Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

đọc thêm (2) : " sĩ khí người cầm bút "/ Vương Trùng Dương " -- http:/www.cuuhocsinhtranquycaphoian.com>

 

VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG

Picture

THANH HUY, DX TRUC, VUONG T DUONG, TRAN TRUNG DAO.

Picture


Picture
 Phan Khôi & Sĩ Khí Người cầm Bút

Vương Trùng Dương

Trong bài viết của nhà văn Xuân Đỗ: “Nhìn lại các danh sĩ, danh nhân Quảng Nam mà đặc biệt là “Tứ Kiệt Quảng Nam” (Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng), thì Phan Khôi có khuôn mặt đặc thù mang nhiều nét ưu tư khắc khổ... Một kẻ sĩ khí tiết, nghèo không than, bại không nản, bị coi thường không giận, bị xử oan không oán, bị chèn ép không bi phẫn, sống an nhiên tự tại, quyết không khuất phục uy quyền, không đầu hàng trước cái ác, không về phe cái xấu, không thích chốn quan trường, chẳng bon chen nơi thị tứ, mà chỉ đem sở trường, sở học chăm làm cái gì đó làm di sản cho lớp hậu sinh”.

Những lời bày tỏ của anh Xuân Đỗ cũng giống như cái nhìn của nhiều kẻ hậu sinh trên mảnh đất “cày lên sỏi đá” nhưng tự hào, hãnh diện với về các bậc tiền bối đã để lại tấm gương cao đẹp cho quê hương.

*

Sông Vu Gia bắt nguồn từ vùng núi ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam. Phần thượng nguồn ở Phước Sơn được gọi là Đăk Mi, sông chảy theo hướng Nam lên Bắc. Khi qua địa bàn phía Đông huyện Nam Giang, sông được gọi là sông Cái. Tại đây, nó nhận một chi lưu lớn ở phía Tây (tả ngạn), đó là sông Giằng. Bắt đầu khi chảy sang huyện Đại Lộc, sông được gọi là Vu Gia và có dòng chảy theo hướng Đông Tây. Sông Vu Gia chảy đến địa phận xã Đại Hòa ở phía Tây Đại Lộc thì tách ra làm hai dòng, một là sông Yên chảy lên phía Bắc hội lưu với sông Cầu Đỏ, một đi về phía Nam hội lưu với sông Thu Bồn.

Gò Nổi được bao bọc bởi sông Thu Bồn và sông Vu Gia gặp nhau rồi tách làm hai nhánh sông tạo thành vùng đất bồi phì nhiêu, trước kia thuộc tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Gò Nổi rộng khoảng vài chục cây số vuông, gồm có các làng Tư Phú, Bảo An, La Kham, Xuân Đài, Trường Giang, Đông Bàn, Phú Bông. Đây là vùng đất đã mang lại niềm tự hào cho quê hương Quảng Nam vì đã sản sinh ra những nhân vật gắn liền với lịch sử dân tộc như Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương... cùng nhiều vị khoa bảng nổi tiếng.

Nơi chốn đó, Phan Khôi, bút hiệu Chương Dân đã dấn thân vào nghề báo từ tuổi thanh xuân cho đến tuổi thất thập, ông vẫn giữ được hào khí của người cầm bút trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm. Ông còn là nhà văn, nhà lý luận sâu sắc và đóng góp trong phong trào thơ mới, điển hình với bài Tình Già vào đầu thập niên 30. Ngoài ra, ông còn có bút hiệu Tú Sơn (Tout Seul) qua dòng thơ trào phúng trên Phụ Nữ Thời Đàm; bút hiệu Thông Reo, ban đầu ký chung với Đào Trinh Nhất và Diệp Văn Ký trên tờ Thần Chung, sau đó ông giữ luôn mục “Câu Chuyện Hàng Ngày” nầy.

* Dòng Đời

Phan Khôi sinh năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thân sinh ra ông là Phan Trân (1862-1935), đỗ phó bảng năm 1891, làm Tri Phủ ở Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Khi làm quan, là nhà nho yêu nước, thấy hình ảnh lộng hành của Công Sứ Pháp nên ông từ quan về dạy học ở quê nhà. Thân mẫu của Phan Khôi là con gái Hoàng Diệu, nguyên Tổng Đốc Hà Nội, quê ở Xuân Đài. Tổng Đốc Hoàng Diệu anh dũng tuẩn tiết khi thành Hà Nội bị lọt vào tay Henri Riviere năm 1882.

Theo dòng thời gian, cuộc đời của Phan Khôi từ nhỏ đến khi lui về quy ẩn ở quê nhà, trước đây, có vài điều nhầm lẫn vì ông vừa là học sinh, vừa là thầy giáo cùng một thời điểm. Trong quyển Nhớ Cha Tôi – Phan Khôi, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2001 của bà Phan Thị Mỹ Khanh, trích dẫn lại đôi dòng tóm lược về ông:

“Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, nề nếp, bên nội cũng như bên ngoại, mặc dầu mồ côi mẹ và là con một, cha tôi không ham chơi bời như một số cậu ấm cùng trang lứa, mà chỉ lo chí thú học hành. Từ ngày mới lên năm, sáu tuổi, cha tôi tỏ ra thông minh, học đâu nhớ đó...

Năm cha tôi được bảy tuổi thì chẳng may bà nội tôi lâm bệnh rồi qua đời, ông nội tôi phần vì buồn phiền, phần thì phải lo toan thu xếp việc nhà, không còn tâm trí kềm cập cha tôi thường xuyên như trước dược. Tuy nhiên với tấm lòng ham học sẵn có, cha tôi vẫn ôn lại bài vở cũ và mày mò tự học thêm, gặp chữ nào khó thì xin ông nội giảng giải.

Ngày ông tôi phải vào Diên Khánh nhậm chức Tri Huyện, gia đình lại thiếu vắng bà nội nên lâm vào cảnh đơn chiếc. Ông tôi bèn thu xếp gởi cha tôi về bên ngoại ở Xuân Đài... Nhưng chỉ được thời gian độ một năm, bảy tháng, cha tôi không thấy thích thú gì việc học hành ở nhà cậu nữa... Sẵn dịp ông tôi từ Diên Khánh về thăm nhà, cha tôi xin ông chuyển cho mình học nơi khác. Sau khi cân nhắc kỹ, ông tôi quyết định đưa cha tôi về thôn Thái La, làng Bất Nhị, gởi gấm cho cụ tú Trần Quý Cáp đang mở trường học tại nhà...

Cha tôi chịu ảnh hưởng nhiều của cụ Trần về mặt tư tưởng. Về học tập, do được cụ Trần hết lòng dạy dỗ trong một thời gian khá dài nên cha tôi tiến bộ rõ rệt. Đến năm 15, 16 tuổi, khi chuyển qua cac trường Huấn, trường Đốc, kỳ sát hạch nào của ông cũng chiếm hàng đầu, được tiếng là sĩ tử thông minh của đất Gò Nổi...

Học giỏi như vậy, nhưng năm Bính Ngọ (1906) ông 19 tuổi, lều chõng ra kinh đô Huế dự thi khoa thi Hương do Nam triều tổ chức, ông chỉ đỗ tú tài...

... Năm 1907, cha tôi được phong trào Duy Tân Quảng Nam giới thiệu đi học tiếng Pháp tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội... Đến Hà Nội, cha tôi được nhà trường nhận vào học một lớp tiếng Pháp do ông Nguyễn Bá Học phụ trách... Nhà trường còn bố trí cho cha tôi dạy một số giờ chữ Hán những buổi không có lớp tiếng Pháp. Ngoài ra, ông còn viết bài, sửa bài cho tờ Đăng Cổ Tùng Báo.

Công việc dạy và học đương yên ổn thì trường Đông Kinh Nghĩa Thục và tờ Đăng Cổ Tùng Báo bị nhà cầm quyền Pháp đóng cửa, những vị sáng lập bị mật thám xét hỏi. Ông Nguyễn Bá Học rủ cha tôi chạy về Nam Định, tạm lánh nhà ông để tiếp tục học tiếng Pháp đang dở dang. Nhưng ở đây vẫn không yên, ông Nguyễn Bá Học bị mật thám Nam Định theo dõi, gọi tới gọi lui thẩm vấn nhiều lần. Cha tôi buộc phải rời nhà ông Học, tìm đường quay về Quảng Nam...

Vào khoảng năm 1909, cha tôi ra Huế xin vào lớp nhì trường Pellerin để tiếp tục học tiếng Pháp... Ban giám hiệu thấy cha tôi đã 22 tuổi mà ham học nên nhận đơn, nhưng buộc phải qua cuộc sát hạch mới cho vào lớp nhì, học chung với học trò trên 10 tuổi. Hai tháng đầu, ông bị xếp hạng bét lớp, nhưng từ tháng thứ ba trở đi, ông vượt lên đứng đầu trước sự ngạc nhiên của thầy giáo và đám bạn nhỏ. Nhưng chưa kết thúc năm học thì ông phải về quê thọ tang bà cố tôi, sau đó ở nhà luôn...

Thời gian nầy (1910) thực dân Pháp và Nam triều mở một đợt vây bắt bớ vì chúng thấy phong trào Duy Tân vẫn còn âm ỉ, và hơn nữa, Đảng Việt Nam Quang Phụcï Hộicủa cụ Phan Bội Châu đang bắt đầu nhen nhóm. Một hôm, cha tôi nhận được trát của phủ Điện Bàn đòi xuống hầu, nhưng ông vừa tới nơi thì bị tống giam vào nhà lao tỉnh, sau vài hôm lại bị giải giao về nhà tù Hội An, giam chung với các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyên và nhiều nhân sĩ đã bị bắt trước đó vài hôm...

... Năm 1913, mãn hạn tù. Ông nội tôi hối thúc việc cưới vợ, coi đó là biện pháp giữ chân con trai tốt nhất... Cưới vợ rồi, cha tôi mở lớp dạy chữ Hán và chữ Quốc Ngữ tại nhà, được học trò xa gần đến học rất đông, vì ông có cải tiến lối giảng dạy dễ hiểu hơn so với các thầy đồ xưa...

... Vào khoảng giữa năm 1916, cha tôi ra Hà Nội lần thứ hai với một quyết tâm cao hơn bao giờ hết, để thực hiện cho nguyện vọng ấp ủ bấy lâu là làm báo, viết văn, dù cho khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua... Lên Hà Nội, cha tôi gặp Nguyễn Bá Trạc là người cùng quê và là bạn học cũ quen biết. Ông Nguyễn đã từng tham gia phong trào Đông Du, qua Nhật rồi trở về, được Pháp sử dụng, sau bổ nhiệm làm Tổng Đốc Thanh Hóa. Nguyễn Bá Trạc giới thiệu cha tôi vào làm báo Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ bút....

Nhưng dần dần, ông nhận ra rằng báo Nam Phong chỉ là công cụ mị dân do người Pháp chủ trương... ông lại vào Sài Gòn viết cho tờ Lục Tỉnh Tân Văn.

Năm 1920, ông trở ra Hà Nội viết cho tờ Thực Nghiệp Dân Báo và tạp chí Hữu Thanh... Năm 1922, cha tôi lại trở vào Sài Gòn do vài bạn đồng nghiệp nhắn gọi, nhưng vào đó, ông chỉ viết bài gởi đăng báo như một cộng tác viên, chứ không có chủ báo nào nhận ông làm... Rồi nhân có một vụ việc gì đó xảy ra ở thành phố, ông bị mật thám tình nghi, đe dọa, phải chạy xuống Cà Mau tạm trú tại nhà một người quen thân làm chủ đồn điền tại đây.

Thời gian ở ẩn ăn không ngồi rồi này khá lâu, mất đến gần 3 năm, nhưng cha tôi biết tận dụng nó để làm việc có ích là tiếp tục học tiếng Pháp bằng cách trao đổi thư từ, bài tập qua đường bưu điện với một nhà báo Pháp Dejiean de la Bâtrie...

Đầu năm 1925, hết đợt lận đận, cha tôi trở lên Sài Gòn cộng tác cùng một lúc với ba tờ báo lớn là Thần Chung, Đông Pháp Thời Báo, đồng thời gởi bài cho Đông Tây Tuần Báo, văn học tạp chí ở Hà Nội.

Từ năm 1925 đến 1928, trong ba năm ấy, ông viết liên tục, rất sung túc... Giới trí thức tư sản Sài Gòn thì tới lui tìm gặp ông để bàn việc ra báo... Trong số những người đến tiếp xúc mời ông cộng tác, ông thấy bà Nguyễn Đức Nhuận là người có thật tâm nhất nên nhận lời... tuần báo lấy tên là Phụ Nữ Tân Văn... Bà đứng tên người sáng lập, cha tôi làm chủ bút... sau đó, vào hạ tuần tháng 5 năm 1933, chúng rút giấy phép, ra lệnh đóng cửa tòa soạn. Tờ Phụ Nữ  Tân Văn cuối cùng chia tay với bạn đọc cũng là kỷ niệm ngày báo được tròn 4 tuổi...

... Cha tôi ở nhà khoảng một tuần, lại trở ra Hà Nội, nhận làm chủ bút báo Phụ Nữ Thời Đàm của ông Nguyễn Văn Đa. Ông nầy ra tuần báo Phụ Nữ Thời Đàm với ý đồ thay chân cho Phụ Nữ Tân Văn vừa bị đóng cửa, nhưng do tài chánh eo hẹp, tờ báo kém về hình thức lẫn nội dung, chỉ tồn tại được một năm phải đình bản.

Thôi làm cho Phụ Nữ Thời Đàm, ông quay về Huế, làm chủ bút báo Tràng An của ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập. Trên mặt báo Tràng An, thỉnh thoảng có đăng bài động đến chính quyền cai trị... nên bị Chánh mật thám Trung Kỳ Sogny nhiều lần hạch sách, đe dọa. Cuối cùng hắn dùng thủ đoạn thu hồi giấy nhập khẩu giấy in báo của nhà in Đắc Lập, tờ Tràng An không còn giấy để in, đành phải tự động đóng cửa.

Cha tôi lại mất việc. Ông tạm thời dạy Việt văn cho trường Trung học tư thục Hồ Đắc Hàm ở Huế, đồng thời viết bài cho Hà Nội Báo và xuất bản cuốn Chương Dân Thi Thoại vào đầu năm 1936...

Vào giữa năm 1936, cha tôi xin giấy phép đứng tên sáng lập tờ Sông Hương tại Huế... Tòa soạn do ông đảm đương là chính, cộng với sự trợ giúp của hai anh tôi và một vài nguời bà con. Tuần báo nầy chỉ sống được 8, 9 tháng thì phải tự đóng cửa do tài chánh mất cân đối, vốn dự bị lại cạn kiệt.

Cuối năm 1927, cha tôi vào Sài Gòn dạy Việt văn và Hán văn cho trường Trung học tư thục Chấn Thanh của ông Phan Bá Lân, đồng thời cộng tác với báo Tao Đàn. Thời gian nầy ông sáng tác tiểu thuyết đầu tay Trở Vỏ Lửa Ra và bán bản quyền cho nhà xuất bản Phổ Thông (1939)...

Cuối năm 1941, do thời cuộc, trường Chấn Thanh đóng cửa và dời về Đà Nẵng với quy mô nhỏ hơn, và báo chí cũng hết thời thịnh vượng, cha tôi quyết định trở về quê... Năm 1942, ông đã góp phần cùng mẹ và anh tôi sữa lại cái nhà ngang bằng tranh hư hỏng và dột nát...”

Thời gian từ 1941 đến 1945, Phan Khôi tạm gác bút.

Dòng họ Phan là một trong các dòng họ nổi tiếng ở Quảng Nam. Năm 1913, Phan Khôi lập gia đình với con gái ông cử Lương Thúc Ký (1873-1947), đỗ cử nhân cùng thời với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Tuyến... từng làm Hậu Bổ tỉnh Bình Thuận, Tri Huyện ở Tuy Phong, Giáo Thọ ở Tuy An, tác giả quyển Quốc Ngạn...

Ông bà Phan Khôi có sáu người con (hai trai, bốn gái), con cả là Phan Thao (1915-1960), cán bộ cao cấp trong Ủy Ban Trung Bộ, đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Nam năm 1946, Chủ Nhiệm báo Cứu Quốc và bốn người con gái là Hựu Khanh, Bang Khanh, Mỹ Khanh, Tiểu Khanh. (Giữa Phan Khôi & Phan Thao đã bất đồng chính kiến quan điểm chính trị. Trong bài viết của Lại Nguyên Aân: “Theo lời kể lại, người con trai của ông khi đó là một cán bộ đảng, đã không dám đến dự đám tang cha mà chỉ cải trang làm một người tình cờ, dắt xe đạp đi trên vỉa hè trong lúc đám tang đi dưới lòng đường”.

Năm 1936, thời gian làm tờ Tràng An ở Huế, ông lấy thêm bà vợ hai người Hà Nội, có với nhau ba mặt con. Rời Huế, ông đưa người vợ kế về Quảng Nam, hai bà sống với nhau rất hòa thuận ở quê nhà, năm 1955 ông đưa vợ con ra đoàn tụ cùng ông tại Hà Nội.

Về quan hệ thân tộc, em gái ông là vợ nhà văn Sở Cuồng Lê Dư. Ông bà Lê Dư có các người con gái: bà Hằng Huân (vợ tướng Nguyễn Sơn), bà Hằng Phấn (vợ nhà văn Hoàng Văn Chí, tác giả Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc), bà Hằng Phương (vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan). Em họ là Phan Bôi Hoàng Hữu Nam (1911-1949), Thứ Trưởng bộ Nội Vụ trong Chính Phủ Liên Hiệp. Ông Biện Chín, tên thật là Phan Định, chú ruột Phan Khôi, có hai người con là Phan Bôi, Phan Thanh (1908-1939). Phan Thanh cũng hoạt động trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ cùng với Đặng Thái Mai và Võ Nguyên Giáp.

* Nhân Văn – Giai Phẩm

Phan Khôi được hấp thụ tinh thần yêu nước của các vị thầy từ nhỏ, ông ghét chính sách cai trị của thực dân Pháp nên tham gia vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân... Đứng trước hoàn cảnh ly loạn của đất nước, ông đã tham gia trong phong trào kháng Pháp của Việt Minh nhưng tính cương trực, dũng cảm của bậc sĩ phu yêu nước, ông đã mạnh dạn lên án những sai lầm dù nguy hiểm cho bản thân.

Trong quyển Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Nguyễn Vỹ đã viết về ông:

“Năm 1945, Việt Minh nắm chính quyền. Ngay buổi đầu, ông đã bực tức về những hành động quá tàn bạo của chính quyền địa phương đối với nhân dân trong tỉnh. Đến khi họ định đập phá nhà thờ cụ Hoàng Diệu thì Phan Khôi phản đối quyết liệt. Nếu lúc bấy giờ không có thân thế mạnh mẽ thì có lẽ Phan Khôi đã bị thủ tiêu rồi, như trường hợp của những nhà văn có tinh thần quốc gia và yêu chuộng tự do, công lý như Khái hưng, Lan Khai...

... Phan Khôi lén nhờ người cầm thư ra Hà Nội, định che chở cho cụ. Nhưng ở Hà Nội, Phan Khôi vẫn bị công an Việt Minh theo dõi từng bước và họ giao ông cho chính em họ của ông là Phan Bôi, tức Hoàng Hữu Nam, ThứTrưởng bộ Nội Vụ, quản thúc.

Vì tính cương trực, không muốn để mất tự do hành động của mình, ông không chịu ở nhà Phan Bôi, mà tự ý đến nhà Khái Hưng, tại trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng, phố Quan Thánh. Việt Minh đến bắt Khái Hưng tại nơi đây, và bắt luôn Phan Khôi. Khái Hưng thì họ đưa về làng quê quán để rồi cán bộ địa phương thủ tiêu trong một đêm tối trên một bờ đê trong làng. Còn Phan Khôi thì bị đưa lên chiến khu Việt Bắc... và được giao công tác phiên dịch sách chữ Hán.

Suốt chín năm kháng chiến ở Việt Bắc, Phan Khôi, một nhà văn độc lập, không đảng phái, không quỵ lụy ai, không phục tùng sức mạnh nào, chỉ phụng sự cho công lý, tự do, dân chủ. Phan Khôi vẫn công kích chế độ Cộng Sản, mặc dầu ông triệt để ủng hộ cuộc kháng chiến của toàn dân chống Pháp”.

 Công tác phiên dịch Hán văn và Pháp văn sang tiếng Việt cũng nhẹ nhàng, vì tuổi cao và có thân thế, Phan Khôi được ưu đãi hơn các văn nghệ sĩ khác nhưng ông không dựa vào đó để tiếm chức, lạm quyền mà dần đà khám phá ra nhiều hành vi độc đoán nên bất mãn. Năm 1951 ông làm bài thơ ví cuộc kháng chiến như hoa hồng và ví Việt Minh như gai. Ông nói lên tâm trạng của người vì yêu kháng chiến mà phải chấp nhận đi theo con đường phục vụ cho Việt Minh.

Bài thơ “Hồng Gai” như sau:

“Hồng nào hồng chẳng có gai

Miễn đừng là thứ hồng dài không hoa,

Là hồng thì phải có hoa,

Không hoa chỉ có gai mà ai chơi ?

Ta yêu hồng lắm hồng ơi !

Có gai mà cũng có mùi hương thơm”.

Sống lâu ngày nơi núi rừng Việt Bắc, dù khổ cực, bất mãn nhưng không có ai dám thổ lộ tâm sự bi đát đó, chỉ có Phan Khôi bộc lộ những dòng thơ vào năm 1952:

“Tuổi già thêm bệnh hoạn

Kháng chiến thấy thừa ta

Mối sầu như tóc bạc

Cứ cắt lại dài ra”.

Cuối năm 1954, Phan Khôi trở về Hà Nội cùng với đa số các văn nghệ sĩ khác. Vì không có nhà cửa ở Hà Nội nên Hội Văn Nghệ dành cho ông căn phòng ở tầng ba của trụ sởcủa Hội, ông vẫn tiếp tục công việc phiên dịch.

Năm 1956, sau khi Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời, bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần dài gần 400 câu như quả bom tung ra trong làng báo Hà Nội. Ngày 29-8-1956, Giai Phẩm Mùa Thu xuất hiện. Theo Hoàng Văn Chí trong Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc: “Trong tập nầy cụ Phan Khôi giáng một chùy trí mạng vào đầu giai cấp lãnh đạo. Bài của cụ nhan đề là Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ. Bài nầy đã làm nhân dân Hà Nội xôn xao. Có người viết trên báo Thời Mới, ví bài của cụ Phan như một “quả bom tạ” thả ngay giữa Hà Nội. Có người thốt lên rằng chín mười năm nay mới nghe thấy một tiếng nói “sang sảng” của cụ Phan...”

Vì nhận thấy “giai phẩm” có tính cách văn học nên Phan Khôiđứng ra làm Chủ Nhiệm tờ Nhân Văn cùng Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy... muốn quảng bá rộng rãi hơn tiếng vọng của tờ báo, tạo ngọn lửa đấu tranh giữa thủ đô Hà Nội.

Ngày 15-9-1956, tờ Nhân Văn ra đời, nhà thơ Phan Khôi, chủ nhiệm chủ bút, giới sinh viên hưởng ứng tiếng nói đấu tranh với tờ Đất Mới và tuần báo Trăm Hoa của Nguyễn Bính cũng nhập cuộc, và tờ Văn cũng thay đổi thái độ cho đến bài Ông Năm Chuột của Phan Khôi xuất hiện, Đảng bắt Hội Văn Nghệ đình bản tờ Văn.

Đảng và giới lãnh đạo văn nghệ ra tay đàn áp tạo thành vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, đày đọa giới trí thức và những người cầm bút đối kháng vào chốn lao tù và sống cuộc đời lầm than trải dài qua vài thập niên.

Theo họa sĩ Trần Duy, thư ký tòa soạn báo Nhân Văn cho biết: “Nếu muốn nhìn lại thì theo tôi, cần nhìn lại từ những ngày đầu tháng 3 năm 1955, thời gian mà Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Hoàng Yến ở Phòng Văn Nghệ Quân Đội chủ trương phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Trong lúc ấy thì Xuân Trường trên báo Nhân Dân, Xuân Diệu trong hai số báo Văn Nghệ (Tháng 2, 1955) lại tung hô hết lời khen tập thơ này. Ông Phan Khôi nói với tôi: “Không ai cấm người làm thơ dở. Nhưng cái không may là người làm thơ dở lại làm người lãnh đạo!”

Nắng Chiều của Phan Khôi là tác phẩm cuối đời, thể hiện hào khí bất khuất của người cầm bút, đấu tranh cho tự do và lẽ phải.

 Sáng ngày 16 tháng Giêng năm 1959, Phan Khôi vĩnh biệt cõi trần tại căn nhà ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi.

Đám tang của ông thật lặng lẽ, u buồn vì không khí ngột ngạt của vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm còn bủa vây trên bầu trời Hà Nội.

*

Về văn, trong Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan ra đời năm 1942 đã viết về Phan Khôi ở phần đầu: “Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong phái nho học”. Và kết luận: “Trong văn giới Việt Nam, dù thuộc về phái già hay phái trẻ, tuy có nhiều người không đồng ý kiến với Phan Khôi, nhưng ai ai cũng phải công nhận ông là một tay kiện tướng”.

Về báo, trong quyển Nghề Viết Báo của Tế Xuyên đã nhận định:

“Léon Daudet, cây bút sắc bén của tờ báo hữu khuynh L’ Action Francaise đã nói rằng: Kẻ viết báo tài tình là những người bút chiến giỏi.

Phan Khôi xứng đáng là nhà bút chiến giỏi như lời Léon Daudet đã nói. Ông còn để lại trong lịch sử lịch sử báo chí nước nhà lắm trận bút chiến náo động”.

Phan Khôi đã tham gia trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, với tài năng, tuổi già và có thân nhân trong guồng máy lãnh đạo, ông được ưu đãi nhưng khí phách, nhân cách của nhà văn, nhà báo ý thức trách nhiệm với quê hương, dân tộc, không thể cam chịu trước cảnh độc tài và bất công, nên dấn thân đấu tranh đến cùng. Hình ảnh kiện tướng Phan Khôi, một lần nữa, được đi vào trong lịch sử báo chí và văn học Việt Nam.

Sự nghiệp cầm bút của Phan Khôi nổi bật về báo chí và các bài lý luận sắc bén. Tác Phẩm tiêu biểu: - Bàn Về Tế Giao (1918) - Tình Già (thơ mới - 1932) - Chương Dân Thi Thoại (chuyện thơ, 1936) – Trở Vỏ Lửa Ra (tiểu thuyết, 1939) – Tìm Tòi Trong Tiếng Việt (1950) - Việt Ngữ Nghiên Cứu (1955) - Dịch Lỗ Tấn (từ 1955 đến 1957) - Ngẫu Cảm (thơ chữ Hán) - Viếng Mộ Oâng Lê Chất (thơ chữ Hán) - Ông Năm chuột (truyện ngắn)

Truyện ngắn bằng Hán văn: Mộng Trung Mộng, Hoạn Hải Ba Đào.

Ngoài ra, bản dịch Kinh Thánh năm 1925 cho Giáo Hội Tin Lành của ông cũng được đánh giá rất cao trong thời kỳ phát triển văn chương Việt Nam.

*

Trải qua bao thăng trầm trong suốt quãng đời phiêu bạt, bút chiến, đụng độ với nhau... và nhất là thời điểm “tranh tối tranh sáng” sau ngày CS thống trị miền Bắc, Phan Khôi đả kích chế độ CS, những tên bồi bút tìm mọi thủ đoạn để triệt hạ. Rất nhiều giai thoại về Phan Khôi. Bài viết của GS Trần Gia Phụng đã ghi lại nhiều giai thoại ngay khi ông còn sống. Những câu chuyện thực trong cuộc đời ông, vừa táo bạo, vừa dí dỏm, nên được truyền miệng nhiều lần thành những giai thọai dân gian. Sống dưới chế độ CS, Phan Khôi cũng ưa “cãi lý” mà không sợ bị CS trù dập. Tượng trưng cho lối “cãi lý” Phan Khôi.

Nhìn lại hiện tình đất nước hiện tại, nhờ hệ thống internet được phổ biến rộng rãi, những cây bút trẻ, những bloggers... yêu chuộng tự do, bình đẳng; bất bình trước sự “hèn với giặc, ác với dân” đang xảy ra đã dũng cảm gióng lên tiếng nói mà Phan Khôi dấn thân vào 6 thập niên về trước. Hình ảnh Phan Khôi & sĩ khí người cầm bút như ngọn đuốc soi đường.

Vương Trùng Dương

Bài viết nhân ngày mất Phan Khôi trước đây được bổ túc thêm.

                                                   ==============




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ