đọc thêm (3) : " Thế Giới Mạng của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu / Lam Thu -- nguồn: https://vnexpress.net>
Thế giới mạng của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu
Sau khi phát hành những cuốn sách khoa học, sách văn chương, Nguyễn Thị Hậu tập hợp những bài viết của mình trong tạp bút “Thế giới mạng và tôi”.
Nguyễn Thị Hậu sinh năm 1958 tại Hà Nội, là tiến sĩ khảo cổ học, được nhiều người biết tới với tên Hậu "khảo cổ”.
Thế giới mạng và tôi tập hợp hơn 30 bài viết, mỗi bài bàn về các vấn đề, đối tượng khác nhau, nhưng đều được nhìn nhận dưới con mắt một nhà văn hóa, một nhà báo và một phụ nữ viết văn. Tên cuốn sách cũng là tiêu đề của bài viết Thế giới mạng và tôi. Nguyễn Thị Hậu nói về thế giới mạng như sự phản chiếu xã hội: “Sự tương tác tức thời và không biên giới của thế giới mạng có sức quyến rũ mê hoặc ghê gớm đồng thời là sức mạnh có thể hủy diệt một cá nhân chỉ trong chốc lát. Thế giới mạng như một tấm gương phóng đại nhiều lần những tốt đẹp hay xấu xa của mỗi con người, của một xã hội”. Nhưng blogger Hậu "khảo cổ" đâu chỉ nói về những chuyện trên Facebook, cuốn sách của chị đầy ắp kiến thức, chất sống và cảm xúc.
Nguyễn Thị Hậu khách quan và tỉnh táo để bàn về những mất mát của đời sống tinh thần trong sự biến thiên của đô thị hiện đại, hoặc đưa ra những lời bàn rõ ràng rành mạch về sách vở như một nhà nghiên cứu văn hóa. Các bài viết Tản mạn về người Sài Gòn, Tiếc nuối Thủ Thiêm, Mùa lễ hội là những bài viết từ xúc cảm, nhìn nhận của một nhà văn hóa.
Trong các bài Tản mạn về đường thành phố, Nước Mỹ xa và gần, Vụn vặt đời thường… thể hiện một Nguyễn Thị Hậu - nhà báo đi nhiều, tìm tòi và phát hiện. Các bài viết dưới dạng du ký này đầy ắp chi tiết, nhưng không kém phần bay bổng. Như trong Nước Mỹ xa và gần, chị viết: “Dọc những con đường trải dài tôi qua ở nước Mỹ, bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp ngay bên đường, hoặc thấp thoáng trong cánh rừng thưa, hay trong một thị trấn nhỏ nào đấy… những ngôi nhà có hàng hiên rộng, vài chậu hoa xinh xắn trên bệ cửa sổ rèm buông lay nhẹ, bãi cỏ xanh nho nhỏ… Không hiểu sao khi nhìn thấy những ngôi nhà như thế, trái tim chợt lỡ nhịp, một tình cảm dịu dàng tràn ngập như khi gặp lại mối tình không trọn vẹn…”.
Trong những bài tản văn như Yêu như đã sống; Phục Sinh, vâng hy vọng thế; Về miền Tây, thương… người đọc bắt gặp chút ngậm ngùi xen giữa những đoạn văn đẹp mà buồn. Nguyễn Thị Hậu viết trong Về miền Tây, thương...: “Về miền Tây thương ngôi chợ nhỏ đầu làng, sương sớm còn mờ đã lao xao mua bán… Thương chợ ngã năm ngã bảy trên sông ghe xuồng san sát, những chiếc sào cột các loại trái cây rau cải lơ lửng trên cao, ghe tạp hóa xanh đỏ đồ dùng, ghe than ghe chiếu giờ đã ít người mua bán… Thương phố chợ nhỏ mà cột antena san sát như đàn chuồn chuồn báo hiệu trời mưa…”
Bên cạnh 30 bài viết, Nguyễn Thị Hậu đưa vào cuối sách phần Vụn vặt đời thường. Đó là những bài viết nhỏ, những dòng tản mạn về chiêm nghiệm của chị với cuộc đời, với sự sống, với những thói quen…
Nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét về cuốn sách Thế giới mạng và tôi: “Những bài viết thật bình dị, nhẹ nhàng, không mang triết lý gì cao siêu, không phê phán dạy dỗ… Chúng cứ như những lời tâm sự, thủ thỉ, kể lại về một chuyến đi, những địa danh, con người, sự việc… trong đời sống hàng ngày của tác giả, với những nhận xét và suy nghĩ vừa tinh tế lại vừa mộc mạc…”
Nguyễn Thị Hậu hiện giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM và là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, Phó Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Tổng Thư ký Hội Sử học TP HCM. Chị có nhiều công trình nghiên cứu về các nền Văn hóa Óc Eo, Đồng Nai, Sa Huỳnh, khảo cổ học đô thị TP Hồ Chí Minh... Chị cũng xuất bản nhiều cuốn sách ở các thể loại như ký, truyện ngắn, tản văn…
Lam Thu
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 00:06 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ