Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

bài đọc thêm (1) : " nhà văn Trần Nhã Thụy [ i.e. Trần Trung Việt 1973- ] : con người tìm đạo "/ phỏng vấn : Nguyễn Quỳnh Trang - nguồn : https://vanhocsaigon.com>

 

Nhà văn Trần Nhã Thụy: Con người… tìm đạo


NGUYỄN QUỲNH TRANG 
thực hiện phỏng vấn

VHSG- Là người cả đời gắn bó với nghề viết, viết văn, viết báo, viết phê bình, làm xuất bản sách trực tiếp một thời gian cho một công ty sách tư nhân, hiện đang là trưởng đại diện của chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn, kiêm cả trưởng ban Ban văn Trẻ – Hội Nhà văn TP HCM, và phụ trách thêm một tờ báo… Nhà văn Trần Nhã Thụy luôn trong tình trạng quá tải công việc…


Nhà văn Trần Nhã Thụy

Gặp Nhà văn Trần Nhã Thụy giữa buổi trưa, giữa quận 1 nắng gắt, trong ngôi nhà nhỏ đầy cây xanh của chi nhánh NXB Hội Nhà Văn, khi anh đang mải miết chuẩn bị cho buổi gặp mặt CTV của NXB Hội Nhà văn. Phải mất rất nhiều chờ đợi, mới có thể bắt đầu phỏng vấn. Chúng tôi trò chuyện về cuộc đời anh, về con đường văn chương, tư tưởng sáng tạo…

Nhà văn Trần Nhã Thụy: Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi. Nơi tôi ở là một thị trấn nhỏ, có một chút nhộn nhịp của chợ búa, quán xá; phía trước mặt nhà. Nhưng từ sau lưng nhà trở ra là một cánh đồng lúa mênh mông. Cho nên, trong bối cảnh đó, có người sẽ bước lên phía trước, tức vào phố thị; còn tôi thì rút lại phía sau, tức hay lang thang ngoài cánh đồng.

Lứa chúng tôi lớn lên trong thời bao cấp, cả xã hội lạc hậu, nghèo túng. Hình ảnh nhà tranh, vách đất, đèn dầu…; không phải là hình ảnh trong văn thơ, mà đó là đời sống thật. Tôi từng sống trong một ngôi nhà như vậy. Cũng may, hồi đó tôi còn quá bé, chưa cảm nhận hết nỗi lo toan vất vả của cha mẹ; chỉ thấy tâm hồn mình thấm đẫm thiên nhiên.

Ngay từ bé, tôi là người rất yêu thiên nhiên. Nói có thể nhiều người không tin, nhưng tôi cắt cỏ, cắt lúa, cuốc đất… rất giỏi giang thậm chí giỏi hơn nông dân chính hiệu; mặc dù gia đình tôi không phải là một gia đình thuần nông.

Đến bây giờ, tôi vẫn thương thớ tuổi thơ tôi. Và, tôi vẫn luôn khẳng định rằng: cuộc đời con người đẹp đẽ nhất vẫn là những năm tháng tuổi thơ. Nếu tuổi thơ mà được tắm mình trong không gian làng quê thì không gì hạnh phúc bằng.

PV: Vậy trong muôn vàn điều đẹp đẽ của tuổi thơ ấy, ký ức nào theo anh đậm đà đến bây giờ?

– Có vô vàn những kỷ niệm tuổi thơ. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ. Bởi tuổi thơ ở nông thôn là tuổi thơ dữ dội, tuổi thơ côi cút, dù có gia đình bên cạnh.

Chúng tôi lớn lên vừa sau chiến tranh (tôi sinh năm 1973, năm 1975 thì thống nhất đất nước), làng quê còn rất nhiều bom đạn. Trên đường đến trường, có bạn vô tình dẫm phải trái mìn nổ chết ngay tại chỗ. Có bạn nghịch ngợm lấy đá ném qua ném lại, không ngờ đó là đầu đạn M79, thế là nổ đùng, phải chở đi bệnh viện thị xã cấp cứu. Tôi nghe người lớn nói, đầu đạn M79 bình thường không nổ, thậm chí dùng búa đập cũng không nổ, nhưng khi nó quay đủ vòng quay gì đó thì sẽ nổ tung. Tức là cú nổ đầy bất ngờ. Đầu đạn M79 rửa sạch thì vàng chóe đẹp vô cùng, cứ như những thỏi vàng ròng. Chính tôi đã bụm một bụm những “thỏi vàng” trước bụng áo để mang về nhà. Ba tôi thấy vậy thì lập tức mang đi bỏ trên dông (tức trên quả đồi, ở quê tôi người ta gọi là dông), rồi quay về bẻ roi quất cho tôi một trận nên thân.

Bọn trẻ chúng tôi chơi trò trốn tìm, thỉnh thoảng vẫn chui nhầm vào những hầm tránh bom, còn nồng nặc mùi lựu đạn hơi cay (quê tôi gọi là mù cay, tức cay mù mắt), thế là lào nhào chui ra, vừa chạy vừa chùi nước mắt.

Sau này, lớn lên, đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tôi thấy dường như không gian nông thôn trong tác phẩm của ông cũng phảng phất như quê tôi. Đặc biệt Nguyễn Huy Thiệp rất giỏi, tinh tế khi mô tả cái bầu sinh quyển làng thôn. Tôi vẫn nhớ những đêm đi soi cá đồng cùng với ba. Hai cha con xách một cái đèn măng – sông, soi trên mặt nước; cứ như thế chân lội từ cánh đồng này đến cánh đồng khác. Chúng tôi đi từ tầm 8 giờ tối đến 2 giờ sáng. Khi giật mình dừng lại, thấy mình đứng ở giữa mênh mông, hoang vắng rợn người. Cũng là một cánh đồng, nhưng nó không còn là cánh đồng của làng mình. Nó như một chuyến đi xuyên biên giới. Một chuyến đi xa kỳ vĩ nhất trong cuộc đời. Chúng tôi giật mình, rồi lầm lũi quay trở về.

À, xin được nói thêm, tuổi thơ của chúng tôi rất… ít nói. Dường như mỗi ngày chúng tôi chỉ nói vài từ hay vài ba câu. Bây giờ thì người ta nói nhiều quá. Nói không kịp nghĩ.

Giữa làng quê vừa mang mùi khói bom đạn, lại cũng đầy màu sắc ảo huyền ấy có những dấu hiệu nào liên quan đến con đường văn chương sau này của anh không?

– Lúc nãy, chị có hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất? Thật ra thì nhớ nhất hay nhớ nhì nó phụ thuộc vào tâm trạng, vào sự phục hồi trí nhớ. Nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là kỷ niệm lần suýt chết đuối.

Hồi đó, tôi còn là một đứa trẻ chăn bò. Và, như bao đứa trẻ chăn bò khác, chúng tôi sống hoang dại ngoài cánh đồng, trên nương rẫy. Mùa nắng ấm, chúng tôi lùa bò ra ngoài đồng, dắt chúng gặm cỏ trên những bờ vùng bờ thửa, trên kênh thủy lợi và dong bò vào những gò mả lớn để tụ tập chia phe chơi đánh trận giả. Mùa đông mưa dầm dề thì lùa lò lên dông, chui vào những cái mả lớn có mái che để trú ẩn, đào trộm khoai lang, nhóm lửa nướng ăn.

Khi đi chăn bò, trong một lần tập bơi cùng đám bạn, chẳng may tôi bị hút ra ngoài khúc mương sâu, tôi “giã gạo”, uống đầy nước vô bụng rồi chìm dần. Tôi nghĩ mình đã chết. Nhưng may mắn tôi được cứu sống vào giờ chót. Những kỷ niệm đó, về sau này, tôi có viết trong truyện ngắn Những bước chậm của thời gian.

Nhưng có thể nói, tôi không phải là một nhà văn “hiện thực xã hội”, mặc dù tôi có thể tự hào nói mình có rất nhiều vốn sống, nhiều chất liệu thực tế để viết. Hồi xưa và ngay cả bây giờ cũng vậy. Tôi quan niệm văn chương là hư cấu. Văn chương nên được bắt đầu từ tâm trạng thật hơn là câu chuyện thật. Ví dụ, khi nghe ai đó khoe rằng: “Truyện này được viết từ câu chuyện có thật 100%” thì tôi tụt hứng ngay và có thể là chẳng bao giờ đọc.

À, thật ra thì hồi bé tôi rất ham đọc sách, nhưng chẳng bao giờ muốn viết văn hay trở thành nhà văn gì đâu. Tôi ước mơ sau này sẽ thành một ông chủ, kiểu như chủ một trang trại hay chủ một xưởng bánh kẹo gì đó đại loại. Vì quê tôi ngày đó rất nổi tiếng về mía đường, bánh kẹo. Nói chung, tôi luôn ước muốn được sống như một người bình thường.

Con đường văn chương của anh bắt đầu như thế nào?

– Càng về sau thì tôi càng thấy rõ ràng văn chương nó thấm vào tôi từ lúc nào, rồi đến một lúc nó… chảy ra mà thôi. Chứ thành thật mà nói, tôi không có ý định trở thành nhà văn, cũng không có cái khát khao viết lách để được nổi tiếng, để lưu danh trong đời, hay để “trả nợ” gì gì đó như nhiều nhà văn vẫn tuyên bố.

Nếu chị để ý sẽ thấy, ngay từ lúc còn rất trẻ tôi đã không tham gia vào bất cứ một bút nhóm nào. Ngay cả bây giờ, dù có tham gia vào vài tổ chức nghề nghiệp, nhưng thực chất tôi vẫn là nhà văn… một mình. Đó là quan niệm từ xưa nay của tôi.

Cũng xin nói thêm, khi tôi cầm bút thì bạn bè tôi nổi tiếng ghê lắm. Nhiều cây bút trẻ nhưng đã là “bạn tri kỷ” với những nhà văn gộc, như Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Duy…Tôi cũng muốn lắm, nhưng vốn nhát, lại thấy mình chả có tài cán gì, cho nên cứ lặng lẽ. Lặng lẽ miết cũng thành quen và thấy cũng có cái hay của nó.

Bìa sách mới “Ba tao bay ra ngoài cửa sổ và 9 truyện ngắn khác” của Trần Nhã Thụy năm 2020

Dù không muốn thì cuộc đời anh cũng gắn bó với văn chương. Anh có thể chia sẻ những diễn biến về tư duy, cảm xúc của anh từ những trang viết đầu tiên?

– Gần đây, tình cờ tôi gặp nhiều bạn trẻ ở lứa tầm 30. Họ là những trí thức, có học hành nghiêm túc, có cống hiến nhất định cho xã hội. Nhưng khi nói về điều mà họ băn khoăn nhất thì họ nói về bản thể, về việc đi tìm chính mình. Nói nôm na, hầu hết họ đều mắc những vấn đề về tâm lý. Thì tôi chợt nhận ra rằng, ngay từ khi còn rất trẻ (từ 15 đến 20 tuổi), tôi thường đắm chìm vào những suy nghiệm cuộc đời, tôi thường đặt ra câu hỏi: Cuộc đời, rốt cuộc là gì?; Ý nghĩa cuộc đời, là gì vậy?. Đó là những câu hỏi siêu hình, nhưng nó cứ “ăn nằm” với tôi hằng ngày.

Rốt cuộc thì ý nghĩa cuộc đời là gì? Đến giờ này tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời thích đáng. Nhưng tôi không còn loay hoay với nó nữa. Tôi sống bớt lý thuyết, bớt “làm màu” hơn. Tôi nghĩ cứ sống thôi, lý luận chả để làm gì, cũng chả giải quyết được gì.

Cho nên, nếu nhìn lại, với một chút thao tác gọi là khảo sát, sẽ thấy văn chương của tôi viết ra từ nỗi buồn. Buồn quá mà viết văn. Chứ tôi viết văn không phải vì nghèo hèn, viết để kiếm tiền, mặc dù đến giờ vẫn nghèo hèn và vẫn có nhu cầu kiếm thật nhiều tiền.

Viết văn với tôi là nhu cầu tự thân. Không viết không được. Đơn giản vậy thôi.

Đến bây giờ, anh đã có định hình về mục đích trên con đường văn chương của anh?

– Không. Không hề có mục đích gì cả. Hay nói đúng hơn, mục đích duy nhất là viết ra nó, còn lại không có gì quan trọng nữa. Nói chị không tin, tôi chưa từng lưu giữ bất kỳ một văn bản nào, ngoài những cuốn sách đã xuất bản thì giữ mỗi cuốn 1 bản để làm kỷ niệm. Còn những truyện đăng báo, những bài viết về tôi, tôi cũng có xem qua, nhưng rồi… hững hờ ngay sau đó (Cười).

Anh từng nói: “Nhà văn, không thể lấy gì khác để khỏa lấp hay biện minh, ngoài trang viết, ngoài tác phẩm để lại của mình”. Nói rõ hơn, nhà văn chỉ có tác phẩm mới minh chứng được cho chính bản thân?

– Tôi có anh bạn thân là bác sĩ -TS Y khoa, sau một chuyến đi Nhật về có kể cho tôi nghe câu chuyện về một người lao công người Nhật, vào giờ tan tầm, vẫn cố nán lại, cúi xuống, chăm chú đưa chiếc khăn vào chỗ góc bàn để lau cho sạch vệt bụi. Sự chăm chú gần như quên lãng thời gian và mọi người xung quanh. Và như vậy, chiếc bàn được sạch sẽ đến chỗ cuối cùng, chỗ mà chỉ có người lao công mới biết được. Và, bạn nói, chỗ đó chính là giá trị của người lao công.

Câu chuyện thật sự gợi cho tôi suy nghĩ về giá trị của mỗi người. Nhớ có lần, ngồi với một bạn trẻ, tôi có nói đại ý rằng: xã hội mình lạ lắm, dường như chẳng ai bằng lòng với công việc mình đang làm. Giáo viên thì suốt ngày toan tính chuyện mánh mung. Nhà văn thì suốt ngày ngóng chuyện làm giàu. Còn mấy ông làm ăn thuộc loại business thì lại … khoái làm thơ cho nó sang (!)

Vậy giá trị thật sự của mỗi người nằm ở đâu. Tôi mạo muội đưa ra suy nghĩ của mình như thế này: Giá trị của một cầu thủ là đá bóng hay. Còn anh ta có đẹp trai hay không cũng chẳng có gì quan trọng. Giá trị của một anh lái taxi là thông thạo đường xá, lái xe an toàn. Còn ảnh có nhặt của rơi hay không chỉ là điểm tính thêm.

Có nghĩa là, trong giá trị cũng có thể chia: giá trị chính và giá trị phụ. Mỗi người phải hiểu giá trị chính của mình nằm ở đâu. Giá trị của một người cha là nuôi nấng và che chở con cái mình. Giá trị của một người làm sếp là trả lương đầy đủ và đúng ngày cho nhân viên. Chứ không như nhiều ông suốt ngày khoe mình là thiên tài làm báo mà báo bán không ai mua, tiền nhuận bút đã thấp còn nợ dầm dề không trả.

Giá trị của một người thầy là dạy nên học trò giỏi chứ không phải giỏi chửi học trò dốt…

Cuối cùng giá trị của một nhà văn là viết nên những tác phẩm hay phục vụ bạn đọc. Anh có thể giàu có hoặc quyền lực, nhưng những giá trị đó không thể thay thế giá trị văn chương của chính anh. Anh cũng không thể tạo nên giá trị cho mình bằng cách bày trò hãm hại làm giảm giá trị của người khác. Tôi nhận thấy trong sinh hoạt văn chương đầy rẫy sự nhỏ nhen, đố kỵ. Chính sự đố kỵ đã biến nhiều người trở thành kẻ độc ác, mà chính họ cũng không nghĩ mình đã thành như vậy.

Anh đã minh chứng điều trên bằng hơn 10 tác phẩm của mình?

– Ồ không, tôi không việc gì phải chứng minh cả, và tôi viết văn cũng chẳng để chứng minh gì cả. Tuy nhiên, nếu muốn hiểu về tôi, thì cũng nên đọc qua những tác phẩm của tôi một chút. Thời buổi này, người ta thường đánh giá nhà văn không bằng tác phẩm, mà bằng những kênh khác, nơi khác. Ví dụ, tôi từng bị nhiều bạn “hỏi khó” đại loại rằng: “Sao vấn đề này, câu chuyện này, không thấy anh viết gì trên facebook hết vậy? Có phải anh hèn, anh sợ không?”

Ồ, tôi cũng hèn, cũng sợ đủ thứ chứ. Nhưng không vì thế mà tôi không viết. Tôi cũng là người làm báo, tôi xử lý thông tin sau mặt báo, tôi viết bài bình luận đăng trên tờ báo của mình. Và, không việc gì tôi phải “khoe” điều đó trên trang facebook cả. Vả lại, bạn tài giỏi thì bạn cứ viết đi, viết cho cả thế giới đọc, bạn “đá móc” tôi làm gì cho mất thời gian? Hơn nữa, có thể bạn không biết, những điều mà bạn đang nghĩ, đang quan tâm, thật ra tôi đã viết từ lâu rồi. Nói tóm lại, đừng nên phán xét ai khi chúng ta chưa biết rõ về họ.

Giữa bộn bề công việc, anh vẫn viết đều, vậy anh có thể chia sẻ làm thế nào để anh luôn giữ được nhịp sáng tạo trong mình?

– Thật ra thì dù làm gì, cuối cùng tôi vẫn yêu mến công việc viết văn nhất. Cho nên, đôi khi, sau những “lạc lối” thì mình cũng tìm cách quay trở lại. Như đã nói ở trên, tôi tự hào mình có nhiều vốn sống, sự trải nghiệm; bên cạnh đó tôi cũng duy trì việc đọc sách, học hỏi thường xuyên. Cho nên, trong tôi lúc nào cũng có nhiều dự án văn chương. Chỉ là thu xếp được chút thời gian thì viết ra mà thôi.

Mới đây, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan có hỏi tôi rằng: “Mấy năm gần đây thấy ông hoạt động xã hội nhiều quá, vậy còn hứng thú viết văn không?” Tôi trả lời ngay rằng hoạt động xã hội không hề dập tắt đam mê sáng tác mà ngược lại là đằng khác. Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Hãy sống đi rồi hãy viết”. Khi vốn sống đầy ắp thì chuyện viết sớm muộn gì cũng đến mà thôi.

Khi đọc văn của anh có thể thấy anh thường cẩn trọng khi giữ nhịp điệu trong cách kể và văn của anh cũng giàu nhạc tính?

– Tôi đánh giá cao lao động nhà văn. Tôi không thích những nhà văn cẩu thả. Nếu anh ra chợ mua một miếng thịt heo, thì ít ra anh cũng làm món luộc, chứ không thể bắt… bạn đọc nhai món thịt sống. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần từng nói: “Viết văn cũng giống như… xắt thịt, phải xắt sao cho miếng thịt trông đẹp mắt”. Một nhà văn mà thua cả bà hàng thịt thì… hỏng quá (Cười)

Còn cái nhạc tính mà chị nhận ra, tôi cảm ơn và hạnh phúc vô cùng. Thật ra, thì khi mình viết bằng câu chữ của tâm trạng, tự câu chữ đã có nhạc tính, chữ nọ nối chữ kia, câu nọ nối câu kia. Nó tương tự như những cú đỗ domino, nhẹ nhàng thôi, nhưng hiệu ứng vô cùng.

Cũng có thể thấy anh chú trọng vào việc làm đẹp và sáng khi sử dụng từ ngữ!

– Lẽ dĩ nhiên tôi rất chú trọng vào việc dùng câu chữ. Nhưng nhiều khi mình cũng đành bất lực khi không thể điều khiển câu chữ được. Nói cho cùng, không phải là viết cái gì mà là viết như thế nào.

Vậy qua các tác phẩm đã viết, anh có thể cảm nhận được điều anh muốn truyền tải  thông qua văn chương?

– Đây là một câu hỏi quá khó đối với tôi. Thật ra thì tôi chỉ là một anh nhà văn quèn, nhà văn hạng hai mà thôi. Tôi không có tham vọng hay muốn truyền tải thông điệp gì thông qua văn chương để gửi đến nhân loại cả (Cười). Tôi chỉ nghĩ rằng: “Mình chỉ sống một cuộc đời, mà cuộc đời thì hữu hạn và chán ngắt, chỉ có sáng tạo mới có cơ hội bước ra những giới hạn và giúp mình sống thú vị hơn”. Tôi viết vì những suy nghĩ nhỏ bé vậy thôi. Nói như vậy không có nghĩa là tôi cứ viết “hồn nhiên như cô tiên”. Tôi cũng “cài cắm” vài thứ trong đấy, nhưng nó là gì thì tôi để cho bạn đọc tìm kiếm và… phán xét.

Anh thường sáng tác trong hoàn cảnh nào và cảm xúc của anh khi ngồi trước trang viết?

– Tôi có thể viết ở bất kỳ đâu, giữa đám đông hoặc giữa rừng già hoang vu. Nhưng tôi thường viết nhất là trong những tiệm cà phê, vào những buổi sáng và tiếp tục vào buổi chiều. Tôi ít khi viết vào buổi tối.

Thật ra thì tôi là người luôn trì hoãn việc viết, cực chẳng đã lắm, khi… chịu hết nổi thì mới viết (Cười). Nhưng tôi luôn duy trì việc ghi chú cho những gì muốn viết, sắp viết.

Cảm xúc của tôi mỗi khi ngồi viết là như thế này: “Mình lại viết văn nữa à? Sao phải như thế này?”

Viết văn với anh là việc tự nhiên như hơi thở, là việc đương nhiên không thể ngừng, vậy anh cân bằng thế nào giữa viết văn và các công việc khác? Cân bằng với bản tính nghệ sĩ và là người quản lý?

– Thật ra thì tôi là một người bình thường, chỉ có viết văn là không được… bình thường mà thôi. Cho nên, bản thân tôi có thể làm tốt rất nhiều việc: chăm con, đi chợ nấu ăn, sửa chữa nhà cửa… Tôi chưa từng làm “sếp” to (mà có thì tôi cũng không dám làm), nhưng thường được tin cậy vào vai trò leader (trưởng nhóm) tôi là người có khả năng giải quyết những việc cụ thể.

Tôi nghĩ nhà văn thì nên có chất nghệ sĩ, có tâm thế nghệ sĩ, tức bay bổng, không phán xét. Nhưng tôi rất sợ những ai “nghệ sĩ tính” quá, tức sống vô tâm, vô tình, vô trách nhiệm.

Ngoài việc viết văn, anh còn làm báo, từng có thời gian phụ trách phần giới thiệu bình luận những tác phẩm văn chương của đồng nghiệp, điều này có ảnh hưởng tới việc sáng tác ra sao?

– Chẳng giấu gì, hồi trẻ tôi đọc rất nhiều sách công cụ, sách lý luận phê bình. Tôi thấy mình cũng có thể lãnh hội được và có tư chất phê bình. Đến bây giờ tôi vẫn đọc sách công cụ nhiều hơn là sách văn chương.

Nhưng rồi tôi vẫn không chọn nghề phê bình, vì đơn giản tôi thấy sáng tác thú vị hơn. Phê bình có lẽ dành cho những ai không có… năng lực sáng tác (Cười). Hoặc ai đó muốn làm “đại ca”. Tất nhiên, chỉ nói vui thôi. Phê bình không đơn giản. Tôi nghĩ phê bình cũng như làm thầy, phải thông tuệ và phải trí tuệ mới đảm đương nổi. Cho nên, ở đời này có hai việc tôi không bao giờ dám làm, đó là: đi dạy và viết phê bình.

Còn việc viết giới thiệu tác phẩm, hay bình luận ngắn thì… quá dễ dàng đối với tôi, như lấy món đồ trong túi ra mà thôi (Cười). Nó không ảnh hưởng gì đến sáng tác của tôi cả.

Anh từng viết: “So sánh có vẻ hơi khập khiễng, nhưng cá nhân tôi thấy rằng con đường trở thành một nhà văn đúng nghĩa cũng giống như con đường tu của đạo Phật. Nghĩa là chúng ta cũng phải đi theo từng bước: Văn -Tư -Tu – Tín -Nguyện -Hành  tức Nghe – Nghĩ -Sửa Mình -Tin – Nguyện/ Dấn thân -Hành động (…) Nếu ai đi đúng đường như vậy, một cách bền bỉ, chắc chắn sẽ thành công”.  Anh có thể giải thích rõ nghĩa hơn điều này?

– À, nó là thế này, Văn -Tư – Tu được gọi là Tam học. Văn trong giáo lý nhà Phật thì Văn gọi là Nghe, bởi ngày xưa chỉ toàn nghe, truyền khẩu; nhưng thật ra Văn cũng có nghĩa là Đọc, là học hỏi, là… nghe ra điều hay lẽ phải. Chứ Nghe không phải là… nghe ngóng, hóng hớt. Nói chung đây là các bước thực hành để tu đạo, làm người.

Ở VN mình, con người ta dường như chỉ trở nên tử tế từ tuổi 60, tức từ khi về hưu, và khi già cả sắp chết mới tìm đến đạo. Thật ra thì tất cả có thể mờ mịt, tan tác, nhưng Đạo vẫn luôn sáng rõ, luôn tồn tại. Một người có Đạo khác với một kẻ vô Đạo.

Tôi chỉ nói vậy thôi, bằng trải nghiệm cá nhân mình, chứ không dám dạy bảo ai.

Xin cảm ơn anh và chúc anh một Năm Mới tràn đầy hoan lạc với những sáng tạo hay mới. ./.


NGUYỄN QUỲNH TRANG thực hiện

theo Tinh Hoa Việt


===================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ