đọ c thêm (2) : " CUNG TÍCH BIỀN ra mắt tân truyện ' Một Thời Nên Vắng Mặt ' "/ Phan Tấn Hải & Vương Trùng Dương -- source: Việt Báo ( Mỹ )
59 SA
Cung Tích Biền Ra Mắt Tân Truyện Một Thời Nên Vắng Mặt
Cung Tích Biền ra mắt tân truyện
Một Thời Nên Vắng Mặt
Bản tin: Phan Tấn Hải
Hình: Vương Trùng Dương & PTH
Có phải bây giờ là một thời nên vắng mặt? Khoan, làm ơn, chưa nên vắng mặt bây giờ. Phải chăng đó là lý do nhà văn Cung Tích Biền ấn hành tác phẩm mới, thể loại tân truyện, nhan đề “Một Thời Nên Vắng Mặt” – và rồi ra mắt sách vào chiều Thứ Năm 9/12/2021 tại quán cà phê Coffee Factory ở Quận Cam.
Khởi đầu chương trình là nhà phê bình văn học Tô Đăng Khoa giữ vai trò MC. Và người đầu tiên được mời lên nói chuyện là nhà văn Phạm Xuân Đài (Phạm Phú Minh). Lý do, hai nhà văn này biết nhau từ thuở rất xa xưa, không chỉ là đồng hương Quảng Nam, nhưng thân phụ của Phạm Xuân Đài là thầy giáo của Cung Tích Biền từ thời thơ trẻ. Nhà văn Phạm Xuân Đài học ở trường công lập Trần Quý Cáp, trong khi Cung Tích Biền học ở trường tư có tên là Diên Hồng. Thân phụ của nhà văn họ Phạm dạy ở Diên Hồng, và ông cụ kể lại rằng Cung Tích Biền lộ tài văn chương từ thời học trò, nghĩa là rất sớm. Giữa Phạm Xuân Đài và Cung Tích Biền có một tình thân từ đó, vì nhà văn CTB xem thân phụ của họ Phạm như là một ông bố tinh thần. Phạm Xuân Đài kể rằng trong thập niên 1960s, Cung Tích Biền đã nổi tiếng, viết nhiều truyện dài cho các nhật báo hàng ngày. Sau 1975 thì Cung Tích Biền không viết gì nữa, tới gần đây mới viết trở lại.
Cung Tích Biền và phu nhân Hoàng Thị Kim
Từ phải: Cung Tích Biền, Nina Hòa Bình, Hoàng Thị Kim, Trịnh Y Thư, Nguyễn Đình Thuần.
Nhà báo Vương Trùng Dương kể về những kỷ niệm, cũng rất là xa xưa, cũng là đồng hương Quảng Nam. Nhà báo Vương Trùng Dương cho biết Cung Tích Biền ưa thích được gọi là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử hơn là những danh hiệu ngoài đời, rồi kể lại chuyện nhiều thập niên trước, như Vương Trùng Dương đã từng viết trên báo:
“Cách đây gần nửa thế kỷ, nhân dịp Lễ Vu Lan, anh Cung Tích Biền và chị tôi cùng các huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử tổ chức sinh hoạt văn nghệ. Hình ảnh vũ khúc Lên Chùa Dâng Hoa do anh sáng tác rất tuyệt vời, phần đầu với ca khúc Lên Chùa Dâng Hoa, phiên khúc anh lồng vào dòng nhạc mở đầu ca khúc bán cổ điển Sérénata của Enrico Toselli. Anh đàn mandoline rất hay, tôi mê vũ khúc và tiếng đàn; từ đó, chị tôi khuyến khích cố gắng tập luyện sẽ trở thành Trần Ngọc Thao thứ hai. Anh và tôi, cùng họ và chữ lót, cùng quê (Thăng Bình, quê ngoại của tôi) vì vậy, sau nầy, nhiều người hỏi tôi có họ hàng gì với Cung Tích Biền. Anh là huynh trưởng, bạn của người chị thứ sáu tôi, không họ hàng gì cả, và, tôi được biết anh trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ đó…”
Từ trái: Phạm Phú Minh, Vương Trùng Dương, Tô Đăng Khoa.
Cung Tích Biền và tác phẩm.
Tiếp theo, Cung Tích Biền lên nói chuyện, về phong tục ra mắt sách ở hải ngoại. Đặc biệt, nhà văn Cung Tích Biền mời phu nhân Hoàng Thị Kim lên để cảm ơn vì người vợ không chỉ là bạn đời, mà còn là một trong những nguồn cảm hứng để sáng tác.
Trong các văn nghệ sĩ tới dự buổi ra mắt sách, nhận thấy có: Trịnh Y Thư, Tô Đăng Khoa, Lê Lạc Giao, Thuận Huỳnh, Trương Đình Uyên, Nguyễn Đình Trí, Phùng Minh Tiến, Vũ Hoàng Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh, Thanh Lương, Thu Vàng, Thân Trọng Mẫn, Trịnh Thanh Thủy, Đặng Thơ Thơ, Hồ Như, Nguyễn Đình Thuần, Đặng Phú Phong, Lê Giang Trần, Cao Bá Minh, Nina Hòa Bình, Nguyễn Thanh Huy, Phạm Phú Minh, Thành Tôn, anh chị Mai Tất Đắc, Vương Trùng Dương, Lê Phước Bốn, Đinh Quang Anh Thái, Đinh Xuân Quân…
Trong tác phẩm “Một Thời Nên Vắng Mặt“ có các lời Bạt từ: Nguyễn Vy Khanh – Đặng Thơ Thơ – Lê Hữu. Tranh bìa: Hoàng Thị Kim. Thiết kế bìa: Hubert Phan.
Nơi trang bìa sau của tân truyện “Một Thời Nên Vắng Mặt” có trích lời nhận định của Đặng Thơ Thơ và Lê Hữu.
Từ phải: Cung Tích Biền, Trịnh Thanh Thủy, Hoàng Thị Kim
Từ phải: Cung Tích Biền, Phạm Xuân Đài, Phùng Minh Tiến, Nguyễn Thanh Huy, Bùi Hồng Sĩ
Trích từ bìa sau, với Đặng Thơ Thơ:
“Cung Tích Biền là nhà văn của lương tri, bởi mọi truyện ông viết đều đưa ra những chất vấn về bản chất của một nền đạo lý nhân bản. Nhà văn bằng ngôn ngữ vi diệu và huyền áo đã tạo dựng nên một không gian nghệ thuật đặc thù phong cách của riêng ông. Và ông dùng không gian nghệ thuật ấy để đối thoại với quá khứ, một quá khứ được soi lại qua những tra vấn để trở thành công án cho ngày hôm nay.”
Từ trá: Thân Trọng Mẫn, Thu Vàng, Vũ Hoàng Thư, Lê Lạc Giao, Tô Đăng Khoa.
Trích từ bìa sau, với Lê Hữu:
“Văn là người, tác giả Một Thời Nên Vắng Mặt, ngoài đời, thoạt trông cũng khoác một vẻ ngoài lành lạnh, thường là vẻ mặt trầm tư kém vui, như nỗi buồn nào còn vướng vất, bóng ma nào của quá khứ vẫn còn ám ảnh, thương tích nào của “một thời” vẫn chưa lành lặn. Ít ai ngờ rằng, sau vẻ mặt lặng yên, bình thản của giông bão đã lắng chìm ấy là trái tim nóng ấm và giàu cảm xúc.
“Ông như người ngồi lại bên cầu soi bóng mình, nhìn lại đời mình, nhìn lại những bến bờ mây nước chập chùng mới hay mình đã đi suốt cuộc hành trình dài dằng dặc, đã đi qua những chặng đường dài hun hút… Văn chương Cung Tích Biền như tiếng nói của lương tri kẻ sĩ, vốn là “hàng hiếm” trong thời buổi này.”
Sách đã có bán trên BARNES & NOBLE. Ấn phí: US$20.00.
Có thể vào trang: https://www.barnesandnoble.com/
Rồi gõ chữ "cung tich bien" sẽ ra các tác phẩm của Cung Tích Biền.
=============
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 14:07 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ