đọc thêm (3) : " cảm thụ & đánh giá văn chương / Nguyễn Đăng Mạnh " -- source : nico-paris.com >
CẢM THỤ VÀ ĐÁNH GIÁ VĂN CHƯƠNG
GS.Nguyễn Đăng Mạnh, sinh năm 1930, nguyên là cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn, trường Đại học sư phạm Hà Nội. Ông là một trong những cây bút nghiên cứu-phê bình văn học nổi tiếng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Bạn đọc đã quen thuộc với những bài viết về tác giả-tác phẩm của Nguyễn Đăng Mạnh, nhưng còn một số bài viết, những ý kiến cô đọng ghi lại những kinh nghiệm viết phê bình của ông thì ít được phổ biến rộng rãi. Được sự đồng ý của GS, nico-paris.com xin trân trọng giới thiệu một số bài viết đặc sắc của ông.
1. Viết phê bình, khó nhất là khâu thẩm văn, thẩm thơ. Tôi cho đó là khâu "phi phương pháp luận". Thời đại ngày nay có không biết bao nhiêu là phương pháp: nào là cấu trúc học, phân tâm học, ký hiệu học, thi pháp học… nhưng chả có phương pháp nào học được là có thể phân biệt văn hay văn dở, có thể thấy lạnh xương sống hay chảy nước mắt trước những kiệt tác, những thần bút. Mà không cảm thấy như thế thì biết đánh giá văn chương thế nào và biết lấy gì mà nói, mà viết!
Đây là một hiện tượng "thần bí", không giải thích được sao? Tôi không nghĩ thế.
Có thể diễn tả cái cơ chế của phản ứng tình cảm, cảm xúc của con người ta trước cái đẹp như thế này chăng: Trong tâm hồn mỗi con người có một "trường liên tưởng thẩm mỹ" hình thành từ khi lọt lòng mẹ (thậm chí từ trong bụng mẹ), gồm những ấn tượng thẩm mỹ tạo nên bởi những tác động của môi trường bao quanh (thiên nhiên, hoàn cảnh gia đình, xã hội, môi trường văn hóa, tiếp xúc sách vở, tranh ảnh, âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác…). Đứng trước một bức tranh đẹp, một áng văn hay, sự xúc cảm thẩm mỹ diễn ra trên cơ sở một loạt liên tưởng giữa những yếu tố nào đó của đối tượng thẩm mỹ (khách quan) với những ấn tượng nào đó trong trường liên tưởng thẩm mỹ (chủ quan) của người thưởng thức. Đó là phản ứng tự nhiên và tức thời nhưng của toàn bộ con người văn hóa ở người đọc văn.
Người thẩm văn giỏi là người có trường liên tưởng thẩm mỹ phong phú. Và bình văn, hiểu ở một phương diện nào đấy, là sự diễn tả những liên tưởng giữa cái vốn ấn tượng thẩm mỹ của nhà phê bình với những vẻ đẹp của bài văn, bài thơ. Cho nên có người giảng một chữ "vèo" trong bài thơ của Tản Đà ("Vèo trông lá rụng đầy sân") hàng tiếng đồng hồ, trong khi người khác muốn giảng một câu cũng không được - vì trường liên tưởng thẩm mỹ nghèo nàn quá, không có gì để liên tưởng cả.
Trường liên tưởng thẩm mỹ, xét đến cùng là vốn sống, vốn văn hóa. Nhưng đừng tưởng cứ sống lâu, cứ đi nhiều, đọc nhiều là có được đâu. Điều quan trọng là phải sống sâu sắc cuộc sống của mình, rung cảm sâu sắc với những điều mình thấy, mình nghe, mình đọc, mình yêu, mình ghét, mình kính trọng hay khinh bỉ… Người sống hời hợt thì dù có sống trăm tuổi, đi khắp thế giới, đọc đủ thứ sách trên đời cũng không thể có được một vốn thẩm mỹ đủ để rung cảm thật sự trước vẻ đẹp của văn chương. Ta hiểu vì sao có những vị giáo sư rất uyên bác, sách gì cũng đọc, phương pháp nào cũng biết, mà suốt đời không viết được một bài nào có giá trị.
Do trường liên tưởng thẩm mỹ ở mỗi người rất khác nhau nên sự phản ứng của mỗi người trước các giá trị nghệ thuật cũng khác nhau. Điều này các nhà lý luận đã nói rồi. Cũng vì thế mà phong cách bình văn của những cây bút phê bình cũng khác nhau. Chẳng hạn Chế Lan Viên thiên về liên tưởng trí thức sách vở. Lối bình văn của ông rất uyên bác. Hoài Thanh lại thiên về liên tưởng đến những trải nghiệm trong đời sống hàng ngày. Cách viết của ông vì thế giản dị, dễ hiểu. Ông là người sống rất sâu sắc cái cuộc sống đời thường của bản thân mình. Xuân Diệu thì hay liên tưởng đến chuyện tình yêu. Dưới ngòi bút của ông, chẳng cứ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Tản Đà, ngay cả Nguyễn Trãi, thậm chí cụ Đồ Chiểu cũng tình tứ đáo để…
Với nhà văn Tô Hoài ( ảnh ĐNT)
2. Đánh giá văn học (bao gồm cả sáng tác và phê bình), người ta thường nói hay hay dở, sâu hay nông. Tôi cho rằng nên dùng thêm khái niệm "sang" nữa.
Mở đầu tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc có dẫn ra một câu ngạn ngữ Trung Hoa, đại ý: "Con sư tử bắt thỏ cũng dùng hết sức". Bắt thỏ thực ra không cần đến sức sư tử. Cầy cáo cũng bắt được. Nhưng sư tử bắt thỏ cũng không chịu cẩu thả. Nó dùng hết sức, bắt cho thật đẹp, thật oai phong, thật sang. Đây là sư tử bắt chứ không phải cầy cáo bắt.
Văn sang là "văn sư tử", không phải "văn cầy cáo".
Qua văn, có thể thấy tư thế của người viết, tiềm lực của người viết. Ấy là tiềm lực tư tưởng và văn hóa, tư thế tư tưởng văn hóa. Văn viết xuất phát từ tư tưởng thấp kém, ý đồ tầm thường, thậm chí đê tiện, là văn của kẻ tiểu nhân, của loài cầy cáo.
Có người viết văn chỉ lo bị người đọc chê là dốt nát, thiếu trí thức, nên "làm dáng trí thức", nghĩa là khoe chữ nghĩa "uyên bác", khó hiểu một cách không cần thiết. Văn ấy muốn làm sang mà hóa ra không sang. Cái mặc cảm bị người ta coi thường ấy chứng tỏ người viết chưa có tư thế văn hóa thực sự.
Gần đây, thi pháp học, được du nhập vào nước ta và được vận dụng rộng rãi trong nghiên cứu, phê bình văn học. Đây là cách tiếp cận văn chương có khả năng đạt hiệu quả tốt, tránh được tệ xã hội học dung tục, dẫn tới nhiều phát hiện thú vị về phẩm chất nghệ thuật của văn học. Tuy nhiên, sự chưa tiêu hoá lý thuyết, năng lực cảm thụ thẩm mỹ yếu, kết hợp với thói "khoe trí thức" đẻ ra không ít cuốn sách, bài viết đầy rẫy chữ nghĩa "tân kỳ" mà nội dung thì không có gì mới mẻ, thậm chí vay mượn của người khác một cách trắng trợn nếu không phải là đưa ra những luận điểm gò gẫm, cố tình cắt xén, gọt đẽo thế giới nghệ thuật phong phú, đa dạng của nhà văn cho vừa với những phạm trù lý thuyết mới học được. Thành ra phương pháp luận không còn là nguyên tắc tư duy khoa học mà là một thứ biện pháp tu từ, một cách diễn đạt cho có vẻ mới lạ. Có thể xem đó là "nạn dịch thi pháp học". Cách viết lách như thế cũng "nhếch nhác" không thể gọi là sang được.
Lại có những người sính trích dẫn sách vở la liệt, thừa thãi - đây chủ yếu nói những người viết lý luận, phê bình. Đọc sách nhiều là cần và không biết thế nào cho đủ, nhưng phải biến thành của mình để có thể diễn đạt ra một cách bình dị, nhuần nhuyễn, trong sáng. Người ta gọi lối văn trích dẫn sách vở một cách không cần thiết như thế là thứ "văn học trò" hay văn tập sự của những nghiên cứu sinh.
Văn được gọi là sang tất phải giàu chất văn chương. Tác giả phải biết làm văn thật sự. Nếu cần có thể trang sức và làm dáng nữa. Nhưng làm dáng mà không kiểu cách, uốn éo, điệu bộ; trang sức mà không phô phang như lối người giàu hợm của. Văn như thế mới có thể sang được.
Trong văn chương, có những thủ pháp tu từ, đại loại như cách ví von, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân cách hóa, đối câu, chọi chữ, tạo thanh điệu trầm bổng nhịp nhàng v.v… Những cái đó cũng giống như đồ trang sức của phụ nữ. Có nội dung tốt mà khéo trang sức, có thể tạo nên một câu văn đẹp và sang. Tuy nhiên nếu trang sức vụng về thì chỉ làm hỏng nội dung, tạo ra những câu văn lòe loẹt, kệch cỡm, vô duyên. Nhiều thầy cô giáo dạy văn cứ thấy chỗ nào người viết dùng thủ pháp tu từ là khen hay. Thực ra sử dụng các biện pháp tu từ, mỹ từ đâu có khó khăn gì. Cái khó là dùng đúng chỗ, dùng cho khéo, để đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Văn chương cao nhất xưa nay là văn chương ít dùng tu từ, mỹ từ, và nếu có dùng, cũng dùng một cách kín đáo. Làm văn sao cho người đọc không "ngửi" thấy "mùi" văn chương mới là sang.
Ngày xưa, nhà thơ Tú Xương từng chế giễu cái đám thị dân hãnh tiến của một thuở Tây Tàu nhố nhăng ở thành phố Nam Định:
Chí cha chí chát khua giày dép
Đen thủi đen thui cũng lụa là…
Những kể ấy cũng muốn sang đấy mà không sao sang được.
Viết văn cho thật sang, tất nhiên là khó. Phải dày công nghiền ngẫm, tập tành, tu luyện. Và trước hết phải có tư tưởng cho sang, nhân cách cho sang. Kẻ cơ hội chủ nghĩa, bán rẻ nhân cách, dù cố tỏ ra cao đạo, cố tỏ ra trí thức, người đọc vẫn ngửi thấy "mùi cầy cáo" bốc ra từ trang viết.
Làm văn có chỗ khác làm toán. Người làm toán giải được một bài toán, tìm ra đáp số đúng, công việc xem như đã căn bản hoàn tất. Người viết văn khi đã có tư tưởng, đã có ý tứ rồi thì cũng coi như đã tìm ra đáp số. Nhưng công việc đến đấy cũng chỉ coi như mới giải quyết được một nửa. Trong văn chương, diễn tả "đáp số" sao cho người đọc cảm nhận được là cả một vấn đề đầy khó khăn. Vì đây là tư tưởng nghệ thuật (idée poétique), là tình cảm, cảm xúc, là trực cảm, là nhận thức bằng tâm linh chỉ có thể diễn tả bằng hình ảnh, hình tượng. Viết phê bình cũng gần như vậy. Người phê bình phải sáng tạo ra một văn bản văn chương để làm sáng tỏ văn bản văn chương của người sáng tác. Ở đây, "đáp số" là một cái không thể cân đo đong đếm, không thể ghi bằng con số được. Văn phê bình vì thế rất gần gũi với văn sáng tác và nhà phê bình cũng là một loại nhà văn (tất nhiên nhiều nhà phê bình hiện nay chưa xứng đáng với tư cách ấy).
Những nhà văn lớn, những nhà phê bình lớn là những cây bút có tư tưởng lớn, đồng thời đặt câu, dùng chữ, nói chung, hành văn rất sang. Lép Tônxtôi có thói quen sửa đi sửa lại văn mình rất kỹ - văn chưa thật sang, chưa thể yên tâm. Nhiều khi bản thảo đã đưa tới nhà in rồi, còn đòi lại để sửa thêm nữa. Đấy là một con sư tử, dù bắt thỏ cũng dùng hết sức mình.
N.Đ.M
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ