bài đọc thêm (2) : " THÁI TÚ HẠP/ Luân Hoán ( ngoại quốc) -- source: www.luanhoan.net/
Thái Tú Hạp
bài viết: LUÂN HOÁN
"Sinh tháng 4-1940 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trước 1975, Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị cuối cùng: Phòng tâm Lý Chiến Quân Đoàn I (bản doanh tại thành phố Đà Nẵng - TTPL ghi chú) Sau tháng 4-1975 đi tù nhiều năm tại Kỳ Sơn Quảng Nam. Nhờ vợ là người Hoa làm đơn bảo lãnh về địa phương để "hưởng ân huệ tống xuất ra khỏi Việt Nam" theo chính sách bài Hoa Kiều kịch liệt trên toàn lãnh thổ Việt Nam năm 1978. Tôi thường gọi đùa " Thoát nạn qua kẽ hở lịch sử". Trong thời gian chờ đợi thủ tục dâng hiến tài sản tại địa phương, tôi đã đi xe thồ, làm công nhân hợp tác xã Quế ở Đà Nẵng. Sau đó vượt biên đến trại tỵ nạn năm 1980. Học Graphics Design & Printing hai năm. Phụ giúp vợ về các dịch vụ thương mại đại diện in lịch từ Hồng Kông, Đài Loan, mở nhà hàng Doanh Doanh ở gần Chinatown, Los Angeles kiếm sống qua ngày. Cuối cùng do bạn bè thúc đẩy và khuyến khích từ tinh thần đến vật chất nên vợ chồng tôi đứng ra làm báo Saigon Times. Tình trạng gia đình: Hai trai và một gái. Hiện cư ngụ tại vùng Rosemead, Los Angeles, California, Hoa Kỳ"
Trên đây là "sơ yếu lý lịch" được chính nhà thơ Thái Tú Hạp trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh trong một bài phỏng vấn dài chừng bốn mươi câu, in lại trong tác phẩm "Thái Tú Hạp" do Sông Thu xuất bản năm 1999.
Loạt phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh rất qui mô, bao gồm hầu hết các tác giả đã thành danh của Việt Nam hiện ở khắp thế giới. Chủ đề chính trong các câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, xoay quanh trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật, bao gồm nhiều bộ môn thơ, văn, hội họa, âm nhạc...đi kèm với vài nét đời sống riêng của mỗi tác giả. Tài liệu quí hiếm này, một số lớn đã được đăng tải trên các tạp chí văn học tại hải ngoại, và trong tương lai chắc sẽ được ấn hành thành sách.
Với những "sơ yếu" như trên, hẳn nhiên chưa được đầy đủ, và vì cuộc chuyện trò giữa hai nhà thơ khá dài, chúng tôi không tiện đánh máy "nguyên con", nên xin được dựa vào đó, cùng một số bài khác trong "Đọc Thơ Thái Tú Hạp", để ghi thêm vài nét:
Ngay từ thiếu thời, Thái Tú Hạp đã tham gia trong nhiều sinh hoạt tập thể. Tại Hội An anh là một huynh trưởng trong gia đình Phật Tử. Giáo lý nhà Phật đã đến với anh trong giai đoạn này, để mở ra những tích cực hoạt động xã hội của anh hiện nay tại hải ngoại, đồng thời cũng là mạch nguồn của tư tưởng thi ca chính yếu và xuất sắc của Thái Tú Hạp.
Bên cạnh sinh hoạt xã hội, Thái Tú Hạp đã sớm đến với "cuộc chơi văn chương chữ nghĩa". Anh khởi sự làm thơ và có thơ đăng báo từ năm 1956. Trong giai đoạn đầu của cuộc chơi này, liên tục, kéo dài đến năm 1975, Thái Tú Hạp trình diện với độc giả tại các nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san, tạp chí của miền Nam, từ Tự Do qua Thời Nay, Gió Mới...đến Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Nghệ Thuật vv...Ngoài việc "làm thơ để chạy nhật trình” Thái Tú Hạp đã cùng với các bạn văn khác tại Cổ Phố lập một bút nhóm, sinh hoạt rất đều đặn và để lại được một tuyển tập thi ca có tên Tình Người Sông Thu với ba tác giả cùng thành danh sau này : Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Hoàng Quỵ
Thái Tú Hạp giã từ cuộc sống dân sự khá sớm, anh theo học khóa 15 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau đó là những năm tháng dành cho các tiểu khu, trường Chính trị Đà Lạt và đứng lại lâu bền cùng thành phố Đà Nẵng với cấp bậc Đại úy, tùng sự tại phòng Tâm lý chiến Quân đoàn I.
Có lẽ để cứu vãn tình trạng sa sút của Đà Nẵng như tôi thấy“...thư viện ốm đau, thư viện buồn buồn / đói sách vở sinh ra người rũ rượi...” (LH-RHĐR), trong thành phố chợt mọc lên nhiều hội đoàn, sinh hoạt khá tích cực như: Hội Khổng Học của nhà thơ Trần Gia Thoại. Hội Hồng Thập Tự của Bác sĩ Huỳnh Tấn Đối. Và nổi bật nhất là hội Khuyến Học với các công tác đã làm: lập thư viện, mở lớp bổ túc văn hóa đêm, mở quán ăn cho học sinh nghèo, tổ chức diễn thuyết, triển lãm, ra mắt sách...Chủ tịch hội Khuyến Học là nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Đệ nhất Phó chủ tịch, đặc trách văn hóa, nghệ thuật, nhà văn Duy Lam (trung tá Nguyễn Kim Tuấn). Đệ nhị phó chủ tịch, đặc trách xã hội, nhà văn Phan Du. Thái Tú Hạp tham gia trong ban chấp hành, bên cạnh thẩm phán Hồ Minh, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lang, quản đốc nhà phát thanh Hoàng Quy, luật sư Hồ Công Lộ, nhà giáo Trần Đình Thanh Lam, Giám đốc nha Kiểm duyệt vùng I chiến thuật Nguyễn Rô và nhiều người khác, hình như có cả tôi.
Thái Tú Hạp sinh hoạt rất tích cực và một phần nhờ vào những công việc văn nghệ, Thái Tú Hạp đã thu hoạch được một cuộc tình lớn, chấm dứt cuộc đời độc thân. Khi đọc câu : "... Em Phan Thanh Giản bỏ đời theo anh"(TTH), xin quí vị hãy hiểu ngược lại. Đây chính là cái thi vị của thi ca, cái dễ thương của thi sĩ !
Là một người cởi mở, chân tình, Thái Tú Hạp tạo được sự giao hảo tốt đẹp với hầu hết các bạn văn tại địa phương cũng như tại thủ đô Sài Gòn và các thành phố khác. Những bạn văn tại Đà Nẵng, thường thấy chơi thân với Thái Tú Hạp có: Duy Lam, Cao Bá Minh, Cao Mỵ Nhân, Thành Tôn, Hoàng Quy... và nhất là cặp họa sĩ Lâm Quang Phước, Trương Thị Trinh. Sau khi cùng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, họa sĩ Trinh dạy vẽ tại Đà Nẵng, trong lúc Phước gia nhập quân đội rồi cùng về phục vụ ở quân đoàn 1. Hai vợ chồng mở quán cà phê Lộng Ngọc, thu hút rất nhiều khách. Lâm Quang Phước là người vẽ và trình bày bìa cho thi phẩm đầu tay của Thái Tú Hạp, tập “Thèm Về” xuất bản năm 1970. (họa sĩ Lâm Quang Phước vào nam đầu thập niên 80, sau đó một mình anh bị thiệt mạng trong một lần vượt biên, chưa kịp ra khỏi địa phận Việt Nam). Riêng tôi, không nhớ rõ đã kết bạn với Thái Tú Hạp từ bao giờ. Trong bài viết: “Luân Hoán, ông anh phía trước”, nhà thơ Hoàng Lộc, ghi lại: ... “khoảng đầu thập niên 60, lần đầu tiên, tôi gặp nhà thơ Luân Hoán...Một hôm, anh Thành Tôn đưa tin: Luân Hoán sẽ ghé Hội An thăm các anh. Không biết các anh trong nhóm Tình Người Sông Thu có hớn hở hơn tôi trước cái tin này ? Đồng bạc của học trò thật khó khăn, do các anh đóng góp- và lần thứ hai, sau khi đón tiếp Phan Duy Nhân, cũng là người thơ khá nổi thời ấy- ...”(LH-Một Đời Thơ, trang 52). Thật tình, tôi chỉ nhớ một cách mơ hồ, lần đầu tiên gặp các bạn thơ ở Hội An. Tôi cũng không ngờ cái chân tình đậm đà và cái eo hẹp tài chánh của các anh. Về sau, trong những chuyến về thăm Hội An, tôi thường gặp Thái Tú Hạp trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm. Có đêm tôi đã cùng Hạp ngủ lại trên sân gạch chùa này. “Đắp trăng nằm giữa sân chùa / gác chân nhau đọc thơ vừa ngát xanh / gà mừng ngày đã hát quanh / trở mình lệch vạt sương vanh dáng nằm (LH-Nuôi Thơm Chùm Kỷ Niệm Xanh).
Hạp vừa trải qua một cuộc tình đẹp và lãng mạn. Nằm nghe anh đọc thơ và tâm sự quên cả ngủ. Tôi ngưỡng mộ và khâm phục Thái Tú Hạp về điểm “có người yêu” ghê lắm, nhưng không thấy anh lưu dấu cuộc tình nồng nàn của mình trong thơ. Nội dung chủ yếu thơ của Hạp trong thời kỳ này vẫn là những bài ngợi ca quê hương.
Từ năm 1969 đến năm 1978, tôi và Thái Tú Hạp có cơ hội gặp nhau nhiều hơn. Hạp đang ở rể trong gia đình một cặp thương gia người Trung Hoa giàu có. Vợ anh là một người đẹp của trường trung học tư thục Phan Thanh Giản Đà Nẵng. Tôi và Lý thỉnh thoảng có ghé đến thăm vợ chồng Hạp. Thân mẫu chị Trần Ái Cầm là một người đàn bà rất tốt, sùng đạo Phật, lại có điều kiện tài chánh, nên bà đã góp công đức không nhỏ trong việc lập nên ngôi chùa Nguyên Thủy nằm trên đường Phan Châu Trinh. Tại ngôi chùa này, về sau mở thêm một trường tiểu học tư thục, do vợ Thái Tú Hạp làm hiệu trưởng. Vì lòng nhân đạo, mẹ của chị Ái Cầm cũng thường xuyên vào nhà tù để thăm và giúp đỡ nhiều tội nhân, kể cả chính trị phạm.
Rạng sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975, gia đình tôi từ cư xá Việt Nam Thương Tín trên đường Đống Đa, vội vã về nhà ba mẹ Lý thay vì nhà riêng của chúng tôi trên đường Hùng Vương. Qua một đêm đợi tàu thất bại, tôi hoàn toàn tuyệt vọng và lo lắng vô cùng. Sống chết chưa biết ra sao. Tôi theo chân một đạu hữu Cao Đài, anh Phan Minh Khóa, vào trốn tại Thánh Thất trên đường Nguyễn Hoàng chừng mười phút. Sau đó bám theo thẩm phán Hồ Minh, vào Chùa Tỉnh Hội, lẫn lộn trong đám Phật tử. Nhìn thấy lực lượng “ăn theo” (sau này được gọi là cách mạng 30 tháng 4), lớn mạnh vùn vụt, tôi hoảng hồn lại chạy về nhà. Nhưng không có lòng nào ngồi một chỗ với bao nhiêu tin xấu dồn dập đến, tôi chạy tìm Thái Tú Hạp, rồi cùng các bạn, Bác sĩ Vưu Nam Trân (hiện ở California), Luật sư Nguyễn Văn Nhất, lên cùng một xe, Trân lái, chạy lòng vòng thành phố, để tự trấn an. Mọi chuyện rồi cũng qua. Lệnh tập trung đã có. Hoàng Quy đến rủ tôi đi trình diện. Trên đường đi, chúng tôi ghé quán mì Quảng mới mở gần nhà cô giáo An Hà Châu, đường Phan Châu Trinh. Trong lúc ăn tôi suy nghĩ và chợt đổi ý, để Hoàng Quy đi một mình trước. Ông Quản đốc đài phát thanh buồn lắm nhưng bất lực. Bãi trung tập đầu tiên “sĩ quan Ngụy” tại Đà Nẵng nằm trên một vùng đất tại Vĩnh Điện. Tuy không trình diện ghi danh cùng lúc với Hoàng Quy, nhưng tôi cũng theo đám thân nhân vào thăm các bạn. Không khí lúc tôi đến thăm thật đáng lạc quan. Tôi đã có cảm tưởng đây là một cuộc đi cắm trại qui mô. Mọi người đều có vẻ sẵn sàng “học tập” 15 ngày... để còn sớm về với gia đình. Ngoài Thái Tú Hạp, tôi còn được gặp anh Hồ Minh, Thiếu tá Thẩm phán, một người bạn chân tình của tôi. Không ngờ lần đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Sự ra đi vĩnh viễn của Minh giúp tôi có thêm một bài thơ sau này. Nhà văn Tưởng Năng Tiến, một trong những người điều hành nguyệt săn Nhân Văn, trong một lá thư cho tôi vào năm 1985, có đoạn:
... “Cũng xin cảm ơn anh về bài thơ Ngủ Trên Đồi Xanh. Theo thông lệ thì chúng tôi ‘không chịu đăng’ những bài thơ có đề tặng, thí dụ như chúng ta vẫn thường làm thơ tặng nhau trên báo. Riêng trường hợp của anh Hồ Minh thì khác. Tôi thực tiếc là chúng ta đã không làm được gì hơn cho những cái chết tức tưởi, đau đớn của anh em đồng đội. Một bài thơ chí tình, cảm động, thay nén hương lòng thì vẫn còn an ủi hơn là không có gì cả anh ạ...” .
Tôi xin được thắp lại ngọn hương ấy ở đây:
“Mười mấy năm học luật/ chưa vào đâu, thấm đâu / bây giờ lên rừng núi / anh học nghề chăn trâu
trâu già cứ khen trẻ / trâu mập cứ chê gầy / thung lũng cao đồi thấp / dạo chơi cùng mây bay
ngày ngày nương chân núi / phát rẫy, quật ngã cây / thịt, gai đâm máu chảy / biết chắc: còn sống đây
mười mấy năm học luật / chưa ra cái kiếp người / bây giờ lên rừng núi / học thêm loài đười ươi
Việt nam là cộng sản /cộng sản là con người / con người đang xuống giá/ xin anh đừng quay lui
giáo điều xin gắng thuộc/ đạo đức chớ ngậm ngùi / bình tâm như cây cỏ / hạnh phúc thay điếc đuôi !
mười mấy năm học luật / bảy tám năm học rừng / cả đời chưa sáng mắt / sao anh bỏ nửa chừng ?
chúng giết anh ? không đúng / người không biết giết người/ thú giết “thằng nho nhỏ / trên tòa sen, trong người (1)
anh chết mà chẳng chết/ chưa cười nên mỉm cười/ sói lang không nuốt được/ nhân quyền của con người
mười mấy năm học luật / Hồ Minh ơi Hồ Minh/ quê hương mình quá đẹp/ anh nằm đâu cũng xinh”
(Ngủ trên Đồi xanh-HTVN / ghi chú: (1) trong giai đoạn này nhiều cán binh gọi đức Phật đứng trên tòa sen là thằng nhỏ)
Thái Tú Hạp được thả về sớm. Tôi bị tập trung học tập ngay tại doanh trại Ngô Văn Sở của Việt Nam Cộng Hòa cũ. Đang đi gỡ mìn loanh quanh vòng đai quân đoàn thì được gọi về nhiệm sở cũ, ngành ngân hàng, trong dịp nhà nước đổi tiền lần đầu tiên. Thái Tú Hạp và tôi thường gặp nhau. Trước một hôm gia đình Thái Tú Hạp ra đi, anh ngồi với tôi ở bờ sông, nói cho tôi biết chuyến đi vượt biên bán chính thức của anh. “Kẽ hở lịch sử” mà Thái Tú Hạp lọt ra ngoài, theo tôi, chính là sự tham nhũng có tầm vóc quốc gia, được hình thành khá sớm, nhưng chắc chắn không phải là đầu tiên sau khi miền Bắc thôn tính được miền Nam.
Năm 1985, sau khi có mặt tại Canada, tôi liên lạc thường xuyên với Thái Tú Hạp. Lúc này anh đã chủ trương nhà xuất bản Sông Thu. Công trình đầu tiên của anh tôi nhận được là tác phẩm Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại. Anh ký tặng vào tháng 4 năm 1985. Quà tặng tiếp theo là một số tạp chí phát hành tại Hoa Kỳ cùng những thi phẩm mới của Hạp. Vợ chồng Ái Cầm, Thái Tú Hạp quả là những người có nhiều tài năng. Vừa mở quán vừa dựng nên cơ sở báo chí Saigon Times. Sinh hoạt luôn luôn phát triển. Tôi được đóng góp chút ít thơ thẩn trong các công việc của Cầm và Hạp. Tính đến lúc tôi viết lại bài này, 23 tháng 4 năm 2006, một ngày mưa, công trình sáng tác của Thái Tú Hạp gồm có: Tình Người Sông Thu thơ, (in chung Thành Tôn, Hoàng Quy), Thèm Về (thơ, 1970), Chim Quyên Lạc Ngàn (thơ, 1982) Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại (sưu tầm, biên tập, 1985), Miền Yêu Dấu Phương Đông (thơ, 1987), Thơ Văn Phật Giáo (nhiều tác giả, biên tập 1993), Hại Bụi Nào Bay Qua (thơ, 1995), Thái Tú Hạp (tuyển tập nhiều tác giả viết về Thái Tú Hạp, Sông Thu, 1999), Giữa Trời Hoa Bay (tuyển tập những bài viết của Thái Tú Hạp về một số tác giả, Sông Thu, 2000)
Nhìn về "Chân Dung Thơ Thái Tú Hạp", xin trích dẫn một số nhận xét của nhiều tác gỉa được tập trung trong "Thái Tú Hạp":
Bùi Bảo Trúc :
..."Những bài thơ trong tập thơ mới nhất (Miền Yêu Dấu Phương Đông) cho thấy Thái Tú Hạp đã đưa được vào các sáng tác của ông những hình ảnh và không khí mới,cái không khí của mùi trầm hương, của hoa huệ, hoa lan thơm ngát những trang kinh, cái không khí siêu thoát của Thiền, của Phật Giáo cho dù đó là lúc ông nói về cảnh rừng bên ngoài một trại tù
... “em còn hái nắng trong vườn trúc / nghe đời như một thoáng hư không” TTH
Duy Lam :
"... Nói chung Thái Tú Hạp làm thơ theo những khuynh hướng trữ tình tân cổ điển và thấp thoáng bàng bạc trong một số bài ta cũng có thể thấy bộc lộ những ý niệm về Thiền và cái cao xa của đạo Phật "
Cao My. Nhân :
..."Tôi không quảng cáo cho thi phẩm Hạt Bụi Nào Bay Qua của Thái Tú Hạp, hay bất cứ tập thơ của các thi sĩ khác. Nếu muốn giới thiệu tập thơ HBNBQ, tôi sẽ viết với cách nhìn của người làm thơ và yêu thơ. Vả chăng nội dung của thi phẩm HBNBQ do Sông Thu vừa xuất bản đã được hàng loạt những cây viết tên tuổi và thi hữu như Mai Thảo, Duy Lam, Luân Hoán, Bùi Bảo Trúc, Trần Lưu Nguyên Khanh, Trần Văn Nam giới thiệu phụ lục rồi, chưa kể còn hàng loạt những họa phẩm của những họa sĩ tăm tiếng như : Đinh Cường, Nguyên Khai, Võ Đình, Bé Ký, Hồ Thành Đức, Khánh Trường, Vũ Thái Hòa...góp mặt phần phụ bản... Nhưng điều tôi muốn đề cập tới là những tình cảm nồng thắm của tác giả dành cho quê hương Quảng Đà.."Chính những tình cảm ngọc ngà chân thực đó, đã đánh thức ta qua cơn ô nhiễm sầu muộn ly hương..." Có lẽ vì thế mà Thái Tú Hạp viết ra hai tiếng "quê thơ" thân thương, quý giá "
Mai Thảo :
..."Một gắn bó sắt son và bất biến với giống nòi và nguồn gốc do nơi những rung động ở quê nhà ngày trước, trên quê hương người bây giờ, trước sau nhất quán, không bao giờ đổi thay. Những bài thơ trong sáng, êm đềm, như một thiền định nào đó giữa hai giòng chữ đó là điều tôi ghi nhận được ở tư duy Thái Tú Hạp, ở cõi thơ và ngôn ngữ Thái Tú Hạp..."
Du Tử Lê :
..."Thi ca, với ông (TTH), không còn là những buộc ràng, những phản ánh nhân sinh. Thi ca với ông, không còn là những cánh cửa mở vào những vấn nạn đời thường, mà, thi ca với ông, càng ngày, càng cho thấy nó là một ngõ tương thông với trời đất, với những nguyên lý siêu hình, Trên những đường bay ngẫu hợp giữa trí tuệ và rung động, giữa ngôn ngữ (chỉ như chiếc thuyền chở người qua sông) và nhịp điệu (chỉ như những lượng sóng vỗ đâu đó giữa vô cùng lênh đênh) thơ Thái Tú Hạp đã "đáo bỉ ngạn". Đã tới bến bờ thức ngộ về lẽ sinh diệt , lẽ hữu hạn và vô nghĩa của kiếp người. Chính từ sự đáo bỉ ngạn kia, do nơi đạt tới bến bờ nọ, đã thăng hoa tiếng thơ Thái Tú Hạp. Một thăng hoa an nhiên, tự tại, êm và lắng như cành hoa trong tay Phật và nụ cười của ngài Ca Diếp, năm xưa...Bằng cảm nhận đó, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều cành hoa và nụ cười trong thơ Thái Tú Hạp hôm nay, ngay cả nơi những dòng thơ thế sự của ông..."
Nguyễn Mạnh Trinh :
..."Hạt Bụi Nào Bay Qua" là những bài thơ của một tâm hồn hiền hậu, đẫm mát chất thiền. Đời sống , dù ở trong bất cứ cảnh huống nào, vẫn có niềm hy vọng, dàn trải từ đất trời, tinh đọng trong cây cỏ hoa lá. Con người, lúc nào cũng thong dong tự tại , mặc kệ mọi sự, mặc kệ dòng đời chuyển động ngoài kia. An Tĩnh đã là một đặc tính của thơ Thái Tú Hạp. Rất hiền hòa, thi sĩ cũng nhẹ nhàng trong tình yêu. Như đóa hoa nở, tình yêu lớn từ những nhọc nhằn, những ngày gian khổ, những ngày của bóng đêm mờ mịt khói sương..."
..."Thơ Thái Tú Hạp, dù năm chữ, bảy chữ, hay tám chữ, lục bát, cũng đều có âm vận của bàng bạc nỗi buồn, của nỗi nhớ mong rất nhẹ nhàng nhưng đeo đẳng suốt những tháng ngày đang sống..."
TT Mây Trên Ngàn :
..." Nhìn chung toàn thể tập Hạt Bụi Nào Bay Qua", thơ của anh (TTH) đã "tới". Tới từ những nồng nàn yêu dấu của " trái tim người phương đông", từ những đam mê trăn trở của một thời chinh chiến, tới những nhục nhằn của chia ly, lao tù, tới những phân-vân -đời-hải-đảo...Tuy nhiên trên quan điểm Thiền quán vẫn chưa đạt, tuy có vài đoạn rất siêu thoát: ngàn mây trắng bay qua / tiếng kinh khuya vọng lại / ngõ trúc chiều chia xa/ đầu non vừng trăng khuyết (Chợt Ngộ)
hoặc : giở trang kinh tự nhạt nhoà sắc không...."
Những người nhận xét về thơ Thái Tú Hạp còn có: Dương Viết Điền, Đặng Phú Phong, Lâm Chương, Lê Mai Lĩnh, Luân Hoán, Mỹ Tín, Nguyễn Triệu Nam, Nguyễn Chí Khả, Nguyễn Đức Trọng, Phù Vân, Phạm Phú Hay, Tuệ Chương, Tuệ Nga, Thích Như Điển, Trần Hoài Thư, Trần Ngọc Chất, Trần Lư Nguyên Khanh, Trần Văn Nam,Triệu Phong, Vũ Ký, Vũ Hối, Vô Tình...
Dù nhận xét như thế nào cũng không bằng trực tiếp thưởng thức thơ của Thái Tú Hạp, tôi xin được mời các bạn tìm đọc các thi phẩm đã xuất bản của anh. Tôi xin mượn bản đánh máy sẵn trong trang của nhà văn Vĩnh Hảo, để gởi ngay đến bạn đọc một ít thơ của Thái Tú Hạp.
“Mắt xưa trăng đẫm non ngàn / lời xanh biếc ngọc vô thường yêu em / lá theo tiếp lục đường chim / hồn mai phục giữa hoa-nghiêm lặng tờ” (Vô Thường Yêu Em)
“khuya nghe vũ trụ chuyển mình / sáng ra trời đất mới tinh / cỏ cây như vừa tắm gội /chữ nghĩa không còn trang kinh / tâm già nua ta chợt thức / đầu cành giọt nắng nguyên trinh. (Vô Tự)
... “Ta cạn chén càn khôn / giữa khuya đời tịch mịch /mộng cũng tàn hư không / trang kinh nhòa thiên cổ
sương tóc bạc rừng phong/ chung trà nhớ viễn khách /em về như giọt sương /sớm mai nào lá biếc
say chút rượu trầm luân / mùa xuân nhen lửa trọ / bỏ tiếng hót đầu non / chim qua vườn thủy trúc
đêm giao thừa bất tận / tây trúc ngàn dặm xa / niệm từ tâm giao động /cơn gió thoảng ngoài ta / thăm thẳm hồn cố hương /núi sông đầy ẩn tích / em mắt sầu đông phương / tang thương vừng nguyệt úa / hạt bụi nào bay qua / đất trời khuya huyễn hoặc/ còn gì trong sát na / đời buồn mai thức dậy.(Một Thoáng Phù Vân)
... “Từng hàng cây đứng im / nụ mầm thiên thu nẩy /khu vườn rộn rã chim / mặt trời vừa thức dậy /lá lao xao hát thầm / mùa xuân muôn năm cũ / đã về trên đọt cây /khi sương còn ngái ngủ /chỉ một mình ta thôi / trôi theo giòng suy tưởng / những tình xuân vô lượng / rót từ cõi nguyên khôi / lửa tàn trong thạch thất / rừng khoác kín đôi chân /em vì ta bước lại / từ đó lộc ra xuân (Từ Đó Lộc Xuân)
... “Em cười như nụ hoa / trong mai tâm bồ tát /tiếng chuông đời thoảng qua / phù vân chim hót lá
tiền kiếp nào gặp nhau / hạt sương đầu cánh gió / ngẩn ngơ hồn thương đau / khi nụ tình vừa chớm
ngàn mây trắng bay qua / tiếng kinh khuya vọng lại /ngõ trúc chiều chia xa / đầu non vừng trăng khuyết / sớm mai nào chợt ngộ / tâm ta tưởng là hoa / trong sắc màu giả tưởng/ có không nào trong ta (Chợt Ngộ)
... “Tình xưa về ngự cõi riêng / đường ngôi em rẽ hai miền phù vân / còn bao nhiêu sóng trong lòng / đổ ra mấy nhánh trăng vàng biển khơi /có không trên ngọn cát bồi /sớm hôm rồi chợt qua đồi cỏ lau /lá xanh biếc núi ngàn sau / cụm hoa còn ngẩn ngơ sầu chia xa /em về hoang tịch đời ta /dấu hương khói muộn nhạt nhòa chân mây”. (Cõi Riêng)
... “Mai ta về giữa non cao / xé mây làm áo lụa đào cho em / nghiệp từ mấy thuở trần duyên / nắng thanh xuân đậu ngoài hiên ta bà / đưa nhau dạo giữa ngân hà / bỏ nhân gian lại chốn tà huy câm / mai sau tình vỡ hư không /có nghe tiếng hót tiền thân chim ngàn / từ trong thiên cổ tri âm / tiễn nhau xuống núi cưu mang kiếp sầu / mai về khép cánh biển dâu / giở trang vô tự trắng nhòa sắc không /chờ nhau dưới cội vô thường /soi tâm tư hiện một vừng trăng xưa” (Thanh Tịnh Khúc)
... “Thả mây cuối phố em qua / vừng trăng trên tóc quỳnh hoa chỗ nằm / lược là vô tận hỏi thăm / hương bồ kết nở trăm năm môi cười / hoa cam hoa bưởi ngậm ngùi / đã xa cố quận một đời viễn phương / bao giờ trầm ngát rừng hương/ quế cay nồng tỏa suối nguồn thảnh thơi / ta về hát giữa lệ rơi / đại hồng chung điểm một thời xuân xưa”. (Mê Hoặc Trầm Hương)
... “ Mười năm sầu rong ruổi mãi /con đường phố mới thênh thang / sông hồ ta ngàn phiêu bạt /tình xa lòng cũng như không / mười năm chợt về như nắng / đầu sông gió thổi mây qua /hiên nhà xưa em vẫn đợi / hàng tre ríu rít chim ca / dương liễu chiều reo như suối / ngõ về thơm ngát hương hoa /tình ta cao như đỉnh núi / tuổi vàng sao quá thiết tha/ mười năm trùng dương bát ngát /chợt sầu như chuyện hôm qua / thư em như giòng sữa ngọt /chiều nhen chút lửa lòng ta /có giấc mơ nào đẹp nhất /cho ta tìm lại hôm nay / những hình bóng xưa chất ngất /nghe hồn dõi bóng mây bay / mười năm nghìn con phố mới /lòng ta chỉ một quê hương /mẹ già xưa mòn mỏi đợi /mùa xuân vàng nắng yêu thương /mười năm giờ như mây nổi /tang thương đời cũng phôi phai / núi sông nào lên tiếng hát / hồn xuân về lại trong mai” (Nỗi Buồn Trong Thành Phố)...
Thái Tú Hạp và người vợ tài giỏi của anh không những nổi tiếng trong sinh hoạt văn học mà còn được biết nhiều đến sinh hoạt xã hội. Gần đây hai vợ chồng Hạp Cầm đã cùng một số thân hữu tại Hoa Kỳ khởi xướng việc dựng tượng đài kỷ niệm thuyền nhân. Công việc hình như đang tiến triển thuận tiện. Nhìn chung, các hoạt động của ông bà chủ báo Saigon Times không có gì quá đi xa trong lãnh vực chính trị, nhưng Hạp vẫn ái ngại cho một chuyến về thăm quê hương. Đã hai mươi tám năm Hạp chưa có dịp ngắm lại sân chùa Vĩnh Nghiêm, tôi nghĩ anh không thể không buồn phiền. Tôi với Hạp cũng đã hai mươi tám năm chưa gặp nhau nhưng tình bằng hữu vẫn thân mật. Thỉnh thoảng Thái Tú Hạp gọi điện thoại thăm chừng tôi đã “đi”chưa. Nổi tiếng là ốm yếu, bệnh tật mà vẫn cứ lê lết từ năm này qua năm khác kể cũng tài. Hạp cũng không quên cù rũ tôi qua quận Cam cho biết mặt mũi thủ đô của người tị nạn Việt Nam, nhưng tôi vẫn lười, nhất là vẫn ngại cái mục tối ngủ không có cô vợ bên cạnh, như cái đêm 25-4-1992: “Bảy năm xa vợ đôi ngày / đêm nằm thừa thãi chân tay quá chừng / lòi ra cả cái nhớ nhung / lâu nay ngủ kỹ trong từng khớp xương” (Mời Em Lên Ngựa).
Tôi ngại đi, nhưng Thái Tú Hạp coi bộ cũng không khá hơn, nếu không muốn nói là xếp sau lưng tôi về chuyện thực hiện động từ “đi”, với nhiều nghĩa rất linh hoạt của nó. Hạp đã thăm viếng được những đâu ngoài cái vùng Valley Rosemead, nơi anh cư ngụ ? Phần tôi thì nhiều lắm, kể cả đất nước Hoa Kỳ, nhưng không lẽ khoe ở đây. Tôi đi bất ngờ, tôi đến im lặng trong thói quen vội vã. Hạp đã hứa hẹn sẽ tổ chức cho tôi một buổi ra mắt sách, một cuộc trình diện với bà con xứ Quảng Nam. Tôi vô cùng cảm động trước nhiệt tình của Hạp, trước những quí mến có thể có của đồng hương. Nhưng tôi thấy lo, thấy sợ và tôi đã trốn, sẽ trốn hết mọi ân tình, dù tôi sẽ đến quận Cam vào đầu tháng 7 năm 2006 này. Tôi dự định, ngày cuối cùng ở quận Cam, tôi sẽ gọi điện thoại thăm một số bằng hữu như Hạp, như Thành Tôn, vợ chồng Hồ Thành Đức, nhà thơ Đặng Hiền, họa sĩ Khánh Trường...rồi ra về nhẹ nhàng, giống như đã thực hiện trong lần về Sài Gòn năm 2002. Nhìn thấy nhau thêm một lần là điều quá quí. Nhưng để giữ mãi một hình ảnh đẹp đã có, không bị bất ngờ trầy sướt, có lẽ còn quí hơn. Tôi kính trọng bạn hữu. Tôi yêu mến ngày xưa và muốn trở thành một người cô đơn giàu có kỷ niệm. Giản dị chỉ như vậy.
Viết về Thái Tú Hạp, không thể quên đôi dòng về một Trần Ái Cầm, bông hồng ở gần chợ Cây Me Đà Nẵng ngày xưa. Trong bài Sống Đời Với Thơ, nhà thơ Nguyễn Đông Giang, đã dựa vào một số bài nịnh người đẹp của tôi, để giới thiệu những nhan sắc của Đà Nẵng một thời. Với dịch giả của các tác phẩm Băng Nhi, Tuyết Kha, Hoàng Châu Cát Cát..., Nguyễn Đông Giang viết:
“... Một cửa ngõ mà Luân Hoán đã bâng khuâng khi đi qua là cửa ngõ Ái Cầm. Một người Hoa chính thống sinh ở Đà Nẵng và trọn đời mang trái tim Việt Nam. Điều gì làm cho nhà thơ bâng khuâng đây ? Hãy thử đọc:
“ Bâng khuâng qua ngõ Ái Cầm / chợ Cây Me ngó, thì thầm trên vai / chàng này coi cũng bảnh trai/ tiếc rằng thiếu bước chân dài trổ hoa / phòng hồng đã chật tiếng ca / một nhà thơ ở phương xa đã vào / trời thừa bao nhiêu vị sao / thừa thêm vị nữa chẳng sao đâu tình / vẩn vơ vào cõi u minh / Tây cười dưới một giật mình làm thinh”
Người thơ nghe được những thì thầm bình phẩm về mình, và cũng sớm thấy được cái đích đến không có nhiều kết quả. Nhưng vẫn cao ngạo ví mình như một ngôi sao. Vị sao đó đã thừa, đành vẩn vơ vào một nghĩa trang để chuyện vãn với những người lính Pháp còn bỏ xương lại nơi này...”
Về những “bình loạn”, dẫn giải của Nguyễn Đông Giang, tôi chân tình cảm ơn. Về thơ cho Chợ Cây Me thì tôi đã viết hơn một bài. Thơ tặng các người đẹp thì tôi “đã từng bất thường và đang ao ước được khác thường hơn những cái bất thường đã có” giống như Nguyễn Đông Giang nhận xét. Sao tôi dám cả gan cùng mình vậy không biết ?
Năm 2000, Ái Cầm cùng con gái là ca sĩ Doanh Doanh bây giờ tham dự một chuyến du lịch tập thể, nhiều nơi. Chị đến Montréal, gọi tôi từ một khách sạn gần nhà. Tôi và Lý đã đến đón mẹ con chị về cái appartement của chúng tôi cho biết mùi ở ấp. Ái Cầm vẫn không khác xưa bao nhiêu. Gặp Lý vẫn xưng mi tau tự nhiên, thân mật như thuở nào. Cùng xuất phát từ gia đình khá giả, nhưng Ái Cầm có đời sống riêng thảnh thơi hơn cô vợ của tôi rất nhiều, hình như vậy. Tài năng chăng ? Không hẳn. Hai bà đều mang cái họ “Trần” trụi. Có lẽ tùy theo cái mạng của thằng chồng nặng nhẹ. Hạp đầu rồng, 1940. Tôi đuôi rồng 1941. Quả là đầu đuôi có khác nhau. Hạp có một bà Trần, không mấy giống vợ cụ Trần Kế Xương. Tôi có một bà Trần hao hao như người đàn bà cao quí ngày xưa...Vẫn là ngon hơn. Nghĩ cho cùng, chúng tôi đều ngon như nhau, vì đã có được những nội tướng không có gì để phàn nàn. Tạ ơn Trời, Phật. ./.
LUÂN HOÁN
(trich DỰA HƠI BÈ BẠN, sắp in)
============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ