đọc thêm (2) : " nhà văn Lê Văn Nghĩa ; Khi ký ức được hồi phục " / Huỳnh Như Phương ( tphcm) -- Virgil Gheorghiu ( 15/ 04/ 2021 )
THỨ NĂM, 15 THÁNG 4, 2021
" Nhà văn Lê Văn Nghĩa : Khi ký ức được hồi phục "/ bài viết: Huỳnh Như Phương ( Tp. HCM)
-- nguồn : vanhocsaigon
Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Khi ký ức được hồi phục
“Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian” của Lê Văn Nghĩa sẽ tiếp tục vén mở một phần quá khứ mà nhiều người chưa biết tới.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa
Trong những văn hữu cùng thế hệ với chúng tôi – những người ở độ tuổi đôi mươi trực tiếp chứng kiến bước ngoặt lịch sử của xã hội miền Nam năm 1975, Lê Văn Nghĩa là một trường hợp đặc biệt.
Khi Sài Gòn đổi thay chế độ chính trị, nhiều người trong chúng tôi vốn từ miền Tây hay miền Trung đến đây trọ học, chỉ mới làm cư dân thành phố được năm ba năm, bàn chân chưa gột rửa hết bùn đất quê nhà cũng như chất nhà quê còn in đậm trong cách sống và cách nghĩ. Một số người khác theo gia đình vào Nam từ cuộc di cư năm 1954, sống ở Sài Gòn lâu hơn, nhưng tâm thức vẫn có chỗ neo đậu hoài tưởng là “đêm giã từ Hà Nội” và “chuyến tàu trên sông Hồng”. Lê Văn Nghĩa thì khác, ông là người Sài Gòn chính hiệu, từ thuở ấu thơ đã bước đi trên hè phố nhộn nhịp một đời sống đô thị phồn hoa.
Nhưng kể ra những người cùng thế hệ lớn lên ở Sài Gòn rồi cầm bút viết văn như Lê Văn Nghĩa không phải là hiếm. Lê Văn Nghĩa đặc biệt vì ông là người Sài Gòn mà tỏ ra hờn tủi, bất bình với xã hội từ rất sớm, thời học sinh đã phải đi tù Chí Hòa và Côn Đảo vì tinh thần phản kháng đó. Có thể nói, tuổi trẻ Lê Văn Nghĩa đã nhìn Sài Gòn bằng cái nhìn khác với nhiều người cùng hoàn cảnh, mặc dù lúc đó ông chưa có điều kiện để thể hiện rõ điều này trên trang viết.
Theo lẽ thường, khi nhập cuộc vào thế giới văn chương, báo chí của một Sài Gòn đã thay đổi, những người như Lê Văn Nghĩa, nếu không định kiến với Sài Gòn hôm qua, thì ít ra cũng thờ ơ, lãnh đạm với nó. Vậy mà, với “Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian”, tạp bút của Lê Văn Nghĩa, NXB Trẻ – 2018, ta thấy ngòi bút của ông vẫn giữ sợi dây liên lạc tinh thần với cái thành phố từng chịu nhiều đắng cay, tủi nhục. Cách lý giải quen thuộc và dễ được chấp nhận nhất là có “Sài Gòn bề mặt, Sài Gòn bề sâu”, “Sài Gòn nhìn lâu đẹp lắm”, hay như cách miêu tả dễ dãi của một nhà văn hóa qua ẩn dụ “sen và bùn”.
Dù Lê Văn Nghĩa viết một cách cẩn trọng và dè dặt rằng Sài Gòn hồi đó “có lắm điều hay và không ít cái dở nhưng tất thảy đều đáng yêu”, ta vẫn thấy chủ ý của nhà văn ở cái nhìn công bằng, thỏa đáng. Bởi vì điều dở hay điều hay nơi xã hội và con người đâu phải một sớm một chiều mà ta nhận ra ngay. Phải kinh qua sự trải nghiệm, so sánh với những đối trọng, ta mới nhận ra và thấy nó là “đáng yêu”. Một tình yêu đích thực có khi chỉ được xác nhận bằng sự đối chiếu với tình yêu giả hiệu.
Những tác phẩm gần đây của Lê Văn Nghĩa – cả truyện ngắn, truyện dài và tạp bút – được thành hình từ một sự hồi phục của ký ức, ký ức cá nhân hòa trong ký ức cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả xem cuốn sách này như kết quả của việc khâu vá lại những mảnh thời gian, qua đó mà khâu vá lại chính tâm hồn mình. Những mảnh ghép hồi cố chân thành mà không ủy mị đó thoạt nhìn có thể rời rạc, phân tán, nhưng liên kết lại sẽ cho ta một bức tranh về Sài Gòn ngày cũ, Sài Gòn của thời niên thiếu Lê Văn Nghĩa.
“Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian” của Lê Văn Nghĩa
Thể loại phi hư cấu pha trộn giữa chất văn học và chất báo chí mà cuốn sách này vận dụng không chỉ nương nhờ kỷ niệm của người viết mà còn đòi hỏi một cung cách khảo sát, chọn lọc và khai thác tư liệu. Chỉ cần đọc một vài chi tiết đời thực mà tác giả nhặt ra, ta cũng có thể cảm nhận chiều kích của xã hội và tâm hồn người Sài Gòn. Thật thú vị, nhờ Lê Văn Nghĩa, ta mới biết có cuộc tranh luận không ngã ngũ về việc nước mắm nên đựng trong chai hay trong tĩn, biết Hội đồng Đô thành đã từng đề nghị đặt tên đường Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1974, biết người dân Sài Gòn đã hưởng ứng lời kêu gọi của báo Tin Sáng công khai quyên góp cứu trợ đồng bào miền Bắc bị trận lũ lịch sử năm 1971.
Văn chương không nên tìm cách bóp méo chân dung thật của Sài Gòn mà cũng không cần gieo rắc ảo tưởng về một Sài Gòn hoàn mỹ. Chiến tranh như thế, nghèo đói như thế, Sài Gòn chỉ cần gắng sức tồn tại mà không đánh mất mình đã là đáng quý. Sài Gòn là như vậy đó, không cần tìm cái đẹp ở đâu xa: chỉ là hương vị bánh mì trong gánh hàng rong, là vóc dáng thiếu nữ duyên dáng trên chiếc xe Solex, là cái đĩa hát nhựa mà người yêu nhạc cố công sưu tầm và gìn giữ…
Thế hệ chúng tôi bây giờ tập điềm tĩnh, thanh thản nhìn thời gian cuốn trôi đi những dấu tích của ngày hôm qua. Trăn trở, bức xúc, trách móc bao nhiêu cũng không cứu được hình hài của thương xá Tax hay hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Mình cũng không phải là cái máy hát quay mãi những vòng hoài niệm. Là người cầm bút, chúng tôi chỉ có tiếng nói. Và tiếng nói của mỗi người rồi sẽ được vọng âm và hồi đáp của những ai không hề thấy phí công khi đi tìm trong chữ nghĩa chút công bằng với lịch sử.
Mấy năm trước, đọc “Mùa hè năm Petrus” của Lê Văn Nghĩa, tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” nhận thấy đó là một tác phẩm “tươi sáng, trong vắt mà cảm động, chan chứa tình hữu ái, lòng mến thương, sự dịu dàng của tuổi hoa niên”. Không phải là người quá xa lạ với miền Nam, Bảo Ninh vẫn ngạc nhiên về một học đường mà “các thầy giáo lại là những nhà trí thức mẫu mực đáng kính, thông tuệ và nhân hậu nhường ấy, tạo tấm gương sáng và để dấu ấn sâu sắc bền lâu trong tâm khảm, tâm tính, lối sống, lối nghĩ của học trò đến như vậy”. Và ông liên tưởng đến “lời chiêm nghiệm sâu sắc, tuyệt hay và khác thường” của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Những điều thực sự mới mẻ, thậm chí mới mẻ nhất xuất hiện trong đời sống và cả trong văn học lại thường đến từ những miền quá khứ không hề được biết tới”.
Cuốn sách mới này của Lê Văn Nghĩa cũng như nhiều tác phẩm về Sài Gòn ra mắt gần đây, sẽ tiếp tục vén mở một phần quá khứ mà nhiều người chưa biết tới. ./.
GS.TS HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
nguồn: vanhocsaigon
=====================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ