bài đọc thêm (1) : " Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn " + " Mộ cụ Nguyễn Hiến Lê nằm lặng lẽ tại Lấp Vò " + " Đôi nét về cụ Nguyễn Hiến Lê " / nguồn: Trang nhà Bs Đỗ Hồng Ngọc (Tp. HCM)
Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn
BS Đỗ Hồng Ngọc cho biết: “Chính là nhờ mẹ tôi luôn động viên khuyến khích – bà là người rất có ý chí – lại nhờ cậu tôi là nhà văn Nguyễn Ngu Í dẫn đến trường và nhất là nhờ những cuốn sách quý giá của ông Nguyễn Hiến Lê, đã ảnh hưởng lớn đến tôi như Kim chỉ nam của học sinh, Gương danh nhân, Gương can đảm, Gương kiên nhẫn… Tuổi thơ tôi gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn là luôn có những tấm gương tốt quanh mình để tôi noi theo”.
Tình cờ tìm thấy những bài viết về học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyệt Mai xin được giới thiệu với các bạn.
Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn
Tháng 12 năm 2009 là lần giỗ thứ tư ngày ông mất (1912- 1984), ông Nguyễn Hiến Lê sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học trường Yên Phụ rồi trường Bưởi, tốt nghiệp Công chánh, khăn gói vào Nam ở lứa tuổi 22-23, và được bổ vào làm việc ở Sở thuỷ lợi Nam Việt, rồi sống tại miền Nam cho tới ngày mất để lại một sự nghiệp trước tác, biên khảo, dịch thuật đồ sộ với khoảng 120 tác phẩm có giá trị cho hậu thế.
Công việc ở Sở thuỷ lợi của ông lúc đó thực nhàn nhã: đo đạt mực nước sông để làm kế hoạch thuỷ lợi. Nhờ vậy trong nhiều năm, ông lênh đênh trên các sông rạch miền Nam từ Châu Đốc đến Long Xuyên, Rạch Giá, rồi từ Sóc Trăng, Sa Đéc đến Bạc Liêu, Cần Thơ… ông yêu mến và thuộc lòng cả những câu hò trên sông nước miền Nam và được sống những đêm trăng sáng vằng vặc của quê hương mà ông cho là còn đẹp hơn những đêm trăng mờ ảo ở Hàng Châu của các thi nhân đời Đường.
Gần đây, nhà xuất bản Long An đã cho in lại tập Gương Kiên nhẫn trong tủ sách Gương danh nhân của ông là một việc đáng mừng. Đọc Gương Kiên nhẫn, tôi thấy đời ông quả thực cũng là một tấm gương kiên nhẫn cho thanh niên. Thật vậy, có thể nói đời ông gồm trong hai chữ: Học và Viết. Ông học để viết và viết để học. Sống giản dị, nghiêm cẩn, ẩn dật, ông âm thầm làm việc trong suốt 40 năm cho đến ngày mất. Không bài bạc, rượu chè, không ham “nhảy đầm” như đa số thanh niên thời đó, ông gần như chỉ có một thú vui duy nhất: đọc sách và tự học thêm. Điều đáng quý là ông đem sở học ra để giúp đời với 120 tác phẩm trong mọi lãnh vực – đặc biệt trong lãnh vực giáo dục thanh niên – như chúng ta đã biết.
Hai môn tự học quan trọng của ông là Hán tự và Anh ngữ. Nhờ Hán tự và Anh ngữ, ông có chìa khoá để mở rộng cánh cửa kiến thức, tiếp xúc cả hai nền học thuật: Cổ học Trung Hoa và Khoa học kỹ thuật Tây phương. Thấm nhuần nho học, giữ được tinh thần nho học, lại có tinh thần khoa học, chuộng tính hiệu quả, năng suất như ông thì thật là hiếm. “Nho học” dễ thủ cựu mà “khoa học” dễ rơi vào thực dụng. Ông giữ được cái trung dung, làm được cái gạch nối giữa cựu học và tân học. Thế hệ trước ông bơ vơ và kêu lên “Cái học ngày nay đã lỡ rồi!” hoặc mai mỉa “Vứt bút lông đi vác bút chì!” (Tú Xương). Ông thì sử dụng được cả bút lông lẫn bút chì, mà còn mài sắc cả hai. Cổ văn Trung Quốc, Đại cương triết học Trung Quốc, Chiến quốc sách, Sử ký Tư Mã Thiên… đến Nhà giáo họ Khổng, Tô Đông Pha, Mạnh Tử… rồi Hiệu năng, Tổ chức công việc theo khoa học, Tự học để thành công, Kim chỉ nam của học sinh, Tương lai trong tay ta v.v… là những minh chứng.
Cách tự học của ông cũng lạ: Hán tự chỉ cần học để nhớ mặt chữ, không cần học đọc – vì không cần để nói mà chỉ để nghiên cứu. Ông nói học như vậy, 6 tháng đã đọc được Tam Quốc Chí nguyên bản không khó. Anh ngữ thì ông chủ trương “muốn hiểu rõ một ngoại ngữ thì phải dịch”. Dịch sao cho không thấy dấu vết dịch, dịch sao cho không thấy phản ý tác giả mà người đọc không ngờ là sách dịch là được!
Còn viết, ngay từ hồi còn lênh đênh trên sông nước miền Nam, ông viết hồi ký, nhựt ký để tự luyện văn. Đi đâu ông cũng ghi lại cảnh tình, phong tục tạp quán, từ đó, có Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đế Thiên Đế Thích, Trên con đường thiên lý… Khi ông học một khoá hàm thụ ở Pháp về tổ chức học, ông thấy đa số người mình thường mơ mộng hơn thực tế, làm việc thường tuỳ hứng hơn là có kế hoạch, ông viết hàng loạt những cuốn Tổ chức công việc theo khoa học, Tổ chức công việc làm ăn, Kim chỉ nam cho học sinh v.v… Ông chủ trương một tủ sách loại “Học làm người” như tủ sách La Bibliothèque de l’Honnête Homme của Bỉ, Culture Humaine của Pháp, Self-improvement của Anh Mỹ để giúp thanh niên tự rèn luyện, bổ sung cho cái học của nhà trường. Vì theo ông, nhà trường chỉ dạy cho ta cách học, còn mỗi người thì phải tự học suốt đời và học là để hành và hành là để học. Ông viết cũng là để tự học tốt hơn. Muốn viết thì phải đọc, phải nghiên cứu và nhờ đó hiểu sâu hơn. Ông làm việc đều đều mỗi ngày với một nghị lực phi thường, bền bỉ có giờ giấc nhứt định. Ngày đọc sách 5-6 giờ, viết 5-6 giờ. Cứ ngồi vào bàn viết đúng giờ, không cần đợi hứng. “Viết khoảng nửa trang thì hứng đến”. Nhờ vậy, mỗi năm trung bình ông viết 3 cuốn sách, trong 40 năm được 120 tác phẩm, có cuốn hàng ngàn trang, có cuốn hàng trăm trang. Ông viết tự nhiên, thành thực, bình dị, không cần hoa mỹ. Về danh nhân, ông chọn những nhà có tâm hồn cao đẹp, có công với nhân loại để giới thiệu cho thanh niên. Đặc biệt, ông yêu tiếng Việt: ngoài Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Tìm hiểu văn phạm, ông còn viết lúc về già Tôi tập viết tiếng Việt, Để tôi đọc lại, nhằm giúp các bạn trẻ tránh những sai lầm trong lúc viết.
Yêu tiếng mẹ thì yêu quê hương. Năm 1973, khi tôi gởi cho ông một bài thơ – Đi cho đỡ nhớ – viết về nỗi ước mơ được đi lại trên con tàu thống nhất Bắc Nam, ông trả lời: “Tôi cũng thèm đi quá. Mong cho mau tới ngày hoà bình để được đi thăm lại quê hương, để được uống nước dừa Tam Quan, ăn cam xã Đoài, nhãn Hưng Yên, hồng Bạch Hạc, cốm làng Vồng… Ông luôn nhớ đất Bắc: cảnh núi Tản hùng vĩ, cảnh ngã ba Bạch Hạc mênh mông vào mùa nước lớn, cảnh đồng ruộng văng vẳng tiếng sáo diều và thoang thoảng hương lúa, cảnh chợ quê lèo tèo mấy gian cột tre mái rạ với những quán chè tươi…
Dĩ nhiên, đó là quê hương trong trí nhớ. Năm 1979, ông được mời dự Hội nghị khoa học toàn quốc về vấn đề Giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt ở Hà Nội, nhưng lần đó ông bệnh không đi được, rồi không có dịp đi nữa.
Ông thường về Long Xuyên, quê hương thứ hai của ông, bùi ngùi nghe lại câu hò ngày xưa:
“… chèo vô Núi Sập lựa con cá khô sặt cho thiệt ngon,
lựa trái xoài cho thiệt giòn,
đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm,
em về em dọn một bữa cơm
để cho người quân tử
hò ơ… để cho người quân tử ăn còn nhớ quê …” [1]
Với tấm lòng như vậy, dễ hiểu tại sao mặc dù ông có điều kiện để đi xa – vợ con ông ở Pháp từ nhiều năm – nhưng ông chọn ở quê nhà, chết ở quê nhà (ngày 22/12/1984), và được hoả thiêu tại Thủ Đức. Ông Nguyễn Hiến Lê là một tấm gương kiên nhẫn, đáng quý.
Chú thích:
[1] Nguyên văn trong “Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê” như thế này:
“Chèo vô Núi Sập lựa con khô cá sặt cho thiệt ngon, lựa trái xoài cho thiệt dòn, đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm.
Em về em dọn một bữa cơm, để người quân tử, hò ơ… để người quân tử ăn còn nhớ quê…”
BS Đỗ Hồng Ngọc
(nguồn: trang nhà của BS Đỗ Hồng Ngọc)
***
MỘ CỤ NGUYỄN HIẾN LÊ
NẰM LẶNG LẼ TẠI LẤP VÒ
Tôi chạy hơn 150 km bằng xe Honda đến Ðồng Tháp để tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê. Tôi đi chỉ để thắp một nén nhang trước linh cữu con người đáng kính ấy. Ðọc sách, tôi biết mộ cụ nằm ở Lai Vung. Với một người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa như cụ, tôi tin người dân ở đó sẽ chỉ cho tôi mộ cụ dễ dàng như trở bàn tay.
“Mộ Nguyễn Hiến Lê hả ? Chị không biết. Chị chưa nghe cái tên này bao giờ” – chị D. lắc đầu. Nhìn sâu vào mắt chị, tôi biết chị nói thật. Tôi cứ nghĩ một học giả tài đức vẹn toàn như cụ thì ai từng cắp sách đến trường đều biết. Huống hồ chị – người công tác trong lĩnh vực văn hóa.
Câu nói chân thật của chị D. không khiến tôi suy suyển. Tôi cẩn thận ghi tên cụ vào giấy rồi đưa chị đọc. Cuối cùng, chị trả lại mảnh giấy với nụ cười e lệ : “Chị không biết thật rồi. Ðể chị giới thiệu cho em một người khác nhé !”.
Sau khi nghe nguyện vọng của tôi, người này nhún vai nói chắc nịch : “Anh chưa nghe tên ông ấy bao giờ. Em có lầm với ai không ?”. Tôi cố nở nụ cười méo xệch : “Anh không biết ông ấy thật à ?”. “Thật mà. Ông ấy là ai vậy em ?”. Anh hỏi lại tôi hết sức bình tĩnh như đang chờ được cung cấp thông tin về một con người xa lạ.
Nhìn chiếc máy tính nối mạng của anh, tôi dè dặt hỏi nhờ tra cứu thông tin về cụ. Google sổ ra cả một núi thông tin về cụ, nhưng chi tiết về mộ cụ hiện ở đâu thì không hề thấy. Anh đứng cạnh tôi nheo mắt đọc chăm chú. Cuối cùng anh a lên một tiếng: “Ông này cũng nổi tiếng dữ !”.
Câu nói của anh khiến tôi đau nhói. Ngồi xuống chiếc ghế đá lạnh lẽo chiều mưa, tôi tự hỏi mình còn cách nào để tìm ra mộ cụ. Tôi cảm tưởng mình đang phiêu lưu trong khu rừng rậm rạp để truy tìm kho báu.
Chợt nhớ cô giáo dạy văn cấp ba quê ở Lai Vung, tôi liền bấm số điện thoại của cô, hy vọng tìm được đôi chút thông tin. Nhưng cô giáo tôi không biết. Cô hứa sẽ gọi điện hỏi thăm bà con ở Lai Vung xem thử có ai biết mộ cụ ở đâu không.
Tôi lại không ngần ngại bấm số điện thoại của một nhà văn. Anh là người miền Tây, chắc sẽ có những thông tin hay. Kết quả là anh biết rất rõ về cụ, nhưng cái vụ mồ mả của cụ thì anh bí. Tôi lại lục trí nhớ để để tìm số điện thoại của một nhà báo. Sau khi nghe tôi hỏi, anh cười sặc sụa và mạch lạc trả lời là anh… không biết.
Không bó tay, tôi bèn bấm số 1080 và nghe giọng nhẹ nhàng của một nữ điện thoại viên. Tôi dám chắc là cô đã phải nhịn cười. Mất năm phút tra cứu thông tin, cô nói tổng đài chưa cập nhật thông tin này và mong khách hàng thông cảm.
Tôi thông cảm. Cụ Nguyễn Hiến Lê mất đến nay đã tròn 25 năm, không ai nghĩ đến chuyện nghiên cứu về cụ, một vị học giả dành cả đời đóng góp vào tàng thư dân tộc những tác phẩm giá trị nhất.
Mở đầu cuốn Ðông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Hiến Lê viết : “Mà có bao giờ người ta nghĩ đến việc thu thập tài liệu trong dân gian không ? Chẳng hạn khi một danh nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bạn bè của người đã mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích về vị ấy, rồi đem về giữ trong các thư khố làm tài liệu cho đời sau. Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lại có lợi cho văn hóa biết bao”.
Thật không ngờ, điều cụ luôn canh cánh trong lòng, đến khi mất lại vận vào chính đời cụ.
Vỡ òa niềm vui
Tôi đứng ở Lai Vung và biết mộ cụ cũng chỉ nằm đâu đó quanh đây. Chợt nhớ đến người thầy đã dạy cho tôi biết về Nguyễn Hiến Lê, lòng tôi vỡ òa như đứa trẻ. Tôi cuống quýt gọi điện cho thầy. Thầy cười rồi gửi tin nhắn. Tin nhắn không dấu. Một người dân đoán nơi tôi cần đến là chùa Phước Ân, gần ngã tư Cai Bường, Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò.
Người địa phương nhìn tôi dặn dò : “Từ Lai Vung, con đi thêm khoảng 10 km nữa dọc theo quốc lộ 80 là sẽ tới ngã tư Cai Bường. Tới đó con hỏi chùa Phước Ân ai cũng biết hết”.
Mưa bắt đầu nặng hạt quất vào mặt, vào mũi, vào áo; mưa ràn rạt nhưng tôi không cảm thấy rét buốt. Có điều gì đó cựa quậy trong lòng, vừa đê mê, vừa phấn khởi. Con đường trắng xóa trong màn mưa như những bông tuyết bay lững lờ trong không trung. Giọt mưa nào ngọt ngào rớt lên môi mắt tôi. Giọt mưa nào tắm mát tâm hồn tôi. Tôi phóng xe trên con đường thênh thang, lòng rộn ràng như đã đặt được bước chân vào chốn cần tìm.
Nơi an nghỉ của người nổi tiếng
Vĩnh Thạnh nghèo nàn và ướt át. Tôi phải hỏi tới người thứ tư mới biết chính xác đường vào chùa Phước Ân. Từ ngã tư Cai Bường rẽ tay trái vào hơn 1 km đường đất nữa mới tới.
Con đường len lỏi qua những vườn cây ăn trái xanh mướt và một cây cầu gỗ bắc ngang con kênh. Nhà dân nằm im lìm dưới tán lá như trái chín giấu mình sau vòm lá. Không khí thuần khiết hòa vào hương xoài dịu êm khiến tôi ngẩn ngơ. Gia quyến cụ Nguyễn Hiến Lê phải cực kỳ tinh tế và hiểu ý cụ mới đem cụ về an nghỉ chốn bình yên này.
Chùa Phước Ân hiện ra trước mắt tôi vừa trang nghiêm vừa thân thiện. Ngôi chùa đơn sơ ẩn hiện sau lớp lá bồ đề lóng lánh nước mưa. Không một bóng người. Không gian im ắng. Tôi dắt xe chầm chậm qua sân chùa. Một bà cụ mặc áo nâu sòng, mái tóc hoa râm xuất hiện. Biết tôi muốn tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê, bà chậm rãi trả lời. “Trong chùa này chỉ có thầy trụ trì với bà biết ông ấy thôi”.
Bà dẫn tôi vào chánh điện. Sau lớp kính mờ ảo của khung ảnh, nụ cười cụ Nguyễn Hiến Lê vẫn tươi rói và đôi mắt dường như vẫn dõi theo trần gian, đôi mắt như thăm thẳm một niềm an lạc. Di ảnh cụ được treo bên cạnh người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Liệp. Sau khi cụ mất, bà xuất gia đi tu và mong muốn được an nghỉ tại chùa Phước Ân cùng chồng.
Mộ cụ Nguyễn Hiến Lê nằm lọt thỏm trong khoảng 20 ngôi mộ khác. Ngôi mộ của một con người lỗi lạc nhỏ nhắn và giản dị đến nỗi bát nhang không một nén. Nhưng tôi biết, cụ rất ấm cúng khi nằm chung với toàn thể gia quyến trong một khu mộ.
Không hoành tráng lộng lẫy. Không bia đá trường cửu. Không khoa trương diễm lệ. Cụ nằm đó bên ngôi chùa trầm mặc nghe kinh kệ là một diễm phúc hiếm ai nghĩ tới. Có lẽ đây là lối đi mãn nguyện nhất đối với một tâm hồn vốn giản dị và thanh sạch.
Trong gian phòng ấm cúng bên ly trà nóng, bà cụ hỏi tôi có thân thích gì với cụ Lê không mà lại đi thăm mộ lúc trời mưa gió. Tôi thưa thật, tôi chỉ là người đọc sách của cụ. Tôi tìm mộ cụ chỉ để thắp một nén nhang trước hương hồn cụ để tỏ lòng cảm phục.
Bà chưa đọc sách cụ nên hỏi tôi rằng cụ viết sách hay lắm sao mà mất lâu thế vẫn có người nhắc đến. Bà nói nhỏ : “Con đã tìm được đến đây thì làm cách nào đó cho mọi người cùng biết nhé”.
Tôi cắm vào lư hương trên mộ cụ một nén nhang thành kính. Hương trầm tỏa bay làm cay cay khóe mắt.
TRUNG THU
(Nguyệt san Pháp Luật tháng 12-2009)
***
Đôi nét về cụ Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông được biết đến như một nhà văn, học giả, dịch giả, nhà giáo dục.
Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội. Năm 1934, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, sau đó làm việc tại Nam Bộ. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952, ông chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.
Nguyễn Hiến Lê đã dành trọn phần đời còn lại của mình để miệt mài viết sách. Ông có khoảng 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn, dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế…
Ông làm việc đều đặn 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày, gồm sáu tiếng đọc tài liệu và hơn sáu tiếng để viết. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt thời gian biểu này, ông đã hoàn thành một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Nhiều tác phẩm của ông trở thành cuốn sách gối đầu giường của thanh niên trẻ.
TH.C sưu tầm (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
***
Tìm hiểu thêm:
Hỏi: Thưa bác, cháu muốn hỏi bác một chuyện về Cụ Nguyễn Hiến Lê:
Theo cháu được biết thì cụ mất tháng 12 /1984 ( tại nhà ở hẻm 14 đường Kỳ Đồng, quận 3, gần chùa Minh Đạo… ), lúc cụ mất có mặt của bác….và được hỏa thiêu tại Thủ Đức.
Cháu lại đọc được bài “Đi tìm mộ cụ NHL” trên nguyệt san Giác Ngộ, nói rằng mộ cụ ở Đồng tháp, cùng với gia tộc. Vậy phải chăng đó chỉ là nơi lưu giữ hài cốt của cụ.
Cháu xin cám ơn bác.
Bacsinhaque- Bình Dương
Đáp: Muốn biết thêm về Nguyễn Hiến Lê, cháu tìm cuốn “Nguyễn Hiến Lê, con người & tác phẩm”, của nhiều tác giả, Nxb Trẻ, 2003.
Ô. NHL mất tháng 12/1984, tại BV An Bình, đưa về nhà riêng 12/3C Kỳ Đồng, Q3, TP HCM. Bác là người khám và chuyển ông vào BV. Trước đó ông không chịu đi. Khi thấy ông có dấu hiệu suy tim, phù phổi cấp (OAP) bác bàn với người nhà (Bà Liệp, vợ ông, và ông Lê Ngộ Châu- báo Bách Khoa) cùng thuyết phục ông đi BV. Lúc ông mất, bác có đến nhà viếng nhưng không đưa đám. Đám tang ông rất giản dị, chỉ một số người thân. Hỏa thiêu, đưa hài cốt về Long Xuyên, an táng trong một ngôi Tháp nhỏ, đặt trước nhà của ông bà (Nguyễn Hiến Lê & Nguyễn Thị Liệp), số 92 Tôn Đức Thắng. Lúc sinh thời, ông Lê theo Nho học, nhưng Bà Liệp xuất gia, nên chôn cất ông theo nghi lễ Phật giáo. Tháp của ông sau này được dời về Chùa Phước Ân, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Bác đã có lần đến viếng Tháp ông Nguyễn Hiến Lê tại chùa này. ./.
BS Đỗ Hồng Ngọc
(nguồn: trang nhà của BS Đỗ Hồng Ngọc)
============
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 00:57 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ