bài đọc thêm ): " phỏng vấn Lê Ngọc Trụ / Nguiễn Ngu Í" -- trích : Internet
LÊ NGỌC TRỤ
Giáo sư Lê Ngọc Trụ
(1909-1979)
Sanh ngày 25-3-1909 tại Cây-Gõ, châu thành Chợ-Lớn.
Cai quản tiệm vàng ft; width: 16của cha vợ ở Chợ Lớn từ 1932 đến 1945.
Sau biến cố 1945, giúp việc tại Thư viện Quốc-gia từ 1945 đến 1961 với chức phó thủ thư công nhật, bà từ 1961 đến 1964: chủ sự phòng Sưu-tầm và Thư viện.
Lúc rảnh, tự học, đọc sách khảo cứu về ngôn ngữ, viết bài đăng rải rác trên các báo: Văn học tuần san (1936), Tự do (1939), Đông dương (1940- 1941), Nghệ-thuật và Bút mới (1941), Hạnh-phúc (1944); sau thời biến cố, trên các báo Sông Hương, Nắng Hè, Mới, Việt-Nam Giáo-Khoa tập san (bộ mới) và mấy số xuân Dân Quí (1951), Khoa-Học Phổ Thông (1951,1953), Đọc Thấy (1952), Tiếng Dội (1953), trên các báo: Văn Đàn, Phổ Thông, Khoa Học Phổ Thông, Tự Do, Bách-Khoa, Văn. Đồng thời có chân trong bộ Biên tập của tập Kỉ yếu Hội Khuyến Học Nam Việt từ 1941 đến nay.
Những bài chuyên về ngữ học đều kí tên thật, các bài khảo cứu khác thì kí biệt hiệu: Ngọc-Toàn.
Đã xuất bản:
-Chính tả Việt-ngữ (Nam-Việt, 1951: 2 quyển; Trường thì tái bản làm 1 quyển: 1961); Nguyễn-Cư-Trinh và quyển Sãi Vãi (Tân-Việt 1952, chung với Phạm Văn Luật); Việt-Ngữ, Chính-Tả Tự-Vị (Thanh-Tân, 1960).
Đã dịch: Le Livre de mon ami của Anatole France (Chuyện bạn tôi, Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục, 1962), La Vingt cinquième heure của Gheorghiu (Giờ thứ 25, cùng dịch với Võ thị Hay, Ngày Nay, 1964).
Hiện giảng viên môn Chánh-Tả Việt-Nam tại Đại-Học Văn-Khoa và trường Đại-Học Sư-Phạm Sài-Gòn.
"Thôi, từ nay, trên các nhà in, mỗi khi cúi đầu xuống trang giấy mỏng nay chữ còn ướt mực, tôi không còn thấy cô đơn. Tôi bỗng nhớ đến anh bạn chuyên về ngôn ngữ học mà tôi thường nhờ anh chỉ dạy; anh đinh ninh rằng "tiếng Việt có nguồn gốc và có đủ tinh thần diễn tả tư tưởng, học thuật" và vẫn cắm cúi đuổi theo công trình dự định, mặc dầu một chứng bịnh khó trị đang gậm lần sức khỏe quí báu của anh".
Hai mươi mốt năm qua, từ ngày những giòng chữ này nằm trên mặt báo (Tuần báo Thanh-Niên, số 30, l-4-1944), trong một mục "Chuyên Văn". Bao nhiêu lận đận trong đời từ cơn quốc biến 45, bao nhiêu xáo trộn trong tâm tư từ dạo ấy, bao nhiêu bất bình trước những điều mắt thấy tai nghe, giờ ngồi đối diện với nhau trong phòng khách yên lành ở khu Chợ-Lớn-Mới, dưới ngọn đèn điện sáng hiền, tay mân mê chén nước trà vừa uống, chẳng biết anh nghĩ gì, còn tôi, sao tôi lại ngỡ thời gian như đứng lại khi tôi gởi lên giấy những dòng vừa trích ở trên, mặc dầu mắt tôi nay cận thị gấp năm lần và tóc anh trổ màu muối tiêu rõ rệt. Phải chăng về mở đầu câu chuyện, tôi đã hỏi anh về sức khỏe, và anh đã buồn buồn cho tôi biết:
Tôi cho mình như một kẻ phân thân. Một con người "hết xài" rồi. Và một con người đang cố quên mình là kẻ bệnh hoạn kinh niên để mà đeo đuổi vào công trình ôm ấp.
Thì ra, hai mươi mốt năm xưa, anh chỉ mang một chứng bệnh khó trị. Còn nay thì đến năm: từ đầu xuống mình và lan cả tứ chi.
- Cho nên tôi rất sợ những cuộc hội nghị kéo dài. Gặp là tôi một mực xin được miễn.
- A! Lại câu chuyện bằng cấp của anh! Tôi cứ tưởng anh đã đậu bằng Thành Chung (tiếng trong Nam mọi bằng Cao-đẳng tiểu-học).
- Tôi bỏ thi bằng này, vào năm 1929.
- Lúc ấy anh học trường Sư-phạm Sài-Gòn thì phải?
- Phải, tôi cùng anh em bãi khóa này 17 tháng 5 năm ấy.
- Vì lí do chánh trị?
Anh lắc đầu.
- Vì danh dự, nhưng lại thành ra vì quyền lợi.
Thấy tôi nhíu mày, cố tìm hiểu, anh giải thích.
- Có tên huấn luyện viên thể dục người Pháp tỏ ra lỗ mãng; đôi khi tàn nhẫn đối với chúng tôi, chúng tôi nhịn nhục không được, đồng tâm bãi khóa. Nhưng bàn lại với nhau, thấy cái cớ ấy không tương xứng với hành động quyết liệt của mình, chúng tôi bèn tìm một cớ quan trọng hơn, liên hệ đến tất cả anh em từ nhỏ tới lớn. Lúc bấy giờ giáo sinh ra trường sau bốn năm học tập mà đậu bằng Thành Chung thì được ăn lương bốn chục đồng mấy cắc một tháng, còn như thi rớt thì chỉ được hai mươi tám đồng một cắc sau.
- Nghĩa là ít hơn...
- Không phải cái mười mấy đồng mấy cắc ít hơn đó làm chúng tôi bất bình, mà vì số lương này lại bằng với số lương các bạn có bằng Sơ-học (tức là bằng Cơ thủy ở Bắc, bằng Ri me ở Trung; bây giờ gọi là bằng Tiểu học) rồi tu nghiệp một năm. Anh coi, mình học bốn năm, ăn lương cũng như người học một năm, thì cái bất công này cũng đáng cho người ta phản kháng lắm chớ?
- Các anh bãi khóa thắng lợi?
Anh mỉm cười.
Dễ gì "họ" nhượng bộ. Một số anh em bị đuổi, một số anh em được cho học lại với điều kiện cha mẹ đích thân đến làm giấy bảo đảm. Tôi thuộc vô hạn sau này, nhưng tôi không chịu để tỏ tình đoàn kết với anh em.
- Thế còn học bổng bốn năm mà anh đã hưởng? Theo lời cam kết, giáo sinh bỏ học phải hoàn lại học bổng cho "nhà nước".
- Thì tôi phải đi làm để bồi thường bốn năm cơm áo ấy, mỗi tháng mười hai đồng vì gia đình tôi "thường thường bậc trung", mà tôi có đến mười một anh chị em. À, mà tại sao anh rành về cái khoản này?
- Mười lăm năm sau anh, tôi cũng vào trường Sư phạm Nam-Kì ấy, nhưng phải có bằng Thành Chung và học chỉ có một năm.
- Anh cũng nửa chừng bỏ cuộc rồi phải bồi thường?
- Học được nửa năm, tôi đau não, vô nằm nhà thương Chợ-Quán cho đến hết niên khóa. Vì bịnh, nên tôi khỏi phải bồi thường.
Anh gục gặc đầu:
- Anh với tôi cũng có đôi điểm trùng nhau. Tôi học trường Tiểu học Phú- Lâm, rồi truờng Sư-phạm Sài-Gòn, làm thân chủ nhà thương Chợ-Quán, và thành thầy giáo hụt.
- À, anh cho biết đã đi làm nghề gì để sống và để trả nợ cho "nhà nước Pha-Lang-Sa"?
- Tôi làm thư kí, trước cho công ti Lệ-Công-Hòa ở Chợ-Lớn, sau cho một hãng rang cà phê ở Sài-Gòn, hãng Torréfaction Saigonnaise.
- Rồi sau đó?
- Rồi từ năm 1932 đến 1945, tôi đứng trông nom tiệm vàng ông nhạc tôi ở đường Marins (tiếng Pháp là Rue des Marins; người Việt ta gọi là đường Thủy binh, nay là đường Đồng Khánh), số 130, anh còn nhớ nơi này chớ?
Tôi cười cười để trả lời anh. Sao tôi lại không nhớ tiệm vàng Lê-Văn-Ngữ ở bên cái đường rộng và náo nhiệt vào bậc nhất ở trong Chợ-Lớn ấy, nơi mỗi lần ghé thăm anh, tôi không khỏi buồn cười mà bắt gặp người bạn "nửa chừng xuân" đắm say chữ nghĩa nước nhà ấy đang hoặc lễ phép cho khách hàng biết giá vàng, hoặc cẩn trọng cân vàng, hoặc ân cần chỉ vẽ cho thợ. Có cái gì trái ngược cái đích anh đeo đuổi và cái nghề anh làm. Khiến có lần tôi nửa đùa nửa thật hỏi anh, nhại lời người xưa (Thư trung hữu nữ nhan như ngọc):
"Trong sách có người đẹp như vàng."
Tôi lại nhớ gian nhà cổ, rêu phong hơi thấp, nhà tự của anh, trầm ngâm trên bến Phú Lâm, cạnh con rạch con nước đục chẳng buồn trôi. Gặp anh ngồi cúi tra sách cũ trong gian nhà cổ này trong những này nghỉ việc bán buôn, mới thật là gặp Lê-Ngọc-Trụ thật!
Tôi đang mơ màng nhớ đến một gian nhà vắng, một dòng nước lặng, thì anh lại kéo tôi về một con đường ồn, một cửa hiệu đông.
- Nhắc đến thời quản đốc tiệm vàng cho cha vợ tôi, tôi lại nhớ đến... Anh biết tôi nhớ ai không?
Có ông Thần... Chánh tả mới biết anh nhớ ai, nên tôi trả lời anh bằng một câu ca dao lững lờ:
- "Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ (biết) nhớ ai".
- Tôi nhớ anh Thâu. Thỉnh thoảng ảnh tạt qua đó.
- Để thăm anh?
- Để thăm tôi thì ít, mà để mượn tê-lê-phôn thì nhiều. Anh mượn nó để "xạt-cờ-rày" mấy ông lớn Tây, nhất là ông chánh sở Mật thám. Lần cuối cùng, anh ghé lại đấy là để giã từ tôi đi Tân-Gia-Ba (về việc Tạ-Thu-Thâu trốn đi Tân-Gia-Ba này, các bạn có thể xem hồi ký "Tù trong tù" của Hồ- Hữu-Tường đăng trong Bách Khoa, số kỉ niệm năm thứ bảy, để biết nguyên do cùng hậu quả). Tôi không ngờ giã từ nhau lúc ấy lại là vĩnh biệt nhau.
Giọng anh thấp xuống, như thể mình nói với mình.
Không bảo nhau, chúng tôi im lặng hồi lâu, cùng nghĩ đến cái chết nghẹn ngào của người chiến sĩ xã hội đáng quí này mà giờ nay thân còn "vùi nông một nắm" cạnh bờ một con sông xa. Tôi trở lại câu chuyện cấp bằng.
- Thế là về mặt bằng cấp, anh chỉ có bằng Sơ học. Điều này, chắc ảnh hưởng nhiều đến lương anh, khi anh làm phụ thủ thơ cho Thơ viện quốc gia Sài-Gòn.
Anh nháy mắt.
- Năm 1948, ông Đoàn (ông Đoàn-Quan-Tấn, hội truởng hội Khuyến học Nam-Kì (nay là hội Khuyến học Nam-Việt) từ 1941 đến nay, mà chúng tôi, hội viên từ thuở ấy, gọi thân mật là ông Đoàn) làm giám đốc Thơ viện Nam-Việt, cần thêm người giúp việc, có nghĩ đến tôi, mời tôi giữ chức vụ phó thủ thơ. Tôi thì không biết gì về mặt hành chánh, ông Đoàn lại không rành, nên thay vì ông sắp xếp trước để tôi vào hàng các chuyên viên, thì ông cứ để vậy; đến khi người ta theo thủ tục tuyển dụng công chức thông thường, bỏ tôi vào hàng công chức ăn lương ngày, theo cấp bằng, thì tôi ăn lương công nhật, tương đương với hạng có bằng Sơ học. Khi ông Đoàn hay, thì sự việc đã rồi.
- Thế thì lương anh?
Anh cho tôi biết con số. Tôi ngạc nhiên ra mặt:
- Thế thì lương anh không hơn lương tùy phái!
- Lúc đầu thì có hơn chút ít, rồi lần lần, lương họ tăng lên trong khi con mình lần lần lớn, mất phần ăn, lương mình bằng lương họ, rồi sau mười sáu năm công vụ, lương mình đành thua lương họ.
Tôi không ngăn được một cái thở dài.
- Khi nghe anh phải về hưu, anh em và tôi đều buồn bực. Buồn vì vắng anh ở Thơ viện, Thơ viện như mất linh hồn. Không, anh đừng cười. Chúng tôi không nói quá lời đâu. Làm sao kiếm được người hiểu rộng, biết sâu về sách, báo như anh và nhất là chịu khó giúp người muốn biết, như anh. Anh biết không, lắm người có việc cần mà không đến thơ viện vì anh không còn ở đấy, trong số này có anh Lê và tôi. Mới nay, anh Tường nói anh đã giúp ảnh nhiều trong việc tìm lại những bài, những truyện ảnh viết trong báo, khoảng mười lăm, mười sáu năm về trước, tôi hỏi thăm, mới biết anh được Chánh phủ mời làm trở lại. Tôi mừng cho anh Tường, cho mình và cho biết bao người nữa. Nhưng này, lương anh bây giờ có khá hơn lương "mười mấy năm ấy" chớ?
Anh gật đầu:
- Nay, tôi được trả lương chuyên viên, đỡ hơn lương công chức công nhật.
Tôi thở phào một cái.
Có thực mới vực được đạo!
Chuyện vàng bạc, chuyện cơm gạo xong, thì sang chuyện chữ nghĩa vậy.
- Hồi nhỏ, anh học chữ Hán ở nhà với bực trai, chắc anh bắt đầu thích môn Ngữ học từ hồi đó.
- Hồi đó, tôi còn nhỏ quá, chưa biết gì về môn học mới mẻ này. Lúc đó, tôi thích Toán thì có, lại còn thích thơ nữa.
- Anh từng làm thơ?
- Làm thơ, thì không. Mà thích chép và học thơ hay. Lúc bấy giờ có tập thi tuyển "Thi phú văn từ của Võ Sâm" tôi thuộc nằm lòng và ngâm nga luôn miệng. Cả đến lúc lớn khôn, tôi không hề nghĩ rằng có ngày mình nghiên cứu về ngữ học. Khó khăn quá và lớn lao quá.
- Nhưng mà mọi sự trên đời đều có cái bắt đầu chớ.
- Cái bắt đầu của tôi là khi trông nom tiệm vàng, cần giao thiệp với người Tàu, tôi học tiếng Quảng-Đông. Ngay lúc khởi sự học, tôi nhận thấy một sự tương đối giữa tiếng này và tiếng Hán-Việt.
- Anh cho vài tỉ dụ.
- Tỉ dụ như tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng những âm B, Gi, Đ, T thì tiếng Quản-Đông phát âm ra PH, K, T, TH và X. Hán-Việt: đả, Quảng-Đông: tả; Hán-Việt: đa, Quảng-Đông: tố; Hán-Việt: đại, Quảng-Đông: tài; Hán-Việt: đà (ngựa), Quảng-Đông: thồ; Hán-Việt: đường, Quảng-Đông: thòn. Thêm nữa, tiếng Hán-Việt viết dấu hỏi thì tiếng Quảng-Đông phát âm ra giọng hỏi, còn tiếng Hán-Việt viết với dấu ngã, thì Quảng-Đông phát âm ra giọng nặng hoặc giọng huyền. Tôi bèn lập bảng tương đối nữa hai thứ tiếng này để dễ học tiếng Quảng-Đông.
- Đó mới là bước khởi đầu, nhưng còn phần quyết định?
- Phần quyết định là một bài phê bình. A này, anh có còn nhớ mấy tiệm ba Tàu bán sách xôn ở trước xa xe lửa không? Tôi mua ở đó được một số Conférencia, từ số đầu, có mấy bài diễn thuyết của mấy ông "gộc" như Jean Richepin, Emile Faguet, v.v... Sau này, tôi tặng lại cho hội Khuyến học của mình; trong thời biến cố 45, bộ này bị thất lạc. Tôi tiếc quá và lại tiếc rẻ. Phải chi tôi giữ cho mình, thì những tài liệu quí ấy (lại là kỉ niệm một thời nữa) may ra còn. Tôi đi xa đề mất rối! Anh phải nhắc tôi chớ. Ngoài Conférencia, tôi còn mua được nhiều tập "Larousse mensuel", anh biết loại nguyệt san giới thiệu và phê bình sách mới của nhà Larousse này chớ? Trong một số nguyệt san loại này, tôi đọc một bài phê bình cửa Albert Dauzat về một quyển ngữ học...
- Anh còn nhớ tên quyển sách ấy chớ?
- Nhớ chớ. Đó là quyển Le Langage của Vendryes. Trong bài phê bình này, Dauzat có nói đến luật biến âm của tiếng Đức. Những âm B, D, G của tiếng Pháp, thì tiếng Đức lại phát âm ra P, T, K. Bắt được cái mối này, tôi khoái quá. Thì ra giữa hai tiếng Đức và Pháp, có sự giống nhau, như giữa tiếng Hán-Việt và tiếng Quảng-Đông. Tôi đặt mạnh chưn vào mảnh đất khô khan của ngữ học từ đây. Tôi bèn tìm mua sách ngữ học mà đọc. Sách của Ferdinand de Saussure, của Meillet, của Vendryes, của Bréal, của Dauzat, của Grammont. Nhờ những sách này mà tôi áp dụng mấy luật của ngôn ngữ Pháp vào ngôn ngữ Việt, tôi lập bảng tương đối về Âm, về Vận, về Thanh giữa tiếng Hán-Việt và tiếng Quảng-Đông, rồi giữa tiếng Hán-Việt với tiếng Nôm để phăng tìm nguồn gốc tiếng Việt.
- Anh âm thầm tự học, tìm tòi như thế, rồi tới năm nào anh mới "xuất đầu lộ diện" với đời?
- Năm 1936. Thật ra là năm ấy, tôi mới có ý định ra mắt công chúng. Số là hội Khuyến học Nam-kỳ lúc ấy.
Tôi chận anh lại:
- Phải nói là "Société de l' enseignement mutual de la cochinchine", vì tiếng sau này, năm 194l, ông Đoàn nhà ta làm cuộc "đảo chánh êm thấm", hội mới xưng tên với đồng bào bằng tiếng mẹ đẻ, và được mọi người biết đến với tên hội Khuyến học Nam-kì hơn là Société de l'Enseignement mutual de la Cochinchine. Còn trước 194l, thì lại là ngược lại.
- Đồng ý. Vậy Société đe l'Enseignement mutual de la Cochinchine dạo ấy có tổ chức những cuộc diễn thuyết tại hội quán hội Đức Trí Thể Dục.
- Lại xin chỉnh anh nữa. Lúc đó, người ta biết hội đó dưới tên Tây, trọn vẹn Société pour l'Amélioration morale, intellectuelle et physique des indigènes de la Cochinchine, viết tắt là S.A.M.I.P.I.C.
- Lại đồng ý nữa. Chánh phủ đã công nhận phe đối lập. Anh không nhảy ra nhập vào phe này cũng uổng!
Chúng tôi cùng cười.
Giữa lúc ấy, con gái và rể anh đi đâu về. Chào khách xong, rể anh đi vô nhà, còn con gái anh, liếc nhìn hai tách nước, thấy đã cạn tự bao giờ, rón rén lại bàn, nhẹ nhàng châm cho chú, cho cha.
Tôi bỗng hỏi:
- Hồi nhỏ, anh có thường đi chùa không?
Anh gật đầu rồi đáp:
- Lúc tôi còn nhỏ, bà nội tôi tu tại gia, sáng sớm nào khi bà dậy tụng kinh gõ mõ là tôi dậy theo để học. Và khi bà đi chùa, thì tôi cũng đi theo chơi.
Đã quá khuya. Tôi hỏi anh câu chót:
- Mười một năm xưa, khi phỏng vấn anh cho báo Phương Đông, anh kể cho biết một trong những công trình anh đang đeo đuổi là việc soạn hai quyển tự vị Việt-Nam ngữ nguyên và Việt ngữ tinh nghĩa và suy loại, nay đã xong quyển nào chưa?
Anh lắc đầu cười:
- Quyển nào cũng chưa xong! Hay có xong một nửa cuốn đầu. Anh nghĩ coi, mười một năm nay, thời cuộc nước nhà như thế, lại còn phải chạy sống hằng ngày, đầu óc và thì giờ đâu để mà hoàn thành cả hai công trình dài hơi đó.
Rồi con người suốt đời cặm cụi với chữ, nghĩa ấy lại đem bức tâm thư của một ông tướng trẻ và mấy biến cố quân sự và chánh trị mới xảy ra mà bàn.
Tôi đứng dậy, cáo từ. Anh nắm tay tôi lại:
- Còn cả một giờ mới tới giờ giới nghiêm. Anh để xe đây, chúng mình đi ăn chút đồ ngọt, rồi về còn kịp.
Chúng tôi thả bộ ra chợ. Anh nói mời tôi ăn đồ ngọt, nhưng khi kéo ghế, anh lại gọi mì trước, đồ ngọt sau. Hẳn anh nghĩ rằng phải có "mặn mà" trước để "ngọt ngào" sau càng thêm ý vị!
Tôi hỏi anh, giữa hai "chầư" mặn, ngọt:
- À, này anh, quan niệm của anh về cuộc đời ra sao?
Anh cười không trả lời. Tôi chẳng chịu thua:
- Thiên hạ duy đủ thứ. Nào tâm, nào vật, nào thần, nào linh. Còn anh?
Anh bỗng trở nên nghiêm trang, nhìn tôi, nói chậm:
- Còn anh, anh duy cái gì thì anh chết về cái ấy. Đời nó muôn mặt, nó vạn nẻo, mà ta chỉ nhìn có mỗi một khía cạnh, chỉ biết có một con đường, thì "cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".
Và tôi lại biết thêm một khía cạnh của anh bạn họ Lê tên Ngọc-Trụ.
Tôi lên xe đạp, anh còn nói theo:
"Nhớ đi đường Đồng Khánh về, đừng đi đường Hồng Bàng. Đi xa mà ăn chắc. Hai đứa con tôi hôm rồi đi học ở hội Việt-Mĩ về, đi xe mô bi lết dọc theo đường xe lửa, đường Hùng Vương, bị bọn du đãng giựt đồ. Anh nhớ đi xa một chút mà "chắc ăn hơn"!
Cuối tháng 3-1965
NGUIỄN NGU Í
==============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ