Nguyễn Hữu Nhật – Một đời đam mê nghệ thuật

Posted: 21/08/2018 in Tùy Bút / Tản Văn / Ký SựĐỗ Bình

Đỗ Bình


Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật (1942-2014)

Nguyễn Hữu Nhật  (1) sinh 22.06.1942 tại Bông Đỏ, La Khê, Hà Đông nhưng sống ở Hà Nội. Năm 1954 di cư vào Nam. Từ 1955-1975 cư trú ở Chợ Lớn, Gia Định, Sài Gòn. Từ 1975-1987 đi tù và 1989 tị nạn tại Na Uy/Bergen/Oslo. Trước năm 1975 ông là sĩ quan VNCH, thuộc ngành Chiến Tranh Chính Trị. Ông làm thơ, viết văn, viết báo, vẽ tranh. Là người chủ trương nhà xuất bản Anh Em và là chủ bút Tạp chí Hương Xa. Cộng tác với nhiều tạp chí văn học nghệ thuật ở hải ngoại. Đồng chủ trương: Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca VN Hải Ngoại. Cựu thành viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Thành viên Câu Lạc Bộ Văn Học VN Paris v.v…


--------

(*) - ban đầu khởi nghiệp, Nguyễn Hữu Nhật lấy bút hiệu ĐỘNG ĐÌNH HỒ ( Bt) 

Những Tác phẩm đã xuất bản:

  • Thơ Hoa Sen, thơ 1991 Na Uy
  • Chí Tôn Ca, thơ 1991
  • Đã Đời, 700 bài thơ tình, 1995 Na Uy
  • Cỏ Bồng, thơ 1998 Na Uy
  • Cuộc Chiến, thơ 1998 Na Uy
  • Bờ Bên Kia, 2 tập: tiểu thuyết Thiền 2001 Na Uy
  • Hoa Đào Năm Ngoái, tiểu thuyết 2009 Na Uy
  • Cây Nhân Sinh, tiểu thuyết
  • Thơ Tình Na Uy

Hội Họa: Trước 1975 Triển lãm tranh ở Alliance Française Sài Gòn, Hội Việt Mỹ Sài Gòn … Năm 2000, triển lãm tranh ở Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tế Paris.

Đã từ lâu nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật muốn tôi viết đôi dòng về anh nhưng tôi chỉ tổ chức để anh và nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh nói chuyện trước bằng hữu văn nghệ sĩ và công chúng người Việt ở Paris. Khi tôi muốn viết thì anh bị ngã bệnh nặng, do đó phải dừng lại thời gian dài.

Tâm hồn của nghệ sĩ rất bao la như biển cả và đầy bí ẩn. Từ ngàn xưa người nghệ sĩ vẫn được yêu mến vì họ đã biết sáng tạo ra cái đẹp để phụng sự con người, nhưng không phải bất cứ cái gì nghĩ ra cũng là sáng tạo, cho dù nghệ thuật là sản phẩm của tâm hồn! Thuở tâm hồn nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật hồn nhiên trong sáng, chưa bị những lớp sóng đời làm chìm nổi, nhà thơ có tâm đạo nên thích hoa sen biểu tượng cho sự trong sáng, thanh cao. Do đó, nhà thơ lấy hoa sen làm tựa cho tác phẩm, nên có nhiều bài thơ, tranh vẽ mang ý nghĩa từ hoa sen. Hoa Sen là một loại hoa tinh khiết mà các nước phương Đông lấy làm biểu tượng cho sự thanh cao. Nó còn mang ý nghĩa triết lý Nhân Quả hiện sinh vì trong búp đã có gương sen (hạt sen) mà chẳng đợi đến khi hoa già héo mới phát triển thành quả. Hoa Sen sống trong bùn thân rỗng cọng sen thẳng đứng vươn lên khỏi mặt nước. Càng sống trong bùn lầy hôi tanh bao nhiêu thì nó lại càng thơm tho hương thơm tỏa ngát, hương sắc không bị bùn làm ô nhiễm vấy bẩn. Trong triết lý Phật giáo, tâm rỗng lặng là tâm không bị ô nhiễm, không bị tác động bởi nhị nguyên (thiện ác). Đó là đặc tính của Tánh Không, là bản thể của Bát Nhã (trí tuệ). Khởi từ những bức tranh sen trắng trong đầm, màu trắng của hoa toát lên sự thanh thoát bình yên của tâm hồn, đến những đóa sen xanh phần dưới của cánh có màu trắng và phần ngọn có màu hồng nhạt, tượng trưng cho ý chí, nghị lực. Nếu thơ là người thì Nguyễn Hữu Nhật đã hé mở tâm mình qua những vần thơ, nét cọ nơi có hoa thơm cỏ lạ và thế giới sắc màu mà cả đời anh đắm say ngây ngất:

Từ ngàn xưa người nghệ sĩ vẫn được yêu mến vì họ đã biết sáng tạo ra cái đẹp để phụng sự con người, nhưng không phải bất cứ cái gì nghĩ ra cũng là sáng tạo. Nghệ thuật là sản phẩm của tâm hồn nghệ sĩ, mà tâm hồn thì bao la như biển cả đầy bí ẩn. Thuở tâm hồn nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật hồn nhiên trong sáng, chưa bị những lớp sóng đời làm chìm nổi, nhà thơ có tâm đạo nên thích hoa sen, biểu tượng cho sự trong sáng, thanh cao. Do đó nhà thơ lấy hoa sen làm tựa cho tác phẩm, và có nhiều bài thơ, tranh vẽ mang ý nghĩa từ hoa sen. Nếu thơ là người thì Nguyễn Hữu Nhật đã hé mở tâm mình qua những vần thơ, nét cọ, nơi có hoa thơm cỏ lạ và thế giới sắc màu mà cả đời anh đắm say ngây ngất:

Bơi thuyền ra ngủ giữa ao
Đêm thơm sen thấm dần vào thịt xương
Nguyễn Du vỡ lẽ vô thường
Đem lòng gắn bó đoạn trường tân thanh.

(Thơ Hoa Sen – Nguyễn Hữu Nhật)

Người xưa, trong Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du có câu: “Lạ gì bỉ sắc tư phong / Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.”  Nguyễn Hữu Nhật một con người nhiều gian truân nhưng rất đa tài, đã từng là là một họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, người lính, người đấu tranh cho tự do. Làm sao con người ấy có thể chất chứa tất cả những thứ đam mê tinh thần vào trong một tâm hồn? Có phải những thành quả của sáng tạo, những thành tích hăng say, những năm dài tù đày, và nửa đời lưu vong cho đến ngày nhắm mắt, tất cả đã được thể hiện trong tác phẩm? Có điều Nguyễn Hữu Nhật đã nhờ thơ mà được thăng hoa với thơ trong thời kỳ làm nhà xuất bản, tạp chí văn học, và cũng chính thơ đã theo anh trầm luân trong chốn tù đày, làm bầu bạn trong chốn biệt giam. Chỉ có thơ mới cứu rỗi một tâm hồn đau khổ và xoa dịu nỗi niềm mà nhà thơ hứng chịu:

Thiền sư chỉ gọi là thơ
Những gì đời chẳng bao giờ viết ra
Chỗ không nói đến chính là
Một nơi gặp gỡ giữa ta với người.

(Thơ Hoa Sen – Nguyễn Hữu Nhật)

Thơ là sự đồng cảm giữa hai tâm hồn đồng điệu của thi nhân và người đọc. Đi sâu vào cái hay cái đẹp của thơ là công việc vô cùng khó, xin để việc này về sau cho các nhà nghiên cứu văn học. Tôi chỉ ghi lại ít cảm nhận về một người bạn. Nguyễn Hữu Nhật, mang tâm hồn thi nhân từ lúc còn nhỏ nên đã xuất khẩu thành thơ, nguồn thơ trong anh lai láng như dòng suối chảy, chất thơ lóng lánh đầy sắc màu hội họa bằng ngôn ngữ hình tượng mới và độc đáo:

Chỉ vầng trăng sáng long lanh
Ở trong cái tách hoa xanh uống trà
Rồi thày đổ hết nước ra
Hỏi còn chiếc bóng có là vầng trăng.

(Thơ Hoa Sen – Nguyễn Hữu Nhật)

Trước năm 1975 anh là họa sĩ. Giới văn nghệ biết đến anh qua những cuộc triển lãm tranh ở Hội Việt Mỹ Sài Gòn, Trung Tâm Văn Hóa Pháp Sài Gòn, và làm báo Văn Học.

Bán Tranh

Xưa không thích để ai xem
Bức tranh gia bảo vẽ em nhập thần
Giờ lòng đói khát rất cần
Xúi chân đi bán, anh gần hóa điên.

(Thi tập Đã Đời – Nguyễn Hữu Nhật)

Chỉ có bằng hữu mới biết cái tên: Thơ Động Đình Hồ, tập bản thảo 5000 câu Lục Bát. Sài Gòn thuở ấy có rất nhiều thi sĩ thành danh, thơ in nhiều nhưng thi sĩ lại nghèo, chẳng ai sống hoặc làm giàu bằng thơ! Trong đó có nhà thơ Phạm Thiên Thư đang nổi tiếng qua thi tập Động Hoa Vàng viết năm 1971, bài thơ dài được nhạc sĩ Phạm Duy rút ngắn lại phổ thành ca khúc “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” được in ra nhạc bản, phát thanh trên các đài radio, đài truyền hình Sài Gòn. Ca khúc nổi tiếng nhạc sĩ rủng rỉnh tiền bạc, mà thi sĩ lại nghèo. Thế mà Nguyễn Hữu Nhật vẫn thích làm thơ! Tác phẩm cũng như con người có số may rủi. Năm ngàn câu lục bát được nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật khởi viết đã lâu, sửa tới sửa lui nhiều năm, khi hoàn chỉnh đem tặng cho người bạn là LS, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình, hy vọng sẽ giúp in ấn cho ra đời tác phẩm. Nhưng biến cố năm 1975 xảy ra, LS Nguyễn Đăng Trình trước khi bỏ nước ra đi đã gởi cho người cháu nhờ cất giữ. Nhiều năm sau ở hải ngoại, qua tôi, Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn Đăng Trình đã liên lạc được với nhau.

Trong những thi tập của Nguyễn Hữu Nhật in ở hải ngoại như Thơ Hoa Sen, Cỏ Bồng, Đã Đời, Cuộc Chiến, đa số là thơ lục bát, một số ít là thơ 7 chữ và 5 chữ. Tổng số là 3356 câu lục bát, chưa kể những bài thơ lục bát chưa in. Trong những tập thơ, thi tập Đã Đời diễn tả được nhiều mặt của đời sống và con người. Những bài lục bát ngắn, độc đáo, mang tính luân lý phản ảnh cuộc sống, đôi khi trào phúng. Cái tựa thi phẩm Đã Đời có chút chua cay, diễu đời nên vị ngọt ngào, hương thơm của Sen bay mất!

Thơ của Nguyễn Hữu Nhật ngọt ngào diễn tả nỗi lòng, thân phận con người và tình yêu quê hương đất nước. Nhà thơ đã sử dụng thể Thơ Mới, ngôn ngữ thơ chân phương đầy sáng tạo. Sự chân phương khi đạt đến nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật phải điêu luyện, kiến thức uyên bác để có thể sử dụng ngôn ngữ giản dị mà lồng trong đó ý thơ sâu sắc chứa triết lý thấm từ đạo học tư tưởng Phật giáo.

Mẹ ngồi tụng kinh Liên hoa
Làm thơm suốt cả dãy nhà ba gian
Mình con ngủ gật cạnh bàn
Bài chưa thuộc hẳn, mộng toàn hoa sen.

(Thơ Hoa Sen – Nguyễn Hữu Nhật)

Ngoài thơ, làm báo, chăm lo nhà xuất bản, sở trường của Nguyễn Hữu Nhật còn là vẽ tranh. Thế giới tạo hình đã có sẵn trong năng khiếu bẩm sinh thể hiện qua khoa tay nên nét chữ của anh đẹp như thư họa. Vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước Nguyễn Hữu Nhật theo học thêm lớp hội họa ở trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn một thời gian để có kiến thức về tạo hình, sau đó tự mày mò sắc màu để tìm lối riêng cho mình trên con đường hội họa. Nguyễn Hữu Nhật dùng chất liệu sơn dầu để vẽ nhưng không theo một trường phái nào, đôi khi thể hiện màu sắc qua tranh cắt dán, tranh trên máy vi tính. Tranh của anh nặng về phần nội dung, ý tưởng, mà ít thể hiện qua màu sắc. Trong số tranh có bức tranh Paris Say, vẽ tháp Eiffel biểu trưng cho Paris, tháp nghiêng ngả như đang say men rượu! Bức tranh Trẻ Thơ và Búp Sen: Nội dung của tranh diễn tả sự truyền đạt tinh túy cho thế hệ trẻ được thăng hoa, bức tranh Cát Bụi vẽ ly pha lê vỡ …

Vẽ tranh trừu tượng thử chơi
Nghe thật nhức óc bao lời khen chê
Bỏ phòng triển lãm ra về
Ngồi nhìn mây bạc sơn khê họa người.

(Thơ Hoa Sen – Nguyễn Hữu Nhật)

Ra hải ngoại, họa sĩ đã nhờ chúng tôi tổ chức triển lãm tranh của anh ở Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tế Paris năm 2001. Đó là lần cuối cùng anh triển lãm tranh có tầm vóc lớn. Ở Paris tôi có giới thiệu với anh những danh họa: GS Minh Châu Thái Hạc Oanh và họa sĩ Vĩnh Ấn. Nữ sĩ Minh Châu là một bậc thày về tranh Lụa, còn họa sĩ Vĩnh Ấn qua Pháp từ thập niên 50 đã từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Thời gian lưu lại Paris họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật đã gặp lại những người bạn cũ là những danh họa: Thái Tuấn, Lê Tài Điển và một số bạn mới trong đó có họa sĩ René Loesh người Pháp đã lớn tuổi, sống ẩn dật làm bạn với những tác phẩm vẽ sơn dầu bằng dao. Ông là bạn và từng triển lãm chung với nữ danh họa quốc tế người Mỹ là Edna Hibel vẽ sơn dầu bằng bút. Họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật, nhà văn Nguyễn Thùy cùng tôi đến thăm họa sĩ René và vào xem tranh của ông. Khi bước vào phòng tranh nhìn thấy số tranh trưng bày, anh Nguyễn Hữu Nhật đã ngả nón và nghiêng mình tỏ thái độ ngưỡng mộ trước tác phẩm làm tôi và nhà văn Nguyễn Thùy cảm thấy hân hoan vì những tâm hồn đồng điệu đã gặp nhau.

Tiếp theo tôi đưa Nguyễn Hữu Nhật đến giới thiệu với Nữ danh họa Michikok người Nhật. Bà có một phòng tranh lộng lẫy trong khu biệt thự của các danh họa Pháp thuộc những thế kỷ trước ở Auvers-Sur-Oise, gần bảo tàng của danh họa Van Gogh. Ông Bà Họa sĩ Michiko Kitago rất vui vì được quen biết thêm một họa sĩ Việt Nam. Họa sĩ Michiko Kitago đã đưa chúng tôi đi xem tranh, giới thiệu qua nội dung một số tác phẩm. Trước khi ra về chúng tôi cùng ông bà đã chụp chung nhiều hình lưu niệm.

Ngày trước ở Sài Gòn thỉnh thoảng tôi đến thăm họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật ở Kỳ Đồng và Cao Thắng, cùng ngõ nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả ca khúc “Lối Về Xóm Nhỏ”, “Tôi Yêu” …. Vào tù ở chung trại, và có một thời gian nằm chung bệnh xá Suối Máu, hàng ngày giúp đỡ lẫn nhau. Thuở đó sự thù hận của hai phía rất cao, chúng tôi là đối tượng bị xếp loại cứng đầu hay chống đối, không chịu học tập cải tạo nên bị cán bộ quản giáo giám sát kỹ! Có lần tôi lên nằm bệnh xá vì vết thương do chiến tranh bị nhiễm trùng nặng, còn anh Nguyễn Hữu Nhật được đưa lên bệnh xá vì bàn tay khi đi lao động bị cây làm trầy, vết thương không nặng, nhưng vì không có thuốc nên lâu ngày đã trở thành nặng sưng húp cả cánh tay. Y sĩ bệnh xá có ý định giải phẩu khiến chúng tôi lo ngại bị làm vật thí nghiệm! Bệnh xá thiếu dụng cụ, thuốc men. Dụng cụ lại tự chế, đã có từ thời kỳ chiến tranh! Ca mổ đầu tiên dự định là anh Nguyễn Hữu Nhật, kế tiếp là tôi và tiếp theo là các bạn tù khác. Tình trạng sức khỏe của tôi lúc đó rất bi đát, yếu hơn Nguyễn Hữu Nhật nhiều nên ít hy vọng được sống xót trở về! Thuở nhỏ tôi có học nhạc Cổ điển Tây Phương và chơi đàn nên rất trân qúy đôi bàn tay. Do đó không muốn bàn tay tài hoa của họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật bị cưa mất nên đề nghị với y sĩ bệnh xá được mổ đầu. Tôi nói với Nguyễn Hữu Nhật: “Nếu họ mổ mù mắt tôi thì anh tuyệt đối không cho mổ!” May là họ chỉ muốn hù dọa chúng tôi, do đó tôi mới còn chút ánh sáng mà viết lại dòng chữ này. Anh Nguyễn Hữu Nhật vì chút tình đó nên vào năm 2000 khi qua Paris trong một sinh hoạt văn học nghệ thuật, anh đã kể câu chuyện này trước các bạn Paris. Vì thế anh đã làm thơ tặng tôi và chăm sóc tập thơ Bóng quê của tôi, vẽ biểu trưng hình tôi và cây bút nhỏ máu:

Đọc Bản Thảo Thơ Đỗ Bình

Em ơi, Hồ Dzếnh hai dòng máu
Chảy gộp đời chung quê mẹ ta,
Nuôi cho anh cả dòng sữa Việt
Là một nguồn thơ thắm sắc da!
Nước non buồn bã nhìn hai mắt,
Anh thấy dư thừa em biết không
Chiều nay dõi bóng quê nhà khuất
Tình vẫn nghiêng về cõi núi sông.
Bóng quê nào phải quê nhà thật,
Sa thật lòng quê chiếc bóng soi,
Nhớ em, anh đứng trên Cầu Mới*
Trông xuống sông Seine dạ bùi ngùi.
Có một tình yêu như yêu nước
Chết mang theo, sống để trong lòng
Anh không nhìn nó bằng con mắt
Mà cả tâm hồn, em biết không?

(*Pont Neuf – Thơ Nguyễn Hữu Nhật)

Nhóm văn nghệ sĩ và công chúng ở Paris rất qúy tài năng của thi văn họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật. Họ rất trân trọng những gì anh đóng góp chung cho Văn Hóa. Ngoài tâm hồn nghệ sĩ, Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn Thị Vinh rất yêu quê hương đất nước, yêu tự do. Mười hai năm tù là khoảng thời gian qúa dài đối với đời người, hết thời trai trẻ, nên Nguyễn Hữu Nhật căm thù CS đến mức cực độ. Do đó anh nghi ngờ những ai có suy nghĩ khác mình về phương cách chống cộng, cho rằng họ muốn hòa hợp hòa giải với Cộng Sản. Vì thế anh đã tận dụng khả năng kiến thức, biến ngòi bút của mình thành đao bút khi nhận xét về tác phẩm, phê phán về bằng hữu! Cặp văn sĩ Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn Thị Vinh rất tích cực trong sinh hoạt báo chí và văn bút. Sự hăng say và khát vọng của anh đôi khi quá cầu toàn. Điều đó đã tạo sự kích động đến cuộc tranh chấp âm ỉ từ lâu trong văn giới, dẫn đến cuộc bút chiến năm xưa! Ngày ấy tình hình chính trị quốc tế có nhiều biến động. Bức tường Berlin đã sập đổ, Liên Bang Sô Viết cáo chung. Các phong trào tự do dân chủ của nhiều nước đang dâng cao, và những người cầm bút thành danh của Miền Nam trước năm 1975 sau nhiều năm bị tù đày CS đã theo diện H.O. ra được hải ngoại.

Để quy tụ những cây bút này thành một lực lượng có tiếng nói chung vào Văn Bút VN Hải Ngoại, một tổ chức còn lại duy nhất của VNCH được quốc tế công nhận sau năm 1975 do các nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, Trần Tam Tiệp, Trần Thanh Hiệp, Nguyên Sa, Tô Vũ thành lập ở Paris. Do đó, nhiều nhà văn lão thành đã liên lạc thư từ mời các văn hữu mới đến đất tự do tham gia hoặc gia nhập Văn Bút. Những nhà văn như Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Hữu Nhật, nhà báo Đặng Văn Nhâm cùng những nhà văn khác viết thư kêu gọi sự đứng chung. Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn Thị Vinh từ Na Uy sang (Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh là người còn lại của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn). GS Đặng Văn Nhâm từ Đan Mạch đã đến Paris, họ đã kêu gọi mời nhiều người tham gia, trong đó có tôi. Nhưng sau đó tôi lại được thư của nhà báo Đặng Văn Nhâm cho biết nhà văn Nguyễn Hữu Nhật và Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh đã thay đổi ý định không chịu đứng chung! Thế là sự chia rẽ trở nên trầm trọng. Nhà báo Đặng Văn Nhâm khai chiến bằng những bài báo phê phán gay gắt. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhật cũng đáp trả. Sự phê phán nhau trên các tạp chí bùng nổ. Số lượng sách được viết ra hàng trăm trang của mỗi nhóm được tung ra khắp nơi ở hải ngoại, dẫn đến sự rạn nứt và tách nhau sau đó! Bằng hữu tranh chấp kịch liệt khiến tôi ngao ngán buồn cho thân phận lưu vong mà tự ý rút lui. Tôi làm vài bài thơ như một tiếng thở dài. Bài thơ “Đao Bút” và “Tỉnh Say” được đưa vào trong thi tập Bóng Quê của tôi, mà tập thơ do Nguyễn Hữu Nhật trình bày chăm sóc và in ấn, nhưng anh không nói gì.

Bút Đao

Bút đao đẫm mực buồn trang giấy,
Quẳng sách cho xong đỡ đắng cay!
Thấy cánh bèo trôi mà tủi phận
Chém nhau, con chữ cũng cau mày!

(Thi tập Bóng Quê – Đỗ Bình)

Tỉnh Say

Thi nhân lên núi tìm thơ,
Thiền sư xuống chợ ngẩn ngơ hóa khùng!
Nhân gian tranh miếng đỉnh chung
Người điên, hãi tiếng anh hùng ngủ say.

(Thi tập Bóng Quê – Đỗ Bình)

Sau một thời gian dài Văn Bút VN Hải Ngoại bị xáo trộn chia rẽ. Cuối cùng, những người mới lên thay, Văn Bút được phục hoạt. Tiếng nói của những người Việt quốc gia yêu tự do dân chủ lại thắp sáng ngọn cờ chính nghĩa trong các diễn đàn của văn bút quốc tế hôm nay. Mãi đến cuối năm 2010 nhà văn Nguyễn Hữu Nhật sang Paris ra mắt sách cuốn tiểu thuyết Hoa Đào Năm Ngoái. Anh ở nhà tôi chơi một tháng. Nhân dịp đó tôi đem thư từ, truyện cũ ra hỏi: “Tại sao anh chị cùng với anh Đặng Văn Nhâm và một ít người khác khởi xướng mời những cây bút có tác phẩm đứng chung Văn Bút, bỗng dưng anh chị lại thay đổi ý kiến?” Nguyễn Hữu Nhật tâm sự: “Mình không thể đứng chung với những người lập trường không rõ ràng!” Tôi liền nói: “Anh Đặng Văn Nhâm lúc đó đang là một khuôn mặt nặng ký trong một tổ chức chính trị là Hội Đồng VN Tự Do. Trong đó có nhiều khuôn mặt cao cấp cũ của Mỹ. Đồng thời anh ấy còn là phó đảng trưởng VNQDĐ hải ngoại, thì làm sao mà mất lập trường được?!”

Tôi nói tiếp: “Anh Nhâm nói với tôi là anh ấy tin anh chị, nhưng vì anh chị thất hứa và chính vì thế mà anh đã viết mấy cuốn sách muốn làm sáng tỏ sự việc cho bạn đọc!

Nguyễn Hữu Nhật: “Sự việc là ở chỗ đó, cái đuôi là ở chỗ đó. Ông Nhâm nhìn những người cầm bút theo cách của ông; còn người khác nhìn theo cách của họ. Điều đáng nói ở đây là ông ấy luôn viết bài chỉ trích chính khách, tướng lãnh VNCH, đụng chạm đến tôn giáo. Điều đó chẳng giúp ích gì cho công cuộc đấu tranh, cho sự tự do dân chủ quê hương, mà chỉ làm lợi cho CS!”

Tôi nói: “Tôi biết anh Đặng Văn Nhâm không bao giờ là CS và chẳng có ý định làm lợi cho CS; theo như anh ấy đã từng tâm sự với tôi về những điều anh ấy viết ra về những mặt tiêu cực, lem nhem của những khuôn mặt chính khách, tôn giáo, dẫn đến sự sập đổ của Miền Nam mà anh ấy đã từng tiếp xúc hoặc quen biết.”

Nguyễn Hữu Nhật: “Tôi và bà Nguyễn Thị Vinh biết ông ấy quá nên tránh né, nhưng vẫn bị ông lôi vào sách! Tôi định viết sách trả đũa nhưng bà Vinh khuyên nên thôi!”

Tôi nói: “Anh và Anh Đặng Văn Nhâm tôi đều qúy ở tài năng, hai anh lại dùng sách báo chống nhau, tôi đứng giữa khiến nhiều lúc không biết xử thế ra sao nên đành im lặng một thời gian không liên lạc với các anh! Cũng may hai anh không để ý chuyện nhỏ nên vẫn xem tôi là bạn, tôi xin cảm ơn.”

Vài nét về GS Đặng Văn Nhâm: Là tác giả nhiều bộ sách về biên khảo về Từ Điển Đan Việt, Báo Chí, Chính Trị, và Văn Học v.v. Đặng Văn Nhâm còn là một họa sĩ vẽ tranh biếm họa trên các tạp chí Sài Gòn năm xưa vào cuối thập niên 50 đầu 60. GS Đặng Văn Nhâm kiến thức rất uyên bác. Anh có khả năng viết trong ngày cho nhiều tờ báo với nhiều đề tài khác nhau mà vẫn giữ được phẩm chất. Đặng Văn Nhâm thích giao du bằng hữu nhưng tính tình rất khó đoán, nên ít người muốn gần! Anh Nhâm rất qúy tôi, xem tôi như một người em. Anh tặng cho tôi cây bút Mont Blanc, anh nói: “Cây bút này như tấm lòng của tôi để viết những điều tử tế.”

Nhưng từ khi anh trở về thăm quê hương, vì bận rộn viết lách anh ít liên lạc với tôi! Kể từ năm 2012 cho đến ngày anh Nhâm mất năm 2017 không còn liên lạc nhau, vì lý do: Ngày đó tôi đang viết về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Ý định viết đã từ lâu nhưng trong giới văn nghệ có một số bạn thân họ có nhận xét trái ngược nhau về Nguyễn Chí Thiện. Tôi lại cảm thấy cuộc đời quá ngắn ngủi, rồi cũng xuôi tay chẳng mang theo được gì, do đó tôi chọn một thái độ im lặng để đừng mất thêm bạn! Ngày nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua Paris lần đầu, tôi là người đầu tiên gặp do Hòa thượng Thích Minh Tâm, GS Lại Thế Hùng và LS Trần Tam Nại đưa đến vì tôi là người làm thơ. Sau đó anh Nguyễn Chí Thiện mới đến hội trường. Ở đó có rất nhiều người đồng hương tị nạn đang chờ đón anh để vinh danh. Ngay từ lúc gặp đầu, qua câu chuyện tôi biết ngay đây là người tù mà chúng tôi muốn nhờ quốc tế can thiệp vào năm 1992. Tôi liên tưởng đến câu chuyện: Vào tháng tư năm 1993 có một người trung niên, tên của anh ấy được gắn liền với nhân quyền gọi là Hùng Nhân Quyền, từ ngày còn ở trại cấm Hồng Kông. Anh cùng vợ và con còn rất nhỏ từ Đan Mạch sang Paris tuyệt thực nhiều ngày để tố cáo tội ác của CS và nhà cầm quyền VN. Anh cho biết anh bị chính quyền CS bắt vì là một đầu gấu nhưng được nhốt chung với tù chính trị cho nên đã gặp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ở Hòa Lò. Ở đó chính Nguyễn Chí Thiện đã khuyên anh bước vào đường tranh đấu cho Nhân Quyền. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện vẫn còn bị nhốt, còn anh mãn tù được thả ra và vượt biên đến xứ tự do quyết đấu tranh cho Tự Do Nhân Quyền. Trong câu chuyện ban sơ tôi đã nói với Nguyễn Chí Thiện: “Lát nữa đây anh sẽ gặp gỡ những nhà đấu tranh cho tự do dân chủ. Họ sẽ vinh danh anh. Ở hải ngoại những khuôn mặt nổi bị khen chê là lẽ thường tình, anh mới ra hải ngoại nên chưa biết. Nếu có một ngày anh bị phê phán trái ngược với sự đón rước như hôm nay thì anh cũng đừng buồn. Riêng tôi vẫn ngưỡng mộ anh vì anh đã mất cả đời trẻ bị 27 năm tù ở quê nhà!”

Lần đến Paris kế tiếp tôi và một số ít người cùng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện vào quốc hội Pháp, nghe anh Nguyễn Chí Thiện thuyết trình bằng tiếp Pháp. Số vốn liếng ngoại ngữ lúc đó đủ để thuyết phục những người nghe hiểu nỗi lòng của một người tù vì tự do. Sau này trong một sinh hoạt văn hóa của CLB Văn Hóa VN Paris chúng tôi được nhà văn Vũ Thư Hiên (Đêm Giữa Ban Ngày) kể chuyện ở chung tù với Nguyễn Chí Thiện. Khi GS Đặng Văn Nhâm phôn từ Đan Mạch cho biết anh đang viết về Nguyễn Chí Thiện, anh kể sơ cho tôi nghe về những điều anh đã viết. Nghe qua câu chuyện, có những điểm tôi không đồng ý với anh, lý do vì tôi quen biết Nguyễn Chí Thiện hơn anh, và cứ mỗi lần nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua Paris tôi đều gặp và sinh hoạt chung. Để tránh gây thêm sự mâu thuẫn nhau, tôi dừng bài viết, và cũng từ ngày đó cho đến ngày GS Đặng Văn Nhâm qua đời chúng tôi không còn liên lạc nhau nữa, nhưng tôi vẫn qúy mến anh. Ngày nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua đời tôi viết một bài tưởng niệm về những điều tôi biết về anh. Tôi đứng bên ngoài những quan niệm, phán xét, tranh chấp của bằng hữu và tôn trọng những khoảng riêng của mỗi người.

Nói về bộ thi tuyển nhiều tập Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca VN Hải Ngoại gồm những bài thơ đắc ý của nhiều tác giả có chung một hoàn cảnh ly hương, tị nạn CS, trong số các nhà thơ ở hải ngoại, do nhà văn Võ Đức Trung là người chủ xướng và chúng tôi là người thực hiện, gồm Đỗ Bình, Nguyễn Thùy, Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn Thị Vinh. Những cuộc họp đều ở nhà tôi. Cuốn thứ nhất bài tựa được nhà văn Nguyễn Thùy viết, nhưng bài viết dài qúa 39 trang nên Nguyễn Hữu Nhật đã dựa theo để viết lại còn ít trang và đã được chọn đăng trong tập Một.

Trước năm 75 Nguyễn Hữu Nhật có dáng cao dong dỏng, điển trai, nhưng nhiều năm tù đày đã tàn phá con người của anh. Nếu ngày xưa trên môi anh nụ cười rất tươi, nhất là giọng Bắc thật truyền cảm, ấm áp, thì sau do hậu quả những năm tháng tù đày, thuốc lá và bệnh tật, giọng nói năm xưa khàn đi nhưng vẫn ngọt ngào. Trong tâm hồn đó có đủ vị đời trầm bổng ngọt bùi, gian truân, nước mắt và một sự sâu sắc thâm trầm. Bằng hữu vẫn bảo: “Nguyễn Hữu Nhật rất khéo ăn nói, ngôn ngữ lại thật dịu dàng chiều theo tâm tình người đối thoại, nghe như rót vào lòng, quả là nhà thơ!” Đâu phải cứ nhà thơ mới nói hay, nhưng đối với Nguyễn Hữu Nhật là đúng. Con người dễ cảm đó nhiều lúc tự biến mình thành một hòn bi dễ lăn, nhưng khi va chạm vào ai người đó sẽ bật máu vì độ xoáy quá sắc bén và đã tạo nên một khoảng cách!

Lời Thề

Cảm thương lời thề lúc này
Nhà văn chẳng thể nào quay trở về
Phải đâu ‘giấy rách giữ lề ‘,
Chỉ không quên được lời thề lúc đi.

(Thi tập Đã Đời – Nguyễn Hữu Nhật)

Nguyễn Hữu Nhật là con người đa cảm, đa tình. Tôi đã thấy anh rơi lệ, giọt nước mắt được dấu kỹ vì trong anh chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm. Anh chỉ biết gượng cười làm một loài ốc chui sâu vào cát tìm sự an toàn. Anh qúy tình bằng hữu, thương gia đình nhưng không nói, chấp nhận sự hiểu lầm ngộ nhận! Cái nhìn của anh về con người và đất nước vẫn giới hạn trong lăng kính của một nhà văn, nhà báo nên khác với cái nhìn của những người làm chính trị có tham vọng quyền lực chính trị!

Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật rất nặng tình, ân nghĩa với nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh vì tấm chân tình của nữ sĩ đối với anh.

Nhớ Nguồn

Em không chỉ làm vợ anh
Mà là tất cả đời anh vui buồn
Con sông ra biển nhớ nguồn
Nằm nghe sóng vỗ bờ còn biết đau.

(Thi tập Đã Đời – Nguyễn Hữu Nhật)

Có lẽ thời gian trong tù thơ của Nguyễn Hữu Nhật nhiều xúc cảm nhất nên đã viết được những bài thơ chất ngất hào khí vượt thoát khỏi bóng đêm ngục tối. Bị mất tự do, nhà thơ đã phóng tâm hồn vượt thời gian để tìm kiếm kỷ niệm lẫn trong những ngày tháng cũ, dệt thành những áng thơ tình lãng mạng để xaa dịu những cô đơn, ngày tháng khổ ải. Bài thơ “Hoa Vàng” anh làm trong tù và rất thích bài này:

Hoa Vàng

Chỗ em đứng chờ anh ra
Bây giờ thiên hạ trồng hoa cúc vàng
Mỗi lần có dịp đi ngang
Nhớ em anh tưởng áo hàng lụa bay.
Nghĩ hoài sống mũi cay cay
Mấy năm chẳng trọn một ngày gần nhau
Hạnh phúc thường hay qua mau
Vắng nhau thì thấy ở đâu cũng buồn.
Ghế đau chân lạnh mặt bàn
Khói run thuốc vấn lửa tàn đốm rơi.
Anh muốn kêu lên: em ơi!
Nhớ gì nhớ đến chết người như không.
Tay vò hoa cúc nát lòng
Vàng phai hay ý chờ mong nhạt dần.

(Thi tập Đã Đời – Nguyễn Hữu Nhật)

Bài thơ “Gửi Tự Do” và bài thơ “Không Đề” anh cũng đọc cho tôi nghe lúc ở chung tù:

Thơ Gửi Tự Do

Nếu thật chờ nhau mà hóa đá,
Thì xin thử đợi một lần xem
Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc
Ngàn năm không thấy dấu chân em?

(Thi tập Cuộc Chiến, 1998)

Không Đề

Cô vào lớp dạy học trò
Văn chương trong sáng dạy cho yêu người
Ngoài cửa sổ là cuộc đời
Thế cô có dạy khi cười mà lại đau?
Đêm về nằm mộng gặp nhau
Bẻ đôi cục phấn ngày sầu dài thêm!

(Thơ làm trong tù)

Thi sĩ xem nhà văn Nguyễn Thị Vinh như người thày, là người tri âm văn thơ, người tri kỷ đã chia sẻ cùng anh những thăng trầm, cay đắng, ngọt bùi, nhất là tiếng sấm sét của dư luận. Thày ở đây chẳng phải về chữ nghĩa, style viết, kinh nghiệm viết lách, mà thày là người mở lối dẫn đường cho Nguyễn Hữu Nhật quen với những danh nhân, văn nghệ sĩ lão thành vang bóng ở đất Sài Gòn.

Nguyễn Hữu Nhật làm thơ rất dễ dàng. Nhìn cái gì cũng tạo được nguồn cảm hứng. Anh còn có cái thú thích ghi chép dù trên những mẩu giấy nhỏ hay trong những cuốn tạp ghi, đều ngăn nắp đẹp đẽ. Trong tù, cứ mỗi lần làm được bài thơ, anh cặp kè tôi hoặc vài bạn tù khác ra chỗ vắng đọc cho nghe những bài thơ tố cộng, thơ tình, những bài thơ này mà lọt vào tai quản giáo thì thi sĩ và người nghe đều bị cùm biệt giam! Tôi còn nhớ một số bài thơ của anh, sau này ra hải ngoại, cứ mỗi lần sang Paris anh ở chơi với tôi hơn cả tháng. Có lần tôi đã đọc lại cho anh nghe những bài thơ xưa của anh mà có bài anh đã quên hay còn nhớ lõm bõm. Trong số những bài thơ đó có bài được anh viết thêm và in thành thi tập, có bài chưa in.

Ước Mơ

Niềm hy vọng của đời tôi
Chạy ăn đủ sống để ngồi làm thơ
Là nỗi tuyệt vọng chẳng ngờ
Nằm trong nhà ngục, ước mơ ra đời.

(Thi tập Đã Đời – Nguyễn Hữu Nhật)

Vào năm 2012, khi đang viết về những dòng kỷ niệm tới đoạn Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn thị Vinh tôi đã phôn qua Na Uy hỏi ý kiến anh chị có nên đưa những bài thơ tình còn dấu, những đoạn đời mà chúng tôi đã trải qua còn ghi lại qua băng nhựa, vidéo, hoặc hình ảnh, thư từ, trong đó có đoạn phim tâm tình giữa tôi và anh do chính người bạn trẻ của anh ở Oslo đi chung, đã quay và còn để lại. Anh Nguyễn Hữu Nhật cho biết anh vừa trải qua cơn đột qụy tai biến mạch máu não, và hiện nay có vài tờ báo ở Mỹ đang khơi lại những ân oán cũ nên khoan đưa vào bài viết! Tôi dừng bài viết về anh chị ở đó, thả nó về cho mây khói. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc nhau đến ngày anh Nguyễn Hữu Nhật qua đời, chị Nguyễn Thị Vinh vào viện dưỡng lão, và thỉnh thoảng tôi được nói chuyện qua phôn với nữ sĩ Nguyễn thị Vinh nhờ con gái nữ sĩ là chị Trương Kim Anh trao máy.

Cắm Hoa

Người viết nào cũng mất đi
Chỉ còn để lại những gì viết ra
Gửi lòng người đọc gần xa
Coi như một cách cắm hoa vào bình.

(Thi tập Đã Đời – Nguyễn Hữu Nhật)

Những năm cuối đời, mỗi tháng vài lần văn thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật & Nguyễn Thị Vinh phôn qua tâm sự với tôi. Anh chị cho biết mặc dù bệnh tật già yếu nhưng hai người sống rất hạnh phúc, nhưng mỗi khi nghĩ dến bạn bè thì cảm thấy cô đơn! Anh thật sự buông thả vì chán ngán sự ganh đua nên muốn sống ẩn dật như một chiếc bóng và tìm nguồn vui qua văn xuôi, biên khảo. Bài thơ “Cô Đơn” là bài thơ làm ngày cuối cùng trong nhà thương của Nguyễn Hữu Nhật, do nhà văn Trương Kim Anh gởi đến tôi:

Cô Đơn

Tôi nằm nhà thương một mình
Chẳng ai thăm viếng nghĩ tình đã xa
Cuối cùng mới nghĩ được ra
Mua cho mình một bó hoa đỡ sầu
Giường bên một lão Bắc Âu
Cô đơn nằm khóc, hồi lâu lại cười
Ngập ngừng nước mằt khó rơi
Hình như tiếc lắm cái thời thanh xuân.

(Nguyễn Hữu Nhật; Oslo, cuối Đông 2014)

Trương Kim Anh cho biết nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật đã đóng thùng một số tác phẩm, mới định gởi qua Paris nhờ chúng tôi tổ chức ra mắt thì anh bị ngã bệnh! Chị Trương Kim Anh lúc còn nhỏ học Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Thuở ở bên Hồng Kông, lúc Trương Kim Anh còn bé, gia đình của chị và gia đình của nhà văn Nhất Linh rất thân nhau nên Trương Kim Anh được nhà văn Nhất Linh nhận làm cháu. Nhà văn Nhất Linh là người sáng lập Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Ngày ông qua đời, Trương Kim Anh cùng chú ruột đã tiễn đưa và thổi sáo trước linh cửu của nhà văn.

Dòng đời lặng lẽ trôi. Những người bạn của tôi GS Đặng Văn Nhâm, Họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình … đã bỏ cõi đời ra đi từ lâu. Các anh cả một đời say mê văn học nghệ thuật, Nguyễn Đăng Trình từng triển lãm Hình Ảnh trong Viện Bảo Tàng Nhiếp Ảnh Pháp ở Bièvres và Nguyễn Hữu Nhật triển lãm Tranh ở Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tế ở Paris. Những bằng ban khen, những giải thưởng, những cúp vàng, những buổi tiệc ăn mừng tưng bừng, trang trọng, Tranh Ảnh Sách Báo nay về đâu? Còn hay mất? Nó có chịu một số phận nghiệt ngã nằm trong đống phế liệu? Bao nước mắt của kiếp đời nghệ sĩ, những đam mê say đắm rồi cũng giã từ vì cái nhìn của người hôm nay đã khác! Vạn vật đã thay đổi. Nhớ lại bạn xưa lòng tôi rưng rưng cảm xúc. Chẳng lẽ đó là những vì sao băng, chẳng để lại chút gì trong buổi bình minh? Trên con đường tìm kiếm những mới lạ của nghệ thuật, dù mỗi người đều có những cảm xúc riêng theo ngành của mình nhưng lại có chung về giá trị Chân Thiện Mỹ. Nguyễn Đăng Trình, Nguyễn Hữu Nhật, người dùng máy bấm, kẻ dùng cọ. Cả hai đều cần nguồn ánh sáng và bóng tối để làm nền cho tác phẩm mình. Trong chớp sáng có một khoảng không màu thật kỳ diệu mà người đời đều không thấy. Đến khi giã từ nhân gian, chẳng biết các bạn tôi có tìm thấy ở cõi nào không?

Chú thích

Hoa Sen (Tập thơ, 1991)
Cỏ Bồng (Thơ, 1998)
Cuộc Chiến (Thơ, 1998)
Bờ Bên Kia (Tiểu thuyết Thiền, hai tập, 2001)
Hoa Đào Năm Ngoái (Tiểu thuyết 2009

Về Bến Xa
(Kính dâng hương hồn thi họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật)

Ở cõi tạm có điều gì vĩnh cửu?
Sớm muộn đều bồng giấc thiên thu
Về phương ấy hồn anh thanh thản
Rũ sạch đắm say lớp bụi mù.
Thơ Hoa Sen, Cỏ Bồng ngày đó
Bờ Bên Kia rồi cũng  hư vô?
Cuộc Chiến hóa rêu còn bỡ ngỡ!
Đời tài hoa tàn theo bóng mơ!
Quê hương non nước màu tranh vẽ
Biền biệt tháng ngày mây buồn che
Gỗ đá vẫn đau xa nguồn cội
Nhớ quê lòng ép cuộn tim se!
Cứ để khói sương thành diệu vợi
Hoa Đào Năm Ngoái bớt chơi vơi
Mùa đông vừa chớm Paris lạnh
Đọc lại thơ anh, bỗng thương đời!

Câu Chuyện Văn Nghệ

Vào một chiều thu năm 2004, chúng tôi gồm: Họa sĩ Thái Tuấn, họa sĩ Lê Tài Điển, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật từ Na Uy, nhà văn Nguyễn Thùy từ Thụy Sĩ, nhạc sĩ Trịnh Hưng, và Đỗ Bình, kéo nhau vào quán cà phê trên lầu khu Á Châu ngồi nói chuyện văn nghệ. Mở đầu câu chuyện nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả những nhạc phẩm vang bóng một thời như “Tôi Yêu”, “Lối Về Xóm Nhỏ”, “Tình Thắm Duyên Quê” … kể chuyện vừa về VN thăm lại những bạn cũ, như nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Hoàng Cầm, gia đình nhà thơ Quang Dũng và một số nhạc sĩ trong đó có Hoàng Giác… vv… Nhạc sĩ Trịnh Hưng nói: “Tôi về Hà Nội hỏi thăm Hữu Loan mà chẳng ai biết cả! Tôi vào cả viện âm nhạc Hà Nội hỏi cũng chẳng ai biết! Mãi về sau, hỏi trong giới xe ôm mới có người biết và chỉ đường xuống Thanh Hóa.” Nguyễn Hữu Nhật hỏi: “Sao anh không tìm những người bạn nhạc sĩ của anh ngày trước mà hỏi?” Trịnh Hưng: “Hơn 50 năm chưa về Hà Nội bạn bè cũ tan tác cả; biết các ông ấy ở đâu mà tìm! Tôi có thăm chị Văn Cao và nhờ chị hỏi thăm những nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Tô Vũ. May ra gặp các anh ấy thì sẽ rõ.” Trịnh Hưng lại nói tiếp: “Lúc ở Sài Gòn tôi có đến thăm anh Ưng Lang, Y Vũ, Tô Hải. Nghe anh Ưng Lang nói cũng sắp sửa sang định cư bên Mỹ. Còn Y Vũ vẫn sáng tác và sống bằng nghề chơi nhạc như xưa. Dạo này đời sống nghệ sĩ bên ấy có khá hơn lúc sau năm 75. Y Vũ biết tôi ngày xưa là bạn của Y Vân nên chú ấy rất qúy tôi.”

Chuyển đề tài sang hội họa, tôi hỏi họa sĩ Lê tài Điển, đang là giáo sư hội họa ở Paris: “Tại sao anh chọn phái trừu tượng?” Lê Tài Điển đặt tách cà phê xuống bàn, chậm rãi nói: “Ngay từ đầu thập niên 60, khi còn theo học ngành hội họa ở Huế, sau đó sang Paris tiếp tục học, moi đã chọn trường phái tranh trừu tượng. Đ ó là một cách đối kháng ngầm với lối Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa ở ngoài Bắc.”

Thi họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật: “Cho đến bây giờ ở VIệt Nam vẫn chưa dám phát triển trường phái trừu tượng!” rồi quay sang hỏi họa sĩ lão thành Thái Tuấn: “Anh nghĩ sao về lối vẽ tranh trên vi tính hiện nay?”

Họa sĩ Thái Tuấn: “Thật là tuyệt! Vẽ trên vi tính vừa mới về kỹ thuật vừa diễn tả được ý tưởng qua hình sắc để đạt tới cái tuyệt vời của nghệ thuật trong hội họa.”

Tôi góp ý: “Thế giới của nghệ thuật là vô tận. Mỗi nghệ sĩ tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của anh Thái Tuấn là thế giới phụ nữ.”

Họa sĩ Thái Tuấn cười và nói: “Trong hội họa có trường phái Ấn Tượng, Hậu Ấn Tượng. Tôi đố các cậu sau Siêu Thực là cái gì? Có Hậu Siêu Thực không?” Bị một câu hỏi bất ngờ mọi người cứ ngẩn ra! Nhà tư tưởng Nguyễn Thùy: “Tôi xin phép các anh để trả lời câu hỏi của anh Thái Tuấn: “Nếu có Hậu Hiện Thực thì chắc phải là Siêu Siêu Hiện Thực! Đã là “Siêu” rồi thì chắc không thể có cái “Siêu Siêu”. Tôn giáo quan niệm Thượng Đế là đấng Siêu Thực, Đấng hoàn toàn tượng trưng. Không thể có môt đấng nào “Hậu Thượng Đế”, “Siêu Thượng Đế”. Không một họa sĩ nào vẽ được hình Thượng Đế, không một Điêu khắc gia nào tạc được tượng Thượng Đế. Tôi cũng không gặp những từ “Tân Siêu Thực” (néosuréalisme) hay “Tân Tượng Trưng” (néosymbolisme). Vậy, nếu có “Hậu Siêu Thực, Hậu Tượng Trưng” thì chỉ là một cái “Không” (le Vide, le Néant, le Rien) thôi. Lý trí không thể hình dung ra sao.”

Vì trời đã xế chiều, họa sĩ Thái Tuấn phải gĩa từ chúng tôi ra về. Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Tôi thích tranh Thái Tuấn. Từ trước năm 1975, người họa sĩ sử dụng rất ít đường nét về chi tiết chân dung. Họa sĩ có biệt tài về cách dùng màu sắc, giản lược tài tình những gam màu tạo những khoảng trống xanh vàng tím, để thành một thế giới riêng Thái Tuấn. Thời gian sau ông về Sài Gòn sống với người con trai cả.  Tháng 9 năm 2008, họa sĩ Thái Tuấn đã giã từ màu sắc cõi đời để về miền vô tận, tạo một không gian sắc màu mới. Trước đó bốn tháng (10 tháng 5, 2008) nhạc sĩ Trịnh Hưng cũng giã từ cõi đời để về miền vĩnh cửu. Và năm 2014 Nguyễn Hữu Nhật cũng trở về hư vô. Năm ngàn câu Lục bát của anh trong tập bản thảo Động Đình Hồ cũng theo anh mất dấu!

Đỗ Bình
Paris 29 tháng 01 năm 2018


Nguồn: Bài do nhà văn Khổng Thị Thanh-Hương gửi


=============