Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

đọc thêm : " HÀ THƯỢNG NHÂN / Nhất Tuấn [ i.e. Phạm Hậu 1935- 2021 ] -- trích : t-vấn & bạn hữu ( Mỹ )

 

Hà Thượng Nhân

Nhất Tuấn


Khoảng tháng Sáu năm 1973, nhân buổi họp mặt văn nghệ tại tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, tọa lạc tại số 2bis đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn, có chiến hữu hỏi ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, Chủ bút báo này về vị Chủ nhiệm Hà Thượng Nhân – Hà Thượng Nhân tên thật hay bút hiệu? Và ý nghĩa như thế nào? Ký giả Lô Răng cười đáp: Hà Thượng Nhân là bút hiệu, là con nguời của làng Hà Thượng. Thế thôi.
Người làng Hà Thượng được động viên vào Quân Đội Quốc Gia (*) những năm đầu thập niên 1950, khi ông từ “Vùng Kháng chiến” trở về Hà Nội, di cư vào Nam, bởi ông đã sớm nhận chân được chủ trương, đường lối của đảng Lao Động (tiền thân đảng Cộng sản) Việt Nam, ngày càng lộ rõ chân tướng chư hầu, tay sai của Cộng Sản Quốc tế. Thành phần, giai cấp tiểu tư sản như ông, sớm muộn cũng bị loại bỏ, thanh trừng:

Nói nhân nghĩa chẳng qua lừa bịp
Nói hy sinh có dịp giàu to
Chết vì một chữ Tự do
Là thôi! Lỡ cả chuyến đò hoa niên.

Vào Quân đội, cấp bậc Đại Úy, làm việc tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Năm 1957 lên Thiếu tá, giữ chức Phụ Tá Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn. Ông chứng tỏ là mẫu người giàu kinh nghiệm về công tác Văn Hóa, tâm lý; đồng thời cùng là một người yêu thích thi ca. Có điều lạ, ông không bao giờ chạy thơ ông trên mặt báo, dù là báo nhà. Theo lời yêu cầu của nhà báo Như Phong, ông nhận phụ trách mục “Đàn Ngang Cung” trên nhật báo Tự Do. Năm 1958 ông phụ trách thêm mục “Những Điều Trông Thấy”, viết hàng ngày trên báo Ngôn Luận dưới bút hiệu Nam Phương Sóc.


Những bài thơ trào lộng đều đặn trong mục này đã nói lên nhiều điều, nhiều vẻ về những con nguời quyền chức, về những hiện tượng “khó coi” trong xã hội miền Nam thời bấy giờ. Vừa nhận diện, điểm mặt, vừa xây dựng từ “thói hư tật xấu” chuyển hóa thành cái lành mạnh, cái tốt đẹp cho chế độ chính trị và cuộc sống của quần chúng miền Nam.

Thơ ông viết với số lượng đáng kể, đủ thể loại dành cho sinh hoạt thi đàn, cho bạn hữu thưởng thức, cho những trao đổi, đàm đạo… Ông sở trường và rất yêu thích xướng họa thơ. Ông rất nhạy cảm chữ nghĩa, “xuất khẩu thành thơ” mà người xưa từng trân trọng khả năng này. Giới thi nhân quý trọng và cảm mến thi tài Hà Thượng Nhân, khi ông thể hiện những bài thơ ông làm tức thời trước một số bạn hữu hiện diện với đầy đủ tên gọi mỗi người và ý nghĩa của nó.


Hình như ông làm thơ đúng với nhận định “cuộc đối thoại giữa nhà thơ với cõi đời” thầm lặng, sâu kín hơn là in thơ thành sách, phổ biến trên thị trường văn chương chữ nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng, giá như ông làm thơ trước năm 1945, tên tuổi và thơ ông sẽ ngang tầm với Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… Và có lẽ ông còn đứng trên một số nhà thơ tiền chiến khác trong “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân.


Đọc một số thơ Ông trước năm 1975, so chiếu thơ ông ngày nay tại hải ngoại, dáng dấp, giọng điệu thơ ít thay đổi, vẫn là dòng cảm xúc tinh tế, mượt mà, trẻ trung, ấn tượng trong các thể loại truyền thống chân phương.
Bản tính vốn hiền hòa, đôn hậu, khiêm tốn, ông hòa nhập xuôi dòng tư tưởng Lão Trang, một phong cách sống an nhiên giữa trần lụy đầy bon chen, phức thành họa:

Sống chỉ lấy cái tâm làm trọng
Gửi ngàn sau mấy giọng tiêu tao
Cuộc đời thế chẳng đẹp sao?
Lựa là cứ phải anh hào thần tiên
Chẳng cầu cạnh, chẳng ưu phiền
Miễn sao lòng cứ an nhiên là mừng.
(Không Đề)

Qua lăng kính nhiều mặt của thi nhân, quan niệm tình yêu phải là tình yêu rộng lớn, không biên cương, và một khi tình yêu được khắc chạm vào thi ca nghệ thuật, tình yêu càng bất tử:

Ta có một tình yêu
Bao la như trời đất
Ta viết vào trang thơ
Tình yêu ta không mất
(Tình Yêu)

Nội hàm chí thiết, đồng thời cũng là nhu cầu hòa cảm, kiếm tìm hạnh phúc giữa đời thường, tình bạn tạo động lực liên kết chuyển đổi tâm tư tình cảm, chắp cánh cho ý sống vươn lên:

Ta từ có bạn đến giờ
Lời thơ lại bỗng bất ngờ thành vui


Khi đã coi thường danh vọng phù phiếm, quyền lợi nhất thời, ông càng gần gũi đồng đội, bạn bè giữa vòng vây tù ngục cải tạo. Trung tá Hà Thượng Nhân thường nói với những ai dễ yếu lòng, sợ hãi bạo lực của kẻ thù rằng:”Nếu không có phong ba – Thì cây lớn và cỏ hèn cũng vậy”. Phải biết chịu đựng khổ đau, thử thách, đó chính là sự tôi luyện nhân cách để vươn lên phí trước ngày mai:

Nếu như không đau khổ
Làm sao biết căm hờn
Càng muôn trùng sóng gió
Tay chèo càng vững hơn

Đêm âm u của vũ trụ, nhân sinh quan lạc quan – bó đuốc thắp sáng của niềm tin – tín hiệu cùng tồn tại bền bỉ ý thức tự do của con người:

Chúng ta cùng có nhau
Nhìn nhau vui hớn hở
Trên luống cày khổ đau
Hoa Tự do vẫn nở
Những mái đầu cất cao
Không một lời than thở
(Thắp Sáng Muôn Vì Sao)

Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã ngẩng cao đầu khi ra khỏi trại tù cải tạo trên đất Bắc, rồi cùng với bạn bè, đồng đội lần lượt đến quê hương mới tỵ nạn, thấm thía, chua xót cuộc bể dâu lịch sử. Từ lục địa Hoa Kỳ mênh mông, vĩ đại, ông nhìn về thủ đô Sài Gòn ngày cũ mà cảm nhận như xa xôi diệu vợi hơn cả từ trái đất đến mặt trăng, cũng chỉ vì khoảng cách chia của hệ tư tưởng khác biệt:

Người ta lên mặt trăng
Mặt trăng gần quá nhỉ!
Anh muốn về Sài Gòn
Sài Gòn xa đến thế!
Sài Gòn xa hơn trăng
trăng đêm đêm vẫn thấy
Lòng Anh, em thấu chăng
Thấm trên từng trang giấy.
(Nhìn Trăng)

Kinh qua hiện thực đầy biến động lịch sử, thơ ông biểu hiện lời tâm huyết của thời đại.
Phong phú ngôn ngữ, ý tưởng, thơ biểu đạt được phần sâu chính luận lý tưởng, mẫu người quân tử, đạo lý Nho giáo thanh lịch, tài hoa…

Thơ Ông tự nhiên như hơi thở – một chân khí tác dụng của sự sống con người vượt lên tầm cao trí tuệ.

Không cần thép, thơ vẫn là bó đuốc
Thơ nâng người cao sát với thần linh.

Thơ Hà Thượng Nhân đủ thể loại: Lục bát, Thất ngôn Đường thi, Ngũ ngôn, Song thất lục bát, Cổ phong trường thiên, thơ mới, thơ phá thể, Tứ tuyệt… dù ở thể loại nào thơ ông cũng điêu luyện, đặc sắc. Trong giới thơ văn người ta vẫn thường gọi ông là Hà Chưởng môn để tỏ lòng ngưỡng mộ thi tài đáng kính.


Tình ba mươi năm

Cuộc đời tan hợp có ai ngờ

Mới đó mà thành những chuyện xưa !

Tha thiết nghĩ vì chưa thấy đủ

Nhớ thương gửi mấy cũng không vừa

Câu thơ vẫn chứa bao niềm hận

Dòng nhạc còn nguyên những phiếm tơ

Em phải là em ngày tháng cũ ?

Gặp nhau lại cứ tưởng là mơ

 

Gặp nhau lại cứ tưởng là mơ

Chưa dứt làm sao nối lại tơ ?

Dâu bể nhiều phen còn thấy rộn

Thăng trầm đến thế vẫn chưa vừa

Em về có nhớ chăng ngày ấy ?

Anh há không buồn những chuyện xưa ?

Ai biết rằng đây rằng đấy nhỉ ?

Trông mong gì nữa có đâu ngờ !

 

Trông mong gì nữa có đâu ngờ !

Mái tóc đen huyền mái tóc xưa

Tâm sự viết ra nghe vẫn thiếu

Người thơ tả lại viết sao vừa

Về già cánh bướm chưa quên sắc

Ðến thác con tằm vẫn nhả tơ

Em ạ ! Tỉnh say ngày tháng cũ

Gửi cho ai nữa những cơn mơ ?

 

Gửi cho ai nữa những cơn mơ ?

Não nuột làm sao mấy tiếng tơ

Dân chủ bao lần xây chửa được

Di cư hai bận cũng là vừa

Ðàn vùi tơ lạnh rung tình cũ

Ðêm thức canh dài chép chuyện xưa

Tan hợp té ra là số mệnh

Gặp nhau thật khó có ai ngờ !

 

Gặp nhau!thật khó có ai ngờ !

Em vẫn người xưa vẫn mộng xưa

Ðất tạm bơ vơ thường khó tỉnh

 

Quê người lận đận biết đâu vừa

Thôi thì cánh bướm thì phô sắc

Lại vẫn thân tằm vẫn nhả tơ

Em có bao giờ trông trở lại

Cuộc đời nào khác những cơn mơ !

 

Cuộc đời nào khác những cơn mơ !

Tha thiết đàn ai mấy tiếng tơ

Cung bậc mang mang thương nhớ đủ

Câu ca điệp điệp ước mong vừa

Anh đâu quên đước tình khi ấy

Em vẫn đau hoài chuyện thuở xưa

Tám hướng mười phương giờ nghĩ lại

Hôm nay gặp gỡ có đâu ngờ

 

Thật chẳng làm sao có thể ngờ !

Còn đây còn những chuyện năm xưa

Khúc ca ân ái nghe chưa đủ

Tiếng hát si mê kẻ chẳng vừa

Tưởng nhớ bay về nhiều tháng cũ

Lòng riêng rung mãi những giây tơ

Còn gì ? Còn chút duyên năm cũ

Chưa hẳn đời toàn những giấc mơ

 

Chưa hẳn đời toàn những giấc mơ

Trêu nhau thôi lại mấy đường tơ

Bún bò một bát ăn vừa đủ

Nước ngọt vài ly uống cũng vừa

Thêm giận, thêm hờn tình lúc trước

Ðể buồn để nhớ chuyện năm xưa

Anh còn thư gửi câu tâm sự

Lại tấm lòng son thật chẳng ngờ

 

Lại tấm lòng son thật chẳng ngờ

Cùng nhau nhắc lại chuyện xa xưa

Nếu như nhiều lúc còn như tỉnh

Thì cũng đôi khi thật cũng vừa

Em bấm cung đàn gây khúc nhạc

Anh so bản cũ não đường tơ !

Họp nhau ngồi lại chung bàn tiệc

Ðể thấy đời đâu phải giấc mơ !

 

Ðể thấy đời đâu phải giấc mơ !

Chúng ta còn mãi đoạn đường tơ

Tình yêu thuở ấy như còn thiếu

Cuộc gặp hôm nay kể cũng vừa

Nói có ích gì lòng buổi trước

Khắc làm gì nữa chuyện ngày xưa

Thôi thì hai kẻ nay đầu bạc

Mới biết thời gian thật bất ngờ.

(Hà Thượng Nhân )

Nhất Tuấn


  nguồn: http://vantuyennet/index/php?...


=============================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ