Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

' một truyện hay đáng đọc : " LỜI XIN LỖI MUỘN MẢN GỬI TỚI MỘT CON CHÓ "/ Tạ Duy Anh ( hà Nội) -- trích : http://t-van.net/

 Lời xin lỗi muộn màn gửi tới một con chó!

Tạ Duy Anh

Chuyện này tôi vẫn giấu kín suốt nhiều năm nay, liên quan đến một con chó. Tôi luôn nhủ lòng mình sẽ có lúc phải kể lại.

Khi đó tôi đang tại ngũ tại thị xã Lao Cai bị bỏ trống, làm ở bộ phận tham mưu tiểu đoàn. Vì thế mà chúng tôi có thời gian để tăng gia cải thiện thêm. Chả biết có phải thấy chúng tôi rảnh rỗi mà một hôm anh Nguyễn Ngọc Mùi-thượng uý, phụ trách công tác đoàn và ở cùng với chúng tôi-đi chơi Sapa về, đem theo một con chó đen nhánh, vẫn chưa mở mắt. Chẳng rõ anh nhặt được nó trong hoàn cảnh nào. Qua lời anh thì tôi đoán có lẽ anh ngẫu hứng lấy của ai đó, phần nhiều là của một phụ nữ mà anh tán tỉnh, chắc do đùa cợt rồi không nỡ ném đi nên mang về và đẩy “cái của tội nợ” đó cho tôi.

Tôi miễn cưỡng nhận nhưng trong lòng rất oán trách anh Mùi. Không nuôi thì tội nghiệp nó, mà nuôi thì chắc gì nó đã sống. Nó vẫn chưa mở mắt và chỉ to hơn cổ chân một chút. Hằng ngày tôi cho nó ăn cơm, loại cơm nấu từ tấm Ấn Độ (nghe nói thế?) nên rất dính. Mặc dù hai mắt nhắm tịt nhưng miệng nó hau háu vục vào bát cơm. Có lẽ do nó bị bỏ đói. Nhìn con vật bé xíu ăn một cách khổ sở, lòng tôi dần dịu lại. Lần nào cơm cũng dính chặt hai hàm nó vào nhau. Mỗi lần như vậy tôi phải lấy thìa cậy giúp nó khiến nó kêu úng oắng. Tôi càng được thể giận anh Mùi. Anh làm khổ tôi mà cứ coi như không, thấy thế còn nhe răng cười.

Nhưng rồi con chó cũng lớn dần. Chả may cho nó sớm bị ghẻ, dân gian gọi là “lường”. Lông nó trụi dần, trông rất bẩn mắt. Ngày nào nó cũng dùng chân sau gãi bụng sồn sột, quay tròn như sắp phát cuồng và phô ra cái thân hình ghẻ lở, xấu xí rất khó nhìn. Tôi cảm thấy có mối ác cảm cay nghiệt với nó. Mỗi lần nó xuất hiện, tôi lại nổi cáu vô cớ.

Một lần tôi mang nó ra, chịt cổ, rồi dùng cả phao dầu thắp sáng dội thẳng lên người nó. Trong hành động của tôi có lẫn cả sự ác độc, kiểu cho mày chết đi! Con vật kêu như phải bỏng. Nó quay chong chóng, ngã lộn nhào mấy vòng vì xót. Rồi nó cứ lăn lộn trên nền đất, kêu gào thảm thiết, nước mắt chảy ra. Nó nhìn tôi sợ hãi và oán trách, như vì tôi mà nó phải chết non. Đang bù đầu vì sổ sách, chứng kiến cảnh ấy, tự dưng tôi không thể chịu đựng nổi. Tôi co chân đá nó một phát, y như đá trái bóng khiến nó bay ra phía ruộng rau. “Thôi thì mày biến đi cho khuất mắt tao, mày chết luôn tao càng thoát nợ, trông mày tởm quá thể”. Tôi bực mình quay vào, không thèm nhìn xem con chó quằn quại ra sao. Nó chỉ là một con chó, việc quái gì mình phải khổ với nó.

Không thấy động tĩnh gì, tôi nghĩ con chó đã chết hoặc bỏ đi. Thế nào cũng tốt. Nó sẽ không thể ám mình được nữa. Nào ngờ, chiều tối hôm ấy, khi đi rừng về, tôi thấy nó lại đã ở trong phòng làm việc của tôi. Nó nằm im, người cuộn lại, lông vẫn bết vì dầu, toàn thân run lên từng chặp. Nó run vì xót, vì đói và còn vì sợ tôi. Nó không dám nhìn tôi, chỉ khẽ rên ư ử, có lẽ đang ra sức van xin tôi từ tâm cho nó được sống và tá túc qua ngày. Tôi bỗng thấy động lòng, lót cho nó một cái áo rách. Vài hôm sau thì nó bắt đầu ăn uống bình thường. Và điều kỳ diệu là lông nó có dấu hiệu mọc lại. Nghĩa là phao dầu đã có tác dụng diệt hết đám cái ghẻ trên người nó. Mấy tuần sau thì nó thành con chó có bộ lông óng mượt, đốm mũi và đốm trán nên trông như chó bốn mắt. Tôi gọi nó là con Jên, tên một nữ nhân vật hoàng tộc đài các nhưng hết thời trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Cây đèn sắt của Bun-ga-ri mà tôi vừa đọc.

Jên lớn dần, ngày ngày chỉ quanh quẩn bên tôi. Ngoài tôi ra, không ai gọi được nó, không ai có thể mời nó ăn bất cứ món gì. Ban đêm nó nằm ngay dưới chân giường của tôi, không bao giờ ngủ. Ban ngày khi tôi làm sổ sách thì nó ngủ khì, rồi khi dậy thì ra hiên ngồi canh và hóng hớt chuyện của lính. Hôm nào thấy tôi sắp xếp tài liệu, thay quần áo, thì nó ra ngoài cửa đứng chờ sẵn ở trên thềm. Nó ưỡn ngực nhìn theo từng bước tôi đi theo triền dốc xuống đường. Nếu tôi rẽ phải, nghĩa là ra trung đoàn, nó bèn quay vào.

Ra trung đoàn thì chỉ có đi làm việc, nó biết như vậy và không bao giờ quấy quả. Nhưng hễ tôi rẽ trái, lập tức nó phóng theo. Rẽ trái thì hoặc xuống đơn vị, tức là đi chơi, hoặc vào rừng đi săn. Cả hai việc, với nó, đều có quyền bám theo ông chủ. Chưa lần nào tôi đủ cứng rắn để bắt nó quay về. Trên đường đi nó cứ chạy luýnh quýnh, thỉnh thoảng lại nhìn tôi thích thú và lòng đầy biết ơn. Nhưng ngay cả khi ở đơn vị chỉ huy mời tôi ăn cỗ bàn, thịt cá ê hề thì nó cũng nằm ngay dưới chân, không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì, không ai cho nó ăn nổi dù một miếng nhỏ, nếu tôi chưa phát tín hiệu đồng ý.

Những lúc trời tối đen, hai bên lối mòn chỉ có cây cối rậm rạp mà có nó luôn chạy phía trước để dẫn đường quả là rất yên lòng. Có lẽ vì quá khôn mà con Jên cứ còi cọc không lớn. Nuôi mãi nó cũng chỉ chừng 5-6 cân. Cả trung đoàn biết tiếng con Jên, nhất là những hành động khôn ngoan của nó.

Vậy mà một hôm tiểu đoàn trưởng tên là Đ. B. B, vừa sáng ra đã sang phòng tôi. Ông hỏi thăm con Jên và khi tôi khoe nó khôn như người thì ông ta cười ầm lên, đầy vẻ chế nhạo. Mãi rồi ông ta cũng nói ra mục đích chính của việc sang gặp tôi. Ông bảo trưa nay trung đoàn trưởng xuống thăm, dẫn theo cả khách trên sư đoàn hay quân đoàn gì đó. Ông chưa biết lấy gì để tiếp đãi các thủ trưởng. Cả đơn vị chỉ còn mỗi một con trâu. Không thể chỉ vì bữa cơm tiếp khách mà thịt cả con trâu. Mà các thủ trưởng thì lại chỉ khoái món “mộc tồn”. Vì thế ông muốn “vay” tôi con Jên để làm cỗ. Ông sẽ cân nó lên và sau này trả tôi số thịt lợn bằng đúng số cân hơi của con chó.

Vừa nghe thế tôi đã giãy nảy, bảo rằng con chó khôn lắm, không thể thịt được, sau này nó chết thì tôi sẽ an táng. Ông B. nghe vậy thì chửi tục: “Mẹ chú mày, con chó là cái đ*o gì mà chú cứ làm to chuyện. Nó khôn đến đâu thì cũng là loài ăn cứt!”. Nói xong ông đứng dậy ra về, coi như không bàn cãi gì thêm nữa.

Tôi cảm thấy lòng dạ rối bời. Ông Đ. B. B vẫn rất tốt với tôi, coi tôi như anh em. Bản thân ông ấy không phải là người tham ăn. Ông ấy chỉ vì bí mà ép người khác thôi. Đúng là nhìn quanh thì chỉ còn con Jên của tôi có thể lên mâm. Thịt gà thì không thành cỗ, như lời ông B. nói. Tôi bèn bảo Phí Thắng, nhân viên chính trị mà tôi coi như chú em hay là đem con Jên trốn tạm đi đâu đó, chờ bình yên sẽ trở về.

Phí Thắng có vẻ ngần ngại. Cậu ta thật thà bảo: “Nếu làm vậy thì chỉ có bác là dám thôi, còn bọn em thì không. Bọn em không có cái uy như bác”. Tuy nói vậy nhưng thực lòng Thắng không muốn tôi làm căng, sẽ ảnh hưởng đến cả cậu ta. Bởi vì nếu không cho lão tiểu đoàn trưởng toại nguyện, chẳng may vì thế mà lão bẽ mặt với cấp trên, có thể lão sẽ dùng quyền chỉ huy cắt bỏ những “đặc quyền đặc lợi” mà chúng tôi vẫn mặc nhiên được hưởng, sau đó gây khó khăn những chuyện khác, phần lớn là không thể lường được. Nghĩ thế nên tôi bảo Thắng là tôi sẽ xuống đại đội, ở nhà cậu ta tùy ý định đoạt. Khi quyết định làm như vậy, tức là tôi đã quay lưng phản bội con Jên, giao nó cho tử thần. Tôi hèn hạ bán rẻ mạng sống của nó để đổi lấy sự yên thân nhưng lại làm như mình vô can.

Lần đầu tiên con Jên không chạy theo tôi.

Trưa hôm ấy, khi áng chừng mọi việc đã xong xuôi, tôi thất thểu từ đơn vị về nhà. Không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ tiểu đoàn có khách. Tôi khấp khởi mừng định đi tìm con Jên nhưng không thấy nó đâu. Tôi hỏi Phí Thắng thì cậu ta bảo: “Chiều khách mới xuống, nhưng lúc bác ra khỏi nhà thì con Jên cũng bỏ đi, xuống nằm ở dưới nhà ăn tiểu đoàn. Em gọi thế nào nó cũng không về. Mang cơm xuống nó cũng không ăn. Chả biết bác có dỗ được nó không?”

Nghe Thắng nói vậy tôi lao bổ xuống nhà ăn. Con Jên nằm áp má xuống đất, thấy tôi cũng không ngẩng lên. Tôi vuốt tay lên lưng nó thì thấy từ khóe mắt nó bò ra hai dòng nước. Tôi bèn bế nó lên nhưng nó cứ một mực giãy ra, toài người xuống. Đích thân tôi mang cơm nó cũng không ăn. Tôi bèn trở về phòng nghỉ trưa, lòng đầy bất an. Khi tỉnh dậy thì đã thấy mấy cậu liên lạc đang rôm rả bảo nhau giã riềng, lấy mẻ, lấy lá mơ. Cậu liên lạc tên là Thịnh, người công giáo quê Nam Định, thì thầm bảo tôi: “Con chó của bác lạ thật. Nó biết mình chết nên kệ cho bọn em bắt, không hề giãy dụa, mặt cứ buồn rười rượi.”

Tôi cảm thấy xấu hổ và đau đớn. Tôi đã không bảo vệ được người bạn trung thành của mình. Tôi đã viện ra đủ thứ lý do, trong đó có lý do nó chỉ là con chó, để bán đứng nó. Trong trường hợp ngược lại, chắc chắn con chó sẽ chấp nhận bị trả thù, bị đày ải, bị nguyền rủa thậm chí chịu chết… chứ nhất định không bán đứng tôi, không nộp tôi cho thần chết như tôi đã làm thế với nó một cách hèn hạ và độc ác. “Mình thật không bằng một con chó”-Ý nghĩ này cứ bám theo tôi suốt ngần ấy năm, như một bản án không lời nhưng hình phạt thì luôn hiện hữu.

Năm 2000, vừa tròn 13 năm kể từ khi giải ngũ, tôi mới có dịp trở lại thị xã Lào Cai. Sau khi làm xong việc, tôi đã định về ngay. Nhưng cả đêm tôi cứ thấy trong lòng không yên. Tôi quyết định ở lại thêm một ngày để chiều hôm sau lặng lẽ mò trở lại cái nơi con Jên bị giết. Trước đó tôi mất hàng giờ đứng trên sân thượng nhà khách tỉnh uỷ để xác định vị trí trước kia là khu bếp tiểu đoàn, nơi con Jên nằm ngẫm nghĩ về con người, trước khi bị giết.

Tôi bèn đi bộ hơn 4km tới nơi bạn tốt của tôi ngã xuống, đúng hơn là bị tôi bán đứng. Tại đó tôi cứ tha thẩn như người mất hồn. Bỗng trong một chớp mắt, khi ngước lên cái nơi con Jên vẫn đứng ngóng mỗi khi tôi đi đâu đó hơn chục năm về trước, thì tôi bỗng thấy nó, đứng ưỡn ngực, đầu vươn cao bốn mắt nhìn về phía tôi, miệng nhoẻn cười như muốn nói: “Tôi vẫn ở đây đợi ông chủ”.

Tôi cúi đầu như người mặc niệm, lòng thầm nói: “Tao xin lỗi mày! Sau này tao xin đổi kiếp cho mày để được báo đáp tình sâu nghĩa nặng của mày. Hãy tha thứ cho thằng người hèn hạ này”.

Trong đời mình, chưa bao giờ tôi phải xin lỗi ai khẩn thiết và đau đớn như vậy.

TẠ DUY ANH

( Hà Nội)


_____-

(Đoạn hồi kí này tôi từng đưa vào cuốn DƯỚI BÀN TAY VÔ HÌNH, nhưng sau đó cảm thấy lời xin lỗi chưa đủ nặng, tôi bèn bỏ ra để phát triển nó thành một truyện vừa (chưa xuất bản). Tôi đăng lên thay nén hương thắp cho 15 con chó bị thiêu).

(nguồn: Báo Tiếng Dân)


==================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ