đọc thêm: " LỮ KIỀU - THÂN TRỌNG MINH, từ cái nhìn bè bạn " / Hoàng Kim Oanh -- nguồn: https://www.dohongngoc.com>
Lữ Kiều – Thân Trọng Minh, từ cái nhìn bè bạn (*)
Hoàng Kim Oanh
4.9.2016 Một buổi sáng chủ nhật của tình văn chương, tình bạn thật ấm áp với Quán Văn.
Những câu chuyện ân tình kỉ niệm trước sau… Huế và những người con của Huế. Sài Gòn và bạn hữu mọi nơi.
Đơn giản thôi, chỉ là nơi hội ngộ của những tấm lòng…
Quán Văn 39 với Chủ đề Bên Sông Hương và Chân dung văn học Nhà thơ, nhà viết kịch, họa sĩ Lữ Kiều – Bác sĩ Thân Trọng Minh.
(…)
Với tác giả Mang Viên Long, hai lần đọc Lữ Kiều 2013, 2014 đều là những khám phá mới. Tôi thích đoạn trên Newvietart của anh và đã post nó trên trang cá nhân của mình:
“Dường như, anh luôn thao thức trong mọi tư duy, và thao thức kiếm tìm sáng tạo (từ hình thức đén nội dung thể hiện) – nên Lữ Kiều luôn cô độc và luôn cảm thấy thiếu, chưa bao giờ mãn nguyện với những gì mình đã gỉải bày? Với anh, viết là sáng tạo không ngưng nghỉ, là tiếng lòng chân thật – không thể khác! Viết với anh là một thái độ sống, một đòi hỏi như nhu cầu cấp thiết, và cũng là một sự phản kháng tích cực. Và (…) sau cùng, nỗi thao thức cô đơn thường trực ấy bên trang viết đã khiến anh hụt hẫng chăng?”. Đúng vậy. Thời ấy. Thời này. Thời nào cũng vậy. Viết là một thái độ sống…
Còn cái nhìn của Lữ Quỳnh trong “Người bạn- Lữ Kiều” thì đứng từ tâm thế một người tri kỉ. Thêm một nét chân dung đẹp của tình bạn và Lữ Kiều từ thời niên thiếu. Bức ảnh thưở hoa niên chụp năm 1964 vẫn rõ từng nét thanh tú trên khuôn mặt hai chàng thơ, nhưng so với Lữ Quỳnh, chàng trai 22 tuổi Lữ Kiều vẫn có chút gì trầm tư hơn… Chưa bao giờ tôi cảm hết vẻ đẹp của tình bạn như lúc này. Họ là bạn của nhau từ năm 13t, vừa vào lớp đệ thất. Rồi cùng “bên nhau cho đến ngày khôn lớn. Cho đến ngày chúng tôi trưởng thành, chia nhau công việc trong cái xã hội đầy tai ương, chiến tranh và chia lìa. Bạn là một thầy thuốc giỏi, một nhà văn nhà thơ, và ở tuổi nhi bất hoặc, bạn là họa sĩ…” (QV 39, tr 74).
Đôi bạn đã có 61 năm bầu bạn. Bút hiệu cũng cùng họ Lữ… Cùng san sẻ từ những rung động yêu đương đầu đời, có với nhau những kí ức không thể phai nhòa, cho đến nay…họ vẫn có nhau dẫu có khi nhìn lại, “đôi khi tôi thấy mình đã bất công với bạn quá nhiều” khi mong muốn bạn phải thế này thế kia…và họ cùng nhận ra “trong nhiều loại bất công của cuộc đời, thì bất công trong tình bạn là đáng yêu hơn cả” (QV 39, tr.77)
“Tôi cũng tin như vậy” của BS Đỗ Hồng Ngọc cũng là một phát hiện. Tôi thích cách nói hình tượng mang tính nghề nghiệp của hai vị bác sĩ nói với nhau khi BS nhà văn Đỗ Hồng Ngọc nhận xét suốt đời Lữ Kiều chỉ miệt mài hai việc: Thử bút & Phóng bút. “Đọc Lữ Kiều, thấy có những lúc ngọn bút của anh như những nhát dao phẫu thuật, sắc cạnh và chính xác; lại có những lúc như nhát cọ mơn man, đắm đuối…” (QV 39, tr.121).
Trước đó, anh đã lý giải: “Đó chính là sự giằng xé giữa lý trí và cảm xúc để cuối cùng chỉ còn “chừa lại một sợi khói phù du”, bởi “Đời sống trở nên đầy ắp giằng co. Sự giằng co giữa hai người trong một tấm thân làm ta kiệt quệ!” (QV 39, 121). Vâng. Kiệt quệ. “Khi tác phẩm đã hình thành, mây tan, hồn tôi khánh kiệt” (Lữ Kiều, Những chiếc lá vàng, những ngọn nến trắng, con dế mèn. Thử bút, 1966) . Tôi thích thú thấm thía những đoạn rất thiền của nhà phẫu thuật tâm hồn tài ba Đỗ Hồng Ngọc khi đọc những dòng viết về sự khánh kiệt cao cả của người nghệ sĩ sau khi hoàn thành tác phẩm này của anh: “Sự khánh kiệt nào cũng dễ thương như một buông xả. Bởi buông xả nào mà không khánh kiệt, phải không?” (QV 39, tr.122)
Nhưng Lữ Kiều đã rất hay khi không để mình gục ngã. Và hội họa như một lối thoát khác. Để đứng dậy. Để tồn tại. Hiếu Tân cho rằng đó là giằng xé trí tuệ “To be or not to be, that’s a question!” (Hamlet, Shakespeare).
Bài ” Lữ Kiều của Huế và một thời Ý Thức” (6, 2016) của dịch giả Hiếu Tân cũng là một cách đọc thú vị, thâu tóm nhiều đặc điểm trong con người và sáng tác của Lữ Kiều. Đặc biệt đi sâu vào quan niệm sáng tác của Lữ Kiều với nhiều phát hiện thú vị…
***
Lữ Kiều đã được đọc từ tâm thế những người tri âm như thế hơn nửa thế kỉ nay. Nổi trội hơn cả là tinh thần dấn thân, tính tiên tri và cảm thức dằn vặt không yên trong nhiều vở kịch khá nổi tiếng của anh: “Kẻ phá cầu”, “Nơi đảo xa kia”, hay truyện ngắn “Trên đồi là lô cốt” đã chạm vào tâm thức những người đọc sinh sau đẻ muộn như chúng tôi hôm nay về một quá khứ không thể nào quên của đất nước mà ở đó, tuổi trẻ đã phải đứng trước những chọn lựa nghiệt ngã: bảo vệ cái đẹp, bảo vệ cuộc sống hay chấp nhận làm nô lệ của thói hư vinh ích kỉ hủy hoại chính nhân tính của mình…
Còn tôi, qua Quán Văn 39, tôi bắt đầu đọc Lữ Kiều…
Và viết. Để được buông xả. Để được khánh kiệt.
Không chỉ một lần.
Đêm Thị Nghè, viết vội…
2:00 AM 5.9.2016
HOÀNG KIM OANH
……………………………………..
(*) Trích Hoàng Kim Oanh, tựa Đỗ Hồng Ngọc
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ