Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

" mục sư Lê Văn Thái / Ms Trần Thái Sơn" -- source: https://vietnamesetheologicalreview.org>

 3.    MỤC SƯ LÊ-VĂN-THÁI


 
Điều quan trọng là những người tin Chúa Việt Nam có thể biết đời sống chức vụ của Mục sư Lê văn Thái bằng cách đọc ‘Hồi Ký 46 Năm Chức Vụ’ của chính Cụ Mục sư viết, tự Cụ xuất bản năm 1970. Phải nói là hiếm hoi mới có một người hầu việc Chúa tự viết hồi ký và tự in ấn xuất bản như vậy.

Tại sao Cụ Mục sư Lê văn Thái tự viết Hồi ký như thế? Câu trả lời là vì Cụ Mục sư Thái là người được Chúa cho ân tứ đọc sách và thích viết sách. Điều đáng tiếc là trong hàng ngũ những người Việt Nam hầu việc Chúa, chỉ có Cụ Mục sư Lê văn Thái và Cụ Mục sư Phạm Xuân Tín viết sách. Trong những Văn phẩm Tin Lành Việt Nam, chúng ta sẽ gặp khá nhiều đầu sách của Cụ Mục sư Lê văn Thái. Sau đây, tôi cũng xin chép lại lời giới thiệu của Nhà Xuất Bản Tin Lành năm 1965:

·         ‘Người Truyền Đạo của Đức Chúa Trời’, trong quyển nầy Cụ viết cho một môn học gồm 7 Chương, từ
1.      Luận về Sự Kêu gọi
2.      Luận về hiểm họa của người Truyền Đạo,
3.      Luận về đề tài của Người Truyền Đạo
4.      Luận về Người Truyền Đạo trong Văn phòng,
5.      Luận về Người Truyền Đạo trên Tòa Giảng.
6.      Luận về Người Truyền Đạo giữa Gia Đình
7.      Luận về Người Truyền Đạo như người kinh doanh.
Rõ ràng quyển sách (hay môn học) thật rất cần cho người nào muốn dâng mình hầu việc Chúa tự xét mình trước khi quyết định dâng mình và người đã dâng mình thì cẩn thận thi hành chức vụ. Đây cũng là môn học bị bỏ quên trong Giáo trình dành cho Người Hầu Việc Chúa ngày nay.

1.      Chiến Sĩ Thập Tự
Quyển “Chiến Sĩ Thập Tự” chứa đựng hình ảnh, tiểu sử và hai mươi bài giảng linh động nhứt của hai mươi vị lãnh tụ trong Hội thánh, từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ hai mươi.
Mặc dầu mỗi thời đại đều khác nhau, nhưng ơn phước và quyền năng của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ vẫn không hề thay đổi đối với người có lòng tin cậy cách vững bền và thánh khiết.
Theo thứ tự thời gian từ thế kỷ thứ tư đến nay (thế kỷ 20), các bài giảng trong sách nầy, một số bài đã được viết ra trong quá khứ xa xôi cách đây trên dưới ngàn năm. Mỗi thời đại lịch sử đều mang một bản sắc riêng, nên lối hành văn đối với chúng ta ngày nay có phần xa lạ, dù quyền năng của Tin Lành vẫn thủy thung như nhứt. Chúng tôi cố gắng phiên dịch với nguyện vọng làm sao để có thể phản ánh được đúng cách nhìn và lối nói của từng tác giả đương thời. Tuy nhiên, chắc hẳn còn rất nhiều khuyết điểm. Mong rằng quí vị đọc giả vui lòng bỏ qua cho những sơ hở kém cỏi trong thuật dụng văn; như thế, mới có thể nhận thức trọn vẹn quyền năng siêu việt của Đức Chúa Trời trong Con yêu dấu của Ngài là Chúa Jêsus Christ, đã được thể hiện trên đời sống của những người đầy đức tin trải qua các thời đại, lớn lạ là dường nào! (Lời giới thiệu Sách)

2.      Những Tia Sáng I (Bố cục bài giảng). Phác họa hơn bốn trăm bài giảng theo

1.      Đề mục
2.      Câu gốc.
3.      Tiểu sử
4.      Giải nghĩa Kinh thánh từng câu, từng đoạn, từng khúc.
5.      Những tiếng cùng nghĩa, những chữ trùng ý.
6.      Sắp theo thứ tự từ Sáng thế ký đến Khải thị. Mỗi sách có ít nhứt là một bài giảng theo đoạn và câu Kinh thánh.

3.      Những Tia Sáng II (truyện làm thí dụ)
Gồm bốn trăm truyện làm thí dụ đã được sưu tầm chọn lọc hoặc trích ra từ các sử liệu, báo chí, v.v… Những tài liệu nầy dùng để soi sáng cho các BÀI GIẢNG, rất cần cho quí vị Mục sư, Truyền đạo và con cái Chúa.

4.      Bóng Mát Sa Mạc.
Sách nầy gồm có 365 bài suy gẫm (Kinh thánh hằng ngày của Cụ) được soạn để dùng trọn năm. Mỗi ngày một câu Kinh thánh, một bài giảng luận ngắn theo ý nghĩa của câu Kinh thánh ấy.

5.      Châu Ngọc của Kinh thánh.
Mỗi ngày một câu Kinh thánh đủ trọn năm theo hai ý: Tiêu cực và tích cực do những chữ Đừng, Phải, Chớ, Hãy. Sách được trình bày như một quyển lịch để mỗi ngày có thể ôn lại lời khuyên dạy của Chúa. Châu Ngọc Thi Thiên là những bài suy gẫm về Thi thiên của cá nhân Cụ.

6.      Những Bước Thuộc Linh.
Sách có hai mươi chương luận giải về đường thuộc linh từ bước khởi hành tìm kiếm chân lý cứu rỗi đến bước sâu nhiệm là khi tâm linh giao thông cùng Chúa và nếp sống hòa hiệp với Ngài.
Chúng ta thử trích đọc vài chương trong quyển “Người Truyền Đạo của Đức Chúa Trời” để thấy sự quan tâm của Những Người Đi Trước đối với chức vụ của người Hầu Việc Chúa:

“Để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời” (Rôma 1:1). Một người bước vào chức vụ Truyền đạo cách nào? Đó chính là điểm then chốt. Có một cửa vào chuồng chiên nầy, và cũng có thể “vào từ nơi khác” (xem Giăng 10:1). Một người có thể bước vào chức vụ Truyền đạo vì đã toan tính riêng. Người có thể lãnh chức vụ như một chức nghiệp, một sinh kế. Người có thể lãnh chức vụ vì nó hiến cho mình một địa vị xã hội khả quan, một vai trò lãnh đạo. Một người có thể làm Truyền đạo vì đã thích chức vụ ấy sau khi cẩn thận xem xét những loại công việc khác. Người cân nhắc chức vụ Truyền đạo cùng với những loại công viêc khác, rồi chọn chức vụ nầy vì nó hợp với sở thích của mình. Trong mỗi trường hợp kể trên, ứng viên chức vụ Truyền đạo đã không do cái cửa chánh đáng mà vào. Cớ tích ràng buộc người chính là dục vọng, và mục đích mà người ước mong đạt tới chỉ là một mục đích trần tục. Người không “ngước mắt lên trên các gò nỗng” (Thi. 121:1 – theo nguyên văn). Người đã quyết định tự mình kêu gọi mình, chớ “chẳng có Đức Chúa Trời trong hết thảy tư tưởng của người” (Thi. 10:4).

Bây giờ, với lòng tin chắc sâu xa tôi xin quả quyết rằng trước khi người nào bước vào chức vụ Truyền đạo, thì người ấy phải được Đức Chúa Trời hằng sống đời đời kêu gọi làm chức vụ đó. Tiếng kêu gọi của Đức Chúa Trời phải vang dậy trong linh hồn người. Ứng viên chức vụ Truyền đạo phải cảm thấy rằng “có lẽ cần buộc mình” (I Côr. 9:16); rằng mình không thể chọn đường nào khác ngoài chức vụ Truyền đạo, vì đã nhận được tiếng kêu gọi như một mạng lịnh từ nơi Đức Chúa Trời hằng sống đời đời” [2]

Trong chương thứ hai với Đề tài: “Hiểm Họa của Người Truyền đạo”, Cụ Mục sư viết: “E rằng… chính mình phải bị bỏ chăng” (I Côr. 9:27). Mở đầu bài giải luận các hiểm họa của người Truyền đạo, tôi xin trưng dẫn chính lời kinh khủng của Sứ đồ Phaolô: ‘Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (I Côr. 9:27). Sau đó, Cụ mục sư nêu ra những hiểm họa của Người Truyền đạo:

1.      Hiểm họa thứ nhất mà tôi nêu lên là đang khi chúng ta luôn luôn mảng lo những chân lý và thực sự thiêng liêng, thì lại có thể hóa ra vô cảm giác đối với những chân lý và thực sự ấy…


2.      Hiểm họa thứ hai trong đời người Truyền đạo là người có thể trở thành vô cảm giác đối với sự đau đớn, khổ sở của mọi kẻ chung quanh mình… Người luôn đi lại giữa những kẻ đau đớn, bị cám dỗ, sa ngã, và tang chế đều đòi hỏi chức vụ của người. Người hằng ngày thông cảm với kẻ khác trong những bi kịch xảy đến cho họ. Đối với kẻ khác, sự đau đớn chỉ là khách, thỉnh thoảng đến thăm và làm cho hoảng sợ; song đối với người, thì là khách đến hằng ngày… Nhưng có hiểm họa ở đây: quen với đau khổ, thì có thể khiến chúng ta lạnh lùng đối với kẻ đau khổ. Cảnh đau đớn có thể không làm cho ta tan chảy nữa, cảnh bi thảm có thể không làm cho ta xúc động nữa; chúng ta có thể không khóc được nữa… Trạng thái tê liệt phát sanh từ sự quen biết cảnh đau đớn có thể khiến chúng ta xa lạ với nhu cầu của nhân gian. Nói theo Sứ đồ Phaolô, thì chúng ta có thể “mất cả sự cảm biết” (Êph. 4:19)

3.      Tinh thần ham mến thế gian lại là một hiểm họa khác mà người Truyền đạo gặp phải. Đó là hiểm họa mà mỗi tín đồ Đấng Christ gặp phải, nhưng không ai gặp nhiều bằng người Truyền đạo Tin Lành… Nó tự xưng bằng những danh hiệu êm tai, tỉ như: “tùy thời”, “khéo léo”, “ngoại giao”, … Nó thích hoàng hôn, tức là cảnh pha trộn nửa đêm với giữa trưa, và liên hệ đồng đều với cả hai. Vậy, người ham mến thế gian ở đâu cũng dễ chịu. Người có thể kết tình huynh đệ với mọi hạng người. Người gật đầu làm quen với vị thánh đồ và cùng kết bạn thân với tội nhân. Người có thể đứng lẫn với kẻ thờ lạy trong đền thờ, hoặc với kẻ đổi bạc ở hành lang Đền thờ… Anh em sẽ mỉm cười với tiêu chuẩn kinh doanh hèn thấp, và cười rộ với câu pha trò không trong sạch. Anh em sẽ dễ dàng dung thứ những cuộc vui chơi theo thế gian. Anh em sẽ cố gắng “trở nên mọi cách cho mọi người” (I Côr. 9:22) để làm đẹp lòng họ, sẽ thử hầu việc Đức Chúa Trời và Ma-môn. Anh em sẽ bị gọi là bạc bị bỏ (Giê. 6:30)…

Các sách của Cụ Mục sư viết đều có sự tham khảo các sách khác, bất kể Đông hay Tây, như trong quyển ‘Những Tia Sáng II’. 

Tôi trích truyện đầu tiên của sách:
Theo Chúa (Ta thường ở với các ngươi).

Trận chiến tranh giữa Pháp và hai nước liên kết Ý và Áo đầu năm 1796, kết liễu ngày 17-11-1796 như sau:
Đại tướng Pháp Bonaparte đưa quân đến một địa điểm, có cái cầu bắc qua trận tuyến địch. Trong lúc trận thế đang nguy, Đại tướng Bonaparte hô tiến qua cầu. Không một ai qua! Đại tướng xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn chân bước qua cầu, miệng hô “Ai yêu tổ quốc thì theo ta”. Ngó lại, trên cầu chỉ có một mình mà lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của quân địch. Khi ấy có cậu bé mới 13 tuổi đánh trống thúc quân. Hai tay đập mạnh vào trống, chân bước qua cầu theo Đại tướng. Quân sĩ tràn theo qua cầu, Đại tướng Bonaparte toàn thắng và cũng chấm dứt cuộc chiến tranh ấy.

Tám năm sau Bonaparte đã là Hoàng đế Napoléon trở lại chỗ cũ, có nghi lễ nghênh tiếp rất linh đình. Hoàng đế Napoléon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi trong quân đoàn tại đó.

Hỏi đến Vidal thì cậu đã nghỉ phép để đưa đám tang mẹ. Hoàng đế Napoléon bãi bỏ tất cả lễ nghi quân cách. Đi thẳng đến làng Vidal, theo sau đám tang đến huyệt, đọc bài điếu văn. Rồi đi bộ với Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoléon đáp: “TÁM NĂM TRƯỚC CON ĐÃ LIỀU CHẾT THEO TA TRÊN CON ĐƯỜNG CHẾT, NAY TRÊN ĐƯỜNG ĐAU KHỔ CON CHO TA THEO CON CHO CÓ BẠN!”

Ai đã liều chết mà theo Chúa sẽ nghe tiếng Chúa “Ta ở cùng các ngươi cho đến tận thế”.

Và đây là một trong những truyện cuối trong quyển ‘Những Tia Sáng II’

ĐỪNG KIẾM CÁCH DÌM NGƯỜI TÀI BA (Nói thí dụ)

Có người bảo vua nước Lương rằng: Huệ Tử nói việc gì cũng hay thí dụ. Nếu nhà vua không cho thí dụ, thì Huệ Tử chắc không nói gì được nữa.

Vua bảo: Ừ! để rồi ta xem
Hôm sau, vua đến thăm Huệ Tử, bảo rằng:
-          Xin tiên sinh nói gì cứ nói thẳng, đừng thí dụ nữa.
Huệ-Tử nói: Nay có một người ở đây không biết cái nỏ là cái gì, mới hỏi hình trạng cái nỏ thế nào. Nếu tôi đáp rằng hình trạng cái nỏ giống cái nỏ, thì người ấy có hiểu được không?
Vua nói: Hiểu làm sao được.
-          Thế thì nếu tôi bảo người ấy: Hình trạng cái nỏ giống như cái cung có cán, có lẫy, thì người ấy có biết được không?
Vua nói: Biết được.
Huệ-Tử nói: Ôi! Khi nói với ai, là đem cái người ta đã biết làm thí dụ với cái người chưa biết, để khiến người ta biết. Nay nhà vua bảo tôi đừng thí dụ nữa thì tôi không sao nói được[3].
Có truyện thì bên trời Tây, có truyện thì ở trời Đông.

Qua các sách của Cụ Mục sư, tôi nhận ra một điều là Cụ đã có thì giờ Tự Học Kinh thánh từ đó trở thành những quyển sách có cần và là gương cho những người đi sau.

Và ‘Hồi Ký 46 Năm Chức Vụ’ Cụ Mục sư đã ghi lại với bao nhiêu kinh nghiệm sống động thực tế mà người hầu việc Chúa nào cũng cần tham khảo.

Qua ‘Hồi Ký’ của Cụ, chúng ta được biết Đức Chúa Trời đã kêu gọi Cụ từ lúc còn là thanh niên trong một gia đình vọng tộc nho gia, trong thời kỳ Chúa khai sáng Hội thánh của Ngài trên Đất Việt của chúng ta. Rồi chúng ta được theo từng bước chân của Cụ hầu việc Chúa tại từ miền Nam, Trung, Bắc; với những vị trí chức vụ chủ tọa Hội thánh, Chủ nhiệm Địa Hạt, rồi chức vụ Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam toàn quốc trong thời kỳ xao động nhất của lịch sử Đất Nước. Với chức vụ lãnh đạo Hội thánh đối phó với tà giáo định ngày Chúa tái lâm của ông Trần Như Tuân.

Từ giã chức vụ Hội Trưởng, Cụ lại đứng ra lo thành lập Cô Nhi Viện Tin Lành tại Nha Trang, một công việc mới mẻ đối với Hội thánh chung, cũng nhờ Cô Nhi Viện gần ở địa điểm bên cạnh Thánh Kinh Thần Học Viện, Cụ lại dự phần dạy môn Người Truyền Đạo của Đức Chúa Trời cho Viện. Cá nhân tôi thật cảm động khi tự xét lại Sự Kêu Gọi mà Chúa đã đặt trên tôi. Đang khi dạy, thỉnh thoảng Cụ cũng có những lời khuyên ngoài môn học nhưng rất cần cho chức vụ, như Cụ Mục sư Lê văn Thái nêu ra bốn loại bài giảng:

(1)   Loại bài giảng Đầy Đủ, là loại bài giảng đúng Phương pháp, có tham khảo đầy đủ tài liệu.
(2)   Loại bài giảng Hay, là người giảng có khẩu tài khiến người nghe thích thú.
(3)   Loại bài giảng Cảm Động, là loại bài giảng có thể làm cho người nghe khóc được, đôi khi là đóng kịch.
(4)   Loại bài giảng có Thần Quyền, là loại bài giảng Chúa muốn, khiến người nghe sẵn sàng làm theo mạng lịnh của Chúa.

Cụ Mục sư cũng khuyên người giảng phải học tánh khôi hài trong bài giảng, và Cụ nói: Khôi hài là một nghệ thuật. Mà Cụ thật vui tánh khi dạy, thường cười với học viên, nhất là Cụ thích kể truyện đầy sinh động. Truyện mà tôi nhớ là “Những Người Khốn Khổ” của Văn Hào Victor Hugo, vừa kể Cụ vừa phân tích tình huống, nhân vật…, rất hấp dẫn.

Cụ cũng nói với chúng tôi có người những lúc đầu lên giảng thì run nhưng giảng một trăm lần thì sẽ không còn biết run, khi đó Đức Chúa Trời cũng không cần người ấy giảng. Cụ cũng có những câu nói đầy triết lý, như:

Cụ nói, một lần đến dự Lễ Cung Hiến một nhà thờ, vì trước giờ Lễ, trời đổ mưa, nên khi bắt đầu Lễ, đoàn người bước vào nhà thờ đã mang sình lầy vào nhà thờ, khiến Cụ phải thốt lên: Những Người Thánh làm dơ Nhà Thánh! – Đáng sợ thay!

Năm 1960, Cụ cương quyết từ chối tái ứng cử chức vụ Hội Trưởng Tin Lành Việt Nam, dù đa số nài ép Cụ tiếp tục để tên ứng cử, Cụ đã bước ra khỏi Hội Đồng với lời khẳng khái: Đã đến lúc Thế hệ đồng vắng nhường chỗ cho Thế hệ Đất Hứa. Mấy ai bước lên rồi chịu bước xuống? Người xưa dạy: ‘Quyền thế lớn không nên giữ mãi’. Chí lý thay mà cũng khó thay!

Cụ Mục sư được Chúa dùng vào những thời điểm lịch sử của Đất Nước biến đổi quan trọng, Chúa đã cho Cụ Mục sư vững vàng trong đức tin đối phó với những tình huống đặc biệt mà tổ phụ cũng như người đời sau chưa từng đi qua, cũng không thể tìm được kinh nghiệm từ những người hầu việc Chúa trên đất nước nào khác.

Năm 1929, giải cứu Mục sư Phan Đình Liệu khỏi nhà tù tại Khánh hòa. Năm 1929, Mục sư Phan Đình Liệu bị bắt giam vì tội giảng Tin Lành với bản án năm tháng khổ sai tại Khánh hòa, do lịnh bắt bớ Đạo của Viện trưởng Cơ Mật Viện Nguyễn Hữu Bài ở Huế. Theo lời tường thuật của Mục sư Phan Đình Liệu: “Hai tháng đầu bị giam tại nhà lao tỉnh, tôi (Cụ Mục sư Liệu) cầu nguyện suốt đêm, hát thánh ca lớn tiếng vang dội vô dinh các quan, có lẽ vì mất giấc ngủ nên quan án ra lệnh giải Phan Đình Liệu xuống Nha Trang cho gần Hội thánh Tin Lành! Kỳ thật, họ muốn tống tôi xuống nhà lao chính cho đội đề lao người Thượng có tiếng hung dữ, để trị tội tôi cho bỏ ghét. Song đường lối của Chúa là khác, Ngài đã dùng tôi ở đó để cứu mười hai phạm nhân, mỗi tuần chúng tôi nhóm, giảng và cầu nguyện. Ở trong nhà lao nầy thật như một Hội thánh nhỏ ở đây vui quá, bà đội đề lao và thầy đội dầu chưa có đức tin nhưng có vẻ kính sợ Chúa và yêu mến tôi lắm. Khi tôi mãn tù ra, ông bà bảo tôi rằng: Phải chi được phép, tôi nguyện lưu ông Ha-lê-lu-gia (họ đặt tên tôi) ở lại đây ít tháng nữa cho đỡ buồn! Thật mâu thuẫn đến tức cười. Tôi được ra, còn họ muốn lưu lại… Toàn cõi Việt Nam trước đây chưa có phép giảng Tin Lành tự do. Nhân dịp tôi (Mục sư Phan Đình Liệu) bị tống giam tại nhà lao Khánh hòa lần thứ hai, ông Mục sư Lê văn Thái tay bưng chiếc đèn nấu nước (rề-sô) tặng tôi tại cửa nhà lao, cụ Cadman chụp một tấm ảnh nầy đăng lên các báo ở Pháp, Anh, Mỹ, Gia-nã-đại.
Tại Pháp, họ đem việc nầy đạt đến Thượng nghị viện Pháp nênThượng nghị viện biểu quyết xin chính phủ Pháp cho Hội thánh Tin Lành được tự do giảng đạo ở toàn cõi Đông dương, từ nay không còn ai được phép bắt bớ như trước nữa… (tường thuật của Mục sư Trí sự Phan Đình Liệu, ngày 22 tháng 10 năm 1969)[4]

Còn đây là lời thuật của Cụ Mục sư Lê văn Thái: “Ngày 15-10-1928, chúng tôi từ Hà-nội vào Sàigòn bằng xe hơi theo quốc lộ 1. Tiện đường chúng tôi ghé lại lao xá thăm cụ Mục sư Phan Đình Liệu và trao tặng cái rê-sô cho cụ, thì bà W.C. Cadman đứng bên kia đường chụp ngay được một tấm ảnh. Tấm ảnh đó làm bằng chứng cho việc Tin Lành bị bắt bớ và Mục sư bị cầm tù tại Việt Nam. Về đến Sàigòn, bà Cadman liền viết một bài tường thuật với đầy đủ chi tiết gởi cho một nghị sĩ Quốc hội Pháp kèm theo tấm ảnh bà đã chụp được. Ít lâu sau hồ sơ về vụ bắt bớ nầy được đưa ra thảo luận sôi nổi tại Quốc hội Pháp. Nhiều câu hỏi được nêu lên để chất vấn chính phủ, đại khái như: Tại sao Tin Lành bị bắt bớ tại Việt Nam? Tại sao Mục sư bị giam cầm?

Sau cuộc tranh luận ấy tại Quốc hội Pháp, ngày 5-12-1929, chính phủ Pháp và Nam triều ban hành một sắc lệnh mới. Sắc lệnh nầy nhằm thu hồi sắc lệnh của Toàn quyền Đông dương đã ký vào tháng chạp, 1915. Như vậy, trên lý thuyết, Tin Lành không còn bị ngăn cấm nữa…[5]

Hội kiến tại Bắc Bộ Phủ

Sau hai vụ nổ bom nguyên tử tại Okinawa và Nagasaki, ngày 15-8-1945, nước Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Chế độ quân phiệt suy tàn cùng với giấc mộng thôn tính toàn cõi Đại Đông Á của con cháu Thái dương Thần nữ. Nhân cơ hội nầy, ngày 23-8-1945, Mặt Trận Việt Minh đứng lên cướp chính quyền trong tay người Nhật. Đến 2-9-1945 tại công viên Ba Đình, ông Hồ Chí Minh với tư cách Chủ Tịch, đã tuyên bố nước Việt Nam Độc Lập. Thế là lịch sử quốc gia lại bắt đầu một giai đoạn mới với những thể chế khác biệt hơn. Trong những ngày đầu, toàn dân hân hoan đều chào mừng chiến thắng. Cuộc tranh đấu trường kỳ giành độc lập kể như đã thành công. Lúc bấy giờ cũng như những đoàn thể tôn giáo khác, vào ngày 8-9-1945, tôi cùng ông Mục sư Trần văn Đệ và ông Bùi Hoành Thử đại diện cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam đến chào mừng cụ Hồ tại Bắc Bộ Phủ. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên với vị Chủ Tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vấn đề sau đây đã được đem ra thảo luận: “HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM CÓ NÊN LẬP TIN LÀNH CỨU QUỐC HAY KHÔNG VÀ CÁC NHÀ THỜ TIN LÀNH CÓ PHẢI TREO CỜ HAY KHÔNG?” Ngay từ phút đầu, Cụ Hồ Chí Minh đã nhìn thẳng vào tôi và nói: “Ông nên lập Tin Lành Cứu quốc trong Hội thánh”. Tôi nhận thấy đề nghị đó không thể chấp nhận được vì không hiệp với tôn chỉ của Hội thánh, nên đã trình bày đại để như sau: “Toàn thể tín đồ đều hòa mình với dân, họ thuộc đoàn thể nào xin cứ để họ giữ nguyên đoàn thể ấy. Chẳng hạn như thanh niên, lao công, thợ thuyền, công chức, giáo giới, mỗi tổ chức đều có đoàn thể cứu quốc riêng. Nếu chúng tôi lập Tin Lành Cứu quốc, thì phải rút những người tín đồ trong các giới kia ra, như vậy e có phần xáo trộn và phân tán chăng? Vả lại tôn chỉ của Hội thánh Tin Lành Việt Nam là Tin Lành phải thuần túy không có màu sắc chính trị, không dung nạp chính trị và không chịu ai tuyên truyền chính trị”. Cụ hồ hỏi tại sao? Tôi liền thưa: “Vì lịch sử đã chứng minh, nếu tôn giáo đi đôi với chính trị, thì khi tôn giáo mạnh sẽ chi phối chính trị và ngược lại, chính trị mạnh, sẽ chi phối tôn giáo. Trong hai cái đó, luôn luôn có cái nầy hoặc cái kia chi phối nhau. Thí dụ như nước với lửa, nhân loại đều cần cả hai, nhưng phải tách riêng ra chứ không để chung nhau được, vì nước đổ trên lửa thì lửa tắt, mà lấy lửa nấu nước thì nước khô”.

Cụ Hồ chăm chỉ nghe tôi trình bày và sau cuộc hội kiến nầy, ông đồng ý cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam được giữ nguyên tình trạng cũ. Chúng tôi thật vui mừng tạ ơn Chúa!

Nhân cơ hội nầy, tôi cũng trình Cụ Chủ Tịch bức điện tín của Hội Trưởng Giáo sĩ E. F. Irwin mời tôi vào Mỹ tho gấp (vì ông đã được trả tự do và sắp về Mỹ) để xin cụ cấp cho một giấy thông hành từ Bắc vào Nam.

 Cụ vui vẻ nhận lời và mấy hôm sau tôi nhận được một giấy phép của Bộ Nội vụ, nội dung như sau: “Mục sư Lê văn Thái, Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam được phép đi từ Bắc vào Nam lo công việc của Đạo Tin Lành”. Nhờ tấm giấy thông hành nầy và bởi ơn Chúa tôi đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn nguy hiểm rồi trở về bình an”.[6]

Biến cố Tết Mậu Thân 1968

 Biến cố Tết Mậu Thân 1968 xảy ra trên hầu hết miền Nam, riêng tôi lúc ấy đang dự học ở Thánh Kinh Thần Học Viện tại Nha Trang nên chứng kiến tình hình hết sức đặc biệt nguy cấp. Về mặt chiến tranh, thì Thần Học Viện do ở ngoài thành phố khá xa nên không bị ảnh hưởng về súng đạn, nhưng trong những ngày chiến sự ác liệt, cả tỉnh đều ở trong tình trạng giới nghiêm do lịnh của Thiếu Tướng Tổng trấn Nha Trang Đoàn văn Quảng. Vì giới nghiêm nên tất cả mọi việc đi lại, giao thương mua bán đều không thể diễn ra, do đó, vấn đề nguy cấp là Thánh Kinh Thần Học Viện với gần 200 sinh viên và Cô Nhi Viện với chừng ấy cô nhi, không có thực phẩm, nhất là gạo ăn.

Cảm ơn Chúa cho Cụ Mục sư Ông văn Huyên là Viện Trưởng Thánh Kinh Thần Học Viện và Cụ Mục sư Lê văn Thái là Giám đốc Cô Nhi Viện Tin Lành Nha Trang đã cùng dấn thân liên lạc với Thiếu Tướng Tổng Trấn, và Chúa cho hai Viện được cấp gạo đủ dùng, riêng hai Cụ Mục sư được cấp phép đi lại trong giờ giới nghiêm để lo cho hai Viện.

Nhơn nói đến sự đồng công của Hai Cụ Mục sư Ông văn Huyên và Lê văn Thái, tôi cũng xin trích lại lời của Cụ Mục sư Lê văn Thái thuật lại lần Hai Cụ viếng thăm và làm chứng về Chúa cho những nhân vật ngoại hạng của Việt Nam.

(1)   Làm chứng cho những người thuộc Hoàng tộc Nguyễn Phước

Năm 1933, ông bà Mục sư Ông văn Huyên được Hội thánh cử đến thay cụ Hoàng Trọng Thừa làm Mục sư chủ tọa tại Huế. Tôi (Mục sư Lê văn Thái) từ Hà-nội vào và lưu lại một tuần lễ để hiệp tác giảng Tin Lành cho đồng bào. Nhân dịp nầy, chúng tôi tìm cách đến thăm một số nhân vật trong hoàng tộc, một số thương gia, quan lại và một vài nhà chí sĩ tại cố đô Huế để làm chứng về Chúa và mở rộng phạm vi rao truyền Tin Lành.

Nhân vật hoàng tộc đầu tiên mà chúng tôi có dịp tiếp xúc là ông Ưng Khoa giữ chức vụ Trợ Quốc Khanh trong hoàng triều. Sau đó chúng tôi cùng ông nầy đến thăm cụ Quận công Hường Oai ở phủ Hòa Thạnh Quận vương, cuối đường Gia hội. Cụ là cháu nội của vua Minh Mạng. Khi chúng tôi đến biếu sách và nói về Chúa cho cụ nghe thì cụ rất lấy làm lạ. Cầm quyển sách trong tay, cụ vui vẻ nói: “Tôi chưa hề được nghe một Tin Lành cứu chuộc đơn giản như thế”. Mặc dù trong gia đình đã có mấy người cháu gọi cụ bằng chú đã tin nhận Chúa rồi, nhưng chưa có ai dám nói về Tin Lành cho cụ nghe cả.

(2)    Làm chứng cho những chí sĩ cách mạng.

Đây là lời của Cụ Mục sư thuật lại cơ hội Hai Cụ Mục sư làm chứng về Chúa cho những những chí sĩ cách mạng:

… Buổi sáng hôm sau, cụ Huyên và tôi sắp đặt chương trình để làm chứng đạo về Chúa cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, là một chí sĩ hiện đang điều khiển tờ báo Tiếng Dân tại phố Hàng Bè, Huế. Trong dịp nầy cụ Giáo sĩ Stebbins cùng đi với chúng tôi. Chúng tôi gặp cụ Kháng tại văn phòng tòa soạn. Cụ rất vui tiếp chúng tôi, nhưng khi biết qua mục đích cuộc thăm viếng nầy là chỉ để làm chứng về Tin Lành cứu rỗi, thì thái độ của cụ bỗng đổi khác. Từ cách nói chuyện đến cách cụ nhìn khói thuốc bay tỏa trong căn phòng không mấy rộng, khiến chúng tôi có cảm nghĩ rằng cụ cho chúng tôi ngây thơ quá chỉ làm phí thì giờ của cụ. Nhận thấy không thế nói gì thêm trong lúc nầy, chúng tôi tặng cụ vài quyển sách rồi từ giã. Ra đường, tôi và cụ Huyên đã nói với nhau: “Ông già thật kiêu hãnh!” Nhưng vẻ kiêu hãnh đó không còn nữa trong những lần gặp gỡ sau, nhất là vào khoảng năm 1946-1947, tôi thường có dịp tiếp xúc với cụ Huỳnh Thúc Kháng khi cụ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Bắc Bộ Phủ. Trong những lần như vậy, tôi thường nói chuyện với cụ về Tin Lành và ơn cứu chuộc của Chúa Jêsus. Tôi cũng đã biếu cụ một bộ Kinh thánh Tân Cựu Ước, rồi ít lâu sau gặp lại, tôi hỏi cụ có xem không, thì cụ cho hay là đang xem và rất vui khi xem Kinh thánh. Hồi ấy thái độ kiêu hãnh của ông già trong tòa soạn báo Tiếng Dân khi xưa không thấy nữa, hiện diện trước mặt tôi là một nhà chí sĩ, một cách mạng gia lão thành khiêm nhường khả kính. Tôi cầu nguyện thật nhiều để lời Chúa trở nên ánh sáng cho đường lối của cụ.

Chiều hôm đó, cụ Huyên và tôi đến thăm cụ Phan Bội Châu để tặng Kinh thánh và làm chứng Tin Lành. Đồng bào ở Huế thường gọi cụ là Ông Già Bến Ngự, vì sau khi bị bắt và bị kết án, người Pháp đã quản thúc cụ Phan trong một chiếc thuyền lớn trang bị đầy đủ tiện nghi và thuyền nầy thường đậu tại Bến Ngự. Nhưng sau đó ít lâu họ không để cụ ở dưới thuyền nữa mà dời lên một căn nhà trên đường đi Nam giao gọi đường Ba-dốc (Huế). Nhà nầy cũng do người Pháp xây cất để cụ ở, lương thực cũng do họ cung cấp và dĩ nhiên mọi hoạt động của cụ đều có người theo dõi cẩn thận. Vì tính cách biệt cư đó, cho nên đồng bào không mấy ai dám giao thiệp với cụ. Tôi và cụ Huyên vì vô tình nên không hay cớ sự như vậy. Vả lại mục đích của chúng tôi là đem Tin Lành đến cho cụ Phan mà thôi. Mọi chi tiết khác đều không đáng kể.
Khoảng ba giờ chiều, chúng tôi đến căn nhà nói trên, được cụ Phan ra tiếp. Nhìn quanh nhà không thấy ai khác ngoài cụ. Nhưng khi ngồi xuống ghế thì một người đàn ông lực lưỡng mang súng từ ngoài bước vào. Cụ Phan giới thiệu: “Đây là người bạn ngày đêm ở gần tôi theo lệnh của người Pháp, vì họ kể tôi như là một thứ vi trùng hay lây nên sợ ai đến gần sẽ bị lây”. Trong khi ấy thì anh chàng nầy thản nhiên tay cởi súng đặt lên bàn, miệng nói: “Tôi ở đây giúp cụ và hầu chuyện cho cụ vui”. Chúng tôi tự giới thiệu là Mục sư Tin Lành xin đến thăm cụ và tặng cụ quyển Kinh thánh là Lời Sự sáng và cũng có Lời của Sự sống. Cụ Phan đứng lên hai tay đưa ra nhận quyển Kinh thánh và nói: “Trong đời lưu vong của tôi, tôi chỉ có một người có thể gọi là bạn, đó là một vị Mục sư Trung hoa khi tôi ở bên Quảng Tây, vị Mục sư ấy cũng có đọc Thánh Kinh cho tôi nghe”.

Chúng tôi giải bày Lời Chúa là Lời Sự Sống và cũng là Lời Sự Sáng cho cụ. Thái độ của cụ rất khiêm tốn và những câu hỏi của cụ tỏ ra cụ đang muốn tìm con đường giải thoát. Sau khi đã trình bày cặn kẽ về sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá và quyền năng phục sinh của Ngài cho cụ, chúng tôi từ giã cụ ra về.
Cụ tiễn chúng tôi ra ngoài sân, thấy tôi chăm chú nhìn ngôi mộ mới ở góc vườn. Dường như cụ đã đoán được tôi đang để ý ngôi mộ mới ấy. Cụ chỉ tay vào ngôi mộ rồi nói: Đây là cái mộ của con chó Vá của tôi chết vài tuần nay. Tôi có bài thơ định viết trên bia để nhớ nó, nhưng chưa có bia, tôi đọc để hai cụ nghe, rồi cụ đọc: 

“Vì có dũng nên liều chết phấn đấu.
Vì có nghĩa nên trung thành với chủ.
Nói thời dễ, làm thực khó.
Người còn vậy, huống gì chó!
Há như ai kia, mặt người lòng thú
Nghĩ thế mà đau.
Dựng bia mộ nó.

(PHAN BỘI CHÂU)

Tôi ghi lại đây để nhớ cuộc gặp gỡ của chúng tôi với cụ Phan.
Rồi cụ tiếp: Con chó Vá của tôi rất trung tín mặc dù chủ nghèo! Tôi chưa có dịp mô tả tính nết của nó trên bia. Đang khi nói cụ nhìn người công an với cái nhìn đầy ý nghĩa. Chúng tôi nghĩ thật mỉa mai, một nhà chí sĩ cách mạng như cụ Phan Bội Châu, suốt đời vào tù ra khám, đến lúc tuổi già lại vẫn phải sống biệt cư. Người ta đày ải cụ chỉ vì lòng cụ thiết tha yêu nước. Cái bia của con chó vá cũng là ý nghĩa của sự tận trung. Cụ Phan đã đặt quê hương lên trên mạng sống. Chúng tôi rất kính phục cụ và hằng ngày cầu nguyện xin Chúa giúp cụ tìm được ánh sáng của sự cứu rỗi qua lời Kinh thánh.[7]

Biến cố 1954 với Thánh ca 503.

Trong khi dạy chúng tôi tại Thánh Kinh Thần Học Viện, Cụ Mục sư Lê văn Thái đã một lần bùi ngùi thuật lại biến cố lịch sử của Hội thánh trong biến cố lịch sử của Đất Nước 1954. Nhưng trước hết, chúng ta hãy đọc những dòng tâm tư của Cụ Mục sư viết về thời điểm lịch sử đó:

“…ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneve được ký kết giữa Pháp và Việt Minh khiến mọi người bàng hoàng ngơ ngác. Thiết tưởng không có gì làm cho người dân Việt lúc bấy giờ đau lòng hơn là phải chứng kiến thảm trạng đất nước bị chia đôi.

Lịch sử quốc gia cũng như lịch sử Giáo hội đã đi vào một ngõ rẽ quan trọng. Trong cuộc di cư vĩ đại năm 1954 gần một triệu người đã quyết định lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rún tại Miền Bắc để vào Nam. Hội thánh của Đức Chúa Trời cũng bị xáo trộn rất nhiều vì những biến chuyển của thời cuộc. Cảm thông được điều ấy nên trước ngày di cư, Tổng Liên Hội đã phổ biến một thông cáo khẩn cấp đại khái ai di cư hay ở lại miền Bắc thì báo cho Tổng Liên Hội biết. Kết quả sau thông cáo ấy có 17 gia đình Mục sư, Truyền đạo tình nguyện ở lại miền Bắc. Chúa đã dùng các đầy tớ của Ngài ở lại đó để duy trì công việc, nhờ đó Tin Lành vẫn được rao truyền ở miền Bắc ngay trong lúc tình hình đất nước căng thẳng nhứt”.[8]

Cụ Mục sư Lê văn Thái nói với chúng tôi trong giờ phút chuyến tàu xuôi Nam tại Hải Phòng rời bến, các Mục sư Truyền Đạo cùng tín hữu trên tàu cũng như trên bờ đã hát vang bài Thánh ca chia tay đầy nước mắt (Thánh ca Tin Lành Việt Nam số 503):

Anh em ta chia tay mong sẽ gặp nhau.
Yêu thương không phai, tâm linh giao cảm.
Xin Cha chăn nuôi anh em ta cả!
Nguyện nguồn phước thiêng đượm nhuần linh hồn hoài!
Nơi chân Chúa - sẽ thấy nhau!
Thấy nhau luôn cho thỏa lòng nầy.
Nơi chân Chúa - sẽ thấy nhau,
Dẫu ta chia tay tạm biệt nhưng lại gặp.

Lúc Cụ hát những lời nầy thì Cụ đã già rồi, giọng khàn khàn như ngâm hơn là hát, nhưng sao cảm động lòng tôi biết bao, cứ tưởng mình đang cùng đứng vẫy vẫy tay khi tàu từ từ xa bến. Những lời của Thánh ca mà Cụ Mục sư hát là những lời từ thơ thánh cũ xa xưa, mộc mạc, không gọt giũa, nhưng đầy cảm xúc chân thành.

CUỘC PHẤN HƯNG

Để hiểu rõ nhu cần cuộc phấn hưng nầy, tôi trích lời tường thuật của Mục sư Lê Hoàng Phu về tình hình của Hội thánh lúc bấy giờ. Mục sư Lê Hoàng Phu ghi lại:

“Với sự tấn công Trân Châu Cảng tháng 12-1941, các giáo sĩ đã không còn nhận được ngân khoản từ trụ sở Hội Truyền giáo ở Mỹ quốc. Những phần mười và tiền dâng từ các thuộc viên Hội thánh, hầu hết với lợi tức cố định, không đủ để trang trải nhu cần càng ngày càng gia tăng của các Hội thánh, vô luận là hội tự lập hay còn đang nhận trợ cấp… Ba vị chủ nhiệm cũng được thông báo ít lâu sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ rằng bắt đầu từ ngày 1.2.1942 sẽ không có tiền trợ cấp từ Hội Truyền giáo.

Bắc Việt Nam không phải giàu có gì, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng chẳng phải chỉ bởi đạo quân chiếm đóng mà cũng bởi làn sóng người Trung hoa di cư từ miền Nam Trung quốc. Tình trạng suy thoái kinh tế nầy gây nên một ảnh hưởng trái nghịch trên Hội thánh Tin Lành trong địa hạt. Năm 1942, Địa hạt nầycó 99 thuộc viên chịu lễ báp-têm và 21 mục sư truyền đạo hầu việc Chúa tại 27 Hội thánh và 30 hội nhánh, mà chỉ có 4 Hội thánh tự lập. Điều kiện kinh tế mới buộc Ban Trị sự đóng cửa 11 hội nhánh và còn hăm dọa đóng cửa trên 80% các nơi nhóm họp…

Hội Đồng Tổng Liên Hội triệu tập tại Đà Nẵng từ 15 đến 19-8-1942, không có Hội trưởng chủ tọa vì Mục sư Lê Đình Tươi bị chứng bán thân bất toại. Phó Hội trưởng là Mục sư Lê văn Quế qua đời mấy tháng trước đó. Mục sư Ông văn Huyên, Tổng Thư ký tạm quyền chủ tọa Hội Đồng. Ngày 19-8-1942, Mục sư Lê văn Thái, chủ nhiệm Bắc hạt từ năm 1932, được cử làm Hội trưởng thay thế Mục sư Lê Đình Tươi đang đau nặng… Trên vai vị mục sư thức thời nầy, một trách nhiệm trọng đại là lãnh đạo Hội thánh trong thời kỳ nghiêm trọng nhất của lịch sử Hội thánh.

“… Các giáo sĩ đã nhận được một công điện từ Ủy Ban Truyền giáo tại Nữu Ước vào ngày 2.8.1941. Những huấn thị thật rõ rệt, những người nào gần đến kỳ nghỉ phép thì phải về ngay lập tức, các giáo sĩ trẻ phải qua Phi-luật-tân, còn bao nhiêu thì chỉ đàn ông ở lại, đàn bà và trẻ em còn ở lại thì ráng chịu lấy rủi ro. Trong số 74 giáo sĩ hầu việc Chúa tại Việt Nam, Campuchia, Lào và Đông Thái lan, có 68 người quyết định ở lại tại nhiệm sở với 31 trẻ em. Tháng 7.1943, có 13 giáo sĩ của nhóm nầy được hồi hương với 12 trẻ em trong cuộc trao đổi thường dân Nhật - Mỹ đầu tiên. Họ được đại diện bởi Tòa Lãnh sự Thụy sĩ, và có thể từng hồi, từng lúc, nhận được ngân khoản từ trụ sở Hội Truyền giáo… Tháng 4.1943, nhà chức trách Nhật ra lịnh cho chính phủ Pháp tập trung tất cả các giáo sĩ ở Mỹ tho, Nam Việt Nam, chỉ có giáo sĩ Jean Funé được ở lại tại giáo sở của họ ở Sơn La, Bắc Việt, vì ông có quốc tịch Pháp, nhưng cũng chẳng lâu trước khi người Pháp tố cáo ông Funé có tinh thần chống Pétain và cũng bị bắt giam…

“Vài giáo sĩ nắm lấy cơ hội bắt buộc nầy mà biên soạn mấy cuốn sách. Mục sư Wm. Cadman, sưu tập cuốn Thánh Kinh Từ Điển; Mục sư J.D. Olsen đã nhuận chánh sách Thần đạo có hệ thống, và các sách khác chứng tỏ rất giá trị đối với các mục sư truyền đạo Việt Nam.

Với sự đột kích của người Nhật lật đổ chính quyền thực dân Pháp đêm 9.3.1945, khởi sự giai đoạn gắt gao nhất của kỳ quản thúc. Các giáo sĩ bị ngược đãi bởi lính gác Nhật, mấy người bị đánh tàn nhẫn. Nhưng sự thử thách gay go của họ nói chung còn dễ chịu hơn những nơi tập trung khác dưới quyền quân đội Nhật. [9]

Sau đây là trích thuật lời của Cụ Mục sư Lê văn Thái về Cuộc Phấn hưng mà Chúa cho xảy ra để đáp ứng nhu cần công việc Chúa lúc bấy giờ.

“… Trong khi chúng tôi đang dốc toàn lực cho miền Bắc, thì ngày 10-2-1942, tôi bỗng nhận được thư của ông Mục sư Kiều Công Thảo, Chủ nhiệm Nam hạt mời tôi vào giảng cho Hội đồng Nam hạt nhóm tại Cần Thơ, thay cho Mục sư Hội trưởng Lê Đình Tươi thọ bệnh bất ngờ. Thoạt tiên tôi nghĩ là không thể đi được vì hai lẽ: thứ nhất, tôi không thể rời Bắc hạt trong lúc nầy; thứ hai, tôi chưa chuẩn bị và không biết ý Chúa muốn mình nói những gì với Hội đồng. Vả lại, ngày 14-2-1942, tôi phải có mặt tại Cao bằng để giảng bố đạo và phục hưng tại đó, nên tôi trả lời là không thể đi được.

Sau khi gởi điện văn từ chối không thể đến Cần Thơ, tôi liền nhận được một điện tín khác từ Nam hạt gởi ra, nội dung hết sức ép nài, mong mỏi tôi đến bằng mọi cách. Các giáo sĩ và mục sư tại Hà nội cũng khuyên giục tôi nên đi. Không thể làm cách nào hơn, tôi liền trải bức thư của ông Chủ nhiệm Nam hạt trên giường ngủ để cầu hỏi ý Chúa và xin Chúa giúp tôi quyết định hiệp ý muốn Ngài. Đêm ấy, trong giấc ngủ, tôi nằm chiêm bao. Khải tượng trong giấc chiêm bao ấy và sự dạy dỗ của lời Chúa trong sách Sáng. 46:4, giúp tôi có một quyết định hợp lý là ĐI.

Câu chuyện về giấc chiêm bao trên đây, ít lâu sau, được đăng tải trên vài tờ báo tiếng Anh bên Mỹ. Rồi một tờ báo Pháp cũng tường thuật lại với nhan đề: “Le Rêvu du Pasteur Thái”. Sở dĩ một giấc mơ thông thường như vậy được loan đi khắp nơi trên thế giới, vì chính đó là khởi điểm của một biến động do Chúa cho phép xảy ra để giúp đức tin tín đồ và nuôi sống Hội thánh miền Bắc từ năm 1942 đến đầu năm 1946.
Cụ Mục sư Thái tự thuật:

“Chiều hôm đó (19-2-1942) tôi dành thì giờ biệt riêng cầu nguyện trong phòng. Tâm trí tôi xoay chung quanh hình ảnh: Con lừa con của con lừa cái, đưa Chúa đi giữa sự hoan hô của đoàn dân đông. Tôi tự nhiên nhận thấy mình đơn sơ như con lừa con, và tôi đã cúi đầu thầm nguyện: "Lạy Chúa, nếu Chúa dùng, xin Ngài ngự vào lòng con, cho con những ý tốt đẹp và những lời đầy ơn để nói với Hội đồng hầu cho danh Chúa được vinh hiển”. Trong đêm tối, ý tưởng trên đây quấn quít lấy tôi, tôi không ngớt cầu xin với Chúa:

 "Con là con lừa ngây dại, nhưng xin Chúa dùng con trong dịp nầy để tôn cao danh Ngài”.

“Hội đồng qua một ngày với nhiều phước hạnh. Phần đông ăn nuốt lời Chúa cách sốt sắng lạ thường. Chiều hôm sau là giờ nhóm riêng cho thanh niên. Tôi dùng Thi thiên 119:9 để làm nền tảng cho bài giảng. Chúa giúp tôi khai thác sâu rộng ý nghĩa của tiêu đề: “PHẢI LÀM SAO CHO ĐƯỜNG LỐI MÌNH ĐƯỢC TRONG SẠCH”. Giải đề cho tiền đề trên đây là: “PHẢI CẨN THẬN THEO LỜI CHÚA”. Mục đích của bài giảng nầy nhằm khuyến khích thanh niên đọc lời Chúa và vâng giữ lời Ngài. Bổ túc cho giải đề của tiền đề là tiêu đề của vua Đa-vít: “TÔI ĐÃ GIẤU LỜI CHÚA TRONG LÒNG TÔI, ĐỂ TÔI KHÔNG PHẠM TỘI CÙNG CHÚA”.
Trong khi tôi đang giảng, thì một thanh niên đứng lên khỏi ghế mình, tiến về phí tòa giảng, nước mắt trào ra, cổi áo ngoài đặt lên bàn và nói: “vì công việc Chúa tại Bắc hạt, tôi xin dâng vật nầy”. Tiếp đến là một thiếu phụ tiến về phía tòa giảng vừa đi vừa khóc, cổi đôi bông tai để lên bàn và lặp lại câu nói của người thanh niên: “Vì công việc Chúa tại miền Bắc, tôi xin dâng vật nầy”.

Không phải như câu chuyện vua Nê-bu-cát-nết-sa chiêm bao rồi quên hẳn đi như đã được chép trong Đa-ni-ên đoạn 2. Nhưng sự thật tôi đã quên lửng những gì tôi đã thấy trước khi vào dự Hội đồng. Bây giờ thái độ hành động của thanh niên và thiếu phụ nầy bỗng nhắc tôi nhớ lại một đoạn phim đã được xem qua..
 ‘trong giấc mơ’. Những người bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt tôi, đây chính là những người tôi đã thấy trong khải tượng. Tiếp đó, người cởi giày, kẻ cởi áo, bông tai, đồng hồ chen lấn nhau tiến về phía tòa giảng để dâng vật tốt nhất mà mình đang có cho công việc Chúa ở miền Bắc. Trong số những người dâng trên đây, có bà Giáo sĩ D. I. Jeffrey dâng một cái đồng hồ đeo tay rất quí giá.

Những tặng vật trên đây tôi giao cho một ủy ban kiểm kê và lập phiếu gởi ra Hà-nội. Sau cùng, chúng tôi phải dùng hai chiếc va-li lớn mới đựng hết những món đồ cứu trợ nầy.

Sau Hội đồng Cần Thơ, tôi (Mục sư Lê văn Thái) ra thăm các Hội thánh Trung hạt và giảng choHội đồng Linh tu tại Đức phổ (Quảng Ngãi) ngày 24-2-42.

 Tôi dùng Êph. 3:14-19 làm nền tảng cho bài giảng. Khi tôi đang đọc đến câu: “ĐẾN NỖI ĐẤNG CHRIST NHƠN ĐỨC TIN MÀ NGỰ TRONG LÒNG ANH EM”, bỗng nghe có những tiếng khóc từ các hàng ghế nổi lên rồi lần lần lan rộng khắp nhà thờ. Một cô truyền đạo trẻ tuổi bước ra khỏi chỗ ngồi tiến về phía tòa giảng, vừa khóc vừa tháo đôi bông tai đặt lên bàn, nói trong màn lệ: "Tôi xin dâng vật tốt nhất mà tôi có để góp phần hầu việc Chúa ở Bắc hạt”. Quang cảnh cảm động khóc lóc giữa Hội đồng Cần Thơ mấy hôm trước đây bây giờ lại tái diễn tại Hội đồng Đức phổ. Tôi sững sờ không biết nói gì khác hơn là nức lòng ngợi khen quyền năng cao cả của Chúa Thánh Linh. Từng loạt người đứng lên, chen lấn nhau trong tiếng khóc Những đôi giày, những cái khăn, cái áo, những đồng hồ, nón nỉ, va-li được toàn thể anh em tín hữu tình nguyện hiến dâng cho công việc Chúa tại miền Bắc. Chúa đang giục giả lòng anh em. Tất cả đều nôn nả sốt sắng. Lửa Thánh Linh cuồn cuộn dâng cao. Tình yêu thương thật tràn ngập tâm hồn mọi người.
“Tối thứ tư, ngày 25-2-42, tôi giảng tại trường Kinh thánh Đà-nẵng. Chúa nhắc nhở tôi một đoạn ngắn trong thư II Tim. 1:13-14, rồi tôi dùng hai câu Kinh thánh nầy để làm nền tảng cho bài giảng. Chúa giúp đỡ tôi khai triển đầy trọn ý nghĩa mệnh đề sau đây: “HÃY LẤY LÒNG TIN VÀ YÊU TRONG ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST MÀ GIỮ LẤY MẪU MỰC CỦA CÁC SỰ DẠY DÔ CÓ ÍCH”. Tôi đã trình bày với tất cả nhiệt tình. Lời Chúa do đó đâm thấu vào lòng toàn thể anh chị em sinh viên, học sinh. Cũng như tại Hội đồng Linh tu Đức phổ, trong khi tôi đang giảng bỗng có tiếng khóc từ giữa lễ đường vang lên, rồi một học sinh đứng dậy tiến lên về phía tòa giảng, cởi chiếc đồng hồ đeo tay đặt lên bàn, vừa khóc vừa nói: “Tôi dâng vật nầy để góp phần hầu việc Chúa tại Bắc hạt”. Tiếp theo đó, người nầy vừa đi xuống, người khác tiến lên, kẻ dâng đôi giày, người dâng cái nón, kẻ dâng chiếc nhẫn cưới, người dâng chiếc vòng hứa hôn. Có người lại chạy ngay về phòng trọ mang cây đờn, người khác lại mang chiếc va-li và cả những bộ quần áo đem dâng cho Chúa. Đức Thánh Linh làm việc rất lạ, đến nỗi người cư ngụ gần trường Kinh thánh có dịp nghe giảng cũng cảm động, chạy về nhà lấy tiền bạc và đồ vật đến dâng. Mọi người nhìn nhau, ánh mắt ngời lên trong một niềm tin yêu cảm thông hết sức đậm đà…

“…Đến sáng Chúa nhật, ngày 1-3-42, sau khi thờ phượng Chúa và giảng Kinh thánh, tôi bắt đầu tường thuật cho Hội thánh Hà-nội nghe những biến động trong cuộc hành trình vào Nam vừa qua của tôi. Những việc lạ lùng Chúa đã làm ở Cần Thơ, Đức phổ cũng như ở trường Kinh thánh Đà nẵng. Tức thì như có một luồng điện mạnh chạm vào lòng tất cả những con cái Chúa đang dự nhóm trong nhà thờ. Tâm hồn họ như tan vỡ, và bừng cháy bởi sự kính mến Chúa và tình yêu thương linh hồn đồng bào…

“…sau khi nhận được những tặng phẩm từ các nơi gởi về để cứu trợ cho công việc Chúa tại miền Bắc, Hội thánh tại Hà-nội liền phát động phong trào mua các vật đã dâng để tặng lại cho người dâng… Có thể bảo lửa Thánh Linh đã ngún cháy tại Cần Thơ, lan rộng ra miền Trung và cuối cùng bốc cháy mãnh liệt tại Hà-nội…

“…Bắt đầu từ đó, mọi người hết lòng hết sức góp phần hầu việc Chúa.

“… do biến động nầy, các Hội thánh Chúa ở Nam, Trung và Bắc đồng loạt thức tỉnh, tất cả đều ý thức được trách nhiệm của mình là phải làm sao cho Hội thánh được tự trị tự lập cách bền vững…”[10]
Về Những Bài Giảng.

Cụ Mục sư Lê văn Thái có một lối giảng tự nhiên, có một chút gì triết lý từ những sách Cụ Mục sư đã đọc, và như Cụ Mục sư đã khuyên các sinh viên Thánh Kinh Thần Học Viện chúng tôi cần học nghệ thuật khôi hài nên những bài giảng của Cụ cũng thể hiện những nét dí dỏm vui khiến người nghe không căng thẳng.
Nhắc đến Cụ Mục sư Lê văn Thái, là nói đến đời sống phục vụ Chúa trong những vai trò lãnh đạo Hội thánh trong những thời kỳ xao động nhất của lịch sử Đất Nước Việt Nam chúng ta, Đức Chúa Trời đã sử dụng Tôi Tớ của Ngài để lèo lái con thuyền của Hội thánh trong những cơn sóng to gió lớn bên ngoài đời nầy cũng như bên trong nội bộ Hội thánh. Chúng ta phải cảm ơn Chúa ít nhất hai điều khi nói về Cụ Mục sư:

1.      Đức Chúa Trời đã cho Cụ Mục sư can đảm và khôn ngoan để giữ Hội thánh của Chúa không nghiêng lệch chính trị đời nầy trong lúc chung quanh đầy áp lực. Lại ban cho Hội thánh nếm được một cơn phấn hưng về tinh thần dâng hiến để Hội thánh không lệ thuộc sống còn vào ngoại viện, mà biết tự đứng trên chân của mình. Điều tôi cảm phục là Cụ đã không lấy những công việc to lớn đó để đánh bóng tên tuổi của mình, Hội thánh của Chúa tại Việt Nam không hề xem Cụ Mục sư như một bậc thần thánh, chỉ nhìn xem Cụ như một công cụ được ân điển của Chúa dùng, và tôi cũng đã không hề nghe Cụ bóng gió Cụ là quan trọng. Cảm phục thay!

2.      Điều đáng cảm phục nữa của Người Đi Trước nầy là Cụ Mục sư quyết tâm bước xuống khỏi chiếc ghế Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam giữa lúc uy tín và ơn Chúa vẫn còn, vì biết rằng: Đã đến lúc thế hệ đồng vắng phải nhường cho thế hệ Đất Hứa. Mấy ai dám làm như vậy! Cảm phục thay!

Tuy nhiên, tôi muốn ghi thêm một câu chuyện ‘thiệt nhỏ’ để cảm ơn Chúa cho một người làm những việc lớn cũng biết những việc nhỏ, biết quăng lưới ké những mẻ cá lớn nhưng cũng biết câu từng con cá nhỏ. Cụ Mục sư kể cho các sinh viên Thần học chúng tôi rằng: ‘Khi Cụ về chủ tọa Hội thánh của Chúa tại Hà-nội, trong Hội thánh có một tín đồ làm Thủ quỹ Hội thánh rất có thế lực và tài lực nhưng vẫn còn hút thuốc khiến nhiều con cái Chúa vấp phạm mà không ai dám nói hay khuyên. Một hôm, Cụ Mục sư cảm nhận Đức Thánh Linh cáo trách và thúc giục Cụ đối diện với người tín đồ đó. Cụ Mục sư đạp xe đến nhà của ông Thủ quỹ Hội thánh nhưng sự e ngại khiến Cụ không dám ngừng nên đạp xe qua luôn. Chạy qua một đổi, Cụ thấy Chúa cáo trách Cụ quay trở lại, rồi lại chạy ngang qua, cứ thế mấy lượt. Cuối cùng không chịu được tiếng Chúa thúc giục, Cụ dừng xe vào nhà ông Thủ quỹ Hội thánh. Sau vài câu chào hỏi xã giao, Cụ lấy can đảm vào đề cho biết Cụ nghe biết ông Thủ quỹ chưa nhờ ơn Chúa từ bỏ việc hút thuốc khiến nhiều con cái Chúa vấp phạm. Lạ lùng thay, khi nghe Mục sư chủ tọa mới khuyên trách vài câu, ông Thủ quỹ Hội thánh bật khóc lớn và nói: 'Mục sư ơi, tôi đã chờ lời khuyên trách nầy mười mấy năm rồi”. Cảm ơn Chúa phép lạ đã xảy ra, đời sống của con cái Chúa được biến cải!

Chúa Jêsus đã phán với Phi-e-rơ: “Hãy theo ta,, ta sẽ cho ngươi nên tay đánh lưới người’, và Chúa Jêsus cũng phán với Phi-e-rơ: ‘Hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào dính câu…’ (Math. 4: 19; 17:27).

Ms TRẦN THÁI SƠN



         lời giới thiệu:

1)  -   đầu ngày Chúa nhật , blog Virgil Gheorghiu sẽ post một bài  trong
         " Những người đi trước tôi" của Ms Trần Thái Sơn. 
     -   Chúa nhật tuần trước,  bài  nói về cố mục sư  tiên phong Ông Văn Huyên.

2)  -   mục sư  Trần Thái Sơn hiện ở Tp. HCM , từng nhiều lần được Ban Trung Lão           Chi hội Tin lành Thị Nghè mời giảng luận. 

          Blog Virgl Gheorghiu
          Sài Gòn,  Dec., 5/ 2021


          ===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ