đọc thêm (3) : " bàn về cuốn TRỊNH CÔNG SƠN - VẾT CHÂN DÃ TRÀNG '/ Vũ Ngọc Tiến ( Hà Nội ) -- nguồn: www.vanchuongvietviet.org>
Phê bình | |
Bàn về cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” của Ban MaiVũ Ngọc Tiến | |
(Nxb Lao Động- TT Văn hóa Đông Tây 2008)
Tin UBND tỉnh Bình Định ngày 13/8/2009 ra quyết định cấm lưu hành cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” của Ban Mai làm sửng sốt giới văn học nghệ thuật cả nước về một văn bản trái luật và ngạo mạn kiểu “phép vua thua lệ làng”! Trái luật bởi ấn phẩm ra đời đúng theo trình tự của Luật Xuất bản, còn nội dung trình bầy kết quả nghiên cứu về một nhạc sĩ thiên tài, danh nhân văn hóa được cả nước mến mộ, thế giới ghi nhận. Ngạo mạn bởi Nxb Lao Động thuộc Trung ương quản lý, nội dung ấn phẩm là luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ, được Hội đồng các GS, PGS thẩm định kỹ càng, mấy ông quan chức hàng tỉnh sao không nhớ câu ngạn ngữ “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”? Lại có luồng dư luận coi lệnh cấm chỉ như ném vào hư không, bắt gió đuổi mây bởi sách đã in, nộp lưu chiểu Quý IV/2008, phát hành rộng rãi trên cả nước thì một tỉnh lẻ miền Trung làm sao thu hồi? Lệnh cấm sách sao dường như không nhằm vào sách mà nhằm vào người viết sách, trong bối cảnh nội bộ Hội VHNT Bình Định tổ chức đang nát như tương, nhân tình rối như canh hẹ trước kỳ đại hội?...Song dư luận vẫn chỉ là dư luận. Lời nói gió bay. Ta hãy thử tìm hiểu trong cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” tác giả Ban Mai viết gì?
Lướt qua cuốn sách
Cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” của tác giả Ban Mai, (tên thật Nguyễn Thị Thanh Thúy), Thạc sĩ, giảng viên ĐH Quy Nhơn. Sách do Nxb Lao Động phối hợp với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông- Tây ấn hành theo Quyết định xuất bản số523- QĐLK/LĐ ngày 22/8/2008 và giấy XNĐKKHXB/CXB số 38-133/LĐ ngày 22/8/2008. Sách in xong nộp lưu chiểu vào Quý IV/2008. Bìa trình bày của họa sĩ Văn Sáng khá đẹp trong sự giản dị, tao nhã. Hai mảng màu tương phản, bố cục chữ và những nét vẽ chấm phá minh họa khơi gợi cho ta cảm nhận về chiều sâu văn hóa, triết lý vô thường của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh. Ở trang lót bìa cuối sách chỉ ghi mấy lời giới thiệu rất vắn tắt của Nxb Lao Động:
“Tác giả tập chuyên luận Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng tái hiện cuộc hành trình làm người và thế giới nghệ thuật của Trịnh Công Sơn, qua những phân tích, soi chiếu vào hệ thống ca từ của ông, giúp người đọc có được cái nhìn khách quan, thấu đáo hơn về Nhạc Trịnh, một hiện tượng văn hóa Việt Nam hiện đại…”
Sách dày 472 trang, chia hai phần chuyên luận và phụ lục. Phần chuyên luận, Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng ngắn gọn (trang 17- 142) gồm các chương: Quá trình nghiên cứu- TCS tiếng hát dã tràng- Vết chân dã tràng ngàn năm in dấu- TCS và chiến tranh Việt Nam- TCS người tình cuộc sống- TCS người ca thơ- Kết luận và tài liệu tham khảo. Theo lời giới thiệu của GS Nguyễn Đình Chú (ĐH Sư phạm Hà Nội) ở đầu sách, phần này vốn là luận văn tốt nghiệp cao học của tác giả, với tên đề tài được Ban Mai chọn là “Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn”. Ông nhận xét: “Đây là vấn đề cốt lõi trong nội dung ca từ của Nhạc Trịnh. Do đó, nhiều bậc thầy, bậc đàn anh đi trước đã nói tới và nói đến nhiều điều rất hay, nhưng chưa có điều kiện nói hết. Ban Mai với yêu cầu một luận văn Thạc sĩ dĩ nhiên trên cơ sở tiếp thu thành quả của người đi trước, phải có sự phát triển, nâng cao bằng những phương pháp khoa học khác nữa mà kết quả đã được ghi nhận.” Ở phần phụ lục (trang 143- 471) bao gồm: Danh mục các tập nhạc TCS, danh mục các ca khúc TCS và đặc biệt là nội dung ca từ của 242 ca khúc do tác giả Ban Mai dày công sưu tầm, chỉnh lý và lựa chọn đưa vào sách. Đây là kết quả của quá trình lao động kiên trì, cực nhọc, say sưa, nghiêm cẩn của chị cần được tôn vinh bởi lâu nay, người yêu Nhạc Trịnh không mấy ai có cơ hội tiếp cận đầy đủ gia tài đồ sộ của người nhạc sĩ tài hoa đã quá cố. Tôi đọc lướt qua 242 ca khúc được chị chỉnh lý, công bố nội dung ca từ chợt có nhận xét, dường như chị đã thanh lọc bớt đi nhiều ca khúc có ca từ “nhậy cảm” chăng? Không nói đến con số 300, 500 hay 800 ca khúc theo lời đồn đại của công chúng, nhưng tại thời điểm ra sách, Ban Mai biết rất rõ 288 ca khúc được ông Phạm Văn Đỉnh (người Việt tại Pháp) công bố trên mạng Internet.
Và những cảm nhận của một người yêu Nhạc Trịnh Tôi đọc cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” lần đầu vào dịp tết Kỷ Sửu. Ngày xuân, sau giờ khai bút, được đọc cuốn sách nghiên cứu có văn phong mềm mại, lời văn khúc triết, kiến giải tường minh của một cây bút nữ cũng thấy nhẹ lòng, đọng lại trong tôi ít nhiều ấn tượng đẹp về tác giả Ban Mai. Nay nghe tin sách bị cấm lưu hành, có cái gì thôi thúc tôi đọc kỹ lại phần chuyên luận (trang 17- 142) trong sách của chị.
Công bằng mà nói, Ban Mai đã chọn một đề tài khó cho luận văn thạc sĩ của mình, bởi đối tượng nghiên cứu là Trịnh Công Sơn thân phận khá phức tạp, lại quá nổi tiếng, được nhiều người suy tôn là nhạc sĩ viết tình ca hay nhất thế kỷ XX của Việt
Đi sâu vào nội dung chuyên luận, ngoại trừ chương I, Quá trình nghiên cứu là yêu cầu bắt buộc của luận văn Thạc sĩ, các chương còn lại đều có dấu ấn riêng về sự đóng góp của tác giả ở mức độ khác nhau, với tư cách nhà nghiên cứu ca từ Nhạc Trịnh. Theo thiển nghĩ của tôi, có 3 chương không có nhiều khám phá, phát hiện mới lạ về Nhạc Trịnh là: Chương II, TCS- Tiếng hát dã tràng (trang 28- 41), lược thuật quá trình làm người, hành trình sáng tạo đan quyện vào nhau trong con người nghệ sĩ họ Trịnh. Chương III, Vết chân dã tràng ngàn năm in dấu (trang 42- 51), nói về sức lan tỏa và ảnh hưởng của Nhạc Trịnh trong cộng đồng trước và sau năm 1975; dù khác nhau tuổi tác, học vấn, vị thế xã hội hay đối lập nhau về chủ thuyết, khuynh hướng chính trị thì người nghe vẫn yêu Nhạc Trịnh theo cách cảm của riêng mình. Chương V, TCS- người tình của cuộc sống (trang 69- 98), nói về biên độ rộng lớn của tình yêu, sự dấn thân và triết lý vô thường trong ca từ Nhạc Trịnh. Nhìn chung, đóng góp của tác giả Ban Mai trong 3 chương nói trên chủ yếu là công phu sưu tầm nhân chứng và sự kiện lịch sử, sự hệ thống hóa và chắt lọc tinh hoa của những người viết trước. Nhờ đó, người đọc có được hiểu biết khá đầy đủ về con người Trịnh Công Sơn, cùng sự toàn mỹ về gia tài âm nhạc đồ sộ của ông. Nói như vậy không có nghĩa ở 3 chương này Ban Mai chỉ thụ động trong đánh giá Nhạc Trịnh. Khi so sánh văn bản Thơ Mới của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… với văn bản ca từ Trịnh Công Sơn, chị vẫn chủ động đưa ra nhận xét riêng, khá tinh tế, sâu sắc mà những người viết trước chưa đề cập đến: “ Tuy nhiên, ở đây ta thấy Thơ Mới luôn níu kéo thời gian, luôn muốn quay về quá khứ nên “chắn nẻo xuân sang”. Còn Trịnh Công Sơn cũng buồn, cũng tiếc nuối thời gian, nhưng ông hiểu đó là quy luật muôn đời của tạo hóa nên chấp nhận chứ không níu kéo, cùng hòa vào thiên nhiên để “chăn gió mưa sang”. Những ca khúc viết về thân phận con người của Trịnh Công Sơn trước sự sống cái chết và nỗi tàn phai cũng chỉ là đi tìm cái hữu hạn của kiếp sống. Sự hiện diện của mỗi số phận bắt buộc phải đi qua một khoảng thời gian nào đó, do định mệnh an bài và cái không gian vô định phải nhận diện. Theo nhà Phật, đó là nhân quả, là luân hồi, là sự sinh trưởng không ngơi nghỉ và biến hóa vô cùng để phát triển, tạo nên cái “nghiệp” cho số phận.” (trang 76). Song có lẽ những kiến giải độc lập, sáng tạo và phát hiện riêng mới của Ban Mai về Nhạc Trịnh nói chung, ca từ Nhạc Trịnh nói riêng nằm tập trung nhiều ở chương IV và chương VI.
Trước hết nói về chương VI, TCS- người ca thơ (trang 99- 133). Đây là cái lõi của chuyên luận, là hướng tiếp cận chủ đạo và mục tiêu vươn tới của tác giả Ban Mai nên ngòi bút của chị khá họat và sắc. Mở đầu chương VI, Ban Mai tóm lược hệ thống lý luận về ca từ khá tinh gọn, chịu ảnh hưởng nhiều của GS Dương Viết Á. Nhưng chị vẫn có phát kiến riêng mới về mối quan hệ giữa các thành tố: âm nhạc, ngôn ngữ, bài thơ, lời ca. Đó là mối quan hệ tương đồng, tương sinh, tương hỗ, song không thoát ly tính dị biệt giữa lời ca với bài thơ. Từ cơ sở lý thuyết này, tác giả soi dọi vào ca từ Trịnh Công Sơn, đưa ra nhiều kiến giải tường minh, lý thú.
Nửa thế kỷ qua, nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu đều thống nhất chung một nhận định rằng, ca từ Trịnh Công Sơn là những thi phẩm kiệt tác ông viểt ra để hát. Ngay cái tiêu đề của chương VI, Ban Mai cũng mượn lời của Văn Cao-cây đại thụ của âm nhạc VN thời tiền chiến: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ bởi ở Sơn , nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ.” Bởi thế, nhiều người công nhận ông là nhà thơ lớn, thậm chí là “Nguyễn Du của thế kỷ XX”. Song trước Ban Mai, chưa ai tổng hợp ca từ Trịnh Công Sơn theo các thể loại thơ: 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát và thơ tự do, ca dao, tục ngữ. (trang 107- 110). Vấn đề tưởng đơn giản, nhưng nó chứng minh nhà thơ viết nhạc họ Trịnh đã rất giỏi chọn thể loại thơ cho từng ca khúc phù hợp với chủ đề, đối tượng mà ông phản ánh sao cho nhuần nhuyễn âm luật nhất. Phát kiến thứ hai về sự lạ hóa ca từ, tuy trước đó đã có nhiều người bàn tới (Bửu Ý, Bùi Vĩnh Phúc…), nhưng chị là người trình bày kỹ, đầy đủ nhất về cách cắt chữ cuối câu, thêm chữ thuần Việt vào sau động từ, danh từ và ( trang 117- 125) đặc biệt là phần trình bầy phương pháp Điệp. Ban Mai đã đưa ra dẫn chứng đầy thuyết phục các thủ pháp điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ vòng tròn, điệp câu với tần số đậm đặc trong 2 bài “Cát bụi” và “Bống ơi” (trang 114- 115), khiến tôi không khỏi cúi rạp mình trước thiên tài thơ và âm nhạc Trịnh Công Sơn. Có thể nói hai phát kiến của tác giả Ban Mai giúp ta hiểu sâu hơn về “thương hiệu” Nhạc Trịnh lừng lững trong bầu trời âm nhạc Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, dù trước chị mọi người đã nghĩ hoặc nói đến, nhưng không trọn vẹn.
Chương IV, TCS và chiến tranh Việt
Lời kết
Gấp cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” của Ban Mai lại, tôi trộm nghĩ, tác giả có thể có vài thiếu sót về học thuật, bạn đọc sẽ công tâm đánh giá, nhưng toàn bộ tác phẩm là khách quan, trung thực, ít nhiều có đóng góp cho nền học thuật nước nhà. Có thể người ra quyết định cấm lưu hành chưa chắc đã đọc hoặc chỉ đọc lướt qua. Tôi ngờ rằng có ai đó trong giới văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định đã ác ý thổi phồng mặt nhậy cảm của chương IV mà tham mưu cho “Sếp” lớn trên tỉnh chăng? Hy vọng công luận và các cơ quan hữu trách ở Trung ương sẽ trả lại sự công bằng cho tác giả- tác phẩm…
Hà Nội 16/8.2009 | |
Vũ Ngọc Tiến | |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ