Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

đọc thêm (2) : Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người Như Một Tượng Đài Nghệ Thuật "/ Phan Tấn Hải / Mỹ -- nguồn: https://vietbao.com >

 

EagleBrand-Vietbao-1230x152-12042022-viet

Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người:

Như Một Tượng Đài Nghệ Thuật

  

Phan Tấn Hải

   

 

blank

-Nhà văn Lưu Na (trái) ký tên vào sách 

  “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người”  mới ân hành

-nhà văn Nguyễn Đình Toàn (phải) đang ngồi lặng lẽ.


  

Khi nhà văn Lưu Na viết về một nhà văn. Đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Toàn là một đề tài khó viết. Được nhìn như một nhà văn, hay như một nhà thơ, hay như một nhạc sĩ, Nguyễn Đình Toàn lĩnh vực nào cũng nổi bật, đứng riêng một cõi. Hẳn là Lưu Na đã suy nghĩ: viết thế nào cho trọn cả cảm xúc, khi đọc truyện, khi đọc thơ, khi nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn? Viết 20 trang, hay 40 trang? Và rồi, Lưu Na đã viết về Nguyễn Đình Toàn bằng cả một cuốn sách 186 trang.  
 

Tác phẩm mới của nhà văn Lưu Na -- nhan đề “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người” – đã viết với giọng văn rất mực đời thường, đưa độc giả vào một thế giới không bình thường chút nào. Cách viết của Lưu Na, như dường nghĩ gì viết đó, nhưng cảm xúc lại mênh mang, sâu lắng. Có lúc tưởng như đây chỉ là thêm một cuốn sách về văn học nghệ thuật, nhưng đọc kỹ lại hóa ra là một tượng đài lặng lẽ, nơi đó Lưu Na đã ghi xuống từng chữ để tạc tượng, để khắc họa Nguyễn Đình Toàn, một người sáng tác rất mực hy hữu.
 

Cuốn sách mới của nhà văn Lưu Na thoạt đọc như dường có một lỗi là thiếu Mục Lục. Nhưng đọc kỹ, sẽ thấy đây là một bất toàn cố ý, nơi nhiều bài viết chen vào nhau để hình thành một cuốn sách, để sắp xếp một chuỗi bài viết về Nguyễn Đình Toàn với văn phong rất thơ cho thành một thi tập mới, với văn phong lúc khoan lúc nhặt như dường để ghi cho kịp một dòng nhạc. Thế rồi trong cách viết đầy cảm xúc như thế, từng chữ đã hiện lên đời sống riêng, và từng chữ nơi đây đã đứng dậy, đã chạy tới, đã chen vào, và đã dựa nhau cho thành một tượng đài nghệ thuật. Từng trang sách Lưu Na viết về Nguyễn Đình Toàn nơi đây là từng trang thơ, và từng dòng chữ của người họ Lưu tuổi trẻ viết về người họ Nguyễn tiền bối chính là từng dòng nhạc. Nơi đây, như dường khi nói về Nguyễn Đình Toàn, chữ của Lưu Na đã mang đầy cảm hứng và chiếu rọi về các tác phẩm của bậc tiền bối họ Nguyễn, một cõi mà độc giả sẽ thấy là sáng cũng thơ, chiều cũng thơ, đi đứng cũng thơ, và truyện-thơ-nhạc của ông luôn luôn là một cõi xuất thần. Nơi đây, trang nào của Lưu Na cũng rất mực là thơ, và đã viết về nhân vật Nguyễn Đình Toàn cũng là một cõi thơ vô cùng tận.
 

Ngoài những bài viết của Lưu Na trong tác phẩm “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người” nơi phần Phụ Lục có 4 bài viết do nhà thơ Thành Tôn sưu tập: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Tuyến (phỏng vấn), Nguyễn Mạnh Côn, Tràng Thiên viết về Nguyễn Đình Toàn. Và các phần cuối cũng là nhiều bài thơ của Nguyễn Đình Toàn.
 

Trong khi 4 nhà phê bình văn học nơi phần Phụ Lục đưa ra các lý luận uyên bác để nhận định về Nguyễn Đình Toàn, nhà văn Lưu Na chọn vị trí khác để nói: một thế hệ đi sau, nhìn bằng cảm xúc về họ Nguyễn, như một tượng đài truyện, thơ và nhạc đang mơ hồ đứng giữa sương khói lịch sử; nơi quê nhà từ sau 1975 đã không có chỗ cho người thua cuộc như họ Nguyễn, và nơi hải ngoại không còn bao nhiêu người đọc văn và người nghe nhạc. Nghệ thuật của Nguyễn Đình Toàn phả lên những sương khói giữa thực và mơ, và tác giả Lưu Na đã  viết xuống: “Có nỗi chán chường nào đó sau những dòng chữ hờ hững, mà nỗi chán chường ấy lại là niềm yêu tha thiết dành cho cuộc sống… Mình đã không hiểu và có lẽ sẽ không bao giờ hiểu hết. Là Nguyễn Đình Toàn đổi thực thành mơ, hay ông chỉ là một Từ Thức lạc trần?” (NĐT C&N, trang 5)
 

 Nhà văn Lưu Na cũng tự nhận ra nơi cô đang nhìn, đang đọc và đang nghe Nguyễn Đình Toàn: “Lời nhạc của ông thường là những lưỡi dao đâm suốt tim mình. Khi mình lớn lên, chưa bao giờ được nghe tên NĐT. Ra xứ người mới đọc hỗn độn bộn bề và biết một NĐT như người của trăm năm trước. Những gì ông nói và viết đều chỉ là một giấc mơ với mình vì tất cả đã không còn để mà biết. Giờ đây mình tưởng mới nghe nhạc NĐT, mà hóa ra đã nghe từ lúc nhỏ: Em Đến Thăm Anh Đêm 30, Tình Khúc Thứ Nhất.” (Trang 8)
 

Nghĩa là, thời xa xưa ở quê nhà, nghe hai ca khúc vừa dẫn, mà không biết rằng lời thơ là của Nguyễn Đình Toàn. Bây giờ ra hải ngoại, nghe ca khúc thời kỳ sau của NĐT, bài Hãy Thắp Cho Anh Một Ngọn Đèn, và Lưu Na ghi nhận về cái hay trong lời nhạc họ Nguyễn: “Nó hay ở cái chỗ giản dị, mà đúng một cách đớn đau, những con chữ của cuộc sống đời thường được tóm lại, đưa vào với một nốt nhạc, kêu lên đúng cái âm vang khổ đau, ray rứt của tâm hồn.” (Trang 8)
 

Có một so sánh, hình như chưa nhà phê bình nào nói tới, nhưng tác giả Lưu Na ghi về cảm xúc khi đọc văn Nguyễn Đình Toàn: “Ông làm mình nghĩ đến Võ Phiến. Nhưng Võ Phiến quan sát mọi sự quanh mình, còn Nguyễn Đình Toàn thì thật ra chỉ ngó một thứ tỉ mỉ một điều: lòng của ông. Như vậy, dường như đọc Võ Phiến thì mình theo người viết ngó ra chung quanh và đọc Nguyễn Đình Toàn thì mình ngó vào lòng người viết!” (Trang 15)
 

Về hình ảnh phụ nữ trong văn Nguyễn Đình Toàn, Lưu Na nhận định: “Ông có cho họ nữ tính đâu mà còn với mất. Mà các cô đó, từ học sinh trung học, đến độ 20, nghề nghiệp học thức vững vàng, hay góa chồng dang dở (Giờ ra chơi, Đồng cỏ, Ngày tháng), ông đều gắn lên tay họ điếu thuốc, không phải cái lược hay thỏi son. Mình nhớ, những năm 70 thì đó cũng hơi loạn. Hoặc họ rất lạ lùng khô lạnh.” (Trang 17)


 

Khi rời các trang sách, hình ảnh của Nguyễn Đình Toàn được tác giả Lưu Na nhìn như là: “Với mình, ông là người lãng mạn. Mình nhìn ông, nhiều lúc ngạc nhiên thấy những mầm lá xanh non trổ ra trên thân cây già cỗi. Đó là những lúc ông ngồi ôm đàn, một trong những phút hiếm hoi, mắt nhìn ra khung cửa tay riết rung trên phím, ở cái vóc hững hờ vang ra tiếng đàn và giọng hát mỏng manh tha thiết. Như ông yêu đàn đến nỗi phải ngăn mình không chạm đến đàn, sợ rồi không buông được. Hay khi ông bảo buổi chiều là tiếng nhạc reo của xe kem dưới lòng đường, là những chiếc áo đỏ vàng lăn tròn trên sân cỏ trường tiểu học bên đường.” (Trang 27)
 

Trong những lần, và rất nhiều lần không kể xiết, tác giả Lưu Na đã tới căn chung cư ở Westminster để thăm anh chị Nguyễn Đình Toàn (khi phu nhân họ Nguyễn còn sinh tiền), họ Lưu đã thăm hỏi gì, đã phỏng vấn gì, đã nêu lên những thắc mắc gì với người đàn anh văn học họ Nguyễn? Cũng có một khía cạnh triết lý, đó là khi, theo Lưu Na ghi lại: “Nguyễn Đình Toàn nói, người ta sống chỉ để chờ chết. Với ông, cái chết chính là sự lớn lao thứ hai của cuộc sống, nó rõ ngay trong dòng nhạc, trong lời thơ, và ẩn hiện trong những truyện ông viết. Người cùng thời của ông viết ra những suy tư và tâm tình mang dấu ấn cái thời họ sống, những vấn đề lớn lao nhưng của cả một thế hệ. Còn cái ông viết là cái muôn thuở: tình yêu và  sự sống, được viết bằng cái cách của người 300 năm trước nói chuyện 400 năm sau, mình ngẫm rất lâu mới cảm được điều ông muốn nói.”
 

Trong sách, Lưu Na khi viết về tác phẩm Bông Hồng Tạ Ơn của Nguyễn Đình Toàn cũng phân tích về cách họ Nguyễn khi nhìn về một số nhân vật trong làng âm nhạc. Đó là một Nguyễn Đình Toàn rất mực tinh tế, theo Lưu Na: “Ông chỉ ra ý nghĩa của ca từ mà người hát đã không hiểu để hát cho đúng… Tiếng guốc trong Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương quan trọng vì âm thanh đó là một phần của Hà Nội mà chúng ta đã xa, đã mất và muốn hướng về.  Một Hà Nội mờ sương, thanh bình im ắng đến nghe được tiếng guốc khua vang, và lòng người lúc đó êm ả lắm nên nghe được cái reo vui trong tiếng guốc ấy.” (Trang 48)
 

Và rồi Lưu Na nhận định về cách Nguyễn Đình Toàn nói về Phạm Duy, Văn Cao, Tô Vũ, Lê Uyên Phương, Lam Phương, Bùi Giáng, Mai Thảo… Nhưng tuyệt vời là khi Nguyễn Đình Toàn nói về giọng ca Thái Thanh. Lưu Na ghi lời Nguyễn Đình Toàn: “Có thể nói âm nhạc Việt Nam biến đổi theo lịch sử tới đâu, có tiếng hát Thái Thanh đến đó… Máu lửa, chiến tranh, bom đạn… thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh… Tiếng hát Thái Thanh là ‘tiếng nước tôi,’ là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ… Phải nghe Thái Thanh hát… để thấy tiếng nói biến thành lời ca thế nào, và được ca sĩ trả lời ca lại cho tiếng nói ra sao.” (Trang 52-53)
 

Nhà văn Lưu Na đã khiêm tốn, tự xét như là “những người đọc đứng ngoài những hiểu biết về văn chương, văn học cùng những lý luận, kỹ thuật; những kẻ lỡ dở như tôi, đã lớn sau một cuộc chiến một thế hệ, để hiểu một ngòi viết biết phải làm sao?” (Trang 76)
 

Và còn rất nhiều đoạn văn, rất nhiều trang sách Lưu Na viết về Nguyễn Đình Toàn với những cái nhìn rất mực sắc bén, rất mực thâm hậu, rất mực kỳ công, rất mực thơ mộng…
 

Bản thân tôi, trong cương vị của một người cầm bút nhiều thập niên, tôi vẫn tự nghĩ rằng tôi không thể viết nổi về nhà văn Nguyễn Đình Toàn cho đầy đủ. Nơi Nguyễn Đình Toàn gần như cái gì cũng tuyệt bích. Truyện họ Nguyễn tưởng như viết một cách thờ ơ, hờ hững, nhưng khi gấp sách lại vẫn thấy phảng phất trong trí nhớ của những áo mơ phai nhiều thập niên sau. Thơ Nguyễn Đình Toàn tưởng như rất mực cổ kính của những đêm ba mươi tìm đến thăm nhau, nhưng rồi không thể nào quên được những hương đêm cận Tết và của những mùi hương cải vàng khi tóc mình đã bạc trắng. Thế rồi nhạc Nguyễn Đình Toàn đi một cõi rất riêng, nơi kẻ hậu sinh như tôi chỉ có thể mượn lời người xưa để ví rằng họ Nguyễn y hệt như  một cành hoa mai rất hiếm và rồi mình chỉ có thể tự dặn là “một đời chỉ cúi đầu chào hoa mai” -- Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

  

blank

Bìa tác phẩm “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người” của Lưu Na.

 

Và bây giờ Lưu Na đã viết được về Nguyễn Đình Toàn. Viết rất hay, rất độc đáo, rất kỹ càng. Lưu Na đã thắc mắc cả về cách Nguyễn Đình Toàn cầm đàn guitar mỗi buổi chiều, và thắc mắc cả những suy nghĩ của họ Nguyễn mỗi buổi sáng ngồi nhìn từ cửa sổ qua sân trường tiểu học bên kia đường. Tác phẩm mới của nhà văn Lưu Na --- nhan đề “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người” --- không phải là phê bình văn học, nhưng tự thân là những suy nghĩ, những cảm xúc được ghi lại thành chữ để làm thành một tượng đài chữ nghĩa. Sáng tác như Nguyễn Đình Toàn hiển nhiên là hy hữu. Và tìm được một Lưu Na để viết về Nguyễn Đình Toàn cũng là một hy hữu khác.
 

Tác phẩm “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người” của Lưu Na, có bìa của Nguyễn Vũ – Thành Tôn, nhà xuất bản Viễn Xứ phát hành. Độc giả tìm mua, xin liên lạc qua email: vunghiata@yahoo.com . Xin trân trọng giới thiệu.



nguồn:  https://vietbao.com >


====================




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ