Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

đọc thêm (1) : " ' quận chúa ' giữ kỷ lục về thơ "/ Trần Nguyễn Anh -- nguồn : báo Tiền phong ( Hà Nội)

 


'Quận chúa' giữ kỷ lục về thơ


TRẦN NGUYỄN ANH 
TP - Nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương sống âm thầm lặng lẽ và hầu như chỉ tham gia những hội nhóm thơ tương đối khép kín, nhưng lại là người giữ kỷ lục “Nhà thơ nữ có thơ in trên lịch nhiều nhất” của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam.
'Quận chúa' giữ kỷ lục về thơ ảnh 1 Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương dưới tấm ảnh người cha, nhà thơ Ưng Bình Thúc Dạ Thị --  ảnh: TRẦN NGUYỄN ANH

Mỗi năm chơi hội hoa xuân, thấy người ta bán nhiều tảng đá khắc thơ Hỷ Khương để trang trí non bộ trong các gia đình.

Hậu duệ của một dòng thơ

“Ngai vàng chót vót năm đời trước/ Tiếng ngọc bâng khuâng một kiếp này” – Nhà thơ Vũ Hoàng Chương viết tặng cho nữ thi sĩ mang dòng máu vương gia những dòng như thế. Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương là cháu trực hệ năm đời của vua Minh Mạng mà như cách gọi ở miền Trung chính là “quận chúa”. Song thay vì theo đuổi con đường công danh sự nghiệp, bà chỉ suốt đời làm thơ.  

Gặp thi sĩ trong ngôi nhà khiêm nhường ở TPHCM, trong ngôi nhà nhiều nhạc cụ và sách vở, cô Hỷ Khương kể: “Thầy tôi (nhà thơ thường gọi bố mình là thầy) là Ưng Bình Thúc Dạ Thị, một người yêu thơ mà ít sách bút nào tả hết được. Mỗi khi có những buổi đọc thơ, chính tôi là người ngâm thơ cho thầy tôi. Hàng ngày, hễ làm thơ xong, người lại bảo tôi ngâm lên thầy nghe xem đã hay chưa”.

Ưng Bình là một nhà thơ, một trí thức nổi tiếng ở Huế hồi đầu thế kỷ 20. Ông từng được phong Thượng Thư Hiệp Các Đại Học Sĩ. Ông cũng là Viện trưởng viện dân biểu Trung Kỳ (1940-1945), Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ Trung Kỳ.

Nhà của thi sĩ Hỷ Khương ở Vĩ Dạ chính là một điểm lui tới của các trí thức, nhà thơ một thời. Nữ sĩ tả lại chuyện Huỳnh Thúc Kháng viếng thăm: “Tôi nhớ hình ảnh cụ Huỳnh với chiếc áo đen dài, đầu đội khăn đóng, chân đi giày Tây. Người cụ gầy, nhỏ nhắn, mắt đeo kính trắng. Sau khi vui chuyện văn chương, chuyện thời sự, thầy gọi tôi ra khoanh tay ngâm thơ, ca hát vài câu hầu cụ nghe. Cụ cười rất vui, xoa đầu tôi rồi nắm tay tôi trìu mến”.

Nữ thi sĩ bùi ngùi: “Một lần thầy tôi bảo tôi ngâm bài thơ thầy sáng tác có những câu:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm

Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non 

Tôi hỏi thầy nhân vật “ai” trong bài thơ là ai vậy? Thầy tôi bảo là thầy nghe chuyện vua Duy Tân cải trang vờ câu cá bên sông để đợi Trần Cao Vân đi thuyền tới bàn việc nước, thầy cảm xúc viết bài thơ này”.

Quà thơ

Trong nếp nhà coi văn thơ như một niềm đam mê di dưỡng tinh thần, làm bài thơ hay được bố khen, cả nhà tán thưởng, lúc vui làm thơ, lúc buồn làm thơ mà có những sự việc gì cũng làm thơ, nữ sĩ bảo: “Thầy dạy tôi làm thơ lục bát, tứ tuyệt, song thất lục bát. Thầy dặn rằng làm thơ hay là thơ viết ra phải truyền cảm, người ta hiểu và người ta xúc động”.

Cụ Ưng Bình dạy cho cả 8 người con làm thơ, nhưng gần gũi hơn cả là cô con út Hỷ Khương. Năm Hỷ Khương độ 8 tuổi,  vợ ông Phạm Khắc Hòe là cô ruột, từ Đà Lạt về Huế thăm. Cô tên là cô Phẩm, tặng cho bé Hỷ Khương một gói quà. Lúc đầu cứ tưởng cô cho bánh, hóa ra là gói khoai tây.  Cụ Ưng Bình bảo con gái: “Cô cho con quà, vậy giờ con hãy làm một bài thơ quà tặng lại cô”. Hỷ Khương vâng lời, vòng tay lại tặng cô Phẩm bài thơ như sau:

“Cô Phẩm đem cho một gói này/ Mở ra thì thấy cả khoai tây/ Rứa mà em tưởng là phong bánh/ Em chạy loanh quanh mét với thầy”. Nghe vậy cô Phẩm cười rất tươi và khen động viên cháu còn nhỏ tuổi đã biết làm thơ.

Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương đến nay đã in hàng chục tập như “Đợi mùa trăng” (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001) Thơ dâng cha mẹ (2007), Tuyển tập thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (2013)…

Thơ bà rất có duyên với lịch. Theo nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy: “Năm 2008 có rất nhiều mẫu lịch in thơ bà. Trong đó có lịch bloc treo khổ A3 với nhiều bài thơ nhỏ viết dưới dạng thư pháp do Công ty An Hảo phát hành. Ngoài ra cũng có nhiều nhà sách in lịch đủ kiểu, 7 tờ viết thư pháp, lịch để làm 53 tuần, lịch 12 tháng để bàn, có nơi để tên, có nơi không để tên, có những cuốn agenda in toàn thơ Hỷ Khương không xin phép v.v… Năm 2009, First News cho in loại lịch 7 tờ bài thơ Còn Gặp Nhau với số lượng rất lớn và rất đẹp. Những gian hàng viết thư pháp cũng viết thơ Hỷ Khương bán rất nhiều: trên lụa, trên mành trúc, trên giấy gió, trên đĩa v.v… các nhà hàng cũng treo rất nhiều thơ Hỷ Khương”.

Không chỉ bạn đọc trong nước mà rất nhiều Việt Kiều khi về Việt Nam cũng mua lịch mua thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương tặng cho bà con ở Mỹ, Pháp, Úc với số lượng đáng kể…

'Quận chúa' giữ kỷ lục về thơ ảnh 2 

Kết nối bằng thơ

Thơ có khi như sấm truyền, như sự thăng hoa của thiên tài mà người ta như thể chỉ chiêm ngưỡng thôi, khó mà bắt chước. Nhưng thơ có khi là lời tâm sự, chia sẻ chí hướng, san sẻ tình cảm giữa con người với con người. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương thường nhắc đến những kỷ niệm giữa ông cụ thân sinh cùng với bạn bè của ông. Họ chia sẻ nhau những bài nhạc hay, câu thơ đẹp, người này làm bài thơ tặng bạn, người kia sẽ họa lại một bài làm phong phú câu chuyện văn chương.

Cô Hỷ Khương còn lưu bài thơ của cha mình là cụ Ưng Bình họa lại bài thơ của Huỳnh Thúc Kháng dịp đầu năm. Bài thơ nhan đề Họa thơ minh viên Huỳnh Thúc Kháng năm Tân Tỵ khai bút nguyên vận, với những câu: “Chi trì thiết thạch tâm nan chuyển/ Lai vãng phong trần mấn dị canh” (Sắt đá một lòng bền chí cả/ Phong trần nửa mái chịu sương pha).

Chỉ riêng thơ mà các nhà thơ và độc giả tặng, họa thơ của Hỷ Khương cũng đã được nhà xuất bản tập hợp in trong cuốn “Khúc tri âm”, trong đó có các bài thơ của Đào Văn Khanh, Tương Phố, Vũ Hoàng Chương, sư bà Diệu Không, Mộng Tuyết, Tam Lang, Tôn Nữ Thu Thủy, Hồ Đắc Thiếu Anh, Vũ Mão…

Cái hay của một nhà thơ đó là không chỉ giỏi làm thơ mà còn khơi gợi những người khác cùng làm thơ. Sư bà Diệu Không có những câu thơ tặng Tôn Nữ Hỷ Khương, rằng: “Nối chí mong ai tròn nguyện ước/ Vào đời chẳng ngại cảnh phong ba”.

Năm 2006, Tôn Nữ Hỷ Khương đã nhận được Giải thưởng Đào Tấn vì đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc. 

'Quận chúa' giữ kỷ lục về thơ ảnh 3Tranh: Nguyễn Văn Hổ

Mối tình anh em trong văn thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương với nhạc sĩ Trần Văn Khê tri kỷ vượt thời gian tới nỗi thơ xướng họa của hai người đã làm thành một tập!

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, tháng 10/2018

“Với nàng thơ đẹp muôn đời”


Giáo sư Trần Văn Khê viết rằng: “Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã nói lên được bằng vần điệu những tâm tư thầm kín của mọi người cũng như đã cho ta thấy rõ con người của tác giả, là sống coi trọng chữ tâm “Sống trên đời gắng giữ trọn chữ Tâm/ Và nhất niệm báo ân - đứng báo oán” và cả đời đã sống vì tình, một thứ tình người rộng rãi bao la: “Trước chỉ một chút tình/ Thiết tha trân trọng để dành cho nhau”.

Những câu thơ của của nữ sĩ Huế đã được các nhà thư pháp yêu thích viết và khắc trên gỗ, đá, giấy, sơn mài phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước: “Còn gặp nhau thì cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời”.

Nói với phóng viên, nữ sĩ tâm sự: “Tôi học được từ thầy tôi không chỉ cách làm thơ mà còn ở tinh thần Chỉ cần ngâm vịnh nghe ca hát/ Ăn uống không cần vẫn cứ no”. Cuộc đời đẹp khi sống không vị lợi, rời xa công danh”.

Với Tôn Nữ Hỷ Khương, thơ như là một động lực tinh thần để con người từ đó trở nên mạnh mẽ hơn, khát khao khám phá, cống hiến cho đời. Mỗi ngày bà vẫn làm thơ, dường như chính thơ đã đem lại cho người “quận chúa” một tình yêu vô tận với cuộc đời dù rằng bà thường nói bạn bè mình hiện đều đã ở nơi thiên cổ!  Trong bài thơ “Còn gặp nhau”, Tôn Nữ Hỷ Khương viết:

“Còn gặp nhau thì hãy cứ đi/ Đi tìm chân lý- lẽ huyền vi/ An nhiên tự tại – Lòng thanh thản/ Đời sống tâm linh thật diệu kỳ”.

Giáo sư Trần Thanh Đạm trân trọng viết về bà: “Hỷ Khương là nhà thơ có tài. Chị đã có chỗ đứng đặc biệt trong thơ ca Việt Nam thế kỷ 20 và thế kỷ 21”.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ