Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

' về nhà văn, nhà phê bình VÕ PHIẾN ' / bài viết: Đặng Phú Phong -- source : nguoi-viet.com>

 

Tưởng Nhớ Nhà Văn Võ Phiến

Võ Phiến Tên Thật Đoàn Thế Nhơn, Sinh 20 Tháng 10 Năm 1925 Tại Huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ông Còn Có Bút Danh Là Tràng Thiên Trên Nhiều Tác Phẩm Khác. Nhưng Đứa Con Tinh Thần Mà Ông Bỏ Nhiều Thời Gian, Công Sức Nhất Lại Là Một Tác Phẩm Đồ Sộ Tập Trung Giới Thiệu Các Tác Giả, Tác Phẩm Kéo Dài Từ Năm 1954 Tới Năm 1975.
Sau 30 Tháng 4 Năm 1975, Ông Định Cư Tại Hoa Kỳ.
Ông Sống Tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ. Ông Qua Đời Lúc 7 Giờ Tối Ngày 28/09/2015 Tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ, Hưởng Thọ 90 Tuổi.


Nhà văn Võ Phiến và phu nhân-Bà Viễn Phố

 

Phiến, Một Vài Chung Quanh.

Đặng Phú Phong

Ông Võ Phiến gọi Nguyễn Mộng Giác là một người “thàng”(hậu). Ông Nguyễn Mộng Giác cũng gọi Võ Phiến là “thàng”. Và, hai ông định nghĩa thàng”như sau:

Nguyễn Mộng Giác: “Thàng” không phải là hiền. “Thàng” là một chữ định hình, chứ không định tính. Người thàng, là người ít nói, tránh né những tranh chấp rắc rối, sẵn sàng chịu phần thua thiệt để giữ hòa khí, cố giữ bề ngoài đơn giản lùi xùi để không bị ai xem là kẻ quan trọng. Người thàng có thể hiền lành vì không dám làm việc dữ. Nhưng người thàng cũng có thể có những phản ứng bất ngờ dữ dội khi đột nhiên không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt. Người ta bảo người thàng hay cộc.” (Đặc san Tây sơn –Bình Định,1999)

Và Võ Phiến: “Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghĩa gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không. Hiền hậu, thực thà là một đức tình, một nết hay; thàng hậu còn là một vẻ người hiển hiện ra bên ngoài, trông rõ mồm một. Người thàng, thàng từ tiếng cười giọng nói, nét mặt, thàng đi. Mà người thàng thì trời ơi, trong trí nhớ của tôi, tôi mường tượng mọi người Bình Định đều thàng hết: anh Ba, chị Bốn, ông Bảy, bà Năm, cô Tư, cậu Tám vv… Hết thảy, không ai là không thàng. Muôn người như cùng một vẻ, một giọng.”(Võ Phiến viết tựa cho Cuốn Ngựa Nản Chân Bon của Nguyễn Mộng Giác.).

Chữ Thàng, trước hết, là chữ của người Bình Định, nếu tính vào thời điểm 2015 này thì “thàng” đã thành chữ cổ. Thuở thiếu thời (thập niên 1950) tôi thỉnh thoảng nghe song thân tôi dùng chữ “thàng” để nói về một người nào đó trong thôn xóm. Tôi hiểu lơ mơ “thàng” có nghĩa là hiền, là… thàng. Sau đó do việc di chuyển chỗ ở, tuy rằng chỉ ra tỉnh lỵ, tôi không còn nghe ai dùng chữ thàng nữa. Rồi chữ thàng biến mất trong mớ chữ nghĩa lơ tơ mơ của tôi. Cho đến khi tôi đọc Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, nhất là thời gian ở hải ngoại, chữ thàng được hai ông định nghĩa thật rốt ráo, đến cho dù không phải là người Bình Định cũng có thể hiểu rõ ràng “ thàng” và “người thàng “ là như thế nào. Và, chữ thàng cũng được giới văn học thường xử dụng để chỉ 2 ông Nguyễn và Võ.

Ông Nguyễn thì thật sự là dòng họ Nguyễn. Còn họ Võ của ông Võ Phiến thì không phải vậy. Ông, tên khai sinh là Đoàn Thế Nhơn, vì yêu cái tài sắc, cảm cái tấm lòng đôn hậu của vợ ông là bà Võ Thị Viễn Phố, từ bút hiệu Đắc Lang (Những đêm đông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật.) ông đã nói lái Viễn Phố thành Võ Phiến làm bút danh cho đến cuối đời. Tôi ngờ rằng khi nói lái ông Võ Phiến đã bị lợn cợn khi Viễn Phố lái ra sẽ thành Vỗ Phiến nghe nó không ra làm sao cả. May quá! Có cứu tinh đây rồi. Bà Viễn Phố họ Võ. Vậy thì cứ việc thẳng tay ném đi cái mũ. Thành ra Võ, lại là họ của nàng cũng là họ của chàng. Khéo thay chữ nghĩa! Hai người mãi mãi bên nhau và chỉ một. Tôi thật sự xúc động khi nhìn tấm hình ông bà mỗi người một bên đẩy chiếc senior walker cùng đi bách bộ. Keo- sơn- gắn- bó là đây.

Giới văn nghệ sĩ gọi thêm ông một cái tên “Ông già tinh quái”. Nhưng tại sao là “ông già”?. Chỉ khi ông già rồi mới viết văn “tinh quái” hay sao? Tôi e rằng không phải vậy. Chất “tinh quái” của Võ Phiến đã có từ lâu. Từ lâu lắm lận. Từ Người Tù (1955), Dung (1956), Lỡ Làng (1956), Anh Em (1957), Thác Đổ Sau Nhà, Lẽ Sống (1958)… Từ: Anh Bốn Thôi, Chị Lộc, Ba Thê Đồng Thời, ông Tú Từ Lâm, Hữu…

Lại một phen chữ nghĩa! Cái này phải tôn Võ Phiến là bậc thầy. Ông cứ nhẩn nha viết. Bắt người ta phải hút theo chữ nghĩa “chẻ sợi tóc làm tư, làm tám” của ông. Lâu lâu, cắc cớ đưa ra những ý tưởng làm độc giả giật mình, phải đọc lại lần nữa, rồi giật mình lần nữa (không khỏi cười mỉm thích thú): “Cái ông này thâm thật, tài thật”. Tinh quái, trước hết là tinh tế. Ông nhìn sự việc thật tinh tường qua ngòi bút điêu luyện, làm chủ vấn đề sự kiện. Điều này người đọc dễ dàng nhận ra ở những bài tạp bút, tùy bút của ông. Còn quái thì sao? Ông Võ Phiến có “quái” không? Thiệt là khó! Tôi xin nhón nhóm chữ “suy đoán vu vơ” của ông dùng để khiêm tốn bày tỏ ý kiến của mình: “quái” là không phải bình thường, quái là lạ, nhưng không phải là quái dị. Còn gì nữa nhỉ. Ờ, phải có cái hậu là vui, qua quá trình soi thấu sự uyên thâm. Như vậy “ông già tinh quái“ ở đây chỉ cho sự uyên bác, thâm trầm, hóm hỉnh lấy được sự kính nể từ nhiều người khác. Nếu cần thêm một chút mắm muối, tôi có thể mượn đoạn văn của Võ Phiến để cho ý của mình đậm nhạt: “Nghề viết văn loay hoay một cách… cảm động. Riêng người Việt lại còn mối cảm kích đối với cái ngôn ngữ của mình sử dụng… Hơn sáu mươi năm trước thường đọc lang thang, môt hôm tôi gặp bài “Đợi Thơ” của Hồ Dzếnh. Lời lời hoa mỹ, câu nào câu nấy chật ních những địa danh xa xôi, mơ hồ, mộng ảo, tôi mê tơi, “ngâm” đi “ngâm lại”:

(…) Tô Châu lớp lớp Phù kiều
Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam
Rạc rời vó ngưa quá quan
Cờ treo ý cũ mây dàn mộng xưa
Biển chiều vang tiếng nhân ngư
Non xanh thao thiết trời thu rượi sầu
Nhớ thương bạc nửa mái đầu
Lòng vương quán khách nghe màu tà huân (…)”.

Lời không hiểu mấy, ý không rõ mấy, nhưng mặc kệ: tôi thích, mê tơi. Tôi có chú ý đến mấy tiếng “non xanh thao thiết”. “Thao thiết” ám ảnh tôi. Xanh thao thiết là xanh cách nào? Không biết đích xác, nhưng tôi cho đó là một chữ tài tình, đúng với màu núi “nọ”(?)…”. (Viết Lách, Trong Cuối Cùng, Võ Phiến)

Cũng từ đoạn văn trích trên nó điển hình cho cách Võ Phiến đã đưa ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết thật tài tình. Không biết cơ man những “câu nào câu nấy chật ních”, “tôi mê tơi” nằm trong các tác phẩm của ông.

Tôi là người Bình Định nên ưa ông cũng chỉ là chuyện thường. Tôi có chắc một điều là người miền Bắc, miền Nam cũng rất yêu, thích ông. Tôi cũng chắc rằng nếu có người dịch toàn bộ tác phẩm ông ra tiếng nước ngoài, họ cũng sẽ thích ông. Giống như người Việt thích Stefan Zweig qua những bản dịch của ông.

Tôi không có ý định bước vào văn nghiệp của Võ Phiến. Chỉ một vài, thật ít, chung quanh ông. Mà thôi!

    ĐẶNG PHÚ PHONG


source: nguoi-viet.com>


============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ