

Em chẳng đến tháng ngày xạm khói chiến tranh

Anh ra đi giữa tít tắp màu xanh

Có phải tình em theo chân thầm nhắc:

Phản lực Mĩ vẫn hoen trời Vĩnh Phúc

Mái đình Hương vẫn vững dáng rồng xưa

Với thế nhân dân đối mặt kẻ thù!


Tháng 6/1975, ông mất tại Thái Bình sau một cơn bạo bệnh, hưởng dương 46 tuổi. Một năm sau, tập thơ Tên quê hương (2) của ông được xuất bản. Năm 1980, trong lời đề tựa tập thơ được tái bản Từ nhớ đến thương, nhà thơ Chế Lan Viên viết: "… Tôi nhận được tin anh mất ở Sài Gòn, ngẩn ngơ vì thương tiếc một cây bút, những dòng thơ … Tôi tiếc cho Hoàng Tố Nguyên (Lê Hoằng Mưu) đã có một quê hương Gò Me – Nam bộ lúc ra đi, đã có một quê hương Hương Canh – miền Bắc lúc trở về, có cả một Tổ quốc thống nhất xã hội chủ nghĩa, giữa ngày sắp được đoàn tụ, thế mà không sống đến phút đoàn tụ ấy. Tôi cũng tiếc cho Gò Me, Gò Công quê anh đã không có anh trở về … Trong mấy nhà thơ Nam bộ tập kết ra Bắc hồi ấy, phải nói rằng anh là một trong mấy người có tài hơn cả … Lần đầu tiên khi thơ anh xuất hiện ở Thủ đô, nó đã được nhiều người yêu mến và giới sành thơ trân trọng".

 

--------------------

Anh đi miền sông Hậu

Tôi về khám thị thành

Đêm đêm, nhìn Bắc đẩu

Nôn nao lòng nhớ anh.

Trời nơi anh sáng chứ?

Hoa đời nở ý xanh?

Máu sông sầu cuồn cuộn,

Có vương tình trăng thanh?

Gió muôn trùng… gió lộng.

Vẫn vang khúc viễn hành?

Bạn bè còn đủ cả

Hay cuối bãi đầu ghềnh?

Tương tàn bao thảm cảnh

Có hiện vào mắt anh?

Xuân về say ý nhạc

Có cạn chén tâm tình?

Ngựa Hồ thương gió Bắc

Có vẹn lời sắt đanh?

Hay men Tần dễ bén

Mà say khúc hậu đình?

Mà quên thề cổ biệt,

Mà nguôi hận bất bình?

Nơi đây sầu phong tỏa

Hương đời cạn ý xanh

Mây giăng mờ tám hướng

Nắng loãng bụi kinh thành

Có lắm phường cẩu nhãn

Còn mơ chuyện Đế Đình.

Gái trai cười phấn lụa

Cao hát khúc ân tình

(Còn mong gì tuyết trắng

Mà dâng hồn thơ xanh)

Sầu đông cay độc ẩm

Hồn đau nghẹn bất bình

Đêm đêm nằm đếm tóc

Nghĩ thẹn kiếp phù sinh.

Xuân về say ý nhạc

Đôi câu gọi chút tình

Trăng liềm chênh chếch đổ

Về phương nào đó anh?


(2) Ngoài ra, ông còn hai tập thơ chưa xuất bản: Hậu phương không ngủBài thơ bên gối cưới

 

Tiến sĩ  Nguyễn Phúc Nghiệp

Trưởng phòng Lịch sử Đảng/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang