Nguyễn Duy Cần

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới điều hướngBước tới tìm kiếm

Nguyễn Duy Cần (1907-1998), hiệu Thu Giang, là một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20.

Ông làm nghề viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo họcKinh Dịch, với các biệt hiệu: Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử, Linh Chi… Ông sống cùng thời với các học giả và nhà văn như: Nguyễn Hiến LêGiản ChiHoàng Xuân ViệtPhạm Cao Tùng

Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức của ông.[1]

Thân thế và cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh ngày 15 tháng 7 năm 1907 tại làng Điều Hoà, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Không có nhiều thông tin về cuộc đời và sự học của ông. Có lẽ ông tự học, thể hiện qua tác phẩm "Tôi tự học". Một vài thông tin khác cho biết ông từng làm giáo sư kiêm Hiệu trưởng một trường Trung học tư thục tại Sài Gòn, nhưng không thể kiểm chứng được.

Sự nghiệp nghiên cứu và trước tác của ông bắt đầu từ năm 1931 với việc xuất bản quyển Triết học đầu tiên "Toàn chân", gây nên một cuộc bút chiến sôi nổi trên báo Mai. Trong những năm sau đó, ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn. Năm 1935, ông cho ra đời quyển sách đầu tay: Duy tâm và duy vật. Năm 1937, ông tham gia xuất bản nguyệt san "Nay". Năm 1941, ông làm chủ bút báo Tiến và năm 1944, chủ bút báo Thanh niên, sau đó còn làm chủ bút báo Tự do.

Sau khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất nổ ra, năm 1946, ông lánh nạn lên Sài Gòn, ở ẩn để tiếp tục viết sách. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, việc xuất bản các tác phẩm của ông bị gián đoạn mãi đến năm 1951 mới bắt đầu trở lại với tác phẩm "Cái dũng của Thánh nhân". Từ đó về sau ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn cho đến tận năm 1975. Ngoài việc trước tác và tham gia viết báo, ông từng làm việc tại Ủy ban điển chế văn tự (trực thuộc Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa), là giáo sư của trường Đại học Vạn Hạnh và là Trưởng ban Triết học phương Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Từ năm 1975 đến cuối đời ông rất ít giao tiếp với bên ngoài nhưng vẫn âm thầm viết. Năm 1991, ông chuyển về sống ở quận Bình Thạnh và mất tại đây vào năm 1998, để lại cho đời nhiều bộ sách có giá trị.

Nguyễn Duy Cần không có bằng cấp cao, ông chỉ tốt nghiệp bằng Thành chung (học hết lớp 9, tương đương tốt nghiệp cấp 2 bây giờ), nhưng nhờ được cha dạy dỗ cùng với công tự học của mình mà ông trở thành giáo sư của những trường đại học danh tiếng thời bấy giờ (trong lời đề của mỗi cuốn sách cụ đều cảm ơn và dành tặng cuốn sách cho người cha của mình, như trong lời đề tựa cuốn "Lão Tử tinh hoa", cụ viết: “Kính tặng hương hồn thân phụ để nhớ lại những đêm dài mà cha đã giảng cho con nghe về lẽ Đạo”).

Trong các sách của mình, Thu Giang Nguyễn Duy Cần chú ý đến mục đích đào tạo văn hóa và bản lĩnh ứng xử cho các tầng lớp thanh niên hiếu học. Những tác phẩm như “Cái dũng của thánh nhân”, “Thuật xử thế của người xưa”… cũng là một cách để ông có thể hướng dẫn cách giữ sự bình tĩnh phi thường cho từng cá nhân tránh bị ảnh hưởng xô đẩy của mọi luồng tư tưởng hỗn loạn. Mẫu người trong “Cái dũng của thánh nhân” là một con người điềm đạm nhưng có đủ dũng khí và bản lĩnh đối diện với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Quyển sách này đã gây được tiếng vang lớn trên văn đàn.

Với sự am tường và thẩm thấu sâu sắc hệ tư tưởng triết học Đông phương, ông đã đưa vào trong các tác phẩm cách ứng xử khôn ngoan, sự bình tĩnh chuộng phẩm chất hơn chuộng số lượng, luôn lấy cái gốc vững vàng cho mọi công cuộc phát triển của cá nhân và xã hội. Các tác phẩm đào tạo tri thức cho thanh niên được Thu Giang - Nguyễn Duy Cần lần lượt cho ra đời như: Óc sáng suốt, Tôi tự học, Thuật tư tưởng, Thuật xử thế của người xưa, Tinh hoa Đạo học Đông Phương, Một nghệ Thuật Sống…Trong các tác phẩm hầu hết được trình bày đan xen các ứng dụng vào cuộc sống của nền Đạo học Phương Đông, ông chủ trương dùng Nhu thắng Cương, dùng trí hơn dùng sức…

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Sinh thời, ông viết khá nhiều sách, chủ yếu là sách biên khảo, nghệ thuật sống (thời đó gọi là sách "Học làm người") và Đạo học phương Đông. Các tác phẩm của ông được viết ra không phải với mục đích "sống bằng ngòi bút" mà với ông một tác phẩm ra đời nó phải từ một đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nó đang thiếu thốn, nhân sinh đang đợi chờ[2]. Điều đáng tiếc là có nhiều tác phẩm của ông chưa được công bố, bị thất lạc hoặc chưa được hoàn thành. Mặc dù vậy, những tác phẩm đã xuất bản của ông thường được tái bản nhiều lần và luôn được các thế hệ bạn đọc đón nhận.

Theo thống kê chưa đầy đủ, các tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm:

  1. Duy tâm và duy vật (1935)
  2. Toàn chân (triết luận) (1936)
  3. Thanh dạ Văn chung (1939)
  4. Cổ nhân (1940)
  5. Thuật tư tưởng (1940)
  6. Cái dũng của Thánh nhân (1951)
  7. Óc sáng suốt (1952)
  8. Thuật tư tưởng (1953)
  9. Thuật xử thế của người xưa (1954)
  10. Trang Tử tinh hoa (1956)
  11. Lão Tử tinh hoa (1963)
  12. Văn minh Tây phương và Đông phương (1957)
  13. Tôi tự học (1959)
  14. Thuật Yêu đương (1961)
  15. Lão Tử Đạo đức Kinh (1960) (dịch với lời bình và nguyên văn đối chiếu).
  16. Một nghệ thuật sống (1960)
  17. Cái cười của Thánh nhân (1970)
  18. Tinh hoa Đạo học Đông phương (1972)
  19. Phật học tinh hoa (1965)
  20. Nhập môn Triết học Đông phương[3] (1971)
  21. Văn hóa Giáo dục miền Nam Việt Nam (1970)
  22. Trang Tử Nam hoa kinh (1963) (dịch với lời bình và nguyên văn đối chiếu).
  23. Dịch học tinh hoa (1973)
  24. Để trở thành nhà văn (1968)
  25. Chu Dịch huyền giải (1975)
  26. Dịch Kinh tường giải (2014)
  27. Tử vi bí kiếp
  28. Thiền đạo Tinh Hoa
  29. Hà Đồ Lạc Thư và Dịch Tượng Luận
  30. Thuật dưỡng sinh theo Đạo học Đông Phương
  31. Đông Phương y học bí truyền

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Học lại Thu Giang Nguyễn Duy Cần”. Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 10 tháng 3 năm 2015.
  2. ^ “Một nghệ thuật sống Văn hóa - xã hội”. Thời Báo Ngân hàng. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 8 năm 2013. Truy cập 10 tháng 3 năm 2015.
  3. ^ “Bản sao đã lưu trữ”Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2013.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]