" nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương : ' còn gặp nhau thì hãy cứ vui ' " / Thượng Tùng -- trích : tuổi trẻ online (tphcm)
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Ngai vàng chót vót năm đời trước/Tiếng ngọc bâng khuâng một kiếp này, hai câu thơ Vũ Hoàng Chương đề tặng đã hé lộ thân phận của Tôn Nữ Hỷ Khương. Xét theo trực hệ, bà là thế hệ thứ năm liên tiếp, kể từ vua Minh Mạng, mà con cháu cùng làm thơ, cùng nổi tiếng, dẫu mức độ có khác nhau. Một trường hợp hy hữu trong lịch sử triều Nguyễn.
Cô út trong Thi đàn Quỳnh Dao, được mệnh danh là “Quỳnh Dao chi bảo” nhờ giọng ngâm mà thi sĩ họ Vũ đã ví như “tiếng ngọc”, sẽ bước sang tuổi 73 vào tháng 7 này.
Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra tại nhà riêng của bà, nơi thi hữu, bạn bè thường nhắc đến với cái tên “Thùy Khương trang” (ghép tên hai vợ chồng bà), nằm khuất trong một con hẻm nhỏ, khá yên tĩnh trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM.
Có lẽ nên gọi phòng khách của gia chủ là phòng thơ. Bởi thơ nhiều vô kể. Thơ treo kín trên tường, thơ in trên lịch, thơ phun lên đĩa, thơ khắc lên đá, thơ tập đặt trên bàn. Chưa hết. Những lúc cao hứng, gia chủ còn cất giọng ngâm nga những bài thơ của thân phụ là nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, của thi hữu và của mình.
Trong suốt cuộc trò chuyện, nhà thơ nhắc nhiều đến cảnh cũ người xưa, bắt đầu từ dòng hồi ức về những ngày cuối đời của người cha quá cố:
- Năm 1961, cha tôi bệnh nặng. Tôi vào Sài Gòn, gấp rút in cho cha tôi một tập thơ Đời Thúc Giạ để người kịp nhìn thấy trước lúc nhắm mắt. Tiếc là nhà xuất bản in không kịp, một phần vì kỹ thuật in ấn hồi đó chưa được hiện đại như bây giờ. Sau khi người qua đời, tôi quay lại Sài Gòn làm việc tại dược phòng của một người bà con là dược sư Phạm Doãn Điềm (chị ruột bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - bộ trưởng y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - PV), đồng thời hoàn tất việc xuất bản tập thơ cho cha tôi.
* Xuất thân “lá ngọc cành vàng”, không hiểu quận chúa Tôn Nữ Hỷ Khương đã xoay xở với công việc ở dược phòng như thế nào?
- Công việc ở dược phòng thực ra cũng chẳng có gì nặng nhọc. Nhiệm vụ chủ yếu của tôi là làm thủ quỹ. Mang trong mình dòng máu hoàng tộc nhưng từ thuở bé, tôi đã quen với sinh hoạt đạm bạc. Cha tôi làm quan, phẩm hàm Lễ bộ Thượng thư trí sự nhưng xem chốn quan trường chỉ là “Hàng ghế dịch lên năm bảy tấc/Thẻ bài thêm lớn một vài ly”.
Cả đời sống thanh liêm nên khi cởi áo triều phục, trả lại thẻ bài lui về vui thú điền viên thì ông chẳng có gì thêm ngoài ngôi nhà ở thôn Vĩ Dạ. Cùng lứa với ông, nhiều người lúc về hưu thì có “ruộng thẳng cánh cò bay, phố xá từng dãy”. Những năm đói, chúng tôi cũng ăn cơm độn khoai, độn mì như nhiều gia đình nghèo khó khác.
Sau này, cha tôi có vịnh một bài thơ để cảm ơn ngôi nhà. Thơ rằng: “Đã mười mấy năm trời về hưu ở với ngươi/Nhờ ngươi chỗ thờ tự, nhờ ngươi chỗ nghỉ ngơi/Nhờ ngươi mới mạnh khỏe, nhờ ngươi mới thảnh thơi/Vợ đau nằm có chỗ, con ngồi học có nơi/Khi láng giềng qua lại, khi bạn hữu tới lui/Khi câu thơ chải chuốt, khi chén rượu đầy vơi/Tiếng chim reo trước ngõ, cụm hoa nở ngoài cươi/ Yến Tạ hưu Tần sau nỏ biết/Cảm ơn ngươi phải vịnh đôi lời”.
* Được biết, ngôi nhà đó cũng chính là nơi lui tới thường xuyên của các thi sĩ trong Hương Bình Thi Xã mà phụ thân của bà là chủ soái. Số phận của địa chỉ văn hóa ấy bây giờ ra sao?
- Ngôi nhà đó vẫn còn, nhưng đã xuống cấp lắm. Năm 1985, tôi về thăm nhà, đưa bát nhang cha tôi lên chùa. Dịp đó, Mặt trận Tổ quốc TP. Huế mời tôi nói chuyện về ông cụ. Họ hứa sẽ có tiếng nói để bảo tồn địa chỉ văn hóa đó. Năm 1997, Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Khoa học Thừa Thiên - Huế tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cha tôi trên sông Hương cũng có mời tôi về. Lãnh đạo TP. Huế hứa thêm một lần nữa rằng sẽ đưa ngôi nhà vào danh sách di tích văn hóa của Huế.
Sau đó, tôi còn có dịp gặp gỡ ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Huế tại nhà bà Điềm Phùng Thị. Ông Mễ nói “tôi rất thương, rất kính trọng cụ Thúc Giạ. Chị Hỷ Khương cứ yên tâm, trước sau chúng tôi cũng lấy cái nhà để làm nhà lưu niệm cho cụ”. Nghe vậy, tôi mừng lắm. Tôi về bàn với vợ chồng chị tôi, anh tôi thảo cái đơn xin hiến ngôi nhà cho nhà nước. Nhà nước muốn sử dụng vào mục đích gì cũng được, miễn là liên quan đến văn hóa. Đơn đã tới nơi từ lâu mà tôi chờ hoài không thấy hồi âm.
Đến giờ, hàng chục gia đình đã vào dựng nhà, sống trong khu vườn của gia đình tôi. Anh thấy không, sở dĩ bức hoành phi (hướng về phía bàn thờ gia tiên) bị nám khói là do người ta đun nấu trong nhà mình. Nhiều người khuyên nên sơn lại nhưng tôi không muốn. Nó là vật chứng cho một giai đoạn nhiều biến động. Mà thôi, chuyện đời như áng mây bay, càng nhắc càng buồn. Ngay cả thôn Vĩ Dạ cũng không giữ được, huống chi ngôi nhà của mình chỉ là một phần rất nhỏ trong quần thể thôn Vĩ.
* Thân phụ của bà là một danh nhân văn hóa ở Huế. Nối gót cha mình theo nghiệp thi phú nhưng xem ra cụ Thúc Giạ là một cái bóng quá lớn?
- Cha tôi là một cái bóng lớn đối với nhiều người, nhiều thế hệ, chứ đâu riêng gì mình. Được nép dưới bóng cụ là phước báu. Khi đang học năm thứ tư Trường Đồng Khánh, tôi bị bệnh nặng. Bác sĩ nói tôi không đủ sức khỏe để tiếp tục đến trường. Trong cái rủi lại có cái may. Nhờ vậy mà tôi lại có dịp gần gũi cha mình nhiều hơn. Những dịp thi hữu ghé chơi, cha tôi lại kêu tôi ngâm thơ của cha cho mọi người cùng nghe.
Với tôi, cha vừa là cha, vừa là thầy, vừa là tri kỷ (Cha con ta là đôi tri kỷ/Chung bóng chung hình giữa nước non - Ứng Bình Thúc Giạ Thị). Nữ thi sĩ Mộng Tuyết nói rằng Hỷ Khương có phước khi được cha mình xem như tri kỷ. Cũng nhờ gần gũi ông cụ mà tôi giữ lại được hết di cảo của người. Tập Lộc Minh Đình Thi Thảo bằng chữ Hán của ông cụ cũng vừa xuất bản ở Mỹ.
* Sau hai tập Đợi Mùa Trăng (1964), và Mộng Thanh Bình (1970), mãi đến năm 1999, tức là gần 30 năm sau, bà mới “tái xuất giang hồ” với tập Còn gặp nhau. Đâu là lý do khiến bà im lặng lâu đến vậy?
- Sau năm 1975, thơ tôi bị đưa vào danh sách cấm. Cuộc chiến tranh đã đẩy dân tộc chúng ta vào cảnh xót xa. Biết bao gia đình mà anh - em, cha - con… đứng ở hai bên chiến tuyến. Mình nói như vậy nhưng người ta đâu có chịu.
* Nhưng Ngai vàng chót vót năm đời trước/Tiếng ngọc bâng khuâng một kiếp này, thủ bút hai câu thơ trong bài Ngai vàng tiếng ngọc của thi sĩ Vũ Hoàng Chương - một nhân vật cũng có thơ bị cấm - đề tặng từ năm 1964, vẫn được bà lưu giữ đến tận bây giờ.
- Đúng vậy. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương mất năm 1976. Đám ma ông cũng rất quạnh quẽ. Ngoài quyến thuộc, tôi không nhớ chính xác lắm, nhưng bằng hữu đi viếng hình như chỉ trên dưới mươi người.
* Bà là một trong số “trên dưới mươi người” đó?
- Có người nói Hỷ Khương nhỏ mà gan. Tôi thì cho chuyện đó là lẽ bình thường. Không lẽ vài bước chân đưa tiễn bằng hữu về nơi an nghỉ cuối cùng cũng là mang tội. Trước năm 1975, khi nhà thơ Phương Đài, một hội viên của Trung tâm Văn bút Việt Nam, bị chính quyền Sài Gòn bắt giam vì hoạt động cách mạng, tôi cũng thường xuyên đi thăm. Có điều, tôi không cắt nghĩa được tại sao nhiều người vẫn e dè ngay cả khi ông Chương đã là người thiên cổ. Xã hội chi mà lạ rứa. Bây giờ, thơ Vũ Hoàng Chương đã được phép in lại. Giá như công lý đến sớm hơn.
* Trở lại với những tác phẩm của bà. Nhiều người cho rằng bây giờ nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, ngành ngành làm thơ... Nhận xét này có phần thậm xưng nhưng việc bà in liên tiếp năm tập thơ trong khoảng thời gian sáu năm (2001-2007) xem ra vẫn là một cuộc chơi mạo hiểm?
- Tôi may mắn được Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News), Công ty Văn hóa Kỳ Thư, Công ty Văn hóa Hương Trang in cho bốn tập thơ liên tiếp (2004-2007). Thường tôi không nhận tiền tác quyền mà chỉ lấy sách.
* Thực tế đã có những nơi, những người in thơ của bà lên lịch, hoặc khắc lên đá nhằm mục đích kinh doanh dù chưa được sự đồng ý của bà, thậm chí còn không đề tên tác giả. Với những trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như vậy, việc bà đòi tác quyền là hoàn toàn chính đáng?
- Nó (chỉ phiến đá khắc hai câu thơ: Lợi danh như bóng mây chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời ở chân tường) được bày bán ở Hội chợ Xuân TP.HCM năm 2004. Lần đó, sau khi thắp nhang cho ni sư Trí Hải ở chùa nhân lễ 49 ngày, trên đường về, chúng tôi ghé vào gian hàng có bày những phiến đá khắc những câu thơ của tôi, giá bán 200 USD mỗi phiến.
Nhận ra tôi, chủ gian hàng cho biết đã chuẩn bị sẵn một phiến đá, định bụng sẽ mang tới biếu Hỷ Khương làm kỷ niệm sau khi hội chợ bế mạc. Tôi chưa kịp trả lời thì một người bạn đi cùng đã nhanh nhảu: “Chúng tôi có sẵn xe, phiền chị đem (nó) ra giùm”. Dọc đường về, một người bạn tôi nói rằng chính vong linh ni sư Trí Hải đã dẫn lối cho chúng tôi đưa phiến đá về.
* Đành rằng lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chữ lợi vượt qua đã khó, huống chi là chữ danh?
- Đúng là qua được vòng danh lợi không dễ, nhưng cũng không vì danh lợi mà miễn cưỡng, mà làm chuyện xấu xa. Năm 1993, người anh kết nghĩa của tôi, giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, là một trong những trí thức Việt kiều trong phái đoàn của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand sang thăm Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm, anh nhắn tôi lên để anh chào từ biệt thì tôi đột ngột ngã bệnh. Không ghé chào anh được, tôi làm bài thơ Còn gặp nhau, nhờ người chuyển đến anh, xem như thay lời đưa tiễn.
* Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một bằng hữu của bà, đã nhận xét rằng thơ Hỷ Khương đã đi vào dân gian?
- Chính xác là trong đêm giao lưu thơ nhạc của tôi tổ chức tại Nhạc viện TP.HCM năm 2007, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có hỏi rằng “thơ Hỷ Khương đã đi vào dân gian, Hỷ Khương có vui không?”. “Đương nhiên là vui”, tôi trả lời, “nhưng niềm vui này là do Trời Phật ban cho, chứ chẳng phải mình tài, mình giỏi”. Đấy là những lời tự đáy lòng mình, chứ không phải mình màu mè, vờ khiêm tốn. Tài năng cỡ cụ Nguyễn Du mà vẫn khiêm cung, rằng có tài mà cậy chi tài, huống chi là đám hậu sinh như mình.
Khi hoàn tất tập sách về tôi (Hành trình thơ của một Công Tằng Tôn Nữ - PV), tác giả Ninh Giang Thu Cúc có đề nghị mình tìm nhà tài trợ để có kinh phí in sách. Việc này vượt quá khả năng của mình. Đùng một cái, người bạn bên Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn điện thoại cho tôi, cho biết ông giám đốc Công ty Văn hóa Hương Trang sau khi nghe nhắc đến tập sách đã nhận lời in liền, dù chưa biết nội dung cuốn sách ra sao.
Sắp tới, Công ty Văn hóa Hương Trang còn in giúp tôi cuốn Ngát hương kỷ niệm, tập hợp những bài thơ mà thi hữu, độc giả… tặng cho Hỷ Khương suốt mấy chục năm qua. Nhờ Trời Phật độ nên mình mới được như thế.
* Liệu rằng còn điều gì bà mong ước mà Trời Phật chưa cho?
- Trời Phật cho đến đâu mình biết tới đó. Biết đủ dầu không chi cũng đủ/Nên lui đã có dịp thời lui (Thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị - PV).
* Nhìn lại những tác phẩm đã xuất bản, đâu là “đứa con tinh thần” bà đắc ý nhất?
- Có lẽ là Còn gặp nhau. Bài này cũng được nhiều người thích và thuộc.
* Hẳn rằng bà có được nghe những phản hồi?
- Có những độc giả nói với tôi rằng thơ Hỷ Khương nhẹ nhàng, vui tươi, làm họ cảm thấy yêu đời. Nhưng cũng có những người nói rằng nếu không sống, không trải nghiệm, không vấp váp thì không viết được như vậy. Gặp nhau phải vui là bởi đời đã đủ thứ chuyện rồi, tại sao còn chuốc thêm sầu khổ vào lòng. Tất nhiên, cái sự gặp nhau ấy phải bắt nguồn từ tình cảm chân tình, chứ không phải sự hời hợt.
* Nghe nói bài này đã được ông Võ Tá Hân, một nhạc sĩ đồng hương với bà, phổ nhạc và đưa lên mạng Internet?
- Thực ra bài này đã được một số người phổ trước ông Võ Tá Hân. Nhưng ông Hân là người giữ nguyên toàn bộ phần lời nên được nhiều người ưa thích. Cũng nhờ các nhạc sĩ mà thơ của mình đến được với nhiều người hơn.
* Bà có đọc các tác phẩm của những nhà thơ thế hệ sau mình?
- Có chứ. Tôi đọc Trương Nam Hương, Tôn Nữ Thu Thủy, Hồ Đắc Thiếu Anh… Cũng là chỗ quen biết cả. Còn những nhà thơ sau thế hệ này thì thú thực, tôi không hiểu họ lắm.
* Bà quan niệm thế nào về thơ?
- Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, mục đích của thơ là làm đẹp cho cuộc đời. Từ góc độ kỹ thuật, tôi chuộng sự đơn giản. Càng mộc mạc bao nhiêu càng dễ đi vào lòng người bấy nhiêu. Cần nói thêm rằng đây là quan điểm cá nhân của tôi, chứ không hề có ý phê bình ai. Xưa giờ, tôi chưa dám phê bình ai.
* Đó là bản tính hay bởi e ngại làm mất lòng người khác?
- Có một chuyện thế này. Ngày còn ở Huế, gần nhà tôi có một phụ nữ bỏ chồng đi lấy người khác. Đã có với nhau năm mặt con, bên chồng lại là gia đình quyền quý… nên việc cô kiên quyết ly hôn được xem là chuyện tày đình, trở thành tâm điểm của những lời bàn ra tán vô. Gia đình hắt hủi, người đời chê trách. Tôi nghĩ rằng đó là số mạng cô ấy phải gánh chịu. Có lẽ kiếp trước cô ấy tạo nghiệp, nên kiếp này phải chịu. Còn chuyện ngại làm người khác mất lòng, tôi nghĩ mình không phải là trường hợp cá biệt.
* Bà tin vào tiền kiếp?
- Có niềm tin vào tiền kiếp sẽ khiến người ta sống tử tế hơn, sẽ bớt ghét ghen, sân hận, tranh giành, hơn thua (Hãy cho nhau - PV). Cuộc đời mong manh lắm. Chuyện đời như nước chảy hoa trôi nên còn gặp nhau thì hãy cứ vui.
* Đến giờ, liệu còn điều gì khiến bà day dứt?
- Về phần mình thì kể như xong, chẳng còn gì phải tiếc nuối. Tuy nhiên, điều khiến tôi buồn là tập Ưng Bình Thúc Giạ Thị toàn tập (Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2008 - PV) của ông cụ không được trọn vẹn, thiếu một bài trong di cảo chưa từng công bố. Nếu có điều kiện, tôi sẽ in lại tập thơ này.
* Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện này và chúc bà sớm hoàn thành tâm nguyện.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ