Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

bài đọc thêm (12) : " Tạm biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa [ 1953 - 7/ 2021]' / bài viết: Trần Nhã Thụy -- nguồn: https://vanhocsaigon.com>

 

Tạm biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa


TRẦN NHÃ THỤY

Đêm qua, khi thấy nhiều người loan tin nhà văn Lê Văn Nghĩa qua đời, tôi không khỏi bàng hoàng. Thực ra, đó là thời khắc mà nhà văn được đưa từ bệnh viện về nhà, và đang hấp hối.


Theo thông tin từ gia đình thì nhà văn Lê Văn Nghĩa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 22h25 tối ngày 25.7.2021 tại nhà riêng, hưởng thọ 69 tuổi..


Nhà văn Lê Văn Nghĩa

Sự ra đi của nhà văn Lê Văn Nghĩa giữa lúc dịch Covid ở Sài Gòn diễn biến vô cùng phức tạp, khiến các bạn văn không khỏi bùi ngùi, thương tiếc.

Tôi với nhà văn Lê Văn Nghĩa không thân cũng không sơ, là bạn vong niên, cũng từng ngồi với nhau rất nhiều cuộc rượu, nhưng không phải là bạn nhậu.

Nhớ khi ở Báo Tuổi Trẻ, tôi thường gặp Lê Văn Nghĩa ở trong thang máy với vài câu chào hỏi ngắn và trò chuyện bâng quơ. Biết tôi viết văn, anh Nghĩa tỏ vẻ quý mến, thỉnh thoảng rủ tôi cà phê và mời xuống phòng làm việc của anh chơi.

Ghé phòng làm việc của anh Lê Văn Nghĩa tôi hơi bị ấn tượng. Đó là một căn phòng rộng, nhưng được thiết kế như ở nhà, là nơi anh bày tranh, các món đồ sưu tập, đĩa phim nhạc và sách… Lê Văn Nghĩa nói có khi làm việc khuya anh ngủ luôn lại đây. Từ đó, tôi biết thêm, Lê Văn Nghĩa ngoài cây bút trào phúng còn là một tay chơi thứ thiệt: chơi tranh, chơi nhạc, sưu tập đồ cổ và là một ảo thuật gia nghiệp dư duyên dáng.

Lúc ấy, Lê Văn Nghĩa là Tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi Trẻ Cười, cũng có thể coi là chủ bút. Anh từng nhiều lần mời tôi viết bài cộng tác, đặc biệt là mời viết bài báo Tết (nhuận bút rất khủng) nhưng tôi chưa từng viết bài nào cho Tuổi Trẻ Cười. Thế mà, sau này, có thời gian dài, tôi giữ mục Tiểu phẩm châm biếm của báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy với bút danh Hai Đầu Méo.

Thú thật, khi viết tiểu phẩm biếm tôi có tìm đọc Lê Văn Nghĩa để học hỏi, nhưng rồi không học được gì, tôi chỉ là cây bút biếm nghiệp dư mà thôi.

Hai nhà văn Lê Văn Nghĩa và Trần Nhã Thụy trong một lần hội ngộ nhóm Văn Học Sài Gòn

Ngạc nhiên và thú vị là sau khi về hưu, Lê Văn Nghĩa chuyển sang văn chương, làm một người kể chuyện khiêm nhường nhưng đầy nhiệt hứng. Mùa hè năm PetrusChú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏTụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏMùa tiểu học cuối cùng…là những truyện dài mang phong cách tự sự + hư cấu + tư liệu, rất độc đáo của Lê Văn Nghĩa. Như cách chúng ta quay ngược quá khứ bằng một tấm ảnh, một bài hát, hay một món ăn, thì Lê Văn Nghĩa muốn thông qua những trang viết của anh, người ta có thể sống lại một thời Sài Gòn. Đúng chất Sài Gòn.

Ngạc nhiên nữa, với cá nhân tôi, là cậu con nhỏ của chúng tôi đã đọc ngấu nghiến, hầu như không bỏ sót cuốn nào của Lê Văn Nghĩa dù chúng khá dày.

Ở khía cạnh này, tôi thực sự biết ơn nhà văn Lê Văn Nghĩa, khi đã truyền cảm hứng đọc cho lớp trẻ bây giờ. Một lớp trẻ được gọi là thế hệ Z, có thể giỏi công nghệ nhưng “chân không ký ức”.

Tạm biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa, một người anh dễ gần, bình dân mặc dù kiến thức uyên bác sâu rộng nhiều lãnh vực. Sự hóm hỉnh trong văn chương cũng như nơi con người anh, là chất nhựa sống đã phổ thành nhịp điệu ký ức.

Cầu chúc cho anh được an giấc ngàn thu. ./.

TRẦN NHÃ THỤY


===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ