bài đọc thêm (2) : " Nguyễn Văn Trung & thái độ trí thức "/ bài viết: Đỗ Lai Thúy ( Hà Nội) -- trích : vanhocsaigon
Nguyễn Văn Trung và thái độ trí thức
VHSG- “Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hoặc sau đại học, mà là người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra, điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức, mà là thái độ trí thức đối với các vốn ấy và, nhất là, đối với những vấn đề cuộc sống trước mặt đặt ra” – GS Nguyễn Văn Trung.
Trong các nhà phê bình văn học miền Nam 1955-1975, ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Trung(*) là một khuôn mặt đặc biệt, đa dạng và đa diện. Ông, trước hết, là một nhà triết học. Tốt nghiệp tiến sĩ triết ở Bỉ, người Công giáo ấy, với một luận án về Phật học. Như các linh mục khác, Lê Tôn Nghiêm và Trần Thái Đỉnh. Có thể, Phật giáo bấy giờ là cái nhìn phương Đông và dân tộc sang phương Tây và Kitô giáo. Cũng có thể triết học Phật giáo có những điểm tương đồng với triết học hiện sinh, trào lưu đang nổi lên mạnh mẽ ở châu Au và, phần nào, trên thế giới. Mà các ông chịu ảnh hưởng. Riêng Nguyễn Văn Trung, chủ yếu từ Jean-Paul Sartre. Nhất là thái độ dấn thân.
Bởi thế, sau khi khước từ lời mời sang Mỹ làm việc, Nguyễn Văn Trung về Việt Nam dạy Đại học Huế, rồi Đại học Văn khoa Sài Gòn. Nhưng không đi theo con đường truyền thống của một giáo sư đại học, làm công tác nghiên cứu, biên khảo, giới thiệu triết học phương Tây nói chung và triết học hiện sinh nói riêng, mà vượt khuôn viên nhà trường để đi vào đời sống xã hội. Triết học với ông lúc này không còn là một đối tượng nghiên cứu nữa, mà là một triết lý sống. Hay, nói khác, triết học xuống đường (chứ không/chưa phải đứng đường!).
Nguyễn Văn Trung là cây bút chủ lực của nhiều tờ tạp chí quan trọng như Đại học hồi ở Huế, giới thiệu triết học, văn học, giáo dục phương Tây, sau đó là Sáng tạo, Đất nước, Hành trình ở Sài Gòn, đụng nhiều đến các vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội của thời cuộc. Các bài viết của ông sau tập hợp lại theo từng vấn đề và xuất bản với nhan đề là Nhận định (6 tập). Ngoài ra ông còn viết những cuốn sách mang tính luận chiến về chủ đề văn hóa và chính trị như Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: thực chất và huyền thoại (Nam Sơn, 1963), Chủ đích Nam Phong, phê bình một quan điểm phê bình (1972), Trường hợp Phạm Quỳnh (Nam Sơn, 1975); về Phật giáo như Biện chứng giải thoát trong Phật giáo (Đại học, 1958), La Conception boudhique du devenir (Nam Sơn, 1963); về một chủ đề của triết học hiện sinh như Ca tụng thân xác (Nam Sơn, 1967), Ngôn ngữ và thân xác (Trình bầy, 1967)… Và, có lẽ, quan trọng hơn cả là những công trình viết về văn học như Lược khảo văn học I – Những vấn đề tổng quát (Nam Sơn, 1963), Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (Nam Sơn, 1965), Nhà văn, người là ai? Với ai? (Nam Sơn, 1965), Lược khảo văn học II – Ngôn ngữ văn chương và kịch (Nam Sơn, 1966), Lược khảo văn học III – Nghiên cứu và phê bình văn học (Nam Sơn, 1968)…
Viết về một vấn đề gì, dù lớn hay nhỏ, dù xưa hay nay, Nguyễn Văn Trung đều muốn đưa nó về tận gốc, tức thực/bản chất của nó, để suy xét, phê phán. Trong Lược khảo văn học I, những vấn đề tổng quát của văn chương được ông đặt ra dưới dạng câu hỏi: Viết là gì? Viết cái gì? Tại sao viết? Viết thế nào? Viết cho ai? Tuy chịu ảnh hưởng mô hình kiến tạo của Jean-Paul Sartre trong cuốn Văn chương là gì? (Nguyễn Văn Tạo dịch, Chi Lăng xuất bản, 1968), nhưng Nguyễn Văn Trung vẫn có cách trả lời mới cho những câu hỏi truy nguyên và vĩnh cửu này. Một nửa câu trả lời là ở lý thuyết văn học thế giới đương đại, chủ yếu từ cuốn sách của Sartre, còn nửa kia là ở những dữ kiện, nhận xét, phê phán hiện trạng nghiên cứu văn học của Việt Nam dưới cái nhìn mới. Câu đáp của Nguyễn Văn Trung, vì thế, lại đẻ ra những câu hỏi khác về văn học Việt Nam, rồi mỗi câu hỏi thứ sinh này lại có những câu đáp khác nhau ở bạn… Sách của Nguyễn Văn Trung mang tính đối thoại là vì vậy.
Thực ra, hồi đầu kháng chiến chống Pháp cũng đã từng có những câu hỏi như Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào? đặt ra cho giới cầm bút. Và câu trả lời cũng được đưa ra cùng lúc với câu hỏi: viết cho công-nông-binh; viết để phản ánh cuộc kháng chiến, để động viên các đối tượng trên hăng hái tham gia giết giặc lập công, thi đua sản xuất; viết dễ hiểu, phổ cập. Hỏi đáp này mang tính độc thoại, là tuyên truyền chứ không phải nghệ thuật.
Lược khảo văn học II đặc sắc nhất là phân biệt giữa ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ văn chương, và ở ngôn ngữ văn chương thì giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi. Trong cuộc sống hàng ngày thì cả người nói lẫn người nghe thường chỉ chú ý thông tin, nói/nghe cái gì, nên ngôn ngữ chỉ là một công cụ thuần túy. Còn trong văn chương thì ngôn ngữ vừa là phương tiện vừa là mục đích, thông tin giao tiếp và thông tin thẩm mỹ chồng lên nhau. Điều này thể hiện rõ nhất trong văn xuôi. Riêng với thơ thì thông tin thẩm mỹ được đặt lên hàng đầu, đôi khi là duy nhất, còn thông tin giao tiếp chỉ còn nhiệm vụ môi giới. Bởi thế, Mallarmé mới nói: Người ta làm thơ không phải với ý tưởng, mà với chữ, còn Valéry thì hình ảnh hơn khi so sánh văn xuôi là đi, còn thơ là múa. Đi thì bao giờ cũng phải đến đâu, tức có mục đích, múa thì không đến đâu cả, tức có mục đích tự thân. Và, cũng vì thế mà nhà lý luận thơ Jakobson nói một cách lý luận: Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh.
Có thể, những tri thức nói trên nay đã trở thành những tri thức học đường. Hiển nhiên như trái đất quay xung quanh mặt trời. Nhưng, ở ta, ngay cả những hiển nhiên ấy cũng còn chưa được bạn đọc số đông chấp nhận, kể cả một số bạn đọc chuyên ngành, cùng ngành biết đến, hoặc biết mà chưa đến. Vì thế mà giữa những người có chuyên môn chung chưa có ngôn ngữ chung. Và, cũng vì thế mà giữa họ không có tranh luận học thuật, chỉ có sự làm ồn hoặc độc diễn.
Lược khảo văn học III bàn nhiều đến phê bình văn học. Trước hết, Nguyễn Văn Trung tóm tắt và nhận xét về những phê bình cũ như (1) Ấn tượng, chủ quan, giáo điều, (2) Giáo khoa (theo Lanson), (3) Luân lý, (4) Tâm lý (theo tính tình học và phân tâm học) và (5) Xã hội (theo Taine, mác xít). Ông cho rằng những phê bình này đứng ngoài văn học để giải thích văn học nên dễ vấp phải những “lệch lạc”, “lạm dụng” và “tính chất cá nhân chủ nghĩa” do tình trạng khó khăn về sử liệu và, đặc biệt, “ảo tưởng về chân lý lịch sử”. Sau đó, những quan niệm phê bình hiện đại, chưa được áp dụng vào trong văn học Việt Nam như (1) Phân tâm phê bình của Charles Mauron, (2) Phân tâm hiện sinh của Jean-Paul Sartre, (3) Phân tâm vật chất của G. Bachelard, (4) Phê bình chủ đề của J.-P. Richard, Jean-Paul Weber, G. Poulet, (5) Phê bình cơ cấu của L. Goldmann, R. Barthes. Các phê bình mới này đều lấy tác phẩm làm trung tâm, mang tính nội quan.
Phải nói rằng, tính đến thời điểm ấy (1968), đây là một giới thiệu, tuy còn sơ lược, nhưng hết sức mới mẻ và mang tính hệ thống. Đặc biệt thể hiện sự mong muốn mang đến cho phê bình văn học miền Nam một sinh khí mới. Tuy nhiên, do việc tác giả cho rằng nếu vận dụng các phê bình mới thì sẽ khắc phục được hạn chế về sử liệu văn học, nên chưa làm nổi bật được những ưu việt tự thân của phương pháp mới. Hơn nữa, chưa thấy được sự chuyển từ phê bình cũ sang phê bình mới là sự vận động nội tại của tư tưởng phê bình văn học: từ tiền hiện đại sang hiện đại.
Có thể, với sự xói mòn của thời gian, nhiều luận điểm, ý tưởng chói sáng đương thời của Nguyễn Văn Trung nay đã ít nhiều xỉn màu. Nhưng có một điều hẳn sẽ còn tồn tại lâu dài, như một bài học kinh nghiệm, cho các thế hệ sau: đó là thái độ dấn thân khoa học của học giả Nguyễn Văn Trung. Vì thế, trong nghiên cứu, ông đã chọn phương pháp hiện tượng luận, hiện tượng luận hiện sinh, tìm về những bản chất. Và, cũng chính vì thế, ông có một thái độ trí thức đối với học vấn và, quan trọng hơn, với những vấn đề cuộc sống đặt ra.
Từ đó, Nguyễn Văn Trung chọn cho mình một diễn ngôn thích hợp là trình bày vấn đề làm sao cho tới gần được với bản chất sự việc theo lối mô tả hiện tượng học, mà không cần chú ý đến những ý kiến khác nhau của những nhóm người khác nhau đã có về vấn đề đó. Loại diễn ngôn này như một lời kêu gọi gián tiếp độc giả xóa bỏ lối nhìn thiên kiến hạn hẹp của nhóm mình để tiếp xúc với chân lý sự vật. Một ý hướng viết như vậy tất nhiên đưa đến nhiều ngộ nhận, phê phán.
Cuộc đời là một thực tại vô cùng phong phú và sống động, nhưng con người lại chỉ có thể nhìn nó từ một vị trí nhất định và vào một thời điểm nhất định, nên ý hướng nhận thức của anh ta về cuộc đời bao giờ cũng bị giới hạn ở một cạnh khía nào đó của nó. Vì thế, không thể coi một chân lý tuyệt đối, mà có nhiều chân lý. Đây chính là cơ sở của tính đối thoại. Và các tác phẩm của Nguyễn Văn Trung luôn mở ra cho đối thoại. Ông là người đứng về phía trao đổi.
ĐỖ LAI THUÝ
_____________________
(*) Nguyễn Văn Trung (1930-) quê Hà Nam. Du học ở châu Âu, về miền Nam sau hiệp định Genève. Giáo sư Đại học Huế, Đại học Văn khoa Sài Gòn, đồng chủ trương các tạp chí Đại học, Đất nước, Hành trình. Tác phẩm chính: Biện chứng giải thoát trong Phật giáo (1957), Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1962), Lược khảo văn học (3 tập, 1963-1968), Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: thực chất và huyền thoại (1963), Ca tụng thân xác (1967), Ngôn ngữ và thân xác (1968), Hành trình trí thức của Karl Marx (1966)…
Theo VHNA
=================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ