Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

" tưởng niệm nhà văn Phan Lạc Phúc tức Ký Giả Lô Răng ( 1928 - 2016 ) "/ Phan Anh Dũng (biên soạn) -- nguồn: Cỏ Thơm Magazine ( Mỹ )

 Nguồn: Cỏ Thơm  Magazine

(http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=1294&Itemid=36)

TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN PHAN LẠC PHÚC TỨC KÝ GIẢ LÔ-RĂNG (1928-2016)

Biên soạn: Phan Anh Dũng

bar_divider

CaoPho-PhanLacPhuc-2016

TIỂU SỬ

Nhà Văn Phan Lạc Phúc, đã qua đời vào lúc 1:32 PM ngày thứ Năm 28 tháng 4 -2016 vì đột quỵ tại Sydney (NSW) Australia.

Ông sinh năm 1928, tốt nghiệp Khóa 2 Thủ Đức. Ra trường ông phục vụ tại Tiểu Đoàn 6 Việt Nam thuộc GM 2.

– Năm 1955, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ 14 Việt Nam, tiếp thu Bình Định.

– Năm 1956, Phan Lạc Phúc làm việc tại Phòng 5 Bộ TTM.

– Năm 1957, ông được gửi đi học khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí (Press Information Officer) tại Ft. Slocum, New York, Mỹ.

– 1958, Phan Lạc Phúc là Phụ tá Trưởng Phòng 5 Bộ TTM và lần lượt đảm trách các chức vụ:

– Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân,

– Sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Thiếu Tướng Dương Văn Minh.

– Năm 1964, Trưởng Khối Huấn Luyện của trường Chiến Tranh Chính Trị.

– Văn phòng của Tướng Trung Hoa Dân Quốc Vương Thăng, cố vấn của Bộ TTM. VNCH về “Lục Đại Chiến.”

– Năm 1965, Phan Lạc Phúc là Chủ bút của tờ nhật báo Tiền Tuyến và mở mục Tạp Ghi dưới tên Ký Giả Lô Răng.

– Năm 1973, học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Long Bình.

– Tham Mưu Phó CTCT Quân Đoàn III tại Biên Hòa.

– Biên tập Tập san Quốc Phòng (trường Cao Đẳng Quốc Phòng).

Sau biến cố tháng Tư, 1975, Trung Tá Phan Lạc Phúc đã qua các trại tập trung Long Giao, Suối Máu, ra Bắc ở Liên trại 2 Sơn La, Phù Yên, Thanh Phong, Tân Kỳ (Nghệ Tĩnh), Hà Nam Ninh, sau cùng là Xuân Lộc Z.30D.

Ra tù năm 1985, năm 1991, vợ chồng ông đến định cư tại Sydney, Úc, do con gái ông bảo lãnh theo diện đoàn tụ.

Ông cầm bút trở lại, và cũng với thể loại tạp ghi xuất hiện trên nhiều tờ báo khác tại Úc Châu như Chiêu Dương, Văn Nghệ, Việt Luận, Dân Việt và Ngày Nay (Mỹ), Quê Mẹ (Pháp), Thời Báo (Canada).

Những tác phẩm của nhà văn Phan Lạc Phúc là: Bạn Bè Gần Xa (2000,) Tuyển Tập Tạp Ghi (2002).

(Nguồn: Việt Báo online)

HoaTangLe

bar_divider

Nhớ Phan Lạc Phúc và những chuyện xưa

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn  17/04/2016

PhanLacPhuc-KyGiaLoRang-1

Tôi quen biết với anh Phan Lạc Phúc từ những năm 1956 từ khi còn làm chung trong Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Hồi đó anh đã là đại úy và có thời làm Trưởng Ban Báo Chí, tôi làm dưới quyền anh nhưng anh vẫn xem tôi là bạn dù tôi ít tuổi hơn anh và mới chỉ là anh Trung Uý trẻ. Nhà anh ở ngay trong chợ An Đông, bà vợ là con một ông chủ tiệm vàng ở Quy Nhơn nên vào Sài Gòn nhà anh cũng mở tiệm vàng.

Tôi mới từ Nha Trang đổi vào Sài Gòn, ở nhờ nhà bà dì em của mẹ tôi. Anh đã có chiếc xe Fiat thường đến đón tôi cùng đi làm. Mỗi buổi chiều chúng tôi thường chơi bóng chuyền ngay trước cửa Phòng 5. Anh Phúc cao ráo bảnh trai, đứng trên lưới đập bóng khá hay. Tôi là người nâng bóng. Tuy chân anh bị thương hơi tập tễnh, nếu không chú ý thường không thấy. Sau này có lúc anh làm Trưởng Phòng 5 Bộ TTM một thời gian.

Tôi nhớ mãi hôm vào nhà Đại tá Vũ Quang anh được tặng một trái đào. Anh để dành mang về tặng cho mẹ tôi, anh nói nhìn bà cụ nhà ông tôi nhớ hình ảnh bà mẹ tôi. Thỉnh thoảng nhà tôi có tổ chức vài món ăn đặc biệt truyền thống miền Bắc xưa mà ngày nay hầu như “mất tích”, không có bất cứ cửa hàng nào bán và cũng rất ít nhà náo làm được vì sự nhiêu khê của nó và những công thức gia truyền như phải chon con cá chép hay cá mè như thế nào mới làm được món gỏi cá hoặc phải chọn thứ rau muống nào, nhúng nước sôi bao lâu mới làm được món nộm rau muống. Chưa kể cá món phụ gia rất lủng củng như giềng mẻ, muối mè, bảy loại rau đi kèm. Lần nào thường cũng có những người bạn của gia đình tôi như các anh Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Phan Lạc Phúc, Thanh Nam.

Sau đó anh làm Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị Quân Đoàn 3 đóng tại Biên Hòa rồi về Trường Cao Đẳng Quốc Phòng.

Có một thời vào khoảng năm 1969 tôi về phụ trách Đài Phát Thanh Quận Đội, anh về làm chủ bút nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục CTCT. Chủ nhiệm lúc đó là anh Phạm Xuân Ninh tức Hà Thượng Nhân. Anh thường viết bài hàng ngày và cái tên anh đặt cho mục đó là “Tạp Ghi” ký tên “Ký Giả Lô Răng” được rất nhiều độc giả yêu thích. Từ đó chúng tôi gọi anh là ông Lô Răng.

Khi tôi lập gia đình, cần sang một cái nhà với giá 80 triệu đồng. Tôi không đủ tiền, xoay xở mãi cũng chỉ được một nửa. Ngồi nói chuyện ở Point de Blagueur tục gọi là “Mỏm Đấu Láo” bên bờ sông Sài Gòn, anh nói cho tôi mượn một nửa số tiền sang nhà. Nhờ thế tôi mới có cái nhà ở cư xá Chu Mạnh Trinh gần nhà ông Phạm Duy cùng nữ ca sĩ Thái Hằng.

Những ngày ở tù nghe Phan Lạc Phúc nói chuyện Kim Dung

Sau tháng Tư, 1975, anh cũng kẹt lại như tôi và cùng vào trại tù Long Giao rồi cùng đi chuyến tàu thuỷ “lịch sử” từ Nam ra Bắc, suốt 3 ngày đêm nằm dưới hầm tàu nơi dành để chuyên chở súc vật, đúng là cảnh “cơm đưa xuống phân đưa lên” nói trắng ra là khi đến giờ cơm, bọn cai tù mắc rổ cơm vào chiếc dây thừng thòng xuống, chúng tôi đại tiểu tiện ngay tại chỗ nên lại phải thu gom phân vào bao đưa lên cho chúng mang đi đổ. Ra đến Vĩnh Phú, anh Phan Lạc Phúc nằm cùng phòng với tôi, cùng đi “nao động” phờ phạc và cùng ăn bo bo thay cơm. Những ngày Chủ Nhật nghỉ không được ăn sáng, chúng tôi đói meo, ngồi thừ nhìn nhau mãi cũng chán nên làm những quân bài mạt chược bằng gỗ đánh với nhau cho quên đói. Ông Lô Răng cũng là tay mạt chược khá cao.

Tôi nhớ có lần một anh bạn nhắc về kỷ niệm ngày xưa khi còn tung hoành trong quân đội, anh Phan Lac Phúc hét lên: “Thôi xin ông đừng bao giờ nhắc lại chuyện xưa nữa, buồn lắm rồi.” Từ đó chúng tôi rất thận trọng khi nhắc chuyện xưa với ông. Có những đêm buồn và lạnh, chúng tôi nằm xúm lại bên nhau nghe kể chuyện cổ tích hoặc chuyện Tây chuyện Tàu. Ông Phúc có tài kể chuyện kiếm hiệp, những bộ truyện của Kim Dung ông nhớ rất rõ, một trí nhớ có thể gọi là siêu phàm. Ông Nhớ từng thế võ của từng nhân vật, những cuộc giao đấu “thần sầu” của “võ lâm ngũ bá”. Anh em nằm nghe hết đêm này qua đem khác vẫn chưa hết pho truyện Kim Dung – Phan Lạc Phúc.

Sau đó chúng tôi bị đày lên Sơn La cùng Vũ Văn Sâm tức nhạc sĩ Thục Vũ và Thục Vũ chết ở Bệnh xá này, chính anh Phan Lạc Phúc báo tin đó cho tôi khi cùng làm ở vườn rau sát bên bệnh xá.

Đám tang nhạc sĩ Thục Vũ

Môt buổi chiều khi hoàng hôn gần xuống, đồi núi Sơn La bắt đầu có sương mù, chúng tôi cùng đứng lặng nhìn sang bên kia bờ ao có mấy anh lính vác súng AK đi đầu, theo sau là mấy anh tù khiêng chiếc quan tài đi trên con đường mòn vòng theo dẫy núi cao rồi mất hút sau khúc quanh con đường mòn nhỏ xíu. Đó là đám ma nhạc sĩ Thục Vũ. Nước mắt chảy dài, anh Phan Lạc Phúc quay mặt vào trong lấy tay áo sờn rách che giấu nỗi đau buồn tức tủi. Hôm sau chúng tôi mới biết phần mộ Thục Vũ nằm trên sườn đồi cô quạnh lối đi vào thị xã Sơn La.

Sau đó anh Phan Lạc Phúc chuyển vào trại tù Thanh Hóa, tôi không còn gặp anh nữa.
Hơn mười hai năm sau, từ nhà tù cải tạo được tha về, tôi cũng chẳng biết anh ở đâu. Sau cùng tôi được tin anh đi định cư ở Úc. Khi tôi cộng tác với nhật báo Chiêu Dương và tuần báo Văn Nghệ Úc của anh Nhất Giang và Vi Tuý, thỉnh thoảng anh Phúc đến tòa soạn thăm anh em. Anh Nhất Giang thường móc điện thoại gọi cho tôi ở Sài Gòn nói chuyện với anh Phan Lạc Phúc. Lúc đó chúng tôi mới biết vể cuộc sống hiện tại của nhau. Anh cho tôi số điện thoại ở nhà nhưng anh nói hàng ngày phải vào bệnh viện thăm bà xã nên khó gặp anh ở nhà.

Tôi không còn nhớ rõ từng chi tiết và ngày tháng ở đây, có thể có sai sót. Nhưng cuối cùng tôi cần phải nói rõ lúc nào tôi cũng coi anh như đàn anh tôi về mọi mặt.

Ký Giả Lô Răng trên giường bệnh

Cho đến hôm nay, chiều ngày 17 tháng 4, 2016, Sài Gòn nóng như cái chảo lửa. Rất bất ngờ tôi nhận được thư anh Huy Phương từ Mỹ. Anh viết có gọi điện thoại cho tôi nhưng không gặp, anh gửi cho tôi cái tin buồn về anh Phan Lạc Phúc đang hôn mê trên giường bệnh. Anh Vi Tuý từ Úc cũng gửi cho tôi tin này.
Xin chuyển đến các bạn đọc của tôi tin buồn này, tôi chắc trong số bạn đọc cũng có rất nhiều vị biết đến tên ký giả Lô Răng – Phan Lạc Phúc và cầu nguyện cho ông. (vq)

bar_divider

Báo tin buồn: Ông Phan Lạc Phúc qua đời bên Úc

Giao Chỉ San Jose – 27/04/2016

Tin buồn loan báo từ ngày thứ hai 25 tháng 4-2016, bác Phan Lạc Phúc bị đột quỵ đã qua đời. Hưởng thọ 88 tuổi. Thực ra bác đã mất ngay tại nhà, cấp cứu đưa vào nhà thương giữ cho bệnh nhân sống bằng các ống trợ sinh. Chờ các con về đông đủ sẽ rút ra để có thể chính thức giã từ sự sống. Nhiều thân hữu trên thế giới đã biết tin. Chúng tôi gửi đến các bạn trong danh sách riêng để cùng cầu nguyện cho bác Phan Lạc Phúc. Tìm trên Internet với tên Phan Lạc Phúc các bạn sẽ thấy toàn là những bài bác viết đầy chuyện tử tế, nhân hậu để lại cho chúng ta. Tôi là độc giả của bác từ Việt Nam. Rồi khi ra tù qua Úc, bác Phúc tiếp tục viết Tạp Ghi chuyện xa gần quanh ta viết cho bạn bè. Tác giả là con người tử tế. Viết toàn chuyện tử tế về những anh em tử tế trong cuộc đời tử tế. Sự nhân hậu tử tế thể hiện trong văn phong cả chuyện trong tù. Đối với bác Phúc có cả những tay cai tù và ngay cả trưởng trại tù cũng có người tử tế. Bác viết về chuyện người coi trại tù khi nói chuyện với những tù cải tạo gọi là các ông. Chuyện chưa từng có. Bác Phúc đặt tên người tù nhẩy Bắc Nguyễn Hữu Luyện là Người Tù Kiệt Xuất.

Riêng tôi mấy năm sau này bác Phúc nghỉ viết lại trở thành độc giả của Giao Chỉ. Tôi hết sức hân hạnh. Chúng tôi tao ngộ bên Úc nhân dịp được báo Việt Luận mời qua gặp độc giả. Trong đó có vị độc giả thân yêu của tôi là bác Phúc. Sau đó hàng tháng bác Phúc chuyện trò với chúng tôi qua điện thoại. Sự khích lệ của độc giả đặc biệt như nhà văn Phan Lạc Phúc quả thực là niềm hân hạnh cho tác giả Giao Chỉ.

Tôi có khá nhiều độc giả cao niên, nhưng hiểu nhau và nói với nhau những lời tử tế thương yêu, tôi vẫn chờ đợi ở bác Phan Lạc Phúc. Lần qua Úc năm xưa, bác Phúc dẫn vợ chồng tôi vào thăm bác gái trong nhà dưỡng lão. Bác trai cầm gói khoai đưa cho bác gái nói rằng. Hôm nay mình phải đi ăn trưa với ông bà khách từ Mỹ qua. Mẹ nó ăn cơm xong dùng củ khoai nầy tráng miệng. Người vợ thương yêu của bác Phuc cười rất hiền lành mà gật đầu. Khách viễn phương từ Mỹ qua cầm tay bác Phúc gái lắc nhẹ. Hình ảnh này chúng tôi không bao giờ quên được. Bác Phan Lạc Phúc là người thông thái văn chương kim cổ. Giỏi Pháp văn và cả Hán tự. Nhưng tinh thần hoài cổ vẫn tràn ngập trong lòng. Nói thực ra đời sống của bác vẫn đầy tính chất nông thôn. Chữ dùng cho đúng bác là người nhà quê mà Nguyễn Bính thường dùng chữ CHÂN QUÊ.

Con người chân quê đó tôi hết sức kính trọng và yêu mến. Thôi thế từ nay sẽ không còn tiếng nói viễn liên từ phía dưới địa cầu gọi cho Giao Chỉ với những lời khích lệ chân tình.

Dù tuổi thọ của bác bao nhiêu, tôi cũng không quan tâm. Thật tình, tôi chỉ muốn ông sống mãi để khen ngợi công việc của chúng tôi. Ở cái tuổi nầy tiền tài danh vọng rồi cũng sẽ qua đi. Lời khích lệ của tri kỷ làm ta sống được mỗi tuần. Nhìn đi nhìn lại, bạn bè hiểu nhau lần lượt ra di. Biết ai chia xẻ từ nay đến ngày 30 tháng từ năm tới. Hai giờ đêm qua tôi trao đổi đôi lời với bác Văn Quang tại Việt Nam có nhắc đến bác Lô Răng Phan Lạc Phúc. Lại sắp làm lễ tưởng niệm cho Nguyễn Ngọc Bích, cũng là một người tử tế đã làm toàn chuyện tử tế suốt 40 năm qua. Còn chuẩn bị lễ phủ cờ vàng cho mũ đỏ Hoàng Tích Hữu Ái. Con người một đời ngang dọc đang nằm chờ nhưng giây phút cuối vẫn còn thắc mắc không biết giờ này tổ quốc ở đâu. Ra đi ở Sacramento không biết tổ quốc có cử ai đến phủ cho ta một là cờ. Nhưng lá cờ tử tế kỳ này phải dành cho Phan Lạc Phúc ở bên Úc. Lá cờ dành cho Giao Chỉ để sẵn tại Việt Museum. Lá cờ nào cho Văn Quang ở Sài Gòn. Có lẽ sẽ phủ trên Internet.

Xin xem tin về bác Phúc dưới đây để biết ông đã ra đi như thế nào.

*******************
Nhà báo Phan Lạc Phúc hấp hối trên giường bệnh!

Nhà báo Phan Lạc Phúc, cựu chủ bút Nhật báo Tiền Tuyến (tiếng nói của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa), nổi danh qua bút hiệu “Ký giả Lô Răng” trước 1975, và nay là các bút ký “Bạn Bè Gần Xa” – đã lâm trọng bịnh, khi bị đột qụy tại nhà riêng ở vùng Bonnyrigg NSW. Australia.

Tối thứ Hai 25.4.2016 vừa qua, cháu ngoại thấy điện trong phòng của ông vẫn còn để sáng, dù lúc ấy đã hơn 11 giờ khuya. Bước vào định tắt điện, và phát giác ông đã nằm bất động trên vũng máu, vội gọi mẹ là bà Phan Hồng Hà.

Bởi nhà gần bệnh viện Liverpool nên xe cứu thương đến ngay chỉ sau mươi phút, nhưng vẫn không cứu chữa kịp, bởi cú đột qụy mạnh đã quật ông té ngã, khiến một phần xương hàm bên trái bị bể vỡ, và máu tràn ra khắp miệng, mũi, tai và mắt!

Hiện ông đang nằm tại Bệnh viện Liverpool và thở nhờ ống trợ sinh. Bác sĩ cho biết máu đã vỡ tràn trong óc, nếu mổ cũng không cũng cứu chữa được! Với lại thời gian ông bị đột qụy đã quá lâu không ai biết, khiến não không còn hoạt động. Bà Hồng Hà cho biết: “Đúng ra bố đã đi rồi! Nhưng nhà xin để ống trợ thở để chờ chị Cần ở bên Mỹ về”. Bà Phan Tú Cần là trưởng nữ của nhà văn Phan Lạc Phúc, thứ Năm 28.4 này từ California sẽ về đến Sydney, và sau đó ống trợ sinh sẽ được rút. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào, kể cả trước khi ống trợ sinh được tháo bỏ.

Nhà báo Phan Lạc Phúc sinh năm 1928, năm nay đã 88 tuổi, tuy vậy sức khoẻ của ông vẫn rất sung mãn. Ông vẫn thường tham gia các sinh hoạt Cộng đồng, và đến nursing home thăm vợ hàng tuần. Bà Phúc chỉ kém ông một tuổi, nhưng đã phải vào nhà hưu dưỡng ở Cabramatta mấy năm nay, và tay chân không còn cử động! Bà Hồng Hà cho biết: “Tụi cháu không dám báo cho mẹ biết, vì mẹ có thể đi theo bố ngay nếu nghe tin!”

Ông Phan Lạc Phúc trước khi bị đột qụy mấy tiếng còn nói chuyện trên viber với nhà văn Phan Lạc Tiếp, là em ruột của ông hiện định cư ở Mỹ. Gia đình cũng không dám báo tin dữ cho ông Tiếp, bởi sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông chú.

Được biết, cựu Trung tá Phan Lạc Phúc sau 10 năm bị “học tập cải tạo” ở miền Bắc, đã đến Úc đoàn tụ năm 1992 do con cái bảo lãnh. Ngay khi đến Úc ông đã cộng tác với Nhật báo Chiêu Dương do ông Nhất Giang làm chủ bút, bởi ông Nhất Giang đã từng là thuộc cấp của ông Phan Lạc Phúc tại Nhật báo Tiền Tuyến.

bar_divider

DinhQuangAnhThai-ThongTinPhanLacPhucQuaDoi

blinkingblock Nhà báo Đinh Quang Anh Thái (Người Việt TV) thông tin Ô Phan Lạc Phúc qua đời (youtube)

bar_divider

Gặp ‘Bạn Bè Gần Xa’ ở Úc
Từ ‘ký giả Lô Răng’ đến Phan Lạc Phúc

Huy Phương/Người Việt – May 16, 2011

Sơn Tây là quê hương của nhiều nhân tài. Chúng ta có thể kể đến Nguyễn Lộc, tổ sư của môn võ thuật Vovinam, Tào Mạt, khai sinh ra môn nghệ thuật hát Chèo Việt Nam, nhà thơ Quang Dũng, Tú Kếu Trần Ðức Uyển, giọng ngâm Hồ Ðiệp. Sơn Tây cũng là quê ngoại của ban hợp ca Thăng Long của Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng.

HuyPhuong-PhanLacPhuc

Chúng tôi xin kể thêm tên ký giả Lô Răng, một thời “tạp ghi” trên nhật báo Tiền Tuyến (1965-1973) cũng là nhà văn Phan Lạc Phúc, quán làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tác giả hai tập “Bạn Bè Gần Xa” (2002) và Tuyển Tập Tạp Ghi (2000) xuất bản ở hải ngoại.

Nhà văn Phan Lạc Phúc cho biết năm 1965 khi về nhận chức vụ tổng thư ký nhật báo Tiền Tuyến, tờ báo mà ai cũng biết thuộc quân đội, được phát hành sánh vai với các tờ báo tư nhân tại Saigon, ông phịa ta một mục “tạp ghi” ở trang trong mỗi ngày, và ký một cái tên lạ hoắc: Ký giả Lô Răng, mượn mục này để trình bày thế sự theo quan điểm của mình, vì theo đường lối của báo chí quân đội Mỹ, tờ báo không có mục quan điểm hay bình luận chính trị. Tuy mang danh là ký giả, Phan Lạc Phúc xuất thân từ người lính tác chiến, trước ngày Hiệp Ðịnh Geneve được ký kết. Ông tốt nghiệp Khóa 2 Thủ Ðức, thời mà quân trường này còn là một dãy nhà tranh. Ra trường ông phục vụ tại Tiểu Ðoàn 6 Việt Nam thuộc GM 2. Năm 1955, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TÐ 14 Việt Nam, tiếp thu Bình Ðịnh. Trong những tháng đầu tiên thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, ông Phan Lạc Phúc bị thôi chức tiểu đoàn trưởng vì không có “lý lịch tốt, thiếu tác phong,” học Anh văn, chuẩn bị đi du học Mỹ, rồi lại bị gạch tên trong danh sách. Nhờ ông Ngô Văn Hùng (sau này là trung tá chết trên chuyến xe lửa chở tù năm 1975 tại miền Bắc), thân tình với Văn Phòng Cố Vấn Chính Trị tại miền Trung, ông được đưa về làm việc tại Phòng 5 Bộ TTM. Năm 1957, ông được gửi đi học khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí (Press Information Officer) tại Ft. Slocum, NY, Mỹ. Về nước, ông được cử giữ chức vụ phụ tá Trưởng Phòng 5 Bộ TTM (trưởng phòng lúc bấy giờ là Thiếu Tá Nguyễn Văn Châu, về sau là giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý) và lần lượt giữ các chức vụ khác như trưởng phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Thiếu Tướng Dương Văn Minh.

Sau biến cố 1 tháng 11, 1963, trường Chiến Tranh Chính Trị được thành lập với sự cố vấn của quân đội Trung Hoa Dân Quốc, ông Phan Lạc Phúc về làm trưởng Khối Huấn Luyện của trường này và phục vụ văn phòng của Tướng Trung Hoa Dân Quốc Vương Thăng, cố vấn của Bộ TTM. VNCH về “Lục Ðại Chiến.” Năm 1965, Phan Lạc Phúc trở thành ký giả Lô Răng khi về giữ chức vụ chủ bút của tờ nhật báo Tiền Tuyến. Năm 1973, ông từ giã nghề ký giả đi học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Long Bình rồi sau đó về giữ chức vụ tham mưu phó CTCT Quân Ðoàn III tại Biên Hòa, nhưng chỉ được một năm, đầu năm 1974, lại vướng nghiệp báo, ông về trường Cao Ðẳng Quốc Phòng để phụ trách tập san nghiên cứu của trường.

Tan hàng, nhà văn Phan Lạc Phúc đã qua các trại tập trung Long Giao, Suối Máu, ra Bắc ở Liên trại 2 Sơn La, Phù Yên, Thanh Phong, Tân Kỳ (Nghệ Tĩnh), rồi trở ngược lại Hà Nam Ninh, sau cùng là Xuân Lộc Z.30D. Ra tù năm 1985, năm 1991, vợ chồng ông đến định cư tại Sydney, Úc, do con gái ông bảo lãnh theo diện đoàn tụ. Tại đây, nhà văn Phan Lạc Phúc có cái duyên gặp lại nhà văn Nhất Giang, một nhân viên tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến năm xưa, hiện đang chủ trương hai tờ báo lớn nhất nước Úc lúc bấy giờ là nhật báo Chiêu Dương và tuần báo Văn Nghệ. Ông có cơ hội cầm bút lại, và cũng với thể loại tạp ghi, sau Chiêu Dương, tạp ghi của Phan Lạc Phúc còn xuất hiện trên nhiều tờ báo khác tại Úc Châu như Việt Luận, Dân Việt và Ngày Nay (Mỹ), Quê Mẹ (Pháp), Thời Báo (Canada). Những tác phẩm “tạp ghi” của ông đã được nhà xuất bản Văn nghệ ở California của ông Võ Thắng Tiết xuất bản lần đầu tiên, sau đó được in lại tại Úc, trong mục đích gây quỹ giúp nạn lụt tại Việt Nam năm 2000 và giúp gây quỹ xây dựng nhà thờ Quốc Tổ cũng như trung tâm sinh hoạt cộng đồng của Người Việt Tự Do tại New South Wales.

Chúng tôi gặp lại nhà văn Phan Lạc Phúc tại nhà ông trong khu Bonnyrigg tại Sydney. Tuy đã 83 tuổi, ông Phan Lạc Phúc trông vẫn còn tráng kiện, khỏe khoắn, nhưng cũng có thể nói là ông đã gác bút, có thái độ “mũ ni che tai” như chữ ông dùng, và giải thích, bây giờ “có nói cũng chẳng ai nghe.” Ông nhận tôi như một người vừa đồng ngũ, vừa đồng nghiệp, đã có thời gian cùng làm việc chung với nhau trong khuôn viên Cục Tâm Lý Chiến, đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè, Saigon. Chúng tôi đến thăm nhà văn Phan Lạc Phúc vào cuối tháng 4, thời gian mà mỗi năm thường đem đến cho người ly hương như chúng tôi những nỗi ngậm ngùi. Nhà văn Phan Lạc Phúc bùi ngùi nhớ lại ngày 30 tháng 4 năm 1975, dù là một người đàn ông mang tiếng cứng rắn, ông đã khóc, khóc cho cái tan nát, cái quý giá đã mất đi, không bao giờ tìm lại được; khóc lặng lẽ một mình mà không để cho vợ con thấy. Rồi trong những tháng ngày sau đó, lại nhỏ lệ nhiều lần cho mình và cho bạn bè mất, còn.

Trở lại chuyện nghiệp văn, nhà văn Phan Lạc Phúc cho biết hai chữ “Tạp Ghi” đã là “nửa Hán nửa Việt” mà cái tên ký dưới bài là “Ký giả Lô Răng” cũng “nửa Ta nửa Tây” cũng chả ra làm sao! Nhưng nhà văn Phan Lạc Phúc đã làm tròn nhiệm vụ của mình, tạo sự hấp dẫn cho những bài báo của ông, ít ra khi người ta cầm tờ Tiền Tuyến lên mục đầu tiên độc giả muốn đọc là bài tạp ghi của ký giả Lô Răng. Ông vui vì bây giờ, ở hải ngoại, lại có nhiều người viết tạp ghi, và thể loại này được phổ biến rộng rãi, được độc giả chấp nhận như là một lối văn gần gũi, dễ đọc, chuyên chở được nhiều điều tác giả muốn bày tỏ với người đọc. Nhà văn Phan Lạc Phúc cho rằng “vì tình thế, không ngờ sống đến hôm nay, cũng lây chút vui mừng, thấy ‘tạp ghi’ đơm hoa kết trái hơn điều mình suy nghĩ.” Ông cho rằng, nhà văn “phải tôn trọng đạo lý, bổn phận phải nói ra điều phải, trái, cầm giữ một thứ kỷ cương nào đó, nếu mình từ chối những điều đó, thì cầm bút để làm gì?” Nhà văn Phan Lạc Phúc cũng nhận xét: Ở trong nước, không thấy ai “tạp ghi,” nhưng hải ngoại bây giờ lại có nhiều người viết tạp ghi, không ai lẫn được vào với ai, mỗi người đều có “thương hiệu” (marque deposé) riêng, dù đó là Bùi Bảo Trúc, Song Thao, Quỳnh Giao, Kathy Trần, Nguyễn Thị Hồng Diệp hay Huy Phương…

Sau khi đến định cư tại Sydney, nhà văn Phan Lạc Phúc bỏ tên Tây “Lô Răng” lấy lại tên của ông với những bài tạp ghi viết dài hơn, đầy chi tiết và kinh nghiệm với cuộc sống, yêu thương con người hơn. Kinh nghiệm trong đời sống của một ký giả, nhưng cũng là một sĩ quan văn phòng, ngày hai buổi đến sở làm hẳn khác xa một người lính thất trận, đã trải qua mười năm tù đày ô nhục, đau đớn, chứng kiến bao nhiêu đổ vỡ, xót xa, nhất là tâm sự của một người phải rời bỏ quê hương để nghìn dặm ra đi. Do đó chúng ta cũng hiểu, dù là cũng “tạp ghi,” không thể đem so sánh giữa ‘ký giả Lô Răng” và “Phan Lạc Phúc.” Ở ký giả Lô Răng là những ghi nhận hằng ngày, đôi khi mang tính chất thời sự, ở một tờ nhật báo vào thời điểm ở cuối thập niên 60, và một Phan Lạc Phúc ra hải ngoại, trong hai tập “Bạn Bè Gần Xa” và “Tuyển Tập Tạp Ghi,” viết về con người và cuộc đời, qua cơn lốc lịch sử kể cả những chuyện ở trong nhà tù đã khiến cho độc giả yêu thích ông hơn.

Ông xin gửi lời thăm hỏi “bạn bè gần xa,” mà với tuổi già không có cơ hội đi lại thăm viếng nhau được. Những người của một thời “Tiền Tuyến” như Lê Ðình Thạch, Huy Vân, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Ðạo Thế Kiệt… đã ra đi, Hà Thượng Nhân thì đã “quên quên nhớ nhớ” chỉ còn mỗi một Phan Lạc Phúc phiêu bạt xa xôi, bên trời… lận đận.

Sydney, tháng 4, 2011

* ‘Bạn Bè Gần Xa’ là tên một tác phẩm của Phan Lạc Phúc.

bar_divider

Trích trong“Bằng Hữu tại Sydney, Australia”

Đoàn Thanh Liêm – Jan 6, 2012

… Tôi cũng đã được các bạn chở đến thăm một số bạn hữu cao tuổi hiện sinh sống quanh vùng Sydney và cả tại thành phố Canberra là thủ đô của Liên bang Úc châu nữa. Đến đâu, tôi cũng được chứng kiến những chuyện thật cảm động trong sinh họat của các cặp vợ chồng lớn tuổi này. Tôi xin lần lượt ghi lại vắn tắt như sau đây.
1 – Gia đình ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc tại thị trấn Bonnyrigg. Dù đã quá tuổi 80, ký giả Lô Răng – người khá nổi danh với mục Tạp Ghi trên báo Tiền Tuyến ở Saigon hồi trước năm 1975 – nay vẫn còn phong độ vững vàng. Anh chị sống trong một căn nhà riêng biệt trong khu vườn phía sau của ngôi nhà của gia đình người con, nên thật yên tĩnh thỏai mái. Vì chị bị yếu chân phải ngồi xe lăn, nên anh thường ngày ở nhà để chăm sóc cho người bạn đời đã chung sống trên 50 năm với mình. Chỉ khi nào các cháu được nghỉ để có thể chăm sóc cho mẹ, thì anh mới có thể đi ra ngòai tham gia sinh họat cộng đồng hay thăm viếng bạn bè mà thôi. Rõ ràng là cái “Nghĩa Phu Thê” đã ràng buộc gắn bó rất ư là chặt chẽ giữa hai người bạn đời cao tuổi này vậy.

PhanLacPhuc-DoanThanhLiem

Đoàn Thanh Liêm với ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc

Chị vẫn sáng suốt tinh tường và hay nhắc chừng anh không nên quá say mê với chuyện viết lách khiến ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Vì thế mà anh cũng hạn chế bớt công chuyện chữ nghĩa vốn là việc anh từng theo đuổi dễ đến trên 60 năm qua. Biết vậy mà tôi vẫn phải thưa với anh là các bài Tạp Ghi của ký giả Lô Răng vẫn được bà con đánh giá cao, vì thế mà anh cũng nên sắp xếp thời gian để lai rai cống hiến cho bạn đọc quen thuộc những suy nghĩ, nhận định sâu sắc mà lại đày tính cách nhân bản và nhân ái của anh. Anh gật gù, nhưng không có hứa hẹn gì cụ thể với tôi, nhưng tôi đóan là anh Phan Lạc Phúc cũng không thể nào mà dễ dàng “rửa tay gác kiếm” để thóat được cái nghiệp “con tằm nhả tơ” của một nhà báo đã có đến trên 50 năm họat động sôi nổi trên văn đàn ở trong cũng như ở ngòai nước. 

bar_divider

” Ngày xưa ấy là những năm 1966, 1967, tôi làm nhân viên tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến.  Nhật báo Tiền Tuyến do Cục Tâm Lý Chiến xuất bản, phát hành như nhật báo tư nhân, nhân viên 50% là quân nhân, 50% là ký giả thường dân. Thời gian đầu tòa soạn Tiền Tuyến ở nhà in Hợp Châu, đường Cống Quỳnh; rồi vào trong khuôn viên Cục Tâm Lý Chiến, đường Hồng Thập Tự.

BaoTienTuyen

Tòa soạn Tiền Tuyến những năm ấy có: Phan Lạc Phúc (Ký giả Lô Răng), Huy Vân, Dương Ngọc Hoán, Viêm Hồng, anh Vũ Uẩn  (cựu võ sĩ quyền Anh Làng Bốc-sơ Bắc Kỳ những năm 1935-1940), họa sĩ Hĩm (Đinh Hiển).
Khi tòa soạn ở nhà in Hợp Châu, nhật báo Tiền Tuyến có Hoàng Anh Tuấn; khi tòa soạn vào Cục Tâm Lý Chiến; Hoàng Anh Tuấn lên Đalat làm quản đốc đài Phát thanh Đalat.
Những năm ấy, tôi hút một ngày khoảng 50 điếu thuốc lá.  Ra khỏi giường lúc 5 giờ sáng; vợ tôi dậy từ 4 giờ, đun nước, pha cho tôi ly cà phê đen — để đó — nàng vào giường ngủ tiếp với các con; tôi rửa mặt, bận y phục, hút khoảng 3 điếu thuốc đầu tiên trong ngày, uống ly cà phê đen vợ tôi pha, ra khỏi nhà; đến tòa báo lúc 6 giờ sáng.
Những sáng cuối năm trời lạnh, trời Sài Gòn, lúc 5 giờ sáng có khi còn trăng sao.  Từ 6 giờ đến 9 giờ; ngồi làm việc trong tòa sọan, tôi hút khoảng 5, đến 6 điếu thuốc. Thuốc Mỹ: Lucky, Pall Mall, Philip Morris Vàng. Đến 9 giờ sáng; bụng tôi cồn cào, dạ dày tôi chỉ có chất cà- phê đen, trong phổi tôi chỉ có khói thuốc và ni-cô-tin — tôi phải ăn sáng để hoá giải chất khói và cà phê trong tôi.
Cục Tâm Lý Chiến những năm ấy chưa có căng-tin.  Cục cho phép chị vợ một hạ sĩ quan mở một quán cà-phê, nước ngọt, hủ tíu, cơm; cho binh sĩ có nơi ăn uống, mà không phải ra ngoài trại.  Quán ăn ở góc trại, mái tôn, vách tôn, có chừng 4, 5 cái bàn nhỏ.  Gần như sáng nào trong tuần, vào khoảng 9 giờ; tôi cũng vào quán này ăn sáng; để khỏi phải đi xa; và, ăn xong, còn phải trở vào tòa soạn làm việc tiếp…”

blinkingblock Toàn bài của Nhà văn Hoàng Hải Thủy (pdf)

bar_divider

Nhật báo Tiền Tuyến và, ký giả Lô Răng / Phan Lạc Phúc

Tác giả: DU TỬ LÊ – 10/27/2012

” Đầu thiên niên kỷ 2000, nhiều độc giả người Việt ở hải ngoại đã tỏ ra thích thú với cuốn bút ký nhan đề “Bạn bè gần xa” của nhà báo Phan lạc Phúc, do nhà xuất bản Văn Nghệ ở miền nam Califonira, ấn hành. Ba năm sau, những người yêu lối viết nhẹ nhàng, dí dỏm, và chân tình của tác giả này, lại được nhà Văn Nghệ gửi cuốn thứ hai vào tủ sách gia đình của họ, đó là cuốn “Tuyển tập tạp ghi”.
Sự thực tất cả những bài viết của hai tác phẩm vừa kể, đều là những bài đã được nhà báo Phan Lạc Phúc cho đăng tải từng kỳ trên bán nguyệt san Ngày Nay, ở Houston, Texas; và một số tuần báo xuất bản ở thành phố Sydney, Úc Châu. Nhiều người lần đầu tiên bước vào thế giới văn chương của họ Phan, đã bị hấp lực của những bài “tạp ghi” Phan Lạc Phúc thu hút một cách mạnh mẽ.
Đối với giới làm văn nghệ trước tháng 4-1975 ở quê nhà, ký giả Lô Răng / Phan Lạc Phúc là một nhà báo khá đặc biệt. Tên tuổi của ông gắn liền với nhật báo Tiền Tuyến.
Nếu hành trình của một  ký giả nhật báo, thường phải đi qua từng giai đoạn; như từ một phóng viên, người làm tin, hay dịch tin, đi lần tới vai trò thư ký tòa soạn “trang trong”, rồi phụ trách “trang ngoài” trước khi có thể trở thành tổng thư ký rồi, chủ bút, chủ nhiệm… Nhà báo Phan Lạc Phúc khi được mời về cộng tác với nhật báo Tiền Tuyến, nếu tôi nhớ không lầm thì ông không phải đi qua “đoạn đường chiến binh” mà một ký giả thường phải trải qua, như đã lược ghi ở trên.
Ngày xưa, thời VNCH nhiều chục năm trước đây, với giới làm nhật báo thì, danh từ “trang trong” là tiếng chỉ những người trách nhiệm sắp xếp, dàn dựng phần bài vở không bị chi phối bởi yếu tố thời gian. Nó có thể vẫn là tin tức, nhưng nhiều phần là ký sự, phóng sự, sưu tầm; hoặc những sáng tác như truyện ngắn, truyện dài…tuỳ theo quan niệm thiết kế nội dung của chủ nhiệm hay chủ bút mỗi nhật báo.
Người ta cũng dùng thuật ngữ “bài nằm”, để chỉ những bài được sắp chữ sớm, làm đầy những trang trong đó.
Nói “trang trong” một nhật báo, đương nhiên mọi người hiểu tương phản với nó là “trang ngoài”.
“Trang ngoài” là trang được hoàn tất sau cùng, với phần tin tức chính trị, thời sự, xã hội quan trọng nhất, nóng bỏng nhất. Hoặc là những điều tra phóng sự mà chỉ riêng tờ báo đó có. Người phụ trách trang ngoài, cũng được gọi chung là thư ký tòa soạn “trang ngoài”. Nó là gương mặt, “thể diện” của tờ báo, nên việc phụ trách “trang ngoài” thường được giao cho một Tổng thư ký tòa soạn.
Ký giả này phải làm việc trực tiếp với chủ bút hay chủ nhiệm, gần như từng giờ, cho tới khi tờ báo đuợc chuyển qua giai đoạn ấn loát.
Thời trước tháng 4-1975, ở Saigòn, giới làm báo cũng như xuất bản còn phải sắp chữ bài vở bằng tay, do nhóm thợ sắp chữ bốc từng mẫu tự để ráp thành 1 chữ. Cho nên một bài báo được xé thành nhiều miếng, chia cho từng người thợ. Nếu không sắp chữ sớm, tới phút chót sẽ không đủ thợ lo cho việc sắp chữ những trang còn lại, tức trang ngoài…
Một nhật báo ở miền nam Việt Nam xưa, trung bình có 8 trang (cũng có tờ chỉ có 4 trang,) nên thường được chia đôi, đồng đều cho trong và ngoài.
Vì sự nghiệp báo chí của nhà báo Phan Lạc Phúc gắn liền với tờ Tiền Tuyến, nên xin bạn đọc cho phép tôi được ghi lại một cách vắn tắt sự hình thành của tờ báo này; trước khi chúng ta trở lại với ký giả Lô Răng, bút hiệu chính của nhà báo Phan Lạc Phúc, một nhà báo mà theo tôi, là một trong những nhà báo thuộc loại…“ngoại khổ”.

blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

SachBeBanGanXa-PhanLacPhuc SachTuyenTapTapGhi-PhanLacPhuc

Nhà văn Phan Lạc Phúc và tác phẩm “Tuyển Tập Tạp Ghi”

RADIO FREE ASIA – ĐÀI Á CHÂU TỰ DO – 2003-02-13

Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do Phạm Điền phụ trách đến với quý thính giả như thường lệ vào Thứ Bảy kỳ này, giới thiệu nhà văn Phan Lạc Phúc với Tuyển Tập Tạp Ghi do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành. Thống khoái là hai chữ khá chính xác có thể dùng để mô tả không khí cuốn Tuyển Tập Tạp Ghi của nhà văn Phan Lạc Phúc, như chữ sướng nhà văn Võ Phiến từng dùng khi đề cập đến cảm giác đọc bút ký Bạn Bè Gần Xa đã xuất bản hai năm trước đây.

Cuối năm 2002, ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc lại gửi đến độc giả Việt Nam cuốn Tuyển Tập Tạp Ghi. Cuốn này, như Bạn Bè Gần Xa là những ghi nhận đậm đà hình ảnh của quê hương, kỷ niệm, bạn bè. Tuy là những ghi nhận riêng tư, nhưng cái khéo của tác giả là đã làm sống lại tâm cảnh, các xúc cảm của rất nhiều người đọc ông. Cũng qua hình ảnh ông ghi xuống, người đọc có cơ hội thấy được, gặp được các nhân vật, hòan cảnh sống trong giai đọan vừa qua. Bạn ông cũng là các nhân vật tăm tiếng trong giới văn nghệ, làm báo, làm văn, các người tù kiệt xuất, những nhà tu có lòng đại lượng. Ông vẽ lại được các thảm kịch bên cạnh những niềm vui.

Nhà thơ Du Tử Lê không ngại ngùng gọi ông Phan Lạc Phúc là cha đẻ của thể Tạp ghi Việt Nam. Về văn phong, nhà thơ Viên Linh nhận xét rằng ở ký của Phan Lạc Phúc “có cái ngọt của Lâm Ngữ Đường, cái mặn của Chekov, cái gió của Đà Giang, của thung lũng Phong Châu, của quê làng, quê đất của anh”

Tuyển Tập Tạp Ghi gần 470 trang trình bày trang nhã của Phan Lạc Phúc có 54 tiểu ký.

Phan Lạc Phúc sinh quán 1928, làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây Bắc Việt, ông đã theo học trường Văn Khoa Sài Gòn, đi lính Khóa 2 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Trường Thông Tin Báo Chí Rochelle University Hoa Kỳ. Từ 1975 đến 1985, ông bị đưa đi tù cải tạo, qua 7 trại từ Nam ra Bắc. Năm 1991 ông đã sang Úc định cư ở Sydney.

Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc từng giữ chức chủ bút nhật báo Tiền Tuyến , cơ quan ngôn luận của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông từng là bỉnh bút cho Chỉ Đạo, Tiền Phong, Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề, Tập San Quốc Phòng. Ông hiện cọng tác cho một số tạp chí, nhật báo, tuần báo Việt ngữ ở Australia, Texas, California, Canada và Pháp. Sau hai cuốn Bạn Bè Gần Xa 2000, Tuyển Tập Tạp Ghi 2002, ông chuẩn bị cho in cuốn Cõi Người Ta sẽ đến tay người đọc trong thời gian sắp tới.

Ngòai tên thật Phan Lạc Phúc, ông còn nổi tiếng qua bút hiệu Ký giả Lô Răng, và dùng một số bút hiệu khác là Thiên Khải, Tường Huân, Huy Quân, Thiên Chương.

Để hiểu về tác giả và tuyển tập tạp ghi mới xuất bản, chúng tôi mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn ngắn ông dành cho tạp chí Văn Học Nghệ Thuật của Đài Á Châu Tự Do sau đây:

Phạm Điền: Kính chào nhà văn Phan Lạc Phúc, chúng tôi hân hạnh được ông đến với tạp chí Văn Học Nghệ Thuật của Đài Á Châu Tự Do. Nhân dịp đầu năm cũng xin chúc ông và gia quyến được sức khỏe an khang. Liên tiếp trong 2 năm qua, ông đã gửi đến cho độc giả khắp nơi hai tuyển tập Bạn Bè Gần Xa, năm 2000 và cuối năm 2002, Tuyển Tập Tạp Ghi. Khó có ai không đồng ý với nhận xét của nhà văn Võ Phiến rằng, đọc các hồi ký khác, ngừoi đọc có tâm trạng đau đớn, uất hận. Nhưng Bạn Bè Gần Xa đọc xong thấy tin tưởng, hãnh diện về con người-thấy sướng. Quả thật những mảnh đời ông dựng lại trong các bài viết đã cho người đọc thấy rõ được sự chí lý của nhận xét kia. Xin ông cho biết ông làm sao giữ được tình cảm đầm ấm và cái tinh thần lạc quan đó ngay cả thời kỳ đi tù cải tạo.

Phan Lạc Phúc: Trước hết tôi xin cám ơn đã được có mặt trên đài. Một người lính già như chúng tôi thì thực sự ông bạn gọi nhà văn chúng tôi cũng cám ơn, nhưng không biết có đáng với danh hiệu đó không. Nhân dịp này chúng tôi cũng xin gửi lời kính chào quý vị thính giả của đài và cũng xin chúc một năm mới Quý Mùi tốt lành và may mắn. Hôm nay chúng ta là ngày mùng 6 tháng Giêng, nó cũng không còn là mới lắm nhưng mà quê nhà chúng ta ngày mùng 7 mới hạ nêu kia mà, thì vẫn còn là năm mới chứ.

Bây giờ trở lại cái câu hỏi mà ông bạn nhắc đến ông bạn già Võ Phiến của chúng tôi, thì chúng tôi cũng không biết nói thế nào cho nó hết ý. Nhưng mà bản thân tôi cũng như thể là anh em đồng cảnh đi cải tạo. Thịt da, ai cũng là người, mà đi tù cải tạo thì cái sự đói khát lầm than, đau đớn thì nó là phần số rồi, mình là người thua trận. Nhưng mà ngồi nguyền rủa bóng tối thì đâu có ích lợi gì cho nên tôi nghĩ rằng mình tự thắp một ngọn nến, một ngọn nến tâm linh cho bản thân mình, và nếu có thể cho những người bạn thân của mình .

Thật sự tôi có một cái may mắn, hết sức may mắn là trong những năm tù cải tạo, tôi thường được sống ở bên cạnh một vị chân tu , đó là Thượng Tọa Thích Thanh Long, nguyên Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo. Ông không bao giờ giảng đạo, hay đọc kinh cho tôi nghe, nhưng mà trong cuộc sống cải tạo thấy ông luôn luôn bình thản, không lo, không sợ, không buồn, nên tôi ở gần thì tôi cũng bắt chước ông cụ như vậy tức là không lo, không sợ, không buồn. Có thể đó là một khía cạnh của đại hùng, đại lực, đại từ bi của con nhà Phật chắc.

Trong trại cải tạo, một số anh em có thể bị chao đảo, biến chất. Số đông anh em chúng tôi dù trong cảnh sống động vật vẫn có giữ phải làm sao ở cho nó khỏi thẹn với mình, với đồng đội. Và có những người anh em của chúng tôi, mất chục năm đi tù cải tạo, kiên giam, nhịn đói, nhịn khát, sống hằng năm trong im lặng trong cảnh tù tội, mà vẫn lòng son dạ sắt, đó là anh Đại Úy biệt kích Dù Nguyễn Hữu Luyện. Anh ấy nói với cán bộ cộng sản rằng tôi chưa thua các anh. Tôi mới thua một trận nhưng chưa thua cuộc chiến này. Cái cuộc chiến mà anh bạn tôi, anh biệt kích Dù Ngưyễn Lữu Luyện nói thì không phải một cuộc chiến tranh súng đạn mà có thể là một cuộc chiến tranh nêu cao cai giá trị con người. Và thưa quý vị thính giả, bản thân tôi xin được cảm ơn những người bạn kiệt xuất ấy. Họ là những cái phao cho tôi bám lấy trong những ngày giông bão, những năm tù cải tạo.

Phạm Điền: Thưa ông Phan Lạc Phúc, trong trang đầu tuyển tập mang tựa đề dung dị là Tuyển Tập Tạp Ghi, ông có ghi lại vài dòng vắn tắt cuốn sách này gồm “chuyện người, chuyện ta, chuyện xa, chuyện gần, chuyện lẩn thẩn của ngừoi già, nhớ nhà, nhớ nước”. Những tiểu ký ông viết ra quả đúng với vài dòng tóm tắt ông viết lúc đầu. Duy có một điều độc giả không đồng ý được với ông khi ông gôi đó là “chuyện lẩn thẩn”, mà thực ra không lẩn thẩn một chút nào hết . Những gì ông viết xuống tuy nó chỉ là một vài nét chấm phá của các cảnh đời, nhưng ngừoi đọc không tránh khỏi việc qua đó nhìn thấy cả một cảnh đời đang diễn ra truớc mặt. Như vậy thì ông sẽ còn bao nhiêu “chuyện lẩn thẩn” như thế để có thể chia sẻ với độc giả trong tương lai ?

Phan Lạc Phúc: Cám ơn ông bạn. Ông đọc kỹ quá. Tuyển Tập Tạp Ghi theo tôi là chuyện của mình, chuyện mình, chuyện ta, chuyện xa, chuyện gần, chuyện lẩn thẩn của tuổi già, chuyện nhớ nhà, nhớ nước. Dạ thưa ông tôi ở trong tình trạng như thế thật. Tôi ghi lại đủ thứ chuyện . Sách của tôi giống như là một cái cửa hàng hóa, hầm bà lằng không thiếu cái gì hết.

Thưa quý vị thính giả, thưa ông bạn, tôi nguyên là một anh viết báo ấy mà , ngày nào thì cũng phải viết, thành thử ra mình cũng phải chọn, một cái gì mà nó cho phép mình có nhiều đề tài, nhiều sự chọn lựa. Còn cái lẩn thẩn, người già thì nó phải lẩn thẩn chứ. Xin phép quý vị và xin phép ông bạn để nói đôi chút về bản thân mình. Tôi năm nay tuổi tây là 75 tuổi mà tuổi ta 76, người ta bảo là tuổi con rồng, nhưng là rồng đất. Đến tuổi này thì trí nhớ tự nhiên là nó mỏi mệt, rồi suy xét nó cũng chậm lụt nên cái mà mình viết ra, nói ra thì chắc không thể nào tránh được sự sai sót, lẩm cẩm cho nên nó có lẩn thẩn cũng xin quý vị miễn thứ.

Phạm Điền: Có đọc hai tuyện tập Bạn Bè Gần Xa và Tuyển Tập Tạp Ghi mới đây người ta mới thấy rõ cái tên Lạc Phúc của ông có tính cách tiền định, mang tới cho người đọc một niềm hạnh phúc không tên. Nếu văn là người, hẳn đây phải là một phản ảnh rõ nhất khía cạnh đôn hậu trong cái nhìn của ông đối với con người và cuộc đời. Quan niệm sống đó đã ở với ông từ lúc nào?

Phan Lạc Phúc: Xin cám ơn những cái hảo ý của ông bạn. Thật sự ra thì tên tuổi thì đầu tiên là phải cảm ơn cha mẹ. Chắc ông bà thân sinh ra tôi hy vọng ở tôi nhiều lắm cho nên mới cho cái tên như vậy, nhưng mà nghĩ lại thì mình không được xứng đáng hy vọng mà cha mẹ đặt vào. Lạc Phúc hay là hạnh phúc thì giống như một bài học ngày xưa, hạnh phúc như một con chim xanh bay mất mà ít khi trở lại. Có chăng thì nhắc chúng ta một điều, nếu trong bất hạnh thì chúng ta nên kiếm một nụ cười, hơn là một lời nguyền rủa. Nếu ông bạn cho đó là một cách sống, một nhân sinh quan, thì tôi cố gắng để theo cái đường lối đó.

Phạm Điền: Thưa ông, có ông Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ bút báo Viet Tide ở California nói rằng “Nếu người ta muốn biết về giai đọan chúng ta phải trải qua thì cuốn bút ký Bạn Bè Gần Xa có thể cung cấp nhiều thông tin quý giá.” Đây là một nhận xét rất sát với những gì có ở trong hai cuốn sách. Làm sao ông giữ được kỷ niệm phong phú đó, và khả năng hồi ức phải làm việc như thế nào để có sự linh họat như vậy?

Phạn Lạc Phúc: Xin cám ơn bạn Nguyễn Xuân Nghĩa của chúng tôi. Ông này cũng vì ưu ái cho nên mới cho tôi cái nhận định độ lượng như thế, mà tôi không dám nghĩ điều tôi viết hay là những kỷ niệm của bản thân tôi là về ban tôi lại có thể sống lâu như vậy. Thực ra thì chúng tôi chỉ cố gắng, chuyện như thế nào thì mình cố gắng ghi lại trung thực . Như thế nào thì nói ra thế ấy. Tôi cũng không dám nghĩ là tôi khách quan, bởi vì làm sao tránh được chủ quan thưa ông. Tôi cũng không có cái lề lối đặc biệt riêng gì trong cái việc hồi ức. Nhưng mà thưa bạn , khi ngừoi ta có tuổi rồi, người ta già thì người ta thường sống bằng quá khứ bằng kỷ niệm cho nên ở trong tôi, những cái gì nó thuộc về ngày xưa, tôi lại nhớ rõ.

Thưa quý vị thính giả cuộc phỏng vấn tác giả Phan Lạc Phúc về Tuyển Tập Tạp Ghi kỳ này xin ngừng lại ở nơi đây. Mời quý vị đón nghe phần tiếp vào Thứ Bảy kỳ tới chung quanh Tuyển Tập Tạp Ghi và tác giả Phan Lạc Phúc. Xin cảm ơn tác giả đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

bar_divider

GẶP NHAU Ở SYDNEY

Tác giả: Lê Văn 22/02/2013

“Mãi đến bây giờ, quá tuổi thất thập cổ lai hy, tôi mới đi thăm Úc châu lần đầu tiên. Trong gần 40 năm trời làm việc cho đài VOA, tôi đã được gửi tới rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa một lần nào được phái đi Úc. Rồi lại còn thêm những chuyến du lịch riêng tư, mỗi năm mấy lần, thế mà vẫn chưa hề đặt chân đến xứ Down Under này. Có lẽ là vì cái cơ duyên chưa đến lúc thôi.

Tôi lựa chọn đi bằng tàu thủy cho thoải mái, khởi hành từ Singapore và chấm dứt ở Sydney. Cruise có ghé lại nhiều bến và mỗi bến đỗ đều là một địa danh đáng chú ý, như Bali, một nơi nghỉ mát rất được ưa chuộng với bãi cát chạy dài, nước biển trong xanh và hàng dừa cao bóng mát. Hay Cairns, với Great Barrier Reef, một bãi san hô lớn nhất hoàn cầu, nơi sinh sống của những đàn cá nhiệt đới màu sắc lộng lẫy bơi lội tung tăng ngay mặt nước.

….
Ngồi cạnh tôi hôm ấy còn có 2 vị khách quý là nhà văn lão thành Phan Lạc Phúc và linh mục nhạc sĩ Văn Chi. Tôi vốn ưa thích lối viết văn giản dị, nhẹ nhàng mà thâm trầm, ý nhị của ký giả Lô Răng trên tờ Tiền Tuyến ngay từ hồi tôi còn là sinh viên ở Saigon. Trước đây mấy năm, tôi vẫn được đọc những bài tạp ghi, bút ký hay hồi ký rất thú vị mà anh Phan Lạc Phúc gửi đều đặn qua cho tờ tuần báo Ngày Nay ở Houston. Nhưng rồi anh bỗng loan báo với độc giả rằng anh bắt đầu cảm thấy mình già yếu, mệt mỏi, phong độ viết văn không còn được như trước nữa nên anh gác bút về hưu.

Tôi tiếc quá khi thấy trên văn đàn của chúng ta ở hải ngoại lại vắng bóng thêm một cây viết gạo cội, từng hấp dẫn người đọc qua hơn nửa thế kỷ bể dâu biến đổi. Nghĩ lại thì tuổi anh đã quá 80, lại phải chịu đựng hơn mười năm tù đầy gian khổ qua các trại tù nghiệt ngã của VC, làm sao cơ thể khỏi hao mòn. Trước khi đến gặp anh, tôi tưởng mình sẽ thấy một ông già lụ khụ, hom hem, mắt mờ, chân chậm. Nhưng không! Anh đi đứng vẫn vững vàng, nói năng hoạt bát, kể chuyện thật vui, cả những chuyện trong nhà tù cộng sản nơi rừng thiêng nước độc…”

NgocHan-LuuTuongQuang-LeVan-PhanLacPhuc

Ngọc Hân (cộng tác viên kỳ cựu của VOA tại Úc), Lưu Tường Quang, Lê Văn, Phan Lạc Phúc

Nhà văn Phan Lạc Phúc kể chuyện Tôi thích nhất khi nghe anh thuật lại câu chuyện về thượng tọa Thích Thanh Long và vị linh mục bạn cùng trại giam với Thầy. Môt hôm, khi đi chặt cây đốn củi trở về, Thầy gặp một đứa bé gầy yếu xanh xao nằm co quắp ở ven rừng. Rõ ràng là nó vừa đói vừa lạnh đến độ đi không nổi nữa. Giữa trời rét căm căm của mùa Đông đất Bắc, Thầy cởi tấm áo nâu sồng mà Thầy đang mặc, ôm nó lên, ủ cho nó ấm rồi bồng nó về trại. Tên quản giáo mặt mũi non choẹt chỉ đáng tuổi con cháu Thầy bỗng chỉ mặt Thầy quát tháo: “Lày anh kia, ai cho phép anh đem thằng bé vào trại? Buông ngay nó xuống, không thì kỷ nuật niền nập tức.”
Thầy đành phải để đứa bé nằm tạm bên ngoài trại rồi vào xin các anh em bạn tù khác chút ít đồ ăn do thân nhân tiếp tế còn sót lại để cứu nó qua cơn đói lả. Có chút cơm vào bụng, nó tỉnh người nhưng vẫn rét run cầm cập. Thầy cho luôn nó tấm áo tăng bào để nó khỏi chết rét nhưng chính Thầy thì chỉ còn manh áo lót mỏng teo, làm sao chống lại được với khí hậu buốt giá trên rừng, nhất là tuổi Thầy lúc ấy đã cao lại ăn chay khổ hạnh. Vị linh mục thấy thế bèn moi chiếc áo chùng thâm ra tặng ông sư bạn. Thế là vị thượng tọa mặc tấm áo linh mục! Nhưng tâm của Thầy vẫn đích thực là tâm Phật. Vị linh mục chẳng có áo chùng thâm nhưng trái tim Cha vẫn tràn đầy ơn Chúa.

Thật đúng như câu phương ngôn của Pháp “L’habit ne fait pas le moine”, tấm áo đâu có làm nên ông thầy tu. Chỉ có tình người đối với nhau, tình thương yêu đồng loại, tấm lòng từ bi hỉ xả của vị cao tăng đắc đạo, sẵn sàng quên cả thân mình để cứu vớt đứa bé sắp chết, mới là tấm áo dệt bằng hào quang chói sáng của Chúa, của Phật, phủ lên mình các vị chân tu khả kính.

Đọc lại nhiều câu chuyện tương tự trong cuốn “Bạn Bè Gần Xa” của Phan Lạc Phúc, tôi chợt nhớ đến một nhận xét của Võ Phiến về Doãn Quốc Sỹ: “Đọc văn anh mà ta thấy thơm tho cả tâm hồn”. Vâng đúng thế, trong tâm hồn của mỗi người chúng ta đều có tiềm ẩn cái thơm tho của chữ thiện. “Thiện căn ở tại lòng ta”, như Nguyễn Du đã viết. Và mỗi khi đọc được văn chương của những cây bút làm nổi bật tình người như Doãn Quốc Sỹ hay Phan Lạc Phúc, ta thấy chính tâm hồn mình bỗng tỏa ngát hương thơm.

blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

Bạn Tù Sơn La 

Tác giả: Phan Lạc Phúc 

” Trời Sydney năm nay lạnh hơn mọi năm. Đêm đông buốt giá, phải trở dậy kiếm cái heater. Mở đèn lên, nhìn ra ngoài vườn, sương đêm đã đọng thành một màn băng mỏng.
Nhìn màn băng mỏng trên sân, ký ức tôi bỗng trở về cái lạnh buốt xương năm 1976, khi tù cải tạo miền Nam năm đầu tiên ra Bắc. Tụi tôi được “chiếu cố” cho ở Sơn La, địa danh nổi tiếng “Nước Sơn La, ma Vạn Bú”. “Sơn La âm u, núi khuất trong sương mù”. Tù cải tạo thuộc trại 1, liên trại 2 được phân ra ở trong trại tù Sơn La thời Pháp thuộc. Sau nhiều cuộc biến thiên, nhất là sau vụ ném bom miền Bắc, các trại tù này đã đổ nát, chỉ còn lại cái nền xi măng. Nhà tù đã đổ bây giờ được che tạm bằng ni lông, hoặc lợp bằng tranh mỏng. Sơn La là miền cao nên lạnh sớm. Mới tháng 11 gió bấc đã lồng lộng thổi về. Đến cuối tháng 12, lạnh vào cao điểm… Chậu nước để ngoài sân, qua đêm đã đọng thành băng mỏng bên trên.
Tù thì nóng cũng khổ, lạnh cũng khổ. Nhưng nóng thì đôi khi còn trốn được. Tạt vào một lùm cây hoặc là tạm ngâm mình xuống ao, xuống suối. Còn lạnh thì không trốn vào đâu được, nó theo mình suốt ngày, suốt đêm. Nhất là anh em trong Nam ra cứ yên trí là “học tập một tháng”, nên quần áo đem đi làm gì nhiều cho nặng. Ra ngoài Bắc đụng cái buốt giá của mùa đông thượng du miền Bắc, thêm mưa phùn ẩm ướt nên cái lạnh lại càng thấm thía. Ban đêm cái nền xi măng trong nhà tù nó lạnh như nước đá, mặc đủ thứ áo quần hiện có mà vẫn lạnh, mặc cả áo mưa đi ngủ, có anh chui vào một cái bao tải vừa kiếm được mà vẫn cứ run. Hóa ra cái lạnh ở ngoài vào thì ít mà cái lạnh ở trong ra thì nhiều. Cái lạnh vì đói cơm nhiều hơn cái lạnh vì thiếu áo.
Hồi đó nằm cạnh bên tôi là hai người bạn tù cùng trong đội rau… Một ông nguyên là dân Thiết Giáp, một ông nguyên là Thượng Tọa (giám đốc nha Tuyên Úy Phật giáo). Ông Thiết Giáp trước đây vốn là một tay hào hoa rất mực. Ông thuộc loại “Tây con”, học trường danh tiếng Saumur, đánh giặc rất chì, ăn chơi rất bảnh… Đôi lần tâm sự vụn, ổng rút trong ngực áo ra có tấm ví có hình một bà rất đẹp, rất mignonne mà khẽ nói “bà xã moi”. Đôi mắt đục và nhăn vì đói lạnh của ông chợt sáng lên khi nhìn lại hình ảnh vợ. Mới đây ổng vừa nhận được một gói quà 1kg đầu tiên từ trong Nam gửi ra. Ông hy vọng lắm vì có người nhận được ít thịt khô, ít ruốc chà bông. Gói quà của ông, xem đi xem lại mãi chỉ có một cái áo lạnh và đặc biệt có hai cái quần slip màu hồng nhạt, chắc là của phái nữ. Tôi không tiện tò mò, hỏi han về việc riêng của bạn nhưng tôi chắc bà xã của bạn phải yêu thương lắm, phải lãng mạn lắm mới gửi món quà để “tưởng nhớ một mùi hương” như vậy. Đôi khi rảnh rỗi, ông bạn tù hàng xóm của tôi lại khẽ giở món quà đặc biệt ra hồi tưởng…”

blinkingblock Toàn bài (pdf)      blinkingblock Nam Phong đọc (youtube)

bar_divider

Đi Tảo Mộ

Tác giả: Phan Lạc Phúc

Sau một cơn khô hạn “ai xui con cuốc gọi vào hè, cái nóng nung người nóng nóng ghê“ vài tuần nay Sydney vào mùa mưa. Ôi mưa Trời mưa Phật, mưa như một điều cứu rỗi, mưa như một sự hồi sinh. Những cánh đồng trồng mì, trồng lúa nứt nẻ của nông dân đang há miệng chờ mưa, những cánh rừng vàng võ, xám đen vì nắng lửa, vì cháy rừng đang chờ một phép lạ từ trên trời rơi xuống. Chưa bao giờ tôi thấm thía bài thơ đầu tiên được học trong đời như vậy:
“Lạy trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp”

(Quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu).


Không biết mưa thế này đã đầy đủ chưa? Nhà nông, nhà chăn nuôi đã vừa ý chưa? Chắc là chưa đủ vì lệnh hạn chế dùng nước của NSW vẫn còn siết chặt. Nhưng nhìn cây cỏ trong vườn nhà tôi, vườn trước vườn sau đã thấy từ màu xám tro của tàn tạ đổi sang màu xanh non của sinh trưởng. Ban đêm trở lạnh, tôi thức giấc nghe tiếng mưa chìm chìm, rì rầm, tí tách tôi có cảm tưởng như nghe thấy một mầm sống từ dưới sâu lòng đất đang tách vỏ, cựa mình. Sáng ra nhìn công viên cạnh nhà đã thấy màu cỏ phớt xanh. Cỏ xanh bao giờ cũng mời gọi bước chân mình đi lên trên đó để nghe một sự mát rượi của thiên nhiên hay cảm thấy một sự hòa đồng nào đó giữa ta và vạn vật. Cổ nhân gọi những ngày vui đi trên cỏ là ngày hội “đạp thanh”, hội của những người” đạp lên màu xanh”. Ðộng từ giẫm, đạp mới nghe có vẻ tàn nhẫn làm nhớ câu thơ của Arvers “Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình” (Khái Hưng dịch) nhưng ở đây người Ðông phương đi vào thiên nhiên để tìm một sự đồng cảm, không phải bước chân của người Tây phương chinh phục. “Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”, Nguyễn Du đã nói như thế. Tháng ba cỏ non xanh rợn “dập dìu tài tử giai nhân” đi trên một miền phương thảo để thưởng xuân và thăm mộ những người đã khuất. Người Ðông phương không tách rời cá nhân ra khỏi cái xung quanh; con người là điểm trung hòa giữa trời và đất nên đi chơi xuân cũng là dịp đi thăm “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”.
Tôi đi trên thảm cỏ xanh ở đây, thành phố Sydney mà “tâm viên, ý mã” liên tưởng đến những cuộc đi thăm mộ bao nhiêu năm nay tôi mơ ước mà chưa một lần làm được. Tôi nhớ đến ngôi mộ của ông thân, bà thân tôi ở một chân ruộng mùa bên bờ. Cánh Ải quê tôi (Hữu Bằng, Quốc Oai, Sơn Tây). Mẹ tôi mất năm 1945 được an táng tại ruộng nhà dì tôi bên bờ Cánh Ải. Bảy năm sau, ông thân tôi cũng đi theo bà thân tôi. Trước khi mất, chừng như nhìn thấy trước một điều gì thầy tôi dặn lại: “Sau này, các con sẽ đi xa lắm, chắc ít khi về làng. Ðể tiện cho việc thăm viếng, các con nên để thầy nằm bên cạnh mẹ, đắp chung một nấm”. Theo lời thầy tôi dặn lại, chúng tôi đã làm như thế. Mộ thầy mẹ tôi nằm bên cạnh nhau như vậy đã được trên nửa thế kỷ rồi mà tôi chưa có dịp nào về. Rồi mộ của bác tôi, người nuôi tôi ăn học ở Hà Nội ngày xưa, người đầu năm 1954 được du kích xã “mời cụ đi họp” rồi bác tôi chết dấp trên rừng, xác vùi nông một nấm. Mươi năm trước, có ông anh họ cùng bị bắt với cụ, mới lên rừng chỉ chỗ đưa hài cốt cụ về nằm ở ruộng nhà cho “hương hồn” cụ đỡ lạnh. Rồi mộ của chú tôi, dì tôi, cô tôi… mộ của bạn xưa Tào Mạt cùng làng (người làm thơ,viết kịch) người hẹn tôi “đợi anh về gác chân nhau nằm nói chuyện” mà anh không đợi được, đã đi vào cõi đất. Rồi mộ của biết bao anh em, bạn tù đồng đội của tôi đã nằm lại trên núi, trên rừng.


Dòng đời xô đẩy, những cuộc biến thiên lịch sử đã khiến tôi dời bỏ quê nhà mải miết đi, đi mãi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, từ lục địa này tới luc địa kia. Bây giờ thất thập cổ lai hi đã lâu rồi, ở xứ tạm dung miền Nam bán cầu này, đi trên cỏ xanh mùa thanh minh, muốn thắp một nén hương lên mộ những người thân yêu nhất mà không thể nào làm được. “Quê nhà xa lắc xa lơ đó, Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”.
Do vậy tôi thường phải thắp một nén tâm hương viết về những người thân yêu, về những người bạn đã sống chết cùng tôi đi một đoạn đời. Tuần này, anh em khóa Cương Quyết (khóa 4 phụ Thủ Ðức nhưng học trường Ðà Lạt) có tổ chức họp khóa “ngậm ngùi” ngày 27 và 28 tháng 3 ở Orange County, CA, Mỹ. Ông Giao Chỉ Vũ văn Lộc, trưởng ban tổ chức (cứ coi như vậy đi) trong thiệp mời và thư hải ngoại gửi bè bạn xa gần đã rất cẩn thận lập chương trình chi tiết, giới thiệu tuyển tập của toàn khóa, triển lãm bảo tàng thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa, đêm hội ngộ sau 50 năm lịch sử, và đáng lưu ý, lễ tưởng niệm những người đã ra đi,vinh danh tình yêu còn ở lại. Ðây là tiết mục tôi nghĩ xúc động nhất, ý nghĩa nhất. Khóa của bạn mấy trăm người, bây giờ còn lại bao nhiêu người? Có những người chết rất trẻ, trung đội trưởng, đại đội trưởng “nằm chết như mơ”. Có những người bị chôn sống trong chiến dịch Mậu Thân Huế 1968 vì làm nội an, có người tự tử trong hầm, không chịu sa vào tay giặc trong chiến trường Hạ Lào, có đại tá trung đoàn trưởng Dù chết trong “mùa hè đỏ lửa 1972”, có trung tá tự sát trong ngày 30/4/75. Có bao nhiêu người nữa chết trong trại cải tạo? Khi mới gặp nhau lúc mới vào trường thì tóc xanh mươn mướt, bây giờ gặp lại đã đầu bạc, răng long
“Năm chục năm trời gặp lại nhau,
Ngậm ngùi tóc bạc ngó lòng đau,
Nụ cười bỗng chốc tan thành lệ,
Khóc cho mộng cũ đã phai màu”

(Thanh Nam)


Nhưng còn nhìn lại được nhau là quí, bao nhiêu “bạn ta”đã nằm sâu lòng đất. Thay mặt bạn là những cụ bà 60, 70 tuổi, hiền nội của những chiến sĩ đã ra đi, đến đây hôm nay là để chia sẻ cùng bạn hữu của chồng một chút kỷ niệm xưa, và chắc chắn cùng nhỏ xuống đôi hàng lệ nhớ.” Tình yêu còn ở lại”, có lẽ đây là chứng tích sinh động nhất.

VuVanSamÔng Giao Chỉ có gửi kèm theo danh sách “những người đã mất” trong khóa, dưới có ghi “xin vui lòng đọc kỹ, bổ túc và sửa chữa”. Tôi có một bạn đồng nghiệp, đồng tù rất gần gũi với tôi. Ðó là trung tá Vũ văn Sâm, tức người làm thơ, viết nhạc Thục Vũ vốn thuộc khóa Cương Quyết. Anh là tác giả bài thơ, bài hát Kiếp lưu đày. Bài thơ, bài hát này ngay từ Suối Máu, Biên Hòa (miền Nam 1975-76) đã được anh em đồng đội, đồng tù ghi vào bộ nhớ. Thục Vũ cùng đi chuyến ra Bắc đầu tiên với tôi và Văn Quang, Hoàng ngọc Liên, Vũ xuân Thông, thượng tọa Thích thanh Long… trên một chuyến tàu. Chúng tôi cùng được di chuyển đến Sơn La, trại 1, liên trại 2, dưới quyền quân quản. Thục Vũ là người có bệnh gan mạn tính nên ra Bắc, gặp cơn gió mùa Ðông Bắc đầu tiên là Vũ văn Sâm gục ngã. Anh là người tù cải tạo đầu tiên chết trong trại cải tạo Sơn La nên chúng tôi nhớ rất rõ ngày anh mất. Không phải như ghi trong danh sách: 1977- Nghĩa Lộ mà đúng ra là ngày 17/11/1976, Sơn La. Anh ra Bắc được chừng 5 tháng là từ giã cõi đời. Có một chuyện khiến cho tôi dễ nhớ ngày Thục Vũ mất vì chỉ ít ngày sau khi Thục Vũ ra đi là cụ Thích thanh Long và tôi kì cạch khắc một tấm bia đá nhỏ ghi rõ tên, tuổi, ngày anh lìa bỏ chúng ta. Tôi đã từng viết về Thục Vũ Vũ văn Sâm và bài hát Kiếp lưu đày trên báo chí Mỹ, Úc, Canada. Bài này, may mắn làm sao đến tay chị Vũ văn Sâm ở Canada. Chị có viết thư đăng trên tờ đặc san Cương Quyết của các bạn:”Cám ơn ông PLP đã viết về người chồng tài hoa bạc mệnh của chị” và có cho hay gia đình ngoài Bắc tìm được mộ anh Thục Vũ, là nhờ vào tấm bia đá có ghi tên anh mà bạn tù đã dùng đinh đục trên bia ghi lại. Nếu không, trong cái nghĩa địa hoang tàn trên đèo Ban năm ấy,mả tù chính trị cùng tù hình sự nằm cạnh nhau san sát, lẫn lộn, biết mộ nào vào với mộ nào.

Không biết kỳ họp mặt ngậm ngùi này chị Vũ văn Sâm có sang CA tham dự hay không? Xin nhờ ông Giao Chỉ thưa với chị Sâm rằng chị không nên cảm ơn tôi. Tôi chỉ là “thợ vịn” trong câu chuyện này. Ở Sơn La, “lưới núi” nhiều đá lắm, nhưng chúng tôi làm vườn rau nên không đi lấy đá được. Người tìm đá về làm bia là anh Vũ xuân Thông, trung tá biệt kích dù kiêm họa sĩ, nhà điêu khắc. Người design cái bia cũng là anh Thông. Người lấy đinh đục tên tuổi, ngày mất của anh Thục Vũ là thượng tọa Thích thanh Long, trung tá giám đốc Nha Tuyên Úy Phật giáo. Tôi chỉ phụ ông cụ giội nước lên bia cho ông cụ dễ làm. Khi chúng tôi đem bia đi thăm mộ anh Thục Vũ (chừng 3 tuần sau khi anh mất) thì ở đó đã có một tấm bia bằng gỗ và còn một lọ thuốc Penicilline rỗng không, đóng kín trong có đựng một mẩu giấy ghi tên tuổi và ngày mất của anh Sâm. Nói để chị rõ là anh em bạn tù chúng tôi rất nhiều người nhớ thương anh Thục Vũ. Từ chuyện tưởng niệm này chuyển sang việc viếng thăm kia,khởi đi và kết cục cũng từ họp khóa ngậm ngùi mà ra.
Nhân dịp đầu Xuân vào hội đạp thanh, xin cảm ơn ông Giao Chỉ Vũ văn Lộc cũng như toàn thể anh em khóa Cương Quyết đã cho phép tôi thực hiện một cuộc tảo mộ tâm linh mà bao nhiêu năm nay, tôi hết lòng mong đợi.


PHAN LẠC PHÚC

bar_divider

Qua cơn mê sực nhớ đến đêm văn nghệ Tết trong tù

Hồi ức của PHAN LẠC PHÚC

“Tôi vừa nhận thư từ Seattle, Mỹ gửi sang. Không phải những người bạn thân quen của tôi mà nhìn tên người gửi thấy đề T. Nguyen lạ hoắc. Sang xứ sở văn minh thực dụng này, tên tuổi lộn đầu lộn đuôi mà chữ viết cũng ít khi dùng đến nên tôi cầm lá thư mà chưa nhớ ra ai. Mỗi người sinh ra trên trái đất này đều có một nhân dáng riêng, cũng như có một nét chữ riêng, có ai giống ai đâu? Bây giờ bỏ cái riêng tư ấy đi, dùng toàn chữ in sẵn trong computer – tiện lợi thì có tiện lợi thật nhưng cầm cái thư tôi thấy nó lạnh lùng, khô khốc… Bề ngoài bao thơ không cho tôi một tín hiệu tình cảm nào, tôi hờ hững mở thư. Nhưng vừa đọc, tôi đã vô vàn cảm xúc: “Anh P. ơi, chấc anh không nhớ được em đâu, nhưng em nhớ anh hoài, em nhớ “ông già chăn ngựa”. Em là “La Sơn Phu Tử” đây.” Những cụm từ “ông già chăn ngựa ” và “La Sơn Phu Tử” đã như chiếc chìa khóa mở ra một quãng đời tù tưởng đã nhạt nhòa trong ký ức…
Dạo ấy là cuối năm 1977, chúng tôi vừa từ giã trại tù quân quản Liên trại 2 để đến một nhà tù chính thức Yên Hạ – Sơn La thuộc Công an – Bộ Nội vụ. Cùng là đi cải tạo nhưng bên trong có chia ra nhiều loại. Loại cải tạo trong Nam tương đối nhẹ nhàng hơn, ngắn hạn hơn. Tù nặng, tù lâu là ra Bắc. Những năm đầu ra Bắc, tù đặt dưới quyền quân quản, tức là do bộ đội quản lý. Sau chừng từ 2 đến 3 năm tù được chuyển dần từ trại “trâu xanh” (bộ đội) sang trại “bò vàng” (công an). Ở trại tù chính thức của Bộ Nội vụ như trại Yên Hạ này chúng tôi được gặp những bạn tù anh em ta bị bắt từ hồi Mậu Thân (1968) cũng như một số anh em khác, tù binh từ trận Hạ Lào (1971). Những trại tù này thường là trại hỗn hợp vừa có tù chính trị (như tụi tôi) vừa có tù hình sự. Bên hình sự có thiếu gì những người tù bị hình án nặng nề từ 20 năm đến chung thân ở đây.
Đến trại Yên Hạ này, tôi được gặp Trung tá Kh., dân Tiếp vận bị bắt hồi Mậu Thân khi về Huế ăn Tết thăm gia đình. Anh còn sống sót không nằm trong nấm mồ tập thể mấy nghìn người, kể ra cũng phải tạ ơn Trời Phật. Cho đến lúc này thì Kh. đã có thâm niên 9 năm tù, kinh nghíệm hơn tụi tôi nhiều lắm (mới có trên 2 năm). Khi được hỏi về sự khác nhau, giống nhau giữa 2 trại trâu xanh và bò vàng Kh nói: “Một bên là dao găm, một bên là thuốc độc, không biết bên nào êm ái hơn bên nào”. Ngừng một lát Kh. Nói tiếp: “Tuy nhiên, qua các trại miền Bắc tôi thấy cuộc sống tù đày tùy thuộc khá nhiều vào trại trưởng. Mới chuyển sang trại bò vàng Công an mà các bạn được về đây là khá đấy. Ông cụ Việt, trại trưởng trại này là một biệt lệ trong các cai tù… Rồi các bạn sẽ thấy”.

                                                          blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

Bánh Chưng, Bánh Tét

Tác giả: Phan Lạc Phúc

Như một cái lệ, cứ đến đêm Giao Thừa là tôi lại cùng một vài ông bạn già kéo đến “Tập hợp Đồng Tâm” lễ tổ. “Cây có cội mới tốt cành xanh lá. Nước có nguồn mới biển cả sông sâu”, năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới, chúng ta thắp một nén nhang dâng lên quốc tổ Hùng Vương để thấy tâm hồn mình đỡ cô đơn, thấy bản thân mình gần gũi với quê hương thêm một chút…

Nước Việt Nam ta là giao điểm của lục địa Ấn-Hoa, qua trường kỳ lịch sử, bao nhiêu trào lưu văn hóa đã đến và đã đi, bao nhiêu triều đại đã phế hưng trên giải đất hình chữ S, nhưng người Việt Nam có mẫu số chung không ai phủ nhận được: “Chúng ta đều là con cháu của vua Hùng”. Thời gian cứ qua nhưng mẫu số kia tồn tại mãi. Đó là cái nền chung của dân tộc. Con cháu vua Hùng vì thời cuộc phải lưu lạc tha phương khắp cùng trái đất, nhưng Giao Thừa, giờ phút thiêng liêng, con cháu thành tâm dâng hương trước các tiên vương như một hành động tâm linh hướng về đất nước.
Sau khi hành lễ, con cháu vua Hùng từ già đến trẻ lại quây quần tụ họp bên nhau “thừa lộc tổ”. Lộc của các vua cha để lại từ muôn đời nay là bánh chưng, phát nguyên từ tổ Lang Liêu vua Hùng thứ 6. Đã bao nhiêu nghìn năm trôi qua mà người Việt Nam nào tết đến cũng vẫn còn ăn bánh chưng, hay một biến thể của bánh chưng là bánh tét. Bánh chưng, bánh tét tuy hình thức khác nhau, một đằng vuông, một đằng tròn nhưng chất liệu giống nhau, đều là gạo nếp bên ngoài, đậu thịt bên trong… được gói bằng lá dong hay lá chuối… nấu chín lên thành thực phẩm “quốc gia”. Ai là người Việt Nam, Tết đến, đều ăn bánh chưng bánh tét như thừa hưởng một di sản văn hóa của ông cha muôn đời để lại. Bánh chưng vuông, bánh dầy tròn (hay bánh tét tròn) đều là hình tượng trời tròn, đất vuông của các tiên vương đề xướng. Vuông tròn ở đây không phải là một ý niệm vật lý mà là một quan điểm về lối sống. Con cháu vua Hùng hãy ăn ở với nhau vuông tròn. Vuông tròn như một thể hiện đạo đức toàn vẹn nhất, viên mãn nhất.

Bữa ăn “thừa lộc tổ” đêm giao thừa ở “tập hợp Đồng Tâm” năm nay thấy ý vị hơn mọi năm. Có lẽ là vì món khai vị, món bánh chưng “quốc hồn quốc túy” năm nay “rền” đặc biệt. Mấy người bạn trẻ, chắc sinh trưởng ở bên Úc này, nên không hiểu “rền” là gì” Cũng phiền phức đây, một tính từ cổ (archaique) ít dùng, nên khó làm cho người bạn trẻ hiểu được thế nào là “rền”. Tôi cố tìm một từ tiếng Anh gần gũi với tính từ “rền”:
“Something sticky”, tôi nói vậy. “Dính như là xôi ấy hả bác””
Tôi gật đầu nhưng cùng một lúc nhận ra sự “không tới” trong cách giải thích của mình. Rền không chỉ là sự kết dính. Nó còn là sự nhất thể, sự nhuần nhuyễn của gạo, của đậu, của thịt mỡ… đến nỗi khi ăn mình không còn cảm nhận được đâu là gạo, đâu là đậu, đâu là mỡ mà nó là một sự hòa tan của chất dẻo, chất bùi, chất béo… sản phẩm của một nền văn minh lúa nước từ ngàn xưa để lại.
Một thứ bánh rất gần với bánh chưng là bánh dầy. Bánh dầy ngon, quánh, được khen là bánh dầy “dẻo”. Không ai gọi bánh dầy “rền”. Tìm mãi trong ký ức đã bắt đầu mòn mỏi mới thấy được một chữ “rền” trong ca dao:
Mẹ em tham thúng xôi rền, Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng…

Tôi không phải là nhà ngôn ngữ nên nhận định của tôi chắc chắn còn nhiều thiếu sót… Nhưng trong địa hạt ẩm thực, “rền” đối với tôi gợi ra một ý niệm kết hợp, nhuần nhuyễn, dễ hòa tan. Nếu bánh chưng là một sản phẩm văn hóa từ ngàn xưa để lại, biết đâu tiền nhân của chúng ta đã chẳng qua đó, muốn nhắc nhở chúng ta, những người thưởng thức bánh chưng, hãy luôn luôn kết dính với nhau, hãy dễ dàng hòa hợp cùng nhau. Nó cũng nằm trong đức lý vuông tròn vậy.

Ăn bánh giao thừa năm nay, tôi lại nhớ đến chiều 30 tết năm 1978 – sang năm 1979 khi đi cải tạo ngoài Bắc ở trại Tân Lập Vĩnh Phú. Trại này hắc ám có tiếng. Ngày thường lán nào ở lán nấy, khu nào ở khu nấy, tù không được loạng quạng đi từ khu này sang khu khác. Nhưng chiều 30 tết, trại “xả cảng”, tù được lui tới thăm nhau. Ở trại tù Yên Hạ (Sơn La) về đây tôi có 2 người bạn thân. Một người bạn viết, trung tá Nguyễn Quang Tuyến (tức nhà văn Văn Quang, quản đốc đài phát thanh quân đội) và trung tá Nguyễn Văn Long (tức thượng tọa Thích Thanh Long, giám đốc nha Tuyên Úy Phật giáo). Chiều 30 tết, chúng tôi gặp nhau và có ý định ăn với nhau một bữa tất niên. Hôm nay, được ăn cơm thật sự, không phải ăn “cái gọi là cơm” như sắn khô, ngô hẩm. Trại cũng vừa phát cho mỗi tù nhân hai cái bánh chưng vuông, mỗi bề chừng 15cm, dầy chừng 3cm. Bánh chưng mini kiểu này ở quê tôi (Quốc Oai, Sơn Tây) thường được gọi là bánh gói “điêu”. Bánh thiếu cân, thiếu lạng, bánh bày biện vẽ vời như người nói điêu, cân thiếu. Nhưng năm đó, tù đang đói bã người, đói trơ xương lõ đít, đói mờ mịt càn khôn nên có hai cái bánh chưng ấy trong tay là một nỗi vui mừng khó tả. Chiều 30 phát cơm trắng, bánh chưng, trại chưa kịp mổ heo, giết trâu ăn tết. Nhưng được ăn cơm trắng cũng là một đặc ân hiếm có. Để sửa soạn cho bữa ăn này, ông thượng tọa đem về ít rau diếp và mấy củ hành. Tôi đi “liên hệ” với ông hoàng của tù (le prince des prisonniers), đại tá an ninh Nguyễn Văn Hãn xin vài muỗng mỡ. Một người anh em trong đội của Văn Quang, vừa mới nhận quà, thấy ông thượng tọa và hai “nhà văn” sang lán của mình ăn cơm tất niên mới “cảm khái” tặng một thứ quà đáng giá. Đó là chiếc túi nylon đựng nước mắm khô nhà gửi; anh lấy nước mắm khô ra rồi, đựng vào lon Guigoz nhưng cái túi nylon anh chưa kịp sử dụng. Anh mới tặng cho chúng tôi chiếc túi còn dính mùi nước mắm này. Chúng tôi “lược” cái túi nylon này rất kỹ để nó khỏi bay mùi. Rồi mỡ với hành phi lên, đổ nước “lược” nước mắm vào, chúng tôi có một thứ nước chấm tuyệt vời. Ăn cơm trắng rau diếp với nước chấm này, ngon thấy ông bà ông vải.
Ngày xưa, nhà thơ Hồ Dzếnh có hai câu thơ mà bạn tôi Mai Thảo, thuở sinh thời rất thích:
Phút linh cầu mãi không về Bâng khuâng giấy trắng chưa nề mực đen.

Bây giờ “phút linh cầu” của chúng tôi về rồi. Đó là lúc cơm trắng ăn xong, còn lưng lửng dạ, chúng tôi bắt đầu đi vào tiết mục hết sức ly kỳ trọng đại: bóc bánh chưng ăn. Không ai dám ăn cả cái bánh chưng, chỉ dám ăn nửa cái để “chào xuân, đón tết”. Hai ông bạn tôi bóc bánh, ăn bánh như một thứ lễ nghi. Riêng tôi vừa bóc bánh đã xảy ra “sự cố”. Vừa mới cởi xong nút lạt, mở vài lượt lá bên trên thì từ chiếc bánh của tôi, gạo nếp đã bung ra lả tả. Chiếc bánh của tôi, chắc xếp ở trên thùng bánh, không đủ nước nên nó còn nguyên hạt gạo, không chín nổi. Mấy tháng nay chờ đợi bánh chưng, không ngờ đâu cái số tôi lại hẩm hiu đến vậy. Nhìn cái bánh chưng sống nhăn sống nhở, tôi cúi mặt thở dài không biết nói năng gì. Ông bạn tù thượng tọa, không biết vì ông có kinh nghiệm bản thân hay vì ông thương tôi nên ông vội nói: “Ông đổi cho tôi cái bánh chưng ấy đi. Đi tù như ở đây không biết sống chết thế nào nhưng tết đến mà ông có cái bánh chưng như vậy là điềm thật tốt: sống rồi”. Anh em dạo ấy vì đói cơm, thiếu áo, lại lao động khổ sai quá mức nên chết như ngả rạ.

Bây giờ mỗi khi đón xuân, ăn bánh chưng vừa “rền”, vừa ngon, vừa dẻo, tôi lại nhớ đến chiếc bánh chưng sống chiều 30 tết năm xưa trong trại cải tạo ở miền Bắc. Ông bạn già thượng tọa của tôi được tha về chừng 4 năm là mất. Tết đến, ăn miếng bánh chưng tôi lại nhớ ông. Còn ông bạn viết Văn Quang, ông không đi HO mà cũng không đi ODP, ông ở lại Việt Nam sống như cây cỏ. Ông Văn Quang ôi! Tết này ông có thì giờ, xin ông xuống chùa Giác Ngạn (chỗ cổng xe lửa đường Trương Minh Giảng cũ rẽ vào), thắp nén hương nhớ ông bạn già của chúng ta đã sớm về cõi ấy…

Phan Lạc Phúc

bar_divider

“Người tù kiệt xuất”

Tác giả: PHAN LẠC PHÚC

Biệt Kích Dù

Tôi đã nhiều lần định viết về những người tù kiệt xuất của Quân Lực VNCH: những anh em Biệt kích dù, những người “từ trên trời rơi xuống”, nhưng tôi cứ lần lữa mãi. Lười biếng thì chỉ có một phần. Lý do chính yếu là những người bạn tù mà tôi bội phần cảm phục ấy đang ở trong một tình trạng hết sức khó khăn. Chúng tôi đi cải tạo sau tháng 4 đen 1975, dù đớn đau, khổ nhục đến đâu, vẫn có tên, có tuổi, hàng tháng, hằng quý vẫn còn liên lạc được với gia đình. Anh em, bè bạn ở nước ngoài vẫn còn có chút âm hao để mà theo dõi. Những anh em Biệt kích dù thì đúng là “thượng diệt, hạ tuyệt” -không có quân bạ, quân số, không có tên có tuổi nào được dăng ký, không có chính phủ nào, quân đội nào công nhận có những người lính ấy ở dưới tay. Không được liên lạc với ai, coi như không còn hiện diện ở trên trái đất. Ở trên trời rơi xuống Bắc Việt vào đầu thập niên 60 thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những anh em Biệt kích dù đã tham dự một cuộc chiến tranh tối mật (secret war). Những người tình nguyện tham gia cuộc chiến này đã tự coi mình đã chết; Nhảy xuống, tìm được địa bàn hoạt động, trà trộn được, ẩn giấu được là sống là thi hành xong nhiệm vụ, nếu bị lộ, bị bắt, bị giết thì “Anh tự lo liệu cho cái thân anh, không có cơ quan nào, tổ chức nào đứng ra can thiệp hay bảo trợ cho anh được”. Những người tù “đứt dây rơi xuống” này không được hưởng chút quyền lợi nào từ quy chế tù binh (Genève); các cơ quan nhân đạo quốc tế như Hội Hồng Thập Tự, Hội Ân Xá Quốc Tế cũng không biết làm sao can thiệp vì các anh đâu có quân bạ, quân số, đâu có tên tuổi được đăng ký hợp pháp ở một chính phủ nào.

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa (thời tổng thống Ngô Đình Diệm), nghe nói đại tá Lê Quang Tung, em là thiếu tá Lê Quang Triệu phụ trách công tác này. Ở đằng sau có cơ quan tình báo hay phản gián nào của Mỹ yểm trợ hay không, điều này ai cũng hiểu là phải có, nhưng cơ quan nào: CIA hay thuộc cơ quan tình báo Ngũ Giác Đài, không ai dám đoan chắc, mà cũng không ai dám biết.
Nghe nói những người được tuyển chọn vào Biệt Kích dù tham gia vào cuộc chiến tranh tối mật, ngoài những khả năng đặc biệt về nghiệp vụ như tình báo, truyền tin, phá hoại, trà trộn dưới đồng bằng, ẩn giấu trong rừng sâu, chiến đấu với đối phương, với bịnh tật với thiên nhiên, được trang bị thật kỹ từ A đến Z về mưu sinh thoát hiểm, họ còn phải là những người tuyệt đối tin tưởng vào quốc gia, lãnh tụ. “Sống không rời nhiệm vụ, chết không bỏ lập trường” đó là vũ khí chung của anh em Biệt kích…

Như mọi người đã biết, cuộc chính biến 1 tháng 11 năm 1963 đã làm sụp đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa, anh em tổng thống Ngô Đình Diệm bị hạ sát; người rất thân tín, người ủng hộ đến cùng anh em tổng thống Diệm là anh em đại tá Lê Quang Tung, thiếu tá Lê Quang Triệu tất nhiên cũng bị triệt hạ theo. Các anh em Biệt kích dù sau tháng 11 năm 1963, khi anh em tổng thống Diệm chết đi, khi anh em người chỉ huy chiến dịch Lê Quang Tung – Lê Quang Triệu bị hạ sát, đã rơi vào tình trạng rắn mất đầu. Sự tan vỡ như thế là không tránh khỏi. Không biết có một sự kiện “vỡ kế hoạch” vô tình hay cố ý nào không, nhưng các anh em Biệt kích dù ra Bắc lần lượt bị phát giác bị truy bức, bị giết và bị bắt. Không ai biết rõ hay là biết mà không dám nói ra, đã có bao nhiêu Biệt kích dù ra Bắc, công trạng họ lập nên được những gì” Bao nhiêu người sống, bao nhiêu người chết” Chiến tranh tối mật nên những người thực hiện sống hay chết đều nằm trong bóng tối. Đó là quy luật của cuộc chơi. Một cuộc chơi quyết liệt và tàn nhẫn. Có nhiều người cho rằng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, người có công nhất chưa chắc đã là viên thống soái chỉ huy ba quân tướng sĩ, mà người có công nhất có thể là người chiến sĩ vô danh chết chồng đống trong chiến hào, chết âm thầm trong rừng sâu, chết lạnh lùng dưới biển. “Gươm anh linh, biết bao lần vấy máu, còn xác xây thành, thời gian luống vô tình” (Chiến sĩ vô danh – Phạm Duy). Thời gian cũng như lòng người, đều vô tình như nhau. Nào ai còn nhớ trong biết bao nhiêu người chiến sĩ Biệt kích dù ra Bắc đầu thập niên 60 năm ấy, ai còn, ai mất”

blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

Thương tiếc

Tác giả: Phan Lạc Phúc

...Tôi được biết Nguyễn Thanh Thu do một sự tình cờ, rất tình cờ. Dạo ấy đâu vào khoảng 1960-1961, tôi đang làm việc tại một ngôi trường quân đội gần bệnh viện Đồn Đất – Sài Gòn.

Bạn đồng sự của tôi là Tạ Tỵ, một họa sĩ tên tuổi. Năm ấy có một cuộc triển lãm rất lớn và Tạ Tỵ là tổng thư ký ban tổ chức, cùng một lúc là ban giám khảo. Triển lãm xong rồi thì tranh, tượng được đem về tạm xếp tại một phòng lớn của ngôi trường chờ được trả về cho các họa sĩ, điêu khắc gia tham dự. Do vậy sau những giờ làm việc mệt nhọc hoặc trong những lúc tâm hồn trống vắng, tôi thường đi vào phòng triển lãm, lân la xem các tranh, tượng, làm môt cuộc “rong chơi nghệ thuật” một mình. Trong cái vắng lặng tuyệt đối của căn phòng rộng rãi, trước sự sắp xếp bừa bãi “như cuộc đời”, các tranh, tượng lúc đó lại có khả năng “trò chuyện” với mình nếu “băng tần” của mình tiếp thu được những thông điệp âm thầm ấy.

BucTuongThuongTiec-NguyenThanhThu

Bức tượng Thương Tiếc – Nghĩa Trang Quân Đội VNCH, Biên Hòa

Tôi còn nhớ tôi thường đứng rất lâu trước một pho tượng thạch cao nhỏ, chỉ cao chừng 60cm, mang tên “Ngày về”. Ngày về vinh quang, ngày về chiến thắng của người lính chiến. Người lính chiến được cách điệu (stylisé) cao vượt lên (cao hơn con người thường lệ), mắt không nhìn vào vòng hoa chiến thắng treo trên cổ mà ngửa mặt lên trời, nét mặt suy tư. Tay anh ôm lấy một thiếu nữ, có thể là người yêu, có thể là người vợ. Người thiếu nữ nép rất sát vào người lính chiến như một niềm son sắt, như một sự không dời, mắt cúi xuống vòng hoa chiến thắng mà nhỏ lệ. Giọt lệ bằng thạch cao mà long lanh, trong suốt trên cánh hoa chiến thắng. Bức tượng nhỏ nhưng làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Chiến thằng dù vinh quang đến đâu nhưng đằng sau chiến thắng có bao nhiêu dòng lệ chảy. Người lính chiến kia ngày về chiến thắng mà ngửa mặt lên trời, nét mặt đăm chiêu. Phải chăng anh muốn hỏi rằng ở một khía cạnh sâu xa nhất, chiến tranh nào cũng là một sự “chẳng đặng đừng”, một nỗi đam mê vô ích. Bức tượng Ngày Về ấy được giải nhì và người nghệ sĩ điêu khắc bức tượng ấy là Nguyễn Thanh Thu. Tôi có hỏi Tạ Tỵ xem Nguyễn Thanh Thu là ai? “Một người anh em trẻ mới tốt nghiệp Mỹ thuật bây giờ đang dạy hội họa ở trường Võ Trường Toản”, Tạ Tỵ trả lời.

Năm 1962 tôi có may mắn đứng trong ban tổ chức dựng tượng đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng. Tôi nghĩ ngay đến nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Thanh Thu. Theo lời chỉ dẫn của Tạ Tỵ, tôi đánh xe đi tìm xưởng điêu khắc của nhà nghệ sĩ ở đường Hoàng Hoa Thám bên Gia Định. Xe đi tuốt mãi về phía trong “bao giờ thấy một vườn ổi có nhiều tượng bày la liệt ở ngoài vườn ấy là nhà hắn”. Lời chỉ đường, chỉ nhà của Tạ Tỵ quả nhiên là đúng. Giữa một vườn ổi cỏ mọc um tùm, những bức tượng, cái thì đã xong, cái thì đang làm dở, tượng cụt đầu, cụt tay nằm xếp lớp. Một mái nhà cũ nằm giữa vườn, một chiếc xe traction avant xập xệ. Một nhà nặn tượng áo blouse trắng lem nhem bùn đất, tóc dài kiểu Trần Văn Trạch, mặt mũi “bất cần đời”. Đó là Nguyễn Thanh Thu. Năm ấy Nguyễn Thanh Thu còn trẻ, chừng 26, 27 là cùng. Có lẽ ngoài nặn tượng, Nguyễn Thanh Thu không cần điều gì khác. Buổi sơ kiến mà Nguyễn Thanh Thu đi ra vườn, lặt vội mấy trái ổi xanh, đặt vào một cái đĩa lem nhem mà “mời, mời, ổi vườn nhà ăn được lắm”. Còn về việc dựng tượng đức Trần Hưng Đạo, tôi đã cùng Nguyễn Thanh Thu đi trên chiếc traction avant xập xệ đến thăm nơi dự định đặt tượng đức thánh Trần. Nguyễn Thanh Thu cho rằng chỗ bến Bạch Đằng không xứng. Phải dựng tượng ở chỗ doi đất giữa sông bên Khánh Hội mới thích nghi với tầm vóc lịch sử của người. Nhưng phần đất ấy lại thuộc về Cảng Sài Gòn nên không sao giải quyết được..

Đầu thập niên 60 Nguyễn Thanh Thu còn ít người biết đến nhưng đầu 70 thì Nguyễn Thanh Thu đã là một nhà điêu khắc lừng danh. Tôi không lấy làm lạ vì đó chỉ là sự công nhận một tài năng đã chín. Ông đã đoạt nhiều huy chương, nhiều giải thưởng. Nhưng huy chương quí trọng nhất, giải thưởng giá trị nhất là bức tượng Thương Tiếc của ông dựng bên ngoài nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Bức tượng được dựng đầu những năm 70 khi cuộc chiến VN đang hồi khốc liệt. Cổng nghĩa trang là một khúc quanh. Đến khúc quanh này người đi xe cũng như khách bộ hành thấy đột khởi trên nền xanh thẫm của cây lá bên đường, tượng một anh lính chiến đang ngồi nghỉ.
Anh ngồi đó một mình, sau lưng là bao nhiêu người đã chết. Chiếc mũ sắt lỏng giây quai, súng nằm nghiêng bên mình, dáng vẻ ngậm ngùi, mắt ngó mông về khoảng không trước mặt. Anh đang tiếc thương ai? Tiếc thương bao nhiêu đồng đội vừa nằm xuống, những dãy mộ chí dài dằng dặc sau lưng anh biết bao giờ chấm dứt, hay anh đang tiếc thương cho sức xuân xanh của dân tộc đang chết dần đi trong cuộc chiến này. “Pho tượng như có mang chứa linh hồn những người lính chết khắp nơi trên đất nước” cho nên thiêng lắm. Người ta đồn rằng có những lúc trời chạng vạng âm u, âm dương hỗn hợp, người lính từ trên cao đi xuống, ngồi bên vệ đường. Hoặc những lúc đêm khuya trăng lạnh, có tiếng hát thê lương từ pho tượng bay đi. Pho tượng đã bước vào huyền thoại, đi vào niềm tiếc thương muôn thủa của con người.

Sau 30 tháng 4-1975 khi Cộng sản tràn ngập miền Nam, một trong những việc đầu tiên của họ là xô ngã bức tượng Thương Tiếc ở nghĩa trang QĐ.
Người Mác Xít, Lê Nin Nít ra lệnh không được tiếc thương, không được nhớ về quá khứ. Tượng Thương Tiếc đã đổ, bây giờ tượng cũng như người khai sinh ra nó không biết lưu lạc phương nào? Nhưng tôi chắc chắn rằng niềm tiếc thương những người đồng đội của chúng ta đã ngã trên chiến địa, bảo vệ cho tự do và nhân phẩm vẫn càng ngày càng sáng mãi trong tâm thức miền Nam.

Phan Lạc Phúc 

blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

Chia tay “Tao Đàn”

Tác giả: Phan Lạc Phúc

“… Chỉ sau này, khi chúng tôi đã vào Nam theo hiệp định Genève 1954, nền Đệ Nhất Cộng Hòa mới mở ra cho miền Nam VN một tương lai mới, một chủ quyền mới. Thực dân Pháp đã rút hết về nước, người VN từ vĩ tuyến 17 trở vào đang có thời cơ thiết lập một nhà nước có Độc Lập, Tự Do thật sự. Mọi người nô nức trước sự khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hòa của chí sĩ Ngô Đình Diệm.

Đàn anh Đinh Hùng và những người bạn tôi ở Sài Gòn đang đứng trong hàng ngũ những người góp tay xây dựng chính quyền mới. Theo lời nhà thơ Thái Thủy người duy nhất trong ban biên tập Tao Đàn còn sót lại ở Mỹ bây giờ, chưa bao giờ Đài phát thanh quốc gia đầu đường Phan Đình Phùng (ngày xưa là đường Richaud) quy tụ được đông đảo anh em văn nghệ sĩ đến như thế. Nghệ sĩ cải lương, tân, cổ nhạc, kịch nói, kịch thơ, hát bội; các nhà văn nhà thơ tới viết bài bình luận hay hội thảo bàn tròn. Các đài của Pháp cũ như Pháp Á, Con Nhạn đã đóng cửa nhưng có mật lệnh từ dinh Độc Lập tới bộ Thông Tin (ông Trần Chánh Thành) là không để một nghệ sĩ nào “mất việc”.

Giám đốc đài lúc đó ông Đoàn Văn Cầu, nguyên Văn Hóa vụ trưởng, cánh tay mặt của ông Trần Chánh Thành đã cố gắng biến đài phát thanh quốc gia thành một trung tâm “văn hóa”.
Ngoài việc sắp xếp công việc cho văn, nghệ sĩ ông còn tìm cách tăng thù lao cho anh em. Ban Tao Đàn ngày ấy mỗi tuần trình diễn sáu lần chỉ trừ Thứ Bảy (có tuồng cải lương), đồng bạc VN lại đang có giá nên lương tiền anh em rất khá. Ngày ấy, nhạc sĩ Ngọc Bích và nhà thơ Thanh Nam trong ban Tao Đàn là tác giả của bài “Suy tôn Ngô Tổng Thống” nên chắc thù lao hậu hĩ. Nhà thơ Đinh Hùng mới đùa anh em làm một đôi câu đối như sau:
Tậu xế Simca, Ngọc Bích suy tôn tổng thống
Mua nhà phố chệt, Thanh Nam truất phế bù nhìn.

Từ đó về sau, đài phát thanh quốc gia (lúc ấy chưa có TV) không đơn thuần là một cơ quan thông tin mà còn được coi là “hàn thử biểu”của tình hình.
Chức vụ Giám Đốc đài phát thanh (sau này có lúc tự trị lên hàng Tổng giám đốc) là một chức vụ “nhạy cảm” có tính cách chính trị hơn là kỹ thuật. Anh em trong nghề “báo nói” có truyền tai với nhau rằng “trong số khá đông những nhà Giám Đốc phát thanh có ba người để lại dấu ấn khó quên. Đầu tiên là ông Đoàn Văn Cầu thời Đệ Nhất cộng Hòa vừa kể. Ông là người hết lòng lo cho anh em nghệ sĩ. Người thứ hai là GS Nguyễn Ngọc Linh. Ông là người có những cải tổ về nhân sự .Ông và bào đệ GS Nguyễn Ngọc Phách đã mở những lớp huấn luyện căn bản đào tạo phóng viên có tính cách chuyên môn cao. Có lẽ đây là tiền đề cho hai ông sau này mở phân khoa báo chí tại trường đại học làm nhẹ đi phần nào cái xước danh “làm báo nói láo ăn tiền”.
Người thứ ba đưa phát thanh lên một tầm cao mới là Huy Quang Vũ Đức Vinh người anh em cũ tại căn gác phố hàng Bông Hà Nội, là thành viên biên tập ban Tao Đàn xưa, người đã đưa đài phát thanh quốc gia lên qui chế tự trị (tách ra khỏi bộ Thông Tin); nhưng cái đáng kể là thời kỳ Vũ Đức Vinh tin tức nhanh hơn, đáng tin hơn. Đây cũng là thời gian xuất hiện những nhà báo trẻ đầy tự tin vào chức nghiệp của mình như Vũ Ánh, Nguyễn Thiên Ân, Lê Phú Nhuận, Nguyễn Mạnh Tiến…

Trong những tháng ngày ở với Thanh Nam trong ngõ Nancy (Phan văn Trị) lúc rảnh rỗi, tôi thường theo anh em, bè bạn lên đài phát thanh xem ban Tao Đàn trình diễn.
Trước ngày thu khoảng một ngày, anh Đinh Hùng trửơng nhóm mới ngỏ ý với Thái Thủy thư ký của ban biên tập là trong chương trình sắp tới Đinh Hùng, Thanh Nam, Huy Quang (đôi khi cả Tô Kiều Ngân nữa) mỗi người “nói” bao nhiêu phút, đề tài gì; thư ký Thái Thủy sau khi thiết lập bảng “phân công” có bổn phận sửa soạn sẵn một số bài vở dự trữ để nếu cần “lấp khoảng trống” (bouche trou) và tham khảo với anh Đinh Hùng về việc đề nghị nghệ sĩ diễn ngâm cho từng bài…”

BanTaoDan

blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

Nhớ Phạm Đình Chương

Tác giả: PHAN LẠC PHÚC

PhamDinhChuong-ThaiThanh-HoaiTrung

Phạm Đình Chương – Thái Thanh – Hoài Trung

“Nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương ra đời tại Hà Nội vào năm 1929, trong một gia đình nghệ sĩ, học Trường Bưởi, tản cư vào Thanh Hóa sau Toàn Quốc Kháng Chiến chống Pháp 1945. Sáng tác nhạc trước tuổi 20, ông là tác giả những ca khúc dân tộc như Tiếng Dân Chài, Ly Rượu Mừng, Hội Trùng Dương, hay những sầu khúc nhạc phổ thơ như Nửa Hồn Thương Đau, Mắt Biếc, Mộng Dưới Hoa, Người Đi Qua Đời Tôi …
Tới Hoa Kỳ được ít năm, Phạm Đình Chương từ trần tại Quận Cam, California vào ngày 13 tháng 7 năm Tân Mùi, nhằm ngày 22 tháng 8 năm 1991. Bài dưới đây của nhà bỉnh bút Phan Lạc Phúc, hay Ký giả Lô Răng, một bạn học của nhạc sĩ từ Trường Bưởi, được viết ngay sau khi có tin buồn.

Chuông điện thoại réo lên trong đêm khuya. Một cú phone từ bên kia Thái Bình Dương, từ Mỹ báo tin: “Phạm Đình Chương đã mất rồi, Hoài Bắc không còn nữa”. Tôi đặt phone xuống mà thấy đêm khuya thêm vắng lặng mênh mông. Ở cái tuổi mình, trên 60, cái ranh giới tử sinh thật là mờ ảo, ở đấy rồi đi đấy, còn đấy mà mất đấy. Thành ra ít lâu nay, tôi cứ phải làm một con tính trừ thê thảm. Mấy năm trước mất Thanh Nam, rồi Vũ Khắc Khoan, bây giờ Phạm Đình Chương – Hoài Bắc. Già thì càng cần có bạn, mà bạn già thì càng ngày càng thưa thớt. Tôi đi cải tạo 10 năm, rồi sống nín thở trên 6 năm, vừa mới lặn ngòi ngoi nước sang được đến đây thì bạn đã đi vào tịch mịch. Bạn ta Phạm Đình Chương đã đi thật rồi, một người viết ca khúc tầm cỡ của Việt Nam đã mất, ngôi sao bản mệnh của Ban Hợp Ca Thăng Long đã tắt.
Tôi chơi với Phạm Đình Chương đã lâu, vào khoảng năm 1942 – 1943, hồi tụi tôi vừa mới lớn lên. “Khi mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy. Làm học trò mắt sáng với môi tươi” (1). Tôi biết Chương trong ngày hội học sinh Trường Bưởi, trong những buổi cắm trại ở chùa Trầm, chùa Thày, Tây Phương Hoàng Xá (2).

Ngày ấy, chúng tôi say mê hát “Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm” (3), “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi” (4) và Chương đã là một tay đàn giọng hát khá nổi của học sinh Hà Nội. Nhưng mà Chương có hai người anh nổi tiếng: anh Phạm Đình Sĩ, một cây “kịch” và anh Phạm Đình Viêm, một cây “tenor”. Chương còn có một người chị trứ danh, chị Thái Hằng, hoa hậu “bất thành văn” của suốt một miền Bạch Mai – Phố Huế. Còn người em út của Chương, Thái Thanh thì lúc ấy Thái Thanh còn nhỏ, đang còn học tiểu học, còn là một nụ hoa. Phải đợi đến thập niên ’50, bông hoa Thái Thanh mới bắt đầu rực rỡ và tiếng hát Thái Thanh mới được lên ngôi.

Hà Nội ngày ấy tuy được mệnh danh là Hà Thành hoa lệ hay là Hà Nội của ba mươi sáu phố phường nhưng thực chất nó là tỉnh nhỏ – người ta biết nhau cả, trực tiếp hay gián tiếp. Và tỉnh nhỏ nó còn có tục lệ riêng của nó. Thế hệ tiền bối ở Hà Nội có tiêu chuẩn “phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Thời tụi tôi thì cái standard về một đấng trượng phu nó nôm na và thực tiễn hơn: “Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu”. Phạm Đình Chương xét ra hội đủ những điều kiện ấy: Học trò Trường Bưởi, người cao ráo sạch sẽ lại là cậu út trong một gia đình nổi tiếng. Lại còn đàn ngọt, hát hay, còn là ca trưởng của học sinh trong những dịp hội hè, cắm trại. Trong con mắt tôi, một anh học trò nhà quê ra tỉnh học, từ thời áo dài mũ trắng thì Phạm Đình Chương tư cách quá.
Thời ấy, Nhật đã vào Đông Dương. Thế Chiến thứ hai đang hồi quyết liệt, bom Mỹ dội xuống đùng đùng. Các thành phố phải “phòng thủ thụ động”, các trường học phải đi xa hoặc dời về miền quê. Đang học mà có còi báo động là nghỉ; học trò kéo nhau ra các khu cây cối um tùm, hoặc bờ đầm, bờ sông tạm lánh. Đây là dịp tốt cho một số công tử Hà Nội, trong đó có Chương, về thăm quê cho biết sự tình. Về quê thì tiện cho tôi quá, tôi có nhiều trò: lội sông, câu cá, bắn chim. Hoặc là sẵn xe đạp, tụi tôi rủ nhau đi cắm trại ở những thắng cảnh gần Hà Nội như chùa Thày, chùa Tây Phương, động Hoàng Xá. Những thắng cảnh này đều nằm trong vùng quê tôi (phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) nên tôi thuộc nằm lòng. Đến chùa Tây Phương thăm ông Phật nhịn ăn mà mặc, ông nhịn mặc mà ăn, ông Phật tai dài đến gối. Đến động Hoàng Xá tôi biết nhũ đá nào kêu thanh, nhũ đán nào kêu đục, bắn một phát súng cao su lên vòm đá là dơi bay tán loạn một vùng. Đến chùa Thày (Sài Sơn) thăm chùa Cả dưới chân, chợ Trời trên đỉnh núi rồi thăm hang Cắc Cớ nơi có dấu chân ông Từ Đạo Hạnh còn in. “Hội chùa Thày vui thay Cắc Cớ, Trai không vợ nhớ hội chùa Thày – Gái không chồng nhớ ngày mà đi”. Chương ơi, Chương còn nhớ ngày hội về quê mình không? Còn nhớ con đê Hạ Hiệp không? Mới đó mà đã 50 năm rồi, đã nửa thế kỷ qua rồi. Chương có nhớ cũng không thể nào về thăm được nữa. Bạn ta đã thành người thiên cổ mất rồi…”

blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

VĂN CAO: Giấc Mơ Một Đời Người

Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc (1995)

VanCao

Văn Cao

“Nhạc sĩ Văn Cao, một trong những người đi tiên phong trong phong trào tân nhạc Việt Nam, qua đời vào lúc 4 giờ sáng, giờ Việt Nam, thứ Hai 10.7.1995 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, thọ 72 tuổi. Tang lễ được cử hành vào thứ Tư 12.7.1995 tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh tại Hải Phòng ngày 15.11.1923, trong một gia đình tiểu công chức. Ông học nhạc tại trường trung học Saint Joseph nhưng vì nhà nghèo nên sau đó phải bỏ học để đi xin việc làm, tuy vậy được một tháng thì bỏ việc.

Sáng tác đầu tiên của Văn Cao là bản Buồn Tàn Thu ra đời vào năm 1939, được nhạc sĩ Phạm Duy sau đó hát trình diễn khắp nơi. Thời kỳ sáng tác mạnh nhất của ông được đánh dấu bằng những nhạc phẩm Thiên Thai 1941, Bến Xuân 1942, Cung Đàn Xưa 1943. Đặc biệt là bản Tiến Quân Ca 1944 đã được chọn làm quốc ca, một năm sau khi ông Hồ Chí Minh tuyên bố lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Còn những bản tình ca của Văn Cao đã bị Hà Nội cấm kể từ cuối những năm 1950.
Vì có liên hệ đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Văn Cao bị thất sủng. Mãi đến năm 1986, lần đầu tiên một Đêm Văn Cao mới được tổ chức tại Sài Gòn, đánh dấu sự phục hồi các bản tình ca của ông, một cách chính thức.
Ngoài việc sáng tác nhạc, Văn Cao còn là một nhà thơ, nổi tiếng nhất với bài trường ca Những Người Trên Cửa Biển có tính chất phê phán xã hội.

Đầu năm 1995, có người trao cho tôi một cuốn video mà tôi mong đợi đã từ lâu. Cuốn băng về Văn Cao: “Giấc Mơ Của Một Đời Người”. Từ bữa ấy tới nay, đã hai, ba lần xem đi xem lại cuốn băng này mà lần nào xem xong tôi cũng không tránh khỏi thở dài. Một con người tài hoa như vậy, tâm hồn lớn lao như vậy, có đóng góp như vậy mà cuối đời, sao mà tẻ lạnh, buồn tênh. Một ông già lụm cụm, râu tóc bạc phơ, một mình trong gian phòng vắng, ngoài trời mưa bay, cây bàng khẳng khiu, những chiếc lá cuối cùng đã rụng. Văn Cao nhìn “cây bàng mồ côi mùa đông” trong khi chiếc đồng hồ trên tường không ngừng nghỉ, điểm những giọt thời gian tích tắc, tích tắc. Những tiếng tích tắc ấy vang lên mênh mông trong gian phòng vắng như một câu hỏi mơ hồ nhưng khắc nghiệt: đến bao giờ.
Đến bao giờ xuất hiện dấu chấm hết cho một đời người, bởi vì không ai tránh khỏi: con người sinh ra là để chết (l’homme, un être mortel). Những tiếng tích tắc ấy như những giọt cường toan nhỏ xuống lòng người.

Khi cuốn băng này ra đời (1994) Văn Cao đã bước qua ngưỡng cửa “thất thập cổ lai hi”. Không nói ra nhưng hình như những người dựng cuốn băng này muốn thực hiện một khúc bi ca, viếng người còn sống: sợ không làm thì không kịp nữa, thời gian gấp gáp đuổi theo sau lưng. Cũng có thể những người thực hiện cuốn băng thấu hiểu cái lẽ “sinh ký tử qui” giống như người xưa, có tuổi rồi là sắm một “cỗ áo” để sẵn trong nhà phòng khi hữu sự. Hay là bắt chước mấy ông nhà Nho già ngày trước, thân với nhau đến độ làm sẵn những câu đối sinh vãng (làm sẵn từ khi còn sống) để lỡ khi bạn mình nằm xuống thì đã có sẵn câu đối, cứ thế mà treo lên. “Người sắp chết nói lời khôn – Chim sắp chết tiếng kêu thương” xem cuốn phim video này nó thảm, nó buồn là vì vậy. Ở Úc này, nghe nói có loài chim thorn bird (cũng như có cuốn tiểu thuyết lừng lẫy The Thorn Bird). Giống chim này hót hay nhất, thê thiết nhất, tuyệt vời nhất khi chiếc gai nhọn đâm thấu vào tim, máu chảy tràn trề. Máu trong tim vừa cạn thì khúc bi ca cũng vừa chấm dứt.

Cái cảm giác thảm thê, rờn rợn khi xem cuốn video này của tôi đã dự báo đúng. Văn Cao, con chim thorn bird Việt Nam đã mất vào tháng 7 năm 1995. Những người yêu mến Văn Cao đã kịp thời thực hiện cuốn băng này trước khi không còn kịp nữa…”

blinkingblock Toàn bài (pdf)  

bar_divider

Nhớ Nguyễn Cao Đàm – Trần Cao Lĩnh

Phan Lạc Phúc (Bài viết năm 2001)

NguyenCaoDam-TranCaoLinh

“Ngày 4 tháng 6, 2001 vừa qua, nghệ sĩ lão thành Nguyễn Cao Đàm – nhà nhiếp ảnh lừng danh của Việt Nam đã từ biệt cõi đời này về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 86 tuổi. Chúng tôi xin được đăng lại bài “Nhớ Nguyễn Cao Đàm – Trần Cao Lĩnh” như một tưởng niệm chân thành đối với lão nghệ sĩ. Vô cùng thương tiếc.

Trong tủ sách ngày xưa của tôi có một cuốn tôi rất quí. Đó là cuốn sách hình “Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu” của hai tác gíả Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh. Cuốn sách rất đẹp, cả về hình ảnh lẫn văn chương, đặc biệt có lời đề tặng rất thân ái của hai tác giả. Cao Đàm – Cao Lĩnh là hai nghệ sĩ nhiếp ảnh lớn của Việt Nam cũng như quốc tế, “tranh” của các ông đẹp là lẽ dĩ nhiên rồi khỏi phải khen “phò mã tốt áo”, nhưng đối với tôi, cuốn sách còn có thú vị riêng.

Tôi vốn là một người sinh trưởng ở thôn quê, lớn lên sau lũy tre xanh, quen thuộc với ruộng đồng, với cây đa đầu làng, rặng tre trước
ngõ. Sau này lớn lên, thời cuộc đẩy đưa, tôi di cư vào Nam sống ở đô thị, quen với văn minh kỹ thuật, bên ngoài dù có “bắng nhắng” đến đâu chăng nữa nhưng bên trong tôi vẫn là một anh nhà quê.

Những lúc nửa đêm về sáng, hoặc là những khi canh tàn – rượu tỉnh, một mình một bóng thấy nhớ nhà, nhớ quê ghê lắm ông ơi! “Mình về mình có nhớ ta – Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.

Những lúc ấy đem cuốn “Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu”ra xem, thấy sao mà bồi hồi, sao mà xúc động. Đây quê hương đất nước ta đây. Bao nhiêu hình ảnh vừa nhớ, vừa quên, nào “Đường vào xóm nhỏ”, “Giếng nước đầu làng”, nào “Chiều cô thôn”, “Nắng chia nửa bãi”, cho đến “ Rừng xanh lau bạc”, “Đấtnước”, “Rạt rào”, “Bờ Hương Giang”, “Miền Nam vị ngọt”. Lần giở cuốn “ Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu”…như lần giở từng trang kỷ niệm. Hai ông Cao Đàm và Cao Lĩnh, trong cuộc đời nghệ thuật đã đoạt nhiều danh vị quốc tế (mà tôi nhớ không hết được, nhưng biết là hết sức cao quí), nhưng tôi nghĩ cái danh vị đầu tiên các ông đáng được hưởng phải là Nghệ Sĩ Việt Nam.

Tranh của các ông không lẫn với ai được, thuần túy Việt Nam. Các ông chắc cũng phải yêu cái đất nước đau thương nhưng vô cùng đẹp đẽ này nhiều lắm, nên mới ghi lại được những hình ảnh có sức rung cảm sâu xa như vậy.

Tháng Tư đen 1975, tôi đi cải tạo sau 10 năm trở về – thấy mất nhiều thứ quá. Nhà cửa còn bị tịch thu thì cái tủ sách sao mà tồn tại được. Nhưng đau hơn vẫn là mất bạn bè. Nhìn lại trong thời gian ấy bao nhiêu anh em mình đã mất, trong đó có Trần Cao Lĩnh (mất năm 1989 tại Hoa Kỳ). Chả bao giờ gặp lại Trần Cao Lĩnh nữa. Người ta thường bảo “văn tức là người”, nhưng trong trường hợp anh, có lẽ phải xét lại. “Tranh” của anh tài hoa, thông minh tinh nghịch nhưng rất đôn hậu như nét cười tươi tắn của anh, sao anh từ biệt anh em sớm vậy ? Anh Cao Đàm còn hơn tuổi anh rất nhiều chứ!!…”

blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

Con Đường Bè Bạn

Tác giả: Phan Lạc Phúc

ToThuyYen

Tô Thùy Yên

“…. Dạo đầu năm 85 được về, trên con đường bè bạn tôi có lúc đã định rẽ vô thăm nhà bạn Tô Thùy Yên. Từ Hóc Môn lên, qua chợ Gò Vấp tới một cái cầu có ống dẫn nước lớn đen to nằm dài trên đó giống như một con rồng đất rồi tới một ngã ba có những viên sỏi đỏ sậm của đá ong khô, đó là lối vào nhà Tô Thùy Yên. Từ thập niên 60 tôi đã nhiều lần đến đây bù khú với bạn. Nhưng bây giờ về, đến thăm cảnh cũ người xưa, thấy lạ. Những bụi cúc tần xanh tốt dẫn lối hai bên đường, đôi khi có những sợi tơ hồng vàng óng, vương vất bên trên … không còn nữa. Nhà cũ của Tô Thùy Yên có cây vú sữa lớn. Khu gia viên nằm trong vùng cây lá thâm u … bây giờ không thấy cây vú sữa đâu. Bất giác tôi nhớ Nguyễn Gia Thiều “Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”. Tôi ngần ngại trước sự đổi thay nên đã tới nhà mà không vào. Tôi biết bạn tôi chưa được về. Mình vô nhà hỏi thăm, có khi lại làm cho gia đình bạn thêm nghĩ ngợi lo lắng cho người vắng mặt.

Nhưng đến hồi cuối năm 85, người làm thơ biệt xứ Tô Thùy Yên được về – Lúc ấy trời đã sang thu thì phải. Bố con tôi đã phải mặc áo ấm trên con đường tỉnh lộ sào xạc heo may. Khi tôi đi cải tạo con gái út tôi mới có 5 tuổi. Khi tôi về nó đã 15 tuổi bắt đầu thiếu nữ. Các anh chị nó “vượt biên” hết cả chỉ còn nó ở lại với “mẹ cháu” đợi tôi. Khi tôi về, nó theo tôi đi chơi tha thẩn. Ở Hóc Môn nó không có bao nhiêu bạn. Nó theo tôi lên Sài Gòn chơi với Tr. T con gái Thanh Tâm Tuyền, hay “đi chợ” với chị Ch. Con gái bác Hà Thượng Nhân. Thôi thì bố chơi với bố, con chơi với con cũng là phải đạo. Chưa được gặp nhưng con tôi nó muốn gần chị G. con gái đầu của Tô Thùy Yên, học thật giỏi. Trong một xã hội xã hội chủ nghĩa (không có giai cấp) nhưng khi thi vào Đại Học có 15 thứ hạng. Ưu tiên hạng 1, 2, 3 thuộc gia đình cách mạng hay “chính sách” thì thi ba bài từ 7 điểm trở lên đã được “chiếu cố” vô Đại Học rồi. Con cái “ngụy quân” như con chúng tôi đứng hạng thứ 14 áp chót (hạng chót là gia đình phản động, phản cách mạng). Khi bố đi tù cải tạo về rồi thì lại lên được một hạng, hạng 13. Con cái ngụy quân muốn vô Đại Học phải đạt 21 điểm, gấp 3 số điểm gia đình chính sách thì mới vô Đại Học được. G. con gái đầu ông bà Tô Thùy Yên thừa điểm vào Y Khoa. MT con tôi, Tr.T con Thanh Tâm Tuyền và H. con trai Tô Thùy Yên chúng nó cùng học lớp 10. Mấy đứa nhỏ chắc đều suy nghĩ: Ở đây nếu muốn sống cho ra sống thì chỉ còn có cách làm như chị G.

Hơn 10 năm gặp lại bạn … thấy bạn già đi (tất nhiên rồi) mà chắc bạn thấy tôi cũng vậy. Hình như bạn có khuyết một vài cái răng thì phải, cái cười hơi trống vắng. Nhưng khóe mắt vẫn còn nồng ấm và bắt tay thật chặt…”

blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

Nhớ Thanh Tâm Tuyền…

Tác giả: Phan Lạc Phúc

CungTien-ThanhTamTuyen-ToThuyYen-CungTramTuong

Cung Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng

“…Vào khoảng 1957, 1958 tôi có theo một bậc đàn anh của tôi cũng là đồng hương Sơn Tây, anh Nguyễn Huy Tạo bút danh Trần Lê Nguyễn, tới chơi nhà Thanh Tâm Tuyền (TTT) ở ngõ Đỗ Thành Nhơn sau tòa Bố chánh Gia Định. Cụ bà thân mẫu TTT có 2 ngôi nhà trong ngõ hẻm này. Tôi nhớ phải trèo những bậc thang xanh rêu có hoa khế tím rụng đầy mới lên tới căn phòng TTT ở. Chúng tôi tới nói phiếm, uống café, đôi khi rút “xì còm” với Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Vũ Duy Hiền… Căn gác có họa phẩm của Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng treo đầy, đặc biệt có rất nhiều sách. Cuộc sống của chủ nhân khá đơn giản nhưng sách vở, trái lại, rất phong phú.  Cái giá sách đã tỏ ra chật hẹp, sách nhiều pho, nhiều tập đã phải xếp xuống sàn. Sách Pháp (như trào lưu ngày đó) chiếm ưu thế. Một bữa nhìn qua đống sách tôi nhận thấy khá nhiều tập nghiên cứu và phê phán chủ nghĩa Cộng sản từ Tư bản luận đến Duy vật biện chứng và Duy vật sử quan. Có những tác giả tôi quen, có những tác giả tôi chưa từng được biết. TTT cho tôi hay rằng một số lớn sách nghiên cứu về CS là của người bạn chung của chúng tôi, anh Tô Đáng (cùng dạy Trường Sơn với TTT sau khi giải ngũ và cùng khoá 2 Thủ Đức với tôi), cho mượn.

Tôi không nhớ rõ TTT đi khóa 14 hay 15 Thủ Đức, chỉ biết khi ra trường anh được bổ nhiệm đi giữ kho xăng ở một trung đoàn địa phương. Đầu thập niên 60, thời Đệ nhất Cộng hòa, tổng thống Ngô đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu muốn “chính trị hóa” Quân đội (QĐ), nhằm biến QĐ không đơn thuần là một QĐ nhà nghề mà là một đoàn quân chiến đấu vì lý tưởng. Ngành Chiến tranh Tâm lý sẽ được nâng lên thành Tổng cục Chiến tranh Chính trị theo mô thức của quân đội Trung Hoa Dân Quốc bên Đài Loan.

Sau khi mất cả một lục địa Trung Hoa, Tưởng Tổng Tài cùng với Quốc Dân Đảng của ông mới tái thiết Đài Loan thành một “quốc gia” mạnh mẽ, cả về kinh tế cũng như quân sự. Miền Nam dưới trào Tổng thống Ngô Đình Diệm muốn đi theo đường lối ấy. Năm 1961, một phái đoàn Chiến tranh Chính trị Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền điều động của trung tướng Vương Thăng, tổng cục phó TC/ CTCT Đài Loan, sang miền Nam sửa soạn để dạy một khóa căn bản CTCT cho sĩ quan VNCH, đồng thời phổ biến kinh nghiệm cũng như tài liệu giảng huấn cho Trung tâm CTTL tọa lạc tại đường Lê Thánh Tôn, gần nhà thương Grall khu Đồn Đất.

Ngày ấy kẻ viết bài này phụ trách về huấn luyện tại Trung tâm CTTL. Trong tương lai, trung tâm này sẽ dược cải tổ thành trường Đại học CTCT. Tài liệu giảng huấn của phái đoàn Vương Thăng tuy đầy đủ nhưng tình hình Đài Loan khác, tình hình miền Nam khác nên không thể áp dụng “nguyên si” vào quân đội miền Nam. Phải có những điều chỉnh, canh cải cho hợp lý. Đặc biệt chú ý đến đề tài Ấp chiến lược, tuyên và phản tuyên truyền, phê phán chủ nghĩa CS vv… Ông cố vấn Ngô Đình Nhu, BS Trần Kim Tuyến thường đích thân duyệt xét những tài liệu này. Để thanh thỏa vấn đề giảng viên, trung tâm được ưu tiên nhận về trường những sĩ quan phù hợp trong việc giảng dạy. Vì đề tài phê phán chủ nghĩa CS, chúng tôi xin thuyên chuyển thiếu úy Dzư văn Tâm (tên thật của TTT) về trung tâm huấn luyện. Những tài liệu ngày nào trên căn gác nhỏ ngõ Đỗ Thành Nhơn được đem ra sử dụng, đồng thời TTT giới thiệu với chúng tôi một tác giả lớn, rất lớn, là Raymond Aron.

R. Aron được coi như nhà xã hội học đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ 20; ông là đồng môn với J.P. Sartre ở trường lớn Normale Supérieure nhưng hai ông mỗi người đi một ngả. Trong khi giới trí thức Pháp thời kỳ đó ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, nghiêng về phía tả, như nhà thủ lĩnh hiện sinh [Sartre. NQT], một mình R. Aron bênh vực cho phái hữu và nền dân chủ pháp trị. Ngay từ đầu thập niên 60 (thế kỷ trước), R. Aron đã tiên đoán là xã hội cộng sản một ngày không xa sẽ phải xóa đi, làm lại từ đầu (Gauche, année zéro, những bài giảng của ông gộp lại từ giảng đường Sorbonne). Xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu cuối thập niên 80 nhưng R. Aron đã tiên đoán điều này gần 30 năm trước. Ngoài Gauche, année zéro, TTT còn đưa vào bài giảng một số luận điểm cũng của R. Aron trong cuốn biên khảo nổi tiếng “L’opium des intellectuels” (thuốc phiện của giới trí thức) trong vấn đề “có phải thiên tả mới là tiến bộ”. Về đề tài khá gai góc’phê phán chủ nghĩa CS’, khối Huấn luyện chúng tôi có nhà văn TTT nhận định về phương diện lý thuyết; về phương diện thực tế khi áp dụng “chủ nghĩa duy nhất đúng’, chính khách Nguyễn văn Chức (thượng nghị sĩ sau này) bằng những luận cứ vừa sắc bén vừa phúng thích đã nêu rõ sự xuống giá của động vật người trong xã hội CS.

TTT ngoài việc chuyên cần đọc sách còn là một người chịu khó tìm tòi. Thư viện của nhà trường hay nhà sách Xuân Thu (Portail cũ) có cuốn nào mới, đáng đọc là TTT biết liền. Anh cũng là người đầu tiên giới thiệu Kim Dung, nhà viết tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình đặc dị của Trung Hoa với anh em chúng tôi. Theo TTT, Kim Dung là người thực hiện được cuộc hôn phối tốt đẹp giữa cái bát ngát của truyện Tàu với kỹ thuật mới của Tây phương. Từ TTT chúng tôi bắt đầu đọc Hồng Hoa Hội, Thư kiếm Ân cừu lục, Bích huyết kiếm và đầu thập niên 60, Ỷ Thiên Đồ Long ký.

Như đã thưa ở trên, Trung Tâm chúng tôi ở đầu đường (?) Lê Thánh Tôn gần bệnh viện Grall. Có những buổi trưa, bạn chúng tôi, Mai Thảo, từ nhà hàng Pagode đi bộ vào trường chúng tôi không bao xa, ở lại ăn trưa. Ăn xong chúng tôi bàn về việc hai vợ chồng Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố từ Băng Hỏa Đảo về trung thổ số phận thế nào? Câu chuyện đang say sưa thì ông LS Nguyễn Văn Chức mới từ bàn bên xía ngang vô: “Dẫu sao chúng ta cũng là những người đọc sách. Tại sao chúng ta lại phí thì giờ về những chuyện kiếm hiệp ba xu như thế?”. Tôi mới thưa lại cùng ông Chức: “Mới đầu tôi cũng nghĩ như ông. Nhưng “vào việc rồi mới biết tay nghề của thợ” (À l’oeuvre on connait l’artisan). Ông đã đọc Les trois mousquetaires [Ba người ngự lâm pháo thủ. NQT] tôi xin cam đoan với ông rằng Ỷ Thiên Đồ Long sẽ hạ Les trois Mousquetaires 6-0 là ít”. Để chứng minh, tôi đưa 1 tập truyện Kim Dung cho nhà luật sư. Trưa hôm sau, nhà luật sư mặt mũi chõm lơ nói rằng: “Ly kỳ không chịu được ông ạ, đọc suốt đêm. Xin cho đọc tiếp”.

Nhà đọc sách chuyên sâu TTT ở bàn bên nhìn tôi mà mỉm cười…”

blinkingblock Toàn bài (pdf)

bar_divider

Tháng Tư Hoa Tím

Tác giả: Lưu Na – 02/05/2016

Năm nay hoa tím nở sớm. Những cánh hoa be bé tím ngát cả bầu trời mang vào lòng nỗi buồn mênh mang. Trời cuối tháng Tư chợt trở gió, hoa bay bay như vạn giọt nước mắt tím của người mình khóc một ngày dâu bể tuy đã xa mà vết thương lòng không bao giờ khép. Nghe những bài tháng Tư lòng nát bươm như muôn cánh hoa tím nhòe nhoẹt dưới bước chân người. Cuộc chiến đã tàn, lịch sử đã sang trang, lớp trẻ lớn lên lòng trong như nước ruột rỗng như những cọng rau muống xanh tươi. Họ nhớ làm gì chuyện Quốc Cộng, biết làm gì lý lẽ phân tranh, bởi có ai đi ngược được dòng đời và có ai trả được mạng của người chết, xóa được nỗi khổ đau của kẻ còn … Để cho những người đã có mặt trong chặng đời bể dâu ấy mỗi người phải mang lấy riêng mình một nỗi tang thương. Đời càng dài nỗi tang thương càng ngấu càng đậm sâu, càng buồn hơn khi những chứng nhân còn sót lại của lịch sử rồi cũng lần lượt như bụi lắng yên bên bờ sông lịch sử. Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc rồi cũng đã đến bờ.

HoaTim-Sydney

Hoa tím (jacaranda) ở Sydney, Úc Châu

Nhìn lại, phải ngạc nhiên về cuộc đời rất dài của Phan Lạc Phúc. Dài không vì tuổi thọ mà vì những chặng đường ông đã đi qua. Mười tám tuổi đi kháng chiến, sau 4 năm ra bưng chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh thấy ra “cuộc chiến này không phải của mình,” về thành lại bị động viên vào Quân Đội Quốc Gia, mà thực chất là “đi lính Tây.” Lưu lạc vào Nam thành lính Cộng Hòa, từ “chiến binh lội ruộng” về tham mưu báo chí thành ký giả Lô Răng, từ sĩ quan cao cấp qua một ngày thành tù cải tạo “được thăng chức làm phân cục trưởng chuyên môn đi gánh c…” Mười năm cải tạo 6 năm nín thở qua sông khốn khó cùng đất nước để sau cùng làm lưu dân trên đất Úc. Cuộc đời đó nếu kèo thêm đôi chuyến vượt biên ở đảo thì kể như trọn một bộ trường thiên Cuốn Theo Chiều Gió, vẹn nghiệp chứng nhân của trăm năm nước Việt.

Trăm năm nước Việt, Phan Lạc Phúc mang theo mình những gì, gửi lại cho chúng ta những gì?

Chỉ với Tuyển Tập Tạp Ghi là có thể thấy gần hết cuộc đời PLP, thấy những chấm phá sắc sảo của xã hội miền Bắc những năm tháng thanh bình với bờ ruộng lũy tre chợ búa thôn làng và những lễ tục in đậm vào lòng trẻ thơ, của những nẻo đường kháng chiến với tuổi đôi mươi mộng mơ đầy lý tưởng, của hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa văn nghệ thể thao văn hóa chính trị, của thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa trí thức không bằng cục phân…, của đời lưu vong cả ngày chỉ biết chỉ nghĩ về một quê hương đã mất.

Những cảm xúc, tâm tình, của PLP qua mỗi chặng đời mỗi kỷ niệm dường khơi mở trong lòng mình bao nỗi buồn vui, giải cho mình những thắc mắc nghi ngại, vẽ cho mình những khung cảnh xã hội chưa biết đến bao giờ. Qua Tạp Ghi của Phan Lạc Phúc tôi tìm được những câu trả lời hết sức đơn giản về những chuyện phải đọc thiên kinh vạn quyển: lễ khai tâm thì có làm cho mình sáng dạ đâu?, chiến tranh Việt Nam sao bị gọi là chiến tranh ủy nhiệm? Có lẽ điều quý nhất chính ở chỗ Phan Lạc Phúc là Ký giả Lô Răng, không phải nhà văn Phan Lạc Phúc, để tôi có thể tin mà không cần phải đắn đo về cái kiến thức mà Nguyễn Xuân Nghĩa gọi là uẩn súc. Bên cạnh những nhận định đơn giản mạch lạc và chắc chắn về thế cuộc, PLP còn có những thẩm nhận tinh tế về văn hóa, con người. Qua PLP, những bóng người đã một lần có mặt trong cuộc bể dâu hiện ra như phố đêm Sài gòn quanh co khuất nẻo, những uẩn khúc không ai biết đến nói lên can qua không chỉ trên đất nước mà còn trong nội tâm của tác giả, nơi hoàn cảnh mỗi gia đình, trong suy tư của người dân một đất nước.

Đọc Phan Lạc Phúc cứ thấy hình ảnh một con người văn hóa, không phải một quân nhân, một chính trị gia, một nhà giáo, hay một nghệ sĩ. Văn hóa nào làm nên con người ấy? Văn hóa Việt hay văn hóa loài người, văn hóa xã hội hay văn hóa trường lớp, văn hóa chuyên môn hay văn hóa tổng quát? Có lẽ là tất cả, nhào trộn thành một thứ mật tuôn chảy trong con người của ông, để đọc Tạp Ghi tôi thấy ra mình rỗng như cọng rau muống mà Phan Lạc Phúc là bể đời mênh mông, là nước Việt mênh mông.

Định cư nơi đất Úc, Phan Lạc Phúc có lần nhìn hoa tím jacaranda mà nhớ cây xoan già nơi chốn cội nguồn. Giờ đây về với nguồn cội, biết trời Úc hoa có vì ai nở ngát phút này. Nơi đây xin mượn cánh hoa be bé tiễn đưa một khuôn mặt của quê hương về với đất trong những ngày cuối tháng Tư hoa tím.

Vĩnh biệt, Phan Lạc Phúc.

Lưu Na

ThangTuHoaTim-LuuNa-NguyenDinhToandoc

blinkingblock Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đọc “Tháng Tư Mây Tím” (mp3)

bar_divider

CHIA TAY PHAN LẠC PHÚC

Tác giả: nguyễn xuân thiệp (May 1, 2016)

Ở thế kỷ này, chia tay nhau đâu còn có trường đình, đoản đình hay ải tây nơi quan ngoại, hoặc giả một phù dung lâu. Và cũng không cần một bến sông, sân ga, cầu tàu, phi trường, trạm xe greyhound… hay một nơi nào đó gọi là funeral home. Chia tay nhau ngày hôm nay chỉ cần trên một trang web ảo, hay một trang báo giấy khiêm nhường.

Và theo cách thức như thế, chúng ta đã chia tay Phùng Nguyễn, Đinh Cường, Nguyễn Ngọc Bích, Hoài Khanh, Tạ Chí Đại Trường, và mới đây Phan Lạc Phúc. Theo các bạn văn cho biết Phan Lạc Phúc ra đi ngày 28 tháng 4. 2016 tại Úc sau một cơn đột quỵ. Ôi, chỉ trong vòng nửa năm thôi mà có quá nhiều anh em ra đi, lại toàn là người có tài, tử tế, có tấm lòng với đất nước. Một câu hỏi lờn vởn trong tâm trí những bạn bè còn ở lại: Sau Phan Lạc Phúc rồi sẽ là ai nữa đây.

Người viết những dòng này với Phan Lạc Phúc có mối liên hệ hơi đặc biệt. Ông và Hà Thượng Nhân thuộc lớp người đi trước. Khi bọn này (NXT, Huy Phương, Mai Trung Tĩnh…) ra trường với lon chuẩn úy thì các ông đã ở cấp bậc cao và nổi tiếng. Hà Thượng Nhân với những bài thơ Đàn Ngang Cung trên báo Tự Do, rồi làm giám đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn và chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến của Quân Đội. Phan Lạc Phúc cũng từ báo Tiền Tuyến và lừng lẫy với mục Tạp Ghi dưới bút hiệu Ký Giả Lô Răng. Có thể nói Phan Lạc Phúc là người đầu tiên đưa Tạp Ghi lên thành một thể loại văn chương (như Tùy Bút vậy – Vũ Trung Tùy Bút). Sau này một số nhà văn dùng theo và nó trở thành phổ biến.

Sau ngày ở quân trường ra, Nguyễn là người mê đọc Tạp Ghi của ký giả Lô Răng. Với kiến thức quảng bác, tấm lòng nhân hậu, chữ nghĩa giàu có và giọng văn dí dỏm, Phan Lạc Phúc đã quyến rũ người đọc. Mê văn nhưng chưa bao giờ được quen với người. Nhiều lần ghé thăm bạn bè ở Đài Phát Thanh Quân Đội và Phòng Báo Chí, vậy mà Nguyễn chưa hề gặp mặt bắt tay Phan Lạc Phúc. Chỉ thấy ông loáng thoáng đâu đó, đang cười nói với Hà Thượng Nhân và Nguyễn Đạt Thịnh. Sau này đi tù trên đất Bắc Nguyễn cũng chỉ gặp và kết thân với Hà Thượng Nhân. Mãi tới mấy năm sau khi đi tù về, tới ăn ở tiệm phở Nguyễn Minh Diễm trong Chợ Lớn, Nguyễn mới được gặp và chuyện trò với Phan Lạc Phúc. Ông vẫn giữ được vóc dáng và phong cách của một quân nhân.

Ra hải ngoại, Nguyễn vẫn được đọc những bài tạp ghi của Phan Lạc Phúc. Ông định cư ở Úc và thỉnh thoảng viết cho các báo ở Mỹ này. Vẫn những bài tạp ghi đầy chất humour và trí tuệ. Văn phong của Phan Lạc Phúc luôn giữ được vẻ đẹp và sự hấp dẫn khiến Nguyễn đọc ông với sự thích thú và lòng ngưỡng mộ. Không riêng Nguyễn mà nhiều người nữa cũng rất quý Phan Lạc Phúc. Nhà báo Giao Chỉ Vũ Văn Lộc đã viết: “Tìm trên Internet với tên Phan Lạc Phúc các bạn sẽ thấy toàn là những bài bác viết đầy chuyện tử tế, nhân hậu để lại cho chúng ta. Tôi là độc giả của bác từ Việt Nam. Rồi khi ra tù qua Úc, bác Phúc tiếp tục viết Tạp Ghi chuyện xa gần quanh ta cho bạn bè. Sự nhân hậu tử tế thể hiện trong văn phong cả chuyện trong tù. Đối với bác Phúc có cả những tay cai tù và ngay cả trưởng trại tù cũng có người tử tế. Bác viết về chuyện người coi trại tù khi nói chuyện với những tù cải tạo gọi là các ông. Chuyện chưa từng có.”

Lưu Na, một cây bút trẻ, trong một bài viết tựa đề Tháng Tư Hoa Tím đã bày tỏ lòng tưởng nhớ Phan Lạc Phúc. Cô viết khi đọc Tuyển Tập Tạp Ghi của tác giả: “Bên cạnh những nhận định đơn giản mạch lạc và chắc chắn về thế cuộc, PLP còn có những thẩm nhận tinh tế về văn hóa, con người. Qua PLP, những bóng người đã một lần có mặt trong cuộc bể dâu hiện ra như phố đêm Sài gòn quanh co khuất nẻo, những uẩn khúc không ai biết đến nói lên can qua không chỉ trên đất nước mà còn trong nội tâm của tác giả, nơi hoàn cảnh mỗi gia đình, trong suy tư của người dân một đất nước.”

BiaPhoVan

Bây giờ xin nói đến chút tình và kỷ niệm của Phan Lạc Phúc với Nguyễn và tạp chí Phố Văn. Hồi đó, năm 2000, khi chuẩn bị ra tờ Phố Văn, Nguyễn viết thư nhờ Phan Lạc Phúc viết cho vài lời giới thiệu. Phan Lạc Phúc bèn viết ngay một bài rất đặc sắc. Sau đây là một trích đoạn:

“Hôm nay mới gặp Tần Thủy Hoàng
Bạo chúa như ông sướng hay khổ
Trời đã sang thu lá đã vàng
Ông khóc hay cười trong nấm mộ…
-Chị buông ra em còn về viễn phố

“Hôm nay mấy câu thơ đầu tiên trong vở kịch Người Điên của Hoàng Cầm lại trở về trong ký ức tôi. Vở kịch này được công diễn lần đầu trước ít ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ (19 tháng 12-1946). Ngày thường thì tôi quên… nhưng vài bữa nay tôi nhớ sau 54 năm xa cách. Tôi vừa nhận được thư của bạn cũ, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp từ Texas (Hoa Kỳ) gửi sang. Ông bạn tôi đang có ý định “ra” một tờ báo thuần văn nghệ lấy tên là PHỐ VĂN. Từ chữ PHỐ lạ lẫm, bỗng nhiên tâm viên ý mã tôi nhớ lại “Chị buông ra em còn về viễn phố”. Chị ở đây là một người đàn bà điên đang đi tìm chồng và cũng muốn nhân đó xóa đi một chế độ độc tài hà khắc. Người mà người đàn bà điên (Kiều Loan) nắm lấy tay không phải là Tần Thủy Hoàng mà chỉ là một cô gái nhỏ. “Chị buông tay em ra (em đâu phải là Tần Thủy Hoàng) cho em đi về nhà -nhà em xa lắm ở một bến sông xa”. Viễn phố tức là bến sông xa -đầu mối của mọi sự liên tưởng và khơi gợi.

“Trong tình yêu cũng như trong chữ nghĩa, có nhiều điều khó giải thích. “Trái tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không hiểu được.” Có những chữ đối với tôi nó hoang đường huyền thoại, tôi vừa yêu vừa sợ nó -ví dụ như viễn-phố-bến-sông-xa. Sự yêu mến làm bật dậy một số câu thơ đã “yên nghỉ” trên nửa thế kỷ nay trong tiềm thức. Bến-sông-xa là một cuộc hành hương trở về kỷ niệm. Bến Trung Hà trên Quảng Oai nước sông Cái (Hồng Hà) đỏ lừ -ngày xưa gọi là ngã ba Hạc… đi sang bên kia là Việt Trì địa đầu trấn Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây-Hưng Hóa-Tuyên Quang) lịch sử. Hay là bến Ngọc Bài của nhánh sông Tích Giang nước chảy lặng lờ -lên Thạch Bích rồi ra sông Đáy qua Đồng Quan-Chợ Đại-Cống Thần đi vào Phát Diệm (Ninh Bình) rồi thẳng vô chợ Rừng Thông (Thanh Hóa) của một thời kháng chiến…

“Chữ bến sông, bến đò bao giờ cũng gợi ra trong tôi một sự chia ly nào đó. Mình sợ cũng không làm sao tránh được. Ôi! ‘cảnh biệt ly sao mà buồn vậy’ cũng bắt đầu từ đấy. “Cơm nước xong, thầy mẹ tôi, anh chị em tôi, cả những kẻ ăn người ở trong nhà đều đưa tôi ra bến đò, chỗ thuyền đậu”. Bến đò là chỗ chia tay. Nó bắt đầu từ chữ PHỐ của ông đấy -thưa ông Nguyễn Xuân Thiệp.”

Và rồi Phan Lạc Phúc đi tìm từ nguyên của chữ Phố bằng cách hỏi một anh bạn trẻ tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ban Việt Hán. Chữ Phố viết với bộ thủy là bến sông còn viết với bộ kim có nghĩa nơi đổi trao mua bán như phố phường, phố thị. Rồi ông bạn của Nguyễn làm một cuộc hành hương ra Bắc vô Nam tìm xem con phố nào có thể gọi là Phố Văn. Trường Thi, Khâm Thiên đều không hợp. Tự Do, Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn ngày xưa cũng chưa trọn nghĩa. Cuối cùng Phan Lạc Phúc đi tới kết luận:  “Đi tìm một sự đồng thuận về Phố Văn thật khó. Chúng ta có lẽ phải bắt chước một nhà nghệ sĩ Âu Châu lưu vong khi ông nói đại ý rằng: “Nơi nào có Tự Do, nơi ấy là quê hương”. Chúng ta không đi tìm được một địa chỉ phố văn cụ thể; vậy tờ báo nào, tạp chí nào, cuốn sách nào có “văn” thì nơi ấy là Phố Văn. Không chừng ông bạn làm thơ của tôi ở Texas đang chủ trương như vậy. Nhưng ý hướng là một chuyện -có thực hiện được không là chuyện khác. Cho nên thưa ông Nguyễn Xuân Thiệp… tôi vừa mừng cho ông, vừa lo cho ông?”

Phải nói là một bài văn xuất sắc. Các bạn của Nguyễn có thể vào mục Giới thiệu phovanblog trên Blog Phố Văn để đọc toàn bài và thưởng thức văn phong vừa trí tuệ uyên bác vừa nhân hậu lại đượm chút u mặc. Quả thật ít người viết được như thế. Phan Lạc Phúc vừa là người của văn chương vừa là người của những giao tình ấm áp. Mới năm ngoái đây khi Nguyễn chuẩn bị in Sài Gòn Nơi Tôi Đã Vui Chơi Và Nhỏ Lệ cho Nguyễn Quang Hiện, Phan Lạc Phúc từ bên Úc gọi điện hỏi thăm và chúc sức khỏe. Thời gian qua cũng nhiều khi Nguyễn được đọc những bài Tạp Ghi của Phan Lạc Phúc như khi ông viết về Phượng Tím (Jacaranda) ở Úc, viết về những kỷ niệm với Phạm Đình Chương hay tảo mộ những bạn tù xấu số. Và trong bài viết mới đây về Thanh Minh, Nguyễn cũng đã tìm đọc lại ông. Bây giờ thì ông đã về nơi viễn phố, nơi ước mong sẽ không có chiến tranh, trại tù và những nắng quái mưa hoang. Ông Phan Lạc Phúc ơi, văn chương và Tạp Ghi của ông sẽ còn mãi cũng như cái tình của người đối với nhau.

Nguyễn Xuân Thiệp

bar_divider

PhanUu-PhanLavPhuc-2016

PhanLacPhuc-KyGiaLoRang-2

bar_divider

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ