bài đọc thêm (1) : " giới thiệu nhà văn NGUYÊN VŨ [i.e. Vũ Ngự Chiêu 1943- ] / bài viết: Hoài Nguyễn -- Virgil Gheorghiu ( 03/ 11/ 2020)
THỨ BA, 3 THÁNG 11, 2020
Giới thiệu nhà văn NGUYÊN VŨ [ i.e. Vũ Ngự Chiêu 1943 - ] / bài viết: Hoài Nguyễn -- source : tongphuochiep.com>
Giới thiệu nhà văn Nguyên Vũ - Vũ Ngự Chiêu
- Hoài Nguyễn
- Hits: 1188
Thời còn là học trò Trung Học, tôi rất thích đọc những truyện
dài của nhà văn quân đội Nguyên Vũ. Tác phẩm đầu tiên của anh mà tôi được đọc qua giới thiệu của thằng bạn là quyển “Vòng Tay Lửa”… Sau đó tôi tiếp tục đọc một số truyện của anh nữa như “Đêm Hưu Chiến”, “Đời Pháo Thủ”, “Bóng Tối Tiếng Cười Môi Hôn Và Nghĩa Trang” …
Văn của Nguyên Vũ đậm chất lính, cảm nhận rất thực về tình cảm, thái độ sống, tình yêu trong thời chiến, thân phận con người trong chiến tranh và hoàn toàn không mang một chút hận thù sắt máu kiểu hô hào thúc đẩy con người nhắm mắt xông vào lửa đạn!
Trong “Vòng Tay Lửa” tôi thích nhất cái phong cách dùng từ mà mấy chục năm qua rồi tôi vẫn nhớ khi anh miêu tả cô Thương, người tình của Chuẩn có “nụ cười vỡ vụn như thủy tinh”…
Thời ấy tuy chưa bước chân vào lính nhưng tôi rất thích Nguyên Vũ miêu tả những pha “cụp lạc” của người lính khi họ rời chiến trường về lại thành phố, yêu cuồng, sống vội vì không biết ngày mai sẽ còn hay mất. Rồi khi nghe những câu chửi thề tục tĩu biểu lộ sự tức giận hay thân tình giữa các chiến binh xem trời bằng vung, tôi nghe như trong ngôn ngữ bình dân đó một cái gì oai hùng, một tính chất bạt mạng không kém phần lãng mạn của người lính miền Nam thời ấy.
Lan man một tí về một thời đã xa, trở lại với nhà văn quân đội VNCH mà một thời từng say mê này.
Nhà văn Nguyên Vũ tên thật là Vũ Ngự Chiêu, sinh năm 1942 ở Hải Dương là nhà văn quân đội rất nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975, chuyên viết những tác phẩm về người lính VNCH và cuộc chiến tranh Nam Bắc thời ấy. Ngoài ra anh còn có bút danh khác là Chính Đạo khi viết những đề tài thuộc về Sử học.
Khi cuộc chiến Việt Nam leo thang, chính quyền VNCH đã ban bố chính sách động viên, quân dịch. Vì thế, hầu hết thanh niên thời đó, phải nhập ngũ kể cả những người thuộc tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ. Số lượng những văn nghệ sĩ mặc áo lính, được ghi nhận là một con số đáng kể.
Nguyên Vũ đã tham gia quân đội và theo học khóa 16 Thủ Đức, sau khi tốt nghiệp trở thành lính Pháo Binh Dù.
Nhà văn Nguyên Vũ có khả năng viết rất nhanh. Buổi tối Nguyên Vũ có thể cùng anh em bạn bè đi chơi, ăn nhậu với nhau tới khuya mới giải tán. Về nhà họ, anh có thể viết tới sáng. Vì thế, sau mỗi tuần về phép Sài Gòn, trước khi trở lại đơn vị, bao giờ Nguyên Vũ cũng gửi lại tòa soạn Thời Luận số bài đủ để “xài” cho cả một tháng.
Có khoảng hơn 20 tác phẩm của Vũ Ngự Chiêu xuất hiện trước năm 1975 dưới bút danh Nguyên Vũ gồm có “Đời Pháo Thủ (bút ký), Những Cái Chết Vô Danh (tập truyện), Trở Về Từ Cõi Chết (truyện), Vòng Tay Lửa (trường thiên), Thềm Địa Ngục (truyện), Đêm Hưu Chiến (truyện), Sau Bảy Năm Ở Lính (bút ký), Đêm Da Vàng (trường thiên), ...v.v. Tại hải ngoại, Vũ Ngự Chiêu đã in thêm các tập Xuân Buồn Thảm, Cuộc Sụp Đổ Của Nam Việt Nam (bút ký), Trận Chiến Chưa Tàn (truyện), Giặc Cờ Đỏ (trường thiên), cùng hai tâm bút Paris: Xuân 1996, và Ngàn Năm Soi Mặt.
Đời Pháo Thủ (ký sự chiến trường) do Chọn Lọc in năm 1967 là một tác phẩm thuộc giai đoạn sớm của nhà văn Nguyên Vũ.
Sinh hoạt trong môi trường quân đội, chiến tranh, dù muốn hay không cũng là môi trường phong phú, giàu có chất liệu cho những người làm công việc sáng tác ở tất cả mọi lãnh vực; từ thơ, văn tới âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh...
Những cây bút chọn khía cạnh quân đội, chiến tranh làm đề tài chính hoặc, nghiêng nặng về lãnh vực này, được dư luận xếp vào hàng ngũ “những nhà văn quân đội”.
Nhưng không phải nhà văn quân đội nào cũng được người đọc đón nhận như một tác giả nổi tiếng; có số lượng sách tiêu thụ lớn.
Về những nhà văn quân đội nổi tiếng với những tác phẩm (thơ cũng như văn) của họ, có thể kể những tên tuổi về thơ, như có Tường Linh, Phạm Văn Bình, hay Linh Phương... Cả hai nhà thơ sau, đều nổi tiếng nhờ có thơ được cố nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. (Phạm Văn Bình với ca khúc “Chuyện Tình Buồn,” và “Mười Hai Tháng Anh Đi”; Linh Phương với “Kỷ Vật Cho Em”). Về văn có thể kể Văn Quang (lớp trước). Lớp sau vài năm, có thể kể tới Trần Hoài Thư, Đào Vũ Anh Hùng, Huỳnh Văn Phú... Nhưng, nổi bật hơn cả, nhiều người ở miền Nam thời ấy vẫn chuộng nhất là Nguyên Vũ (truyện) và, Phan Nhật Nam (bút ký, phóng sự).
Sau khi ra hải ngoại, Nguyên Vũ vừa tiếp tục cầm bút vừa đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp Tiến Sĩ Sử tại Đại Học Wisconsin-Madison năm 1984, sau khi cùng gia đình di chuyển về Houston, Nguyên Vũ là Giám Đốc nhà xuất bản Văn Hóa và tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Houston năm 1999.
Về nghiên cứu sử học, Nguyên Vũ đã in ba tác phẩm bằng tiếng Anh dưới tên thực, và 10 biên khảo bằng Việt ngữ với bút danh Chính Đạo. Biên khảo duy nhất bằng Việt ngữ ký tên thực của ông là bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn (1883-1945) gồm ba tập. Những tác phẩm ký tên Chính Đạo thường được viết cho độc giả không chuyên môn, dễ đọc hơn, không quá khô khan như các biên khảo đúng yêu sách bác học.
Nguyên Vũ vừa xuất bản tác phẩm mới nhất với tựa đề Cuộc Thánh Chiến …., 1945-1975, tập I, gồm 5 phần: Sơ lược tiểu sử Tổng thống Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963); Từ Điện Biên Phủ tới Geneva; Cuộc truất phế Bảo Đại; Mùa Phật Đản đẫm máu (1963); và “Phiến Cộng” trong Dinh Gia Long.
Sau năm 1975 ở hải ngoại, có những dòng thác ngụy tạo ngụy biện nhằm vặn méo sử kiện để chạy tội và biện minh cho sự vô minh của một số người. Vũ Ngự Chiêu đã dần dần xuất hiện như một nhà sử học khai sáng và can trường. Giá trị tinh thần của người trí thức không chỉ là tôn trọng sự thật mà còn nói lên sự thật và chấp nhận hậu quả của quyết định can trường đó. Đó là một sự đổi đời tâm linh có ý nghĩa đã hình thành nơi Vũ Ngự Chiêu. Huyền thoại và huyễn mị lịch sử đã làm cho người Việt xa nhau, chỉ có sự thật mới làm cho người Việt gần lại với nhau, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những tác phẩm mới của Nguyên Vũ - Vũ Ngự Chiêu là một đóng góp sáng giá và có ý nghĩa trong chiều hướng đó…
HOÀI NGUYỄN
source: tongphuochiep.com >
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ