" Ý niệm về quan điểm sáng tác của nhà văn NGUYỄN THỊ HÀM ANH / bài viết: Ngô Nguyên Nghiễm (Tp. HCM) -- nguồn: Blog BẠN VĂN NGHỆ / Trần Yên Hòa (Hoa Kỳ).
Ý Niệm Về Quan Điểm Sáng Tác
Của Nhà Văn Nguyễn Thị Hàm Anh
Nhà văn Nguyễn Thị Hàm Anh
Đến nay, tay viết Hàm Anh chất đầy nhiều tác phẩm phong phú. Những bất chợt trên quãng đường văn chương với những người làm văn nghệ, quả thật là dịp bắt lại hình bóng, kỷ niệm và cung cách sống những người của một thời đã qua. Vì vậy, những di ảnh còn rơi rớt trong quá khứ, Hàm Anh khơi dựng lại bài viết về nhiều khuôn mặt kỳ vĩ một thời. Phải chăng đó là những vàng son còn sót lại, nên cô đọng trầm hương cho thế gian? Nghiêm chỉnh trong sáng tác, hào nhoáng bên lối sáng tạo, và thừa hưởng cả kho vốn liếng tri thức và tin cẩn của người đi trước, cũng là phương tiện tối ưu giúp nhà văn Nguyễn Thị Hàm Anh lưu loát trong cách viết.
Thời gian sau này, thỉnh thoảng tôi cũng mày mò tìm đọc những bài viết của Sài Gòn Cô Nương, sau bài Cô viết về Trần Tuấn Kiệt (Đêm Xuống Nơi Ngã Tư), những cái uất nghẹn chua chát hình như còn lãng vãng quanh đâu đây. Hàm Anh thành công tuyệt diệu trong một lối viết trộn lẫn giữa tản văn, ký và truyện ngắn, nên không khô khan như ký, ngắn gọn như tản văn, mà tình tiết như văn xuôi. Đi sâu vào những tác phẩm đăng rải rác trên weblogs, bất chợt nhìn ra một sức sáng tạo ngồn ngộn trong lối viết của nhà văn. Ngoài những tản mạn viết trên đường quá quan trong tâm cảnh văn nghệ với những tiền bối, Hàm Anh còn nghiên cứu nhiều trên phong tục tập quán, cổ sử, địa phương chí... Hôm tôi mở trang vuontaongovhnt, bài viết về thần Cao Lỗ giúp tôi hiểu thêm vài chi tiết hay độc đáo. Hoặc những bài ký Nguyễn Thị Hàm Anh giới thiệu trong tập V /TGTPNĐHQT đã thấy sự đa dạng trong phong thái sáng tác. Ngày Về Chắc (Cà) Đạo, Đóa Hồng Cho Bố, Cúc Quỳ Ở Đâu, Mùa Hạ Về Phương Bối, Tranh Thái Tuấn... là những bài viết chọn trong 15 tạp ký, biểu tượng sự phong phú trong sáng tác, hướng đa diện cho người, cho đất và cho nghệ thuật.
Cung cách mày mò trong hướng đi viết lách của Nguyễn Thị Hàm Anh, hình như thật đa dạng. Nhà văn phóng bút trong mọi lãnh vực, tinh hoa không hàm chứa cho riêng một phương hướng nào. Hàm Anh viết dễ dàng bên mọi ngõ sống, chính vậy bài viết của Cô khi xấp xếp thành tác phẩm để xuất bản, chắc chắn phải chia thành nhiều chủ đề riêng. Hiện tại, Hàm Anh cũng đã có sự minh định như vậy trong các tác phẩm đã xuất bản. Ngoài bộ Việt Nam Thi Ca Hiện Đại (viết với Trần Tuấn Kiệt), nhà văn Hàm Anh cũng có mặt 3 tác phẩm trong 3 thể loại khác nhau Cõi Trú (truyện ngắn), Một Chốn Quê Nhà (tản văn) và Cào Cào Lên Phố (phóng sự)... Cái lợi trong cách viết đa dạng của Hàm Anh là như vậy, phương cách sáng tác lập dựng cho riêng một sắc thái Hàm Anh.
Đi vào những bài viết tạp ký hay những bài nghiên cứu của tác giả, cái khô khan của ngôn ngữ không thể hiện sâu rộng trong tác phẩm. Mọi thứ như được lồng trong một phương cách dàn trải câu chuyện trong một khung cảnh bình dị, nên nhẹ nhàng và có khi cảm xúc chan đầy trong bài viết. Ví dụ, bài viết Đêm Xuống Nơi Ngã Tư, bày tỏ trực diện với hình bóng lặng thầm trong cuộc sống của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt.
Từ những đêm dài bên ngã tư Hàng Xanh, với những người thức cùng đêm sâu, bên quán cóc trầm tư cùng đèn đường và trăng sao. Diễn biến cuộc sống lặng lẽ thăng trầm, hòa lẫn vào giữa cuộc sống nhân sinh chao đảo. Nét nhìn như vậy của Hàm Anh quả thật đưa quan điểm ghi nhập đầy tâm cảm của người cầm viết. Bài viết chồng chất bao nhiêu hình ảnh nhân bản giữa tình người, sự thế và cảnh đời. Trải dài trong hơn 2500 chữ, hình ảnh hoàng hôn của một văn nhân thi sĩ một thời lừng lẫy trên văn sử Việt, được gói ghém tổng quan trong cuộc đời tài hoa cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật... giờ ngồi đây gõ tay lên bàn giọng khàn khan trút vào một thoáng xa xăm mà ngâm nga quán vắng dưới đèn đỏ quạnh quẽ lấp ánh trăng non. Ký mà thanh thoát hình ảnh như thơ của Hàm Anh trong những đoạn trên, quả thật rung cảm được lòng người. Cái khô ráp của không khí văn ký sự được bảo hòa bằng lối viết cực kỳ thông minh và sáng hóa.
Trên nhiều weblogs có giá trị, bài viết của Nguyễn Thị Hàm Anh phục hưng được một lối viết tân văn cực kỳ thành công. Những chi tiết dầy đặc trong mỗi tác phẩm quả thật là sự thận trọng và cái tâm người cầm viết. Phương cách trách nhiệm trong tác phẩm, đánh giá sự thận trọng bảo tàng tâm ý trí của nghệ sĩ chân chính. Hôm nhà văn Minh Nguyễn ra mắt tập văn ký Lên Mù Sương Xuống Mù Sương, tác phẩm chỉ dầy khoảng hơn 170 trang, là một phần trong bốn phần của cuộc hành hương đất nước: mảng trung du phía Bắc, mảng thắm thiết Tây Nguyên, mảng biển Việt hải đảo, và mảng sông nước đồng bằng phía Nam. Nhưng chỉ một mảng trong tập văn ký Lên Mù Sương Xuống Mù Sương, mà nhà văn Minh Nguyễn đã kỳ công gần 10 năm du hành, tài chánh và cặm cụi hoàn thành... Kết quả, tác phẩm chi tiết giá trị này nói lên được tài hoa và tâm trí người viết. Hàm Anh cũng chịu thương khó trong cách sáng tác như vậy, ghi nhận tất cả những hình bóng, những sự kiện trôi qua... mà lưu trữ như những tài liệu bất biến.
Thừa hưởng tinh quang văn khúc của phụ thân, (*) nhưng Hàm Anh biết sử dụng tài hoa của riêng mình hướng đi tự lập khúc chiết, với một quan điểm sáng hóa trong các tác phẩm. Vì vậy, tài hoa của nhà văn Nguyễn Thị Hàm Anh là một dấu vàng son góp phần rực rỡ trong ngôi nhà văn sử Việt hiện nay vậy. ./
-----------------
(*) - Nguyễn Thị Hàm Anh, thứ nữ nhà phê bình văn học tiền chiên THƯỢNG SỸ [ i.e. Nguyễn Đức Long} . (Bt)
Ngô Nguyên Nghiễm
Thư trang Quang Hạnh
(từ: hocxa.com)
==================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ