(Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Quang Dũng 1921- 2021)
Trần Hoài Anh – Thiện Mỹ
1. Mở
Không phải ngẫu nhiên, khi luận bàn về văn học Việt Nam những năm kháng chiến chống Pháp, Huỳnh Hữu Ủy, một cây bút phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, trong tiểu luận “Thi ca trước tình cảnh cực đoan”, (Ý Thức số 11 ra ngày 15/3/1971) đã xác quyết: “Thi ca của giai đoạn kháng chiến đã đóng góp một phần rất lớn trong việc cổ xúy một cuộc đấu tranh trường kỳ. Nền thi ca ấy đã hoàn thành sứ mệnh cao đẹp của nó, đã để lại cho chúng ta những viên hồng ngọc quí giá như minh chứng của một phần hồn thiêng dũng cảm phi thường của dân tộc, một dân tộc của những người không khuất chí, luôn sẵn sàng đứng dậy, trước bất cứ hoàn cảnh và chông gai nào. Từ bao lâu, qua bao thiên niên kỷ, tiếng nói dân tộc ta vốn vẫn là một đóa hoa nở ra trên sa mạc, trên đá sỏi, bằng chính mồ hôi và máu đào. Đời sống dân tộc ta vốn đã là một trường thi hùng dũng, thơ mộng và trữ tình và Trường thi ấy vẫn đang còn được viết tiếp bởi những hệ đời ngày nay. Thi ca, nói rộng hơn là nghệ thuật là một đóng góp lớn trong việc làm đẹp và mở cửa đời sống” (1). Vì thế, nhìn vào đời sống văn học miền Nam trước 1975, trong tâm thức người đọc và giới phê bình văn học, bên cạnh các nhà thơ tiền chiến: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh… thi phẩm của các nhà thơ kháng chiến chống Pháp: Quang Dũng, Hữu Loan, Chính Hữu, Hoàng Cầm, Yên Thao… cũng được quan tâm tìm hiểu, tiếp nhận với tất cả sự ưu ái và ngưỡng mộ, dù họ là những nhà thơ đang sống ở “bên kia giới tuyến”. Không những thế, một số thi phẩm của các nhà thơ thời kháng Pháp còn được những nhạc sĩ tài danh phổ nhạc, phát trên sóng của đài phát thanh, truyền hình, được hát trong các cuộc sinh hoạt văn nghệ mà cho đến nay dấu ấn của nó vẫn còn hằn sâu trong tâm thức và hoài niệm của biết bao người đã sống trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ, nhất là giới học sinh, sinh viên, và tầng lớp trí thức. Đó là các bài thơ: Màu Tím hoa sim của Hữu Loan do Phạm Duy và Dzũng Chinh phổ nhạc thành bài hát Áo anh sứt chỉ đường tà và Những đồi hoa sim; Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng do Phạm Đình Chương phổ nhạc; Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông do Văn Phụng phổ nhạc thành bài hát: Các anh đi; Nhà Tôi của Yên Thao do Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát: Chuyện giàn thiên lý… Vì thế, không phải ngẫu nhiên, Văn học, một tạp chí nghiên cứu, phê bình, sáng tác khá uy tín trong văn học ở miền Nam trước 1975 đã dành hai số 125/ 1971 và 140/1971 và nhiều công trình lý luận, phê bình khác đã nghiên cứu về thơ Quang Dũng, một hiện tượng độc đáo trong trường tiếp nhận của phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975.
2. Thơ Quang Dũng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam
Như đã nói ở trên, trong thơ ca kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng là một hiện tượng thơ độc đáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong trường tiếp nhận của độc giả ở miền Nam trước 1975. Đặc biệt, từ thập niên Sáu mươi của thế kỷ XX, khi bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc và lưu truyền trong đời sống âm nhạc miền Nam, thì thơ Quang Dũng, trong đó có Đôi mắt người Sơn Tây đã trở thành môt tượng đài nghệ thuật trong tâm thức người tiếp nhận ở miền Nam như một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh.
Quang Dũng sinh ngày 11-10-1921 và rời xa cõi tạm ngày 13-10-1988. Là thi sĩ tài năng, nên quanh ông luôn được thêu dệt bằng những giai thoại, thậm chí những huyền thoại. Vì thế, Văn học số 125 ra ngày 11/4/1971 đã nói đến một nghi án văn chương với những “bí mật” về thân thế Quang Dũng. Bởi, theo Ban biên tập tạp chí: “Từ trước đến nay trong thi đàn Việt Nam, mỗi khi nhắc đến những bài thơ kháng chiến cách mạng, người ta chỉ biết Trần Quang Dũng là một trong những nhà thơ kháng chiến được giới trẻ say mê, nhưng nếu tìm hiểu thực con người Trần Quang Dũng thì ít ai biết rõ Trần Quang Dũng từ nhỏ ra sao? Và nguyên bản những bài thơ của Quang Dũng sáng tác thế nào?” (2). Vì vậy, ở hai số chuyên đề về Quang Dũng, Ban biên tập đã đăng một số bài viết về Quang Dũng như một chất men xúc tác cho những khám phá và tranh luận về hiện tượng thơ Quang Dũng trong đời sống phê bình văn học ở miền Nam lúc bấy giờ. Đó là các bài viết ở Văn học số 125 ra ngày 1/4/1971 của Vũ Bằng “Trần Quang Dũng: Con trai của Tản Đà?”; Phan Khanh “Những sai lầm đáng trách trong việc sao lục thơ Quang Dũng”; Thiên Tướng “Sôi nổi chung quanh một bài thơ”…; Và Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971 của Lê Hoài Tân: “Ngọc và Quang Dũng”; Phan Lạc Tiếp “Quang Dũng và miền đất nhớ”; Vũ Bằng “Tất cả sự thật về nhà thơ Trần Quang Dũng”; Hoàng Hải Thủy “Đôi mắt người Sơn Tây”; Uyên Phương “Hiệu đính về một sai lầm tai hại gán cho nhà thơ Quang Dũng bài thơ Kẻ ở”; Trần Văn Nam “Từ giấc mơ Tây Tiến đến giấc mơ hòa bình” và “Nhược điểm kỹ thuật trong một bài thơ của Quang Dũng”…
Như vậy, cái “nghi án” mà Văn học số 125 ra ngày 1/4/1971 đặt vấn đề về những bí mật xung quanh thân thế và văn nghiệp Quang Dũng chỉ là một cách “thăm dò” dư luận về sự quan tâm của độc giả với một nhà thơ đa tài mà họ yêu mến. Và, những nghi vấn nầy trong một chừng mực nào đó cũng được tường minh qua bài viết của Phan Kim Thịnh, “Một quả bóng đã nổ: Bùi Đình Diệm là tên thật của nhà thơ kháng chiến Quang Dũng” (Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971) trên cơ sở tư liệu từ gia đình, bạn bè và các nhà nghiên cứu thơ Quang Dũng đang sống tại Sài Gòn lúc bấy giờ cung cấp. Ngoài các bài viết mang tính chuyên đề về Thơ Quang Dũng trên Văn học số 125 và 140/1971, còn có các bài viết khác về thơ Quang Dũng cũng xuất hiện trong đời sống phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Đó là các bài viết: “Thi ca trước tình cảnh cực đoan” của Huỳnh Hữu Ủy bàn về thơ kháng chiến chống Pháp trong đó có thơ Quang Dũng, (Ý thức số 11 ra ngày 15/3/1971); Hoàng Thu Đông: “Quang Dũng thi sĩ lãng mạn và cách mạng”, (Nguyệt San Nhân Văn phát hành số 15 tháng 7/1972); Tam ích, “Ngôn ngữ và ý trong thơ Trần Quang Dũng” (Nhân Văn số 12/5/1972) Và một số công trình phê bình văn học viết về thơ ca kháng chiến chống Pháp, trong đó có nghiên cứu về thơ Quang Dũng như: Thế Phong với Lược sử văn nghệ Việt Nam, (Đại Nam Văn hiến, Xb.,1965); Trần Tuấn Kiệt, Thi ca hiện đại (1880 – 1965) tập 2, (Khai Trí Xb., 1967); Uyên Thao với Thơ Việt hiện đại 1900 -1960, (Hồng Lĩnh xuất bản., 1969); Huy Trâm với Những hàng châu ngọc trong thơ ca hiện đại (1933 -1963) (Nxb. Sáng,1969); Cao Thế Dung với Văn học hiện đại - Thi ca và thi nhân (Quần Chúng xuất bản., 1969); Lam Giang – Vũ Tiến Phúc với Hồn thơ nước Việt, (Sơn Quang Xb.,1970…Những bài viết nầy là căn tố tạo nên trường tiếp nhận về thơ Quang Dũng của phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975.
3. Thơ Quang Dũng với những tồn nghi qua việc tiếp nhận văn bản thơ
Quang Dũng không chỉ là thi sĩ mà còn là một nghệ sĩ, trong ông luôn ẩn chứa chất tài tử. Ông đi nhiều, viết bất cứ lúc nào, ở đâu, tùy hứng và cũng không quan tâm đến lưu giữ văn bản. Hơn nữa, thơ Quang Dũng trong kháng chiến thuộc loại “lệch chuẩn”, nằm ở “ngoại vi” nên không được đăng tải nhiều trên sách, báo chính thống như các nhà thơ cùng thời, chủ yếu được chia sẻ “bằng miệng” hoặc “chép tay” từ người này đến người khác nên không tránh khỏi “vấn nạn” tam sao thất bản. Theo Phan Khanh trong bài “Những sai lầm đáng trách trong việc sao lục thơ Quang Dũng” (Văn học số125/1971), thơ Quang Dũng chủ yếu được “phổ biến bằng cách truyền khẩu mà thôi chứ không phải được đăng tải trên báo chí, trừ một đôi bài như bài thơ Nhớ Tây Tiến (đăng tạp chí Văn nghệ năm 1948 nhưng cũng bị cúp bớt một vài đoạn). Còn phần lớn thơ của ông đều được các giới thích thơ sao lục rồi xếp dưới đáy ba lô, hay nhập tâm để nhâm nha cho cuộc đời đỡ khô khan trong kháng chiến gian khổ”(3).
Trong kháng chiến đã thế, khi di cư vào Nam năm 1954, thơ của Quang Dũng, trong thời gian đầu cũng chịu số phận “truyền miệng” và “sao chép” từ người nọ sang người kia nên “các bài thơ ấy đều sai lầm đến nổi thành ra vô nghĩa, khiến người chưa biết về Quang Dũng không thể đánh giá thơ văn của ông được. Có những sự sai lầm không thể tha thứ được mà nguyên nhân chỉ vì sự thiếu thận trọng của người sao lục” (4) và Phan Khanh đã minh chứng điều này qua bài viết “Trần Quang Dũng nhà thơ của cách mạng và kháng chiến” của Nguyễn Thanh Thy trên tập san Sinh Lực số 10 ấn hành tháng 10 năm 1959 mà theo ông, trong đó có 4 bài thơ “Tây Tiến, Quán Bên đường, Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng mà Nguyễn Thanh Thy sao lục đều phạm nhiều sai lạc. Nhất là bài “Đôi bờ” và bài “Đôi mắt người Sơn Tây” (5) rồi đem đối chứng văn bản hai bài thơ Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây của Nguyễn Thanh Thy sử dụng với văn bản của Trần Khắc để chỉ ra những điều sai lệch ở văn bản của Nguyễn Thanh Thy với mục đích: “không những chỉ làm một công việc chiều theo ý muốn của một số độc giả vốn quen thuộc với thơ Quang Dũng, để nêu ý kiến bổ khuyết những điểm sai lầm của một vài người vô tình mắc phải khi sao lục thơ ông (…) góp một ý kiến nhỏ mọn cho những ai sau này muốn sưu tầm hay nghiên cứu về thi ca trong thời gian ly loạn vừa qua”.(6)
Thiên tướng trong bài viết “Sôi nổi chung quanh một bài thơ” chia sẻ về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng mà theo ông đây là bài thơ gây cho mọi người nhiều tranh cãi trong quá trình tiếp nhận văn bản thơ. Những tranh luận đó có thể là một chữ “như chữ lá trong câu “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”, lại có khi là một câu như câu “heo hút cồn mây súng ngửi trời”, lại có người đưa câu ở đoạn trên xuống dưới đưa câu ở đoạn đưới lên trên như câu “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” và “Doanh trại bừng lên khúc nhạc ca” và ông lý giải hiện tượng này là “vì thơ Quang Dũng, ngay ở hậu phương chỉ là thơ truyền miệng chớ không có ấn bản chính” (7). Đồng thời, để lý giải việc “người ta đã nhớ Tây Tiến ra sao”, Thiên Tướng cho rằng: “Phải đợi đến khi về Hà Nội, nhất là đến khi vào miền Nam những sai biệt trong lời thơ Quang Dũng mới được các nhà văn thơ, báo chí đem ra thảo luận”(8). Sau đó, Thiên Tướng đưa văn bản bài Tây Tiến trong tác phẩm Lược sử văn nghệ Việt Nam của Thế Phong và bài Tây Tiến bản chép của Nguyễn Thanh Thy để đối sánh nhằm chỉ ra những sự khác biệt trong văn bản của bài thơ Tây Tiến giữa các bản này. Bên cạnh đó, Thiên Tướng cũng nêu ý kiến của những người bạn ông, vốn là lính Tây Tiến với Quang Dũng xung quanh một số câu chữ trong bài Tây Tiến. Chẳng hạn, bài thơ Tây Tiến không phải bắt đầu từ câu “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” như bản chép của Thế Phong mà là câu “Doanh trại bừng lên khúc nhạc ca” như bản chép của Nguyễn Thanh Thy (*) Hay câu “Mắt trừng gởi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội giáng kiều thơm” lại có bản chép “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều nhung.” Hoặc câu “Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Theo dòng nước lũ hoa đung đưa” nhưng có bản chép “Thuyền chao sóng nước hoa đung đưa”. Hay câu “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc/ Quân Xanh màu lá dữ oai hùng” nhưng có bản chép: “Da xanh màu lá dữ oai hùng”. Rồi Thiên Tướng kết luận theo cách tiếp nhận riêng của mình về thơ Quang Dũng khi cho rằng: “Chỉ có một bài thơ mà có bao nhiêu bản khác nhau, bao nhiêu mâu thuẫn, bao nhiêu ý kiến về một câu một chữ. Tất cả những cái đó chứng tỏ gì? Chứng tỏ là người ta yêu thơ Tây Tiến của Trần Quang Dũng đến mức nào”. (9)
----------
(*) - Nguyễn Thanh Thy , một bút danh khác của nhà văn, nhà báo Thanh Thương Hoàng ( hiện ở San José) -- nguyên Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam (Sài Gòn trước 1975). Tư liệu viết về Quang Dũng được Lê Khải Trạch ( nguyên đổng lý Bộ trưởng Thông tin Trần Chánh Thành ( 1955 ) ( bố vợ Nguyễn Thanh Thy kể lại) -- và Lê Khải Trạch từng là đàn anh thân thiết của nhà thơ Quang Dũng ở thời Kháng chiến 1945 ) .
- L.K.Tr trong bài viết Trần Hoài Anh, chính là Lê Khải Trạch. (Bt)
Trong trường tiếp nhận thơ Quang Dũng ở miền Nam 1954-1975, không chỉ thảo luận về văn bản tác phẩm thơ mà còn có các bài viết chia sẻ về bối cảnh ra đời những bài thơ của Quang Dũng . Đây là một vấn đề cần thiết trong việc tiếp nhận thơ ông giúp người đọc có sơ sở hiểu rõ hơn xuất xứ những bài thơ của Quang Dũng vốn vẫn còn “tồn nghi” qua nhiều lớp “sương khói” từ đời thơ của một thi sĩ “tài hoa” nhưng “bạc phận” như Quang Dũng. Vì vậy, Phan Lạc Tiếp trong bài viết “Quang Dũng và miền đất nhớ” đã đặt ra một vấn đề khá lý thú là tại sao vùng đất Ba Vì, Sơn Tây dù không phải là quê hương của Quang Dũng nhưng lại là những địa danh đi vào thơ Quang Dũng như một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh thể hiện ở các câu thơ trong bài Đôi Mắt người Sơn Tây: “Em từ thành Sơn chạy giặc về - Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm – Cách biệt bao lần quê Bất Bạt / Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì – Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn / về Núi Sài Sơn ngóng lúa vàng…”.(10 mà không phải là Đan Phượng Hà Đông quê hương của ông!? Lý giải vấn đề này, Phan Lạc Tiếp đã dựa vào yếu tố điạ văn hóa khi cho rằng sở dĩ có vấn đề trên “mặc dầu về hành chính Đan Phượng thuộc Hà Đông, nhưng nó nằm trên con đường đi về Sơn Tây. Nên ấn tượng Sơn Tây đã có sẵn trong lòng mọi người khởi hành từ Hà Nội. Hơn thế nữa, Đan Phượng mặc dầu thuộc Hà Đông nhưng lại giáp ranh với Sơn Tây (…) Đó là xét về yếu tố hành chánh và địa dư. Nhưng trên thực tế người dân Đan Phượng đã kể mình như người Sơn Tây. Vì ở đó mọi người như hít thở cái không khí từ Sơn Tây thổi về, đêm nằm nghe tiếng Sông Hồng cuồn cuộn chảy vào những mùa nước lũ, hoặc trong những đêm thanh vắng, nghe nước êm đềm chảy giữa những bãi nứa bên ven sông Đáy. Quang Dũng sinh ra và đã lớn lên ở đó, nên anh đã cảm xúc và mang hình ảnh của Sơn Tây vào trong tác phẩm của mình” (11). Khi tiếp nhận thơ Quang Dũng, Uyên Phương cũng nêu vấn đề có trường hợp cần được hiểu đúng, đó là sự gán ghép bài thơ “Kẻ ở” của một tác giả vô danh nào đó cho Quang Dũng!? Vấn đề này được làm rõ trong bài viết: “Hiệu đính về một sai lầm tai hại gán cho nhà thơ Quang Dũng bài thơ Kẻ ở” cùng với việc tòa soạn đã cho in văn bản bài thơ Kẻ ở với mấy dòng ghi cuối bài thơ với bút tích của Quang Dũng “Do Ng. đình Phúc bạn kháng chiến chép của một nhà thơ vô danh… Quang Dũng chép lại tặng Anh L.K.Tr.”.(12) Đây là một tư liệu quí giúp người đọc có sơ sở thẩm định khi tiếp nhận thơ Quang Dũng, về mặt văn bản, một phương diện rất quan trọng trong phân tích cảm thụ thơ. Vì vậy, không lạ gì, khi đọc thơ và các bài phẩm bình về thơ Quang Dũng trong phê bình văn học miền Nam trước 1975, nếu chúng ta gặp những trường hợp chú giải khác nhau về một câu thơ, đoạn thơ, bài thơ nào đó của Quang Dũng cũng là chuyện bình thường. Đây là điều lý thú, gợi mở cho các nhà ngữ học một hướng nghiên cứu về thơ Quang Dũng từ góc nhìn văn bản học. Phải chăng, đây cũng là một trong những căn tố dẫn đến sự cảm nhận đa chiều, đa dạng, trong trường tiếp nhận thơ Quang Dũng của phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975.
4. Thơ Quang Dũng và những cảm nhận, đa dạng, đa chiều…
Không chỉ là một nhà thơ, Quang Dũng còn là một người lính, một nghệ sĩ đa tài trên nhiều bình diện: hội họa, âm nhạc thậm chí là ca sĩ nếu ông đi theo con đường ca hát như nhạc sĩ tài danh Phạm Duy. Vì thế, khi nghĩ về Quang Dũng, trong Thi ca hiện đại (1880 – 1965), Trần Tuấn Kiệt cho rằng: “Quang Dũng ngoài làm thơ, làm tướng, ông còn viết văn, soạn nhạc thật xuất sắc”.(13) Còn khi cảm nhận về thơ Quang Dũng, Trần Tuấn Kiệt cho rằng: “Bản chất thơ ông chứa nhiều vị cay đắng và chua xót của con người thời loạn. (…) Điệu thơ lạ, đó là tiếng vọng của núi rừng tự biên cương nào dội đến ta trong một mùa khói lửa” (14). Và thơ Quang Dũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức của nhiều người không chỉ trong thời kháng chiến mà cả trong cuộc sống hằng thường. Thơ ông đã nằm trong đáy ba lô của những người lính, đã có mặt trong những sổ tay thơ, được lưu truyền bằng miệng qua bao thế hệ, nhất là ở những thời điểm mà thơ Quang Dũng không được in ấn, xuất bản, lưu hành. Tuy vậy, thơ Quang Dũng vẫn có con đường riêng để đến với tâm hồn người đọc và sống lâu bền với thời gian. Bởi, nói như Thế Phong trong Lược sử văn nghệ Việt Nam: “Trần Quang Dũng có màu sắc thơ riêng biệt, nhẹ nhàng hào hoa, bay bướm (…) Hình ảnh quê hương dưới gót chân nhà thơ Quang Dũng đã đi qua đều phản ánh trong thơ ông”(15) . Tình hoài hương và cảm xúc nhẹ nhàng sâu lắng trong thơ Quang Dũng cũng là điều mà Huy Trâm cảm nhận trong công trình nghiên cứu Những hàng châu ngọc trong thơ ca hiện đại (1933 -1963) khi ông cho rằng: “Thơ Quang Dũng ý đã nhiệt thành, cao đẹp, mà lời thơ lại êm ái, gợi cảm vô cùng. Nói về thơ nhẹ nhàng, êm dịu mà đọc tới đâu lâng lâng tưởng chết cả lòng đến đấy thì thi ca hiện đại chỉ có Quang Dũng” (16) . Và để lý giải đặc điểm này trong thơ Quang Dũng, Huy Trâm đã chỉ ra: “Sự thoáng nhẹ gợi cảm của thơ Quang Dũng bắt nguồn ở chỗ ông viết những cái đơn giản nhưng bằng tất cả tâm hồn. Những bài khác của ông cũng vậy, rất giản dị mà cảm động” (17) .
Thơ là tiếng nói đồng vọng của tâm hồn, là miền sâu thẳm của vô thức được dệt nên bởi trí tưởng tưởng của thi nhân, Thơ Quang Dũng là một sự kết tinh diệu kỳ của những phẩm tính này. Trong hành trình sáng tạo của mình, Quang Dũng làm thơ không nhiều nhưng lại tạo được một dấu ấn riêng với một phong cách thơ độc đáo không lẫn với ai. Đây có thể xem là một thành công của Quang Dũng thể hiện thi tài của ông. Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ và những bài thơ viết trong kháng chiến chống Pháp của ông luôn có sức sống bền lâu trong tâm thức người đọc và được các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 quan tâm khai phá, thụ cảm…
Đọc Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, Huy Trâm cho rằng đây là một chuỗi cảm xúc về tình yêu quê hương với những hoài niệm mà mỗi địa danh như Sài Sơn, Sông Đáy, Phủ Quốc, Bất Bạt, Ba Vì, Tây Phương… đã trở thành một miền ký ức chan chứa trong từng lời thơ. Vì vậy, khi bình câu thơ “Trời xanh không thấy bóng Ba Vì”, Huy Trâm cho rằng: “Quang Dũng đã đem cái màu núi xanh xẩm kia in ở cuối trời tím nhạt vào thơ để gợi nhớ những chiều quê hương, rồi bóng mây trắng lãng đãng trên một góc trời...” (18) và ông xác quyết: “Nhắc đến quê hương mà tả như vậy thực là độc nhất vô nhị”.(19) Như vậy, trong suy cảm của Huy Trâm: “Đôi mắt người Sơn Tây đem cho người đọc kể cả những người không quê hương, mất quê hương, hay từ chối quê hương một mối sầu bâng khuâng và một nỗi ngậm ngùi đôi khi cần thiết trong đời sống” (20) . Có thể nói tình yêu quê hương là một hằng số văn hóa mang tính phổ quát của những giá trị nhân văn trong thơ ca nhân loại. Hoài niệm về quê hương trong thơ ca kháng chiến chống Pháp không chỉ hiện lên trong thơ Quang Dũng mà còn bàng bạc trong thơ của các nhà thơ kháng chiến như “Đồng chí” của Chính Hữu với những câu thơ chân mộc: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Hay những câu thơ đầy cảm xúc trữ tình trong “Bao giờ trở lại” của Hoàng Trung Thông: “Làng tôi nghèo/ nho nhỏ bên sông /Gió bấc lạnh lùng/ thổi vào mái rạ / Làng tôi nghèo gió mưa tơi tả/ Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi”. Và điều này cũng ảnh hưởng đến thơ miền Nam 1954-1975 như nhận định của Cao Thế Dung trong Văn học hiện đại - Thi ca và thi nhân (Quần Chúng xuất bản Sài Gòn, 1969) khi ông cho rằng: “Tiếng thơ Duy Năng tự nói lên được nỗi nhớ quê hương và nói lên đủ được tiếng thầm vọng của chính ông từ những nơi ông đi qua. Thơ Duy Năng vẫn bàn bạc chất thơ kháng chiến khởi từ Quang Dũng, Trần Dần” (21). Còn Trần Văn Nam thì so sánh giấc mơ hòa bình trong “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng với bài thơ “Trên sông” của Trần Ngọc Hưởng trong văn học miền Nam 1954 - 1975 và cho rằng: “Nếu bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” biểu lộ được hồn quê hương của người miền Bắc âm vang trong tiếng sáo diều thì bài “Trên sông” cho ta một tình thương gần gũi của quê hương quen thuộc…”.(22) Vì vậy, với Trần Văn Nam ở “Đôi mắt người Sơn Tây” “kỹ thuật của văn chương nhạt nhòa trước hồn thơ của tình hoài hương, ngôn ngữ hóa thân vào giấc mơ thanh bình bóng Ba Vì xa khuất trong ngàn dặm mây xanh, Sông Đáy chậm nguồn qua làng mạc xa xăm đồng Bương Cấn chuyển động làm biển lửa vàng, tiếng sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng, tất cả những ngoại cảnh được nhìn về từ một nơi xa lắm cho nên đó không phải là những ngoại cảnh thuần túy được chụp bằng ngũ quan, chúng là những dư vang của quá khứ thanh bình đã thức dậy trong tâm hồn của người tha hương vì chiến cuộc. Đọc bài thơ ta không hề thắc mắc tự hỏi bài thơ đã thể hiện như thế nào, văn tự được sử dụng ra làm sao, đâu là nguyên nhân sáng tác, tất cả những câu hỏi về kỹ thuật về nguồn gốc ấy dường như bị quên lãng trong khi độc giả thưởng ngọan bài thơ. Đó là một minh chứng nghệ thuật không đòi hỏi trí hiểu bằng hồn cảm”(23) .
Không chỉ có “Đôi mắt người Sơn Tây” mà “Tây Tiến”; “Đôi bờ” của Quang Dũng cũng là những bài thơ được các nhà lý luận phê bình và bạn đọc ở miền Nam trước 1975 cảm nhận với những tầm đón đợi khác nhau và nó đã trở thành một hiện tượng trong trường tiếp nhận thơ Quang Dũng. Và, nhắc đến thơ Quang Dũng là phải nhắc đến “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Tây Tiến”, “Đôi bờ”… Chính vì vậy, Trần Văn Nam trong văn học số 140 đã có bài viết rất hay “Từ giấc mơ Tây Tiến đến giấc mơ hòa bình”, ở đó tác giả đặt ra một vấn đề khá lý thú” Tây Tiến có phải là giấc mơ không?” với cách đặt vấn đề có sức lôi cuốn người đọc mà theo ông “Tây tiến” có câu “Mắt trừng gởi mộng qua biên giới /đêm mơ Hà Nội dáng kiều Thơm”. Như vậy, theo Quang Dũng Tây Tiến là một giấc mộng trường chinh. Nhưng Tây tiến có phải là giấc mơ không, hay là Quang Dũng chỉ dùng chữ “mộng” cho đẹp bài thơ mà thôi” và ông cho rằng: “Tây Tiến không phải là giấc mơ, bởi giấc mơ thì đâu có những hình ảnh cay đắng cơ cực của cuộc trường chinh với “mồ viễn xứ” và “gục trên súng mũ bỏ quên đời”, với mây lấp đoàn quân mỏi” và “đoàn binh không mọc tóc”. Nếu những người thị thành thấy những nét đẹp hào hùng trong bài thơ với “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống. Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, đó là vì họ đứng ngoài mà nhìn vào khung cảnh gian nan đã hóa thân vào nghệ thuật, mà nghệ thuật thì lại thăng hoa nhằm thi vị hóa một thực tế ở đời; và đó là vì những người thị thành có sẵn tâm hồn lãng mạn để mơ ước những chuyến đi xa. Quang Dũng đã hiện thực hóa những cái vô cùng khổ ải của cuộc trường chinh. Như thế, Tây tiến đâu phải là một giấc mơ vì giấc mơ thì phải đẹp, ngoại trừ cơn ác mộng thì thuộc về thế giới chiêm bao mà ta không xét đến ở đây” (24). Vì vậy, theo Trần Văn Nam thì Tây Tiến là một bài thơ “hiện thực chiến tranh” và “Vài nét lãng mạn thấp thoáng” chỉ là “biểu lộ sự chưa thoát xác của tâm hồn cũ trong một tình thế mới” (25) . Và cũng theo cảm nhận của Trần Văn Nam, những bài thơ “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Đôi Bờ” của Quang Dũng là toàn bộ nhịp nhàng đạt tới mức độ nghệ thuật. Bài Tây Tiến đưa ta vào vùng trời chất ngất núi đèo, những cồn mấy trắng lang thang là hóa thân của những tấm lòng một đi không hẹn ngày trở lại, mấy thung lũng mưa xa khơi là hóa thân của tình hoài hương nhớ nhung từ những mái nhà ấm cúng dưới triền núi mịt mờ. Đọc bài thơ Tây Tiến ta không còn nghĩ đến kỹ thuật bài thơ, ngôn ngữ diễn tả tự xóa để cho hồn thơ lên tiếng, khi hùng tráng như tiếng thét của dòng sông Mã; khi tưng bừng như ánh lửa doanh trại trong đáy rừng khuya, khi ngậm ngùi nhớ nhung như một tìm về mái nhà ấm cúng khi thương tiếc như cái hoang vu rải rác của những nấm mồ viễn xứ. Cảnh đồi núi ngút ngàn, cảnh đàn người heo hút, cảnh gian khổ trường chinh, tất cả những cảnh ấy không phải là ngoại vật thuần túy tâm hồn thương cảm cuộc đời chinh chiến hóa thân vào ngôn ngữ trầm hùng” (26) .
Không chỉ có cảm nhận riêng về những bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng như Đôi mắt người Sơn Tây, Tây Tiến, Đôi bờ… trong trường tiếp nhận của phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975 còn có những bài cảm nhận mang tính khái quát về thơ Quang Dũng như tập tiểu luận Quang Dũng thi sĩ lãng mạn và cách mạng của Hoàng Thu Đông do Nguyệt San Nhân Văn số 15 tháng 7/1972, trong đó có những bài như “Từ Dũng “Đoạn Tuyệt” đến Quang Dũng Tây Tiến; “Quang Dũng nhà thơ của những nẻo đường kháng chiến”; “Tây Tiến bài thơ tiêu biểu của Quang Dũng đã sáng tác trong hoàn cảnh nào”; “Quang Dũng Thi sĩ lãng mạn - cách mạng”; “Hai tâm trạng Quang Dũng trước và trong kháng chiến”. Có thể nói, đây là tập tiểu luận tuy viết chưa sâu sắc nếu xét ở bình diện là một tiểu luận văn chương về thơ Quang Dũng nhưng là tập sách có những tư liệu cần thiết giúp người nghiên cứu tiếp cận để có thêm những dữ liệu khi nghiên cứu và tiếp nhận thơ Quang Dũng.
Nhận định về hành trình sáng tạo thơ Quang Dũng, trong bài viết “Thi sĩ của những nẻo đường kháng chiến”, Hoàng Thu Đông xác quyết: “Có thể nói không lầm rằng không có cuộc kháng chiến của dân tộc trong thời kỳ 1945-1954 thì đã không có những bài thơ của Quang Dũng. Vì hầu hết đề tài những sáng tác thi văn của Quang Dũng trong suốt mười năm chiến tranh chống Pháp thực dân đều rút ra từ lòng đất nước kháng chiến, phản ánh chân thành và ý nhị tâm hồn của một con người văn nghệ trong giai đoạn sôi động hào hùng này”.(27) Vì thế, trong suy niệm của Hoàng Thu Đông: “Bao nhiêu hình ảnh trong kháng chiến đã sống lại qua thơ Quang Dũng, phản ánh một khía cạnh thời đại anh dũng đau thương cuả dân tộc vươn lên: con người văn nghệ đã ghi thành những vần điệu muôn thuở của thi văn, lịch sử văn chương Việt Nam kháng chiến không thể quên”. (28) Đây cũng là cảm nhận về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc qua cái nhìn của Huỳnh Hữu Ủy, trong bài viết “Thi ca trước tình cảnh cực đoan” khi luận bàn về thơ kháng chiến chống Pháp, trong đó có bài Tây Tiến của Quang Dũng và cho rằng: “Khi đã ra nơi biên khu, chiến sĩ trong một phút nào cũng dõi mắt trông về quê cũ như Trần Quang Dũng nơi một quán dốc bên đường, một lúc nghỉ chân sau cuộc quân hành, bên dòng sông đêm đêm lành lạnh, sau làn khói xanh của một điếu thuốc ấm tình kháng chiến, người tình xưa như ẩn hiện nơi đáy cốc cà phê bốc khói ấm, nói cười như năm cũ. Quang Dũng giử giấc mơ đẹp về một Hà Nội trong quá vãng kiều thơm: Mắt trừng gởi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. (29) Rồi ông xác quyết đầy cảm hứng tự hào: “Ai dám bảo chiến sĩ chỉ biết chiến đấu và nuôi dưỡng căm hờn? Cuộc kháng chiến trường kỳ trước đây của dân tộc là một giấc mơ to lớn đẹp đẽ vô ngần thơ mộng, đủ cả thất tình. Tình cảm đấu tranh, tình dân tộc, tình tự trai gái, tất cả đều chất ngất quyện vào nhau mà tạo thành một trường ca vĩ đại. Như hình ảnh bi tráng, hào cảm sau là đơn tố của một bản hùng ca, sẽ kết hợp với những âm tiết khác nhau trong bản hùng ca vĩ đại của dân tộc. Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. (30) Còn Lam Giang – Vũ Tiến Phúc trong chuyên luận Hồn thơ nước Việt, chương V “Hồn thơ trong khói lửa 1945-1954”, đã phân tích, bình giá bài Tây Tiến của Quang Dũng và cho rằng đây là bài thơ chiến đấu “đã biểu dương được tinh thần anh dũng bất khuất của dân tộc. Cảm hứng chân thành ái quốc thấm nhuần từng chữ, từng câu”. (31) Có thể nói, khí quyển những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc cộng với chất lãng mạn của tuổi trẻ đã tạo cho thơ Quang Dũng một nét riêng: bi tráng, sang trọng, giàu mỹ cảm, không lẫn với thơ ca cùng thời. Đây không chỉ đơn thuần là phong cách thơ mà còn là một sự chọn lựa hiện sinh thể hiện bản lĩnh riêng của Quang Dũng khi ông không “tan hòa” trong thanh âm của dàn hợp xướng thơ ca kháng chiến lúc bấy giờ. Có phải vì thế, Uyên Thao trong Thơ Việt hiện đại 1900 -1960, (Xb.1969) đã xếp Quang Dũng vào nhóm các nhà thơ “Bộc lộ tâm trạng của những người trai phiêu lưu trong kháng chiến” nên khi nhận định về thơ Quang Dũng, Uyên Thao cho rằng: “Trong ngành văn thuở tiền chiến đó, chúng ta đã có Nguyễn Tuân luôn say sưa những chuyến đi, chuyến đi không ngừng, không nghỉ. Tất Vinh và Quang Dũng trong hàng ngũ thơ kháng chiến đã làm sống lại mẫu người ấy của Nguyễn Tuân. Tính chất này của cuộc sống tình cảm của họ đã khiến họ không mở rộng tâm hồn để đón lấy từ muôn phương những hình ảnh trùng điệp của một cuộc sống xô bồ. Họ ngạo nghễ quay đầu lại đối diện với chính mình, và ít khi lắm, họ mới ngửng lên khinh khi ngắm trời xanh. Họ ở rất xa với các nhà thơ hiện thực xã hội như Trần Huyền Trân, Nông Quốc Chấn, Thôi Hữu (…) Thơ Quang Dũng vướng vất khí phách của kẻ lấy bốn phương làm quán trọ”. (32) Phải chăng, vì thế, thơ Quang Dũng không được phổ biến rộng rãi trong những năm kháng chiến khi cuộc chiến đấu đang cần những “tiếng thét xung phong!? Bởi, nói như Tam Ích: “Lãng mạn tính của Trần Quang Dũng cũng là một thứ lãng mạn tính lạ và độc đáo: ngôn ngữ và nhạc mất biên giới: Vừng tráng em mang trời quê hương / Mắt em dìu dịu buồn tha phương (…) U uẩn chiều lưu lạc / Buồn viễn xứ khôn khuây”. Tôi chỉ có lạ một điều, là Trần Quang Dũng lãng mạn và tiểu tư sản đến thế mà lại độc đáo không giống cái thứ lãng mạn có nước mắt và có thở than – có từ tiền bán thế kỷ 19…” (33). Vì thế, theo Hoàng Thu Đông: “Tính chất lãng mạn trong thơ Quang Dũng mang sắc thái hiện tượng tích cực biến thành một thứ lãng mạn – cách mạng. Dòng thơ lãng mạn – cách mạng của Quang Dũng khởi nguồn từ kháng chiến, đã dành cho thi sĩ một địa vị độc đáo. Chẳng những Quang Dũng tiêu biểu cho thơ kháng chiến, mà còn là đại biểu cho thơ lãng mạn – cách mạng trong thi ca Việt Nam hiện đại”. (34)
Thơ là sự chuyển hóa giữa tư tưởng và ngôn ngữ. Để có sự chuyển hóa này thơ cần có sự hợp hôn giữa ý và lời. Không có sự hợp hôn kỳ diệu này sẽ dẫn đến những chênh vênh trong diễn ngôn thơ cũng như trong sự cảm nhận của người đọc. Thơ Quang Dũng là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố trong cấu trúc thơ đó là: ý tưởng, ngôn ngữ và nhạc điệu. Những điều này đã tạo nên nét riêng trong thi pháp thơ Quang Dũng so với các nhà thơ cùng thời. Đọc thơ Quang Dũng, ta thấy mình như rơi vào một thi giới được tạo nên giữa thực và mộng, giữa hiện hữu và hư vô, giữa bình thường và phi thường với rất nhiều mật ngữ. Vì thế, để cảm và hiểu được thơ Quang Dũng, người tiếp nhận cần có sự nghiệm sinh sâu sắc, mới khải thị được. Và đây, cũng là một bình diện trong trường tiếp nhận của phê bình văn học miền Nam 1954 -1975 về thơ Quang Dũng. Nói như Tam Ích: “Trần Quang Dũng là một trong số ngoại lệ hiếm: Thơ là phương trình ngôn ngữ mà “ẩn số” là ý, Dũng dùng ngôn ngữ và nhạc tính làm con người say ngà ngà và Dũng dùng ý trong lời để thúc đẩy hướng hành trình của tính dân tộc tìm tự do và tìm nếp sống thoát ly của tình dân tộc tìm tự do và tìm nếp sống thoát ly vũ phu tính của những dân tộc đi xâm lăng: … Dốc lên khúc khủy dốc thăm thẳm /Heo hút cồn mây súng ngửi trời / Nghìn thước lên cao nghìn thước xuống / Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi… (Tây Tiến). Thơ Quang Dũng vì thế, trong tâm thức của Tam Ích là một “thứ “sinh tố” tâm tư nuôi tình đất nước – trăm trứng bà Âu cơ hai nẻo mỗi nẻo năm mươi tâm hồn, đàn lòng réo rắt, tình lòng riêng tư! Nói một cách khác: sinh tố bất khuất được nuôi trong văn trong thơ cổ nhân hãnh diện vì con dân mai sau thấy cha ông để gương soi muôn đời. Trong những cha ông để gương có thơ Dũng là gương” (35). Sự nhìn nhận với nhiều ưu ái này của Tam Ích, một nhà phê bình có uy tín trong văn học ở miền Nam trước 1975 cũng cho thấy tầm ảnh hưởng và giá trị của thơ Quang Dũng nhìn từ trường tiếp nhận của người đọc nói chung và các nhà phê bình văn học nói riêng, trong đời sống phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975.
5. Thay lời kết
Khép lại bài viết về thơ ca kháng chiến chống Pháp, trong tiểu luận “Thi ca trước tình cảnh cực đoan” Ý thức số 11 ra ngày 15/3/1971, Huỳnh Hữu Ủy có dẫn lời Đại văn hào Victor Hugo: “Hỡi nhân dân nô lệ! Nghệ thuật làm cho người trở nên tự do / Hỡi nhân dân tự do! Nghệ thuật làm cho người trở nên vĩ đại”. (36) Phải chăng, cảm hứng tư do là một sức mạnh làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp anh hùng nhưng cũng đầy bi tráng của dân tộc. Đây là nguồn cảm hứng tạo nên dự phóng sáng tạo cho các nhà thơ kháng chiến, trong đó có nhà thơ Quang Dũng và cũng là động lực tinh thần, để người đọc ở miền Nam vượt lên những rào cản có thể có lúc bấy giờ để tiếp nhận bộ phận thơ ca nầy với tất cả niềm tin yêu và sự ngưỡng vọng. Thế nên, giải mã trường tiếp nhận của phê bình văn học về thơ Quang Dũng trong văn học ở miền Nam thời kỳ 1954 -1975 là đi tìm câu trả lời cho sức sống diệu kỳ của văn học kháng chiến cũng như xác chứng giá trị của văn học miền Nam trong việc góp phần truyền bá và giữ gìn những tinh hoa của văn học dân tộc, trong đó có thơ ca kháng chiến chống Pháp. Không những thế, sự tồn sinh của thơ Quang Dũng trong văn học ở miền Nam 1954-1975 còn là sự minh chứng cho chân lý nghệ thuật và đời sống, đó là: Những tác phẩm văn nghệ có giá trị mỹ cảm và nhân văn, chạm được trái tim con người, tất yếu sẽ vượt lên mọi rào cản về ý thức hệ của các thể chế xã hội để sống vĩnh hằng trong lòng người đọc.
Văn nghệ chân chính là văn nghệ không xu thời, không song hành với cường quyền, bạo lực và luôn đứng về phía nhân dân, để chống lại cái ác, cái tàn bạo, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Thơ Quang Dũng là một hệ giá trị như thế nên sẽ tồn sinh mãi với muôn đời, dù người sáng tạo ra nó có trải qua những “dâu bể” của cuộc đời và những “thăng trầm” của thế sự, nhân sinh. Việc tiếp nhận và tôn vinh thơ Quang Dũng của phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975 đã minh chứng cho điều ấy…
Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 9/8/2021
TRẦN HOÀI ANH
-----------
Chú thích:
(1) (29) (30) (36) Huỳnh Hữu Ủy, “Thi ca trước tình cảnh cực đoan”, Ý Thức số 11 ra ngày 15/3/1971 tr.22, 23; tr.21; tr.21; tr.23
(2) Ban biên tập, “Thư tòa soạn”, Văn học số 125 ra ngày 1/4/1971, tr.1
(3) (4) (5) (6) Phan Khanh, “Những sai lầm đáng trách trong việc sao lục thơ Quang Dũng” Văn học số 125 ra ngày 1/4/1971, tr.22; tr.22; tr.22- tr.23; tr.33
(7) (8) (9) Thiên Tướng “Sôi nổi chung quanh một bài thơ” Văn học số 125 ra ngày 1/4/1971, tr.40; tr.42; tr.50
(10) (11) Phan Lạc Tiếp “Quang Dũng và miền đất nhớ”, Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971, tr.44; tr.44 – 45
(12) Uyên Phương, “Hiệu đính về một sai lầm tai hại gán cho nhà thơ Quang Dũng bài thơ Kẻ ở” Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971, tr.81
(13) (14) Trần Tuấn Kiệt, Thi ca hiện đại (1880 – 1965) tập 2, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1967, tr.515; tr.516
(15) Thế Phong, Lược sử văn nghệ Việt Nam, Đại Nam Văn Hiến, xb.1965, tr.56
(16) (17) (18) (19) (20) Huy Trâm, Những hàng châu ngọc trong thơ ca hiện đại (1933 -1963) Nxb. Sáng, SG, 1969, tr.161; tr.162; tr.160; tr.160; tr.162
(21) Cao Thế Dung Văn học hiện đại - Thi ca và thi nhân, Quần Chúng Xb., Sài Gòn, 1969, tr.324
(22) (23) (24) (25) (26) Trần Văn Nam “Từ giấc mơ Tây Tiến đến giấc mơ hòa bình”, Văn học số 140 ra ngày 15/11/1971, tr.61; tr.65; tr.57- 58; tr.58; tr.65
(27) (28) (34) Hoàng Thu Đông, “Quang Dũng thi sĩ lãng mạn và cách mạng", Nguyệt San Nhân Văn số 15 tháng 7/1972, tr.19; tr.32; tr.45
(31) Lam Giang – Vũ Tiến Phúc Hồn thơ nước Việt, Sơn Quang xuất bản, Sài Gòn, 1970 tr.194 -195
(32) Uyên Thao, Thơ Việt hiện đại 1900 -1960, Hồng Lĩnh Xuất bản, Sài Gòn, 1969, tr.355 -356
(33) (35) Tam Ích, “Ngôn ngữ và ý trong thơ Quang Dũng” Nhân Văn số 12/5/1972, tr.27; tr.27
(*) Trong bài viết, chúng tôi gọi tên bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây theo đúng trong các tài liệu văn học miền Nam viết về Quang Dũng được nghiên cứu, không gọi tên bài thơ là Mắt người Sơn Tây như tập thơ Mắt người Sơn Tây, (Quang Dũng, Thơ văn tinh tuyển, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012).
TRẦN HOÀI ANH
nguồn: http://www.vanchuongviet.org>
================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ