" Thái Tú Hạp & " Em Phan Thanh Giản ( Ái Cầm) Bỏ Đời theo Anh"/ Trần Thị Phước Lý -- source: https://luanhoan.net/
Thái Tú Hạp và |
Trần Thị Phước Lý |
"Sinh tháng 4-1940 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trước 1975, Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðơn vị cuối cùng: Phòng tâm Lý Chiến Quân Ðoàn I (bản doanh tại thành phố Ðà Nẵng - TTPL ghi chú) Sau tháng 4-1975 đi tù nhiều năm tại Kỳ Sơn Quảng Nam. Nhờ vợ là người Hoa làm đơn bảo lãnh về địa phương để "hưởng ân huệ tống xuất ra khỏi Việt Nam" theo chính sách bài Hoa Kiều kịch liệt trên toàn lãnh thổ Việt Nam năm 1978. Tôi thường gọi đùa " Thoát nạn qua kẻ hở lịch sử". Trong thời gian chờ đợi thủ tục dâng hiến tài sản tại địa phương, tôi đã đi xe thồ, làm công nhân hợp tác xã Quế ở Ðà Nẵng. Sau đó vượt biên đến trại tỵ nạn năm 1980. Học Graphics Design & Printing hai năm. Phụ giúp vợ về các dịch vụ thương mại đại diện in lịch từ Hồng Kông, Ðài Loan, mở nhà hàng Doanh Doanh ở gần Chinatown, Los Angeles kiếm sống qua ngày. Cuối cùng do bạn bè thúc đẩy và khuyến khích từ tinh thần đến vật chất nên vợ chồng tôi đứng ra làm báo Saigon Times. Tình trạng gia đình : Hai trai và một gái Hiện cư ngụ tại vùng Rosemead, Los Angeles, California, Hoa Kỳ"
Trên đây là "sơ yếu lý lịch" được chính nhà thơ Thái Tú Hạp trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh trong một bài phỏng vấn dài chừng bốn mươi câu .( loạt phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh rất qui mô, bao gồm hầu hết các tác giả đã thành của Việt Nam hiện ở khắp thế giới. Chủ đề chính trong các câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, xoay quanh trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật, bao gồm nhiều bộ môn thơ, văn, hội họa, âm nhạc...đi kèm với vài nét đời sống riêng của mỗi tác giả. Tài liệu qúi hiềm này, một số lớn đã được đăng tải trên các tạp chí văn học tại hải ngoại, và trong tương lai sẽ được sẽ được ấn hành thành sách) được in lại trong tác phẩm "Ðọc Thơ Thái Tú Hạp" do Sông Thu xuất bản năm 1999.
Với những "sơ yếu" như trên, hẳn nhiên chưa được đầy đủ, Và vì cuộc chuyện trò giữa hai nhà thơ khá dài, chúng tôi không tiện đánh máy "nguyên con", nên xin được dựa vào đó, cùng một số bài khác trong "Ðọc Thơ Thái Tú Hạp", để ghi thêm vài nét sau:
Ngay từ thiếu thời, Thái Tú Hạp đã tham gia trong sinh hoạt tập thể. Tại Hội An ông là một huynh trưởng trong Gia Ðình Phật Tử. Giáo lý nhà Phật đã đến với ông trong giai đoạn này, để mở ra những tích cực hoạt động xã hội của ông hiện nay tại hải ngoại, đồng thời cũng là mạch nguồn của tư tưởng thi ca chính yếu và xuất sắc của Thái Tú Hạp.
Bên cạnh sinh hoạt xã hội, Thái Tú Hạp đã sớm đến với "cuộc chơi văn chương chữ nghĩa". Ông khởi sự làm thơ và có thơ đăng báo từ năm 1956. Trong giai đoạn đầu của cuộc chơi này, liên tục, kéo dài đến năm 1975, Thái Tú Hạp trình diện với độc gỉa tại các nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san, tạp chí của miền Nam, từ Tự Do qua Thời Nay, Gío Mới...đến Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Nghệ Thuật vv...Ngoài việc "làm thơ để chạy nhật trình..." Thái Tú Hạp đã cùng với các bạn văn khác tại Cổ Phố lập một bút nhóm, sinh hoạt rất đều đặn và để lại được một tuyển tập thi ca có tên Sông Thu với ba tác gỉa cùng thành danh sau này : Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Hoàng Quy.
Thái Tú Hạp gỉa từ cuộc sống dân sự khá sớm. Ông theo học khóa 12 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Sau đó là những năm dành cho các tiểu khu, trường chính trị Ðà Lạt và đứng lại lâu bền cùng thành phố Ðà Nẵng với cấp bậc Ðại Úy, tùng sự tại phòng tâm lý chiến Quân Ðoàn I.
Tại Ðà Nẵng, Thái Tú Hạp tham gia hầu hết vào các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, cụ thể như sinh hoạt Khuyến học, Vận động thành lập đại học Quảng Ðà vv...Cũng nhờ vào sinh hoạt văn nghệ, Thái Tú Hạp đã thu hoạch được một cuộc tình lớn, chấm dứt cuộc đời độc thân. Khi đọc câu : " Em Phan Thanh Giản bỏ đời theo anh", xin qúi vị hãy hiểu ngược lại, đây chính là cái thi vị của thi ca, cái dễ thương của thi sĩ !
Là một người cởi mở, chân tình, Thái Tú Hạp tạo được sự giao hão tốt đẹp với hầu hết các bạn văn tại địa phương cũng như tại Thủ Ðô Sài Gòn và các thành phố khác. Những bạn văn tại Ðà Nẵng, thường thấy chơi thân với Thái Tú Hạp có : Duy Lam, Cao Bá Minh, Cao Mỵ Nhân, Thành Tôn, Hoàng Quy, Luân Hoán... Và nhất là cặp Họa sĩ Lâm Quang Phước, Trương Thị Trinh. Lâm Quang Phước là người vẽ và trình bày bìa cho thi phẩm đầu tay của Thái Tú Hạp, tập Thèm Vê xuất bản năm 1970.
Nhìn về "Chân Dung Thơ Thái Tú Hạp", xin trích dẫn một số nhận xét của nhiều tác gỉa được tập trung trong " Ðọc Thơ Thái Tú Hạp":
Bùi Bảo Trúc :
..."Những bài thơ trong tập thơ mới nhất (Miền Yêu Dấu Phương Ðông) cho thấy Thái Tú Hạp đã đưa được vào các sáng tác của ông những hình ảnh và không khí mới, cái không khí :của mùi trầm hương, của hoa huệ, hoa lan thơm ngát những trang kinh, cái không khí siêu thoát của Thiền, của Phật Giáo cho dù đó là lúc ông nói về cảnh rừng bên ngoài một trại tù
...em còn hái nắng trong vườn trúc
nghe đời như một thoáng hư không
Duy Lam :
"Nói chung Thái Tú Hạp làm thơ theo những khuynh hướng trữ tình tân cổ điển và thấp thoáng bàng bạt trong một số bài ta cũng có thể thấy bộc lộ những ý niệm về Thiền và cái cao xa của Ðạo Phật "
Cao Mỵ Nhân :
..."Tôi không quảng cáo cho thi phẩm Hạt Bụi Nào Bay Qua của Thái Tú Hạp, hay bất cứ tập thơ của các thi sĩ khác. Nếu muốn giới thiệu tập thơ HBNBQ, tôi sẽ viết với cách nhìn của người làm thơ và yêu thơ. Vã chăng nội dung của thi phẩm HBNBQ do Sông Thu vừa xuất bản đã được hàng loạt những cây viết tên tuổi và thi hữu như Mai Thảo, Duy Lam, Luân Hoán, Bùi Bảo Trúc, Trần Lưu Nguyên Khanh, Trần Văn Nam giới thiệu phụ lục rồi, chưa kể còn hằng loạt những hoạ phẩm của những họa sĩ tăm tiếng như : Ðinh Cường,Nguyên Khai,Võ Ðình,Bé Ký, Hồ Thành Ðức, Khánh Trường, Vũ Thái Hòa...góp mặt phần phụ bản... Nhưng điều tôi muốn đề cập tới là những tình cảm nồng thắm của tác gỉa dành cho quê hương Quảng Ðà.."chính những tình cảm ngọc ngà chân thực đó, đã đánh thức ta qua cơn ô nhiễm sầu muộn ly hương..." Có lẽ vì thế mà Thái Tú Hạp viết ra 2 tiếng "quê thơ" thân thương, qúy giá "
Mai Thảo :
..."Một gắn bó sắt son và bất biến với giống nòi và nguồn gốc do nơi những rung động ở quê nhà ngày trước, trên quê hương người bây giờ, trước sau nhất quán, không bao giờ đổi thay. Những bài thơ trong sáng, êm đềm, như một thiền định nào đó giữa hai giòng chữ Ðó là điều tôi ghi nhận được ở tư duy Thái Tú Hạp, ở cõi thơ và ngôn ngữ Thái Tú Hạp..."
Du Tử Lê :
..."Thi ca, với ông (TTH), không còn là những buộc ràng, những phản ánh nhân sinh. Thi ca với ông, không còn là những cánh cửa mở vào những vấn nạn đời thường, mà, thi ca với ông, càng ngày, càng cho thấy nó là một ngõ tương thông với trời đất, với những nguyên lý siêu hình, Trên những đường bay ngẫu hợp giữa trí tuệ và rung động, giữa ngôn ngữ (chỉ như chiếc thuyền chở người qua sông) và nhịp điệu (chỉ như những lượng sóng vỗ đâu đó giữa vô cùng lênh đênh) thơ Thái Tú Hạp đã "Ðáo bỉ ngạn". Ðã tới bến bờ thức ngộ về lẽ sinh diệt , lẽ hữu hạn và vô nghĩa của kiếp người. Chính từ sự đáo bỉ ngạn kia, do nơi đạt tới bến bờ nọ, đã thăng hoa tiếng thơ Thái Tú Hạp. Một thăng hoa an nhiên, tự tại, êm và lắng như cành hoa trong tay Phật và nụ cười của ngài Ca Diếp, năm xưa...Bằng cảm nhận đó, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều cành hoa và nụ cười trong thơ Thái Tú Hạp hôm nay, ngay cả nơi những dòng thơ thế sự của ông..."
Nguyễn Mạnh Trinh :
...".."Hạt Bụi Nào Bay Qua" là những bài thơ của một tâm hồn hiền hậu, đẫm mát chất thiền. Ðời sống , dù ở trong bất cứ cảnh huống nào, vẫn có niềm hy vọng, dàn trải từ đất trời, tinh đọng trong cây cỏ hoa lá. Con người, lúc nào cũng thong dong tự tại , mặc kệ mọi sự, mặc kệ dòng đời chuyển động ngoài kia. An Tĩnh đã là một đặc tính của thơ Thái Tú Hạp. Rất hiền hòa, thi sĩ cũng nhẹ nhàng trong tình yêu. Như đóa hoa nở, tình yêu lớn từ những nhọc nhằn, những ngày gian khổ, những ngày của bóng đêm mờ mịt khói sương..."
..."Thơ Thái Tú Hạp, dù năm chữ,bảy chữ, hay tám chữ, lục bát, cũng đều có âm vận của bàng bạc nỗi buồn, của nỗi nhớ mong rất nhẹ nhàng nhưng đeo đẳng suốt những tháng ngày đang sống..."
TT Mây Trên Ngàn :
..." Nhìn chung toàn thể tập Hạt Bụi Nào Bay Qua", thơ của anh (TTH) đã "tới". Tới từ những nồng nàn yêu dấu của " trái tim người phương đông", từ những đam mê trăn trở của một thời chinh chiến, tới những nhục nhằn của chia ly, lao tù, tới những phân-vân -đời-hải-đảo...
Tuy nhiên trên quan điểm Thiền quán vẫn chưa đạt, tuy có vài đoạn rất siêu thoát:
ngàn mây trắng bay qua
tiếng kinh khuya vọng lại
ngõ trúc chiều chia xa
đầu non vừng trăng khuyết (Chợt Ngộ)
hoặc :
giở trang kinh tự nhạt nhoà sắc không...."
Những nhận xét "tốt đẹp" về thơ Thái Tú Hạp còn rất nhiều, mời các bạn tìm đọc trong "Ðọc Thơ Thái Tú Hạp". Và cụ thể hơn, tưởng nên tìm đọc những thi phẩm của ông đã được ấn hành :
- Thèm Về (1970)
- Chim Quyên Lạc Ngàn (1982)
- Miền Yêu Dấu Phương Ðông (1987)
- Hạt Bụi Nào Bay Qua (1995)
*
Giới thiệu nhà thơ Thái Tú Hạp, trong "nhân ảnh một thời của Ðà Nẵng", chúng tôi căn cứ vào thời gian cư ngụ khá lâu dài của ông tại thành phố này, cùng với những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, ông đóng góp hoặc hoàn tất trong thời gian lưu cư của ông. Chúng tôi cũng xin được vẽ đơn giản đôi nét về bà Thái Tú Hạp, một người đang có những sinh họat tích cực về xã hội lẫn văn hóa tại hải ngoại.
Bà Thái Tú Hạp tên thật Trần Ái Cầm, con một của cặp vợ chồng người Hoa , sinh sống nhiều năm tại Ðà Nẵng với nghề nghiệp kinh doanh tơ lụa, vải vóc tại Chợ Hàn. Trần Ái Cầm ra đời tại Ðà Nẵng vào khoảng đầu thập niên 50. Mặc dù là người Hoa, (thông thạo Hoa ngữ, nói lẫn viết), Trần Ái Cầm theo học trường trung học Phan Thanh Giản. Thời gian này, ngoài nhan sắc, Bà là một học sinh tham gia tích cực và xuất sắc trong các sinh hoạt văn nghệ của nhà trường.
Sau khi hoàn tất việc học, Trần Ái Cầm trở thành hiệu trưởng một trường tiểu học, đặt cơ sở tại Chùa Phật Giáo Nguyên Thủy cho đến năm 1975. Tại Hoa Kỳ, Trần Ái Cầm, cùng chồng điều hành tờ tuần báo Saigon Times, đồng thời bắt tay vào việc chuyển sang Việt ngữ những tác phẩm của Trung Hoa, đa số là của nữ sĩ Quỳnh Dao. Nhờ vào lối hành văn trong sáng, những dịch phẩm của bà Thái Tú Hạp đã được đông đảo đọc gỉa tiêu thụ. Hiện nay đã có khá nhiều ấn bản được phát hành, tiêu biểu như :
- Băng Nhi
- Tuyết Kha
- Hoa Biển
- Hòn Vọng Phu
- Hoàn Châu Cát Cát
- vv...
Ngoài tiểu thuyết của Quỳnh Dao, Trấn Ái Cầm còn dịch những bài đường thi, phổ biến trên các đặc san Quảng Ðà, do chính ông bà Thái Tú Hạp thực hiện hằng năm. Việc tổ chức hoặc tham gia tích cực vào các công tác từ thiện, xã hội, cũng tạo cho bà những tán thưởng nồng nhiệt của cộng đồng Việt Nam tại California Hoa kỳ. ./.
Trần Thị Phước Lý
===========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ