" Lại Nguyên Ân [ 1944- / Hà Nội ] : " Tôi chơi đồ cổ "/ Nguyễn Đình Chính ( Hà Nội) -- nguồn tuổitrẻOnline ( tphcm)
Lại Nguyên Ân: "Tôi chơi đồ cổ!"
NXB Hội Nhà văn. Gác 2. Phòng thứ 2 bên phải. Gian phòng này rộng hơn mười thước vuông, có lần bạn bè nói tếu táo đây là cái “cũi Thiền minh - đạo sĩ”, có công “nhốt” được hai ông ghê gớm của giới phê bình lý luận văn học. Dân làng văn thỉnh thoảng lại thấp thỏm ngộ nhỡ chỉ cần một trong hai ông xổng ra thì cả làng lại có phen xáo xác.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân |
Một ông ghê gớm ấy là cử nhân văn chương họ Vương, sinh 1943 - đội tuổi con Dê. Còn ông ghê gớm kia là cử nhân văn chương Lại Nguyên Ân sinh năm 1944 - đội tuổi con Khỉ.
1. Buổi sáng mùa hè oi bức, ngột ngạt. Mò lên cái cũi đã quá quen rồi ấy để thăm bạn. Ông Lại Nguyên Ân nở nụ cười cầu tài cầu hiền, lăng xăng chu đáo thuốc nước chào mời. Cái kiểu cách rất có giáo dục ngày xửa ngày xưa của các ông biên tập NXB hàng ngày quen đón khách văn chương. Ngồi nói chuyện vu vơ với nhau thế nào lại díu ngay vào chuyện có “thiên tài” văn chương trẻ tuổi vừa được mấy anh cò hăm hở “ẵm” lên một tờ báo cuối tuần chuẩn bị ấn nút “Đốp-pinh”.
Động đến cái thị hiếu tiểu thị dân tầm tầm của đám đông đang phừng phừng, nghênh ngang đặt bẫy nhử mồi tứ tung trên thông lộ văn chương nghệ thuật vốn đã quá thừa cạm bẫy, ông Lại Nguyên Ân cười, vẫn nụ cười cầu tài, cầu hiền nhưng lần này pha chút sâu cay giễu cợt: “Tôi già rồi. Hết lối biết chế món ăn hổ lốn chiều được khoái khẩu đám người đọc nô nức đáng yêu bây giờ”. Rồi Lại Nguyên Ân lấy trên giá sách xuống ký tặng cho quyển Phan Khôi- Tác phẩm đăng báo 1929 do chính ông sưu tầm biên soạn. Sách dày ngót nghét 800 trang khổ 14x20, vừa mới ra lò.
2. Năm 2003, ông Lại Nguyên Ân cho in Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1928. Cũng ông sưu tầm biên soạn. Sách dày 436 trang, không kể những trang mục lục. Tập sách này được giới thiệu trong một số báo, tạp chí nhưng xem ra chẳng tác động là bao tới cái đám đông người đọc bây giờ chỉ khoái nằm khểnh xem Gặp nhau cuối tuần rồi rú lên cười ngặt nghẽo. Còn lớp trẻ bây giờ, túm lấy 100 cô cậu hỏi cụ Phan Khôi là ai thì có khi 99 cô cậu ú ớ là em trai của cụ Phan Đình Phùng. Càng nghĩ càng thấy lạ.
Ông Lại Nguyên Ân cười: Một tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XX như Phan Khôi mà hầu như cứ bị đánh chìm mãi. Từ năm 2000, tôi bắt đầu “soạn” Cụ. Ông cụ này kỳ quặc. Lúc sống chỉ xuất bản hai đầu sách mỏng: Chương dân thi toại và Việt ngữ nghiên cứu. Toàn bộ sự nghiệp, tư tưởng của cụ thì lại phát tán lung tung trong hàng ngàn bài báo đăng tải rải rác suốt từ 1928 đến đầu những năm 1950.
- Ở thư viện Quốc gia Hà Nội. ở thư viện Đại học California, Berkeley và Đại học Cornell Hoa Kỳ. Và ở thư viện acrpp số 4 phố Louvoir, Paris Cộng hòa Pháp. Và một số nguồn tư nhân, bạn bè trong và ngoài nước. Tôi dự tính sẽ cho in lần lượt 5 tập Phan Khôi tổng cộng khoảng trên 2.000 trang in 14x20.
* Khi cho in các tác phẩm của cụ Phan Khôi thì gia đình cụ được hưởng quyền lợi thế nào?
- Cụ Phan Khôi mất năm 1959. Năm nay mới 2005. NXB Đà Nẵng và Trung tâm Văn hóa Đông Tây in tác phẩm của cụ đã thực hiện đúng mọi quy định luật bản quyền. Tôi là người “soạn” cụ cũng được trả công chu đáo (bằng sách). Theo tôi biết, cho đến hôm nay chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra.
* Có người nói ông kiêu ngạo chê bôi các nhà văn Việt Nam hiện đại bây giờ viết kém quá không đáng để ông phê bình lý luận. Ông chán. Bởi vậy ông mới phải chui vào cũi Thiền minh đạo sĩ bất đắc dĩ chơi đồ cổ văn chương.
- Tôi thích viết về văn học VN hiện nay lắm. Nhưng có điều người ta chưa quen nghe nói ngược. Họ đã từng chẹn họng tôi đấy. Tôi soạn cụ Phan Khôi là có chủ đích chứ không phải là việc cực chẳng đã. Càng soạn cụ, tôi càng say gọi những việc này là chơi đồ cổ văn chương vì thú chơi này thích lắm.
3. Mấy năm gần đây đáng chú ý có bộ Tiểu thuyết thứ năm mấy ngàn trang do nhà thơ Anh Chi lặng lẽ sưu tầm biên soạn, rồi thì phó giáo sư Ngô Đức Thọ cùng Nguyễn Thúy Nga dịch chú cho in bộ Nam Triều công nghiệp diễn chí cũng dày lắm. Và bây giờ là hai tập Phan Khôi vừa ráo mực in.
Anh em trong giới văn chương nghệ thuật đùa cợt gọi mấy ông này chơi đồ cổ sành điệu chắc là có ý gì thâm sâu muốn lật lại một số giá trị, chuẩn mực nào đó. Ai nghĩ thế nào, tùy! Có điều, đây là những lao động sưu tầm, biên soạn bổ ích, chí ít cũng giúp con cháu hiểu thêm về các cụ, các ông, các bà ngày xưa. Biết thêm là có lợi, vì không thì cũng là điều thiệt thòi, vô phúc.
Nói vui thế thôi chứ sưu tầm biên soạn không phải là cái việc chỉ làm theo ai đó ra lệnh hoặc giả dụ có lợi cho tôi thì tôi mới “soạn” cụ. Đây là một ứng xử không chỉ có tính học thuật thuần khiết mà còn là một đạo lý, một lẽ công bằng trong đời sống trí thức, tình cảm của một xã hội văn minh, dân chủ.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ