“Luân Hoán Đọc Thơ Cao Thoại Châu Trước 1975”


HÀ KHÁNH QUÂN 
 Cao Thoại Châu Đinh Cường vẽ theo bản vẽ ViVi

Cao Thoại Châu
Đinh Cường vẽ theo bản vẽ ViVi

 


i là một trong những người thích thơ Cao Thoại Châu. Sự yêu thích này như một điều đương nhiên. Chọn lựa của tôi nằm ngoài tình đồng đội ở quân trường, lẫn sự trùng khớp môn chơi trong văn chương. Mọi thân quen không ảnh hưởng gì đến những cảm nhận, ngợi ca. Tôi không hơn nhiều người đọc khác, về trình độ đọc, hiểu. Trong lãnh vực thi ca, có lẽ nhờ ôn tập hoài nên quen tay. Từ đó khi đọc thơ người khác, tôi có hơi méo mó tìm hiểu và cảm nhận. Viết ra chữ những lãnh hội của mình là một khó khăn; đồng thời cũng là một thú vui. Tôi không viết về những thi phẩm vượt ngoài sự đồng cảm của mình. Hôm nay tôi sẽ đi cùng hồn vía thơ Cao Thoại Châu qua tập thơ, mang mỹ danh thật ấn tượng về tình yêu: “Mời Em Uống Rượu”.

 

 

Mọi câu tôi sẽ ghi về Cao Thoại Châu dưới đây, có thể đều là những lặp lại của nhiều người đã viết, đã nói, hoặc còn giữ im trong nhận thức. Biết vậy còn viết làm gì ? Công việc thừa thãi này, chỉ là cách giúp tôi, một lần nữa đọc kỹ lại thơ Cao Thoại Châu.

Thưa thật, khi bắt đầu “Theo Gót Thơ” vào tháng 6 năm 2010, thi sĩ tôi chọn đầu tiên là ông nhà thơ họ Cao tên Vưu. Sau này, năm 2011, khi vẽ Tâm Dung một số tác giả, tôi cũng chấm ông làm tiên phong. Rất tiếc, dự định cho Theo Gót Thơ, bị tôi thay đổi bởi tinh thần cục bộ, địa phương. Tập 1 của cuộc ăn theo này, tôi chỉ chọn những nhà thơ đồng hương xứ Quảng.

Lần này, để giới thiệu thơ Cao Thoại Châu, ý định đầu tiên của tôi: chọn những bài thơ viết về rượu, và chặng đời thất tình của anh. Hưởng ké hương vị rượu thất tình hẳn là bay bổng, sung sướng.

Cầm món quà ấm áp tình bạn, một dòng thơ từng lộng lẫy trong thi ca Việt Nam, tôi có phần run; ngại sự non yếu của mình làm hỏng đi những nét đẹp của thơ. Tôi mở sách. Không phải lần mở thứ nhất, nhưng cảm như lần đầu. Những dòng đề tặng bắt mắt bởi chữ viết và nội dung lời đề tặng khác với thông thường, quen thuộc. Qua ngọn chữ sắc nét, tôi thấm được thân tình trong câu chữ ngắn gọn:

“Luân Hoán đọc thơ Cao Thoại Châu trước 1975”
(Ký tên ghi ngày tháng 21.10.2013).

Chín chữ có đủ hai tên gọi một đôi bạn, gợi nhớ cả một thời. Tôi lặng đi mươi giây. Là một kẻ được khá nhiều người thương mến, tôi từng nhận cả ngàn câu đề tặng. Tôi có tính tuyệt đối trân trọng chữ ký của từng người, coi quí hơn cả tác phẩm được nhận. Đó là một hạnh phúc. Tôi cũng hay có những vớ vẩn nhận xét. Nhà thơ Du Tử Lê thường dùng những lời đề tặng thật mới lạ, đầy thích thú. Lời đề tặng của Cao Thoại Châu trên thi phẩm mới gởi cho, bình dị hơn, nhưng với tôi là nhắc nhở. Và lạ lùng, tôi chợt nghĩ đó là đề một bài viết.

Ông bạn thầy giáo của tôi, đang ra đề bài tập làm văn cho tôi chăng? Tôi mỉm cười hình dung, nhớ thật rõ người bạn cũ. Đó là một anh chàng không có thân thể của một Từ Hải, nhưng tiềm ẩn tâm hồn lãng mạn, súc tích hơn Kim Trọng của cụ Du rất nhiều. Anh ta sinh năm 1939 (ghi trên bìa sách) thừa làm đàn anh tôi đến những hai năm. Khó tin, bởi hiện nay, anh còn trẻ lắm, thơ tình còn rất ngọt. Là người Nam Định miền Bắc nhưng anh trưởng thành ở Sài Gòn, giữ được giọng nói cũ, giữ cả truyền thống văn hóa đầu nguồn Việt Nam. Anh viết và phổ biến thơ văn từ đầu thập niên 60, chủ yếu trên các tạp chí: Văn Học, Văn, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thái Độ…

Suốt thời kỳ làm thầy sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, anh nhà giáo bận soạn giáo án, không lo in tác phẩm. 18 năm sau dấu tích 75, những đầu sách mới được trình làng, có thể kể: Bản Thảo Một Đời (thơ nxb Long An -1993), Rạng Đông Một Ngày Vô Định (thơ, nxb Văn Nghệ, 2007), Ngựa Hồng (thơ, nxb Thanh Niên, 2009), Vớt Lá Trên Sông (tản văn, nxb Hội Nhà Văn, 2010), Vách Đá Cheo Leo (tản văn, nxb Hội Nhà Văn 2012), Mời Em Uống Rượu (thơ, nxb Hội Nhà Văn, 2013).

Thi phẩm Mời Em Uống Rượu, gồm những bài viết hồng hào da thịt, và có tuổi thọ cao, được cho ra đời muộn, vì sự sắp xếp của tác giả, hay một sự đồng cảm chưa chín tới của ban kiểm duyệt ? Dù sao cũng thật mừng, sách đã đến tay người đọc.

Với 34 nụ tình trong Mời Em Uống Rượu, chỗ ngồi đầu tiên của Cao Thoại Châu là lòng bạn đọc. Tôi quan niệm khá lạc quan: không cần phải nhớ trọn vẹn cả bài thơ mới được gọi là thuộc. Ai nhập tâm được đôi ba câu của bất kỳ bài nào, cũng đã có thể gọi là thuộc. Đâu ít người không nhớ nằm lòng những câu này:

“có những đêm trường gợi tiếc thương
có ta lấy tóc đếm ưu phiền
có ta nâng trái sầu chín rã
có lệ ta hòa chung hơi men…”
(Mời Em Uống Rượu – trang 55)

Bốn câu thơ trên như bốn khinh binh, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mở đường, cho một bài viết tuyệt đẹp về tứ thơ lẫn ngôn từ. Bài thơ được sự tín nhiệm của tác giả, cho giữ chức trung đội trưởng của toàn tập gồm 34 bài.

Đã nhiều người cảm nhận về bài này. Tôi cần lặp lại những gì đây ? Nét diễm tình lộng lẫy quá. Thơ thất tình thắm thiết quá. Hình ảnh kỷ niệm linh động quá. Nỗi đau buồn tưởng tiếc thảm thương quá … vân vân và vân vân. Khó trở lại thời làm bài tập giảng văn, cho thầy giáo Vưu chấm, nhưng tôi vẫn trích từng chùm, trân trọng mời bạn cùng tôi đọc lại:

“có mắt ta là ly rượu nhỏ
có đời ta là quán cô hồn
và có ta đang ngồi trong quán
uống cho tàn cho mặc kiếp nhân sinh”

Có không một chỗ ngồi, qui tụ những hồn ma chưa được siêu thoát ? Đúng chăng nỗi cô đơn của những linh hồn, đang vất vưởng trên trần gian chưa có một nơi về ? Tất cả niềm bi quan ấy, được cho là tổng thể cuộc đời của người đang quá buồn. Đời hình như từng được ví lá quán rượu, quán rượu của những người sành say. Trong diện tích cùng cực bi thảm ấy, sự hiện diện của người thất tình là hữu lý. Anh buồn tìm đến với rượu. Khổ thay ly rượu anh đưa lên môi, lại là đôi mắt của chính anh, đang tràn đầy những lệ cay đắng. Hận và tàn phá sự sống, đang được xem là một cứu cánh. Hình ảnh, từ ngữ giúp đoạn thơ nói nên nội tâm đã đến tận cùng của thất vọng.

Cũng có đau thương làm vui bạn nhỏ
Có hoang đàng tìm thấy giữa cơn say
Có tuyệt vọng trên vành ly rực sáng
Và có em buồn ta cõng trên vai

Có nắng chiều đang rơi ngoài bãi
Bãi vắng chiều xa không bóng người
Chứng kiến giờ ta lên cơn hấp hối
Ta đội nón đi mời em uống rượu.

Tám câu trên có những tỉnh táo bất chợt. Tỉnh để nhận ra sự hoang đàng của mình, để nhận ra người và cảnh chung quanh. Tất cả ấm ấp hơi thở đời thường và đẹp hẳn lên trong nhận xét chếnh choáng của người trong cuộc. Thật thú vị khi đọc hai câu:

“và có em buồn ta cõng trên vai”
“ta đội nón đi mời em uống rượu”

em có thể là hữu thể có thật bởi sức nặng của da thịt. Em cũng có thể là nỗi buồn trong tâm hồn tác giả hóa thân ra. Cõng em trên vai hay cõng chính hồn mình trên vai là hình ảnh đích thực tuyệt vời của thi ca. Cao Thoại Châu có đội nón, không đội nón, anh cũng đi mời tâm thức anh cùng cụng chén. Hình ảnh “đội nón đi mời” còn gì đẹp hơn. Linh động và tinh vi vô cùng. Lượm được những viên ngọc này, Cao Thoại Châu quả tình đã cho ngòi bút anh có những hơi thơ riêng biệt, độc đáo.

Cuộc tình sầu thôi hãy gác qua bên
Ta đâu có giận hờn chi cuộc sống
Dù thật tình buồn lắm phải không em
Ta là ly vậy mà em biết không

Ta là rượu vậy mà em biết không
Uống đi em bởi ly đã kề
Bởi ta buồn như câu chuyện kể
Câu chuyện buồn kể giữa cơn say

Bởi lát nữa đây mặt trời sẽ chết
Mùa đông về không chỗ dung thân
Ta sẽ đứng run trong giá lạnh
Dáng bơ vơ như kẻ thất tình

Và thấy em như bờ dốc đứng
Ta chiếc xe đò nổ bánh bơ vơ
Mặt trời chết ở nơi nào trong ta
Ta đã say làm sao biết được

Em không uống nên có ta lẻ bạn
Vòng tay ôm hồ rượu thấy mênh mông
Rượu đã hết hay mắt ta vừa cạn
Em chối từ ta biết nói sao hơn

Thôi giã tiệc và xin chào bạn nhỏ
Ta tủi hờn bóp nát chiếc ly không
Và ta tưởng chính mình đang vỡ
Mùa đông dài ta lại rất cô đơn

Có ta trong một toa tàu trắng
Tỉnh rượu nằm nô giỡn một mình
Có em còn đứng sau khung kính
Có nỗi buồn gửi một toa riêng

Tất cả những đoạn còn lại bạn vừa đọc trên là khối tâm sự chân tình của nhà thơ. Đời anh không vui vì tình yêu. Tình yêu không thành chẳng rõ nguyên nhân gì. Chỉ biết tác giả xác nhận lòng mình là nỗi buồn vô cùng tận. Những liên tưởng, những hình dung liên tiếp tô đậm nét sự cô đơn. “bóp nát chiếc ly không” để thấy “chính mình tan vỡ”; “ôm hồ rượu” thay người tình để ý thức sự trống vắng thực tế phũ phàng. Dùng những vật thể ngoại giới để phản ánh, soi đối tâm hồn là một kỹ thuật viết cao tay của Cao Thoại Châu. Sự tinh vi này khéo léo, luôn tạo cho mạch thơ, câu thơ tự nhiên, không lộ nét hư cấu cường điệu; đã vậy dòng thơ tình lứa đôi của họ Cao rất sang trọng trí thức. Tính chất bác học trong thơ tình Cao Thoại Châu càng rõ hơn trong các bài Để Nhớ Lúc Trâm Xa, Hôm Nay Buồn, Thư Cho Na Viết tại KBC 4100, Tuổi Xa Người, Trả Lời Một Đôi Mắt, Theo Em Về Huế…

Là bạn thân trong cuộc chơi văn thơ, nhưng chúng tôi không gần được nhau nhiều trong đời thường. Chúng tôi quen nhau thời cùng học chỉ huy, ở quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Khóa 24, là khóa vét cuối cùng những anh chàng được hoãn dịch. Nhờ vậy qui tụ khá nhiều những người đã thành danh trên nhiều lãnh vực. Riêng phần văn học nghệ thuật, tôi nhớ (chắc thiếu sót) có Nguyên Sa, Cao Thoại Châu, Lâm Chương, Trần Hoài Thư, Phạm Văn Bình, Phạm Hoàng (họa sĩ), Lưu Trung Khảo, Trần Sơn Hà, Lê Thanh (họa sĩ), Luân Hoán…

Tôi, tên Châu – Châu tên Vưu, có viết chung với nhau một bài thơ tự do dài. Bài này tôi viết một hơi, cho mang tên đàng hoàng: Tình Khúc Cuối Ở KBC 4100, sau đó nảy ý rủ Cao Thoại Châu viết tiếp. Trong bài này danh xưng hai cô nàng của hai đứa được gọi, như một cái phao. Lý và Na. Cũng nhờ “cái” Na đang hành nghề dạy học ở Đà Nẵng, Cao Thoại Châu đã đến thăm quê hương tôi. Tại đây chúng tôi cùng những Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ, Vĩnh Điện, Nguyễn Văn Xuân, Tống Nhạn… thực hiện vài cuộc văn nghệ bỏ túi trong khuôn viên học đường. Thời gian này chúng tôi khá vui. Dù vậy, tôi vẫn hời hợt không tìm hiểu cuộc sống riêng, nên thú thật tôi chưa diện kiến người đẹp tên Na lần nào. Điều tôi vẫn băn khoăn: Không rõ có phải vì Na của Vưu dạy toán hơi khô khan, nên thơ “chàng” dành cho “nàng” khá hạn chế lời âu yếm, tình tứ. Tôi có cảm tưởng Na luôn là một đối tượng, để Cao Thoại Châu bày tỏ những suy tư về cuộc chiến về thân phận con người.

“trong giấc ngủ thật ngoan của mắt người yêu dấu
xin hãy vỗ về những tan hoang
vỗ về mà thôi
và đừng bao giờ hỏi
đừng bao giờ nghĩ lầm
những giọt lệ như là
máu hồng đổ từ thân thể ta

anh thèm khát lời nói yêu em
bằng cặp môi đã nhiều lần lầm lỡ…

Na ơi Na ơi Na ơi
làm cách nào em thấy trong thơ anh
thứ ngôn ngữ đánh lừa và bất lực
em là một người một người nào khác
mang tuổi đến cho anh
anh dốc ngược đời mình
trên bờ hư vô đó”
(1966- M.E.U.R trang 35)

hay:

“Hỡi Na, những Na và Lý
bài thơ này là quà tặng hai người
có chồng đi xa làm lính
được ký tên Luân Hoán và tôi
dòng nước mắt nhễu trong sa mạc

hai đứa anh như đôi ngựa què
trên dốc đời cao vút
em còn nhận ra anh không
mặt mũi đầy thương tích
và nụ cười hết sức bao dung

Xin tạm gọi là bông hồng tình ái
hỡi Na, những Lý và Luân Hoán
được nâng niu trên bàn tay dính bụi
được nâng niu suốt đời ta
(1966 Tình Khúc Cuối Ở KBC 4100)

Cô giáo Na được đám học trò và một số người tôi quen ở Đà Nẵng khen là người giàu nhan sắc, một nhà giáo giỏi. Không hiểu sao hai bạn tôi đã không đến được với nhau trọng đời.

Về Trâm, một tên gọi nghe đã dễ thương và càng đáng yêu hơn khi đọc thơ của Cao Thoại Châu về người đẹp này:

“Hình như tôi vừa tiễn một người
có điều gì mất đi trong tôi
lúc qua đèo tôi nhủ mình như thế
lệ có bào mòn núi cũng không nguôi

Mấy giờ trưa nay người lên phi cơ
người mặc áo hoa lần đầu gặp gỡ
hay áo hồng như chiều hôm qua
một buổi chiều mây đùn trắng xóa

cho tôi già trong một cõi vô tư


Tôi tiễn người để biết kẻ đi xa
đã mang theo hồn người ở lại
sao người không đi bằng sân ga
có ánh đèn cho mắt tôi vàng úa
đời buồn tênh sao người không đi ngựa
cho tôi nghe lóc cóc trên đường

sao người không đi bằng xe đò
cho bụi khói ướt giùm đôi mắt
sao người không đi bằng hỏa xa
cho tôi đến nằm bên đường sắt
cho đoàn tàu rú còi đi qua
mà đoàn tàu không bao giờ đến
như tuổi thơ trườn đi vội vã
cùng những điều không thể gọi tên

Tôi không muốn người dùng phi cơ
bởi đôi mắt làm sao ngó thấy
Tôi không muốn người dùng phi cơ
tình chỉ đẹp trong một bàn tay vẫy

có thật người đã đi chiều nay
hay tiễn đưa chỉ là ảo tưởng
hay chính tôi, tôi vừa khởi hành
vào trăm cõi nhớ nhung vô tận

(yêu có phải suốt đời níu giữ
một điều gì không có trong tay
yêu có phải là cần thay thế
những cơn buồn vô cớ trong tôi )

Chuyện người đi đã là có thật
Thôi cũng đành to nhỏ với hư không
Tôi là núi sao người bỏ núi
Tôi là thuyền sao người không qua sông

Tôi là cầu sao người không qua thử
Cho tôi nhìn bóng nước rung rinh
Cho tôi nhìn tôi hốc hác điêu tàn
Cho tôi khóc và nghe tiếng khóc

Có người đi sao chiều không mưa
Có người đi sao chiều không nắng
Rất lãng mạn sao tôi không buồn
Mà chỉ thấy lòng mình khoảng lặng

Thôi hãy đi cho thật bình an
Và cô đơn suốt cuộc hành trình
Sá gì tôi cành cây nhớ gió
Hắt hiu buồn trên đỉnh chênh vênh

Người đi rồi tôi như mặt bàn
Ngón tay nào vu vơ trên đó
Người đi rồi tôi như chiếc gương
Thỏi son nào tô môi trong đó

Người đi rồi tôi như chiếc xe
Không hành khách ngủ vùi trên bến
Và người đi tôi thành nỗi buồn
Không cách gì làm tăng thêm nữa

Người đi rồi tôi còn một mình
Làm nhà tu trong căn nhà trống
Ai sẽ tắt giùm tôi ánh điện
Cho tôi nhìn thật rõ đời tôi
Đời của tôi nhiều khi buồn muốn khóc

(Pleiku 1970 – M.E.U.R trang 36-39)

 

Những năm gần đây, trên trang web cá nhân “Rạng Đông Một Ngày Vô Định” tác giả có chú thích:

” Nhân đây xin được trả lời thắc mắc của một số bạn thích bài thơ này. Lúc ấy sống tại Pleiku tôi có cộng tác với đài phát thanh, bài tôi được đọc lúc sáng sớm bởi một xướng ngôn viên có giọng trong trầm. Nghe, hiểu người đọc nắm được ý người viết, và nghe miết rồi thích người đọc. Quen nhau gần nửa năm, một hôm cô ấy báo tin về SG nghỉ phép, thế là tôi có mặt ở phi trường, và được trao cho một cuốn sách. Thật sung sướng vì biết sẽ có thư. Đúng vậy, khi còn lại một mình giữa phi trường, mở ra thì đó là thiệp báo tin đám cưới cô ấy! Một mảnh giấy nhỏ, trong đó có câu: “Anh chỉ thích em nên anh không tỏ tình, mà có người tới em phải đi lấy chồng. Anh quên tỏ tình thì ráng chịu!”. Té ra là phải tỏ tình khi yêu mà tôi quên làm như thế! Ngốc nghếch thật!”

Khờ dại một cách dễ thương thật ông giáo đa tình ơi !

Trong thơ tình lứa đôi, với riêng tôi, nội dung những bài viết về sự tiễn đưa là tuyệt vời nhất. Ở đấy, có nhớ thương, có buồn phiền, nhưng vẫn còn đó người yêu, cuộc tình. Những xúc cảm chưa chìm hẳn vào nỗi thất tình tuyệt vọng. Một đôi lúc trở thành cần thiết để thử thách, để làm mới, để hâm nóng, để đẩy mình lên đỉnh lãng mạn một cách hiển hách hơn.

Tôi từng mê Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Tiễn Đưa của Nguyên Sa, Tiễn Hường của Huy Giang… trong chủ đề này, bài thơ của Cao Thoại Châu dài hơi hơn các tác giả tôi vừa nêu. Nhưng mỗi người đều thể hiện nét diễn tả riêng, trong một tâm sự vẫn chung. Tôi cũng từng chơi mấy bài theo chủ đề buồn này: “Đưa Chân Người Yêu Thầm”, “Chia Tay Đầu Tuần”… Dùng hình ảnh, phương pháp so sánh và đưa ra những giải thiết, nghi vấn… Cao Thoại Châu tạo những bâng khuâng cho chính mình, cho người đọc. Nhịp thở của bài thơ lúc 7 chữ, khi tám chữ ở mỗi câu, luôn luôn ràng buộc, khắng khít nhau. Thỏ thẻ kể lể nhắc nhở, phảng phất những kỷ niệm thân yêu, đã giữ hồn thơ luôn thao thức trầm buồn, nhưng không quá chua chát bi thảm. Cao Thoại Châu là người ít nói, bén nhạy trong quan sát nên thơ anh luôn luôn thâm trầm, phù hợp với số đông người thưởng ngoạn thi ca, nhất là phái đẹp.

Trong thi phẩm Mời Em Uống Rượu, ngoài những bài tình yêu nam nữ, Cao Thoại Châu còn gởi đến chúng ta những ưu tư về chiến cuộc, gợi mở những thân phận nhược tiểu của dân tộc. Hình như, những điều anh định tâm sự, với đám học trò thân thương của anh, đều được anh trang trải lên vần điệu. Và một điều, về kỹ thuật, anh khá giống nhà thơ Hoàng Lộc, rất ít câu nệ trong cách chọn chữ đồng âm khi gieo vần, ví dụ:

“áo em phơ phất đôi tà trắng
trắng cả hồn tôi lúc cuối chiều
là lúc lên cơn buồn bứt rứt
thân về trên mỗi bước hư hao

thung lũng hồn tôi nhiều khói quá
để mắt tôi buồn như tháng đông
để em đứng ngẩn trong trời tối
nghe động đơi về đôi cánh nghiêng

tôi nằm như mộ nghe trời gió
chợt thấy hồn mình đôi cánh hư
chợt nghe mình hát như là khóc
một bản nào không thuộc lời ca…”
(Động Cánh Dơi Chiều)

không có chữ cuối câu nào, từng cặp, đồng âm. Sự rộng rãi này giúp cho ý thơ dễ dàng đi đúng với tư tưởng mình định thể hiện và thơ hay một cách tự nhiên. Những người mới tập làm thơ chọn cách viết này rất dễ thất bại, bởi ngó dễ nhưng lại khó.

Trở lại với nội dung thơ. Trong môi trường học đường, mở từ đầu tập lần về sau, tôi xin trích một số câu, tôi rất tâm đắc:

“tuổi hai mươi bước vào nghề giáo
dẫm lên chông gai những lối mòn
thầy nhủ thầm mình làm nhân chứng
cho sự chán chường chạy khắp châu thân”

Đời làm thầy của Cao Thoại Châu ở tuổi đẹp nhất. Nhưng khi hành nghề cao quí, bắt buộc cõng thêm một trách nhiệm làm nhân chứng. Dù trách nhiệm này chế độ không qui định vẫn là một cực hình. Phản đối trong bất lực sinh ra chán chường:

“quê các em có núi có sông
có máu chảy loang bẩn cánh đồng
có trận tuyến trên nhiều cây số
các em đào dần khoảng trống trong tim”

Thơ Cao Thoại Châu thiên về ẩn dụ, anh dựng hình ảnh gây sự liên tưởng, nét bác học nằm ở chỗ này; ví như câu “các em đào dần khoảng trống trong tim” (nói đến sự hời hợt vô tâm ngày một nhiều ở lớp trẻ), nếu là tôi, sẽ hiện thực hơn, dễ ăn khớp với câu trên, nhưng dĩ nhiên cũng tầm thường hơn, thử thay đổi vài chữ để thành

có trận tuyến trên nhiều cây số
“các em đào hầm trú ẩn trong tim”

Là người thầy có lương tri, Cao Thoại Châu truyền đạt mọi lẽ đời cho học sinh, tạo cho học sinh mê sáng tạo, có lòng dũng cảm, làm người trọn đời chân thật. Nhưng hoàn cảnh chinh chiến ngày một gia tăng. Sự hoài nghi khả năng chính mình bộc hiện ” bảng với phấn và thầy tự nhiên vô dụng”, đẩy đến nỗi bi quan thật thực tế:

“Các em sau này lớn lên mỗi đứa
Đứng nơi nào trong cuộc chiến tranh ?”
(Chỗ Ngồi Của Nhà Giáo Thời Chiến – trang 12 & 13)

Ở một bài khác: Bài Giảng Khai Trường. Sau khi xác nhận chỗ trang nghiêm của cổng trường đã chuyển ra “rất tang thương | ai lỡ chân qua đó một lần | lòng sắt đá cũng run run muốn khóc”, Cao Thoại Châu nhắc đám học trò mình là “thánh hiền, với mặt mũi cô đơn” và anh “tò mò muốn biết” tâm trạng, ý nghĩ trong đầu của mỗi người. Rất sắc bén nhận dạng hung hãn của chiến tranh, cùng thân phận nhỏ nhoi bất lực của mỗi người dân, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng Cao Thoại Châu đẩy nỗi bi quan lên khá cao:

“chúng ta bây giờ như những mộ bia
ghi đầy đủ những người đã chết
lời giảng lên u trầm cả lớp
theo cửa ra ngoài tan loãng trong sương
nhìn các em ta nhận ra mình
cũng như thế từ những ngày còn trẻ

môt bài giảng chỉ toàn sự thật
thánh hiền là những người đã chết
là những người không đoán nổi tương lai”

Tôi ngờ rằng thầy giáo Vưu đang đứng lớp tại một vùng xôi đậu. Và cũng mừng cho bạn tôi, không phải hành nghề cao quí này tại miền Bắc, trước ngày 30 tháng 4. Anh đỡ phải thực hiện những nhồi sọ, đi trái với lẽ thường tình.

Về “Cái Tôi” của nhà thơ, tâm dung được phác họa với nét thứ nhất: tương tư.

Nhà thơ của chúng ta tương tư về những gì đây? Một bóng hồng? một đức tin? một hoài bão? hay những gì khác nữa?  Nỗi niềm tương tư của một nhà thơ nhiều suy tưởng về nhân sinh, có chiều rộng khác xa những tương tư trai gái thường tình. Khối tương tư của anh thở bằng hơi thở nhẹ nhàng làm lộ rõ những lạc quan rất hiếm thấy trong thơ anh. Khởi đầu anh nhìn sự tương tư mình như một sự giỡn chơi Nặng con tim thế bao giờ không hay“, đồng thời không quên hãnh diện ” Trái tim ơi, những tháng ngày | Dài như một nhánh sông dài chảy qua”. Trên chiều dài tình yêu, lấp lánh những hình tượng đẹp của cuộc sống: “cỏ hoa xanh thắm đôi bờ lặng thinh”, cùng với dòng nước điềm đạm luân lưu chở theo những “nắng vàng”, “gió thơm” và chính cả tâm dạng đương sự. Tất cả cùng thong dong tự tại theo dòng biến động của cuộc đời. Điều quí hơn nữa, anh bằng lòng và tán thưởng chính mình, đã kịp chấp nhận hòa mình vào cuộc sống. Nét sầu trắng trên hai tay nhà thơ đã thành ánh sáng dịu dàng, đủ âu yếm dìu anh tiếp tục nhập thế với bản lĩnh hồn nhiên, bình dị:

Tôi về một gánh tương tư
Nặng con tim thế bao giờ không hay
Trái tim ơi, những tháng ngày
Dài như một nhánh sông dài chảy qua


Trường giang vô số hững hờ
Cỏ hoa xanh thắm đôi bờ lặng thinh
Nước đi qua nước một mình
Bao nhiêu những bóng những hình chở theo


Tôi về một gánh tương tư
Vàng thơm nắng cũng cho vừa tuổi tôi
Gió thơm trên lũng trên đồi
Thơm lây đến cả hồn tôi chốn này


Tôi về sầu trắng hai tay
Đi như quân tướng trong ngày bại vong
Tình yêu tôi cất trong lòng
Đi qua cho hết một vòng tử sinh


Mừng cho tôi nhé một mình
Ra sông vớt được mối tình thiên thu
Ra sông vớt gánh tương tư
Sầu lên chất ngất cho vừa lòng nhau


Thuyền tôi còn nửa mái chèo
Thả theo con nước ít nhiều đắng cay
Tương tư không kể tháng ngày
Tương tư là một đời dài tương tư!

(Tôi Về Sầu Trắng Hai Tay – 90 &91)

Ở một dáng khác, ta bắt gặp lòng tác giả cực kỳ quan tâm đến đời sống, khi anh nêu lên những nét trái ngược hàm ý dửng dưng:

“có những lúc anh ngồi bất động
hồn thì tê chân cẳng cũng tê dần
mắt mở ra khó lòng khép lại
phía trước kia là một khoảng không

và có lúc đứng lên bất động
như cột đèn pho tượng hàng cây
người lạ có thể lầm anh như thế
rong rêu buồn tua tủa trên vai

có lúc ra đi và về bất động
gió vỗ vào phần phật sau lưng
cuốn đi mất một vài hy vọng
vô tình không ràng kỹ bên trong

anh nằm xuống buổi chiều bất động
giống tay mình, trời rộng quá em ơi
dõi mắt tìm ngày về đã hẹn
thấy dăm vì sao mọc sớm trên trời
(Bất Động – trang 92)

Bản tính riêng là điều hầu như nhà thơ nào cũng muốn giới thiệu một cách bộc trực minh bạch, với Cao Thoại Châu, ta nhìn ra:

“… ta là nỗi cô đơn thời đương đại
đặc quánh trong lòng không chia sẻ cùng ai
vì xung quanh có rất đông người
ta chẳng dại đem mình đi lãng phí

không nảy nòi sinh nhằm hảo hớn
áo vỉa hè cơm hộp nặng bao nhiêu
thì thôi, không qua sông cho khỏi lụy cầu
chẳng là cây cho không phiền đến gió

ta tự do hơn những tờ lịch kia
không bám thân vào một tấm bìa
ăn mày chút thời gian hào phóng
rơi tự do khi nào ta muốn

và ta đi mỗi khi nào còn sống
theo những hành vi hỏng của ta
con sông kia cũng có đôi bờ
thì cái xấu sao ta lại không thể thích

khi Thượng Đế sinh ra trái đất
chỉ lạc loài duy nhất một con người
thì ta là gã ấy hôm nay
một gã cô đơn có bề dày kinh nghiệm…
(Vô Định Hành trang 98-100)

xin chào mừng “cái tôi” thật rực rỡ của “gã cô đơn” bạn ta.

Cứ trích thơ rồi bình loạn đôi điều trật trúng cũng là một thú vui. Thật tình người đọc khó nắm bắt những tình ý của người sáng tác. Đã thế, nhiều khi suy luận của người đọc không ăn nhằm với hồn thơ. Không phải biết ghép vần, nối chữ thành câu, là hiểu được những gì bạn mình viết. Mười điều tôi cảm nhận về thơ bất cứ ai, xin đúng được đôi ba phần đã là mừng. Cảm nhận thơ kiểu tôi, luôn là một cách dịch bài người khác theo lối viết của mình. Thơ Cao Thoại Châu thật không dễ để ba hoa ăn theo.

Trước khi giới thiệu vài bài thơ về tình bạn của Cao Thoại Châu, mời các bạn đọc đôi bài đậm đà tình yêu nước của anh. Với tình cảm thiêng liêng này, tôi nghĩ khi đọc, ai cũng muốn tự mình viết những cảm nhận riêng.

Bài thứ nhất: Tôi Yêu Chiếc Cổng Bờ Đông Của Nhà Mình:

Tôi sinh ra và lớn lên
Trên một bờ đại dương xanh thẳm
Đại dương mênh mông
Hồn nước tôi là linh hồn rất rộng
Không thước nào đo nổi độ sâu
Núi bờ tôi ai đo nổi chiều cao
Nơi người nước tôi đứng nhìn ra biển
Thuyền cá về mang tiếng biển Đông vào

Tôi yêu cái bờ Đông nơi mình đang đứng
Xanh bờ cây của chiếc ao nhà
Những cá tôm hiền lành trách nhiệm
Với người nước tôi đã mấy ngàn năm
Biển bạc nuôi người vĩnh viễn!

Biển nước tôi xanh
Rừng nước tôi xanh
Chiếc cổng nước tôi đẹp bền đi vào lục địa
Người nước tôi giữ nhà mình từ đó
Những Bình Than vang dội một thời
Cổng Trường Sa là cổng thép hôm nay
Và Hoàng Sa cổng đã sơn bằng máu!

Lớn lên từ bờ Đông
Phổi căng như cánh buồm đi trên sóng
Sáng tinh mơ không bật đèn 
Vì đã có mặt trời đứng chờ ngoài cổng

Người nước tôi yêu cái bờ Đông
Như người ta yêu máu trong tim
Biết bao lúc mò kim đáy biển
Người nước tôi tìm được trái tim mình
Và đó là chiếc khóa
Xương thịt bền máu của cha ông!
23-7-2013

 

Bài thứ 2: Những Con Đường Trong Thành Phố Tôi

Khi đất nước còn vua Quang Trung
Hai mươi vạn quân Thanh đứa nào sống sót
Không bạt vía cũng thành què cụt
Quê người cho một nấm mồ hoang

Khi đất nước còn Lý Tướng quân
Chân cứng đá mềm đứng trong lịch sử
Nhiều lá cờ chỉ lá cờ chính nghĩa
Chiều bay thơm lúa mạ trên đồng

Vẳng đâu đây mười năm rừng núi Lam Sơn
Sang sảng tiếng Bình Ngô đại cáo
Hào kiệt đất nước có khi nào thiếu
Gươm thiêng loáng nước ánh trăng rừng

Thần vì người cho mượn thanh gươm
Sòng phẳng trả khi rửa xong hận nước
Hào khí ngời lên như ánh thép
Hận nước trong lòng của mỗi người dân!

Thành phố tôi có đường Hai Bà Trưng
Có trường học mang tên hai vị ấy
Thì cột đồng kẻ thù để lại
Kim loại nào chống được lòng dân?

Thành phố tôi có đường Trần Hưng Đạo
Ba lần thắng Mông Nguyên, nạm vàng đất nước
Bao lớp lớn lên từ trường học Ngô Quyền
Kiêu hãnh trước một bầy Nam Hán

Tôi từng là học sinh trường Chu Văn An
Thất trảm sớ một thời lừng lẫy
Trái tim của nhà danh sĩ ấy
Bản sao rõ nét đến bây giờ

Mỗi bảng tên đường thấm máu cha ông
Làm bằng sắt hay bằng xương thịt
Tên núi tên sông tên từng tấc đất
Thành phố phường ngang dọc trong tim

Rất phân minh giữa bạn và thù
Người Việt Nam không biết làm nô lệ!
Đường phố này mang tên các cụ
Không thể nào như những phố vô danh!

Như đã thưa, tôi không ăn ké cùng hai bài này, nhưng ngưỡng mộ quá, tôi xin lặp lại ít câu cho dễ thuộc:

Hồn nước tôi là linh hồn rất rộng
Không thước nào đo nổi độ sâu
Núi bờ tôi ai đo nổi chiều cao
Nơi người nước tôi đứng nhìn ra biển

Mỗi bảng tên đường thấm máu cha ông
Làm bằng sắt hay bằng xương thịt
Tên núi tên sông tên từng tấc đất
Thành phố phường ngang dọc trong tim

Thơ yêu nước là một chủ đề dễ ăn điểm. Dễ lấy tình thương mến của người đọc. Nhưng để hoàn tất tác phẩm này cho hoàn hảo, trước hết người viết phải chân tình. Hư cấu suy tư dễ thành giả tạo. Yếu tay trong kỹ thuật cũng dễ thành lộ liễu những lặp lại, bởi tình yêu nước của mỗi chúng ta đều có rất nhiều điểm chung. Số thơ yêu nước hiện nay khá dồi dào, nhưng giá trị để tồn tại lâu bền, tôi nghĩ không có bao nhiêu.

Với 112 trang thơ, bìa và phụ bản được vẽ nghiêm chinh bởi cố họa sĩ Đinh Cường, tập Mời Em Uống Rượu của Cao Thoại Châu chắc chắn là một tập thơ được bạn đọc nồng nhiệt tiếp nhận. Tủ sách của những người yêu thơ không thể thiếu. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, tôi tin dù đã cởi mở rất nhiều, cũng phải đọc thật kỹ, cân nhắc, trước khi cấp phép cho một tay thơ cựu quân lực Việt Nam Cộng Hòa, một nhà giáo chánh ngạch, được trình làng đứa con vốn có từ một chế độ “thù nghịch”.

Trở lại với tình bạn, trong tập Mời Em Uống Rượu, tôi đọc được bài Trên Nấm Mồ Ký Ức, dành tặng cố nhà văn Y Uyên, người bạn đồng thời của chúng tôi. Anh đã sớm hy sinh, sau khi rời quân trường không bao lâu. Nguyên văn bài thơ:

“sao xuất ngũ sớm và kỳ cục vậy Uyên
có phải vì những người còn sống
đều đớn đau nên tìm đi vội vàng
như vì sao lẩn trốn bình minh
của một ngày nổi bão

sao xuất ngũ vội vàng vậy Uyên
nước Việt-nam sẽ có hòa bình
các yếu nhân vừa tuyên bố như vậy
khi chúng ta còn mang da thịt
làm cho mập chiến tranh   

sao đi sớm vậy Uyên
có phải vì bất lực
trước một nỗi kinh hoàng
trước một cơn bão khô
không lý do giải thích

tôi chưa hề chôn ai
trong ấm mồ ký ức
chưa hề thương tiếc ai
bằng ngôn ngữ bất lực

người ta chết như một sự đã rồi
cho chiến tranh hay cho Tổ quốc
tôi làm sao khóc được
khi không thể bất công
giữa những người tử trận
vừa có Uyên nằm xuống
một cái chết dễ dàng
của một thời phóng túng

cái chết nào có nghĩa
tìm trong quê hương này
bài thơ nào cũng thế
không đủ che mặt người

ta cũng chỉ là cầu
cho người ta phá sập
ta cũng chỉ là đồn
cho người ta bắn nát

tôi đang dành nước mắt
để khóc mình mai sau”.

(trang 43 & 44).

Một tình cảm chân tình. Một bài thơ giản dị. Nhưng nói lên được sự tàn độc của chiến tranh và thân phận con người tham chiến, cả hai bên. “Ngôn ngữ quả thật bất lực”, như Cao Thoại Châu nhận ra. Cái chết chẳng có ý nghĩa gì với quê hương như Cao Thoại Châu chua chát. Và điều bi thảm được đẩy đến tột cùng khi nhà thơ thú thật:

“tôi đang dành nước mắt
để khóc mình mai sau”.

Trong bài thơ đề tặng nhà thơ Thành Tôn, là một bài thơ dài. Nội dung không nhắc qua người được tặng. Thành Tôn trở thành một cái tên chung; có thể là bạn là tôi, là ai đó sẽ đọc những tường trình, những tâm sự của nhà thơ. Một người từ giã đời dân sự, để hòa đồng cùng một tập thể trực tiếp bảo vệ quốc gia. Hơi thơ không ca ngợi một điều gì để trở thành loại thơ tâm lý chiến. Với những cảm nhận phiền muộn, ưu tư chưa đủ thuộc vào thơ phản chiến. Ở điều này Cao Thoại Châu nhẹ nhàng hơn Lê Vĩnh Thọ, Hà Thúc Sinh, Luân Hoán, Thái Luân, Chu Vương Miện… Anh có nét riêng của anh:

...”các anh bây giờ đã trưởng thành
các anh biết buồn và biết cô đơn
biết tìm quên trong những lá thư tình
biết mọi người cần một tổ quốc
mỗi người cần một tương lai
có thể không bao giờ nhìn thấy nữa
các anh biết, các anh biết thật nhiều
ngoài điều đặt tên cho cái chết
cái chết nằm kề bên cạnh chúng ta
(Về Thăm Bạn Còn Ở Thủ Đức – trang 66-69)

Để kết thúc bài viết, với tham lam háo danh, tôi gắng thòng thêm một đoạn hơi riêng tư. Các bạn đọc cho phép tôi cảm tạ đời đã cho tôi khá nhiều người bạn quí, trong đó có ông tác giả Mời Em Uống Rượu. Năm 2014, khi ấn hành tập thứ ba về những bài cảm nhận thơ tôi (tập Đọc Nhịp Thở Luân Hoán) Cao Thoại Châu góp một bài “LH Lặng Lẽ Tìm Lấy Đường Mà Đi”. Ngoài ra anh còn viết tặng  bài thơ “Gửi Bạn Hiền Luân Hoán”, nguyên văn như sau:

Gửi bạn bài thơ không đoạn kết
Bởi nó dài hơn cả đời ta
Cái vợt ta mang đi bắt cá
Nhìn thông ra thì không đáy bao giờ

Chúng ta đều sinh trên xứ nóng
Giờ run lên như tuyết phủ mái nhà
Tuyết phủ lá cây phong còn lạnh
Lạnh bạn đã đành và đừng nói chi ta

Ta vẫn nhớ bạn hiền từ dáng
Như cây cam cây ổi quê nhà
Cơn gió quét cỏ xanh reo nhè nhẹ
Thời thái bình ai lại nổi can qua

Không triết lý như nhà hiền triết
Thơ bạn không nuôi sầu hận trong lòng
Tình bền vững phải gánh dăm điều lặt vặt
Có điều chi miễn phí cho không?

Khi sầu khổ như khói lên chất ngất
Ta vẫn tìm thơ bạn cho vơi
Cuộc binh đao tàn đi như cỏ mục
Không đủ thịt xương mang tới quê người

Bạn vẫn trẻ có phần sang trọng nữa
Đất xứ người mặc sức thênh thang
Chôn chặt văn chương ba tấc đất
Nữ sĩ của chúng ta cũng có lúc sai lầm!

Ta vướng vít bao điều hệ lụy
Không tiếng gà gáy sáng trong thôn
Một chút tình bạn mang đi biền biệt
Thơ ta làm có tuyết bên trong

Đã mất dần những người như bạn
Ta nhận vào chán ngán đẫy tâm tư
Chiếc vợt ta mang đi bắt cá
Mắt lưới đan không đáy tự bao giờ!

Cao Thoại Châu
21-10-2013

“… Cuộc binh đao tàn đi như cỏ mục
Không đủ thịt xương mang tới quê người…”.

Tôi đọc đi đọc lại hai câu này. Tôi nhớ tôi còn hơn nhớ bạn nữa. Xin lỗi nghe Vưu. Tôi “tự nhiên như người Hà Nội” dù không rõ người Hà Nội có thật sự tự nhiên không.

và gần đây trên Facebook Cao Thoại Châu tặng tôi một số vần điệu khác:
Bạn hẹn tết về thăm uống rượu
Ồ, thiếu chi nước mắt quê hương
Mấy mươi năm chảy ròng chảy rã
Như suối tuôn thác đổ trên nguồn

Chiều quê nhà ngước lên đỉnh núi
Trắng sương giăng như tấm lụa mờ
Khi mỏi mắt quay ra phía biển
Sóng ồn ào lấp kín hồn ta

Thì ra sống tức nhiên làm ngư phủ
Tung lưới mong vớt lấy hồn mình
Đôi lúc cá tôm đi mất biệt
Lưới gom về lác đác mấy cành rong

Rồi ta buồn vác búa lên non
Xin rừng thiêng làm gã sơn tràng
Quặn thắt thương từng gốc cây hòn đá
Thú rừng con lớn giết con con

Ta giận mình quên học nghề uống rượu
Nên không được làm vương tướng bao giờ
Đất có đó chẳng bao giờ đi hết
Giang hồ vặt hoài trong mấy trang thơ

Bạn thấy đấy còn chỗ nào đi nữa
Còn chỗ nào đón kẻ lưu vong
Ta cũng tựa như tờ giấy trắng
Viết chuỗi tên quên mất tên mình

Ta ở nơi này khan hiếm bạn
Dẫu lắm đàn bà lắm cả đàn ông
Nhân sinh đâu phải đa tình hết
Nước lã làm sao say giống rượu nồng ?

(Gửi Luân Hoán)

Nguồn hạnh phúc của tôi được Cao Thoại Châu liên tiếp bổ sung. Nhưng đọc thơ tôi thấy thương cho bạn mình. Tôi không kiểu cách, bởi ai không nhói lòng khi biết những tâm sự này:

Chiều quê nhà ngước lên đỉnh núi
Trắng sương giăng như tấm lụa mờ
Khi mỏi mắt quay ra phía biển
Sóng ồn ào lấp kín hồn ta

Ta giận mình quên học nghề uống rượu
Nên không được làm vương tướng bao giờ
Đất có đó chẳng bao giờ đi hết
Giang hồ vặt hoài trong mấy trang thơ

Không phải là áo thụng vái nhau. Cũng chẳng có thù tạc. Thương nhau, quí nhau là viết về nhau. Chính vì thế, năm 2011 trong loạt bài vẽ tâm chân dung bạn văn, Cao Thoại Châu là người tôi thử tay đầu tiên. Tập thơ này tôi dự định in, nhưng vẫn còn chần chừ. Mời bạn ngắm ít nét về người tình cũ-ngay-từ-đầu của cô giáo Na ngày nào.

Chân tình cảm tạ sự vui mắt của các bạn.

rảnh rỗi bưng một bác
phác họa loạng quạng chơi
không mục đích bôi bác
không bốc thổi lên trời

vẽ bậy từng nét thật
theo tác phẩm theo đời
chẳng mục đích gì khác
trám giờ trống vậy thôi

chẳng hề chọn thứ tự
ưu tiên biệt đãi nào
tất cả do tùy hứng
đến một cách bất ngờ

bắt đầu bác thi sĩ
có tên Cao Đình Vưu
gốc Giao Thủy Nam Định
hiền lành như hươu, cừu

bác vào Nam hít thở
gõ đầu trẻ đôi mươi
buồn buồn vào Thủ Đức
làm quan mấy năm chơi

bác thuộc dạng lãng mạn
nhưng hơi hơi nhát gan
yêu cô em “lựu đạn” (1)
chỉ biết ngồi mơ màng

thơ thẩn cũng từ đó
thơm lừng cả ngàn trang
rất riêng rất độc đáo
ngấm hương rượu nồng nàn

chuyên loại bảy, tám chữ
thật linh hoạt đều tay
vần điệu không câu nệ
ý sắc sảo tràn đầy

với ít nhiều cao ngạo
gói đủ đời tang bồng
chế từ những bụi bặm
bác lượm giữ trong lòng

bác chừ viết rất khỏe
dồi dào hơn thuở xưa
“Rạng Đông Ngày Vô Định”
không cần biết nắng mưa

bác đang chơi xả láng
thơ văn cho mỗi ngày
trên mạng chẳng liều mạng
mỗi ngày một ý hay

ra đời năm ba chín
vẫn sung sức trẻ trung
văn tài còn xanh mướt
đọc khoái lòng vô cùng

bác thi sĩ duy nhất
của Việt Nam Cộng Hòa
còn ở cùng tổ quốc
dám cho thơ thở ra

những ưu tư thời cuộc
những nét sử gần xa
gói cả một tâm sự
uất hận trong xót xa

(Tâm Chân Dung Cao Thoại Châu – LH)

—————–

1/ lựu đạn còn được gọi quả Na, tên một người thơ của CTC

Hà Khánh Quân
6.50PM – 02.10.2016


=============