" những dấu đinh mới trên Thập giá Chúa "/ bài viết : ngọc tự ( hoa kỳ) -- source : http://t-van.net/? author 24
Ảnh (Lưu Na)
(tạp văn. ngọc tự)
Lời thưa trước:
Đây chỉ là một tạp văn, ghi lại những cảm nghĩ cá nhân, về một vài vấn đề, nhânsự thể xẩy ra mới đây tại một xứ đạo Công giáo Hoa Kỳ; với ý nghĩ rằng các vấn đề này không còn là điều cấm kỵ hay cần né tránh. Và là cảm nghĩ của một giáo dân bình thường về chuyện đạo, đương nhiên có thể nông cạn, thiển cận, lạc lõng hay thừa thãi không cần thiết, hoặc…
*
Tin tức phổ biến rộng rãi cho biết một vụ phạm thánh nặng nề, vô cùng đau buồn, đã xẩy ra vào một đêm cuối tháng 9/2020 mới rồi, tại nhà thờ giáo xứ Sts. Peter & Paul, ở vùng Pearl River, Louisiana, thuộc Tổng Giáo phận New Orleans. Đây là một giáo xứ nhỏ, hiền hòa, được thành lập từ năm 1904, với ngôi giáo đường hiện nay có kiến trúc đơn sơ ấm cúng, gian cung thánh khoảng khoát trang nghiêm, nổi bật sự thánh thiêng, qua những ảnh tượng quen thuộc chung quanh bàn thờ.
Nhà thờ giáo xứ Sts. Peter & Paul, ở vùng Pearl River, Louisiana, thuộc Tổng Giáo phận New Orleans
Khu vực bàn thánh nhà thờ nhà thờ giáo xứ Sts. Peter & Paul, ở vùng Pearl River, Louisiana
Chính tại nơi chỗ thiêng liêng này, Linh mục Travis Clark, cha sở của giáo xứ, đã sa vào một tội phạm thánh vô cùng nhơ nhớp, khủng khiếp; xúc phạm đến Chúa cách quá sức nặng nề, không thể nào tưởng tượng nổi. Điều này cũng làm đau đớn, không chỉ giáo dân trong giáo xứ, mà hầu như toàn thể con cái Chúa khắp nơi; gây thêm một vết thương trầm trọng cho Giáo hội Công giáo.
Không biết ma quỷ đã cám dỗ và dẫn lối đưa đường như thế nào, mà cái đêm tăm tối mù quáng ấy, vị Linh mục ba mươi bẩy tuổi, được thụ phong chức thánh năm 2013, và nhận xứ từ 2019, đã cả gan đưa hai người phụ nữ là Melissa Cheng 23 tuổi, Mindy Dixon 44 tuổi, một diễn viên phim khiêu dâm, để cùng với mình làm một chuyện động trời, là quay videoclip các hành vi nhục dục tại khu vực cung thánh. Nơi chỗ đó, hơn ai hết, vị Linh mục không rõ bị sa ngã từ bao giờ kia, quá biết chính là bàn thánh, và đã bao lần ông cử hành Thánh lễ, cùng với tâm tình sốt sắng hiệp dâng của cộng đoàn dân Chúa tại giáo xứ.
Sự thể vụ việc đêm khuya ấy, được phát giác do một giáo dân khi đi qua nhà thờ lúc đó, nhìn thấy đèn điện trong nhà thờ còn sáng cách bất thường, nên báo động kịp thời. Những người phạm pháp bị bắt và tống giam ngay. Các giới hữu trách đang tiến hành cuộc điều tra.
Ngay khi biết sự việc đau buồn này, Đức Tổng Giám mục Gregory Aymond của Tổng Giáo phận New Orleans đã gay gắt lên án, ra lệnh tức khắc cho dỡ bỏ và đốt bàn thờ đã bị ô uế. Các giờ cầu nguyện đền tạ, xin Chúa thương thứ tha, cũng được tiến hành thực hiện.
Cũng phải nói thêm, ngoài nhiệm vụ cha sở của giáo xứ, Linh mục Travis Clark còn là Tuyên úy của một trường trung học tại địa phương. Chưa biết được hết những hệ quả nào nơi đời sống đức tin của giáo dân trong giáo xứ, như qua những bí tích do Linh mục này đã cử hành, một khi (rất có thể) ông đã bất xứng (và chưa bị lộ diện) khi cử hành các bí tích đó.
Đồng thời gần như cùng thời gian, lại còn có vụ Linh mục Pat Wattigny, cũng là một Tuyên úy trường học, trực thuộc Tổng Giáo phận New Orleans, bị tố giác là có những tin nhắn bất chính,không đàng hoàng với các em học sinh, thuộc trách nhiệm chăm sóc đời sống thiêng liêng của mình cho các em đó.
Khi được biết về những tin tức như thế, có ai không cảm thấy bàng hoàng và đau buồn xót xa. Đây cũng là một chuyện tệ hại tiếp theo bao nhiều điều tương tự khác, liên quan đến các vụ “bê bối tình dục” của nhiều Linh mục, xẩy ra trong thời gian dài đã qua, tại nhiều nơi, cũng như tại Giáo hội Hoa Kỳ.
Con số những Linh mục xấu ấy, thật ít oi không đáng kể, so với biết bao nhiêu Linh mục thánh thiện tốt lành. Nhưng thực tế chỉ cần một vài vết mực đen, dù nhỏ li ti, cũng đã ảnh hưởng phần nào,làm mất đi vẻ đẹp tinh tuyền của tờ giấy trắng.
Và những thứ tội lỗi ấy, như từng dấu đinh hằn vết thêm nơi thập giá Chúa.
Người ta cũng phải tự hỏi, phải chăng chưa có hay không có một giải pháp tích cực nào, từ các đấng bậc trách nhiệm trong giáo quyền, để ngăn chặn, chấm dứt các tình trạng nhức nhối loại này, vì nhiều chuyện tương tự như vậy (với mức độ khác nhau) đã bao lần cứ tiếp tục xẩy ra trong thời gian dài.
Giáo hội không ngại ngần hay muốn che dấu sự thật. Đừng sợ sự thật vì: “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Gioan 8:32). Và nữa: {Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”,“không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ} (Mát-thêu 5:37)
Là con cái Chúa, trong đức tin và đời sống thiêng liêng, mỗi khi đối diện với tất cả mọi điều chuyện, biến cố xẩy ra, dù có như thế nào, vẫn luôn phải cầu nguyện và đón nhận trong tâm tình trông cậy, cùng suy ngẫm xem Chúa muốn nói, muốn nhắc nhở gì, qua từng điều chuyện hay biến cố như vậy.
Ngày xưa, khi các môn đệ tháo đinh và đưa xác Chúa Giêsu xuống khỏi cây thập giá, lúc ấy thập giá chỉ in dấu mấy dấu đinh cứu độ. Thế rồi từ ngày đó cho đến hôm nay, qua thời gian tháng năm, biết bao nhiêu dấu đinh tội lỗi của con cái Chúa, đủ mọi thành phần, đã hằn sâu thêm nơi thập giá Người. Và trong tương lai, liệu sẽ còn có thêm những dấu đinh mới nào nữa không.
Nhưng thập giá Chúa vẫn luôn mãi là nguồn ơn cứu độ, dấu chỉ của tình yêu thương, nguồn hy vọng vô biên cho người tin.
Thiên Chúa là đấng thấu suốt mọi sự. Ngài biết rõ từng hoàn cảnh của con cái Ngài. Tại sao sự tội lại xẩy ra. Nên nhớ rằng Thiên Chúa vẫn luôn cho con cái của Ngài được sự tự do hoàn toàn. Và sự phán xét của Ngài bao giờ cũng lượng thứ, khoan dung.
Vậy thử nhìn xem từ sự tự do được ban cho, con cái Chúa, nói riêng trường hợp các Linh mục vướng vào các vụ tội lỗi bê bối, đã sa chước cám dỗ, rồi rơi vào sự dữ cách nào. Dĩ nhiên, đấy là hành động của từng cá nhân, tự thỏa hiệp với chính mình, không vượt thắng được mình trong phút giây sa ngã. Nhưng không thể không nhìn ra những gì có liên quan xa gần.
Dễ thấy nhất, có nhiều thứ tác động của hoàn cảnh chung quanh, đã cuốn hút những con người đáng trách và đáng thương này.
Hành trình của Linh mục bắt đầu bằng ơn gọi, rồi qua những năm tháng dài đào tạo trong Đại chủng viện, từ 6-8 năm, về triết học, thần học,trong các lãnh vực chính: nhân bản, tri thức, đạo đức, muc vụ. Thời gian đi giúp xứ, là những thử thách sau cùng, trước khi được thụ phong nhận lấy chức thánh. Hẳn rằng người Linh mục đã được trang bị và có đầy đủ tất cả phẩm chất cần thiết,cho hành trình thi hành sứ vụ được giao phó.
Nhưng rồi theo thời gian, khi các Linh mục thi hành sứ vụ tại xứ đạo, điều gì đã xẩy ra, và tại sao lại có thể xẩy ra như thế, vẫn luôn là vấn đề phải suy nghĩ.
Việc các Linh mục xin giáo dân cầu nguyện cho mình được ơn bền đỗ và trung thành với ơn gọi, chắc hẳn không phải là cách nói theo thói quen.
Qua việc truyền chức, được nhận lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh, Linh mục nhận lấy dấu ấn thiêng liêng không bao giờ có thể xóa đi được, và Linh mục là mãi mãi, kể cả đời sau. Nhưng Giáo luật cũng có nói đến trường hợp Linh mục “bị khai trừ ra khỏi hàng ngũ giáo sĩ”. Khi này, Linh mục mất đi vị thế giáo sĩ, không còn được phép thi hành sứ vụ Linh mục như dâng Thánh lễ, ban các Bí tích…, nhưng chức thánh vẫn là muôn đời.
Cũng có vấn đề hồi tục của Linh mục, do bị kỷ luật hay được chấp thuận theo đơn xin, với những lý do chính đáng. Việc này đòi hỏi một tiến trình dài xem xét rất nghiêm trọng, và được quyết định sau cùng bởi Đức Giáo Hoàng.
Khi tình trạng các Linh mục “bê bối” xẩy ra cách rõ ràng, việc hồi tục các Linh mục được tiến hành nhanh chóng hơn, và Tòa Thánh đã rộng quyền cho cấp địa phận được xem xét quyết định, nhằm bảo vệ sự trong trắng của Giáo hội.
Có Linh mục nào đủ can đảm thú nhận rằng, mình không còn xứng đáng là Linh mục của Chúa, để chăm sóc đàn chiên trong sứ vụ.
Giáo hội từng đối diện với con số báo động các Linh mục phải hồi tục từ sau Công đồng Vatican II, nhất là dưới triều đại các Đức Giáo Hoàng Paul VI (1963-1978), Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II (1978-2005).
Con số Linh mục tự ý bỏ nhiệm sở phục vụ (ngắn hạn hay vĩnh viễn),theo thống kê, cũng không phải là ít.
Tôi có biết một Linh mục trẻ gốc Hispanic, từ khi còn là đại chủng sinh, được thụ phong Linh mục, và được bài sai về làm phó xứ tại giáo xứ tôi. Cha vẫn năng vào nhà chầu Thánh thể để cầu nguyện với Chúa. Khi chuyển đi nơi khác, hàng tháng Cha đều quay trở lại, để dâng thánh lễ xin ơn chữa lành cho cộng đoàn Hispanic. Bẵng đi một thời gian, tôi nhớ đến Cha và có hỏi thăm mấy người thân quen. Họ trả lời nên quên ông ấy đi, vì đã bỏ giáo xứ, biến đi đâu mất tăm tích lâu rồi.
Vị trí xấu mà hạt giống đức tin rơi xuống trong dụ ngôn Chúa nói, chắc khác hẳn hoàn cảnh sa ngã của các Linh mục.Các vị ấy, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã ở giữa nơi chỗ tốt lành, nhưng rồi đã tự dễ dãi, để cho con người phàm tục thấp hèn lấn lướt con người thiêng liêng, trong nội tâm của mình, và sa ngã.
Phân tâm học Sigmund Freud có nói đến sự đối chọi, giằng co thường xuyên trong mỗi con người, giữa siêu ngã (superego) và dục năng (libido); để từ đó, người ta sẽ trở nên tốt lành thánh thiện, hay rơi vào xấu xa tội lỗi, tùy theo kết quả ngả về phía nào.
[Theo Sigmund Freud (1856-1939), siêu ngã {gồm có lý tưởng của bản ngã, cái tôi (ego) và lương tâm} hoạt động giúp đè nén ham muốn của bản năng, và cố tìm cách khiến bản ngã hành xử có đạo đức xứng hợp hơn, thay vì để bị lôi cuốn bởi hoàn cảnh thực tế, có nhiều hình thái đánh thức bản năng. Siêu ngã luôn tiến tới sự hoàn hảo về đạo đức. Trong khi đó, dục năng là một phần của bản năng, và là động lực thúc đẩy cho mọi hành vi, lôi kéo bản ngã trôi trượt xuống những gì tối tăm.]
Người thường xuyên ý thức vai trò và trách nhiệm của mình,và luôn tự rèn ruyện, tu dưỡng, sẽ giúp cho siêu ngã luôn thắng vượt dục năng.
Không thể quên việc phải luôn cầu nguyện với Chúa, dù là giáo dân hay ở bất cứ phẩm trật nào, để tâm hồn trong sáng, hướng dẫn đời sống thiện lành.
Một thực tế dễ nhận thấy là do đặc thù của môi trường văn hóa xã hội Hoa Kỳ ngày nay, sự tiếp xúc giữa Linh mục với giáo dân mọi giới, như rất thoáng, dễ tạo ra các cử chỉ thân mật quá mức cần thiết, nhất là đối với nữ giới. Từ đó có thể dẫn đến việc…như từng xẩy ra.
Hoặc nữa, các sinh hoạt cá nhân như vấn đề ẩm thực, các phương tiện giải trí… có hay không những tác động, ảnh hưởng nào đấy, đến tâm sinh lý con người.
Linh mục Gioan Maria Vianey, đấng đã được phong thánh năm 1925, bổn mạng của các cha sở, vốn cũng là một cha sở rất nổi tiếng, có nói rằng: “Phương tiện để sống tốt đối với một Linh mục là sống như ở chủng viện”. Nhưng rồi ngài nói thêm: “nhưng đâu phải lúc nào cũng làm được”.
Người ta cũng hay nghe nói về tâm trạng cô đơn của đời linh mục. Nhất là tình trang hiện nay hầu như rất nhiều giáo xứ tại Hoa Kỳ không có Cha phó. Vậy thì Chúa là ai và Chúa ở đâu. Và làm sao lại có thể dễ dàng quên đi người Thầy, người bạn hằng luôn ở bên cạnh mình như thế, nơi những giờ phút tâm tình cầu nguyện.
Sự cô đơn của Linh mục mang tính đặc biệt rất riêng và phải chấp nhận như thế. Linh mục cũng là con người, là một Ki tô hữu, sống chung giữa giáo dân. Cũng phải chia sẻ những điều gì đó chung với họ. Cũng phải chấp nhận mọi thứ liên quan đến cuộc sống đời thường, cũng bị dòm ngó, soi mói, bị phê phán, bị xúc phạm, hiểu lầm…Một mặt khác, Linh mục có chức thánh nên cũng cần được tách rời ra, vượt lên trên mọi người.
Quả thật có khó khăn thách đố giữa hoàn cảnh như vậy. Những công tác mục vụ nhiều khi tràn ngập áp lực, dễ gây căng thẳng, dồn nén cho Linh mục. Một lúc nào đó, các uẩn khúc và ức chế tiềm ẩn bùng vỡ, tạo ra những hệ quả xấu.
Đã có rất nhiều tác phẩm của các Linh mục lớp trước, có cả các huấn từ của các đấng bậc bề trên như “Chỉ nam Linh mục của Bộ Rao giảng Tin mùng”, “ Huấn từ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ngỏ với các Linh mục”; để hướng dẫn hay chia sẻ, cùng cảm nhận, trao đổi tâm tình, hoặc nói về tất cả mọi điều chuyện liên quan đến Linh mục, từ sứ vụ đang đảm nhận, cho đến đời sống thường nhật, và những trường hợp, hoàn cảnh có thể gặp phải hay đương đầu…, kể cả điều tế nhị khó nói.
Không biết có được bao nhiêu Linh mục tìm đọc các tác phẩm loại này để trang bị, củng cố thêm cho nội lực bản thân, giúp vượt qua những khoảnh khắc gặp phải khó khăn hay bị cám dỗ lôi cuốn.
Tu đức học nói thẳng rằng “bóng đêm lớn nhất trong đời tu là bóng dáng của dục vọng”. Là con người, có ai mà không tránh khỏi bị dục vọng cám dỗ. Vấn đề là phải cố gắng chiến thắng từng cơn cám dỗ, cần thiết hơn nữa đối với một cá nhân có vai trò và vị trí đặc biệt, như các Linh mục.
Giáo hội Việt Nam cũng không tránh né một góc cạnh của vấn đề này. “Vấn đề tính dục và đời sống tu trì”, “Tình cảm và tính dục trong đời sống và sứ vụ Linh mục ngày nay”, là đề tài nổi bật trong kỳ thường huấn Linh mục tại nhiều Giáo phận. Linh mục Micae Phaolô Trần Minh Huy thuộc Hội Xuân Bích, là người đảm trách nói về chủ đề đặc biệt tế nhị ấy.
Các nghiên cứu, biên soạn cho đề tài thuyết trình của Cha Trần Minh Huy, được in thành tác phẩm: “Linh mục và Tu sĩ sống trưởng thành tình cảm & tính dục trong bối cảnh Giáo hội v& xã hội hôm nay”, xuất bản năm 2019 vừa qua.
Một số tài liệu tu thân hãm mình dành cho các linh mục tu sĩ
Chỉ có đức tin vào Chúa mới là điều tuyệt đối và quan trọng. Nhưng cũng có những giáo dân tin Chúa thông qua sự tin nơi các Linh mục. Khi sự tin này bị mất đi thì đức tin của họ đâm ra chao đảo. Dễ gặp trường hợp các Linh mục bê bối, đã gây ra tác động xấu nơi giáo dân như thế nào.
Sau vụ việc ông cha sở phạm thánh nêu trên, nhiều giáo dân tỏ thái độ tiêu cực, nhưng cũng rất đông người đã đến Đại Chủng viện địa phương để cầu nguyện, bầy tỏ sự tin cậy trong tâm tình chia sẻ và cảm thông, cũng như động viên tinh thầncác Linh mục và Tu sĩ.
Đứng trước các gương mù, gương xấu, làm cớ cho sa ngã, con nhà đạo rất quen thuộc đoạn Kinh Thánh này:
“Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn…Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lũa hỏa ngục.”
(Mát-thêu 18: 6,8,9).
Xem ra Chúa rất nghiêm khắc và thật cứng rắn, quyết liệt, khi lên án sự sa ngã, và đòi hỏi phải loại bỏ những gì liên quan đến sự sa ngã. Nhưng Chúa cũng luôn nhân từ, sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi, khi kẻ vấp phạm đã biết ăn năn thống hối, qua bí tích hòa giải.
Có điều, các sự việc liên quan đến vấn đề vi phạm dục tình của các Linh mục trong thời gian qua, ngoài những trường hợp phạm pháp rõ ràng, còn thường ra đều rất tế nhị, như là dư luận ác ý, sự đồn thổi vu cáo vô căn cứ, bên cạnh tính chất đặc thù của luật pháp (diễn dịch và suy luận về hành vi…), liên quan tới tội danh này, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Hẳn nhiên còn phải nhớ đến Ấn tín tòa giải tội.
Xin mạn phép được giải thích riêng, dành cho những ai không phải là giáo dân:
“Ấn tín tòa giải tội hay ấn tòa giảo tội, bí mật tòa giải tội, là một điều bất khả xâm phạm. Được hiểu như là cấm Linh mục giải tội, không được phép tiết lộ với bất cứ ai, về bất cứ điều gì liên quan đến người đã xưng tội với mình, dù bằng lời nói hay cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì.”.
(Trích điều 984, bộ Giáo luật 1983.)
Như đã biết, thực tế giải quyết hậu quả các vụ việc liên quan đến vấn đề “lạm dụng tình dục” của giáo sĩ, do tố cáo, thưa kiện, các Giáo phận cũng đã tốn nhiều công sức và tiền của. Nhưng rồi sau đó kết quả như thế nào hay các biện pháp nào được áp dụng cũng không được rõ lắm.
Dẫu sao phải tin vào sự giải quyết khôn ngoan, ổn thỏa, hợp tình hợp lý, của các đấng bản quyền, dưới sự hướng dẫn, soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Khó có thể hiểu thêm ý nghĩa và mục đích của mẩu thông báo này, được đăng thường xuyên từ lâu, trên tờ Texas Catholic Herald của Tổng Giáo phận Galveston-Houston. (Xin mời xem ảnh kèm theo bên dưới). Đây là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm, là lời cảnh báo nhắc chừng, hay thừa nhận về một tình trạng chưa chấm dứt.
Đã có trường hợp giáo dân phát hiện ra Linh mục phụ trách mục vụ nơi chỗ này, từng vướng vào chuyện lùm xùm trước đây ở nơi khác, nên bầy tỏ phản ứng với giáo quyền.
Dù thế nào chăng nữa, Linh mục cũng là con người, là tạo vật bất toàn với tất cả sự yếu đuối thấp hèn như bao con người khác. Xin chung lời cầu nguyện cho các Linh mụcđừng bao giờ bị sa ngã,để các ngài luôn bảo vệ toàn vẹn sự trong sáng của ơn gọi cao cả trong chức Linh mục đã được lãnh nhận.
*
Cũng từ chuyện về các Linh mục, vấn đề thiếu Linh mục do thiếu ơn gọi trầm trọng, là tình trạng hiện nay tại nhiều Giáo hội quốc gia, cũng như củaGiáo hội Hoa Kỳ. Điều này đưa tới nhiều khó khăn cho công việc truyền giáo, sinh hoạt mục vụ…, đồng thời cũng nẩy sinhnhiều ý kiến tranh luận.
Có ý kiến nêu lên vấn đề độc thân của Linh mục, thậm chí còn đề nghị cho phép Linh mục được lấy vợ. Hoặc nói đến chuyện phong chức Linh mục cho nữ giới, hay cho các Phó tế vĩnh viễn…đều là những việc dường như không tưởng, bất khả thi, khi hiểu sai về chức thánh Linh mục và danh xưng, đã hàm chứa những đòi hỏi bắt buộc phải có, từ rất lâu đời trong đời sống Giáo hội.
Tại sao không nghĩ đến nhiều phương thức khác có thể thực hiện được, ngoài những ý kiến xoay quanh mấy vấn đề nêu trên.
Sửa đời cho tốt đẹp là trách nhiệm đạo luôn phải làm như từ trước đến nay. Nhưng không thể đòi hỏi phải sửa những điều có tính chất bất khả của đạođể theo ý đời, đi ngược lại những điều Chúa truyền dậy. Hợp lý hơn, có chăng là canh tân, đổi mới những gì trong đạo,không còn phù hợp với thời đại, như tinh thần Công đồng Vatican II đã khởi xướng và thực hiện với nhiều canh tân đổi mới quan trọng về Tín lý, Phụng vụ, Tổ chức trong Giáo hội, về người giáo dân… (thánh lễ cử hành bằng ngôn ngữ Giáo hội quốc gia, khôi phục chức Phó tế vĩnh viễn, nâng cao vai trò Tông đồ giáo dân…).
Linh mục mang hình ảnh của Đức Giêsu Ki Tô, là hiện thân của Ngài, qua sứ vụ phục vụ những nhu cầu thuộc về đời sống thiêng liêng của con cái Chúa. Linh mục cũng là người phải cố gắng kiếm tìm, gọi mời thêm nhiều người tin vào Chúa. Linh mục là cầu nối con người với Thiên Chúa.
Theo thời gian, cách nhìn và tương quanvới Linh mụcđã có những thay đổi từ phía giáo dân. Từ sự tin tưởng gần như tuyệt đối trước đây, ngày nay đi đến tình trạng thực tế là có một khoảng cách nào đó giữa giáo dân và Linh mục, cùng các dấu hỏi. Thường nghe kiểu nói là tin Chúa chứ không tin các Linh mục. Cũng dễ hiểu nguyên nhân của tâm trạng này giữa cuộc sống xã hội trần thế.
Tấm gương nên thánh của các Linh mục đạo hạnh thánh thiện là lẽ thường. Nhưng câu chuyện về chân phước Carlo Acutis vừa được Giáo hội tuyên phong, cậu thiếu niên ngưới Ý mười lăm tuổi, chỉ có niềm say mê tin học, và trang phục quần jean, áo thung, đi giầy thể thao; đã đánh thức cuộc sống đức tin cho bao con người, nhất là giới trẻ.Đây là một phương cách sống đức tin trong thời đại mới, thực tế và hiệu quả về việc làm chứng cho Chúa,nơi xã hội hôm nay. Đây cũng là thêm một bài học cụ thể cho các Linh mục trong việc hướng dẫn thực hành đức tin cho giáo dân của mình, đặc biệt lớp trẻ.
Đạo là đạo của đức tin. Và đức tin là do Thiên Chúa ban cho con người, để con người nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. Rồi từ đó biết sống đức tin là sống theo những gì Chúa dậy, tôn thờ, kính mến Thiên Chúa và yêu thương người khác. Việc làm cụ thể khác của đức tin là luôn gần gũi Chúa qua tâm tình cầu nguyện, chia sẻ giúp đỡ người quanh mình những gì có thể, làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống mình…
Ngày nay, cho dù đức tin của giáo dân đã trưởng thành nhiều hơn lên, dẫu trong nhiều hoàn cảnh khó khăn thử thách, nhưng vẫn cần có sự hiện diện của Linh mục. Chỉ Linh mục mới có năng quyền thiêng liêng để cử hành phụng vụ, ban các bí tích, là những điều gần gũi và cần thiết cho giáo dân. Thế nhưng, nhiều khi cách thức hướng dẫn việc thực hành đức tin cho giáo dân của Linh mục, qua các bài giảng, lại mang nặng tính kinh viện, không đưa ra những hình ảnh gần gũi cụ thể, nơi đời sống thực tế chung quanh.
Thêm nữa, đối diện với tình trạng thiếu hay không có Linh mục để cử hành các bí tích, hoặc hoàn cảnh không thể có các sinh hoạt phụng vụ bình thường;cách thức, giải pháp nào khả thi.
Câu chuyện về các Giáo hội thầm lặng dưới chế độ Cộng sản hay sinh hoạt của đời sống đạotrong suốt thời gian cơn đại dịch vừa qua và vẫn còn đang tiếp diễn, chắc hẳn đãcó nhiều điều suy nghĩ về sự hiện diện, về việc thi hành sứ vụ của Linh mục, bên cạnhviệc sống đức tin của giáo dân, từ các đấng bậc giáo quyền.
Thêm nữa, những thay đổi và tiến bộ mọi mặt của thời đại, cũng đặt ra cho Giáo hội nhiều vấn đề đòi hỏi phải canh tân dổi mới, để giúp cho giáo dân sống đạo chủ động, sinh động hơn, thay vì cứ hạn hẹp trong nhiều kiểu cách hướng dẫn như theo công thức quen thuộc cũ, dễ tạo ra xơ cứng nhàm chán.
Như thể, từ trước đến nay, người giáo dân chỉ mới biết cách thức rửa tội cho người nguy tử, đọc kinh rước lễ thiêng liêng, cầu nguyện qua nhiều hình thức, ở bất cứ hoàn cảnh nào…. Mới nhất là các thánh lễ trực tuyến, thánh lễ online trên youtube (vẫn chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch bệnh). Có một vài sáng kiến nữa, nhưng cũng thực hiện hợp cách với kỷ luật phụng vụ, khi tình trạng lây nhiễm vẫn còn đe dọa.Vậycòn các nhu cầu thiêng liêng khác của giáo dân cũng cần kíp và ở vào lúc cấp bách, bất thường, mà không có Linh mục hiện diện, chưa được giáo luật quy định, thì sao đây.
Dễ nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này, vì thời gian bùng phát trong cơn đại dịch vừa qua, có thực trạng người hấp hối, người chết hàng loạt cùng một lúc, họ đã không được nhận bí tích cuối cùng hay có nghi thức tiễn biệt nào. Rồi do sự giới hạn nghiêm ngặt của y tế, cho dù nếu có Linh mục, thì bí tích xức dầu bệnh nhân cũng chỉ được thực hiện cách gián tiếp, ngắn gọn, qua miếng bông gòn tẩm dầu thánh, hay một cách trung gian nào đó, như từng chứng kiến qua truyền thông ghi lại.
Như vậy tính hợp thức trong trường hợp này sẽ như thế nào.
Vì hoàn cảnh không có Linh mục, với tâm tình phó thác cậy trông của chính bản thân một người con cái Chúa đang trong giờ lâm tử, hoặc nhờ sự giúp đỡ hướng dẫn thiêng liêng của người đồng đạo hiện diện bên cạnh, qua việc ăn năn thống hối tội lỗi và lòng ước ao được đón nhận ơn tha thứ, người đang trong giờ lâm tử ấy có được hưởng nhờ ơn của bí tích giải tội, bí tích xức dầu cách thiêng liêng chăng. Hẳn nhiên Chúa biết và Chúa có cách của Ngài. Câu chuyện “người trộm lành” bị đóng đinh bên cạnh thập giá Chúa Giêsu năm xưa trên núi Sọ, như một gợi mở để cảm nhận, suy nghĩ.
Nhiều giáo dân cao niên người Việt đều biết về việc giúp người hấp hối dọn mình thiêng liêng, trong trường hợp không thể có Linh mục hiện diện.
Qua trường hợp như vừa nêu, rất cần sự hướng dẫn rộng rãi của giáo quyền.
Vai trò của Phó tế, vai trò của giáo dân, trong nhiều lãnh vực và phạm vi, đã được Giáo hội ghi nhận, đánh giá cao. Nhìn riêng, người giáo dân thường luôn có mặt ở nhiều nơi chỗ trong cuộc sống thường ngày. Vậy trong hoàn cảnh mới, ngoài các phần vụ quen thuộc mà hai thành phần này được phép thi hành theo quy định, có thể có thêm những phần vụ mới nào cho họ được phép đảm nhận hay không, để họ mạnh dạnthực hiện việcgiúp đỡ thiêng liêng cho người khác khi cần thiết. Đương nhiên, phải có những hướng dẫn chặt chẽ kèm theo để tránh sự lệch lạc chệch hướng, nhất là điều gì liên quan đến phụng vụ, hay trong việc chia sẻ, trình bầy Kinh Thánh, mà nhiều khi chỉ vì quá hăng say, sùng tín, dễ đưa đến sai lạc, vì sự hiểu biết chủ quan của cá nhân thường có giới hạn.
Bên cạnh đó, có lẽ cũng cần phải có cách nhìn mới và những linh hướng cụ thể hơncho các phong trào giáo dân, đang có sự phát triển, qua các hoạt động của các phong trào này (nhóm Lời Chúa, nhóm Thánh Linh, Lòng Chúa thương xót, cầu nguyện chữa lành…)
Một vài điều vừa trình bầy, và nhiều điều khác nữa, liên quan đến tổ chức và sinh hoạt các mặt trong đạo,giũa cuộc sống hôm nay, thuộc về thần học và tín lý, nên không được phép lạm bàn.
*
Từ việc đau lòng là sự sa ngã của những Linh mục, bên cạnh những điều chuyện xẩy ra tại giáo triều Rôma, chung quanh một vài tổ chức phụ thuộc, chuyện liên quan đến vài vị Hồng Y, như Hồng Y McCarrick (cựu Hồng Y, đã phải hoàn tục thàng/2019), cùng với bao nhiêu vấn đề nẩy sinh, nổi bật là vụ “tiến trình công nghị” của Giáo hội Đức mới rồi, làm nhớ lại những sự kiện sóng gió trước đây trong lịch sử; Giáo hội như được nhắc nhở để nhìn lại sự hiện diện của mình trong cuộc sống xã hội và những gì bất ổn nội bộ.
Nhiều vấn đề của Giáo hội liên quan đến thần học và tín lý, nhưng cũng có liên quan đến vấn đề tổ chức và con người.
Đạo hiện diện trong cuộc sống xã hội con người và phải đối diện với những vấn đề của xã hội con người, trong đó có vấn đề tổ chức và con người của tổ chức. Bất luận tổ chức nào, kể cả của tôn giáo, cũng đòi buộc phải hoàn hảo. Và con người của tổ chức, thì luôn gặp phải mọi thứ thách đố, nhất là trong một thế giới tràn đầy cám dỗ sa ngã hiện nay.
Để có một tổ chức và những con người của tổ chức thật hoàn hảo, hoàn thiện, cần đến nỗ lực tự soi chiếu không ngừng và chấn chỉnh thường xuyên.
Chúa đã thiết lập Hội thánh Công giáo với sứ vụ hướng dẫn, phục vụ con cái Chúa và thánh hóa trần gian, đem ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Ngoài yếu tố thiêng liêng, Hội thành còn có yếu tố thế gian. Với yếu tố này, Hội thánh là một tổ chức hữu hình và có một hệ thống cơ cấu, phẩm trật; gồm những con người được tuyển chọn và phân nhiệm. Như vậy, để giữ được sự thánh thiện tinh tuyền, Hội thánh luôn phải hoàn hảo và hoàn thiện, về cả tổ chức lẫn con người.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn thánh hóa và ban xuống cho Giáo hội mọi sự canh tân đổi mới cần thiết, đang đòi hỏi thúc bách, để thích ứng với cuộc sống có những tiến bộ vượt bậc về nhiều lãnh vực của thế giới ngày nay.
Qua con đườngthập giá, Đức Ki Tô chịu khổ nạn để cứu độ nhân loại. Và để xứng đáng được đón nhận ơn cứu độ, ngoài niềm tin vào Chúa, chịu phép rửa làm con Chúa, mỗi người còn phải luôn sống tuân giữ lề luật của Chúa. Con cái thành tín thì trung kiên đi theo đường lối công chính Chúa dậy, nhưng cũng vẫn “…có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki Tô” (thư thánh Phaolô gửi tín hữu Phi-líp-phê 3,18).
Vì thế trên thập giá Chúa, bao giờ cũng có những dấu đinh mới. ./.
ngọc tự
(06.11.2020
source: t-van & bạn hữu
======================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ