" ... Nguyễn Liên Châu [1955- ] , nhà thơ sinh ra để ' biên tập tác phẩm văn học' " / Trần Dzạ Lữ ( tphcm) -- nguồn : http://vanchuongviet.org>
... Nguyễn Liên Châu, nhà thơ sinh ra để biên tập tác phẩm văn họcTrần Dzạ Lữ | |
Trước 75, Nguyễn Liên Châu đã làm thơ và đã in tác phẩm của mình từ năm 1972 khi còn sinh sống và viết ở Đà Lạt-thành phố ngàn hoa thơ mộng.Sau 75, anh bỏ phố núi để về Sài-Gòn.Đây là cơ hội để Châu sống và viết theo đam mê của mình khi biên tập những tác phẩm văn học bằng liên kết với nhà xuất bản Đồng Nai từ thập niên 90.Tôi quen Châu từ đó.Lúc ấy, anh Hoàng Văn Bổn là giám đốc nhà xuất bản và là một người rất thoáng cùng những tư duy mới mẽ bởi đã duyệt cho in những tác phẩm văn học thời đổi mới.Đáng nhớ nhất là tuyển thơ Lục Bát Tình( tuyển chọn là Châu với tên Hồ Quốc Nhạc)hội tụ rất nhiều khuôn mặt văn nghệ tên tuổi trong và ngoài nước- có những tác giả hơi bị cấm kỵ! Châu cũng đã bị làm phiền nhưng rồi mọi thứ cũng xong.Anh là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuổi Ngọc, từng thực hiện các tủ sách, tập san, tạp chí: Tuổi Hồng, Sinh Viên, Hoa Niên, Gieo & Mở, Văn Chương, Mỹ Thuật Thời Nay, Mỹ Thuật Cười, Áo Trắng, Tuổi Ngọc, Hạnh Ngộ, Văn Tuyển,Văn Tuyển Sài Gòn…
Nguyễn Liên Châu có biệt danh là “sáu lép” mà bạn bè hay gọi rất thân tình.Người nhỏ nhoi, lép thiệt nhưng anh không lép chút nào bởi trí tuệ và trái tim luôn song hành khi viết văn, làm thơ hay lúc đối nhân xử thế.Nhờ thực hiện những tập san, tạp chí nên anh có cơ hội giúp đỡ một số bạn bè văn nghệ lỡ vận vào làm việc cùng anh từ thập niên 90.Và do có điều kiện nên Châu mở lòng mà không nghi ngại với anh em…Đó là một người có tâm vậy.Tôi nhớ, sau khi in tập thơ đầu HDBT năm 1995 -nhà xuất bản Trẻ.Khi gặp nhau, Châu hỏi tôi:”Sao anh không in tiếp tập thơ thứ 2?”.Tôi cười cười: “Có xu mô mà in?”.Châu nói liền:” Em ứng tiền anh in rồi bán trả từ từ...” Được lời như cởi tấm lòng” Rứa thì ok”.Vậy là tập thơ thứ 2 Gọi Tình Bên Sông của tôi được khai sinh năm 1997.Tôi bán được và trả lần hồi cho Châu.Cuối cùng hình như còn thiếu một ít.Châu nói “ Thôi anh đừng bận tâm nữa” Tôi cảm kích Châu thật tình. Do thật lòng và thấu hiểu nhau.Tôi thường ghé cà phê với Châu và anh em văn nghệ ở toà soạn tạp chí Mỹ Thuật Thời Nay và Văn Tuyển.Đây là hai tạp chí Châu làm không có lời nhưng đáng trân trọng vì bài vở chất lượng và quy tụ nhiều anh chị em viết lách ở SG và các tỉnh. Một chuyện khó quên giữa Châu, tôi và cô bạn gái của tôi.Nàng sống cuộc sống bất cần.Có làm thơ.Đọc thơ nàng tôi động viên:” Nên in một tập thơ cho vui”.Nàng đồng ý.Thế là tôi trở thành người chăm sóc bản thảo cho cô và nhờ Châu lo từ A tới Z.Tiền bạc cô gửi trước.Đó là vào những tháng cậnTết của năm 2014.Đến ngày hẹn giao tập thơ thì Châu nhắn tin xin lỗi vì trễ hẹn chắc 1 tuần.Nàng đùng đùng nổi giận đòi bỏ luôn tập thơ.Tiếc “của giời” nên tôi, Châu và nhân viên của anh thân hành lên tận xưởng in tuốt trên quận Tân Phú đốc thúc và tôi nhận hàng mang về cho nàng .Tập thơ sau đó nàng trình làng hoan hỉ.Nếu tôi không chịu khó chắc nàng bỏ luôn tập thơ.Là người đàn bà đơn thân nuôi con nên rất giống…đàn ông!Tôi rất cảm thông điều này.
Mấy mươi năm vừa biên tập tác phẩm, vừa viết lách Nguyễn Liên Châu có một gia tài tinh thần đồ sộ, không chỉ thơ mà tản văn, truyện, ký và luôn cả tác phẩm cho thiếu nhi.Tuy nhiên, thơ vẫn là sở trường của anh trong tư duy sáng tạo.Tôi vẫn thích nhất thi phẩm lục bát TRÙNG VÂY xuất bản năm 2013.Cả trăm bài ngồn ngộn ý, tứ, từ độc và lạ.Thơ Châu bắt người đọc phải đọc nhiều lần mới thấm “ý tại ngôn ngoại” để thấu hiểu tâm tư tác giả hơn. Lần này tôi trích những bài thơ lục bát trong tập Trùng Vây mà tôi tâm đắc khi đọc đi, đọc lại nhiều lần: THƠ NGUYỄN LIÊN CHÂU
CHẠM THU
Chạm thu, lòng gợn heo may Nghe thời gian đọng hai tay lá vàng Se se gió gọi mùa sang Gọi tên nỗi nhớ lỡ làng cúc xưa
Chạm thu, chao cánh chim thơ Rót từng âm vọng xuống mùa buồn tênh Ngờ tình đã ngủ vào quên Đâu hay thu vẫn lênh đênh tóc người
Chạm thu, nắng úa hiên ngồi Vàng phai ngọn lá ngang trời nhớ thương Song đôi mây nước xuôi buồn Cúc Xưa giờ nở lạc vườn nhà ai?
Em xa, như tiếng thở dài Đường tôi quạnh quẽ hai vai cỏ gầy Xin mùa thôi bớt heo may Vàng nguyên cúc nhớ những ngày chạm thu.
TRƯƠNG CHI DỊ KHÚC
Tiếng đàn rơi cứa lòng đêm Trăng chìm dưới đáy sông lềnh âm ba Trương Chi đòi cụng ly ta Ô hô, chuyện lụy đàn bà hóa hay!
Tiếng đàn mê muội tỉnh say Ly tình quá nhỏ buồn này quá sâu Ngỡ rằng anh chết không đâu Tiếng ngàn năm, tiếng ngàn sau nhắc hoài
Cụng cùng anh nỗi bi hoài Trôi đi tiếng hát nhạt phai tiếng đàn Ừ thì cũng một âm vang Nuối gì mà níu trăng ngàn đêm nay
Cạn nào, cho hết đắng cay Anh còn tiếng hát ứ đầy Mỵ Nương Riêng ta một mảnh trăng suông Cũng chìm nghỉm giữa mù sương khói đời
Hát đi phách điệu đang mời Sông tình nhỏ lắm cố bơi đừng chìm Cái ly con rượu còn nguyên Uống rồi hát ngợi ca tim đàn bà
Tiếng đàn rơi chạm xót xa Tiếng tình rơi khắc vào ta nổi… chìm…
LÓC CÓC NGỰA Ô
Ngựa ô khớp bạc…bông vàng… Câu lý thơ mộng mơ màng vu quy
Ngựa chưa khớp bạc chân đi Xe hoa ai đã đậu lì nhà em Trách người giả ngộ không quen Ngẩn ngơ đường đất gập ghềnh khó đi Lóc ca lóc cóc so bì Đường xe tráng nhựa phẳng lì nàng qua
Ngẩn ngơ một nỗi buồn ta Gõ ly tự hát bi ca giễu mình Thế là xong, một mối tình Xe hoa rồ máy…Bất bình ngựa ô… Nhà nghèo chưa kịp giăng thơ Dinh người đã rộn tiếng tơ tiếng đồng
Đành xin hát ngọng đôi dòng Lóc ca lóc cóc…điếng lòng ngựa ô ( trích trong tập Trùng Vây) Và những thể thơ khác của Nguyễn Liên Châu:
ĐÌNH BẢNG.CHIỀU CONG…
Gió quan họ vướng mái cong Đình Bảng Thê thiết lời xám tro Những dấu chân trâu dẫn tuổi thơ tiều tuỵ thăm làng Màu gỗ nâu trách thời trang hiện đại Rêu phong lề nho
Xe bon vào tận sân đình Cao ốc ngoài kia thích sức ngựa Cái giếng làng nhờ nhợ màu rêu Soi bóng mình thấy hình dị dạng Dòng quan họ lai một luồng bạch tạng
Cái nghèo ở đâu cũng thiêng Chiều Đình Bảng đẩy thành thánh hoá Thiếu nữ mặc váy ngắn ôm cột đình, lưu niệm Tấm ảnh tự nhiên như ruồi đậu đĩa xôi thơm Quan họ hiếm câu tình xót xa buồn
Trầm ngâm mái cong Đình Bảng Thức tỉnh những ai “ xin ở đừng về” Chiều xám vắt kiệt lời hát nghẹn Người thăm đình ngu ngơ
Ai còn dám đặt chân mình vào lỗ chân trâu Rưng rưng chiều cong Nhìn hồn nhiên một kẻ dở hơi đang từ tốn tháo giày Gió quan họ vướng mái lòng khách lạ.
HUẾ CHẬM
Huế trôi chậm nhịp tình ngái ngủ Xui dòng Hương nén sóng chật lòng Phận sông mà chẳng hề muốn chảy Tự giam mình bằng áo rêu phong
Lơ ngơ những con đường Thành Nội Ngọn sầu đông reo nỗi buồn vàng Cỏ rất xanh trong chiều rất xám Một yên bình của những trái ngang
Huế trôi chậm mặc thời gian chảy Ngạo luân hồi dâu bể nắng mưa Hoàng thành đỏ quạch màu phế tích Bày quạnh hiu dấu tích cõi vua
Huế trầm mặc không gian thơ cổ Nên vần buông phong kiến khiêm cung Huế cũng chậm như dòng lục bát Nên vần buông từ tốn bao dung
Người đến Huế ngỡ mình về Huế Nghe đất trời kể chuyện trăm năm Vì Huế chậm nên nhìn thấu được Cả vàng son của những mê lầm
Nguyễn Liên Châu ( Trích trong tập Bất Chợt, Lòng Gió Trống in năm 2018)
Tiểu sử tác giả:
Nhà thơ Nguyễn Liên Châu còn có các bút danh khác là Bùi Hữu Miên, Hồ Quốc Nhạc, Hắc Ngưu; tên thật là Bùi Tấn Tiến, sinh năm 1955; quê nội ở Hải Phòng, quê ngoại ở Thừa Thiên – Huế. Anh sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, chuyển về Sài Gòn sinh sống từ sau năm 1975. Hiện nay Châu là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuổi Ngọc, từng thực hiện các tủ sách, tập san, tạp chí: Tuổi Hồng, Sinh Viên, Hoa Niên, Gieo & Mở, Văn Chương, Mỹ Thuật Thời Nay, Mỹ Thuật Cười, Áo Trắng, Tuổi Ngọc, Hạnh Ngộ, Văn Tuyển, Văn Tuyển Sài Gòn.
Tác phẩm chính:
Ngàn năm có phải (Thơ, 1972) Chỉ còn một bóng trăng (Thơ, 1973) Trăng khuya, tháng Tám và Tôn nữ (Thơ, 1974) Nghìn năm vinh diệu của cô đơn (Thơ, 1975) Mù sương thuở ấy (Tập truyện, 1975) Kẻ hiếp dâm những giấc mơ rời rạc (Tiểu thuyết, 1979) Những bài hát những cơn mưa (Thơ, 1997) Giấc yên (Thơ, 1998) Ngẫm cười (Thơ văn châm biếm, 1998) Đưa đẩy phù vân (Thơ, 2001) Rừng chiều ngậm ngải (Thơ, 2005) Khẽ chạm những giấc mơ (Tản văn, 2011) Đau đáu nợ văn (Tản văn, 2011) Trùng vây (Tập thơ 100 bài lục bát, 2013) Bất Chợt,Lòng Gió Trống ( tập thơ Hội Nhà Văn xuất Bản 2018) …. Kết thúc bài viết này là nỗi nhớ của tôi về Anh chị em, bạn bè ở Sài Gòn trong những tháng ngày chưa có dịch.Buổi sáng tụ lại cà phê ở 64 Trần Quốc Thảo hay cà phê Sài Gòn Phố quận 3 – nơi Châu ngồi cùng Ngô Đình Hải,Tuấn mập, Thuỷ, Vũ Ngọc Giao, Châu Đăng Khoa,anhTư hay hút thuốc lá 3 số 5 hộp, tôi…Giờ này, thèm một ly cà phê Sài gòn Phố nhưng biết bao giờ mới được quay lại đất cũ, trời xưa nhỉ? Tôi thuộc diện người lớn tuổi ưu tiên tiêm vắc xin.Thế mà, đăng ký hơn tháng rưỡi nay rồi, chưa có mũi nào lận lưng…Ui chao ơi! Răng rứa hè?
( Xuyên Mộc 1.10.2021)
| |
Trần Dzạ Lữ ========= |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ