Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

đọc thêm (3) : " Óc ThựcTế Mỹ & Lòng Yêu Nước " / Hà Thúc Sinh ( Mỹ) -- nguồn: http://www.vanchuongviet.org>

 


Óc Thực Tế Mỹ Và Lòng Yêu Nước
Hà Thúc Sinh

Mỹ có nhiều tỷ phú nhưng múa máy nhiều hơn cả có lẽ là anh tỷ phú khá đẹp trai Donald Trump. Ở đâu có hơi hướm đàn bà đẹp là có anh. Anh xuất hiện trong những giải thưởng điện ảnh, ca kịch; anh tài trợ và góp tiếng trong những cuộc thi hoa hậu thế giới; anh vân vân và vân vân. Những năm gần đây anh còn trở thành nhà sản xuất show TV mà điển hình là show “The Apprentice” chiếu hàng tuần trên hệ thống truyền hình NBC. Anh thủ vai chính trong show này. Không hiểu nổi tại sao người ta lại có thể dư thì giờ đến thế để ngồi coi cái show chán mớ đời của anh tỷ phú Trump. Show có tuyển sinh cho từng mùa đàng hoàng, đóng các vai cạnh tranh nhau để trở thành những thương gia thành công và dĩ nhiên họ phải đi qua cánh cửa thử thách của nhà tỷ phú. Những người chơi, gọi là competitor, nếu thắng cuộc thử thách có thể có nhiều hứa hẹn được những việc làm ngon lành trong nhiều lãnh vực khác nhau trên thương trường, nhưng điều này không được bảo đảm. Câu được Donald Trump dùng trong show trở thành thời thượng là câu “You are fired!” (Bạn bị đuổi!). Có lần anh Trump bỏ tiền đăng hết các báo ở thủ phủ California, quảng cáo cho việc tuyển các competitors để đóng trong show mới sẽ được quay vào mùa tới. Cuộc tuyển lựa khởi đầu từ đại học California State University, Sacramento.

 

Dù anh múa kinh quá nhưng người viết không thể có dư tí thì giờ nào tạt qua ngôi trường cũ để xem anh làm cái trò trống gì, nhưng chính vì vụ này tự nhiên người viết sực nhớ đến anh hơn 20 năm trước, và hiểu ra lý do nào khiến anh thành công dù bề ngoài xem ra anh cũng rất văn nghệ văn gừng—yếu tố chính thường dẫn đến sự thất bại tài chánh cho rất nhiều người.

 

Vâng, cách đây phải hơn 20 năm chứ không ít, có lẽ là tuần báo Newsweek nếu người viết nhớ không lầm, đã nảy ra sáng kiến thử xem những người giầu có danh vọng ở Mỹ xử trí thế nào với một số tiền rất nhỏ: dưới 1 Mỹ kim. Tờ báo đã lập ra một trương mục lấy đại một cái tên thương mại gì đó mà người viết cũng không còn nhớ; siêu thị này ký một loạt refund checks, viện cớ là các khách hàng thân mến của họ đã trả dư, và xin được hoàn lại. Cái thì 1 Mỹ kim, cái thì 50 xu, thậm chí có cái chỉ 15 xu. Sau một tháng, toà soạn đã nhận gần như đủ những tấm chi phiếu trả về từ ngân hàng với chữ ký của các người nhận đã ký thác số tiền đó vào trương mục của họ. Tên tuổi của các tai to mặt lớn trong xã hội Mỹ đã... cất công ký một cái refund check mang số tiền téo tẹo đó thì nhiều, nhưng chỉ hai tên tuổi người viết còn nhớ được là John McEnroe và Donald Trump. Lý do một người là tay quần vợt đang nức tiếng hữu tài vô hạnh thời đó, thời thập niên 80s; còn người kia nổi danh là chàng tỷ phú đa tình.

 

Vâng, tỷ phú mà coi đồng tiền lẻ to đến như thế đấy! Nhưng ở xứ này người ta không cho đó là sự bần tiện mà gọi là... Óc Thực Tế Mỹ. Quả vậy, khi kẹt cùng hỏi xin 1 xu giữa đường đã chắc ai cho. “No penny from heaven!—chẳng có đồng xu nào từ trời rơi xuống!” Đó là một châm ngôn đầu môi chót lưỡi của người Mỹ.

 

Nhưng óc thực tế Mỹ từ đâu mà ra? Và vì sao nó nổi tiếng đến nỗi trên thế giới hễ nói đến người Mỹ là người ta liên tưởng ngay đến cái gọi là óc thực tế?

 

Cứ qua sử liệu và văn chương Mỹ thì ta thấy rằng những người Anh đầu tiên đổ bộ lên đất Mỹ không đem óc thực tế vào đây. Nói cách khác họ không hề sở hữu điều đó. Họ là những kẻ đại mơ mộng, lãng mạn, và lý tưởng. Thử hỏi những kẻ liều chết, bồng bế nhau vượt Đại tây dương sóng bão để tấp vào một lục địa trước đó họ chưa hề biết nó là gì, với mục đích duy nhất chỉ để bảo vệ một đức tin tôn giáo bị một tôn giáo khác mạnh hơn ở mẫu quốc bách hại thì ta gọi họ là những con người thực tế có chỉnh không? Gọi họ mơ mộng, lãng mạn, lý tưởng thiết nghĩ không oan chút nào.

 

Và óc thực tế Mỹ có thể chính thức phát sinh và nảy nở chỉ sau cuộc nội chiến (1861-1865)—một cuộc chiến cũng vì lý tưởng khi người miền bắc chống chính sách nô lệ của người miền nam, dẫn đến kết quả tổn thất hơn 600 ngàn sinh mạng trên một dân số chưa tới 30 triệu thời ấy, và để lại một nền kinh te đổ nát trên toàn nước Mỹ. Từ đây, với những chương trình tái thiết, rồi đô thị hoá, rồi cách mạng kỹ nghệ, cách mạng kỹ thuật v.v... có lẽ đã giúp người Mỹ mở mắt để thấy ra óc thực tế là hay hơn cả. Nó đưa tới dân giàu nước mạnh và tránh được cảnh thù hằn giết hại lẫn nhau. Rồi nó lan tràn nhanh như vi khuẩn, và cũng giống vi khuẩn, nó mutate—tức thay hình đổi dạng được để tồn tại qua những điều kiện hay hoàn cảnh khác nhau và khác với cả quan niệm chung của phần lớn… loài người.

 

Thí dụ lòng yêu nước xưa nay vốn được coi là thứ trừu tượng, không thước đo, và một người sẽ bị coi là cường điệu (nếu không muốn nói là hề) khi muốn bao giàn lòng yêu nước, độc quyền yêu nước, chỉ đạo yêu nước hoặc vỗ ngực xưng mình yêu nước hơn người khác. Nhưng nếu được hỏi “Ai yêu nước hơn ai” thì sẽ có rất nhiều người Mỹ chính hiệu, dựa trên óc thực tế, trả lời một cách thoải mái và thẳng thắn: “Người giàu yêu nước hơn người nghèo.” Và nếu được hỏi lấy gì chứng minh, họ sẽ lý luận cho ta nghe thế này: nước Mỹ là một siêu cường không giai cấp, nhưng…

 

(Xin mở ngay cái ngoặc ở đây: trên sách vở thì có nhiều định nghĩa khác nhau về vấn đề phân chia giai cấp từ cổ chí kim, nhưng trên thực tế ngày nay có một cách xem ra tiện gọn hơn cả là hãy nhìn vào sự tiêu dùng của khối quần chúng ở một nước để xem nó bình đẳng hay không bình đẳng, (tất nhiên không thể đòi hỏi sự tuyệt đối!) Cả thế giới, ít nhất từ hậu bán thế kỷ 20 đến nay, phải thừa nhận rằng sự vĩ đại nhất của Mỹ không nằm ở các kho chứa nhiều ngàn phi đạn nguyên tử tầm ngắn tầm xa mà nằm ở các siêu thị, ở đó mọi tầng lớp dân chúng chẳng những có sự bình đẳng tiêu dùng mà còn có luật lệ bảo vệ giới tiêu dùng ở nhiều khía cạnh khác nhau. Thí dụ Tổng thống Mỹ buổi chiều đông mở một chai Cognac Martel XO đáng giá 100 dollars nhấm nháp bên lò sưởi, trong khi đó có đám tị nạn Mít ta cũng đang nhậu nhẹt và nhìn TV thấy Tổng thống chơi XO, một anh dù đang ăn trợ cấp xã hội (welfare benefits), bốc hứng, chửi thề một phát rồi phóng xe ra chợ chơi luôn một chai Louis XIV trị giá 300 Mỹ kim; tuy nhiên, vì lật đật, anh đánh rơi chai rượu vỡ ngay trong tiệm. Không sao, luật tiêu thụ bảo vệ anh không phải trả tiền cho tai nạn này. Anh lấy chai khác, hiên ngang móc thẻ nhựa quẹt một đường hào phóng rồi đem chai rượu đi. Chuyện chơi đẹp của anh Mít ăn welfare ở Mỹ đại loại là chuyện bình thường. Cháo húp quanh công nợ trả dần, có sao đâu. Nhưng nhìn vào khía cạnh khác của vấn đề này ta thấy ra sự quan trong rất lớn của nó, và chính điều đó nó làm cho nước Mỹ khác xa với nhiều nước trên thế giới kể cả nước ta—nơi có ông cán to lấy tiền dân cáp độ đá banh bằng tiền triệu (Mỹ kim), trong khi có không biết bao nhiêu con gái bà Trưng bà Triệu phải bán thân cho mấy tên chệt, cho mấy tên Củ Sâm để có bát cơm bỏ miệng (chứ cũng chẳng hòng gì nuôi được cha già mẹ yếu em thơ!)

 

Vâng, người Mỹ hãnh diện họ không có vấn đề phân chia giai cấp. Về mặt an sinh xã hội một em bé sinh ra, nếu cha mẹ có đủ điều kiện nuôi dạy con thì cứ việc, bằng không, đứa bé ấy sẽ được chính phủ bảo vệ và cung cấp mọi điều kiện để cha mẹ bé có thể nuôi bé trở thành một công dân lương thiện và hữu ích cho xã hội mai sau.

 

Thí dụ về mặt giáo dục. Tất cả mọi học sinh mà gia đình có lợi tức thấp đều được học và ăn miễn phí tại nhà trường cho đến hết lớp 12. Ngay ở bậc đại học, nếu cha mẹ nghèo, tất cả mọi sinh viên hội đủ điều kiện (chẳng hạn học lực liên tục đạt từ điểm C trở lên; phải học từ bán thời gian nếu không là toàn thời) đều được cấp ngân khoản để học hết bậc đại học 4 năm, tức Cử nhân. (Cao học và Tiến sĩ mới phải trả tiền túi, nhưng vẫn có nhiều cơ hội xin các học bổng). Thật tình mà nói không hiểu trên... thiên đàng thì thế nào, chứ dưới mặt đất này chuyện học hành ở Mỹ khó tìm ra chỗ để chê cho những người hiếu học và có chí hướng.

 

Trở lại với những đứa bé được chính phủ chu cấp cho ăn học, hai mươi hai năm sau, một thế hệ mới ra đời. Dưới cùng một điều kiện đầu tư của xã hội nhưng người thì xong đại học để trở thành một kỹ sư chẳng hạn, người chỉ xong trung học để làm một kỹ thuật viên, còn người thì bỏ ngang việc học đâu từ lớp 9, lớp 10 thì may ra kiếm được cái việc chạy bàn hoặc thư ký đả tự; người sau cùng không cần học vì có cách riêng để thực hiện giấc mộng làm giàu.

 

Và đây là lý do người Mỹ chứng minh người giàu yêu nước hơn người nghèo: trên căn bản độc thân, và dựa trên mức lương trung bình hàng năm mới đây ở Mỹ, một kỹ sư dầu hoả lợi tức đồng niên trên  dưới 96 ngàn Mỹ kim; trong khi đó người bạn học cũ của anh chỉ học xong trung học nay làm thợ máy kiếm được 25 ngàn Mỹ kim; còn anh bạn khác nữa bỏ học từ lớp 10, nay làm tới cái chức tỉa lông chó (dog groomer) lương 7 tới 10 ngàn Mỹ kim; anh bạn thứ tư thích làm giàu tắt, bỏ học, can tội giết người trong lúc buôn lậu ma tuý, nay ngồi gỡ lịch cho đến lúc mãn đời trong tù, lương hàng năm 0 Mỹ kim. Nào, bây giờ tính chuyện đóng thuế mà với người Mỹ nó được coi như một trong hai điều mọi người không thể tránh khỏi, thuế và thần chết, nhưng mặt khác nó lại được coi như cái thước đo lòng yêu nước, yêu Dân chủ. Ông kỹ sư mỗi năm đóng thuế quãng 35 ngàn Mỹ kim; anh kỹ thuật viên quãng 10 ngàn Mỹ kim; anh tỉa lông chó đã chẳng góp cho đất nước đồng bạc nào mà chính phủ còn phải chu cấp thêm cho anh cả tiền sống lẫn tiền bệnh viện thuốc men khi đau ốm (đặc biệt nếu anh có gia đình để nuôi). Anh ngồi tù thì nói làm gì nữa.

 

Từ số tiền đóng thuế của từng người, đưa nó vào thực tế chi tiêu của ngân sách quốc gia, thuế của anh kỹ sư có thể trang bị một hệ thống computer cho một lớp học, còn của anh kỹ thuật viên thì chỉ đóng góp được 1/3 so với người bạn học ngày xưa.

Đó là một trong những cách óc thực tế Mỹ chứng minh ai yêu nước hơn ai. Và điều này không vượt ra ngoài sự nhấn mạnh của Alexis de Toqueville liên quan đến thuế và nền Dân chủ.

 

 

°

Yêu nước mà kể hơn kể kém dựa trên đồng tiền lợi tức nghe nó vẫn thế nào ấy đối với phần lớn người Á đông chúng ta. Ấy nhưng óc thực tế Mỹ trước tình yêu nước không chỉ chừng nấy, ở một khía cạnh khác nó còn rốt ráo, quyết liệt, đi trước thế giới và được Hiến pháp bảo vệ đến cùng mà từ lập quốc chưa thế lực nào lấn lướt nó được. Có lẽ một câu nói vừa thâm thúy, vừa phản ảnh đúng tinh thần “yêu nước là yêu Dân chủ” của người Mỹ cách thực tế nhất thuộc về nhà văn kiêm bảo vệ môi sinh Edward Abbey (1927-1989). Ông nói rằng: “Một người yêu nước phải luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc chống lại chính phủ.” Câu nói mới thoáng nghe qua dễ gây shock cho những người nhạy cảm, hoặc vốn quen thống trị hay bị trị, không biết hoặc không ý thức đủ quyền dân chủ của chính mình, giật mình coi Abbey như một tay có trong người dòng máu phiến loạn, vô chính phủ hạng nặng, mà nói theo chữ xhcn là “phản động, có âm mưu lật đổ.” Nhưng tại sao nói Abbey thâm thúy? Vì từ cổ chí kim, rõ ràng chẳng có triều đại nào, chính phủ nào sau khi nắm được quyền lực, chỉnh đốn được trong ngoài mà lại còn tiếp tục tin lời Mạnh Tử “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh,” tiếp tục tin “quân nhất thời, dân vạn đại.” Đây chính là lý do chủ yếu dẫn đến một thực tế không thể chối cãi là dù ở đâu, ở thời nào, trong lịch sử chính trị loài người chưa có triều đại hay chính quyền nào kéo dài được… “vạn tuế!” hay “muôn năm,” giống những khẩu hiệu đã từng làm họ tối mắt ù tai khi nghe bọn khuyển mã hô hoán xưng tụng trước sân rồng hay trong hội trường máy lạnh. Quyền lực cộng tham vọng vô biên từ từ khiến họ biến chất, tha hoá và sụp đổ.

 

Vì thế, những cha đẻ của nước Mỹ chắc chắn đã thừa hiểu và thừa tin rằng kẻ dễ trở thành kẻ thù của lòng yêu nước, của nền Dân chủ hạng nhất đích thị là anh chính quyền chứ chẳng phải cái thế lực thù địch bên ngoài nào cả. Và để chận tay bất cứ ông Tổng thống nào lộng quyền muốn tự biến mình thành một ông vua, họ đã thêm vào Bản Hiến Pháp 10 Tu chính án đầu tiên, trong có Tu chính án thứ 2 có tên là “Quyền Mang Súng,” theo đó, “Một tổ chức dân quân với quy luật nghiêm chỉnh là điều cần thiết phải có để bảo vệ an ninh của một tiểu bang tự do, (và) quyền của người dân giữ súng và đeo súng không ai được xâm phạm.”

 

Nói tóm lại, để thể hiện lòng yêu nước và bảo vệ nền Dân chủ, óc thực tế Mỹ quy về hai điểm chính mà đến nay chưa Hiến pháp nước nào dám bắt chước hoặc thực thi thành công như nước Mỹ: mọi công dân có lợi tức phải nghiêm chỉnh đóng góp phần mình qua đồng tiền thuế nhằm nuôi dưỡng chính quyền, và khi chính quyền phản bội công dân các tiểu bang được Hiến pháp cho phép lật đổ chính quyền trung ương hay nhà lãnh đạo chính quyền ấy bằng võ lực nếu cần.

 

Liều thuốc thực tế Mỹ nghe ra đắng thật đắng nhưng nó đã giúp chính quyền liên bang Mỹ dã nhiều tật mà vụ Tổng thống Richard Nixon gần nhất là một điển hình./.

 

Hà Thúc Sinh

nguồn: http://www.vanchuongviet.org>


================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ