bài đọc thêm (10) : " bài cuối cùng LÊ VĂN NGHĨA gửi cho viet-studies 13- 4- 21 tạp chí VĂN & TRẦ N PHONG GIAO / Lê Văn Nghĩa ( 1953- 7/ 2021) -- source : viet-studies ( Mỹ)
Tạp Chí Văn Và Trần Phong Giao
Lê Văn Nghĩa
Một trong những tạp chí sống dai và tạo được dấu ấn nơi bạn đọc cũng như giới viết lách là tạp chí-bán nguyệt san Văn. Những cây bút trẻ rất mong bài của mình được xuất hiện trên bán nguyệt san Văn vì được Văn đăng bài có nghĩa là đã đặt được một chân vào văn đàn. Còn chân nữa là phải viết liên tục, lao động cật lực mới trở thành nhà văn, nhà thơ chính hiệu con nai.
Tạp chí Văn- “tập san Văn Chương-Tư Tưởng-Nghệ Thuật” phát hành số đầu tiên vào ngày 1/1/64 có chủ đề là “Tuyển Tập Thơ Văn” với những bài của Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương, Nhật Tiến, Lê Văn Siêu, Mai Thảo , Hồ Hữu Tường, Đỗ Tấn … Chủ nhiệm tạp chí là ông Nguyễn Đình Vượng và thư ký tòa soạn là ông Trần Phong Giao. Trang bìa ba giới thiệu Bộ Biên Tập : Tràng Thiên-Nguyễn Minh Hoàng-Nguyễn Ngọc Phách-Vũ Đình Lưu-Trần Thiện Đạo-Thư Trung.
Đến số hai, tạp chí Văn chuyển đổi mục đích trở thành “tập san của những người ham đọc, hiếu học , ưa suy nghĩ”. Với biên độ của tiêu chí nầy, Văn đã có những số chủ đề giới thiệu và đăng tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng nước ngoài như “Albert Camus” (số 2),“Đọc Stefan zweig” (số 4), “Đọc Thơ Eugene Evtouchenko” (số 97)…Bên cạnh đó là những gương mặt văn chương đình đám của Sài Gòn như “ Số Đặc Biệt Về Thanh Tâm Tuyền”,“Giỗ Đầu Đinh Hùng”, “Số Đặc Biệt Vũ Hoàng Chương” (số 150)…Đáng chú ý trong từng số, tạp chí đều giới thiệu những sáng tác của những nhà văn thời danh cũng như những cây bút trẻ. Thỉnh thoảng Văn cũng tổ chức những số chuyên đề giới thiệu những cây viết trẻ như “Tuyển tập Những Cây Bút Trẻ”(số 114),“Đi Giữa Mưa Thu”(số 164, ra ngày 15 tháng Mười, 1970)…là tuyển tập những cây bút trẻ. Như tên gọi của nó, đây là các số báo Trần Phong Giao thực hiện, dành riêng cho những người mới đến với Văn.
Một số cây bút đã thành danh từ Văn có thể kể Trần Hoài Thư, Vũ Hữu Định, Y Uyên, Hà Thúc Sinh, Hồ Minh Dũng, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Lương Vỵ, Ngụy Ngữ, Cao Thoại Châu, Huy Tưởng, Đynh Trầm Ca, Phan Nhự Thức, Nguyễn Thị Minh Ngọc…Ngoài tạp chí Văn dành cho những người “ham đọc, ưa suy nghĩ và những cây bút” thì còn một đặc san Văn dành cho lý luận và phê bình ra đời vào năm 67, xuất bản ba tháng một lần. Năm 68 được đổi tên thành nguyệt san Tân Văn “Tập San Nghiên Cứu Và Phê Bình Văn Học’ và ra đến số 53 thì hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ vì bán không chạy bằng Văn dành riêng cho nghệ thuật và sáng tác.(?) Khoảng năm 1966, Văn còn xuất bản những quyển truyện Tuổi nước độc (Dương Nghiễm Mậu), Bay đêm (Saint-Exupery), Chân dung Nhất Linh (Hồi ký 7 tác giả), Ngôi trường đi xuống (Vũ Hạnh), Chị em Hải (Nguyễn Đình Toàn). ..
Trong vòng 11 năm, (64-74) vừa là bán nguyệt san và giai phẩm Văn đã ra được 267 số tổng cộng. Người đọc có thể tìm được chủ đề về các nhà văn Bích Khê, Bùi Giáng , Tchya Đái Đức Tuấn, Đinh Hùng, Đông Hồ, Hàn Mặc Tử , Hoàng Đạo, Hồ Biểu Chánh, Hồ Dzếnh , Khái Hưng, Lê Văn Trương, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Vượng , Nguyễn Đức Quỳnh , Nguyễn Gia Thiều (, Nhất Linh , Phạm Duy Tốn, Quách Tấn, Tản Đà, Thạch Lam, Thanh Tâm Tuyển, Vũ Trọng Phụng ... Song song đó, những số sau nầy tạp chí Văn cũng giới thiệu nhiều cây bút nước ngoài như Guy De Maupassant, Andre Maurois , Jean Paul Sartre, Franz Kafka, Francoise Sagan, những cây bút trẻ và những tập có chủ đề tưởng niệm những cây bút tiền chiến như Nhất Linh, Triều Sơn, Lê Văn Trương, Thạch Lam, Nguyễn Bính…
Phải nói linh hồn của Tạp chí Văn trong 7 năm (1964-1971) là nhà văn Trần Phong Giao. Chính ông là người chọn chủ đề, đặt bài, liên hệ văn hữu, trả lời thư bạn đọc, gửi báo biếu . Ông còn viết mục phản ánh tin sinh hoạt văn học nghệ thuật ký là Thư Trung, Mõ Làng Văn.Trong mục này ông có nhiều bài phê bình một vài tác giả dịch sai nguyên tác. Cụ thể là phê bình Phùng Thăng trong Bắt trẻ đồng xanh và không từ cả Vũ Ngọc Phan.
Trước khi vào văn chương, Trần Phong Giao đã làm nhiều nghề để kiếm sống như nhân viên hãng máy bay, thư ký hãng buôn vải, phu khuân vác tại bến tàu, tài xế, buôn bán thịt bò tại Vũng Tàu. Ngoài việc trong coi tờ Tin sách Trần Phong Giao còn viết và dịch văn những tác phẩm đã hoàn thành có Nửa đêm thức giấc (truyện dài), Ngồi lại bên cầu (tập truyện), Buồn mãi (truyện) và phiên dịch một số truyện nước ngoài.
Trước khi về với Văn,Trần Phong Giao là người đã góp phần sáng lập và sau đó điều khiển tờ Tin sách trong 3 năm liền và vì thiếu khả năng tài chánh nên Tin sách bị lâm nguy. Chính lúc đó Trung tâm Văn bút đã đứng ra tiếp nhận Tin sách và yêu cầu Trần Phong Giao tiếp tục điều khiển để duy trì tờ báo. Như vậy theo LM Thanh Lãng nói tới Tin sách là phải nghĩ ngay tới Trần Phong Giao và ngược lại nói tới Trần Phong Giao thì có nghĩa là Tin sách (Văn, số 30)
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng , người thay thế Trần Phong giao làm thư ký tòa soạn Văn vào năm 72 đã nhận xét về người đàn anh tiền nhiệm của mình.
“Trần Phong Giao là một người to lớn, vạm vỡ, khuôn mặt hơi lạnh và ít khi cười.
Với những người mới gặp anh lần đầu dễ cảm thấy khó chịu vì cái vẻ như là hơi “kênh kiệu thờ ơ” của anh. Thật ra, anh chỉ lạnh với người lạ trong giao tế buổi đầu, nhưng quen anh lâu mới thấy anh là người rất tử tế và nồng nhiệt. Tôi không biết những thư ký toà soạn các tạp chí văn học khác thế nào, chứ với Trần Phong Giao tôi có thể nói anh là một thư ký toà soạn đặc sắc nhất. Hơi bảo thủ, và khắt khe, có vẻ như anh chỉ tin vào những tài năng đã được xác nhận, nhưng không phải vì thế mà anh không sẵn sàng mở tay ra đón nhận những người viết mới.
Trong thư toà soạn, Trần Phong Giao thông báo sẽ còn thực hiện thêm nhiều số báo với những người viết mới khác…
Tờ Văn thời Trần Phong Giao thực sự làm sống dậy một đam mê chữ nghĩa của nhiều người viết trẻ. Trong thời gian làm tờ Văn, Trần Phong Giao thực hiện nhiều số đặc biệt không những về các nhà văn nhà thơ tiền chiến hay đương đại mà còn giới thiệu nhiều khuôn mặt văn học đương đại thế giới.Không mở đường và khai phá như Sáng tạo, không bắt mắt với lối trình bày nghệ thuật và trẻ trung như Khởi hành, Thời tập, nhưng Văn có được một chỗ đứng đáng tin cậy nhờ thư ký toà soạn Trần Phong Giao.
Trần Phong Giao là người khéo hỏi bài người viết và đối xử khéo sau khi đăng bài. Trong ngăn kéo anh bao giờ cũng có sẵn nhiều bài cho vài số báo. Chưa kể, anh còn đặt bài cho những số chuyên đề từ cả sáu tháng đến một năm trước. Có thể nói, tạp chí Văn thời Trần Phong Giao là một tạp chí văn chương hơi cổ điển và đặc biệt…ít lỗi chính tả nhất, bởi vì trước hết anh là người cẩn trọng, chăm sóc từng chữ, từng câu, từng trang bài, và sau nữa vì anh còn có một người phụ tá cần mẫn tỉ mỉ, giỏi chính tả ngữ vựng: Đàm Gia Tuấn. Đưa bài cho Trần Phong Giao, người viết có thể yên tâm nhiều mặt: bài không bị sai lỗi chính tả và, tiền nhuận bút có ngay sau khi báo ra.
Tôi nhớ anh đi chiếc mobylette cũ, một chiếc xe xấu xí, nhả khói tợn và máy kêu hơi to, chân đi dép thường hơn đi giày, áo sơ mi ngắn tay bỏ ra ngoài. Trần Phong Giao ít cười và hơi nghiêm. Tuy vậy cần ghi nhận, thời làm tờ Văn anh cũng bị nhiều trận đụng nặng. Như một lần với thi sĩ Nguyên Sa, và một lần với những độc giả miền Trung. Ở quán Cái Chùa, bọn tôi: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân, đôi khi vẫn đề cập đến anh như một “đề tài”. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ, có một ông thư ký toà soạn như Trần Phong Giao, “bố già” chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng yên tâm lắm.
Thế nhưng, năm 1972, không hiểu vì lý do gì đã làm cho hai ông chủ nhiệm và ông thư ký toà soạn “cơm không lành, canh không ngọt” nữa. Trần Phong Giao phủi áo ra đi. Anh đứng ra làm một tạp chí khác, tờ Chính văn với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Nhà thơ Viên Linh nói “anh em lúc đó rất tiếc, phải chi Trần Phong Giao làm một tờ giống như tờ Văn có lẽ anh thành công ngay.” Tờ Chính văn chỉ sống đến số thứ hai thì chia tay.”(Hết trích)
Đến cuối năm 1971, ông xin nghỉ tạp chí Văn-có lẽ vì bất đồng gì đó với ông Nguyễn Đình Vượng . Sau đó, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thay thế vai trò thư ký tòa soạn Văn vào năm 1972. Khi ông Nguyễn Đình Vượng mất, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng bận việc dạy học nên giao cho Mai Thảo chăm sóc đến năm 1975.
Theo nhiều tài liệu cho biết khi gặp ông, những bạn văn thấy ông là một người khó chịu, ít nói chỉ cắm đầu vào máy chữ khiến cho một số cây viết ngộ nhận về ông chứ thật ra ông là nguời rất tình cảm, hết lòng chăm sóc những tài năng. Ông cho biết, nếu không “lạnh lùng mặt sắt” thì ông không thể hoàn tất công việc của một thư ký tòa soạn vừa đọc bài và cũng làm nhiều chuyện không tên khác của tòa soạn.
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 13-4-21
================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ