Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

đọc thêm (1) : " nhà văn LÊ VĂN BA ; ' say sưa mảng sách biên khảo ' / bài viết: Từ Khôi -- nguồn báo Đại Đoàn Kết ( Hà Nội )

 


Nhà văn Lê Văn Ba: Say sưa mảng sách biên khảo

TỪ KHÔI

Người viết mảng sách biên khảo xưa nay rất ít, phần vì vất vả tìm tòi tư liệu, phần vì ít được bạn đọc để ý, nhưng mảng sách biên khảo lại vô cùng giá trị, vì nó là lịch sử thu nhỏ một giai đoạn, một lĩnh vực.

Nhà văn Lê Văn Ba: Say sưa mảng sách biên khảo

Nhà văn Lê Văn Ba.

Lê Văn Ba tên khai sinh là Trần Khắc Cần, sinh năm 1934 ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Ông mồ côi mẹ từ năm lên 8 tuổi. Thế nên, tiếng là ở Hưng Yên nhưng ngay từ bé, ông đã được chị của bố (vợ GS. Dương Quảng Hàm) đưa lên Hà Nội cho ăn học.

Cuộc đời của Lê Văn Ba gắn bó mật thiết với Hà Nội. Học tập, hoạt động cách mạng, làm báo, viết văn đều ở chốn đô thành. Công trình biên khảo mà nhiều bạn đọc biết tới Lê Văn Ba đầu tiên lại là những cuốn biên khảo “Chử Đồng Tử - Tiên Dung, vùng đất con người”, “Miền quê Văn Giang” và “Nhà thơ tiến sĩ Chu Mạnh Trinh”.   

Sáng tác văn học nghệ thuật về Hà Nội giai đoạn 1947-1954 gặp nhiều khó khăn: Tư liệu ít là một, thứ nữa là quan điểm sáng tác. Thời điểm đó, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đã lên Việt Bắc kháng chiến, còn những người ở lại vì nhiều lý do, nhưng cũng không hẳn họ không yêu nước. Những văn nghệ sĩ và học sinh, sinh viên ở lại Hà Nội đã yêu nước, đã đấu tranh như thế nào đã được nhà văn, nhà báo Lê Văn Ba thể hiện trong những tác phẩm biên khảo công phu.

Năm 2018, ông bàn với các bạn Đỗ Hồng Phấn, Trịnh Văn Bảo, Dương Tự Minh là những lãnh đạo của phong trào Học sinh Kháng chiến ở Hà Nội khi bị Pháp tạm chiếm biên soạn cuốn sách nói về những năm tháng hoạt động của học sinh, sinh viên Hà Nội thời kỳ 1947-1954. Mọi người thống nhất và rủ thêm các bạn khác cùng biên soạn. Thế là vào tháng 10/2019, cuốn “Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm 1947-1954” đã được NXB Thanh niên ấn hành.

Khi còn học trường Chu Văn An, cậu học trò Lê Văn Ba đã có tin bài, phóng sự dài kỳ và truyện ngắn in trên một loạt các báo ở Hà Nội. Ông là một trong vài người trụ cột của báo “Nhựa sống” của Đoàn Học sinh Kháng chiến. Những trụ cột của báo “Nhựa sống” gồm: Dương Linh (chủ nhiệm), Lê Tám (viết bài, tổ chức in ấn), Lê Văn Ba (viết bài, tổ chức in ấn), Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm. Báo “Nhựa sống” ra đời tháng 1/1950, ngay sau khi tổ chức lễ truy điệu Trần Văn Ơn tại Hà Nội. Kinh phí cho báo hoạt động lấy từ nguồn học sinh quyên góp. Phương tiện in báo thời đó cũng rất lạc hậu, ban đầu là in thạch, in đá ẩm, in bằng giấy stencil (giấy nến) để chuyển cho bộ phận in đánh máy vào giấy cho thủng rồi phết mực. Báo “Nhựa sống” được in ở nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có nhà riêng của ông Dương Tự Minh ở số 98A phố Hàng Bông, nhà ông Nguyễn Kim Khiêm ở số 77 phố Phủ Doãn. Báo “Nhựa sống” được in đều đặn hàng tháng, mỗi số ra khoảng 300-400 tờ, sau đó được nhóm Lê Văn Ba và một số học sinh kháng chiến khác đem phát một cách bí mật, như để trong ngăn bàn các bạn...

Tháng 10/1952, cơ sở in báo bị lộ. Lê Văn Ba và Lê Tám, Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm bị bắt và giam ở nhà tù Hỏa Lò. Đúng là “một ngày tù ngàn thu ở ngoài”. Chỉ bị bắt giam có một năm (đến 1953 được thả) mà sau này những ngày tháng ở tù cứ đeo đẳng ám ảnh Lê Văn Ba. Và từ nỗi ám ảnh ấy, ông đã biên soạn những cuốn sách như: “Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò” (2004), “Thơ viết trong nhà tù Hỏa Lò” (2006), “Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng” (2009); “Chiến sĩ cách mạng - Nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân đế quốc” (xuất bản 2011) dày ngót 1.500 trang. Đây là cuốn sách giới thiệu chân dung các nhà văn, nhà thơ với cuộc đời, tác phẩm văn học tập trung nổi bật thời gian họ bị bắt, bị tù. Đây là cuốn sách đầu tiên cho thấy đội ngũ đông đảo các thế hệ chiến sĩ cầm bút làm nên cả một dòng văn học yêu nước cách mạng Việt Nam.

Nhà văn Lê Văn Ba nói: “Tôi nghĩ, văn học viết trong nhà tù, trại giam của địch chưa được nhiều nhà văn quan tâm nên tôi theo đuổi nó. Có những chuyện thật được tôi viết ra, nhưng để in thành sách, tôi đã phải lặn lội tìm kiếm lại nhân vật, cho họ đọc và được họ xác nhận kèm chữ ký hẳn hoi mới dám in”. Đặc biệt, nhiều năm trước, ông cùng các bạn văn gồm Hoàng Công Khanh, Giang Quân, Vân Long, Băng Sơn, Nguyễn Bắc Lê Ngọc, Hoài Việt từng dự định sẽ cho ra đời cuốn “Tổng tập văn học nghệ thuật Hà Nội 1950-1954”. Năm 2005, bản thảo đã tập hợp được hơn 100 tác giả với các tác phẩm văn xuôi, thơ, kịch, nhạc, họa... nhưng bất ngờ, năm 2007, thành viên chủ chốt là nhà thơ Kiều Liên Sơn đột ngột qua đời. Thiếu kinh phí in, các thành viên cùng trao đổi và đi tới quyết định dừng làm tổng tập. Các tài liệu, bản thảo đã tập hợp được giao lại cho nhà văn Lê Văn Ba, ai muốn lấy lại thì xin trao trả.

Nhà văn Lê Văn Ba: Say sưa mảng sách biên khảo - 1

Nhà văn Lê Văn Ba: Say sưa mảng sách biên khảo - 2

Một số tác phẩm biên khảo của nhà văn Lê Văn Ba.

Nhưng, đề tài văn nghệ sĩ ở Hà Nội những năm 1947-1954 vẫn đau đáu trong lòng và nhà văn Lê Văn Ba lại lặn lội xuôi ngược để năm 2017, NXB Hội Nhà văn cho xuất bản cuốn “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954” dày gần 400 trang. Tuy gọi là biên khảo nhưng trong cuốn sách lại có nhiều đánh giá về đội ngũ văn nghệ sĩ, nhận xét về thể loại, đánh giá về tác phẩm, danh sách các tác giả… Theo tác giả, văn nghệ Hà Nội thời kỳ 1947-1954 vừa là văn nghệ công khai, hợp pháp, vừa là văn nghệ bí mật, nhưng tựu trung lại đều ghi dấu lại một thời hào hùng của rất nhiều gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu của Thủ đô, với những trang viết mạnh mẽ, kêu gọi đấu tranh, góp phần đánh trả quân thù ngay trong vùng địch chiếm, một lòng vì công cuộc kháng chiến giải phóng Thủ đô. Những tác phẩm tiêu biểu với những gương mặt tiêu biểu có thể kể: Bút ký “Miếng ngon Hà Nội” (Vũ Bằng), truyện ngắn “Tiếng khóc” (Băng Hồ), ca khúc “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương), bức tranh “Núi rừng Việt Bắc” (Nam Sơn - Nguyễn Vạn Thọ), ảnh của Nguyễn Duy Kiên, kịch thơ “Bến nước Ngũ Bồ” (Hoàng Công Khanh), kịch nói “Đêm giao thừa” (Vũ Khắc Khoan), vở cải lương “Người nữ tì của Hai Bà Trưng” (Sỹ Tiến)…

Trong sách, Lê Văn Ba cũng sưu tầm và lập danh sách 43 văn nghệ sĩ Hà Nội thời tạm chiếm 1954, vì nhiều lý do khác nhau đã “Nam tiến”…

Chắc rằng, với “lợi thế” sống, hoạt động ở vùng tạm chiếm, Lê Văn Ba sẽ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm có giá trị khác nữa, dù rằng ông đã 85 tuổi.


TỪ KHÔI 


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ