đọc thêm (1) : " thế giới văn chương của Võ Thị Xuân Hà "/ Trọng Đức (tphcm) -- nguồn: http://tuanbaovannghetphcm.vn>
Thế giới văn chương của Võ Thị Xuân Hà
TRỌNG ĐỨC
Mất gần 2 tuần tôi mới đọc xong tiểu thuyết “Tường thành” (NXB Hội Nhà văn tái bản lần 2 – 2006, 382 trang) và tập truyện “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời” (NXB Trẻ – 2019, 230 trang) của nhà văn Võ Thị Xuân Hà (VTXH). Đây là 2 tác phẩm được báo chí đề cập khá nhiều trong thời gian qua.
Thế mạnh của VTXH là ở truyện ngắn, chị đã xuất bản 19 tập cùng nhiều tiểu thuyết, bút ký. Chị có lối viết truyện ngắn rất riêng, không đao to búa lớn trong đề tài, không dùng ẩn ngữ để đả phá thời cuộc, không cho câu chuyện trôi theo thời gian, không gian trình tự… Bắt đầu truyện là một, hai nhân vật trong một tình huống cụ thể. Được khoảng 1, 2 trang; khi độc giả đinh ninh tác giả sẽ triển khai tiếp tâm lý, hành động của nhân vật vừa được giới thiệu thì bất ngờ câu văn bị ngắt xuống dòng để không gian nhân vật mới đường đột xuất hiện với một câu chuyện hoàn toàn khác. Phải đọc đến cuối truyện mới hiểu hết dụng ý tác giả và khi đó ghép cái trước vào cái sau, độc giả được thưởng thức câu chuyện thật nhiều cảm xúc. Ở một số đoạn, VTXH viết như kịch bản. Mỗi câu văn ngắn gọn là hình ảnh sinh động, là “tiếng chiêng” vang vọng cuốn hút. Ngoài khai thác tâm lý nhân vật rất giỏi, chị còn có cách tả cảnh, tả tâm lạnh lùng, súc tích và rất ấn tượng.
Với tiểu thuyết “Tường thành”, một số nhà phê bình khen cách mô tả về nghề báo ở Việt Nam trong giai đoạn mở cửa, hội nhập. Là người viết báo hơn 30 năm, tôi thấy lời khen đó không quá, nhưng chưa đủ. Trong tiểu thuyết này, VTXH thông qua các nhân vật làm báo như: Phương Nam, Cầm Kỳ, Hoàng Thế Dương, hoặc các tổng biên tập như: Tống Đình, cậu Mạnh… để kể về nghề báo, qua đó mô tả bức tranh xã hội với nhiều tầng lớp, nhiều âm mưu xung quanh trục tình, tiền, danh vọng. Nhưng các thủ thuật, thủ đoạn VTXH mô tả còn ít về số lượng và khá mờ nhạt so với thực tế nhộn nhịp, nóng bỏng, thậm chí là ghê gớm tới mức “sinh nghề, tử nghiệp” chỉ vì một bài báo, một cái tin. Đó là áp lực khủng khiếp đến với phóng viên lẫn các tổng biên tập. Thay vào đó, VTXH dùng đến 2/3 cuốn tiểu thuyết để kể về những phận người ở xóm liều hồ hỏa tước. Đó là những con người tận đáy xã hội như gái điếm, kẻ đi tù về, con mồ côi, kẻ tha phương cầu thực… Người có quyền lớn, quyền nhỏ đều có thể lợi dụng những mảnh đời rách nát này cho âm mưu của mình. Một ông công an khu vực kiếm thêm vài mảnh đất trên bãi rác; một bà đại gia thuê kẻ đang bức bí đốt cháy cả xóm liều tồn tại trên bãi này vì nôn nóng lấy đất làm dự án. Một phóng viên mua dâm trẻ em mồ côi rồi về viết phóng sự chống tệ nạn để kiếm danh; một tổng biên tập cơ hội, hèn nhát, bất tài đổ hết tội lỗi cho cấp dưới khi loạt bài về xóm liều bị quy chụp sai quan điểm. Cuối cùng là một chính khách con ông cháu cha từng cầm đầu nhóm lưu manh cưỡng hiếp tập thể một nữ sinh, sau đó từ tỉnh lẻ chạy về thủ đô làm công tác Đoàn để trốn tội, rồi từ từ leo lên lãnh đạo Hội đồng Nhân dân phường và đang cố mị dân xóm liều để lên cao hơn nữa. Nội dung này là điểm son. Nhờ đó, dù nội dung này được tác giả triển khai lê thê, rối rắm và nhầm lẫn giữa hai chức vụ giám thị và quản giáo trại giam; khiên cưỡng trong tình tiết 2 nữ nhà báo gặp ông “Nê rô bạo chúa”, nhưng vẫn được độc giả đánh giá cao tính hiện thực phê phán của tiểu thuyết. Đó cũng là lý do sách được tái bản lần thứ 2 với 1.000 cuốn. Trong thời buổi vàng thau lẫn lộn, quảng cáo tung hê hàng dỏm, dìm chết hàng thật trong văn học.
Nhân vật xưng tôi trong “Tường thành” là nữ nhà báo Cầm Kỳ là hóa thân của tác giả ngoài đời – một nữ giáo viên toán cấp 2 giỏi, bỏ nghề giáo đi làm báo rồi kinh doanh, viết văn. Nhờ có trải nghiệm như vậy, khi VTXH miêu tả hoạt động báo chí thực hơn, không ngượng như hình ảnh nhà báo trong một số phim trên tivi. Nhưng ở câu “Hà Nội đang bị quấn chặt, sưng lên ung nhọt do gái điếm và con nghiện”, do nhân vật “tôi” tự thán ở đoạn kết tác phẩm cho thấy nữ nhà báo Cầm Kỳ chưa sâu sắc, hay tránh né, thậm chí là mâu thuẫn với các nhân vật gái điếm, con nghiện được tác giả mô tả bằng thái độ yêu thương, bao dung, bênh vực trong “Tường thành”. Lẽ ra tác giả phải can đảm hơn để viết rằng: “Chính bọn cơ hội, “cổ cồn trắng” đang hút máu dân nghèo là ung nhọt của Hà Nội thay vì đổ lỗi cho các tệ nạn mại dâm, ma túy…”.
Văn VTXH có phong cách rất riêng, mỗi tác phẩm là chân trời vời vợi dạt dào cảm xúc cho người đọc. Mong chị “bền gan, vững chí” với nghiệp văn để có thêm những tác phẩm sắc sảo như các truyện ngắn đã được nhiều thế hệ độc giả biết đến suốt 30 năm qua.
TP.HCM, 20-9-2019
Trọng Đức
(tuần báo VN/ Tp.HCM số 561)
========================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ