Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

đọc thêm (1) " tiễn biệt anh, anh Nguyễn Ngọc Lan " [ 1930- 2007 ] / bài viết: TBĐ. [ Trần Bạch Đằng ] (tphcm) -- nguồn: https://m.thanhnien.vn>

 

Tiễn biệt anh, anh Nguyễn Ngọc Lan

T.B.Đ

   THANH NIÊN ONLINE

i được báo tin về sức khỏe đáng lo ngại của anh cách đây mấy hôm. Tin thì như thế, song tôi vẫn hy vọng, sáng nay 26.2, tin cuối cùng: anh đã đi vào cõi vĩnh hằng. Với tôi, đó là một mất mát nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong mối thân tình mà tôi có với anh đã qua nhiều năm tháng đầy thử thách.

Tiễn biệt anh, anh Nguyễn Ngọc Lan

Tôi nghĩ rằng nỗi buồn ấy không chỉ riêng của cá nhân tôi bởi trong phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở thành phố Sài Gòn anh được biết đến như một người xung trận quả cảm, đồng hành với trí thức, học sinh, sinh viên, phật tử và đồng bào nói chung, nếu chúng ta nhớ thái độ của anh đối với sự hy sinh của Nhất Chi Mai, của công nhân Hãng pin Con Ó và nổi lên cuộc chống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu cùng tai họa do cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ gây trên đất nước chúng ta.

Biết tiếng anh từ lâu trên các tờ báo như Đối Diện, Tin Sáng và trên nhiều diễn đàn khác. Là một linh mục, một giáo sư đại học, anh có quan hệ rộng rãi với đồng bào lương giáo, với lớp trẻ và với công chúng nói chung. Biết tiếng nhưng chưa gặp mặt, cho đến một ngày trong đợt 1 Tết Mậu Thân 1968, tại Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tiền Phương Nam, nhân tiếp một số trí thức, trong đó có anh. Súng còn nổ, chiến tranh đang vào thời điểm ác liệt, anh vẫn đến Sở Chỉ huy của chúng tôi, hóa trang như dân thường để lọt qua vòng kiểm soát của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tại cuộc gặp mặt đó, chúng tôi trao đổi các mặt của cuộc chiến tranh cách mạng và tôi tìm thấy ở anh một thái độ chân thành, cởi mở đối với cuộc kháng chiến do Mặt trận Dân tộc Giải phóng lãnh đạo. Điểm đặc biệt mà tôi còn nhớ mãi là tính lạc quan của anh khi thảo luận về đường lên của dân tộc mặc dù thấy trước đường đi còn lắm gian truân. Một tình bạn phát sinh từ buổi gặp gỡ - có khi trên bàn họp, có khi phải xuống hầm bí mật.

Từ năm 1968 cho đến 30.4.1975, Nguyễn Ngọc Lan trước sau vẫn có mặt trong đội ngũ xung kích của những người yêu nước tại thành phố. Sau ngày toàn thắng, chúng tôi gặp nhau thường hơn và cũng có dịp trao đổi sâu hơn nhiều vấn đề thời cuộc cùng triển vọng của đất nước trong hòa bình. Một hôm, anh nói với tôi: nghĩa vụ của một linh mục anh đã làm xong và trở lại đời thường của một công dân. Anh lập gia đình. Đức tin của anh đối với Đạo Chúa không hề phai lạt nhưng anh muốn cống hiến trong tư cách một công dân bình thường.

Những thăng trầm từ đó đến với anh. Tôi hiểu Nguyễn Ngọc Lan tính khí bộc trực, có phần cực đoan nhưng trong sáng. Ngay trong giáo hội, người ta cũng gọi anh là “kẻ nổi loạn”, đương nhiên trong xã hội, anh có những dằn vặt cụ thể và thái độ của anh như cá tính của anh. Một lần, nhân mừng sinh nhật anh Ngô Công Đức tại một quán ăn, anh Mai Chí Thọ và tôi thấy anh ở một bàn khác, tôi đến sau lưng anh, choàng tay qua vai anh, anh nhìn tôi trong đôi mắt đo đỏ, tôi mời anh sang bàn chúng tôi và gặp anh Mai Chí Thọ. Chúng tôi không nói gì về chính trị, chỉ hỏi thăm nhau về sức khỏe. Đánh giá một con người không hề giản đơn, nhất là trong hoàn cảnh đất nước đang chuyển động. Làm sao có thể nhìn Nguyễn Ngọc Lan khác với tư thế anh từng thể hiện ở thành phố Sài Gòn trong những năm bị chiếm đóng. Tôi nhớ mãi một bài báo rất nổi tiếng của anh khi vạch mặt Nguyễn Văn Thiệu. Thật sắc sảo và cũng xuất phát từ tấm lòng yêu nước sâu sắc, anh đặt vấn đề “ông Thiệu phản đối khẩu hiệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng chống Mỹ cứu nước thì tôi hiến cho ông ấy một khẩu hiệu khác phù hợp hơn: chống nước cứu Mỹ”. Sau này, tôi thỉnh thoảng viết về phong trào Sài Gòn, tôi nhắc lời ấy của anh với tất cả khâm phục. Tôi nhớ, ở chiến khu, Bí thư T.Ư Cục - anh Phạm Hùng có lần bảo tôi chú ý bảo vệ Nguyễn Ngọc Lan, nghe đâu ông đi lại bằng một chiếc xe gắn máy cũ kỹ, rất dễ bị ám hại. Tôi truyền đạt ý trên cho anh Tạ Bá Tòng, người trực tiếp liên hệ với Nguyễn Ngọc Lan.

Hôm nay tiễn anh, cuộc chia tay gọi là vĩnh biệt, tôi viết những dòng này với bao nỗi bồi hồi. Với tôi, Nguyễn Ngọc Lan là một người bạn trung thực, tất nhiên về thái độ đối với thời cuộc của anh thì còn không ít điều cần trao đổi, nhưng đó là chuyện khác, một con người khá độc đáo đã từ giã chúng ta. Một con người để lại không ít dấu ấn trên một loại chiến trường đặc biệt mà tôi tin rất nhiều trí thức, học sinh - sinh viên và đồng bào nhớ mãi về anh. Rồi đây, chúng ta sẽ có dịp đọc một tuyển tập luận văn của anh, các bài viết thời sôi nổi của phong trào cách mạng, yêu nước Sài Gòn - đọc để hiểu anh hơn.

Chia tay anh trong tâm trạng chia tay một thân tình, tôi gởi lời điếu như thế đến anh, anh Nguyễn Ngọc Lan quý mến...

Chống Mỹ cứu nước “như” người Việt cộng sản?

Dưới đây là một trong rất nhiều bài báo thấm đẫm tinh thần yêu nước và thái độ dũng cảm, dứt khoát chống ngoại xâm của Nguyễn Ngọc Lan, đăng trên tờ Tin Sáng, Sài Gòn năm 1971:

“Sặc mùi Cộng sản”, nội dung các bích chương cổ động bầu cử của anh Trần Tuấn Nhậm đã được báo chí nhà nước phê như thế đó.

Nguyễn Xuân Lập, anh Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn, người ứng cử viên độc nhất vô nhị đã được nhà nước cho không chỗ ăn chỗ ngủ ở quân lao Gò Vấp gần suốt thời gian vận động cho đến ngày 23 tháng Tám mới được xử trắng án thì cũng đã từng được thiên hạ đánh hơi thấy “sặc mùi Cộng sản”.

Nói chuyện “sặc mùi Cộng sản” thì nhiều lắm, kể sao cho xiết. Anh này sặc mùi Cộng sản. Cuốn sách kia sặc mùi Cộng sản. Tờ báo nọ sặc mùi Cộng sản. Cuộc hội họp này nữa, vụ tranh đấu kia nữa đều sặc mùi Cộng sản.

Nhưng trong quảng đại quần chúng đố ai mà biết được cái mùi Cộng sản nó như thế nào. Quảng đại quần chúng vốn không phải là một bầy chó săn của đế quốc Mỹ. Phúc đức cha ông còn để lại cho dân mình là ở đó.

Rất khó mà biết cái mùi Cộng sản nó như thế nào. Nhưng quảng đại quần chúng thì biết khá chắc chắn cái gì thường không bị mang tiếng là sặc mùi Cộng sản. Thuốc phiện chẳng hạn, không hề có mùi Cộng sản. Dân chưa hề thấy ông bình luận gia của đài truyền hình Nhà nước phải hắt hơi, phải chảy nước mắt khi nhắc đến tên một Phạm Chí Thiện. Một vua Mặc Giao có đời nào mà ăn nói viết lách sặc mùi Cộng sản được. Buôn lậu không sặc mùi Cộng sản. Hối lộ, tham nhũng không sặc mùi Cộng sản. Thứ dân biểu gia nô không sặc mùi Cộng sản. Bán nước cho Mỹ càng nhất định là không sặc mùi Cộng sản, tuy có thể chỉ sặc mùi đô la.

Cứ suy luận dài dài quanh cái lối người Nhà nước thường chỉ trỏ đây sặc mùi Cộng sản, đó sặc mùi Cộng sản thì thật là phiền. Chẳng hạn có thấy Nhà nước cho xé bích chương của một Trần Tuấn Nhậm, cho bắt giữ rồi thả một Nguyễn Xuân Lập thì cũng chưa hề gặp một ông Nhà nước nào dám bảo những người trẻ đó là sặc mùi thuốc phiện, buôn lậu, hối lộ, tham nhũng, bán nước cho Mỹ... Cùng lắm là họ chỉ bị kết tội là “sặc mùi Cộng sản”!

Cái mùi Cộng sản không biết thế nào chứ lối tuyên truyền, phê phán của người Nhà nước thì vẫn làm như thể là bày vẽ cho dân tránh khỏi “sặc mùi Cộng sản” theo cách thức độc nhất vô nhị có bảo đảm một trăm phần trăm này: quay mũi cho thật đúng về phía ba đống rác của xã hội Miền Nam mà hít vô thở ra cho thật kỹ.

Xã hội Miền Nam, nhờ phúc đức của ông ta để lại, không phải chỉ có ba đống rác. Với chút tự hào về mình, về dân tộc mình, không ai lại nghĩ như vậy. Nhưng vẫn đúng là chỉ có ba đống rác mới không hề bị phê là “sặc mùi Cộng sản”. Phiền là thế đó. Và thật là phiền.

***

Trong thực tế, “sặc mùi Cộng sản” thường có nghĩa là “làm như Cộng sản”. Người ta không cần biết bà con cô bác làm cái gì, không cần biết cái gì bà con cô bác làm là tốt hay xấu, cứ hễ bà con cô bác “làm như Cộng sản” là đúng rồi, bà con cô bác “sặc mùi Cộng sản”.

Cho nên ngày nào Nhất Chi Mai mới chết với nhận định đắng cay: “Hòa bình là có tội! Hòa bình là Cộng sản”. Cho nên hôm nay “chống Mỹ cứu nước”, chủ trương “thực hiện đường lối xã hội chủ nghĩa” như một ứng cử viên mới là “sặc mùi Cộng sản”.

Cái lối phê phán ấy chỉ phản ảnh cho cái nạn “có tật giật mình” của đám người có sống thêm mười kiếp nữa cũng khó trút hết mặc cảm tội lỗi đối với nhân dân. Chỉ biết có mỗi một thứ “hòa bình công chính và trường cửu” tức là thứ hòa bình làm bằng kẹo cao su Mỹ nay còn 100 thước, mai còn ba bốn năm tùy theo nhu cầu của sự vinh thân phì gia và đòi hỏi của đế quốc quan thầy, người ta mới thấy mọi khát vọng hòa bình khác đều “như Cộng sản”. Đã lỡ đà chạy theo đế quốc hay có khá lắm là làm “lơ xe tăng sáng suốt” cho Mỹ, người ta làm sao còn hiểu nổi việc “chống Mỹ” trước tiên là vấn đề sống còn tiên quyết của dân tộc này, của đất nước này, chứ không phải là vấn đề như Cộng sản hay không như Cộng sản...

Vấn đề không phải là như hay không như Cộng sản. Mà chỉ có một vấn đề đáng kể là làm cái gì và cái gì đó tốt hay xấu, thuận hay nghịch với đà lịch sử của dân tộc ngày xưa ngàn năm chống Tàu, mới hôm qua đây chín mươi năm chống Pháp và hôm nay đây, tôi cũng xin cương quyết lặp lại, bao lâu còn gót giày lính Mỹ nện trên quê hương này, còn chống Mỹ cứu nước.

Làm tốt, đi hướng tốt thì mình như hay không như Cộng sản là chuyện thừa thãi không khác gì bảo - và tại sao không bảo - người Việt Cộng sản như hay không như mình.

Tôi cố tình viết mấy chữ “người Việt Cộng sản” vì cứ phải tránh đừng “như” họ thì việc tiên quyết phải làm là làm sao trút cho hết khỏi huyết quản mình giòng máu Việt như họ, đổi lưỡi đổi giọng đi để hết nói tiếng Việt vì họ nói tiếng Việt.

Không phải vì đồng bào Cộng sản ngoài Bắc còn tiếp tục ăn rau muống luộc, húp nước rau vắt chanh mà cứ phải tránh ăn rau muống luộc húp nước rau để khỏi “như Cộng sản”. Không phải vì đồng bào Cộng sản trong Rừng Miền Nam vẫn khoái giá sống mà cứ phải từ biệt giá sống để khỏi “như” Cộng sản.

Sự chọn lựa xứng đáng với người Việt Nam vẫn là sẽ không bao giờ hết khoái giá sống và hết bằng lòng rau muống luộc. Hơn nữa nếu có sức trồng lúa, tại sao chúng ta không cứ trồng lúa mặc dầu người Việt Nam Cộng sản cứ nhất định ăn cơm còn cái gọi là “bạn đồng minh Mỹ” không chịu ăn cơm? Vì điều độc nhất đáng kể đối với chúng ta là toàn dân ta đều cần cơm mà sống, vốn cần cơm mà sống, sẽ còn cần cơm mà sống. Mỹ không ăn cơm thì đi chỗ khác chơi. Như Pháp cuối cùng cũng đã phải đi. Và hơn nữa nếu trồng lúa như vậy không phải chỉ là “như Cộng sản” mà còn là “làm lợi cho Cộng sản”, thì điều đó vẫn không phải là lý do để chúng ta thôi trồng lúa.

Đừng ai bảo tôi là từ lâu rồi những bài báo tôi viết như ngay cả bài báo hôm nay đây “đều được đài phát thanh Hà Nội và Mặt trận khai thác”. Chỉ có một điều đáng tôi quan tâm là đã viết hay chưa một giòng chữ nào khiến phải thẹn với tiền nhân mà ruột gan đã gắn liền vào đất nước này và để rồi một tháng sau, một năm sau, mười năm sau không còn dám đọc lại trước mặt anh em, bạn bè, đồng bào của mình.

Tựu trung nếu vì cùng một giòng máu cha ông để lại trong huyết quản, cùng một ngôn ngữ ở đầu môi, nếu vì giá sống, vì rau muống, vì cơm nóng canh sốt mà người Việt không Cộng sản lại “như” người Việt Cộng sản hay người Việt Cộng sản lại “như” người Việt không Cộng sản thì đó chẳng những không phải là điều bất hạnh mà lại là cơ may cuối cùng cho tất cả.

“Hòa bình công chính và trường cửu” trong cái nghĩa tương đối mà không lừa bịp của mấy chữ ấy là ở giá sống, rau muống luộc, cơm nóng canh sốt đó. Chính nghĩa cũng chỉ có thể sặc mùi vị giá sống, rau luộc, cơm nóng canh sốt đó mà thôi.

Nguyễn Ngọc Lan (Báo Tin Sáng số 733, 27.8.71)

26.2.2007
T.B.Đ

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ