Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

đọc thêm (1) : " họa sĩ ĐỖ DUY NGỌC - người tình của hội họa & văn chương "/ Trần Dzạ Lữ ( tphcm) -- trích: huynhthuckhangluiongvancan.wordpress.com>

 

HỌA SĨ ĐỖ DUY NGỌC- NGƯỜI TÌNH CỦA HỘI HỌA và VĂN CHƯƠNG

Trần Dzạ Lữ


            Đỗ Duy Ngọc – Họa Sĩ, Sinh tại Quảng Bình – Bắc Trung phần – Việt Nam. Di cư vào Quảng Trị năm 1954, sau đó vào Huế ở một thời gian ngắn và năm 1956 định cư ở Đà Nẵng. Học Mỹ Thuật, Đại học Văn khoa Sài Gòn ban Triết, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn ban Việt Hán. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài gòn. Là thành viên ban chấp hành Đoàn văn nghệ sinh viên Đại học Vạn Hạnh từ 1972 – 1975, phụ trách mỹ thuật. Trước 1975, cộng tác với nhật báo Đại Dân Tộc và Sóng Thần, vẽ bìa sách cho nhiều nhà xuất bản và thiết kế sân khấu. Đã triển lãm tranh tại Hội Việt Mỹ Sài gòn, Đại Học Vạn Hạnh, Đường Sơn Quán (trước 1975). Du học Mỹ thuật ứng dụng tại Pháp. Sau 1975: Dạy văn chương các trường phổ thông trung học Năm 1995 bỏ nghề dạy học, hành nghề tự do. Từ 1980 trở lại với nghiệp vẽ bìa sách và thiết kế lịch, đã vẽ hàng ngàn bìa sách và đã nhận được nhiều giải thưởng bìa sách đẹp của Bộ Văn Hóa Việt Nam. Thường sáng tác tranh sơn dầu và đã được các nhà chơi tranh các nước Ý, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Anh, Hòa Lan sưu tập. Là người có nhiều đồng hồ cổ nhất Việt Nam và Châu Á. Được Guiness Việt Nam công nhận năm 2003. Trong công trình văn hóa Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh do giáo sư Trần Văn Giàu chủ biên, Đỗ Duy Ngọc tham gia viết bài Nghệ thuật chạm khắc gỗ Sài gòn, Chợ Lớn, Gia Định trong cuốn 3: Nghệ thuật. Thành lập nhóm Nghệ thuật Breathing Eyes: quy tụ nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Sống bằng lao động nghệ thuật, không lãnh lương của nhà nước và tổ chức nào. Hiện sống tại Sài gòn với vợ và 3 con trai (Trích tiểu sử).


Từ thập niên 70 tôi đã biết và gặp gỡ Đỗ Duy Ngọc trong những ngày phép từ quân trường Thủ Đức về lang thang ở khu đại học Vạn Hạnh ( Nay là trường Sư Phạm). Lúc này anh đang học văn khoa và triết. Chúng tôi thường ngồi quán cà phê trước trường giao lưu về hội họa, thơ văn… Có khi anh rủ tôi về nhà trọ của anh ở đường Trương Tấn Bửu ( nay là Trần Quang Diệu). Vì là dân văn nghệ nên luôn giắt lưng sách. Có khi là sách dịch của Bùi Giáng ký tên là Vân Mồng. Có lúc là sách dịch về nhà văn Nga Dostoievsky. Lại có lúc là thơ của Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên hoặc truyện của Mai Thảo, Nhật Tiến… kể cả Cô Gái Đồ Long của Kim Dung. Chúng tôi ghiền luôn nhà văn, triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre người Pháp. Phải nói là chúng tôi rất nể lớp văn nghệ sĩ 54. Trang viết của họ luôn đầy ắp khám phá và sáng tạo.. sau đường đi vững chải của Tự Lực Văn Đoàn mà chúng tôi từng yêu mến. Đỗ Duy Ngọc rất chân tình và quý bạn bè. Bẵng đi một thời gian dài vì tôi ra trường về đơn vị mới, anh đi dạy học… Đến thập niên 80 gặp lại nhau thì nghe anh bỏ dạy để theo nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu và làm bìa sách. Tranh của anh được nhiều nước sưu tập. Đặc biệt ký họa của anh cũng tài hoa. Sống tự do với nghệ thuật nên anh đi đây đi đó cũng nhiều. Sống được, sống khỏe như anh kể ra thật thú vị. Năm 1995 khi tôi ra tập thơ đầu tay HDBT, anh là người mua thơ giá ủng hộ còn vận động thêm một số bạn bè của anh mua nữa. Nói ra điều này để hiểu thêm về một tâm hồn cởi mở đáng trân trọng như anh. Rồi năm tháng trôi qua, lặn hụp trong dâu bể… với trải nghiệm và đam mê nghệ thuật, trái tim và khối óc anh ngày càng giàu có hơn, bởi không chỉ vẽ tranh, sưu tập đồng hồ cổ, mà anh còn làm thơ, viết truyện và viết những bài nhận định, tản mạn về cuộc sống và xã hội cũng sắc bén như dao… Do vậy, thân xác anh thì ngày càng nhỏ thó lại. Mới đây gặp nhau trò chuyện trước chùa Vĩnh Nghiêm anh kêu bệnh xương khớp hành hạ anh… Hèn gì, mất đi dáng vẻ to, khỏe, đẹp đẽ ngày nào. Dù vậy, tư chất Đỗ Duy Ngọc vẫn còn long lanh trong đôi mắt anh. Và tôi hiểu rõ hành động của anh với đời, với gia đình, bè bạn… luôn mang tính nhân văn. Tuy ít gặp nhau trong những lúc bù khú, nhưng Đỗ Duy Ngọc là người bạn thường hằng trong tôi bởi anh chính là người tình của hội họa và văn chương… Anh vẽ tranh và viết nhiều thể loại. Tôi chỉ có thể giới thiệu với ACE một số ít tác phẩm của anh:

TRẦN DZẠ LỮ


TRUYỆN NGẮN


THẰNG CU TY
Đỗ Duy Ngọc.


Nhà hắn cách nhà tui khoảng năm ba căn, ở phía đối diện. Đó là nhà của bà Bốn Ù, nhà hắn ở thuê. Bà Bốn có chồng là thượng sĩ Bốn, chắc là mãi đi hành quân đâu đó, lâu lâu mới thấy về. Căn nhà nhỏ, ẩm thấp. Bố mẹ hắn là dân di cư năm tư, làm nghề mổ gà bán ngoài chợ Cồn, một ngày làm cả thau gà, chọc tiết, vặt lông nhanh như gió. Bố hắn là lính theo Tây, bị thương ở Điện Biên Phủ, cụt mất một giò, hàng xóm gọi là ông Ty què. Bởi hắn tên Ty. Tụi tui gọi hắn là Cu Ty. Bố hắn là lão gìà cọc cằn, luôn mồm chửi rủa, ăn nói như chọc vào mặt người ta, nên cũng chẳng mấy người ưa.

Hắn thua tui khoảng một hai tuổi, nhưng cao nhồng, mặt đầy mụn trứng cá. Hắn hiền vô cùng hiền, ít nói và không bao giờ gây sự với ai. Hồi mới lớn, tụi tui chia phe đá bóng, hắn chỉ đứng xem, chẳng bao giờ tham gia. Hắn đứng xem với một tác phong rất nghiêm chỉnh, vòng tay trước ngực, người đứng thẳng như pho tượng, thấy vui thì tủm tỉm cười vu vơ. Thế nhưng khi tụi tui bất hoà, tranh cãi vì lí do nào đấy, là có mặt hắn ngay. Hắn nói chuyện như ông già, khuyên bọn tui không gây nhau, giải hoà mọi chuyện bằng một giọng nói nhẹ nhàng mặc dù hắn nhỏ tuổi hơn tụi tui. Thế mà, thường là bọn tui nghe hắn, vì hắn nói có lí, phải trái phân minh. Xử xong, hắn lại vòng tay, đứng im như cũ, nhìn mọi người rồi tủm tỉm cười.


Có một thời, tụi tui tưởng hắn có vấn đề về thần kinh, nhưng không phải. Chẳng qua trời sinh bản tánh nó khác người, trưởng thành sớm, chín chắn trước tuổi thôi. Khi tụi tui tới tuổi trưởng thành, bắt đầu biết o bế đầu tóc, lưu tâm đến cái áo, cái quần cho hợp mốt, thì nó vẫn thế, vẫn chiếc áo vải thô màu cháo lòng cổ bẻ, cái quần ka ki ngắn đưa hai mắt cá chân. Tụi tui tụ họp nhau đầu ngõ, nhìn các cô gái hàng xóm mới lớn đi qua để phẩm bình, để buông lời trêu ghẹo, thì hắn vẫn đứng nghiêm như tượng, tay vòng trước ngực, chẳng có lời nào. Hắn không để ý đến phụ nữ, đối với hắn, đàn bà, cô gái, trẻ em đều giống nhau, đều phải trân trọng và đem tình thương đến cho họ một cách bình đẳng. Cho nên hắn đối xử với phụ nữ rất lễ phép và kính trọng, dù đó chỉ là một đứa bé. Nhìn cách đối xử của hắn, bọn tui chỉ cười, riết rồi quen, cũng chẳng ai để ý nữa.


Chiến sự càng lúc càng căng thẳng, lũ tụi tui lần lượt vào lính, thằng nào còn được đi học thì được hoãn dịch. Hắn là con một, bố mẹ có tuổi, nhà hắn lại chịu chi tiền nên hắn được ở nhà, khỏi nhập ngũ. Tui ra Huế học, vài tuần lại vượt đèo về nhà lấy viện trợ, thấy hắn vẫn thế, chiều chiều lại thấy hắn ngồi thiền trước sân nhà, chẳng biết hắn học trò đó ở đâu.


Thời điểm này, quân đội được tăng cường, lính Mỹ xuất hiện càng nhiều, khu tui ở bỗng dưng biến thành xóm đĩ nổi tiếng vì có ba bốn nhà thấy nghề chứa đĩ có ăn, lần lượt biến thành nhà thổ. Đĩ thời đó đa số là ở quê ra, gia đình túng bấn mà biến thành đĩ. Cũng có một số là dân chơi, trôi giạt bốn phương tụ về thành đĩ. Nhiều lần từ Huế về, tui bắt gặp cả đàn bảy tám cô son phấn loè loẹt ngồi đầu ngõ, thấy tui mang túi xách, tưởng khách xa đến, kéo tay chào mời công khai, tui phải chạy một mạch về nhà. Tui kể mạ tui nghe, mạ tui dạy tui là đừng gọi mấy cô này là đĩ, họ vì hoàn cảnh đưa đẩy thôi, chứ làm nghề này họ cũng chịu nhiều đau đớn lắm. Nhưng không gọi họ là gái đĩ thì biết gọi bằng gì? Mạ tui cũng bảo rằng, chỉ có những người đàn bà không sống bằng nghề này, mà ngủ hết người này đến kẻ khác, phá hại gia cang của người ta, loại ấy mới gọi là đĩ. Bởi vậy, lần nào về cũng bị chọc ghẹo, nhưng tui chẳng giận mà cũng thấy tội cho họ, sống làm vợ khắp người ta, chết xuống âm phủ làm ma không chồng.


Tui vẫn hay gặp hắn, thằng Cu Ty, hắn vẫn thế, không đổi, chỉ thấy cao hơn, cao nhồng, chắc hơn thước tám, thời đó thế là cao lắm. Gặp tui, hắn toàn nói chuyện tha thứ, nhẫn nhịn, ban phát yêu thương. Nhiều khi tui cứ ngỡ hắn là mục sư Tin Lành, hay sư trụ trì chùa nào đó. Hắn vẫn thánh thiện một cách thơ ngây và hồn nhiên như đứa bé, sự hồn nhiên của một đấng tu hành.


Thế mà đùng một cái, tui được tin hắn có vợ. Người hắn lấy làm vợ là cô gái làm đĩ ở động ông Vấn, cách nhà hắn bảy tám căn. Tui ngạc nhiên ghê lắm, hắn vốn không để ý đến đàn bà, lại hay nói cái sắc đẹp bên ngoài của phụ nữ chi là che dấu bộ xương ghê tởm ở bên trong. Bây giờ hắn lấy vợ, ừ thì cũng được đi, đến tuổi thì phải có gia đình, quy luật của đời sống mà. Nhưng mà sao hắn lại lấy một cô làm gái mà mọi người đều biết rõ. Lạ thật, chẳng hiểu nổi! Bố mẹ hắn giận ghê lắm, bố hắn vác cây đuổi cô vợ hắn chạy khắp xóm, đuổi không biết bao lần, nhưng rồi hắn lại dẫn về, quỳ mọp giữa nhà, không ăn uống, cầu xin bố mẹ hắn cho hắn được toại nguyện. Hắn là con một, kẻ nối dõi giòng họ nhà hắn, bố mẹ hắn sợ hắn chết, đành lòng nhắm mắt làm ngơ. Nhưng để khỏi gai mắt, thuê cho vợ chồng hắn căn phòng nhỏ phía sâu trong ngõ, mẹ chồng nàng dâu khỏi khó chịu với nhau.


Ban đầu thì thấy cũng có vẻ hạnh phúc. Sáng sáng hai vợ chồng ra quán bà Sáu. Vợ một ly cà phê sữa, chồng một ly cà phê đen. Vợ phì phèo điếu Salem, chồng tủm tỉm cười nhìn thiên hạ. Trưa một chút, chồng chở vợ ra chợ Cồn, vợ ngồi đó kiếm mối hàng ăn cắp từ PX Mỹ, mua đi bán lại, hồi đó ở chợ Cồn đầy hàng hoá như thế. Đến giờ cơm, vợ vào quán, gọi cơm gà, cơm thịt heo quay tuỳ bữa, còn Cu Ty ở nhà, ăn rau vì hắn không ăn được thịt, chỉ biết ăn rau quả. Thật ra ai cũng biết vợ hắn ra chợ cho vui, có buôn bán chi mấy đâu. Nguồn sinh hoạt của gia đình hắn là do mẹ hắn chu cấp, bởi mẹ hắn thương con, không muốn hắn phải túng thiếu, buồn lo. Nhiều khi may mắn tụi bạn cũ đôi ba thằng gặp nhau, cứ thắc mắc không biết đêm về, hắn có biết làm nghĩa vụ đàn ông với vợ hắn không. Có thằng lại bảo, chúng mày đừng quên vợ hắn là gái giang hồ, biết bao kinh nghiệm giường chiếu, dạy cho hắn mấy hồi.


Nhưng rồi chúng nó sống với nhau chẳng được bao lâu, nghe đâu năm sáu tháng chi đó. Bởi con vợ cứ than buồn, cô ta nhớ những trận cười thâu đêm suốt sáng, những ván bài suốt đêm thâm cả mắt, những li rượu làm nóng ran cả châu thân, những ve vuốt của những gã đàn ông, những lời thì thầm đường mật. Cũng có nhiều lúc nhục, nhưng có lắm đêm vui. Sống thế mới gọi là sống. Sống với anh Cu Ty thì êm ấm đấy nhưng buồn tẻ quá, thân xác cũng chẳng được đáp ứng những cơn thèm khát thình lình của thói quen. Cô đi. Hắn gói ghém áo quần cho vợ vào va li, đưa cho vợ một số tiền rồi dẫn đến tận cửa động bà Vấn mà làm cuộc tiễn đưa. Chẳng có một lời trách móc, chẳng có chút giận hờn. Ai cũng bảo hắn là ông thánh. Vợ hắn cũng bảo hắn là ông thánh, ổng tốt quá nên không ở chung được khi mình đã là con quỷ.


Hắn lại về ở với bố mẹ, bố mẹ hắn là người vui nhất, mừng nhất. Ông bà vào chùa cúng tạ ơn trời Phật đã giúp cho con trai xa lìa được quỹ dữ. Hắn lại sống chẳng khác xưa, sáng đứng nhìn mặt trời, chiều ngồi thiền, cũng chẳng tìm việc chi làm ăn dù thân đã gần 24 tuổi.


Người ta đồn bố mẹ hắn trúng số triệu đồng khi thấy bố mẹ hắn mua cái nhà lầu ba tầng ở đầu ngõ. Căn nhà của ông Đại uý Hiền, ông ta đổi vô Sài Gòn, bán gấp. Nhà rộng, bố mẹ nghe theo lời hắn, làm một cái bàn thờ Phật thật lớn ngay giữa nhà, đèn đuốc lúc nào cũng sáng choang, nhang trầm lúc nào cũng nghi ngút. Hàng xóm lại râm ran hắn đi tu, sáng sáng chiều chiều thấy hắn đọc kinh rất thành tâm. Bố mẹ hắn hàng ngày vẫn chọc tiết hàng trăm con gà cho mấy quán phở, quán ăn và bán lẻ ở chợ. Đôi khi cũng thấy ông bà cũng mặc áo lam, ngồi tụng cùng con. Bố mẹ hắn thấy hắn siêng năng tu hành, cũng mừng, ông bà cứ thấp thỏm sợ chuyện ngày xưa tái lại.


Nhưng sự đời éo le, sợ nhưng rồi cũng không tránh khỏi. Một buổi chiều đẹp trời, thấy hắn chở về một cô, đầu uốn quăn nhuộm vàng, môi tô đỏ, mắt vẽ xanh lè như gái Mỹ. Trên xe cồng kềnh mấy cái va li. Chưa nói gì, mẹ hắn đã ngất. Bố hắn trợn tròn mắt như có lửa. Hắn cũng quỳ mọp như xưa, xin bố mẹ đồng tình cho cô này làm dâu, làm vợ. Hai ông bà già biết nói cũng bằng thừa, lẳng lặng lên lầu. Từ ngày đó hắn lại có thêm cô vợ mới. Hàng xóm đâu để yên, chia nhau đi điều tra. Hoá ra cô này là vũ nữ ở một bar chỗ ngã năm, hơn ba chục tuổi rồi, đã có một đứa con lai Mỹ, gởi đâu đó.


Thế là cảnh cũ lại tái hiện, sáng sáng người ta lại thấy vợ chồng hắn ở quán bà Sáu, vợ ly cối cà phê sữa, trên môi điếu Camel, chồng cà phê đen, tủm tỉm cười. Sau màn cà phê là ăn sáng, lần nào cũng gọi vài món đầy bàn mới thoả chí. Nhưng cô này khác cô trước, cà phê xong là bắt đầu gây độ đánh bài. Độ bài có cả đàn ông lẫn đàn bà, cô ngồi đưa vú lồ lộ, ngã ngớn bên này, cười nói bên kia đùa giỡn với đám đàn ông, mà toàn nói tục tĩu xa gần rồi cả đám cười hô hố. Cu Ty vòng tay đứng nhìn một lát rồi lẳng lặng ra về, lo chuyện cơm nước ban trưa cho riêng mình. Cả xóm, nhất là mấy mụ đàn bà gai mắt lắm. Cứ gặp mặt là liếc là háy là nguýt, chửi lầm bầm trong miệng thôi. Nhưng khó chịu lắm, lúc nào cũng ngay ngáy có ngày nó mồi chài luôn chồng mình. Bởi con mắt nó lẳng quá , tướng đi nó dẻo quá, cái vú nó đong đưa, cái mông nó nây nẩy. Ai cũng lo. Rồi từ gây sòng ở quán, cô ta dời sòng về nhà. Bố mẹ hắn chỉ biết kêu trời, đứng hàng hiên mà gào mà khóc, bố nó thì lấy nạng cứ gõ vào sàn, mắt như bật máu.


Từ bài bạc, dẫn đến rượu chè, nhiều đêm kéo dài qua nửa đêm mới tan hàng. Cô này thâm hiểm và mưu mô hơn cô trước nhiều. Cô trước bố mẹ hắn có chửi cũng im, đánh thì chạy. Cô này dễ gì, mẹ hắn vừa mở miệng than phiền là vợ hắn nhảy vào họng làm một tràng khiến bà cụ muốn nín thở, đành thua. Vợ hắn lại hay đi đêm, lâu lâu có mấy lão già, mấy cậu thanh niên nhìn có vẻ dân chơi đến chở đi thâu đêm. Có khi đi vắng cả vài hôm. Hắn cũng chẳng nói gì. Bởi vợ hắn bảo ở nhà lâu cũng buồn, mà vợ hắn là chân đi, chân nhảy, dân vũ nữ mà. Vợ hắn không chịu được không khí êm ắng, vợ hắn ghiền tiếng cười, tiếng nhạc xập xình. Vợ hắn thích thú khi đêm đêm được chở ra xa lộ, gió thổi bung tóc, rượu tràn môi, nói cười cho thoả chí. Hắn không làm được chuyện đó, nên cứ để cho vợ được vui.


Đi chơi suốt thế nhưng vợ hắn ít khi về thăm con, lâu lắm hoạ hoằn thị mới ghé lướt qua rồi đi. Thế nhưng đêm nào rượu say cũng gào lên nhớ con bé quá, khổ thân con bé quá!!!
Mẹ hắn thì đêm đêm ra sân thắp nhang trước bàn thiên mà lẩm bẩm tai hoạ, tai hoạ, mong sao thoát được kiếp nạn này.


Và tai hoạ đã đến thật. Sáng ông bà chở nhau đi giao hàng, đàng sau cồng kềnh mấy thau gà làm sẵn, tránh chiếc xe Lambretta đàng trước, bị chiếc xe nhà binh đi đàng sau chèn nát bét. Bố hắn chết ngay, mẹ hắn chết ở nhà thương. Mấy hôm đám ma, trong nhà ê a tiếng tụng kinh của mấy thầy chùa, ngoài sân con vợ hắn vẫn gày sòng và độ nhậu. Nó bảo chết cũng chết rồi, người sống phải vẫn vui vì cuộc đời chẳng biết chết lúc nào. Mọi người giận lắm nhưng chẳng biết tính sao vì cô ấy dữ còn hơn hổ, chả ai dám vướng vào, rách việc.


Bốn chín ngày vừa xong thì vợ hắn dẫn về một đứa bé lai, bảo từ nay cho mẹ con được gần gũi nhau. Con bé dễ thương lắm, tóc vàng hoe, mũi cao, da trắng hồng, đôi mắt xanh biếc nhìn như con búp bê. Con bé sợ mẹ lắm, cứ nhìn thấy mẹ là người co rúm lại, nhìn chung quanh như cầu cứu.


Hắn có bao giờ cãi vợ đâu, nên đương nhiên là hắn bằng lòng. Mọi người ai cũng nghĩ cặp này chắc cũng giống trước, vài tháng là tan hàng. Nhưng không, kéo dài khá lâu và quyền sinh sát, mọi toan tính đều nằm trong tay bà vợ. Trước tiên là cô ta đề nghị bán nhà lớn, mua cái nhà nhỏ gần đó, lấy tiền gởi Việt Nam Thương Tín, lấy tiền lời sống. Ban đầu hắn không đồng tình, lần đầu tiên người ta thấy nó cãi cọ, nhưng vẫn cái giọng nhỏ nhẹ thường ngày. Hắn bảo nhà của bố mẹ, không thể bán được và hắn cương quyết giữ lập trường. Nhưng hai tháng sau, căn nhà có chủ mới, vợ chồng hắn dọn về căn nhà cách đấy ba căn, nhà nhỏ xíu chỉ có một phòng. Dư luận lại xáo xào, dị nghị, nhưng rồi ai cũng tặc lưỡi: thôi kệ, miễn thằng Cu Ty vui. Tội nghiệp nó. Hình như mọi người cũng bắt đầu nhàm chán câu chuyện này, bởi cũng đều đều như thế, chẳng có gì mới để bàn tán thêm, nên lơ.


Nhưng rồi không lơ được, bởi một sáng, mọi người nghe tiếng chửi rủa của cô vợ, tiếng rì rầm của Cu Ty rồi sau đó là chiếc va li quần áo của hắn bị ném tung tóe ra ngõ. Loang thoáng lắng nghe, người hiểu chuyện biết rằng cô vợ đã khôn ngoan mua nhà đứng tên của cô ấy, và đã đến lúc hoàn tất âm mưu, chấm dứt quan hệ và kết cục là hắn mất hết, phải ra đường.


Cu Ty lang thang mọi ngả đường, mấy ngày đầu còn chút tiền để mua, sau đó là xin ăn. Có lúc đói quá lại vào chùa kiếm cơm, ở đôi ba bữa lại đi.


Thời gian sau, người ta gặp Cu Ty đi ngoài đường, đã tiều tuỵ lắm, quần áo tả tơi. Hắn vừa đi vừa làm điệu như vỗ cánh, lâu lâu lại ngồi xuống mổ tìm gì đó ở dưới đất. Hỏi hắn tìm gì, hắn bảo tìm hạt lúa, sao bây giờ lúa hiếm hoi thế. Lắm kẻ độc miệng bảo ngày xưa bố mẹ hắn giết nhiều gà quá, bây giờ hắn phải trả cái nợ đó cho bố mẹ hắn. Mà nhìn cái dáng vỗ cánh và mổ tìm lúa của hắn, nhìn y như con gà.


Sau này, có dịp về lại xóm cũ, hỏi thăm mọi người về Cu Ty, người ta bảo sau khi mất hết nhà cửa rồi điên loạn, hắn được một thầy trụ trì đem về chùa, tu học tinh tấn lắm và sau đó viên tịch ở chùa. Cũng xong một kiếp nạn. Tui chỉ băn khoăn một người hiền như Phật thế kia sao mà khổ thế, chỉ toàn gặp dối lừa, khổ nạn. Có phải vì trời sinh hắn hiền quá chăng? Nếu thế thì chính tâm Phật đã hại hắn rồi.


Saigon. 20.5.2017
DODUYNGOC


Hồi ức:


BÀU THẠC GIÁN


Hồi xưa ở Đà Nẵng có cái bàu lớn lắm. Hoặc có lẽ lúc đó tui còn nhỏ nên thấy nó lớn. Nó nằm ở trong hẻm bến xe chợ Cồn đi vào. Khu đó thì có nhiều hẻm, hẻm nào cũng vô tới bàu. Còn đi đường Ông Ích Khiêm xuống tới Hoàng Diệu thì kiệt nào cũng dẫn đến bàu. Nó nằm song song với đường rầy. Đi từ Ông Ích Khiêm xuống thì gặp một đường xe lửa, cứ men theo đường đấy mà đi thì một bên là nhà dân một bên là bàu nước mênh mông và ở giữa là đường tàu lửa chạy. Hồi tui học lớp nhất, ba tui bệnh một thời gian nằm điều trị trong cơ quan của ba tui là Tổng y viện Duy Tân, ngày nào tui cũng đi dọc theo đường rầy mang cơm cho Ba, thích lắm vì vừa đi vừa bắt chuồn chuồn, châu chấu, ngắm hoa và cỏ dại ven đường. Thú thế cho nên tui hay giành lấy việc này mà chẳng ngại trưa nắng, chiều mưa. Những trò mà ngày thường không thể nào làm được. Nhà tui ở khu Chợ Cồn trên đường Ông Ích Khiêm, hồi đó Ba tui nghiêm lắm, sáng phải thức dậy lúc năm giờ, trưa phải ngủ trưa. Tui hay trốn ngủ mò vô bàu để săn những con chuồn đỏ, những con chuồn chuồn có màu đỏ rực với hai cánh mỏng, đậu lắt lay trên cành lá cỏ hay những đọt cây thấp, những con chuồn chuồn voi to kềnh với hai con mắt to, hàm răng khoẻ cắn đau như kiến. Có khi lại chạy theo những con chuồn kim bé xíu có thân dài ngoằng bé tẹo. Có lúc lại ngồi ở mấy gốc tre nghe mấy con chim chích chòe than hót trầm bổng giữa buổi trưa hè, thú vị lắm. Cũng có khi ngồi nhìn lên mấy đọt tre trên cao đung đưa xào xạc với gió, mê say. Khu này có nhiều cáy tre trồng hai bên vệ đường, lúc đó chỉ là những con đường đất đỏ, nên xóm này còn có tên gọi là xóm Tre. Hậu quả của những buổi trưa thơ mộng đó là những trận đòn nát đít, nhưng tui vẫn không chừa. Và cũng vì nó hoang vắng cho nên Ba tui hay đem quỷ ma ra doạ, Ba tui bảo khu đó toàn ma ở với người nên nhiều lúc trốn vô đó chơi mà thấy vắng quá lòng tui cũng hơi hoảng, nhất là khi nghe hai thân tre cọ vào nhau kêu kót két là lúc trong đầu toàn nghĩ chuyện ma bắt người đem dấu vô bụi.


Khi lính Mỹ đổ quân vào miền Nam, khu đường rầy biến thành xóm đĩ. Lúc đó ai nói đi đường rầy là người ta nghĩ đến đi chuyện giải quyết sinh lý. Nơi nào có đĩ thì có du đãng, bụi đời, xì ke, thuốc phiện. Do đó, có một thời khu này khét tiếng lộn xộn, lính lác, cô hồn choảng nhau như cơm bữa.


Lúc mới lớn, có đôi chút chữ nghĩa tui cứ thắc mắc về cái chữ bàu này. Tìm hiểu thì được giải thích người miền Trung thường gọi hồ là bàu. Tui vẫn thấy hình như chưa đúng. Tìm hiểu mãi cho đến giờ cũng chưa trả lời được khi nào thì gọi là bàu và như thế nào thì gọi là hồ, là ao. Và giờ đây, người ta vẫn gọi là bàu Thạc Gián.


Theo những người nghiên cứu về Đà Nẵng thì xưa kia Đà Nẵng chia làm sáu xứ. Ở hữu ngạn sông Hàn là xứ Bà Thân (một trong các tiền hiền làng An Hải), là làng An Hải ngày nay. Năm xứ còn lại ở tả ngạn, có xứ Bàu Lác (xưa có nhiều cỏ lác, nay thuộc phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) là cái bàu mà tui đang nói tới. Rồi đến xứ Rẫy Cu (ngày trước nơi đây có nhiều lùm bụi, vùng lý tưởng cho chim cò trong đó có loài chim cu đất sinh sống và là nơi hội tụ các tay say mê trò gác cu, nay thuộc địa phận các phường Bình Thuận, Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây). Xứ Giếng Bộng (gọi tên thế vì nơi đó có một giếng nước ngọt mát phục vụ nhân dân quanh vùng thuộc làng Nại Hiên xưa, nay thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu). Tiếp đó là xứ Trèm Trẹm (hay gọi tắt là Trẹm, thuộc các phường Thiệu Bình, Thạch Thang). Cuối cùng là xứ Đà Nẵng, tức vùng trung tâm thành phố ngày nay, phần lớn nằm trên địa bàn các phường Hải Châu 1, Hải Châu 2.


Như vậy bàu Thạc gián chính là bàu Lác, một trong sáu xứ của Đà Nẵng xưa. Gọi tên bàu Lác vì khi xưa là vùng mênh mông cỏ lác, sau đó nó nằm trong khu Thạc Gián nên mang tên là bàu Thạc Gián. Hồi tui hay trốn vô đó, đất đai còn mênh mông lắm, đa số nhà nào cũng có vườn trồng tre và cây ăn trái. Nó như một vùng quê yên ả trong thành phố nhộn nhịp. Dân ở đây hồi đó cũng thường là bà con, giòng họ với nhau. Tui có nhiều người bạn ở vùng này, nhưng rất tiếc họ đã qua đời gần hết. Năm 1972, đôn quân, bạn Lưu Văn Thành ở đoạn đầu của xóm Tre tử trận khi mới ra trường Thủ Đức. Tiếp đó là bạn Ý vừa gắn lon thiếu úy cũng bị bắn tỉa trên càu ở Cẩm Lệ. Trong vùng này có ông Tùng, thầu khoán, giàu lắm, nhà cửa đất đai vô số kể. Con trai đầu của ông là anh Thành, du học Pháp, học ngành y, ra trường mở một bệnh viện khá nổi tiếng ở Pháp. Hồi nhỏ tui nể anh này lắm. Kế anh Thành là chị Minh, yêu một anh ở sát nhà tui, ảnh cũng tên Ngọc, đi lính hi sinh năm 1971. Ông Tùng này nhiều vợ, có một đứa con bà thứ, sống lang bạt kỳ hồ sau này vào sống căn biệt thự của ông ở cổng xe lửa số 6 Trương Minh Ký, hơi tưng, cũng chết mấy năm rồi. Một người bạn nữa cũng ở xóm Tre, bàu Thạc Gián, cũng là cháu ông Tùng này, học chung với tui ở trường Kỹ thuật thời trung học, tên Nguyễn Ngọc Chi, một người bạn hiền lành, năm trước đây cũng đi luôn trong giấc ngủ. Tui nhớ năm tui học đệ thất, một hôm được nghỉ mấy tiết cuối, tụi tui rủ nhau về nhà một người bạn ở bàu chơi. Nhà anh này ở bên kia bàu Thạc Gián, hồi đó đi vào như là về quê, trâu bò, rơm rạ đầy đường, lúa phơi giữa lộ, khói đốt mù mịt. Mấy thằng dân phố công tử bột như tui lấy làm lạ lẫm lắm. Đến khi về, đã quá trưa, cả bọn rủ nhau lội qua bàu về. Áo quần ướt sũng, tui sợ về bị đánh đòn nên cởi truồng vắt phơi cho khô, tồng ngồng bên xóm vắng, tui khóc tu tu vì sợ khi nghĩ đến bó roi mây của ba tui. Anh bạn Thể chủ nhà hôm đó giờ cũng mất rồi.


Đất ở khu này như thung lũng, trồi lên trụt xuống ngộ lắm. Tui nhớ ở vùng thung lũng đó có hai gia đình có nhiều cô gái xinh đẹp. Đầu tiên là cô tên Hoá, con ông Giảng. Ông này làm nghề hàn máng xối, cao cao gầy gầy, mặt lúc nào cũng buồn buồn nhưng con gái ông thì quá xinh, bọn con trai ai cũng làm kẻ si tình. Khi tuổi vừa lớn, tui rời Đà Nẵng đi học xa nên không biết có ai trong xóm ấy có lấy được cô này không? Gia đình thứ hai là nhà ông Tư hớt tóc. Ông có một miếng đất ven đường Ông Ích Khiêm làm nơi hành nghề. Ba tui hãy dẫn tui hàng tháng đến đây và ra lệnh: hớt caré cho tui. Tuổi bắt đầu xài lược mà chơi caré là tiêu rồi. Ông có ba bốn cô con gái, tuy nhà nghèo nhưng cô nào cũng có nhan sắc. Tui nhớ tên cô Liễu vì cô này trạc tuổi tui. Mấy cô này mà còn chắc đã lên chức bà cố, bà ngoại hết rồi.


Năm 1956, gia đình tui mới vào Đà Nẵng thì trong khu xóm Tre này có một ông giáo mở một lớp học trường làng. Ông tên Thức nên mọi người gọi là Thầy Thức. Trong khi mấy ông giáo làng còn mặc áo the đen với khăn đóng thì Thầy Thức luôn mang bộ veston trắng, giày da trắng, đội mũ phớt và đôi lúc cầm baton trông rất ư là thanh lịch. Thầy Thức là dân Tây học dù vợ chỉ là người bán gà vịt đã nhổ lông ở Chợ Cồn. Tui không học trường này nhưng anh Hai tui thì tốt nghiệp lớp ba trường làng rồi mới vào trường Nam tiểu học. Tuy không học với Thầy Thức nhưng tui ngưỡng mộ Thầy lắm. Mỗi lần gặp Ba tui, hai người nói chuyện bằng tiếng Pháp với phong cách thật thanh lịch. Cung cách ấy sau này tui không tìm thấy nữa ở ngoài xã hội, kể cả ở miền Nam những năm gần 75.


Năm 1966, tướng Nguyễn Chánh Thi cùng với Phật giáo miền Trung ly khai. Ông tướng này là chồng của Dì Tá, là chị của Mạ tui cho nên tui gọi là dì, gọi tướng Thi bằng dượng. Ông Nguyễn Cao Kỳ cho quân nhảy dù ra đánh, súng nổ tơi bời. Nhà tui dính hai trái M79, sợ quá cả nhà chạy vào xóm Tre tránh đạn. Đó là lần đầu tiên tui biết súng nổ đạn bay của chiến tranh. Cả nhà tui tạm lánh ở nhà ông Tư hớt tóc, nhà có nhiều cô gái xinh xinh đấy. Nhưng lúc đó sợ quá nên cũng chẳng dám nghĩ chuyện ghẹo gái.


Bàu Thạc Gián, xóm Tre là nơi tui có nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm gắn với tuổi thơ và thời mới lớn. Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, tui rời Đà Nẵng đi học xa rồi chẳng có dịp trở về. Rồi biến cố của lịch sử, tui chẳng còn ai thân thuộc để có cớ mà về. Đến khi bắt đầu già, nhớ quá khứ, trở về thăm thì cảnh chẳng còn như xưa nữa. Bàu Thạc Gián, xóm Tre giờ giống như bài Sông Lấp của Trần Tế Xương:


Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò


Bàu Thạc Gián giờ thuộc quận Thanh Khê, chỉ còn là cái ao bé xíu. Chung quanh người ta xây cao ốc rầm rộ. Bàu lấp thành đất vàng. Vào xóm Tre cũng chẳng còn tre, nhà cửa lố nhố, bạn cũ chẳng còn, người xưa đâu tá? Vẫn biết cuộc bể dâu là quy luật của đất trời, sao lòng bỗng thấy thật buồn. Tìm nhà bạn cũ, cũng một thời học cùng trường, bố bạn ấy làm điền địa, cũng khá thân với Ba tui, lại thấy hình bạn ấy đặt trên bàn thờ, ánh mắt trong hình buồn bã nhìn mọi người. Bạn ấy là Trương Minh Tú có nick name là Tú Bà. Cảnh chẳng còn, người đã mất, lòng lại buồn hơn.


2.9.2018
DODUYNGOC


THƠ ĐỖ DUY NGỌC


CHIỀU Ở LẠI


Chiều gởi lại sóng muôn trùng vỡ nắng
Mộng trùng khơi đã xếp lại bao giờ
Đã ở tuổi tất cả là huyễn mộng
Giờ như thuyền chôn trên bãi bơ vơ

Mây đã tan vội bay về một cõi
Gió đi rồi không lối thổi về đâu
Đêm tang thương mưa nắng rụng trên đầu
Ngày cúi mặt nhận tủi hờn chất ngất

Chiều bỏ lại những phút giây đã mất
Những âm ba vang mãi ở trong lòng
Giữa vô tận còn nỗi đau trú ngụ
Tên quên rồi ta hỏi tuổi còn không?

Trên đồi cũ lá thu vàng thổn thức
Tiếc cành cây chưa héo đã vội lìa
Giữa tịch lặng hơi thở còn một nửa
Một nửa này dành nhớ buổi hôm kia

Chiều cuốn mất ánh trăng nào rất cũ
Trời bao dung mà đất quá hẹp hòi
Ta đứng giữa trần gian không áo mũ
Khêu ngọn đèn cho thiên hạ săm soi

Muốn cởi áo ở trần chơi giữa chợ
Rao chút danh bán nốt chẳng mang về
Chiều đã tới và ta không còn nợ
Rũ hết đời ta kiếm nẻo hồi quê
27.8.2018
DODUYNGOC


LỤC BÁT GIỮA ĐÊM


Giữa đêm cá khóc ngoài ao
Chim kêu dưới núi gió bào mỏng da
Ngẩn ngơ bỗng thấy mình già
Bóng in trên vách nhạt nhoà khói bay

Rượu đâu có uống mà say
Chuyện xưa lâu lắc làm cay xé lòng
Một đời mãi kiếp long đong
Rừng lau trắng xoá ngựa hồng chồn chân

Giữa đêm hoa nở trước sân
Đi lên đi xuống tần ngần vào ra
Loanh quanh dưới mái hiên nhà
Ngó con trăng rụng trên toà lầu cao

Ngẩng đầu thấy những chòm sao
Rõ thêm thân phận lào xào dưới chân
Chỉ xin một chút ân cần
Để cho khuây khoả giữa trần gian đau

Vọng trong thiên cổ nát nhàu
Bụi bay khói toả nhuốm màu nhân gian
Bóng cô liêu đứng xếp hàng
Đêm trông tiếng nổ nát tan phận đời

Quẩn quanh chỉ một trò chơi
Sống như ngựa chạy khơi khơi mấy vòng
Thời gian chỉ một đường cong
Leo lên tuột xuống là xong kiếp người.

Xin cho tôi một nụ cười
Rải theo sông suối để người trông theo
Nỗi buồn làm sợi dây leo
Tôi làm trái héo chèo queo giữa trời

19.7.2018
ĐỖ DUY NGỌC

nguồn: http://www.art2all.net/tho/trandzalu/docduongvannghe/docduongvannghe_27.htm

==============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ