' nhà nghiên cứu PHAN AN SA [ 1945- 2021 ] qua đời vì đột quỵ "/ -- trích : Blog Lê Thiếu Nhơn ( tphcm)
Nhà nghiên cứu PHAN AN SA qua đời vì đột quỵ
Nhà nghiên cứu Phan An Sa – con trai út của nhà văn Phan Khôi, vừa qua đời ở tuổi 76 tại Hà Nội vào trưa 29/11 sau một cơn đột quỵ. Sự nghiệp Phan Khôi gần như là chủ đề thẩm mỹ duy nhất mà nhà nghiên cứu Phan An Sa theo đuổi trên hành trình bút mực.
Nhà nghiên cứu Phan An Sa sinh năm 1945, vốn có tên khai sinh là Phan Lang Sa. Nhà nghiên cứu Phan An Sa là con trai út của nhà văn Phan Khôi (1887-1959). Nhà nghiên cứu Phan An Sa từng giữ chức vụ Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch trước khi nghỉ hưu.
Nhà nghiên cứu Phan An Sa mồ côi cha từ năm 14 tuổi, nhưng ông nhận thức rất rõ ràng về cuộc đời nhiều thăng trầm của phụ thân. Nhà nghiên cứu Phan An Sa miệt mài sưu tầm và công bố nhiều tác phẩm của nhà văn Phan Khôi mà vì những lý do lịch sử đã bị chìm khuất.
Sự nghiệp Phan Khôi gần như là chủ đề thẩm mỹ duy nhất mà nhà nghiên cứu Phan An Sa theo đuổi trên hành trình bút mực. Nhờ sự chuyên chú, sự tỉ mỉ và sự thành tâm từ nhà nghiên cứu Phan An Sa, mà độc giả được hiểu rộng thêm, hiểu sâu hơn những đóng góp của nhà văn Phan Khôi với văn chương và văn hóa dân tộc.
Tác phẩm “Nắng được thì cứ nắng – Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn” là công trình của nhà nghiên cứu Phan An Sa được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng Lý luận Phê bình năm 2013.
Thân mẫu của nhà nghiên cứu Phan An Sa – bà Nguyễn Thị Huệ là người vợ thứ hai của nhà văn Phan Khôi. Ít được gần gũi cha, nhà nghiên cứu Phan An Sa vẫn cung kính gọi nhà văn Phan Khôi là thầy tôi. Nhà nghiên cứu Phan An Sa từng thổ lộ: “Tôi bị thiệt thòi so với các anh chị là không được sống gần Thầy tôi nhiều hơn để được ông yêu thương, để được ông dạy dỗ, để con hiểu cha, để tình cảm cha con bền chặt”.
Với mục đích “trả lại sự thật cho Phan Khôi”, nhà nghiên cứu Phan An Sa đã đính chính nhiều sai lệch xung quanh các tác phẩm của cha mình. Ví dụ, bài thơ “Tình già” của Phan Khôi được xem là tín hiệu mở đầu cho Thơ Mới, nhà nghiên cứu Phan An Sa cho rằng bản in đầu tiên trên báo Đông Tây số Tết Nhâm Thân 1932 mới là bản gốc chính xác, chứ không phải bản in trên báo Phụ Nữ Tân Văn ra ngày 10/3/1932 tại Sài Gòn.
Tác phẩm mới nhất mà nhà nghiên cứu Phan An Sa công bố là cuốn sách “Tôi với Thầy tôi – Phan Khôi” do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa ấn hành đầu tháng 11/2021.
Trong lời mở đầu “Tôi với Thầy tôi - Phan Khôi”, nhà nghiên cứu Phan An Sa viết: “Bạn cứ thử ngẫm mà xem, đành rằng cuốn sách viết về Thầy tôi, nhưng nếu nó được bạn yêu mến, thì tức là bạn và tôi, hai chúng ta, đã góp thêm một viên gạch đế xây đắp cho đến khi hoàn thành con đường dẫn tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người; con đường đó đã được những người tiên tiến nhất, dũng cảm nhất dấn thân đặt những viên gạch đầu tiên”
Nguồn: NNVN
[ Nông Nghiệp Việt Nam ]
==================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ