đọc thêm (1) : " tiểu sử nhà thiết kế Minh Hạnh 1961- ] " - [ phu nhân cố nhà văn Lê Văn Nghĩa /1953- 2011 ] --nguồn: me : me.phununet.com>
Tiểu sử nhà thiết kế Minh Hạnh. Những thông tin và hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp nhà thiết kế Minh Hạnh.
Nhà thiết kế Minh Hạnh: Tôi - người tự bóc vỏ mình
Từ một cô gái nhỏ được cha mẹ chăm lo như tiểu thư, mỗi bước ra đường đều có xe hơi đưa đón, chớp mắt tôi đã trở thành đứa học trò nghèo vừa học vừa đi may gia công…
Nhà thiết kế Minh Hạnh - ảnh do nhân vật cung cấp
Tôi sinh ra ở Pleiku trong một gia đình gốc Huế. Ngày nhỏ, tôi cứ mải miết đi theo những dải màu óng ả trên váy áo của thiếu nữ người dân tộc thiểu số miền phố núi...
Những dải màu óng ả
Tay tôi thường khẽ chạm vào chúng rồi nắm lấy những sắc màu rực rỡ đó như vô thức. Đêm về, những dải màu còn len lỏi vào giấc mơ tuổi thơ. Điều này khiến mẹ tôi lo lắng. Bà sợ họ sẽ dẫn tôi đi mất hoặc “thư” tôi (một cách bỏ bùa, thuốc độc để hại người). Tôi vẫn làm điều mình thích mà không hề biết được sự lo lắng trong mẹ như thế nào.
Sau đó, gia đình tôi chuyển đến Đà Nẵng rồi Sài Gòn. Ngày đi, hành trang duy nhất tôi mang theo là chiếc máy may. Không hẳn đó là món đồ đắt tiền nhất mà bởi đó là thứ tôi yêu thích nhất. Với nó, tôi đã nhiều lần cả gan lén cắt gấu áo dài của mẹ để may áo váy cho búp bê. Với nó, tôi từng tự may cho mình bộ quần áo đầu tiên năm 10 tuổi. Và cũng với nó, tôi đã tự may chiếc áo dài đi học đầu tiên năm vào lớp 6, 12 tuổi …
Từng lớp vỏ
Những ngày đầu ở Sài Gòn, cả nhà tôi bắt đầu làm quen với giai đoạn mới: tuột dốc kinh tế. Ngoài buổi đến trường, tôi cặm cụi may đồ xuất khẩu trong hợp tác xã với tiêu chuẩn 1cm là đúng bốn mũi kim. Những mảnh vải được cắt ra, may lại trở thành chén cơm manh áo, không còn là trò chơi của chị em tôi.
Cuộc sống ở nơi chốn mới có nhiều điều khác biệt. Hễ đến chủ nhật là tôi cùng mọi người đi tàu lên Trảng Bom chăm sóc vườn khoai mì. Thay cho những bộ quần áo bằng lụa mềm mượt, óng ả và mát lạnh, tôi chỉ có vài chiếc áo và một chiếc quần vải. Giai đoạn dậy thì của tôi rơi đúng khoảng thời gian giao thời đó. Ngày nào, tôi cũng đạp xe cà tàng đi học từ quận 4 đến Bà Chiểu - Gia Định. Đều đều mấy lần tôi xuống xe, đỡ dây sên vào đúng khớp quay của nó.
Thỉnh thoảng, nhớ những ngày mỗi bước chân ra đường đều có xe hơi riêng đưa đón, tôi hơi tủi thân. Nhưng nỗi buồn con gái mới lớn không ở lại lâu. Khi đũng quần bị mòn, tôi đắp vào đó hai miếng vải rồi quay ngược quần ra phía trước. Đũng quần tiếp tục mòn, tôi đắp thêm hai miếng vải mới. Tôi xem đó là cách thích nghi trong hoàn cảnh thiếu thốn…
Sau khi tốt nghiệp mỹ thuật Gia Định, tôi xin về Duyên Hải làm thông tin cổ động, sau đó vào làm họa sĩ trình bày ở báo Tuổi Trẻ, báo Công Nhân Giải Phóng (nay là báo Người Lao Động). Không bước ra từ trường dạy thiết kế báo, tôi vừa làm vừa rút tỉa kinh nghiệm qua những cuộc tranh luận nảy lửa với các đồng nghiệp là thế hệ đàn anh đã dìu dắt tôi trên con đường làm báo.
Khi chuyển sang báo Phụ Nữ Tp..HCM, dì Phương Điền - tổng biên tập lúc bấy giờ - gợi ý tôi làm trang báo thời trang. Vải là vải bao cấp, người mẫu là nhân viên báo. Tôi cắt may, làm bản vẽ kỹ thuật và chụp hình đưa lên báo. Đó là trang báo thời trang đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1990, tôi nhận được học bổng của khóa thiết kế đồ lót tại Indonesia. Năm 1992, Công ty Legamex mời tôi về làm giám đốc, triển khai Trung tâm thời trang Việt Nam đầu tiên là Legafashion. Năm 1994, Viện Mẫu thời trang VN ra đời. Lãnh đạo ngành dệt may mời tôi về làm việc tại đây.
Ví mình như một con tằm nhả tơ một kiếp hay một cây măng có nhiều lớp vỏ, tôi tự lập cho mình thời khóa biểu sát sao từ 8 giờ sáng đến 1, 2 giờ sáng hôm sau. Tôi tìm hiểu các sự kiện gắn liền với đời sống như thời sự, nhu cầu vui chơi, thể loại âm nhạc của đối tượng mà mình nhắm tới và tiếp cận một số kiến thức khác về các loại máy móc thiết bị, cả quy trình công nghệ liên quan việc thiết kế, ánh sáng, nhiếp ảnh… Những thông tin đó sẽ giúp tôi sản sinh những “lớp vỏ” sau đa sắc hơn những “lớp vỏ” trước.
Lúc nhỏ tôi nghĩ mình bị “đì”. Ít ai biết rằng sau khi bước từ xe hơi vào nhà, các chị em tôi phải tự nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí cho heo ăn và…tắm heo dưới sự “chỉ đạo” của mẹ tôi và bốn người giúp việc.
Nhưng dường như nhờ vậy mà chị em tôi không cảm thấy hụt hẫng hay hoang mang khi kinh tế gia đình sa sút. Sau này gặp khó khăn lớn hơn, tôi nhận ra mình có khả năng đề kháng mạnh mẽ để đứng vững và đi tiếp.
Báo Pháp viết về NTK Minh Hạnh
Thiết kế của Minh Hạnh trưng bày tại bảo tàng Bargoin
“Theo Marie-Bénédicte Seynhaeve-Kermorgnat, phụ trách vải sợi ở bảo tàng Bargoin, FITE không chỉ là một festival về ngành vải sợi mà còn là nơi để nói lên tính nhân văn trong trang phục. Và công việc thiết kế của Minh Hạnh là tâm điểm của tính nhân văn. Minh Hạnh quan tâm đến các trang phục truyền thống do cộng đồng thiểu số miền núi ở Việt Nam thực hiện. Minh Hạnh cho biết cô đã hiện thực hóa một sự kết hợp giữa các trang phục truyền thống này với tính hiện đại. Các trang phục này được thực hiện từ các ngôi làng của cộng đồng thiểu số người Dao hay người H'mong. Tất cả các trang phục được thực hiện đầy màu sắc và rất trau chuốt. Mỗi làng có cách làm, sắc thái riêng đặc trưng của họ.”
Lễ hội quốc tế dệt may đặc biệt được tổ chức tại Clermont-Ferrand, Pháp từ 12-16/9 bằng cuộc triển lãm Biến đổi tại bảo tàng Bargoin. Lễ hội quốc tế dệt may đặc biệt dự kiến tổ chức tại Việt Nam vào tháng 6/2013. Lễ hội này cũng sẽ lần lượt giới thiệu về các vấn đề nhân học, kinh tế và sinh thái. Trước nguy cơ diệt vong của ngành thủ công dệt may do sự phát triển của xã hội và quá trình cơ giới hóa. Mục đích của Lễ hội Quốc tế về Dệt May đặc biệt: - Nơi gặp gỡ duy nhất của các chuyên gia, khách hàng và của tất cả mọi người - Nơi trưng bày các sản phẩm dệt may thủ công đặc biệt đến từ các nước trên thế giới. -Nơi những người thợ thủ công giới thiệu các kỹ năng của họ cùng những thành tựu mới đạt được Lễ hội đã nhận được bảo trợ chính thức của UNESCO và được Bộ Văn hóa và Truyền Thông nước Cộng hòa Pháp chứng nhận Triển lãm vì lợi ích quốc gia. Tại đây, giới thiệu tất cả nhân tố nổi trội của ngành: nhà thiết kế sợi, nhà thiết kế thời trang, thợ dệt, nghệ nhân, nhà sưu tầm, nhà trang trí, nhà phân phối và các ngành công nghiệp liên quan. Nhiều NTK nổi tiếng của Nhật, Pháp, Chile, Lào… tham dự. Tới với Lễ hội này, NTK Minh Hạnh sẽ giới thiệu 50 mẫu thiết kế đặc biệt, tất cả được sử dụng bằng loại vải dệt tay của người H’Mông ở Hà Giang và Bắc Hà. Là những loại thổ cẩm của vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, kết hợp với kỹ thuật thêu tay truyền thống tinh xảo. Là sự phối hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại và là một bức tranh sinh động sắc màu của sự hòa quyện Đông Tây. Vốn quý của Việt Nam một lần nữa lại được hiện diện trên đất nước mà được mệnh danh là kinh đô thời trang của thế giới. Với 4 gương mặt người mẫu tiêu biểu từ Việt Nam: Hoa hậu Ngọc Hân, Quán quân Vietnam Next Top Model 2010 Huyền Trang, 2 người mẫu đến từ New Talent: Phạm Trang & Phương Liên sẽ cùng trình diễn với các người mẫu Pháp các thiết kế của Minh Hạnh. |
NTK Minh Hạnh: Vốn quý không chỉ để ngắm nhìn..
.
Nhà thiết kế Minh Hạnh, người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé khát khao cái đẹp, khát khao được mang cái đẹp cùng những giá trị truyền thống đậm bản sắc dân tộc đi khoe với bạn bè khắp năm châu. Và thực sự, người phụ nữ ấy đã và đang làm được một việc lớn hơn tầm vóc của chị là mang thời trang Việt ra với thế giới.
Một mẫu thiết kế của tham dự Lễ hội quốc tế Dệt may đặc biệt của NTK Minh Hạnh - Nguồn ảnh: Vietmode
Lần này, những sợi lanh se từ những đôi bàn tay thô ráp của bà con dân tộc thiểu số H’Mông, Dao Hà Giang có cơ hội bước vào bộ sưu tập thời trang với các đường nét, họa tiết tinh tế, rực rỡ nhưng vẫn phảng phất nét bụi bặm của nhà thiết kế Minh Hạnh.
Sau ba tháng miệt mài ngày đêm, 50 trang phục được dựng từ chất liệu lanh thổ cẩm sẽ cùng nhà thiết kế Minh Hạnh tham dự Lễ hội quốc tế Dệt may đặc biệt sẽ tổ chức tại Clermont Ferrand-Pháp từ ngày 12-16/9 tới sắp tới đây.
- Bà có thể chia sẻ điều gì khi quyết định chọn đưa thổ cẩm “hand made” đến Pháp lần này?
NTK Minh Hạnh: Trong lịch sử, những ngành nghề truyền thống đều có thể mang lại cho con người những giá trị tinh thần và giá trị vật chất.
Tôi nghĩ rằng, ngay cả ngày hôm nay, tôi mặc một chiếc áo bằng vải dệt của người H’Mông, Dao ở Hà Giang thì không có nghĩa tôi muốn đưa hình ảnh này thành một biểu tượng. Mà thực tế trong quá trình làm thời trang tôi nhận thấy chất liệu vải này đã thuyết phục hoàn toàn khách hàng từ các quốc gia.
Tôi tự hỏi, tại sao họ yêu quý và say đắm thổ cẩm Việt Nam đến như thế? Chính là bởi giá trị về mặt tinh thần ẩn dấu bên trong hình ảnh của các bà con dân tộc ngồi se sợi để dệt nên những tấm vải và tỉ mẩn vẽ chi tiết hoa văn thổ cẩm độc đáo lên đó.
- Thổ cẩm là một chất liệu không mới với bà, vậy bà đã làm gì để lấy cảm hứng cho bộ sưu tập lần này?
NTK Minh Hạnh: Đúng rồi, các bạn nhìn thấy thổ cẩm chỉ với bao nhiêu đó hoa văn, chừng đó màu sắc nhưng nhà thiết kế có nhiệm vụ phải đặt để một tinh thần mới trong bộ sưu tập đó.
Và, tinh thần của ngày hôm nay là gì, nó là một phong cách rất tự do, rất Việt Nam, một chút dáng vẻ bụi đời nhưng vẫn rất thanh lịch. Đó là quan điểm bộ sưu tập lần này của tôi và dĩ nhiên nó có kết hợp cả những chi tiết liên quan đến những trường phái hội họa của châu Âu, như một số chi tiết mang phong cách nghệ thuật gothic, baroque.
Tôi muốn đặt để những chi tiết đó với mong muốn tìm kiếm sự cân bằng cũng như sự đồng cảm của người châu Âu khi đến với bộ sưu tập này. Họ thấy đó là hình ảnh của dân tộc H’Mông, Dao miền núi Việt Nam, nhưng trong đó có cả tinh thần của họ. Đó chính là chiếc chìa khóa cho các nhà thiết kế tìm đến được sự đồng cảm.
Vốn quý không chỉ để nhìn
- Bà muốn truyền tải thông điệp gì đến với bạn bè quốc tế trong bộ sưu tập lần này?
NTK Minh Hạnh: Rất đơn giản, đó là một lễ hội mang tính nhân văn cao. Tôi nghĩ chất liệu dệt thổ cẩm là vốn quý của Việt Nam và chúng ta đang có cơ hội để khơi dậy, để cho bạn bè quốc tế biết rằng chúng ta có vốn quý đó.
Bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy thách thức và trăn trở khi đến với Lễ hội, là làm sao để dệt thổ cẩm trở thành một giá trị giúp cho vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may truyền thống và những sáng tạo trong thiết kế thời trang của chúng ta được nâng lên trên đấu trường quốc tế.
Mấu thiết kế của NTK Minh Hạnh - Nguồn ảnh: Vietmode
- Vậy theo bà chúng ta cần làm gì để phát huy hơn nữa những vốn quý này?
NTK Minh Hạnh: Nó không phải là chuyện của một cá nhân nào mà tôi nghĩ chúng ta cần một chiến lược lớn của Nhà nước. Những người tham gia vào chiến lược này đòi hỏi phải có một tấm lòng trân trọng để có ý thức gìn giữ đối với ngành dệt.
Khi là vốn quý nó cũng phải đem lại những giá trị hữu ích cho đời sống chứ không phải là một vốn quý chỉ là để nhìn ngắm và tự hào về điều đấy.
- Vâng, đúng như bà nói, khi chúng ta có chiến lược, có bước đi cụ thể sẽ thu được những thành quả không chỉ về văn hóa mà cả về kinh tế cho những người làm nghề…
NTK Minh Hạnh: Khi đề cập đến chiến lược, dĩ nhiên tôi còn muốn nói đến một thực tế đáng buồn là tất cả những vốn quý của Việt Nam ngày hôm nay tại sao chúng ta không công nhận mà phải để một lễ hội như Lễ hội quốc tế Dệt may đặc biệt của người Pháp họ công nhận hộ chúng ta.
Tôi nghĩ vấn đề ở đây là chúng ta cần phải hiểu được những giá trị thực sự đáng quý. Như dệt thổ cẩm của người dân tộc, nhiều người lầm tưởng đó là loại vải rất tầm thường, nên nếu muốn phát triển trước tiên chúng ta phải thay đổi ý niệm để biết trân trọng nó.
Đây là vấn đề về quan điểm và dĩ nhiên nó cần phải có những động lực và ý thức từ phía lãnh đạo cấp cao nhất trong ngành này.
Cảm ơn bà và chúc chuyến đi của bà thành công!
nguồn: me.phununet,com>
================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ