Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

" giới thiệu tác phẩm mới : SÁI GÒN NHẬT KÝ CÁCH LY / Trần Thanh Bình ( tphcm) -- trích: Blog Lê Thiếu Nhơn (tphcm)

 

Nhận diện Covid-19 ở Sài Gòn qua những trang nhật ký cách ly



Sài Gòn nhật ký cách ly là cuốn sách vừa ra mắt của nhà báo Trần Thanh Bình có thể giúp độc giả nhận diện Covid-19 một cách sẻ chia và rõ ràng.

“Sài Gòn nhật ký cách ly” dày hơn 300 trang, vừa được Nhà xuất bản Lao Động và Chibooks phát hành. “Sài Gòn nhật ký cách ly” được ghi chép tỉ mỉ và cụ thể, từ ngày 30/5/2021 khi lệnh giãn cách được áp dụng cho quận đầu tiên của TP.HCM là Gò Vấp, cho đến ngày 3/10/2021 khi đô thị phương Nam gỡ bỏ hết những hàng rào phong tỏa.

“Sài Gòn nhật ký cách ly” được nhìn bằng ánh mắt một người trong cuộc, vừa có sự quan sát của nhà báo vừa có sự ưu tư của công dân. Cho nên, mỗi trang “Sài Gòn nhật ký cách ly” đều giúp độc giả nhận diện Covid-19 thật chi tiết và thật rõ ràng.

Nhà báo Trần Thanh Bình năm nay 57 tuổi, đang công tác tại báo Thanh Niên. Thói quen nghề nghiệp đã thúc giục ông viết lại từng dữ liệu, từng sự kiện như một chứng nhân lặng lẽ.

Nhà báo Trần Thanh Bình thổ lộ về cuộc chiến cam go với Covid-19 mà mình dự phần suốt 4 tháng căng thẳng: “Sài Gòn, những ngày qua, nằm trong một vòng xoáy khốc liệt và xót xa. Tôi, cũng như mọi người sống ở thành phố này, đêm đêm ngồi trong căn nhà của mình đếm số người nhiễm bệnh, bất lực trước cảnh bao số phận không níu được hơi thở giữa cuộc đời. Ngày ngày nhìn ra bậc thềm hong nắng, đếm những sớm chiều qua. Đủ thứ cung bậc cảm xúc ùa đến trong cơ thể chứa đựng sự hữu hạn của kiếp người, chỉ chực bung nổ.

Trong tình cảnh ấy, tôi lẫn vào đồng bào tôi. Và tôi ghi chép lại bất cứ điều gì mình đã trải: một bữa ăn tạm bợ hằng ngày, một chiêm nghiệm suy nghĩ, một nỗi đau ghìm nén, một thương xót vô biên. Tất cả, để nhủ, mình và người khác hãy cố sống an yên, vì chẳng còn cách nào khác hơn được nữa!”.

Sống trong tâm dịch, hoang mang đấy, khắc khoải đấy, nhưng tác giả “Sài Gòn nhật ký cách ly” chưa bao giờ tuyệt vọng về ý chí sinh tồn của mỗi người Việt Nam: “Bây giờ, vẫn thành phố này, nhưng những con hẻm im lìm. Mọi ngôi nhà đều khép cửa, chỉ thoảng thấy bóng người lấp ló sau cánh cổng nhìn ra. Con ngựa sắt của tôi lặng nằm bên góc nhà. Nhìn số ki lô mét là thấy nó đã ngược xuôi ít nhất hơn hai trăm ngàn cây số trong từng ấy năm. Bao ngày qua, đồng hồ đo quãng đường bất động! Nhưng tôi tin Sài Gòn rồi sẽ đi qua những ngày ảm đạm. Hàng trăm con hẻm, tòa nhà rồi sẽ được gỡ bỏ những rào chắn vô tri ngăn lối ra, để những mạch máu âm thầm trào lên như trước”.

“Sài Gòn nhật ký cách ly” không chỉ được thể hiện bằng văn xuôi, mà đôi khi còn cồn cào bật ra thành những câu thơ. Ngày 14/8/2021, tác giả u uẩn viết: “Thu chợt sang tím một màu chia biệt/ Gọi tên nhau ngày giãn cách quá dài”. Ngày 3/10/2021, tác giả lạc quan viết: “Sài Gòn nghiến răng dành dụm yêu thương/ Cho mấy đứa nhỏ mồ côi hôm qua vừa mất cha mất mẹ/ Chắt chiu một hai đồng cháo rau hơn trăm ngày có lẻ/ Gửi trao tận cùng âu yếm những người dưng”.

Cuốn sách “Sài Gòn nhật ký cách ly” xuất hiện đầu năm 2022, thì Việt Nam vẫn còn đang vất vả đương đầu với Covid-19. Vì vậy, “Sài Gòn nhật ký cách ly” mang thông điệp chia sẻ gần gũi và ân cần. Chắc chắn, dù Nghị định 128 đã đưa ra phương pháp linh hoạt hơn để phòng chống dịch, nhưng nhiều nơi và nhiều người cũng sẽ có trải nghiệm tương tự nhà báo Trần Thanh Bình.

Khép lại “Sài Gòn nhật ký cách ly”, điều khiến độc giả xúc động nhất là sự chân thành của tác giả. Nhà báo Trần Thanh Bình nói về những người Việt Nam đã tử vong vì Covid-19: “Tôi chỉ còn biết với đôi dòng chắp nhặt này, xin cúi đầu bái tạ những vong linh kém may mắn ấy, với một tâm thức cố nhiên phải tự an ủi: Biết đâu, họ đang nhường chỗ trên mặt đất này cho những sinh linh nối tiếp ra đời.

Xin cảm ơn mọi điều vì đã cho mình đi qua kiếp nạn. Nhưng mạch máu chảy trong huyết quản sẽ nhắc nhủ tôi từng phút từng giây về một đoạn đời nhuốm lắm đau thương. Xin tạ lỗi vì tôi đã được sống!”.

                                             TUY HÒA


nguồn:  Blog Lê Thiếu Nhơn ( tphcm)


-----------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ