Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

bài đọc thêm (2) : " " bên dưới những đôi cánh sắt"/ tản văn: ngọc tự -- source: http://t-van.net/?author=24

 ngọc tự: Bên dưới những đôi cánh sắt


(nhân ngày Không Quân 1.7, lần thứ sáu mươi lăm)

Nhiều người mà danh tính có nêu trong các phần giới thiệu của bài viết này

nay đã yên nghỉ.

Xin chân thành tưởng nhớ.

 

Thường ra, mỗi khi nói tới Không quân (KQ), người ta nhớ ngay đến hình ảnh người phi công với bộ đồ bay oai hùng,và những cánh chim sắt vẫy vùng ngang dọc trên khắp cácvùng trời lửa đạn quê hương;cùng dáng dấp một con người hào hoa phong nhã nơi đời thường. Thêm vào đó là những chiến tích lừng lẫy qua các phi xuất ném bom, oanh kích trên đầu quân thù, yểm trợ, giải vây, tiếp tế cho quân bạn tại khắp các mặt trận, căn cứ, tiền đồn xa xôi heo hút.

Đây cũng là điều dễ hiểu,vì hình ảnh đó thường xuyên xuất hiện nơi các bản tin thời sự hàng ngày, và có mặt trong các sáng tác thơ văn, âm nhạc, giữa năm tháng quê hương đang trong chiến tranh.

Bóng dáng người phi công, người lính Không quân, thật hào hùng, được giới thiệu rất sớm trong bản hùng ca Không quân hành khúc của nhạc sĩ Văn Cao, sáng tác từ hồi 1945. Khi lực lượng Không quân thuộc Quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập vào ngày 1.7.1955, bài hát này chính thức được chọn để sử dụnglàm hành khúc cho Quân chủng.

Rồi sau đó, khuôn mặt người lính KQ, cách riêng người phi công, dần dần trở nên quen thuộc nhiều hơn với mọi người. Theo thời gian, hình ảnh ấy càng nổi bật thêm lên theo với sự phát triển của Quân chủng, giữa những ngày chiến sự sôi bỏng.

Khi tác phẩm Đời Phi công của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh xuất hiện năm 1959, đã định hình và đưa chân dung người lính KQ, người phi công qua văn chương, trở thành như một thần tượng mới cho tầng lớp thanh niên thời đó.

Và khởi đi từ đấy, những năm tháng tiếp theo, bên cạnh tư thế chiến sĩ, người KQ có thêm những sắc diện mới, người lính KQ viết văn, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc, ca hát…cũng như nơi một vài bộ môn, lãnh vực khác.

Cùng lớn mạnh theo đà phát triển chung của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, giữa nhịp độ chiến sự ngày một càng gia tăng, Không quân cũng đi vào các giai đoạn phát triển và bành trướng. Người lính KQ, dù là phi công ngồi trong cockpit, buồng lái, hay nơi các hoạt động yểm trợ bên dưới những đôi cánh sắt, bắt đầu đa dạng hơn và có thêm nhiều góc cạnh, qua các trang thơ văn, các nhạc phẩm nói về KQ của chính họ hay từ những người khác.

Người phi công không còn chỉ biết mỗi việc điều khiển máy bay trong chiến đấu và phục vụ, mà cùng với các chiến hữu đồng đội KQ các ngành nghề, có mặt đông hơn, trong nhiều sinh hoạt thuộc những lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội, để giới thiệu thêm các nét vẻ khác nữa của họ, bên cạnh nhiệm vụ quân nhân. Sự tham dự này làm cho đời lính KQ, trong đó có người phi công, thêm phong phú và mang đôi nét nghệ sĩ tính.

Các sáng tác phẩm mà người phi công và đồng đội hay thân hữu viết về tháng ngày tung mây lướt gió, giữa mùa binh lửa, về đời lính KQ, cùng những cảm nhận, suy tư về cuộc sống xã hội đời thường của chính họ, đã được đón nhận trong tâm tình chia sẻ, cảm thông của mọi người.

Qua đó, người lính KQ đã hiện diện thêm quen thuộc trong cuộc sống xã hội và xã hội luôn nhớ đến sự có mặt của người lính KQ, trong trọng trách cùng với Quân Binh chủng bạn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và các nhiệm vụ khác của họ nơi từng vị trí.

Nhiệm vụ Bảo quốc Trấn không, bay bổng trên cao qua khắp những vùng trời đất nước, giữa tháng ngày quê hương binh đao lửa đạn, với biết bao chiến công lẫy lừng đã được ghi nhận theo từng dòng tin chiến sự.

Sự góp mặt của người lính KQ trong những lãnh vực khác bên dưới những đôi cánh sắt, cũng mang đến rất nhiều sự chú ý, nơi từng thời điểm.

Xin được trình bầy một vài lãnh vực sinh hoạt khác ấy: chính trị, văn chương, báo chí, hội họa, âm nhạc, ca nhạc. Đấy là những lãnh vực tiêu biểu mà người lính KQ đã tham dự, để giới thiệu chân dung của mình, để góp phần với xã hội, mà cũng là để Quân chủng họ đang phục vụ được biết đến nhiều hơn.

Đây không phải là một bài khảo cứu chuyên biệt, đầy đủ và trọn vẹn, dù đã cố gắng sắp xếp, tổng hợp những nguồn tài liệu góp nhặt được (qua internet và sách báo…). Cũng không phải là một sáng tác với những điều gì mới lạ. Mà chỉ như một tạp ghi cá nhân, có nhiều điều dựa theo trí nhớ, cùng với những điều đã biết, đã có; nhằmghi chép lại đôi nét chấm phá, qua một số chi tiết về những con người Không Quân, được biết đến nhiều ở vài lãnh vực, sinh hoạt, đặc biệt về văn chương và nghệ thuật, trong quãng thời gian từ tháng Tư năm 1975 trở về trước.

.Về chính trị: chỉ nêu tên hai nhân vật rất quen thuộc: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, mà không cần trình bầy thêm bất cứ một chi tiết nào khác.

Có thể kể thêm về trường hợp ra tham chính ngoài dân sự của Trung tá Vũ Đức Vinh, nhà văn Huy Quang, (sẽ giới thiệu thêm nơi phần nói về tờ Lý Tưởng bên dưới). Thời gian năm 1965 ấy, ông là Trưởng phòng Tâm Lý Chiến tại Khối CTCT/Bộ Tư lệnh Không quân (TLC.CTCT/BTLKQ). Khi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ra làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, ông được biệt phái đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh, đồng thời trực tiếp trông coi Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ông đã thực hiện trách nhiệm giữ vững làn sóng phát thanh một cách hoàn hảo trong vụ đặc công VC chiếm giữ Đài, dịp Tết Mậu Thân 1968.

Hoặc sau đó có Trung Tá Lê Vĩnh Hòa, vốn là một kỹ sư, được biệt phái ra đảm nhận chức vụ Hệ Thống Trưởng Hệ thống Phát thanh Truyền hình và Điện ảnh.

Cũng có nhiều trường hợp các quân nhân KQ khác được biệt phái ra ngoài phục vụ trong ngành Giáo dục, Ngoại giao, Hành chánh…

Một việc quan trọng cần nhắc tới, vào gần cuối năm 1959, KQ đã mở đầu việc biệt phái cho Hàng Không Việt Nam còn non trẻ, những phi công lái máy bay vận tải dày dạn kinh nghiệm, sang phụ trách những chuyến bay dân sự, thay cho các phi công người Pháp. Việc này vẫn còn tiếp tục sau đó một thời gian.

.Về Văn chương: Đây là một trong những sinh hoạt sôi nổi và phong phú nhất. Trong lãnh vực này, có nhiều tên tuổi rất quen thuộc.

. TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH (1930- …). Như có nói qua bên trên, người mở đường và khai sáng cho sinh hoạt văn chương của KQ, không ai khác hơn là Trung tá Nguyễn Xuân Vinh, với bút hiệu Toàn Phong và tác phẩm Đời Phi Công, xuất bản năm 1959. Tác phẩm này đã được nhiều người đề cập đến từ rất lâu.

Ông xuất thân khóa 1 Sĩ quan trừ bị Nam Định (SQTB), ra trường phục vụ ngành Công binh một thời gian rồi mới xin chuyển sang KQ. Ngay sau đó đi du học bên Pháp và tốt nghiệp kỹ sư tại trường Không quân Salon de Provence năm 1954. Về nước chính thức phục vụ trong KQ từ 1955, khi ấy quân chủng ở vào giai đoạn mới bắt đầu thành lập.

Từ hồi còn trẻ ngoài Hà Nội, tuy là người rất có năng khiếu về Toán học, nhưng ông cũng say mê chữ nghĩa và từng viết bài cho tờ Thế Kỷ của giáo sư Bùi Xuân Uyên. Thời gian 1956-1957, ông cộng tác thường xuyên với hai tờ báo quân đội khi ấy là Phụng Sự và Chiến sĩ Cộng hòa.

Tác phẩm Đời Phi Công đã đoạt Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961. (Được tác giả sáng tác từ 1959 và đăng tải trên Nhật báo Tự Do, trước khi in thành sách, tái bản 4 lần). Lúc đó, tác giả mang cấp bậc Trung Tá, đương nhiệm Tư lệnh Không quân (1958-1962).

Đời Phi Công với những hình ảnh lãng mạn của một câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, có tình yêu đất nước và lý tưởng cao đẹp của người thanh niên. Qua hình thức những lá thư trao gửi cho người tình từ phương xa, trong bối cảnh rất riêng, diễn tả tâm trạng và đời sống của nhân vật chính là người phi công, trải dài theo không gian, thời gian ở quê người, khi đi du học về phi hành, đan xen với những hình ảnh kỷ niệm năm tháng quê nhà. Chừng như trong nội dung cốt truyện của tác phẩm có phảng phất câu chuyện của chính tác giả.

Tác phẩm như là cột mốc đầu tiên, mở đường cho sinh hoạt văn học KQ sau này. Và tác phẩm cũng đã góp phần không nhỏ trong việc dẫn đưa rất nhiều con người tuổi trẻ đầy lý tưởng nhiệt huyết hăng say, tình nguyện gia nhập vào KQ để phục vụ tổ quốc thân yêu, với ước mơ được tung đôi cánh sắt, bay bổng vẫy vùng trên khắp vùng trời đất nước bao la.

Sau vụ hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom Dinh Độc Lập ngày 27.2.1962, Đại tá Nguyễn Xuân Vinh bị mất chức Tư lệnh Không quân, ông xin giải ngũ và sang Hoa Kỳ du học, để bước sang một chương mới của đời mình.

Chúng tôi không nói về quãng đời Quân ngũ của vị cựu Tư lệnh Không Quân đời thứ hai này(1958-1962), vì thuộc phạm vi quân sử KQ.

Ngoài Đời Phi Công, trước đó và thời gian sau này, ông cũng viết nhiều tác phẩm và những bài khảo cứu, tài liệu theo nhiều thể tài khác như Toán học, Khoa học không gian…,và cùng hoạt động trong các lãnh vực khác như Giáo dục, Nghiên cứu…, cũng không thuộc nội dung trình bầy ở đây.

Ngoài việc viết văn, ông cũng có làm thơ, nhưng không nhiều như khi ra hải ngoại. Nhiều người gọi ông là nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ, nhưng trước hết, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là một nhà văn KQ.

Xin nói đến bài thơ Tình hư ảo được ông sáng tác khoảng năm 1957, 1958. Ngoài chất toán vốn đã hằn sâu trong tâm thức, lại thêm thời gian đi dậy thêm môn Toán tại Nha Trang, khi ông còn phục vụ đơn vịngoài đó, hồi mới về nước năm 1956, cũng như ở Trung học Petrus Ký Saigon, dù chỉ qua một niên khóa 1957-1958, đã tạo nên cảm hứng, đem đến sự thú vị cho bài thơ, vì ông sử dụng những chữ nghĩa riêng biệt của toán học để nói về tình yêu, có những câu như:

                                 Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác

                                 Nét diễm kiều trong tọa độ không gian

                                 Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn

                                 Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo

                                 …………………………………………….

                                 …………………………………………….

                                  Định lý đảo tìm ra vì giao hoán

                                  Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn

                                  Tính không ra phương chính của cấp thang

                                  Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng

                                  Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm.

Bài thơ cũng đã là sự mở đường cho thể loại Thơ Tình Toán Học, ảnh hưởng đến sáng tác của nhiều tác giả trẻ sau này, trong số đó sớm nhất chắc có chàng thi sĩ học trò Lê Đình Điểu (1939-1999), nhân vật quen thuộc trong sinh hoạt hải ngoại một thời bên Cali), lớp đệ Nhất Ban C, trường Chu Văn An năm học 1958-1959 với bài Tình Toán Học: (Đời tổng hợp bởi muôn nghìn mặt phẳng. Mà tình ta là quỹ tích không gian. Kiếp nhân sinh những hàm số tuần hoàn. Quanh quẩn chỉ trong một vòng lượng giác…Nếu dòng đời hoàn toàn là thông số. Bài toán tình sẽ vô nghiệm em ơi. Tình đâu phải là tam thức bậc hai. Để có thể ngồi yên mà xét dấu…)

Các tác phẩm về văn của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã xuất bản:

  • Gương Danh Tướng, Saigon 1956.
  • Đời Phi Công, Saigon 1959.
  • Theo Ánh Tinh Cầu (ký sự), 1960, tái bản ở Hải ngoại 1991.
  • Sáng tác của ông có trong Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến (nhiều tác giả, nhà xuất bản Vàng Son Sài Gòn 1974).

Hiện ông sinh sống tại California.

. CUNG TRẦM TƯỞNG (1932-…). Cung Trầm Tưởng là bút hiệu của Trung tá Cung Thúc Cần. Rất nhiều những bài thơ tình như có chịu ảnh hưởng khuynh hướng lãng mạn văn chương Pháp, được ông sáng tác trong thời gian du học bên Pháp về ngành hàng không vào những năm 1956-1957. Một số bài (như Chưa Bao Giờ Buồn Thế, Mùa Thu Paris, Tương Phản, Về Đây, Kiếp Sau…)đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở thành những nhạc phẩm rất nổi tiếng. Khi nghe ca sĩ Thái Thanh hay các ca sĩ khác hát bài Tiễn em (phổ từ bài thơ Chưa bao giờ buồn thế) hay Mùa thu Paris, người ta nhớ ngay đến ông KQ Cung Trầm Tưởng và liên tưởng đến bao nhiêu điều chuyện của KQ. Có những người vì yêu thơ Cung Trầm Tưởng mà yêu thêm cả KQ.

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng bắt đầu làm thơ rất sớm từ độ tuổi thiếu niên ở Hà Nội. Ông là một trong những khuôn mặt thi ca nổi bật của văn học nghệ thuật miền Nam.

Khởi đầu từ dòng thơ tình lãng mạn, về sau thơ ông đi vào hiện thực cuộc sống và những chủ đề mang tính tư tưởng.Nghe ca sĩ Anh Ngọc hát bài Bên ni Bên nớ do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ Tương phản của Cung Trầm Tưởng, người ta sẽ cảm nhận thêm một góc cạnh khác trong thi ca của ông.

Ngoài thơ, ông còn sinh hoạt trong lãnh vực báo chí, từng chủ trương tờ Văn nghệ mới năm 1958, và cộng tác với các tạp chí ở Saigon thời đó như : Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành. Trung tá Cung Thúc Cần phục vụ tại BTLKQ cho đến những ngày cuối cùng tháng 4 năm 1975.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ông bị đi tù Cộng sản trong thời gian rất dài, khoảng mười năm. Khi ra hải ngoại, định cư tại Hoa Kỳ, ông lại tiếp tục sáng tác và ấn hành thêm vài thi phẩm.

Các tác phẩm đã xuất bản:

. Tình Ca, nhà xuất bản Công Đàn, Saigon 1959.

. Lục Bát Cung Trầm Tưởng, Saigon 1970.

. Có trong Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến (sách đã dẫn-sđd)

. Lời Viết Hai Tay (thơ tù cải tạo), Bonn_ Đức 1994, tái bản 1999.

. Bài Ca Níu Quan Tài (thơ tù cải tạo), Minesota _Hoa Kỳ 2001.

. Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định_Hoa Kỳ 2002

. Một Hành Trình Thơ, nhà xuất bản Tiếng Quê Hương Virginia 2012,

tái bản 2019.

Ông hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

*

Và rồi tính từ thời điểm những năm 1964-1965 trở đi cho đến sau này, là  thời kỳ nở rộ của sinh hoạt chữ nghĩa Không quân. Đây cũng là giai đoạn KQ đi vào bành trướng và hiện đại hóa. Có thể nói với sự hình thành của tờ báo Lý Tưởng hồi cuối 1964 đầu 1965, do ngành Chiến tranh Chính trị Bộ Tư lệnh Không quân (CTCT/BTLKQ) phụ trách, đã mở ra một giai đoạn mới cho Văn học Không quân. Bắt đầu xuất hiện rất nhiều người phi công, người lính Không quân viết văn, làm thơ; với những sáng tác phẩm nói về chuyện bay bổng, chuyện nhà lính Không quân, giới thiệu thêm sinh hoạt khác của quân chủng.

Tiếp theo nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh và thi sĩ Cung Trầm Tưởng, có các tác giả KQ và tác phẩm tiêu biểu (xin tạm xếp tương đối theo thứ tự thời gian,  nhiều chỗ xin không ghi cấp bậc và chức vụ):

. DƯƠNG HÙNG CƯỜNG (1934-22.01.1988): được mọi người biết đến qua tác phẩm quen thuộc Buồn Vui Phi trường, đã tái bản nhiều lần. Tác phẩm này đậm chất KQ nhiều nhất, vì thế được bạn đọc trong và ngoài KQ đón nhận và yêu thích là điều dễ hiểu.

Ông vốn xuất thân ngành cơ khí kỹ thuật KQ, và được huấn luyện bên Pháp từ năm 1953-1954. Đời binh nghiệp của ông nhiều thăng trầm vì cá tính của mình. Thời gian làm việc ở Không Lưu Khí Tượng tại phi trường Biên Hòa là quãng ngày ông tiếp tục quan sát, ghi nhớ mọi thứ chung quanh, liên quan đến những sinh hoạt trong phi trường, cộng vào chiều dài ký ức đời quân ngũ của mình, để hình thành rồi hoàn tất Buồn Vui Phi Trường. Tác phẩm gây tiếng vang ngay khi xuất hiện, đánh dấu khúc quanh quan trọng cho đời quân ngũ của ông.

Khoảng cuối 1964, đầu năm 1965, ông được thuyên chuyển về Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Không quân (P.TLC/ BTLKQ), tham dự vào công việc của tờ Lý Tưởng giai đoạn khởi đầu, trong vai trò như một người phụ trách tòa soạn.

Từ đó, ông bắt đầu có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển văn nghiệp. Ngoài phần vụ trong đơn vị cũng như việc sáng tác văn chương, ông còn tham gia làng báo Sài gòn và nổi tiếng với bút danh Dê Húc Càn, phụ trách mục Cà Kê Dê Ngỗng của tuần báo trào phúng Con Ong. Công việc này đã gây ra cho ông nhiều hệ lụy phiền phức.

Sau ngày 30.4.1975, ông bị đi tù cải tạo Cộng sản ba năm.

Tháng 5/1984, ông bị chính quyền Cộng sản bắt giam lần nữa vì liên lạc và viết bài gửi ra hải ngoại cho Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại tại Paris, khi đó do nhà văn gốc KQ, cựu Trung tá Trần Tam Tiệp làm Tổng Thư ký.(Liên quan trong vụ án này, được biết đến và quen gọi là “Những tên biệt kích cầm bút”, ngoài Dương Hùng Cường, còn có các người khác như Doãn Quốc Sỹ, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Hải Thủy, Khuất Duy Trác, Lý Thụy Ý, Trần Ngọc Tự).

Nhà văn Dương Hùng Cường chết đột ngột trong trại giam Phan Đăng Lưu (Bà Chiểu) ngày 22.01.1988.

Tên ông được khắc trên bia đá lưu niệm tại Khu Đài Tưởng niệm Phóng viên ở thị trấn Bayeux vùng Normandie Pháp quốc.

Các tác phẩm đã xuất bản:

. Buồn Vui Phi Trường.

. Lính Thành Phố.

. Vĩnh Biệt Phượng.

Ông cũng có mặt trong hai tuyển tập gồm nhiều tác giả: Những Mảnh Trời Khác Biệt  Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến.

. NGUYỄN ĐÌNH THIỀU (1942-1975): Đây cũng là một nhà văn KQ tên tuổi. Cũng từ ngành kỹ thuật, sau thời gian phục vụ ở đơn vị, ông được thuyên chuyển về P.TLC. BTLKQ năm 1965 (tiếp theo sau Dương Hùng Cường) để có mặt trong Ban biên tập tờ Lý Tưởng. Cũng chính nhờ tháng ngày bắt đầu làm việc tại Sài gòn mà ông có thuận dịp cộng tác với hàng chục tờ nhật báo, tuần báo dân sự phát hành khi đó. Do vốn sống thực tế vô cùng dồi dào và phong phú nơi quãng đời tuổi trẻ nay đây mai đó, đã giúp ông có thật nhiều chất liệu để sáng tác. Ông viết rất khỏe, nhanh và nhiều, về đủ thể loại từ truyện ngắn, phóng sự, truyện dài. Mỗi ngày ông cung cấp cùng lúc các truyện dài phơi ơ tông, nội dung khác nhau cho ba bốn nhật báo.

Tiểu thuyết Đừng gọi anh bằng chú của ông đã được chuyển thể thành phim nhựa với tên Như giọt sương khuya do Bùi Sơn Duân làm đạo diễn.

Ông từ trần tại Phú Quốc vào tháng Giêng năm 1975.

Số lượng tác phẩm của Nguyễn Đình Thiều đã xuất bản lên đến vài chục quyển. Viết về Không quân và đời lính gồm có:

. Vỏ Đạn Cho Con Trai Đầu Lòng.

. Vào Vùng Giông Bão.

. Bay Vào Lửa Đạn.

. Bão Mùa Xuân.

. Đồ Chơi Trong Chiến Tranh.

. Trên Đó Từ Đây.

. TRẦN VĂN MINH(1932-1997): Trung tướng Trần Văn Minh là vị Tư lệnh KQ thứ 6, cũng là Tư lệnh sau cùng của Quân chủng và có thời gian nhiệm kỳ dài nhất. Ngoài cương vị chỉ huy, ông còn được biết đến là một người yêu thích văn chương, làm thơ và viết văn. Là một người tính tình tương đối phóng khoáng, nghệ sĩ tính nên ông rất quý mến anh em văn nghệ sĩ KQ. Giới thân cận ghi nhận nhiều giai thoại vui về ông.

Có những bài viết gửi cho tờ Lý Tưởng, ông ký bút hiệu Minh Đ. Khi hỏi chữ Đ. viết tắt này là chữ Đen hay Đù, ông chỉ cười không nói (cả hai đều là biệt danh của ông Tướng).

Sau này khi ra hải ngoại, mọi người hiểu thêm và cảm mến ông khi đọc tâm ký Sự thật đời tôi mà khi viết, ông đã bộc bạch những điều sâu kín vô cùng tâm huyết, trong một giai đoạn lịch sử của đất nước và của chính ông.

Các tác phẩm đã ấn hành:

. Chết Non 1967.

. Trong Đục 1971.

. Có mặt trong Tuyển Tập Thơ Văn Không Quân Thời Chiến (sđd)

Ông từ trần ngày 27.8.1997 ở Los Gatos, California.

. PHÙNG NGỌC ẨN (1933-2013): bút danh và cũng là tên thật của Đại tá Trưởng phòng Hành quân Chiến cuộc BTLKQ. Ông là một trong số rất đông các sĩ quan cao cấp KQ say mê văn chương chữ nghĩa. Có thời gian ông làm Chỉ Huy trưởng Căn cứ 92 KQ ở Pleiku. Ông viết truyện ngắn, truyện dài và cộng tác thường xuyên với báo Lý Tưởng. Các sáng tác của ông nói về cuộc sống và sự chiến đấu của người lính KQ, qua hình ảnh người phi công thời chiến, cũng không thiếu việc thẳng thắn bầy tỏ tâm trạng của những con người ấy,giữa khi tham dự vào cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, và đối diện với hiện tình xã hội.Trong quân ngũ, ông giao tình thân mật và gần gũi với các nhà văn KQ cấp bậc và chức vụ thấp hơn.

Sau ngày 30.4.1975 ông bị kẹt lại quê nhà và đi tù Cộng sản nhiều năm. Ra tù, ông sang Hoa Kỳ định cư.

Các tác phẩm văn xuôi đã ấn hành:

. Bay Trong Hoàng Hôn 1968.

. Kẻ Lạc Ngũ 1972.

. Cánh Chim Ngoại Biên 1974.

. Ngoài Chân Mây (in chung với 6 tác giả khác).

. Những Mảnh Trời Khác Biệt (tuyển tập nhiều tác giả, nhà xuất bản

Lý Tưởng 1971) (sđd).

.Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến (sđd).

Ông mất ngày 15.6.2013 tại San Diego, California.

 

. TỜ BÁO LÝ TƯỞNG VÀ NHỮNG CÂY BÚT KHÔNG QUÂN KHÁC:

Theo ý kiến chỉ đạo khởi xướng của Chuẩn tướng Nguyễn Cao Kỳ (lúc ấy còn là Tư lệnh KQ), tờ Lý Tưởng được hình thành và bắt đầu xuất hiện chính thức vào khoảng tháng 8 năm 1964, do Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư lệnh Không quân (P.TLC/BTLKQ) phụ trách. Và kể từ đó cho đến khi kết thúc theo ngày 30.4.1975, Lý Tưởng đã như một văn đàn của KQ, giới thiệu một dòng văn chương quân đội mới, với rất nhiều khuôn mặt những người KQ làm thơ, viết văn.

Thuở đầu tiên, dưới tên báo là dòng chữ Giai Phẩm Văn Nghệ. Về sau, có thời gian dài trở thành nguyệt san vì ra định kỳ hàng tháng đều đặn, và bên dưới tên báo Lý Tưởng, là những chữ Nguyệt san Không quân. Có giai đoạn, vì điều kiện khách quan, không giữ được sự liên tục. Tuy vậy vẫn thường được quen gọi ngắn gọn là báo Lý Tưởng, tập san Lý Tưởng KQ.

Riêng thời gian đầu, Lý Tưởng chú trọng về sáng tác thơ văn. Còn thường ra, mục đích và chủ trương, đường lối chính yếu vẫn luôn là để giới thiệu hoạt động mọi mặt của các đơn vị KQ, nhất là nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc, yểm trợ quân bạn… qua các hình thức thông thường như phóng sự, tin tức. Bên cạnh đó, chiếm nhiều trang báo là các sáng tác thơ văn, nói lên nhiệm vụ của KQ và các góc cạnh sinh hoạt, cũng như tâm tư của người lính KQ khi tham dự cuộc chiến, trong mọi diễn biến, hoàn cảnh.

Diện mạo tờ Lý Tưởng (hình thức trình bầy, số trang, số lượng phát hành…) có lúc này lúc khác, tùy theo từng yếu tố chủ quan và khách quan ở từng thời điểm, như  người phụ trách, các nguồn yểm trợ hay hoàn cảnh chung của đơn vị…Vì thế, có giai đoạn Lý Tưởng rất nổi trội, phát hành ra cả bên ngoài, mà cũng có khi chỉ ở tình trạng bình thường trong phạm vi một tờ báo của quân chủng.

Tổ chức và hoạt động, kể cả về nhân sự của tờ Lý Tưởng, chỉ là phụ trợ thêm cho công tác Tâm lý chiến, không có trong Bảng Cấp số và Tổ chức Nhân lực chính thức của đơn vị. Phụ trách thực hiện và điều hành thuộc về phần vụ của P.TLC/CTCT. (Ngành CTCT của KQ ở Bộ Tư lệnh về sau không còn gọi là Khối, và sau khi được nâng cấp, tên gọi mới là Văn phòng Tham mưu phó CTCT/BTLKQ (VP. TMP/CTCT). Lý Tưởng với sự cộng tác thường xuyên của các cây bút tại Văn Phòng, như thành phần biên tập chính, cùng những cây bút KQ tại các đơn vị, trong đó có nhiều sĩ quan chỉ huy cao cấp, thuộc giới phi hành cũng như không phi hành. Cũng còn có sự cộng tác của các nhà văn quân đội thuộc Quân Binh chủng bạn và các nhà văn ngoài dân sự.

Trong số những người KQ làm thơ viết văn, có người mới cầm bút và cũng có nhiều người đã từng sinh hoạt báo chí văn chương từ trước ngày vào lính.

Từ lúc được hình thành đến khi chấm dứt hoạt động, qua từng giai đoạn, Lý Tưởng đã do nhiều người lần lượt phụ trách, trong vai trò Chủ bút và Thư ký tòa soạn, xin được tạm phân định theo thứ tựthời gian như sau:

.Từ 1964-1965: _ Thiếu tá Vũ Đức Vinh (1931-2005).

_ Dương Hùng Cường (đã giới thiệu ở phần bên trên)

Thiếu tá Vũ Đức Vinh, bút hiệu Huy Quang. Ông xuất thân Khóa 1 SQTB Nam Định. Ông viết văn rất sớm từ ngày còn đi học ở Hà nộivà đã có hai tác phẩm là hai truyện dài được xuất bản ngoài đó trước năm 1954: Hai mái tóc xanh và Đôi ngả. Ông cũng viết rất nhiều truyện ngắn.

Khi di cư vào Sài gòn, ông từng làm Trưởng ban Biên tập đài Phát thanh Quân đội.

Năm 1958, qua người bạn cùng khóa là Trung tá Nguyễn Xuân Vinh, Tư lệnh KQ khi đó, ông chuyển sang KQ và phụ trách công tác TLC, và là người phụ trách tờ Lý Tưởng đầu tiên.

Các truyện ngắn của ông đăng rải rác trên các báo thời gian ấy. Và mặc dù có rất nhiều truyện ngắn, nhưng ông chưa in thành một tuyển tập nào. Tuyển tập Thơ Truyện Không quân Thời Chiến (giới thiệu bên dưới) có chọn đăng một trong những truyện ngắn đặc sắc của ông.

Ông cũng còn cộng tác với thi sĩ Đinh Hùng trong chương trình Thơ văn Tao Đàn, phát thanh hàng tuần.

Năm 1965, ông được Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đưa ra phụ trách ngành Phát thanh như đã nêu nơi phần bên trên.

Ra hải ngoại, ông sinh hoạt báo chí và cùng với nhà văn Thanh Nam làm tờ Đất Mới, một tờ báo có mặt rất sớm trong Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

Ông từ trần tại Seattle, Washington Hoa Kỳ ngày 9.12.2005.

Vì thời gian đầu mang danh nghĩa một giai phẩm văn nghệ, nên Lý Tưởng chú trọng nhiều đến các sáng tác thơ văn. Nhờ giao tình thân hữu mà Th/tá Huy Quang Vũ Đức Vinh đã có sự cộng tác của nhiều nhà văn thời danh khi đó như: Hoàng Anh Tuấn, Văn Quang, Thanh Nam, Mai Thảo, Tạ Tỵ,Phạm Duy, Phan Lạc Phúc, Hoàng Ngọc Liên, Huy Phương, Song Hồ, Song Nam…bên cạnh sự ít ỏi của các cây bút KQ lúc ấy, ngoài Huy Quang, mới chỉ có Nguyễn Cao Kỳ (tác giả bài thơ Kinh sám hối, đăng trong một số báo, nói lên tâm tình của người con với mẹ đã khuất núi), Trần Văn Minh và Hoàng Song Liêm, Cung Trầm Tưởng, Nhân Hậu, Ngy Cao Uyên, Dương Hùng Cường, Nguyễn Đình Thiều, Phan Lạc Giang Đông, Trần Ngọc Ẩn.

Thời gian này, tờ Lý Tưởng do họa sĩ Ngy Cao Uyên phụ trách việc trình bầy, có Trần Ngọc Ẩn phụ giúp.

Lý Tưởng_ Giai phẩm Văn Nghệ ra hàng tháng, số ra mắt có thể là vào tháng 8/1964 và số báo cuối của giai đoạn này có lẽ khoảng tháng 5/1965, tổng cộng được chừng 10 kỳ báo,vì sau đó Thiếu tá Huy Quang Vũ Đức Vinh biệt phái ra ngoài.

. Từ 1965-1966: _ Trung úy Bùi Hoàng Khải (1933-1993), cấp bậc cuối Tr/tá Tham mưu phó CTCT Sư đoàn 5 KQ.

Ông là bạn cùng khóa học về Cơ khí Kỹ thuật KQ với nhà văn Dương Hùng Cường bên Pháp những năm 1953-1954.

Ông là Trưởng phòng Chính Huấn Khối CTCT/BTLKQ và đảm trách để duy trì tờ Lý Tưởng trong giai đoạn chuyển tiếp, ngay sau khi Th/tá Vũ Đức Vinh biệt phái ra ngoài, với thành phần Ban biên tậpcó sẵn nhưng số cộng tác viên không còn nhiều như cũ. Hình thức và nội dung Lý Tưởng cũng thay đổi, thu hẹp bớt số trang.

Khi Đ/úy Hoàng Song Liêm về nhận P.TLC năm 1966, ông đã giao lại tờ Lý Tưởng.

Không phải người của sinh hoạt văn chương chữ nghĩa, nhưng ông có khả năng về tổ chức và điều hành. Ông là người lo việc in ấn và xuất bản các tác phẩm của Tướng Tư lệnh KQ.

Mấy năm sau, ngoài nhiệm vụ Trưởng phòng Kế hoạch& Chính huấn trong đơn vị, ông còn là Tổng thư ký Tổng cuộc Túc cầu Việt Nam, một tổ chức thể thao dân sự, qua mấy nhiệm kỳ liền.

30.4.1975, ông và gia đình di tản sang Hoa Kỳ. Ông mất năm 1993 tại Virginia.

. Từ 1966-1968: Đại úy Trần Như Huỳnh (1939-   ).

Có bút hiệu Chu Tấn. Ông xuất thân khóa 7 SQTB Thủ Đức, ra trường phục vụ ở Pháo binh, đến năm 1963 thì xin chuyển sang KQ. Giai đoạn phụ trách công tác CTCT tại Không Đoàn (KĐ) 23 Biên Hòa, ông thực hiện tờ báo Gió Mới cho đơn vị rất thành công, gây tiếng vang, có thể nhờ vậy một phần nào từ đó, ông được thuyên chuyển về Sài Gòn.

Khi về CTCT/BTLKQ tiếp nhận tờ Lý Tưởng, với kinh nghiệm khi làm tờ Gió Mới, ông có những cải tiến giúp Lý Tưởng mang một sắc diện mới.

Ông được biệt phái ra làm Giám đốc Quốc gia Ấn quán một thời gian rồi về lại KQ, đảm nhận chức vụ Tham mưu phó Chiến Tranh Chính trị (TMP/CTCT) Sư đoàn 4 KQ dưới Cần Thơ, cho đến những ngày sau cùng với cấp bậc Tr/tá.

Sau 30.4.1975, ông bị đi tù CS nhiều năm. Vượt biển sang Hoa Kỳ năm 1987. Hiện ông sinh sống tại San Jose, California và tham gia nhiều hoạt động trong Cộng đồng người Việt tại địa phương.

Tác phẩm đã xuất bản:

_Tiếng Hát Trên Cánh Đồng Xanh (tập truyện) 1972.

_ Tấc Lòng Non Nước (khảo luận) 2018.

_ có truyện ngắn trong Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến (sđd)

Cùng hai tác phẩm khác về Thơ văn (Thắp Sáng Quê Hương, Tuyển tập Thơ văn 1991, nhiều tác giả) và Biện luận chính trị (Vận Động Lịch Sử 1991, viết chung).

Thời gian này, Th/tá Hoàng Song Liêm đã là Trưởng phòng TLC/CTCT. BTLKQ, nhưng ông chưa trực tiếp tham dự nhiều vào Lý Tưởng như mấy năm sau. Lý Tưởng bị gián đoạn ít lâu vì tình hình chiến cuộc Tết Mậu Thân 1968 và những tháng tiếp theo.

.Từ 1968-1969: Đại úy Lê Văn Trước (1941-   ).

Phụ trách điều hành tờ Lý Tưởng một thời kỳ chuyển tiếpnữa là Đ/úy Lê Văn Trước, sau khi Đ/úy Trần Như Huỳnh biệt phái ra ngoài, và tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn khi vừa qua khỏi những ngày chiến sự.

Đại úy Lê Văn Trước (sau lên Th/tá), sĩ quan gốc Pháo Binh, xuất thân Khóa 12 SQTB Thủ Đức. Ông chuyển sang KQ để theo học và trở thành phi công ngành Quan sát. Thuyên chuyển về P.TLC,phụ trách tờ Lý Tưởng trong thời gian ngắn, khoảng trên dưới một năm, rồi sang phục vụ bên Trại Khóa sinh KQ (Tent City). Chức vụ sau cùng của ông là TMP.CTCT Sư đoàn 6 KQ ngoài Pleiku.

Các tác phẩm đã ấn hành:

_Cẩm Xuân, Tháng Ba Cuộc Đời.

    ._Đường Mây (tập truyện nhiều tác giả, in chung với Đào Vũ Anh Hùng, Kiêm

Thêm,Trần Viễn Phương).

_Ngoài Chân Mây (tập truyện nhiều tác giả, in chung với Phùng Ngọc Ẩn,

Lê Bá Định, Kiêm Thêm, Trần Viễn Phương, Nguyễn Kim

Long, Phạm Hồ, Hồ Phong).

_ Có truyện ngắn trong Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến (sđd).

Ông cũng có cộng tác với một vài tờ báo ngoài dân sự.

Sau thời gian định cư ở Hoa Kỳ, có tin nói ông đã quay về Sài gòn sinh sống.

. Từ 1969-1973:Th/tá Hoàng Song Liêm (1934-     )& Đ/úy Dương Quang Thuận (1936-    ).

Th/tá Hoàng Song Liêm (sau lên Tr/tá) là sĩ quan đồng hóa ngành kỹ thuật KQ. Ông làm thơ từ hồi còn trẻ và cộng tác với các báo ở Hà nội thời đó như Tia Sáng, Hồ Gươm, Giang Sơn, Giác Ngộ. Ông có in chung một tập thơ với người bạn Nghiêm Huy Giao năm 1952.

Ông là một trong những cộng tác viên của Lý Tưởng thời kỳ đầu tiên mới hình thành.

Năm 1966, đang là Liên đoàn phó Liên đoàn 62 Kỹ thuật ở phi trường Pleiku, ông được thuyên chuyển về CTCT/BTL.KQ, làm Trưởng phòng Tâm lý chiến. Nhưng mãi đến giai đoạn này mới chính thức làm chủ bút tờ Lý Tưởng, cùng với Đ/úy Huy Sơn Dương Quang Thuận từ bên KĐ 33 chuyển sang, phụ trách tòa soạn.

Cuối năm 1973, ông là Sĩ quan Phụ tá TMP.CTCT Sư đoàn 1 KQ.

Sau thời gian dài ngưng sáng tác, ông có ấn hành hai tập thơ:

_ Thơ Hoàng Song Liêm, 2004 (gồm các bài thơ từ thập niên 1950 và những

năm 2000).

_ Thơ Tình Hoàng Song Liêm, 2006 (gồm những bài thơ mới sáng tác sau năm

  1. Có nhiều bài đã được các nhạc sĩ Anh Bằng, Từ Công Phụng, Phạm

Tuân, Lê Thụ phổ nhạc).

Hiện ông đang sống ở Fairfax, Virginia Hoa Kỳ.

Đ/úy Dương Quang Thuận, bút hiệu Huy Sơn (sau lên Th/tá). Ông cũng là một sĩ quan đồng hóa, phục vụ tại Nha Chiến tranh Tâm lý Bộ Quốc phòng. Ông được chuyển sang TLC/ BTLKQ vào thời kỳ Đại tá Nguyễn Xuân Vinh làm tư lệnh.

Ông sinh hoạt thơ văn và báo chí rất sớm từ hồi còn trẻ đi học ở Hà Nội. Cộng tác với các tờ báo phát hành tại Hà Nội thời đó như Cải Tạo, Giác Ngộ, Quê Hương, Bông Lúa _ và các báo ở Sài gòn, sau khi di cư vào Nam năm 1954 như Thời Đại, Sáng Dội Miền Nam… Ông là Tổng Thư ký Tòa soạn của Văn Nghệ Tập san 1955-1956 (chủ nhiệm GS. Nguyễn Đăng Thục) và Phụng Sự 1956-1958 (nguyệt san của Quân đội).

Từ P.TLC/BTLKQ ông có thời gian sang phục vụ bên TLC. KĐ33 rồi lại quay về đảm nhận chức vụ Trưởng Khối Cổ động Tuyên truyền P.TLC, VP.TMP.CTCT/ BTLKQ, kiêm nhiệm Thư ký Tòa soạn báo Lý Tưởngcuối năm 1969, đầu 1970.

Cuối năm 1973, ông thuyên chuyển ra Sư đoàn 6 KQ làm Phụ tá TMP.CTCT kiêm Trưởng phòng TLC.

Ông có nhiều tác phẩm tiểu thuyết đã xuất bản:

. Trước Mồ Trinh Nữ_ nxb Chính Ký Hà Nội 1953.

. Anh Đi…Ngày Duyên Thắm_nxb Hiến Nam Hà Nội 1953.

. Thương Em…Lạc Hướng Đời_ nxb Bốn Phương Sài Gòn 1955.

. Đợi Một Mùa Hoa_Sài Gòn 1955.

. Trường Ca_nxb Ban Mai Sài Gòn 1956.

. Hôm Nay Ngày Mai (tập truyện)_nxb Thống Nhất Sài Gòn 1957.

. Có truyện ngắn trong Tuyển tập Những Mảnh Trời Khác Biệt

. Gõ Cửa Ký Ức, tuyển tập văn thơ in tại Hoa Kỳ 2012

Sau 30.4.1975, ông bị đi tù CS bẩy năm. Hiện định cư tại Branford, Connecticut Hoa Kỳ.

Giai đoạn 1970-1973 này là thời kỳ khởi sắc nhất của nguyệt san Lý Tưởng,được phát hành đều đặn mỗi tháng, nhờ khả năng chuyên nghiệp về báo chí của những người phụ trách. Nội dung bài vở, hình ảnh đa dạng và phong phú, lên đến hơn trăm trang mỗi số báo. Ngoài các tác giả KQ, thường có thêm những sáng tác của các nhà văn tên tuổi ngoài dân sự. Những sáng tác này thường là văn phong riêng của từng tác giả, nên đã tăng thêm chất văn học cho tờ báo.

Hình thức trình bầy đẹp và trang nhã, từ bìa cho đến trang trong. Số lượng ấn hành mỗi kỳ cả mười ngàn số, được phát hành rộng rãi, không chỉ trong phạm vi Quân chủng mà còn ra đến bên ngoài dân sự, tại Sài gòn và tại các thành phố có đơn vị KQ trú đóng. Điều này đã quảng bá thêm rất nhiều cho Quân chủng KQ.

Đạt được kết quả đó, ngoài yếu tố về tổ chức và điều hành của những người phụ trách, có lẽ phải kể đến nguồn yểm trợ tài chánh dồi dào, nhờ số lượng quảng cáo trong tờ Lý Tưởng cho rất nhiều cơ sở công kỹ nghệ,thương mại khắp nơi *. Nguồn tài chánh có được, dùng để thanh toán chi phí ấn loát cho các nhà in tư nhân, vì nhà in của KQ, của Tổng cục CTCT hay Quốc gia Ấn quán cũng chỉ yểm trợ một phần việc in ấn chứ không bao gồm tất cả, nhất là khi tờ Lý Tưởng phát triển, tăng số trang và sử dụng nhiều mầu nơi tranh bìa cũng như cách trình bầy các trang ruột bên trong.Tác giả có bài đăng trên Lý Tưởng đều nhận được tiền nhuận bút như các báo ngoài dân sự. Tòa soạn cũng có ngân khoản tiếp tân những khi có anh em văn nghệ KQ từ các đơn vị thuận dịp ghé về chơi thăm.

* Phụ trách việc đi lấy quảng cáo cho Lý Tưởng gồm có: Phúc Lai, Ba Hội, Tư

Vững (Ba danh hài này thuộc đoàn cải lương nổi tiếng Kim Chung, vào KQ do

đợt đồng hóa Hạ sĩ quan, Binh sĩ năm 1967, để phục vụ trong Ban Văn nghệ KQ,

cũng trực thuộc P.TLC).

. Từ 1974-4/1975: Th/tá Đinh Sinh Long (1942- )& Tr/úy Trần Ngọc Tự (1948- )

Sau lần thay chuyển nhiều nhân sự tại VP.TMP.CTCT vào cuối năm 1973, Th/tá Đinh Sinh Long từ dưới Phòng Thông Tin Báo Chí (P.TTBC) lên làm Trưởng khối Cổ động Tuyên truyền P.TLC, tiếp nhận tờ Lý Tưởng, cùng với Tr/úy Hà Minh Đức, cũng là sĩ quan P.TTBC. Tr/úy Trần Ngọc Tự, cộng tác viên của Lý Tưởng, được giao phụ trách tòa soạn, bên cạnh nhiệm vụ chính là Trưởng ban Biên Soạn Tài liệu & Thuyết trình thuộc Đoàn Công tác Chính huấn, P. Kế Hoạch &Chính Huấn như cũ.

Th/tá Đinh Sinh Long gốc Hoa tiêu ngành Quan sát, từ Phi đoàn về phục vụ P.TTBC/B.TLKQ. Ông sinh hoạt Báo chí và Văn nghệ thời đi học tại Cư xá Đắc Lộ (Trung tâm bảo trợ các sinh viên Công giáo, do các linh mục Dòng Tên phụ trách, tọa lạc trên đường Yên Đỗ Sài gòn).

Ông hiện sinh sống ở Huntington Beach, California; và thường tham gia các sinh hoạt Báo chí, Truyền hình và Văn học Nghệ thuật tại địa phương.

Tr/úy Trần Ngọc Tự được chuyển sang CTCT/BTLKQ sau khi mãn khóa Khóa 3/69 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Có làm thơ viết văn thời sinh viên. (Trong thành phần chủ trương biên tập Bán nguyệt san Văn học Thời đàm Quần Chúng, bộ cũ lẫn bộ mới 1966-1971, tờ báo do cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương bảo trợ sáng lập_ Chủ bút là nhà văn giáo sư Cao Thế Dung 1933-2017. Cộng tác với Tuần báo Diễn Đàn Chính đảng 1971 Chủ nhiệm Trương Vĩnh Lễ_Chủ bút Nhị Lang. Ký các bút hiệu Ngọc Tự, Trần Ninh Bình)).

Có bốn tác phẩm về Thơ, in ấn và phổ biến hạn hẹp trong phạm vi thân hữu: Quê Hương_Tôi_Và Em 1968. Điệp Khúc Đời 1969, Những Mảnh Tình Rời 1970,

Ở Cuộc Tình Này 1971.

Sau ngày Cộng sản chiếm miền Nam, bị đi tù cải tạo gần 6 năm. Tháng 5/1984 bị bắt giam lần nữa rồi bị đưa ra tòa trong cùng vụ án với nhà văn Dương Hùng Cường (có nói ở phần trên).

Hiện ở thành phố Richmond, Fort Bend Texas. Cộng tác với trang mạng Thơ văn của thân hữu nhưng không thường xuyên.

Ở giai đọan này cho đến ngày 30.4.1975, sau lần thay chuyển nhân sự, cùng với việc quân chủng KQ bắt đầu lâm vào tình trạng đình động(từ khi có Hiệp định Paris 27.01.1973, phải giới hạn khả năng hoạt động vì quân viện bị cắt giảm), tờ Lý Tưởng thu hẹp lại trong phạm vi một tờ báo quân chủng như thời gian trước.

Số báo cuối cùng đang chuẩn bị lên khuôn, dự trù phát hành trong tháng 5/1975, với chủ đề Không Quân Giữa Những Ngày Quê Hương Thương Khó, không thể thực hiện được như mong muốn, đã khép lại sự có mặt của tờ Lý Tưởng, bên cạnh quân chủng trong một quãng thời gian đầy ghi nhớ.

Nội dung số báo cuối cùng này gồm nhiều bài vở, phóng sự và 16 trang hình ảnh nói về cuộc triệt thoái của các đơn vị KQ từ các phi trường Pleiku, Đà Nẵng, Nha Trang, Phù Cát và những sinh hoạt bận rộn, sôi động tại phi trường Phan Rang, Tân Sơn Nhất trong tháng 3/1975. Diễn tả tâm trạng của các cấp chỉ huy và nhất là các phi công, giữa một hoàn cảnh khó hiểu, vô cùng hoang mang hỗn loạn khi ấy. Dẫu vậy, họ vẫn không quên nhiệm vụ, tiếp tục chiến đấu cùng với quân bạn tại các mặt trận. Bên cạnh đó là công tác tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống và phụ giúp vận chuyển đồng bào đang trên đường chạy trốn Cộng sản. Ngoài tin tức, phóng sự về hoạt động của các phi tuần, phi vụ, rất nhiều câu chuyện và hình ảnh cảm động đầy đau thương nước mắt tại khu vực phi trường Đông Tác (Tuy Hòa), vùng Củng Sơn hay dọc theo Liên tỉnh lộ số 7B.

*

Khi nói về tờ Lý Tưởng qua các thời kỳ, ngoài những người phụ trách chính, không thể không nhắc đến phần trình bầy, kỹ thuật in ấn…và thành phần đông những người đảm nhận đảo các cộng tác viên ở các Phòng, Ban khác, cùng trực thuộc VP.TMP.CTCT/BTLKQ, cũng như ở khắp các đơn vị KQ. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của những cây bút Quân Binh chủng bạn và các nhà văn, nhà thơ thời danh ngoài dân sự.

Làm việc trực tiếp bên cạnh những người phụ trách, không kém phần quan trọng tạo nên bản sắc cho báo, gồm có các nhóm như:

. Họa sĩ vẽ tranh bìa và minh họa trang trong có họa sĩ Hoàng Thụy Kha (Hoàng Bá Thủy), Đặng Ngọc Tộ, về sau có thêm Nguyễn Lục Phú. Thời gian đầu tiên trước đấy do họa sĩ Ngy Cao Uyên và Trần Ngọc Ẩn phụ giúp.

. Kỹ thuật dàn trang và sửa chữa bản vỗ, liên lạc với nhà in gồm: Trần Kim Nho, Hoàng Bá Thủy, Thanh Chương, Đặng Ngọc Tộ.

. Hình ảnh có Đặng Văn Khuyến, Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Văn Thơ, sau thêm Trang Cẩm Văn, Hứa Trung Lập.

Những cộng tác viên viết bài cho Lý Tưởng là một thành phần đông đảo, đa dạng, rất phong phú, đã góp phần hình thành một dòng văn chương Không Quân rất riêng biệt trong sinh hoạt chữ nghĩa quân đội.

Giai đoạn đầu tiên trong khoảng gần một năm, Lý Tưởng là Giai phẩm văn nghệ, nên thành phần cộng tác viên gồm có các văn nghệ sĩ Quân Binh chủng bạn và bên ngoài dân sự chiếm số đông, bên cạnh Ban biên tập cơ hữu ít ỏi người. Thế rồi, số này giảm dần, chỉ còn rất ít, cho đến giai đoạn 1970-1973 mới tăng thêm trở lại.

Về sau, bài vở thường xuyên xuất hiện, chiếm hầu hết số trang trên Lý Tưởng, đều là sáng tác của các cây bút KQ, phần lớn lại là những phi công đã từng trải qua trận mạc ở nhiều thời điểm, hay vẫn còn đang trực tiếp bay các loại phi cơ với đủ thứ phi vụ, phi xuất, phi tuần hàng ngày, trên khắp vùng trời quê hương, bên cạnh quân bạn tại các chiến trường.

Đấy có thể là những vị chỉ huy cao cấp đơn vị, những phi công nhiều thế hệ tiếp nối của các Phi đoàn khu trục, trực thăng, quan sát hay vận tải, hoặc thuộc các ngành kỹ thuật, không phi hành…bên cạnh một số ít, ở ngay tại P.TLC và các Phòng, Ban thuộc VP.TMP.CTCT, như là thành phần biên tập. Trong số họ có những người từng là các nhà văn tiếng tăm, từng sinh hoạt văn chương, báo chí, trước khi ngập ngũ vào KQ.

Chính vì thế mà trải dài trên các số báo của Lý Tưởng, đã xuất hiện những câu chuyện văn chương mang tính hiện thực đời lính, đúng hơn là những câu chuyện thật của những con người KQ tham dự cuộc chiến, được diễn tả tùy theo bối cảnh nơi chỗ mà họ có mặt. Những trang bút ký, phóng sự, những truyện ngắn, những bài thơ, hay những đoạn hồi ức, chuyên chở từng câu chuyện vô cùng đa dạng trong các tình tiết sự việc; và hiện diện đủ các loại phi cơ, từ khu trục, trực thăng, vận tải, vận tải võ trang, quan sát…qua những phi xuất, phi tuần với những nhiệm vụ quen thuộc: ném bom, oanh kích, trên đầu địch quân để yểm trợ quân bạn, tiếp tế, tải thương, tìm cứu, đổ quân, tuần thám không phận…Và trải dài qua bao mùa chiến dịch, với thật nhiều những địa danh chiến trường, từ vùng hỏa tuyến Trị Thiên, Dakto, Dakseng Tây nguyên núi rừng trùng điệp, cho đến An Lộc vang danh miền đông Nam bộ,đồng bằng sông nước Cửu Long…, kể cả chiến trường ngoại biên,và các phi vụ Bắc phạt một thời.

Nơi đâu quân bạn chạm địch là KQ có mặt, nơi đâu chiến trường khốc liệt là có chiến tích của KQ. Và những chuyện đó được kể lại qua những trang chữ trên Lý Tưởng.

Chỉ với hai tuyển tập Những Mảnh Trời Khác Biệt và Thơ Văn Không Quân Thời Chiến, có thể cũng đã tạm đủ để giới thiệu những nét riêng biệt của văn chương Không Quân.

Không thiếu những đau thương mất mát vì từng cánh chim đồng đội lần lượt vĩnh viễn lìa đàn. Cũng không thiếu những cay đắng buồn phiền loanh quanh chuyện thế nhân. Và cũng không thiếu những mẩu chuyện vui từ ngày tháng quân trường hay trong sinh hoạt thường ngày tại đơn vị, nơi đời sống xã hội.

Những con người tưởng như đã chai đá ấy vì thường ngày vây quanh toàn bom đạn và thường trực đối diện với chuyện tử sinh, vẫn hiện diện bên cạnh một con người hào hoa lịch duyệt nơi đời thường và những phút giây mộng mơ, lãng mạn khi con tầu đang bình yên quay về phi trường thân yêu, sau một phi vụ đầy hiểm nguy vừa hoàn tất.

Có những trang viết đầy tự hào hãnh tiến với chiến công, nhưng người đọc cũng sẽ phải chùng lặng xuống khi người phi công diễn tả tâm trạng thật nặng nề u uẩn, vì trên chuyến bay của họ đang mang theo thân xác bạn mình bọc trong poncho hay trong cỗ quan tài lạnh lẽo. Và hẳn chắc độc giả của Lý Tưởng đã cùng cảm nhận và chia sẻ những đoạn văn bộc lộ tận cùng cảm xúc của người phi công, khi phải đến nhà người bạn cùng phi đoàn để báo tin đau buồn, hay những lúc đứng trực canh quan tài đồng đội trong Tử sĩ đường hoặc tại tư gia.

Những trang viết ấy như thể là những chương tiếp theo của Đời Phi Công và Buồn Vui Phi Trường.

Mỗi khi nghe thấy hoặc đọc được ở đâu đó câu nói bất hủ Không bỏ anh em không bỏ bạn bè, bên cạnh ý nghĩa cao đẹp của tình huynh đệ chi binh, người ta cũng sẽ phải nhớ nhiều đến văn chương Không Quân.

(Không bỏ anh em không bỏ bạn bè là tên một bút ký của phi công Đào Vũ Anh Hùng (1943-    ), hiện ở Dallas, đã đăng trên Lý Tưởng và trong Tuyển tập Những Mảnh Trời Khác Biệt. Nội dung kể lại hành trình thần kỳ tìm về sinh lộ, về với bạn bè, anh em đồng đội của Tr/úy phi công Trần Duy Nguyện. Trong một phi vụ liên lạc hành quân Nha Trang-Pleiku, chiếc L.19 của anh bất ngờ gặp trục trặc kỹ thuật và rơi xuống vùng đèo M’ Drak hiểm trở núi non hùng vĩ. Tất cả mọi phương tiện cố gắng tìm cứu của đồng đội đều vô vọng. Anh Trần Duy Nguyện thoát chết và chui ra được khỏi buồng lái, nhưng thương tích trầm trọng khắp thân thể, lại bị gẫy cánh tay trái.Tuy vậy trong tột cùng niềm nhớ gia đình, đơn vị, đồng đội, người phi công đảm lược này đã thu hết sức lực, nén chịu mọi đau đớn, cố gắng bò lết tấm thân tàn ma dại, sau hơn ba ngày đêm chiến đấu với tử thần giữa núi rừng bạt ngàn thâm sâu cùng cốc, tìm ra đến được con lộ có xe đò chạy qua, và rồi được đưa về với gia đình, với anh em, bạn bè).

*

Xin được nêu danh tính những ngườiđã cùng làm nên diện mạo dòng văn chương Không Quân nói trên (có thể vẫn còn thiếu sót ngoài ý muốn và nhiều danh tính cũng xin không ghi cấp bậc, chức vụ kèm theo):

. Tại VP.TMP.CTCT/BTLKQ (từ những ngày đầu tiên): Huy Quang Vũ Đức Vinh, Dương Hùng Cường, Nguyễn Đình Thiều, Phan Lạc Giang Đông, Trần Ngọc Ẩn, Minh Triệu (Ngô Văn Đắc), Chu Tấn (Trần Như Huỳnh), Lê Văn Trước,Hoàng Song Liêm, Huy Sơn (Dương Quang Thuận), Thanh Chương (Trần Quang Tịnh), Trần Kim Nho, Trần Kiêm Thêm, Hoàng Bá Thủy (Trần Bất Bạt, Hoàng Thụy Kha), Phạm Hồ (Phạm Trọng Tâm), Lưu Văn Giỏi…Sau đợt đồng hóa Hạ sĩ quan & binh sĩ năm 1967 có thêm các nhà văn Thế Phong (Thế Phong Đỗ Mạnh Tường là nhà văn tiếng tăm từ rất lâu trong văn giới. Ông có rất nhiều tác phẩm các loại đã được xuất bản. Chủ trương nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến, một cơ sở văn nghệ đặc biệt trong sinh hoạt văn chương miền Nam), nhà văn Hồ Phong (tên thật Kiều Văn Bảng), nhà văn Khải Triều (Nguyễn Văn Tuy, là nhà báo, nhà thơ, sinh hoạt báo giới Sài Gòn cũng từ lâu, trong nhóm phụ trách Bán nguyệt san Văn học Thời đàm Quần Chúng, Tổng Thư ký tuần báo Diễn Đàn Chính đảng). Cuối cùng là Trần Ngọc Tự (từ Bộ binh chuyển sang KQ). Và các sĩ quan Phòng Thông Tin Báo Chí (TTBC) như Đặng Trần Dưỡng (sĩ quan hoa tiêu trực thăng kỳ cựu), Đinh Sinh Long (hoa tiêu ngành Quan sát).

Nhiều người trong số này còn đảm nhận vai trò phóng viên đi làm phóng sự tại các đơn vị theo nhu cầu.

Đặc biệt là sự góp mặt với tờ Lý Tưởng nơi thời gian đầu của vị Tư lệnh KQ đương nhiệm khi ấy Nguyễn Cao Kỳ.

. Tại các đơn vị KQ:

_ Là các vị chỉ huy cao cấp : Tr/tướng Tư lệnh Trần Văn Minh, Ch/tướng Tư lệnh Sư đoàn 1 Nguyễn Đức Khánh (bút hiệu MYK), Đại tá Trưởng phòng Hành quân Chiến cuộc BTLKQ Phùng Ngọc Ẩn, Đại tá Liên đoàn trưởng Liên đoàn Kiểm báo Phạm Duy Thân (bút hiệu Hồng Yến Điệp Minh Hoàng), Đại tá Nguyễn Quang Tri (TMP Huấn luyện)…

_ Cấp bậc thấp hơn, phục vụ các nhiệm vụ khác nhau, hoặc là phi công tại các Phi đoàn: Nhân Hậu (TMP.CTCT sư đoàn 1 KQ), Cung Trầm Tưởng, Ngy Cao Uyên (Tr/tá Nguyễn Cao Nguyên)), Trần Tam Tiệp (Đạo Cù), Phùng Thế Hải (TTHLKQ Nha Trang). Phi công bay khu trục có Lê Bá Định, Nguyễn Kim Long, Trần Viễn Phương (Trần Duy Mỹ), Zô Ta (Phạm Bình An)_ngành Vận tải có Bằng Phong (Đặng Văn Âu)…_Trực thăng có Đào Vũ Anh Hùng (Đào Bá Hùng, đã từng cộng tác với nhiều nhật báo, tuần báotrước ngày vào KQ như Sống, Hòa Bình, Sóng Thần, Ngày Nay, Đời, Thứ Tư tuần san…),_ngành Quan sát có Tinh Cầu (Trần Đình Hòe),Võ Ý, Kha Lăng Đa (tên thật Hồ Danh Lịch, ngoài các truyện ngắn, còn là tác giả những bài thơ vui về sinh hoạt KQ). Các tác giả khácnhư: Võ Quang Thẩm, Vũ Ngô, Mây Trời…là những người có bài rất đều đặn và thường xuyên

Còn nhiều tác giả KQ khác cộng tác không thường xuyên, không thể nhớ hết. Cùng các cây bút quân đội thuộcQuân Binh chủng bạn và nhà văn bên ngoài dân sự, tùy theo từng thời điểm, từng số báo…Danh sách này khá dài với những tên tuổi như:

Thái Văn Kiểm, Nguyễn Mạnh Côn, Tuệ Mai, Hoàng Hương Trang, Tạ Tỵ, Nguyễn Đình Toàn, Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn ,Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Thùy, Thanh Nam, Hoàng Hải Thủy, Hà Huyền Chi, Duy Năng, Uyên Thao, Vị Ý, Thảo Trường, Phạm Huấn, Cao Thế Dung, Tần Vy, Nguyễn Thụy Long, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Triều Linh, Ninh Chữ, Văn Quang, Mai Trung Tĩnh, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Hoàng Ngọc Liên, Huy Phương, Phạm Duy, Phan Lạc Phúc, Phan Minh Hồng, Song Hồ, Song Nam…

. SINH HOẠT BÁO CHÍ KHÁC:

Ngoài tờ Lý Tưởng ở BTLKQ, có thời kỳ các đơn vị KQ làm báo riêng cho đơn vị mình và lưu hành trong phạm vi hạn hẹp. Không có nhiều tài liệu về các tờ nội san này.Có những tờ in ấn công phu, trình bầy đẹp, nhưng cũng có những tờ thực hiện bằng hình thức quay ronéo đóng lại thành tập. Riêng một vài tên báo đã dễ dàng cho biết nơi chỗ trú đóng của đơn vị:

Cánh Thép (Sư đoàn 5), Trại Chúng Ta (Trại Khóa sinh), Phù Sa (Sư đoàn 4), Lướt Gió (Đà Nẵng).Trách Nhiệm, Gió mới, Đôi Cánh Bạc, Cánh Én, Phù Cát, Gió Cát (Căn cứ 20 Chiến thuật Phan Rang ), Mây Trường Sơn, Phi Hổ, Mạch Sống…

Nổi trội và đáng kể có tờ Gió Mới của Không đoàn 23 (tiền thân của Sư đoàn 3 KQ  Biên Hòa do Chu Tấn Trần Như Huỳnh phụ trách) hay Cánh Thép của Sư đoàn 5 (giai đoạn Hoàng Như An phụ trách), và Phù Sa của Sư đoàn 4 ( khi Tr/tá Trần Như Huỳnh vể đảm nhận TMP.CTCT Sư đoàn).

Về nội dung chuyên biệt, tại VP.TMP.CTCT/BTLKQ còn có tờ Tin Không Quân do Phòng TTBC đảm trách, đăng tải các hoạt động về chiến sự của KQ và Tập san Chính Huấn của P. Kế Hoạch &Chính huấn, chuyên về nội dung học tập chính trị, sinh hoạt đơn vị.

Cũng còn có Tập san Quân huấn Không quân thuộc Văn Phòng Tham Mưu Phó Huấn Luyện/BTLKQ, chuyên về các đề tài huấn luyện, lãnh đạo chỉ huy và điều hành đơn vị.

. CÁC TÁC PHẨM ẤN HÀNH:

Ngoài các tác giả và tác phẩm liên quan đã giới thiệu ở các phần bên trên, còn có một số các tác phẩm của các tác giả KQ khác được xuất bản:

. PHAN LẠC GIANG ĐÔNG:

_ Trở Mình, thơ 1965.

_ Đắc Khanh Và Mầu Sắc Quê Hương, thơ 1967.

_ Thông Điệp, thơ 1969.

. THANH CHƯƠNG:

_ Cỏ Cháy (thơ, in chung với Hồ Phong) 1972

_ Sầu Mê Điên, thơ 1973.

. TRẦN BẤT BẠT (Hoàng Bá Thủy):

_ Cuồng Lũ, thơ 1971.

. HỒ PHONG:

_ Người Phi Công Chưa Về (truyện dài) 1971.

_ Mái Tóc Một Đời (truyện dài) 1971.

_ Cỏ Cháy (Thơ, in chung với Thanh Chương) 1972.

_ Đồng Lửa (truyện) 1969.

Và góp mặt trong vài tuyển tập gồm nhiều tác giả.

. ĐÀO VŨ ANH HÙNG:

Ngoài sự góp mặt trong hai Tuyển tập “Những Mảnh Trời Khác Biệt” và

“Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến”, còn có:

_ Ngày Ấy Khi Ta Yêu Nhau (tập truyện, in chung với Võ Hà Anh).

. Tuyển Tập Truyện ngắn NHỮNG MẢNH TRỜI KHÁC BIỆT (gồm sáng tác

của 9 tác giả, Lý Tưởng ấn hành năm 1971):

Phượng và Dương (Dương Hùng Cường).

Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè (Đào Vũ Anh Hùng).

Kỷ Niệm Hãi Hùng (Đặng Trần Dưỡng).

Bay Vào Giông Tố (Huy Sơn).

Bay Trên Đất Bắc (Lê Bá Định).

Gẫy Cánh (Phùng Ngọc Ẩn).

Mây Thẳm Trời Cao (Minh Triệu).

Ông Xếp Tầu Bay (Phùng Thế Hải).

Phố Hoa Vàng (Trần Viễn Phương).

Đây là những truyện ngắn hay đã được đăng tải trên Lý Tưởng và Tuyển tập này mở đầu cho dự trù hình thành nhà xuất bản Lý Tưởng, nhưng rồi dở dang bất thành. Sau này có tái bản ở hải ngoại và thêm vào những sáng tác của các tác giả KQ khác cũng như thân hữu.

. Tuyển Tập THƠTRUYỆN KHÔNGQUÂN THỜI CHIẾN (gồm sáng tác của 25 nhà thơ, nhà văn KQ và Thân hữu, do nhà văn Thế Phong và Hồ Phong thực hiện, nhà xuất bản Vàng Son in ấn và phát hành, Sài Gòn 1974).

Các tác giả trong Tuyển tập này gồm có:

Trần Văn Minh, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Phùng Ngọc Ẩn

Trần Tam Tiệp, MYK, Huy Quang, Nhân Hậu, Dương Hùng Cường, Cung

Trầm Tưởng, Đào Vũ Anh Hùng, Đặng Văn Âu, Võ ý, Kha Lăng Đa, Mây Trời,

Nguyễn Cao Nguyên, Chu Tấn, Kiêm Thêm, Vũ Ngô, Phạm Hồ,Lê Bá Định,

Hồ Phong, Thế Phong, Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo, Hoàng Hương Trang,

Phan Nhật Nam.

. TUYỂN TẬP NHẠC Cánh Chim Quê Hương do Đoàn Công Tác Chính huấn thuộc VP.CTCT/BTLKQ thực hiện tháng 6/1972,  để tưởng niệm cố Đ/úy Trần Thế Vinh, người phi công lẫy lừng đã bắn hạ hơn hai mươi chiến xa T.54 của cộng quân tại chiến trưởng vùng hỏa tuyến Quảng Trị và anh dũng hy sinh đền nợ nước ngày 9.4.1972cũng tại nơi đó (gồm các sáng tác của Nhạc sĩ Phạm Duy, và các tác giả trong đoàn như Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Quốc Trí, Nguyễn Trung Cang, Duy Quang..).

. Nhà xuất bản CON ĐUÔNG của họa sĩ Ngy Cao Uyên (Tr/tá Nguyễn Cao

Nguyên)

Được họa sĩ thành lập năm 1974 tại Cần Thơ, địa phương nơi ông phục vụ, với mong muốn làm nền tảng cho việc phát triển văn hóa văn nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long, khởi đi từ thành phố này. Ông tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ tại địa phương với sự có mặt của nhiều văn nghệ sĩ thân hữu tên tuổi từ Sài gòn xuống cùng tham dự.

Nhà xuất bản Con Đuông, bước đầu ấn hành những tác phẩm của các cây bút thân hữu tên tuổi đã thành danh như Cung Trầm Tưởng, Ta Tỵ, Hoàng Anh Tuấn, Văn Quang và các cây bút mới có nhiều triển vọng, bắt đầu với nhà thơ Bùi Đức Long, quân nhân tại SĐ 4 KQ.

Các ấn phẩm của Con Đuông thường chỉ có số lượng vài chục và không quá 100 ấn bản, được thực hiện cách trang nhã đầy công phu, rất lạ: những trang ruột quay ronéo trên giấy dầy, bìa chỉ in chữ mầu tên tác phẩm, có hình chân dung tác giả là ảnh chụp dán vào, và mỗi bìa là một tranh vẽ tay của họa sĩ Lê Triều Điển, quân nhân thuộc Khối CTCT/SĐ 4 KQ.

*

Ngoài sinh hoạt văn chương báo chí kể trên, cũng còn có những tên tuổi KQ nổi bật ở nhiều lãnh vực, bộ môn khác nữa, Xin được giới thiệu:

. Về hội họa:

. Họa sĩ NGY CAO UYÊN (1933-    ): Tên thật Nguyễn Cao Nguyên. Ông theo học cùng khóa sĩ quan cơ khí KQ bên Pháp với thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Là người rất đam mê hội họa và sinh hoạt trong giới này liên tục cho đến tận bây giờ.  Những năm 1945-1947, ông bắt đầu thụ giáo họa sĩ Lê Quốc Lộc, một trong những người tốt nghiệp khóa cuối cùng trường Mỹ thuật Đông Dương.

Sau đó ông có cơ hội theo học với họa sĩ bậc thầy Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọ 1890-1973), họa sĩ đầu tiên của hội họa đương đại Việt Nam, người đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương với danh họaTardieu, và trực tiếp giảng dậy tại đó.

Những năm 1965-1970, ông có thời gian theo học với họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993), cũng là một họa sĩ nổi tiếng của hội họa Việt Nam thời kỳ đầu, nổi tiếng với nghệ thuật tranh sơn mài. Trong thời gian này họa sĩ Ngy Cao Uyên sáng tác nhiều mẫu vễ để công ty sơn mài Thành Lễ thực hiện trên các sản phẩm.

Năm 1966, ông thực hiện bộ tranh đồ họa, vẽ các thứ nghề cổ truyền của xã hội Việt Nam ngày xưa (khoảng gần 20 bức, được in ra trên loại giấy dầy, khổ 18cm x 24cm, với các nghề như: làm trống, làm quạt giấy, gò hàn, rèn, làm giò chả, nghề may, nghề mộc, chạm khắc, khảm trai, làm sơn mài, in mộc bản, làm ô, đóng giầy, nghề chằm nón, nghề kim hoàn, đồ tể…).

Họa sĩ Ngy Cao Uyên vẽ nhiều thể loại từ lụa, sơn mài, sơn dầu, mầu nước, đồ họa, trừu tượng, hiện thực. Riêng về tranh lụa, bút pháp của ông có nét riêng biệt, khác với tranh lụa truyền thống. Tranh của ông đã được triển lãm nhiều lần tại Việt Nam cũng như ngoại quốc ở Paris, San Francisco, Maine (Hoa Kỳ) trước 1975.

Ông là một trong những người thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ tại Sài gòn năm 1966, và đảm nhận vai trò chủ tịch tiên khởi.

Cấp bậc và chức vụ cuối cùng của ông là Trung tá Không đoàn trưởng KĐ 40 Bảo Trì & Tiếp Liệu, Sư đoàn 4 KQ Cần Thơ.

Thời gian phục vụ dưới Cần Thơ, ông chủ trương nhà xuất bản Con Đuông.

Sau 30.4.1975, ông sang Hoa Kỳ và tiếp tục vẽ, đồng thời giảng dậy về hội họa. Ông cũng có nhiều lần triển lãm các sáng tác mới và có phòng tranh riêng ở Washington D.C từ 1995.

Ông có về Việt Nam triển lãm tranh của mình năm 2015.

Những năm 1975-1976, ông nghiên cứu và thực hiện cách vẽ tranh Âm họa, gọi đơn giản là Rửa tranh, một lối vẽ hoàn toàn mới lạ, ý tưởng phát triển từ kỹ thuật tranh sơn mài. (Vẽ tranh theo nghệ thuật, kỹ thuật này,được họa sĩ giải thích phải đi qua trình tự là: bức tranh, sau khi vẽ xong bằng mầu nước trên giấy, sẽ đem ngâm trong nước cho mầu sắc loang ra, tan bớt. Sau đó người họa sĩ sáng tác sẽ chỉnh sửa các đường nét, mảng mầu theo ý muốn để hoàn thành).

Ông cũng còn làm thơ và viết văn. Sáng tác của ông ngoài việc gửi đăng trên tờ Lý Tưởng, còn được in chung trong Tuyển Tập Thơ Văn Không Quân Thời Chiến năm 1974.

Ông phụ trách việc trình bầy và minh họa cho tờ Lý Tưởng giai đoạn đầu.

Họa sĩ Ngy Cao Uyên hiện sinh sống tại Minnesota Hoa Kỳ.

. Họa sĩ CAO BÁ MINH (1942-    ). Ông là một trường hợp đặc biệt trong giới hội họa. Chỉ tự học do đam mê và có thiên khiếu với mầu sắc, không theo học hội họa với bất cứ ai hay trường lớp hoặc sách báo, nhưng lại thành danh rất sớm chỉ sau mấy năm cầm cọ. Ông bắt đầu vẽ từ năm 1966-1967, khi nhập ngũ vào KQ được ít lâu. Phục vụ tại Khối CTCT/BTLKQ, rồi thuyên chuyển ra Đà Nẵng năm 1968.

Ông được coi như là một họa sĩ tranh sơn dầu theo trường phái trừu tượng và siêu thực. Ông có cách dùng mầu và đường nét bố cục trong tranh rất lạ, mang tính đặc trưng. Tranh vẽ cũng thường có khổ lớn.

Ông cũng thực hiện nhiều mẫu bìa cho các ấn phẩm của nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến do nhà văn Thế Phong chủ trương, cùng các bìa sách, minh họa, tranh phụ bản cho tác phẩm, sách báo của các thân hữu.

Ông có cuộc triển lãm đầu tiên tại Phòng Thông tin Hoa Kỳ ngoài Đà Nẵng năm 1969 rất thành công gây tiếng vang. Tiếp theo đó là những lần triển lãm tại Trung Tâm Văn hóa Pháp ở Sài Gòn và tại Cần Thơ, Đà Lạt. Dưới sự bảo trợ của các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, ông cũng từng đưa tranh của mình sang giới thiệu với công chúng hội họa Pháp và Đức quốc trước 1975.

Sang Hoa Kỳ định cư năm 1991, ông tiếp tục sáng tác hội họa và nổi tiếng hơn. Tại Hoa Kỳ, ông thực hiện rất nhiều cuộc triển lãm cá nhân ở Orange County, nơi ông cư ngụ, cũng như tại các nơi khác Chicago, Virginia… Ôngcũng có những lần bầy tranh chung với các họa sĩ khác.

Ngoài việc vẽ tranh, ông cũng còn làm thơ và có tác phẩm xuất bản, tập thơ Áng Mây Trắng Xóa Rợp Bóng Chiều.

Họa sĩ Cao Bá Minh hiện sinh sống tại California.

. Về Âm nhạc và Ca nhạc:

Có rất nhiều những bản nhạc viết về KQ thật quen thuộc do các nhạc sĩ ngoài KQ sáng tác, đã giới thiệu hình ảnh đẹp của người chiến binh phi công KQ như: Không Quân hành Khúc (Văn Cao),Vùng Trời Mang Tên Ta, Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc, Điệp Khúc Trần Thế Vinh (Phạm Duy)_Hát Cho Người Vừa Nằm Xuống (Trịnh Công Sơn)_Bài Vinh Thăng Cho Một Loài Chim (Trầm Tử Thiêng)_Tuyết Trắng (Trần Thiện Thanh)_Một Chuyến Bay Đêm (Song Ngọc-Hoài Linh)…

Riêng bản Vùng Trời Mang Tên Ta được nhạc sĩ Phạm Duy viết cho KQ vào năm 1972, từng được đề nghị thay cho Không Quân Hành Khúc của nhạc sĩ Văn Cao, nhưng không được chấp thuận. Bản hùng ca này có những câu như: Vùng trời mang tên ta những người con đất nước, chắp cánh lên trời cao với mộng ước hoa niên…Anh hoa tiêu bay vào khung trời, tôi vô tuyến bên người không rời, anh điều hành và tôi cơ khí, ôi bao la là vùng trời mang tên ta…

Và cũng có nhiều người KQ trong lãnh vực sáng tác nhạc:

. Nhạc sĩ LAM MINH ( ?  ): Đây là bút hiệu của Đại tá Trần Minh Thiện sử dụng khi viết nhạc. Ông là tác giả hai nhạc phẩm viết theo điệu Paso Doble: Dấn Bước Thăng Trầm và Mơ Khúc Tương Phùng với những giai điệu và ca từ đẹp.

Hai nhạc phẩm này xuất hiện cùng với thời gian các phòng trà và vũ trường nở rộ vào những năm cuối thập niên sáu mươi.

Dấn Bước Thăng Trầm thật tươi vui hùng tráng, cất vang lời cổ võ thanh niên hăng say lên đường chiến đấu cho non sông đất nước, trong tinh thần hiên ngang hào sảng của tráng sĩ, luôn sẵn sàng xông pha, không ngại gì nguy khó. Bóng dáng người phi công phảng phất nhẹ nhàng nhưng rất rõ nét trong bản nhạc.

Bài này đã được nhiều ca sĩ trước năm 1975 như Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu trình bầy tại các phòng trà Sài Gòn và thu đĩa. Cũng được các thế hệ ca sĩ hải ngoại sau này trình bầy nhiều lần.

Mơ Khúc Tương Phùng nói về một tình yêu đẹp, thiết tha nồng cháy và không hề bi lụy thở than, dẫu có phải dở dang chia xa, vẫn tràn đầy tươi vui tin yêu trong nỗi ước mong buổi trùng phùng.

Nhạc phẩm này cũng được các ca sĩ Khánh Ly, Lệ Thu trình bầy và thu vào băng đĩa trước 1975. Vì nội dung không như Dấn Bước Thăng Trầm, nên ngoài các ca sĩ hải ngoại, các thế hệ ca sĩ trẻ trong nước cũng chọn để hát trong các chương trình của mình(Tam ca Áo Trắng, Đoan Trang…). Nhạc điệu bài hát cũng thường được dùng để mở đầu cho những buổi dạ vũ.

Không có nhiều chi tiết về năm tháng nhạc sĩ Lam Minh đã sáng tác hai bài này (đoán chừng thời ông còn trẻ, cuối năm mươi sang đầu thập niên sáu mươi, khi đã vào KQ), cũng như về các tác phẩm khác của ông. Ngoài thời gian trong đơn vị, ông còn là một nhạc sĩ chơi nhạc tại các phòng trà ở Nha Trang. Ông được biết đến như một người thật hiền lành, dễ mến và đầy khiêm tốn. Chính vì điều này, kể cả nhiều người thân cận trong KQ,ít người biết ông là tác giả hai bản nhạc thời danh, nêu trên, huống hồ những người theo dõi sinh hoạt âm nhạc Việt Nam.

Đ/tá Trần Minh Thiện là Sĩ quan Phụ trách ngành Trực Thăng tại Bộ Chỉ huy Hành quân Chiến cuộc, trực thuộc BTLKQ từ 1973 cho đến ngày cuối cùng. Ông là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành Trực Thăng từ những ngày đầu. Thời gian KQVN còn phụ thuộc vào KQ Pháp ngày đó, sau khi tốt nghiệp phi công cánh quạt ở trường huấn luyện bay Marrakech, cùng với mấy người cùng khóa nữa, ông được đưa lên Paris để học lái trực thăng.

Ông là Chỉ huy trưởng tiên khởi của Phi đoàn trực thăng Thần Tượng 215 tái lập ở Đà Nẵng tháng 9/1964, đầu năm 1965 chuyển về Nha Trang (PĐ 215 đầu tiên là Phi đoàn huấn luyện ở Tân Sơn Nhất, thành lập đầu 1963, giải thể tháng 5/1964).

Không có được chi tiết nào về ông sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 ở hải ngoại, chỉ biết rằng ông đã kịp rời khỏi Việt Nam.

. Nhạc sĩ NGÔ MẠNH THU (1938-2004): Đây là một tên tuổi quen thuộc trước đây tại Việt Nam cũng như hải ngoại sau này. Khi viết nhạc, ông sử dụng nhiều bút danh khác nhau như, Trần Tú, Trần Thái Mưu, Tâm Hòa…

Ông tốt nghiệp Thủ khoa Trường Ca Vũ Nhạc Phổ thông Sài Gòn năm 1956 và Thủ khoa bộ môn Ca Trưởng, Hợp xướng Trường Quốc gia Âm nhạc năm 1961.

Ông sáng tác hàng trăm ca khúc đủ thể loại từ Tình ca, Du ca, Sinh hoạt ca, nhạc Thiếu nhi, nhạc Phật giáo…Có những bài nổi trội như Từ Một Cơn Mơ, Dòng Sông Trăng, Hoài Niệm…

Ông từng là Ca trưởng Ca đoàn Vô tuyến Việt Nam của đài phát thanh Sài Gòn, Ca trưởng Ca đoàn Lửa Việt, sinh hoạt ngoài dân sự.

Ông cũng là một trong những Trưởng trụ cột của Phong trào Du ca Việt Nam, đồng thời cũng là một Huynh trưởng Gia đình Phật tử.

Các Ban Tam ca Ngàn Thông, Tứ ca Mây Ngàn do ông thành lập trình diễn trên nhiều sân khấu. Nhưng ông được biết đến như là một nhạc sĩ nhiều hơn.

Trong quân ngũ, ông phục vụ tại Đoàn Công tác Chính huấn, thành lập năm 1970 (viết tắt CTCH), trực thuộc Phòng Kế Hoạch & Chính huấn, VP.TMP.CTCT /BTLKQ, phụ trách Toán Chiến Sĩ Ca (CSC). Toán CSC có nhiệm vụ yểm trợ các buổi Học tập Chính trị tại các đơn vị qua việc trình bầy những bản hùng ca để cổ võ sĩ khí, tinh thần chiến đấu và phục vụ cho người lính KQ, bên cạnh việc thực hiện các buổi sinh hoạt Chính huấn đơn vị. Toán CSC khác với Ban Văn nghệ KQ thuộc Phòng Tâm Lý chiến, chuyên về trình diễn giải trí đơn thuần.

Ông sang Hoa Kỳ định cư tại California năm 1994 và hoạt động sôi nổi trong nhiều lãnh vực: giáo dục, văn học nghệ thuật, báo chí, phát thanh, sinh hoạt Du ca, sinh hoạt Phật sự…

Ông từ trần ngày 17.8.2004, thọ 67 tuổi.

. Nhạc sĩ NGUYỄN TRUNG CANG (1947-1985): Ông được biết đến nhiều qua nhạc phẩm nổi tiếng Thương Nhau Ngày Mưa hay các bản tình ca khác như Bước Tình Hồng, Bâng Khuâng Chiều Nội Trú, Mặt Trời Đen, Phiên Khúc Mùa Đông…bên cạnh các sáng tác thể loại nhạc trẻ cùng với Ban nhạc Phượng Hoàng, (thành lập năm 1970 và có các ca nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Elvis Phương, Trung Vinh).

Là một trong những nhạc sĩ có tiếng tăm trong phong trào nhạc trẻ của giới trẻ Sài Gòn thập niên 1970. Ngoài việc viết nhạc. ông còn sử dụng được nhiều nhạc cụ khác nhau, guitar lead, bass, keyboard…

Nhạc của ông được nhiều hãng Băng đĩa, công ty sản xuất âm nhạc, thu băng và phát hành rộng rãi.

Ông phục vụ trong Toán CSC Đoàn CTCH (có giới thiệu nơi phần nói về nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu bên trên).

Các ca sĩ hải ngoại và trong nước tiếp tục trình bầy các sáng tác của ông sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang là một người tài hoa nhưng mệnh yểu. Sức khỏe ông không được tốt cho lắm vì có bệnh hen suyễn kinh niên khá nặng. Ông từ trần tại Sài Gòn năm 1985 khi còn trẻ, mới 38 tuổi.

Ngoài các nhạc sĩ sáng tác vừa nêu, KQ cũng có những ca sĩ thời danh:

. Ca sĩ SĨ PHÚ (1942-2000): tên thật là Nguyễn Sĩ Phú, cấp bậc và chức vụ cuối cùng của ông là Th/tá Trưởng khối CTCT Căn cứ 20 Chiến Thuật KQ Phan Rang. Trước đó có thời gian ông phụ trách Ban Văn nghệ KQ, P.TLC/BTLKQ.

Ông vốn là một phi công trực thăng thuộc KĐ 74 Chiến thuật dưới Cần Thơ. Đam mê âm nhạc và có chất giọng trầm ấm thiên phú, ông bắt đầu nổi danh tại Sài Gòn từ 1966 qua những chương trình truyền hình của KQ, trong phần văn nghệ với những bản tình ca thời tiền chiến và các nhạc phẩm trữ tình của các nhạc sĩ đương thời.

Giọng hát của ông cùng phong thái lãng tử, được người hâm mộ vô cùng yêu mến. Tiếng hát Sĩ Phú được xếp ngang hàng với các danh ca Anh Ngọc, Duy Trác. Ông đi hát tại một vài phòng trà và thu nhiều băng đĩa, cá nhân cũng như cùng với các ca sĩ khác.

Th/tá Sĩ Phú còn đảm nhận vai chính trong cuốn phim Cánh Chim Tự Do thực hiện năm 1971-1972, nhằm giới thiệu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc trên không trung của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và mời gọi thanh niên gia nhập KQ. Cuốn phim có ý nghĩa như một Đời Phi Công của điện ảnh.

Ra đến hải ngoại sau ngày 30.4.1975, ngoài việc đi làm cho một công ty Hoa Kỳ ngành viễn thông, ông còn sinh hoạt ca nhạc một thời gian dài trước khi lâm trọng bệnh phải dừng lại.

Ông từ trần ngày 19.7.2000 khi chưa qua tuổi sáu mươi.

. Ca nhạc sĩ DUY QUANG (1950-2012): tên thật Phạm Duy Quang, và hai người em là Phạm Duy Minh, Phạm Duy Hùng, những người con của nhạc sĩ Phạm Duy, cả ba đều cùng phục vụ trong Toán CSC/Đoàn CTCH. Đây là trường hợp ưu ái đặc biệt Không Quân dành cho gia đình người nhạc sĩ đã có nhiều cống hiến cho văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Duy Quang được biết đến như đầu đàn của ban nhạc gia đình The Dreamers, thường trình diễn nhạc ngoại quốc trên nhiều sân khấu và các Club của quân đội Hoa Kỳ thời gian đó tại Việt Nam. Mãi sau ông mới hát riêng như một ca sĩ và thành danh với những bản tình ca của thân phụ, bên cạnh những bản nhạc trữ tình của các tác giả khác.

Ông sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ như guitar lead, bass, keyboard.

Tiếng hát Duy Quang được đánh giá là ấm và ngọt, diễn tả bài hát bằng phong thái rất tự nhiên một cách trọn vẹn, không hề làm dáng.

Băng nhựa có tiếng hát của ông và ban nhạc The Dreamers thường có số tiêu thụ khá lớn.

Sau 30.4.1975, trước khi ra được hải ngoại tiếp tục con đường ca hát, Duy Quang và mấy người em trai có thời gian bị kẹt lại trong nước vài năm.

Là người tài hoa, nhưng trong cuộc sống tình cảm và gia đình, ông gặp nhiều lận đận, trắc trở và buồn phiền.

Duy Quang cũng có thử trong lãnh vực sáng tác và chuyển thể lời Việt các bài hát ngoại quốc nhưng không mấy thành công. Đáng kể chỉ có bài Kiếp Đam Mê (nguồn cảm hứng sáng tác từ thơ của Huyền Công) ở hải ngoại.

Có thể đã không có một Duy Quang và các người em trong sinh hoạt nghệ thuật. Được biết ông bà Phạm Duy-Thái Hằng đã chỉ muốn các con mình theo đuổi việc học hành là chính; và ca hát, âm nhạc chỉ là phụ mà thôi. Nhưng trước sự đam mê mãnh liệt cua các con, ông bà cũng phải thuận theo và hướng dẫn thêm cho tất cả về chuyên môn trong âm nhạc.

Khoảng năm 2004, Duy Quang trở về Việt Nam ca hát, theo bước thân phụ, nhạc sĩ Phạm Duy và người em Duy Cường (một nhạc sĩ soạn hòa âm nổi tiếng).

Duy Quang quay lại Hoa Kỳ để điều trị khi lâm trọng bệnh và từ trần vào ngày 19.12.2012, để lại nhiều tiếc thương cho gia đình cùng người hâm mộ.

. Ca nhạc sĩ MINH PHÚC (1949-2019): tên thật Đặng Hữu Phúc.

Có niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt, lại được đào tạo căn bản, nên Minh Phúc có trình độ chuyên môn giỏi, khá chuyên nghiệp, nhất là về hòa âm, phối khí. Ông là một trong những học trò xuất sắc của lớp nhạc do vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Ngọc-Huyền Nga phụ trách (nằm trong con hẻm bên hông chùa Ngọc Hoàng, đường Phạm Đăng Hưng Sài Gòn), một nơi đã đào tạo nhiều tài năng ca nhạc. (Nhạc sĩ Huyền Nga tên thật Nguyễn Thị Nga 1929-2014, là một nữ nhạc sĩ Hạ uy cầm, hiếm hoi và nổi tiếng từ đầu những năm một chín năm mươi)

Ông có khả năng về cả thanh nhạc lẫn khí nhạc. Thường chơi guitar lead, guitar bass và cả keyboard trong ban nhạc. Ngoài việc đệm đàn, ông là giọng hát phụ họa cho nhiều tiếng hát tên tuổi trên các sân khấu trình diễn và phòng trà.

Minh Phúc thường hát những ca khúc ngoại quốc đủ thể loại khi ở trong ban nhạc The Top Five rồi Blackcaps (cùng với Tuấn Ngọc, Tùng Giang, Paolo…), chuyên trình diễn tại các Club quân đội Mỹ, cũng như tại các phòng trà và vũ trường như Chez Jo Marcel, Tự Do…, đặc biệt khi phong trào nhạc trẻ thịnh hành một thời. Sau này, nhất là khi ra hải ngoại, Minh Phúc mới hát thêm các ca khúc Việt Nam cùng với người bạn đời là ca sĩ Minh Xuân (ban nhạc Ba Con Mèo).

Minh Phúc cũng có mặt trong Toán CSC, Đoàn CTCH ngay từ ngày thành lập.

Vợ chồng Minh Phúc sang Hoa Kỳ vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975. Họ tiếp tục con đường sinh hoạt ca nhạc và vẫn giữ được tên tuổi với nhiều thành công.

Minh Phúc từ trần ngày 19.4.2019 tại California, sau hơn bốn năm chiến đấu với bạo bệnh.

. Ca sĩ ANH KHOA (1948-   ): tên thật Trần Công Khai. Ông phục vụ trong Ban Văn nghệ KQ và là tiếng hát chủ lực của những buổi trình diễn tại các đơn vị. Anh Khoa là một giọng hát truyền cảm quen thuộc và được mến mộ của sân khấu ca nhạc Việt Nam trước năm 1975. Có chất giọng trầm buồn rất riêng khi trình bầy bài hát, như thể lời thủ thỉ tự sự, kể lể tha thiết, qua những nhạc phẩm trữ tình, lãng mạn thời đó, đặc biệt là những tình khúc của nhạc sĩ Phạm Duy hay những Bài Không tên của nhạc sĩ Vũ Thành Anvà tình ca của những tác giả khác nũa.

Anh Khoa cùng quê đất biển Phan Thiết với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Có năng khiếu ca hát bẩm sinh và say mê với nghệ thuật này, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không có điều kiện theo học một trường lớp chuyên môn nào về âm nhạc. Từ hồi niên thiếu, đã từng đại diện cho tỉnh nhà, dự thi và đoạt giải nhất về ca hát dành cho lứa tuồi thiếu nhi,trong một chương trình thi đua văn nghệ lớn tại rạp Quốc Thanh Sài Gòn.

Tự mày mò học hỏi và tìm hiểu qua sách báo về nhạc lý cũng như kỹ thuật sử dụng guitar. Thế nhưng Anh Khoa lại may mắn khi đạt đến danh vọng và thành công khá nhanh, chỉ một thời gian khá ngắn, khoảng chừng vài năm sau khi thử sức ở một hai ban nhạc tỉnh lẻ không suông sẻ, rồi đặt chân đến Sài Gòn năm 1969. Một phần cũng nhờ sự tận tình nâng đỡ của nhạc sĩ lão luyện đàn anh Jo Marcel (1938-   ), đã đưa Anh Khoa từ một nhạc sĩ chơi bass trong ban nhạc, bỗng chốc vụt sáng thành một tiếng hát ăn khách, xuất hiện hàng đêm tại các phòng trà ngày đó như Ritz, Tự Do, Queenbee…và trong nhiều băng đĩa nhạc như Shotguns, Thương Yêu, Hãng Dĩa Việt Nam… .

Anh Khoa sinh hoạt bền bỉ với âm nhạc, kể cả sau 30.4.1975, bị kẹt lại trong nước hơn mười năm cho đến khi lập gia đình năm 1989 và sau đấy sang Đông Âu sinh sống (vợ ông người Hungary, con gái một viên chức ngoại giao).Điều này khiến Anh Khoa có thời gian bị gián đoạn với âm nhạc Việt Nam. Ông đã sớm trở lại khi có sự cộng tác với các Trung Tâm Ca nhạc bên California như Asia, Thúy Nga Paris…

Năm 2015, Anh Khoa có về Việt Nam tham gia một chương trình ca nhạc cùng với nhạc sĩ Đức Huy.

Ông cũng thực hiện một vài đĩa và Album nhạc riêng cho mình.

Anh Khoa là người chung thủy và yêu quý gia đình. Dù có những dịp đi đây đó để trình diễn, nhưng Hungary vẫn là nơi chỗ ông quay về bên vợ con, vì đã chọn nơi này là quê hương thứ hai cho đến cuối cuộc đời.

Thành phố Houston Hoa Kỳ cũng là một chọn lựa khác của ca sĩ Anh Khoa.

*

Tháng Tư năm 1975 đầy oan khốc và cay đắng, đã đem mây đen mù mịt bao phủ khắp vùng trời quê hương. Những cánh chim tac tác lìa đàn, vội vã cất cánh, hối hả bay đi tìm phương trời tự do, bỏ lại bên dưới đôi cánh sắt,phi trường thân yêu cùng tất cả mọi thứ thân quý của bao tháng năm chắt chiu.

Và cho đến ngày hôm nay, đã qua mấy mươi mùa thương hận, giữa những trang chiến sử oai hùng lẫm liệt vẫn luôn đượcnhắc lại, những điều trình bầy trên đây chừng như lạc lõng và không cần thiết cho lắm.

Nhưng có lẽ cũng không đến nỗi thừa thãi, vì đó là một phần trong tháng năm ký ức đẹp đẽ của dòng sinh hoạt văn học nghệ thuật KQ, bên cạnh hình ảnh những cánh chim vẫy vùng trên khắp vùng trời tổ quốc Việt Nam thân yêu, đóng góp phần máu xương cho biết bao nhiêu chiến công hiển hách trong sử xanh một thời.

Và cũng để nói lên bản chất của chế độ tự do đích thực Việt Nam Cộng Hòa, mà người văn nghệ sĩ, cách riêng văn nghệ sĩ quân đội, trong đó có văn nghệ sĩ Không Quân, luôn được hoàn toàn tự do sáng tác và sinh hoạt, không bao giờ phải cúc cung giữ vai trò văn nô, làm công cụ tuyên truyền cho chế độ, như tất cả mọi tầng lớp văn nghệ sĩ dưới chế độ Cộng sản.  ./.

ngọc tự.

tháng 6/2020.

 

 

 

©T.Vấn 2020


===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ