Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

" Đọc văn Phạm Xuân Đài / bài viết: Trần Yên Hòa -- source: nguoi-viet.com>

 


Đọc văn Phạm Xuân Đài

TRẦN YÊN HÒA

òa

ANAHEIM, California (NV) –i biết nhà văn Phạm Phú Minh trước khi biết anh là nhà văn Phạm Xuân Đài. Sau cuốn “Hà Nội Trong Mắt Tôi” thì 26 năm sau, tác giả Phạm Xuân Đài mới cho ra mắt tác phẩm thứ hai là “Đi, Đọc và Viết.”

Nhà văn Phạm Phú Minh. (Hình: Tài liệu)

Hồi đó, khoảng những năm sau 2000, mỗi ngày đi làm việc ở hãng về, tôi thường đến các tiệm sách, nhất là tiệm Tú Quỳnh, để đọc “ké” sách. Thấy cuốn nào hay thì mua, còn không thì đọc để biết tin sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật cộng đồng.

nguyệt san Thế Kỷ 21. Sau khi dò tìm tên người chủ bút và địa chỉ, tôi về nhà liền tìm cách gởi vài cái truyện tôi đã viết cho báo này.

Dĩ nhiên trước đó, tôi cũng đã mua và đọc mấy số Thế Kỷ 21. Tôi rất thích vì nội dung của tờ báo vừa có những mục kiến thức phổ thông, khảo sát, nghiên cứu lịch sử hay văn học. Còn có thêm mục Văn Học Nghệ Thuật gồm thơ, văn (truyện).

Chủ bút tờ Thế Kỷ 21 lúc đó là nhà văn Phạm Phú Minh.

Tôi ghi địa chỉ và gởi bài đi.

Hồi đó chưa có email như bây giờ. Tôi phải đánh máy, rồi ra tiệm điện tử mua một hộp CD, về chép bài vào CD, mới gởi thơ đi qua đường bưu điện. Cũng mấy tháng sau tôi mới thấy truyện ngắn của mình xuất hiện trên Thế Kỷ 21. Tôi rất vui.

Phạm Phú Minh là chủ bút tờ báo, nhưng tôi vẫn xa lạ, vì chỉ biết nhau qua tờ Thế Kỷ 21, không có một liên lạc gì gọi là tình thân.

Nhưng tôi cũng ngưỡng mộ anh lắm, vì Phạm Phú Minh là chủ bút một tờ báo giá trị như thế này, nó “cao” quá, cách xa tôi quá. Tôi chỉ là người viết bình thường, gởi bài đăng.

Sau đó, tôi điện thoại làm quen. Tôi đã đến nhà và được anh tiếp đãi rất vui vẻ, cởi mở.

Qua tìm hiểu tôi biết thêm, anh Phạm Phú Minh là người cùng quê Quảng Nam với tôi. Anh là con một vị đốc học có tiếng ở quê tôi.

Sau này, nhà thơ Đạm Thạch thường rủ tôi, Thành Tôn, Trần Văn Nam đi uống cà phê hằng tuần. Đạm Thạch lại mời thêm anh Phạm Phú Minh, nên đây là một thời gian dài, trên mười năm, chúng tôi gần gũi nhau, tâm sự nhiều hơn.

Anh Minh cho biết, anh chính là Phạm Xuân Đài, tác giả cuốn “Hà Nội Trong Mắt Tôi.” Anh lấy tên đứa con gái lớn làm bút hiệu.

Và tôi được anh biếu cuốn sách này.

Cuốn “Hà Nội Trong Mắt Tôi” do Thế Kỷ (California) xuất bản năm 1994. (Hình: Tài liệu)

Sự ra đời tác phẩm “Hà Nội Trong Mắt Tôi”

Theo Phạm Xuân Đài, anh viết cuốn “Hà Nội Trong Mắt Tôi” lúc còn ở Việt Nam (1989). Sau 1975, anh bị đi tù Cộng Sản vì ở trong thành phần “ngụy quyền.” Anh đi tù đến 13 năm. Một thời gian quá dài đối với một đời người.

Sau đây là bài giới thiệu sách “Hà Nội Trong Mắt Tôi:” “Bài này tác giả viết năm 1989 khi còn ở Việt Nam. Đã được đăng trên báo Xuân Người Việt (Hoa Kỳ) năm 1990 và sau đó in trong cuốn tùy bút ‘Hà Nội Trong Mắt Tôi,’ do Thế Kỷ (California) xuất bản năm 1994. Đây là cảnh tượng Hà Nội, tuy đã bước vào con đường ‘đổi mới’ được mấy năm, vẫn còn mang nặng dấu ấn xã hội chủ nghĩa trước khi đón nhận các đổi thay đến từ các nước tư bản. Có thể xem bài này là một tài liệu ghi lại chứng tích của một thời. (Tác giả).”

Vào sách, Phạm Xuân Đài viết: “Ngày xưa khi Lãn Ông được Chúa Trịnh mời lên kinh đô chữa bịnh, lúc về có viết tập Thượng Kinh Ký Sự kể những điều mắt thấy tai nghe ở chốn kinh thành, nhất là cảnh trong phủ chúa. Nay tôi vì có việc riêng phải đi Hà Nội, cũng là một lần ‘thượng kinh,’ mà lại là lần đầu tiên nên lòng ngổn ngang cũng muốn ghi lại ít điều nghe thấy và cảm xúc, mặc dù hoàn toàn không dám so sánh với việc viết ký sự của Lãn Ông.”

Về người Hà Nội, được Phạm Xuân Đài tả như sau: “Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, đừng nói gì đến văn vẻ. Mua một cái tem ở Bưu Điện, ăn một cốc kem bên bờ hồ đã được nghe những câu trả lời chỏng lỏn lạnh lùng, có khi thiếu lễ độ, như mình là người đến để làm phiền người ta vậy. Một cử chỉ ân cần, một thái độ tử tế là biểu hiện trực tiếp của một người có lòng ân cần, tử tế, và một sự hòa hợp mà xã hội tạo ra cho các thành viên của nó; đó là điều hiếm hoi ngày nay.”

Nhận xét đầu tiên của tôi là văn phong của Phạm Xuân Đài trong “Hà Nội Trong Mắt Tôi” có một lối hành văn nhẹ nhàng, trong sáng. Dù phê bình những hiện tượng rất xấu trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử của người Hà Nội (1989), nhưng tác giả vẫn viết bằng một giọng văn từ tốn. Người ta vẫn thường nói, “văn là người,” rất đúng với trường hợp con người của tác giả Phạm Xuân Đài.

Sách dày 190 trang, trình bày trang nhã. Thế Kỷ xuất bản năm 1994.

Nội dung gồm có (một số) tựa đề sau: Hà Nội trong mắt tôi, Nét Xuân Sơn, Giấc Hương Quan, Quan Niệm Phước Đức trong Văn Hóa Việt Nam, Giải Oan, Chùa là cái Thiện của làng… Đó là những đề tài phát xuất từ cái tâm Thiện của Phạm Xuân Đài.

Cuốn “Đi, Đọc và Viết” do nhà xuất bản Văn Học Press (California) xuất bản năm 2020. (Hình: Tài liệu)

Và “Đi, Đọc và Viết”

Từ năm 1994 đến 2020, trong suốt 26 năm, tác giả Phạm Xuân Đài mới cho ra mắt tác phẩm thứ hai là, “Đi, Đọc và Viết.”

Trong suốt 26 năm đó, riêng nhà báo Phạm Phú Minh đã làm được rất nhiều việc khác, về lãnh vực văn hóa như sau:

-Phối hợp tổ chức triển lãm hội thảo về Phạm Quỳnh (ngày Phạm Quỳnh 1999).

-Hội thảo Văn Học Việt Nam tại hải ngoại, 2007.

-Triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn 2013.

-Hội thảo về Văn Học Miền Nam, 2014.

-Triển lãm và hội thảo về Trương Vĩnh Ký, 2018.

Tất cả những những tổ chức này đều diễn ra tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

Và hiện nay, Phạm Phú Minh là chủ bút tạp chí oneline Diễn Đàn Thế Kỷ (từ 2010, diendantheky.net).

Cơn đại dịch COVID-19 khởi đi từ Tháng Ba, 2020, trên khắp nước Mỹ, nên chúng tôi (tôi, Thành Tôn, Phạm Phú Minh) cũng không còn gặp nhau hằng tuần, để bù khú cà phê nữa.

Một hôm nhận được điện thoại của anh: “Anh vừa mới in cuốn sách mới, ‘Đi, Đọc và Viết.’ Hôm nào Hòa đi ra Bolsa, ghé nhà, anh biếu cuốn sách về đọc.”

Tôi thật vui, thế là anh vẫn nhớ đến tôi và ngày hôm sau tôi liền ghé nhà anh để nhận sách.

“Đi, Đọc và Viết” do nhà xuất bản Văn Học Press xuất bản năm 2020. Sách dày 390 trang. Thiết kế bìa là họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp. Sách in trên giấy láng trắng, có những hình ảnh đen trắng hay màu, sắc nét và rõ ràng.

Trong lời nói đầu của tác giả, Phạm Xuân Đài đã bộc bạch tâm sự: “Mãi đến bây giờ năm 2020, hai mươi sáu năm sau lần xuất bản quyển sách đầu tiên, tôi mới nghĩ đến in cuốn thứ hai. Điều đó cho thấy tôi thực sự không phải là nhà văn đúng nghĩa, mà chỉ là một người làm báo và viết báo.”

Những lần ngồi nói chuyện với Phạm Xuân Đài, anh vẫn không nhận mình là nhà văn.

Tuy nhiên đọc qua hai tác phẩm của anh, từ “Hà Nội Trong Mắt Tôi” đến “Đi, Đọc và Viết” đã thấy ngay, chính anh là nhà văn đúng nghĩa. Với lối viết chững chạc, mực thước, anh kể rạch ròi mạch lạc của mỗi chuyến đi. Thể loại này bây giờ gọi là ký, hay ký sự, nghĩa là ghi lại đúng sự việc mình đã trải qua.

Anh cũng tự bộc bạch tiếp theo: “Tôi chẳng sáng tạo, hay ‘hư cấu’ một chuyện gì, mà chỉ diễn tả những cảm nhận, những kiến giải của riêng tôi với những ‘tác phẩm’ đã có sẵn.”

Chuyện viết ký, nhất là “du ký,” kể lại những nơi anh đã đi qua như “Đi Tây, Hoa Xuân ở Hòa Lan, Đến Với Nước Nga, Đi Tàu…” là những nét chấm phá rất tài tình, rất hấp dẫn, như người họa sĩ vẽ tranh, Phạm Xuân Đài đã ghi rất nhạy bén và hấp dẫn khung cảnh mỗi nơi. Cái khó của người viết ký là kể chuyện làm sao cho người đọc, đọc không chán… Phạm Xuân Đài đã làm được việc đó.

Về “Đi Tàu” tác giả đã dẫn chúng ta theo đến những nơi như Bắc Kinh, Cấm Thành, Cung Điện Mùa Hè, Vạn Lý Trường Thành… mỗi địa danh, tác giả đã đưa ta đến một nơi chốn, như hiển hiện trước mặt mình nơi chốn đó, rất thực… kèm theo những nhận xét tinh tế của tác giả.

Tóm lại, với hai tác phẩm, cách nhau 26 năm, gần 600 trang giấy, Phạm Xuân Đài xứng đáng là người viết ký xuất sắc, khiến độc giả thích thú (phải) đọc cho hết từ trang đầu đến trang cuối.

Với tôi, Phạm Xuân Đài là nhà văn đúng nghĩa. [qd]  ./.


TRẦN YÊN HÒA


source: nguoi-viet.com>


=========================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ